Trình diễn DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ tại Bảo tàng Gia Lai
Tác giả bài viết: HOÀNG THỊ THANH HƯƠNG
(Phó Giám đốc Bảo tàng Gia Lai)
TÓM TẮT
Qua giới thiệu, đánh giá và nêu lên một số hạn chế trong hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng Gia Lai, bài viết hướng tới một số giải pháp nhằm phát huy tác dụng của thiết chế bảo tàng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này trong thời gian tới.
Từ khóa: di sản văn hóa phi vật thể; bảo tàng; trình diễn.
ABSTRACT
Through the introduction, evaluation and raise some limitations of the safeguarding and promotion of the intagible cultural heritage of ethnic groups in Gia Lai province, the paper puts forward some solutions for Gia Lai Museum to have better contributions to these heritage elements in the near future.
Key words: intangible cultural heritage; museum; exhibition.
x
x x
Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, ở độ cao 600 – 800m so với mực nước biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Tây giáp với Cam-pu-chia, phía Đông giáp với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Gia Lai là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, mang bản sắc của nhiều tộc người thiểu số, chủ yếu là Bahnar và Jrai, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ1. Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác và những cánh rừng nguyên sinh, với cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét hoang sơ, nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Nghệ thuật dân gian của hai tộc người Bahnar, Jrai tại địa phương rất phong phú, giàu bản sắc. Đó là những giá trị vật chất và tinh thần, do chính họ sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn. Những giá trị văn hóa ấy, được thể hiện qua các loại hình sinh hoạt: lễ hội, múa, văn học, âm nhạc…, như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005*), Sử thi Bahnar, lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia – năm 2015)… Bên cạnh đó, còn nhiều di sản văn hóa độc đáo khác, như câu đố, dân ca, truyện cổ, múa…
Từ khi được thành lập (1989) đến nay, Bảo tàng Gia Lai luôn làm tròn vai trò của một nơi lưu giữ các “kí ức thời gian”, với hơn 8.000 tài liệu, hiện vật. Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đến công chúng của Bảo tàng còn hạn chế cả về số lượng các hoạt động cũng như hiệu quả đạt được. Vì vậy, đến tết Nguyên đán Ất Mùi – năm 2015, Bảo tàng đã tổ chức tái hiện “Hội hát Cầu huê của người Việt vùng An Khê” – một lễ hội đã thất truyền hơn 60 năm qua. Tuy chỉ diễn ra từ 14 giờ đến 23 giờ, song, sự kiện này đã thu hút hơn 3.000 lượt khách đến thưởng thức âm nhạc, ẩm thực, tham gia các trò chơi dân gian và giao lưu văn hóa. Tại cuộc trình diễn này, một số loại hình nghệ thuật dân gian được biểu diễn, như: hát Bội, hát Bài chòi, hát Cầu huê, biểu diễn Cồng chiêng, múa Xoang, biễu diễn Trống hội… Công chúng cảm thấy hài lòng, với một không gian hội có nhiều hoạt động, nhiều mặt hàng đa dạng, từ những sản phẩm thủ công, như hàng thổ cẩm, đồ trang sức, hàng mỹ nghệ… đến các mặt hàng lâm, thổ sản, hàng lưu niệm, rượu cần, rau, củ,… đặc biệt là các món ăn đặc trưng, như: bánh cam, bánh ít, bánh lọc, bánh canh, bánh khọt, cơm lam… Ngoài ra, còn có những nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong lễ hội dân gian của người Việt, như: nặn Tò he, cho chữ…, do chính tay các nghệ nhân dân gian, bà con tiểu thương và chị em người Jrai (làng Ốp) đang sinh sống trên địa bàn thành phố Pleiku thực hiện. Khu tổ chức trò chơi dân gian trong khuôn viên sân hội có các trò: trèo cây lấy thưởng, giã gạo, đi cà kheo, múa hình tượng, bịt mắt bắt dê…, cùng những phần thưởng đặc biệt cho người thắng cuộc. Khu trưng bày giới thiệu 50 hiện vật về đời sống sinh hoạt của hai tộc người Jrai và Bahnar, cùng một số hiện vật gắn với văn hóa truyền thống của người Kinh vùng An Khê.
Tiếp đó, cuối tháng 4/2015, Bảo tàng tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận Sử thi Bahnar được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại buổi Lễ, một số trích đoạn Sử thi đã được hát, kể trong mô hình nhà Rông, có sắp đặt bếp lửa, gác bếp, cầu thang khá sinh động. 10 nghệ nhân đến từ các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, gồm: Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang, Kông Chro đã thể hiện tài năng của mình qua từng trích đoạn diễn xướng. Đây có thể là lần đầu tiên những người dân phố Núi được mắt thấy tai nghe một di sản văn hóa phi vật thể, vốn đã được nhắc đến nhiều trên mảnh đất bazan Gia Lai. Bên cạnh đó, sự xen kẽ một vài màn biểu diễn dân ca Bahnar và nhạc cụ dân tộc cũng khiến người xem vô cùng thích thú. Hoạt động này đã thu hút được đông đảo công chúng và để lại ấn tượng khó quên trong lòng họ về một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo – Sử thi Bahnar.
Từ hai dẫn chứng trên, có thể tạm khẳng định, việc tổ chức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng Gia Lai đã tạo được sức hấp dẫn đối với công chúng và bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: năng lực tổ chức của người làm công tác bảo tàng còn hạn chế; nguồn kinh phí cho các hoạt động này không có hoặc ít; sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cấp, ngành có liên quan trong việc bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của địa phương; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; việc chọn lựa nội dung trình diễn chưa đảm bảo tính tiêu biểu; chất lượng chưa sâu; khâu tổ chức còn khá nặng về phần nghi thức…, nên sức lan tỏa từ hoạt động này tới công chúng còn chưa thực sự rõ rệt.
Từ thực tiễn tổ chức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người tại Gia Lai của Bảo tàng trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, để có thể phát huy tối đa hiệu quả, Bảo tàng cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo các cấp, các ngành, có chủ trương cụ thể và ngân sách phù hợp, cho phép bảo tồn các lễ hội truyền thống đang có nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại; có chế độ đãi ngộ xứng đáng, tạo điều kiện cho các nghệ nhân đang nắm giữ và trao truyền di sản có thể tham gia nhiều hơn trong các hoạt động trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng; Bên cạnh đó, bản thân bảo tàng cần chủ động sưu tầm, nghiên cứu và rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng cho từng cuộc trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác xã hội hóa đối với các hoạt động này; kết hợp trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể với các hoạt động dịch vụ của Bảo tàng để nâng cao chất lượng phục vụ; kết nối với các đơn vị lữ hành trong tỉnh và khu vực để tổ chức trình diễn giới thiệu di sản theo tour/tuyến du lịch; xây dựng kế hoạch và tổ chức định kỳ, để hướng công chúng đến một hoạt động mang tính ổn định; thiết lập một kênh thông tin – tuyên truyền riêng về hoạt động trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, nhằm tạo ra một môi trường thông tin dễ dàng tiếp cận…
Có thể nói, việc tổ chức trình diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể không phải là hoạt động xa lạ và khó thực hiện đối với các bảo tàng nói chung và Bảo tàng Gia Lai nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống vật chất và tinh thần đã, đang từng bước được nâng cao, thì cơ hội dành cho các bảo tàng, với vai trò như một trung tâm giải trí tích cực, ngày càng nhiều. Nếu các bảo tàng biết tổ chức, khai thác hoặc liên kết tổ chức, thực hiện, sẽ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích: “Đó là hỗ trợ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách tích cực, đồng thời, thể hiện được giá trị và tầm quan trọng của bảo tàng đối với cộng đồng rộng lớn của mình”2./.
__________
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
* Ban Biên tập: Theo Điều 31.1 của Công ước UNESCO 2003: “Ủy ban sẽ đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại những di sản được công bố là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại khi Công ước này có hiệu lực”.
1- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (1999), Địa chí Gia Lai, Nxb. Văn hóa dân tộc.
2- Patrick J.Boylan, “Di sản văn hóa phi vật thể: Cơ hội và thách thức đối với bảo tàng và công tác đào tạo cán bộ chuyên môn bảo tàng”, Tạp chí Quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể, số 01/2006.
Nguồn: Di sản văn hóa, số 1 (54), 2016 – Bảo tàng
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng Gia Lai (Tác giả: Hoàng Thị Thanh Hương) |