Tiếp cận văn bản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn làng Thái Lai

TÙY PHONG*

     Trong một lần về làng Thái Lai (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh), chúng tôi may mắn được tiếp cận một số văn bản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn. Tất cả các tài liệu này hiện được cất giữ một cách hết sức cẩn thận trên bàn thờ tư gia của ông Nguyễn Trọng Ngần. Sau quá trình nghiên cứu, phân loại và định dạng văn bản, chúng tôi nhận thấy trong số các tài liệu này hiện gồm có 02 tờ Bằng cấp, 01 bản Chế phong và 01 cuốn Gia phả. Nhận thấy đây là những tài liệu rất có giá trị về mặt sử liệu nên xin được giới thiệu toàn bộ nội dung cụ thể như sau.

     Văn bản thứ nhất:

     Phiên âm chữ Hán:

     Bắc chuyển vận sứ Tham biện Trần vi bằng cấp sự

     Chiếu đắc khứ niên nhị nguyệt nhật Quảng Bình tỉnh cấp bằng nội tự. Bắc tào Vĩnh Hòa bang Bách hộ huyền khuyết, tra hữu y bang Thuyền hộ Nguyễn Văn Ký, ứng vụ niên thâm, hải trình am thục, đệ niên tải nạp quân đắc thỏa tế, vi nhân suy phục, cụ hữu Phó quản lãnh viên kết nhận thuộc xác suy bổ y bang Thí sai Tòng cửu phẩm Bách Hộ dĩ sung thừa biện đẳng nhân. Tư sát chi, cai danh tự suy bổ lai tư nhận chân thừa biện sự sự thanh thỏa, bang nội diệc đắc suy phục, sở ứng tăng cấp dĩ quan phấn miễn, triếp thử hợp hành bằng cấp. Nghi hiệp đồng Phó lãnh đốc vận viên suất chư thuyền hộ nhân đẳng đệ niên tuân y trình hạn kết đoàn lãnh nạp hảo khứ hảo hồi, vụ kỳ ổn thỏa. Nhược sở sự phất kiền, hữu công pháp tại. Tu chí bằng cấp giả.

     Hữu bằng cấp.

     Quảng Bình Bắc tào Vĩnh Hòa bang Thí sai Tòng cửu phẩm Bách Hộ Nguyễn Văn Ký cứ thử.

     Tự Đức nhị thập nhất niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật.

     Tạm dịch:

     Tham biện1 họ Trần của Bắc Chuyển vận sứ, nói về việc cấp giấy chứng nhận.

     Chiếu theo vào tháng hai năm ngoái, tỉnh Quảng Bình trình khuyết chức Bách Hộ của bang Vĩnh Hòa thuộc Bắc tào. Xét có thuyền hộ ở bang đó là Nguyễn Văn Ký làm việc đã lâu năm, quen thuộc hải trình. Hàng năm chuyên chở (hàng hóa) về nộp đầy đủ, được mọi người tin phục, có viên Phó quản lãnh nhận thực. Nên bổ cho làm Thí sai Bách Hộ Tòng Cửu phẩm Bách Hộ của bang này để sung cho công việc.

     Nay xét thấy người này từ ngày bổ dụng đến nay mọi việc đều ổn thỏa, trong bang đều kính phục, nên tăng cấp để khích lệ. Nên hợp lệ giấy chứng nhận.

     Đương sự nên cùng viên Phó lãnh đốc suất nhân viên vận chuyển hàng năm tuân theo lộ trình đi về giao nộp cho đầy đủ. Nếu để trễ nải không hoàn thành nhiệm vụ thì lấy phép nước ra mà luận tội.

     Ngày 15 tháng 05 niên hiệu Tự Đức năm thứ 21 (1868).

     Văn bản thứ hai:

     Phiên âm chữ Hán:

     Sắc Bắc tào Vĩnh Hòa bang Thí sai Tòng Cửu phẩm Bách Hộ Nguyễn Văn Ký quán Quảng Bình tỉnh, Quảng Trạch phủ, Bố Trạch huyện, Hà Bạc thuộc, Lý Hòa thôn, thí sai kỳ mãn, kinh Hộ bộ suy cử. Tư Binh bộ thanh tự chuẩn nhĩ bổ thụ y bang Tòng Cửu phẩm Bách Hộ, suất sở thuộc nhân đẳng tòng Cai quản viên sai phái công vụ. Nhược sở sự phất kiền, hữu công pháp tại. Khâm tai!

     Tự Đức nhị thập tứ niên lục nguyệt nhị thập lục nhật.

     Tạm dịch:

     Sắc cho Thí sai2 Tòng Cửu phẩm Bách Hộ Nguyễn Văn Ký thuộc Bắc Tào3 Vĩnh Hòa bang, quê ở thôn Lý Hòa, thuộc4 Hà Bạc, huyện Bố Trạch, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hạn Thí sai đã hết, được bộ Hộ đề cử. Nay bộ Binh thuận theo, chuẩn y bổ nhiệm cho nhà người làm Tòng Cửu phẩm Bách Hộ của bang này để dẫn dắt thuộc viên theo người điều hành sai phái công việc. Nếu không cẩn trọng trong công việc thì đã có phép nước định sẵn.

     Hãy kính noi theo!

     Ngày 26 tháng 06 niên hiệu Tự Đức năm thứ 24 (1871).

     Văn bản thứ ba:

     Phiên âm chữ Hán:

     Thừa thiên hưng vận, Hoàng đế sắc viết:

     Trẫm duy:

     Nhân thần nghĩa bất từ nan lý ba đào như bình địa,

     Vương giả ân suy điệu vãng bái vũ lộ vu tuyền thất.

     Tư nhĩ: Thuyền hộ nguyên tòng cửu phẩm Bách Hộ, cố Nguyễn Văn Ký:

     Kỹ thiện chu hàng, chức sung tào vận.

     Bình sinh trung tín tương lợi thiệp chi khả kỳ.

     Thử nhật phong ba khái (?) nguy chi mạc tế.

     Phiêu bạc trùng hoài vu tử sự.

     Biểu dương hạt lận phù long ân.

     Tư đặc truy tặng nhĩ vi Hiệu Lực Hiệu Úy Chính cửu phẩm Bách Hộ.

     Tích chi sắc mệnh.

     Ô hô!

     Nhất tự vinh bao thức, thị khuyến trung chi điển.

     Cửu nguyên khả tác thượng ưng sủng mệnh chi quang.

     Minh mạc hữu linh. Chi thừa vô dịch.

     Khâm tai.

     Tự Đức nhị thập bát niên nhị nguyệt sơ tam nhật.

     Tạm dịch:

     Thay mệnh trời dấy vận nước, Hoàng đế ban sắc rằng:

     Trẫm nghĩ:

     Bề tôi vì nghĩa chẳng nề gian khó, vượt sóng gió như đất bằng phẳng.

     Vương giả ra ân để tỏ lòng thương tiếc, ban móc mưa đến chốn cửu tuyền.

     Nay nhà ngươi Tòng cửu phẩm Bách Hộ cố5 Nguyễn Văn Ký

     Thạo việc thuyền bè, giỏi nghề thủy vận.

     Bình sinh trung tín, chịu nhiều khó nhọc.

     Gặp lúc phong ba, lắm việc nguy nan.

     Nổi trôi đáng thương mà chết. Ân lớn nào biết thưởng ban.

     Nay đặc biệt truy tặng người là Hiệu Lực Hiệu Úy Chính Cửu Phẩm Bách Hộ.

     Ban cho cáo mệnh.

     Hỡi ôi!

     Một tiếng thưởng khen là phép tắc khuyến khích trung thành.

     Suối vàng yên nghỉ để ân sủng càng thêm sáng tỏ.

     Cõi âm hiển linh, hưởng thừa mãi mãi.

     Ngày mồng 03 tháng 02 niên hiệu Tự Đức năm thứ 28 (1875).

     Cả 3 văn bản này đều được thể hiện trên chất liệu giấy dó bản mịn. Bên trái là toàn bộ nội dung chữ Hán, bên phải là dòng lạc khoản đề ngày tháng năm và niên hiệu của nhà vua viết đè lên dấu triện màu đỏ. Thông qua các văn bản nêu trên, chúng ta có thể hình dung được cách thức sử dụng, bổ nhiệm nhân lực tham gia vào các công việc cụ thể của triều đình dưới thời vua Tự Đức (1848 – 1884). Nếu như văn bản thứ nhất được xem là giấy chứng nhận tuyển dụng nhân sự thì văn bản thứ hai là quyết định bổ nhiệm chức vụ chính thức hiện hành, được trao cho một cá nhân cụ thể của nhà nước lúc bấy giờ. Sự chặt chẽ ở đây được thể hiện một cách hết sức rõ ràng thông qua thời gian tập sự với sự chứng kiến và tín nhiệm của nhiều người. Từ đó, chúng ta có thể thấy được sự khách quan trong quá trình tuyển chọn nhân tài dưới thời phong kiến. Nếu cá nhân không qua con đường khoa cử thì chí ít họ cũng phải kinh qua thực tiễn công việc lâu ngày mới có thể được bổ nhiệm vào những vị trí công việc cụ thể nhất định. Có thể nói đây là một quan điểm và đường lối vô cùng đúng đắn trong việc tuyển chọn nhân lực lao động cho nước nhà lúc bấy giờ. Điều này thể hiện một tư tưởng tiến bộ của bộ máy quản lý nhà nước dưới thời Tự Đức nói riêng và nhà Nguyễn nói chung trong tiến trình lịch sử.

     Tiếp đến văn bản thứ 3, đó là một bản Chế phong. Về mặt thể thức thì Chế phong được xem như là một tấm bằng công nhận của nhà nước phong kiến đối với sự hy sinh cao cả vẻ vang xả thân vì nước của ông Nguyễn Văn Ký. Đây còn là lời tri ân, là điếu văn tiễn biệt những con người mãi mãi nằm xuống vì Tổ quốc non sông. Với sự hy sinh đó, ông đã vinh dự được nhà nước truy phong từ chức Tòng cửu phẩm Bách Hộ lên chức Hiệu Lực Hiệu Úy Chính Cửu Phẩm Bách Hộ. Ngoài ra, Chế phong còn là lời động viên, chia sẻ, đồng thời khơi dậy tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước… Điều này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của con người Việt Nam từ bao đời nay.

     Từ những thông tin trong các văn bản trên, tiếp tục tra cứu tập Gia phả của họ Nguyễn chép vào hai thời điểm Tự Đức năm thứ 7 (1854) và Thành Thái năm thứ nhất (1889), kết hợp với việc khai thác tư liệu hồi cố của những bậc cao niên dòng họ Nguyễn hiện tại được biết, nguồn gốc của họ Nguyễn làng Thái Lai vốn ở thôn Lý Hòa, thuộc Hà Bạc, huyện Bố Trạch, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nay thuộc thôn Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào sinh sống tại làng Thái Lai trong khoảng nửa thế kỷ thứ XIX. Ông Nguyễn Văn Ký là người thuộc đời thứ 4 của dòng họ. Ông Nguyễn Trọng Ngần – người hiện đang lưu giữ những văn bản quý giá này thuộc đời thứ 8 của dòng họ. Tính đến nay, dòng họ Nguyễn ở làng Thái Lai đã trải qua từ 11 – 13 đời.

     Từ khi vào định cư tại làng Thái Lai, dòng họ Nguyễn đã không ngừng phát triển, cùng với con dân của các dòng họ khác cùng chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ xây dựng nên một diện mạo mới làng Thái Lai ngày một khởi sắc, giàu đẹp.

Chú thích:

1. Tham biện là một chức quan phụ tá của quan nhị phẩm, sau thời Đồng Khánh đổi thành Tham tá.

2. Thí sai là chỉ người đang trong thời kỳ tập sự, thời gian thường là 3 năm nhưng cũng có khi 4 năm.

3. Tào là vận chuyển bằng đường thủy. Ban đầu là Tào Vụ, đến thời Tự Đức đổi thành Tào Chánh thuộc bộ Hộ, chia thành Nam Tào và Bắc Tào phụ trách hai miền Nam Bắc.

4. Thuộc là một đơn vị hành chính ngang hàng với tổng.

5. Chỉ người đã mất, quá cố.

Nguồn: Tạp chí Cửa Việt số 306, tháng 3 năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)