Các yếu tố PHƯƠNG NGỮ NGHỆ TĨNH với đặc trưng văn hoá dân gian của DÂN CA XỨ NGHỆ

1. Vấn đề đặt ra

     1.1. Nếu nói văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần mà một cộng đồng, một dân tộc tạo nên trong lịch sử thì dân ca xứ Nghệ là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc của người Nghệ Tĩnh trong nền văn hoá cộng đồng người Việt. Cuộc sống, tâm hồn, tính cách của người Nghệ Tĩnh được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần, trong đó đậm nét là kho tàng văn hoá dân gian hết sức phong phú và độc đáo. Có thể nói mảnh đất nào trên đất Việt cũng có thơ ca dân gian nhưng có một vùng dân ca vừa đồ sộ vừa mang đặc trưng không trộn lẫn dân ca các vùng như dân ca xứ Nghệ (trong đó nổi bật nhất là ví, giặm) thì không nhiều. Những giá trị, sự tác động của dân ca xứ Nghệ về tinh thần đối với tâm hồn, tình cảm của các thế hệ người con xứ Nghệ là vô cùng sâu sắc. Nhiều bài hát trở nên nổi tiếng và đi cùng năm tháng trong cả nước lâu nay, một phần cũng là nhờ biết khai thác, sử dụng chất liệu ngôn ngữ và làn điệu dân ca xứ Nghệ mang sắc thái riêng đó. Cho nên, nhắc đến văn hoá xứ Nghệ không thể không nhắc đến dân ca xứ Nghệ và ngược lại, khi nói đến dân ca xứ Nghệ là đang nói đến một biểu hiện đặc trưng của văn hoá truyền thống Nghệ Tĩnh. Dân ca là “một loại hình sáng tác dân gian mang tính chất tổng hợp bao gồm lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với nhau trong diễn xướng” [6, tr. 73]. Lời (hay gọi là ngôn ngữ) là yếu tố đầu tiên và khi hoà quyện với nhạc (gắn với biểu diễn) thì tạo nên cái cốt lõi, cái hồn của dân ca. Cho nên, nói đến đặc trưng dân ca của một vùng thì một trong những yếu tố quan trọng cần phải nhắc tới là ngôn ngữ. Cùng với nhạc, lời ca làm nên giá trị, đặc trưng của dân ca xứ Nghệ, trong đó, theo chúng tôi, một trong những nhân tố tạo nên dấu ấn, sắc thái riêng đó là tiếng Nghệ (bao gồm giọng nói, từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh).

     Vậy là, nói đến văn hoá xứ Nghệ không thể không nói tới dân ca Nghệ Tĩnh và khi nói tới dân ca Nghệ Tĩnh lại không thể bỏ qua yếu tố ngôn ngữ, nhất là các yếu tố phương ngữ.

     1.2. Văn hoá của dân tộc cũng như của mỗi vùng miền không tồn tại ngoài ngôn ngữ. Nhà triết học Đức Martin Haideger (1889 -1976) cũng nhấn mạnh tới ý nghĩa của ngôn ngữ: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của sự tồn tại”. Trong ngôn ngữ, đặc điểm của một nền văn hoá được lưu giữ lại rõ ràng nhất. Ngôn ngữ được xem là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá dân tộc nào. Do vậy, tìm hiểu yếu tố ngôn ngữ trong dân ca Nghệ Tĩnh không những giúp làm sáng tỏ đặc trưng giá trị của thể loại dân ca mà còn góp phần tìm hiểu văn hoá của vùng đất này.

     1.3. Dân ca, như ta đã biết, nếu tách khỏi diễn xướng, tách yếu tố nhạc thì chỉ còn phần lời là thơ dân gian. “Văn học là nghệ thuật ngôn từ”, trong tay người sáng tạo, ngôn ngữ trở thành công cụ kì diệu tạo nên tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, lay động trái tim, khối óc của muôn người. Ngôn ngữ khi được sử dụng trong tác phẩm văn học không còn là một loại phương tiện giao tiếp thông thường mà trở thành công cụ giao tiếp sáng tạo mang tính thẩm mĩ. Vì thế, vốn từ trong tác phẩm văn học phải phong phú, đa dạng và giàu sắc thái biểu cảm, trong đó từ địa phương là một trong những yếu tố được nhà văn lựa chọn.

     Đối với các sáng tác dân gian, người sáng tác là tập thể nhân dân lao động và ngôn ngữ được dùng để sáng tạo cũng chính là lời ăn tiếng nói mang hơi thở mộc mạc, chân chất của cuộc sống thường ngày của họ. Vì thế, những sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh có thể xem như là những tác phẩm đặc trưng Nghệ Tĩnh; qua các yếu tố ngôn ngữ ta có thể hiểu thêm khía cạnh tâm hồn, tình cảm và văn hoá ứng xử của người xứ Nghệ.

2. Các yếu tố phương ngữ trong lời dân ca ví, giặm và nghệ thuật tổ chức chúng góp phần tạo nên giá trị và đặc trưng của dân ca xứ Nghệ

     2.1. Vài nét về Hát giặm và Hát ví Nghệ Tĩnh

     Hát giặm Hát ví là linh hồn, đặc trưng nhất của sáng tác dân gian Nghệ Tĩnh. Hình thức, nội dung của Ví và Giặm có phần khác nhau nhưng đó đều là thơ, là những câu hát dân ca độc đáo nhất. “Hát giặm là lối hát dân gian Nghệ Tĩnh, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ” [7, tr. 409]. Trong hát giặm Nghệ Tĩnh, người ta ít gặp tiếng đệm như câu dân ca Bắc Bộ. Những ý, những từ được dùng ở đây rất mộc mạc, chân chất như trong đời sống hằng ngày. Phần nhạc ít mượt mà và lời lẽ cũng ít trau chuốt so với hát ví, bởi nó là bài hát gồm nhiều lời hát nặng tính tự sự, phản ánh cuộc sống thường ngày với những câu chuyện, những biến cố, bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng riêng của người xứ Nghệ. Đây là thể loại văn học âm nhạc dân tộc giàu sắc thái địa phương nhất. Chính vì mang đặc trưng địa phương xứ Nghệ đậm đà mà hình thức dân ca này không lẫn với dân ca các miền và không phổ biến mở rộng không gian tồn tại, phát triển ra ngoài địa bàn xứ Nghệ. Hát ví là “một loại dân ca trữ tình ở vùng Nghệ Tĩnh đặc biệt thịnh hành ở các làng xã thuộc vùng trung lưu và hạ lưu sông Cả và các sông con ở phía Nam sông Cả” [6, tr. 96]. So với hát giặm, hát ví (tiêu biểu nhất là hát phường vải) mượt mà hơn về âm điệu, trau chuốt hơn về ngôn từ, đó là các câu hát trực tiếp trong các cuộc hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ không thành bài, thành khổ dài như bài hát giặm mà là sự luân phiên của câu xướng – đáp. Thể thơ thường là lục bát hoặc lục bát biến thể. Nội dung của hát ví là để giao duyên, thổ lộ tình cảm sâu kín của đôi trai gái với những cung bậc, mức độ khác nhau theo các chặng hát. Lời ca tình tứ cùng với nhạc điệu tha thiết, êm ái, hát ví đi vào lòng người một cách sâu lắng. Nếu nghe hát giặm, ta nhận cảm về sự vất vả đến khắc khổ nhưng cứng rắn, khoẻ khoắn, trầm hùng của tâm hồn người lao động Nghệ Tĩnh thì nghe hát ví, ngược lại, lại rung cảm bởi tâm hồn thi vị yêu thương, tính cách hiền hoà, sự dịu dàng, duyên dáng của con người xứ Nghệ. Đó là tâm hồn, tính cách, là cuộc sống lao động gian lao và tình cảm nồng hậu, tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước, chan chứa trong điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ miền Trung. Cùng với nhạc, lời ca là tiếng Nghệ với đặc trưng riêng về ngữ âm và từ ngữ địa phương đã tạo nên các làn điệu dân ca mang hương sắc riêng như vậy.

     2.2. Các yếu tố phương ngữ là chất liệu quan trọng làm nên bản sắc hát Ví, Giặm nói riêng và dân ca Nghệ Tĩnh nói chung

     Tiếng Việt là ngôn ngữ thống nhất nhưng về biểu hiện lại rất đa dạng; trên các vùng miền khác nhau thì tiếng nói cũng có sự khác nhau ít nhiều. Trong giao tiếp, người Việt có thể nhận cảm được một cách tự nhiên, người này nói tiếng Hà Nội, người kia nói “giọng” Nghệ, còn người ấy nói tiếng Huế,… Sự khác biệt đó không chỉ thể hiện ở các từ ngữ địa phương, ở cách nói, ở ngữ điệu của phát ngôn mà trước hết là do phát âm.

     2.2.1. Ngữ âm tiếng Nghệ Tĩnh tạo nên nét sắc thái riêng về “giọng Nghệ” trong ví, giặm

     Sự khác biệt về tiếng hay giọng của vùng này hay vùng khác là sự khác biệt về phẩm chất (chất lượng) âm thanh. Sự khác biệt hay nét riêng đó được thể hiện qua hàng loạt yếu tố như thanh điệu, âm đầu, vần, mà cụ thể hơn là ở các biểu hiện về âm vực (độ cao – thấp của thanh điệu), âm điệu (sự biến thiên của cao độ – đường nét của thanh điệu theo thời gian tạo nên sự biến điệu hay không biến điệu của âm thanh); về cấu âm, về cường độ, trường độ, trong, đục; về âm sắc (bổng/ trầm); về âm lượng (lớn/ nhỏ, độ vang),… của các đơn vị âm thanh, sự chuyển sắc, thiếu vắng hay biến điệu của các âm,… so với cách phát âm của vùng khác. Tập hợp những nét khác biệt về phát âm của vùng này so với vùng khác tạo nên đặc trưng ngữ âm của vùng đó mà ta thường gọi là “giọng”, “tiếng”, như tiếng Thanh Hoá, giọng Nghệ Tĩnh,…

     Nếu như sự biến đổi của hàng loạt âm chính trong tiếng Nghệ Tĩnh so với tiếng Bắc Bộ là có tính hệ thống, tạo nên sự khác biệt về vần (như âu/ u; ân/ in, ưa/a,…) thể hiện không chỉ trong phát âm mà còn được cố định trong từ thì sự khác biệt về thanh điệu của tiếng Nghệ so với tiếng Bắc Bộ lại chỉ được thể hiện trong phát âm. Do đó, sự khác biệt giữa tiếng Nghệ với tiếng Bắc Bộ trước hết là do sự khác nhau về thanh điệu. Trên thực tế, tiếng Nghệ Tĩnh phổ biến chỉ có 5 thanh (không phát âm được thanh ngã (~), thanh ngã (~) thường nhập với thanh nặng (.)). Âm vực của hệ thanh điệu tiếng Nghệ cũng khác thanh điệu Bắc Bộ; người Nghệ phát âm có độ cao thấp hơn phương ngữ Bắc, vì thế mà nghe trầm thấp hơn. Cũng do hệ thanh điệu được phát âm thấp nên sự đối lập (khu biệt) về âm vực giữa hai nhóm thanh (cao/ thấp) không rõ ràng như hệ thanh điệu Bắc Bộ; các thanh điệu có tuyến điệu gần giống nhau giữa hai nhóm càng xích lại gần nhau. Vì thế, sự phát âm các thanh này có sự khu biệt không rõ ràng, tạo nên sự “trọ trẹ”, “lơ lớ” trong phát âm. Cho nên, trong toàn vùng, thanh ngã (~) phát âm thành thanh nặng (.), nhiều nơi ở Nghệ Tĩnh, thanh huyền (\) và thanh ngang (không dấu trên chữ viết) phát âm nghe như chập vào nhau, thanh sắc (/) và thanh hỏi (?) cũng biến điệu tạo nên một thanh “lơ lớ”, không rõ là sắc (/) cũng không hẳn là hỏi (?) như tiếng Bắc Bộ. Những điều nói trên đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong phát âm của người Nghệ, tạo nên đặc trưng “giọng Nghệ”, “tiếng Nghệ” và đó cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng xứ Nghệ trong dân ca ví, gặm, làm cho dân ca vùng này không trộn lẫn với các vùng khác. Đối với người Nghệ Tĩnh thì âm thanh, giọng nói ấy đã “thấm sâu vào máu thịt”, cho nên nghe dân ca ví, giặm là nghe thấy sự gần gũi, sự tha thiết thân thương như nghe tự lòng mình.

     2.2.2. Từ địa phương Nghệ Tĩnh trong ví và giặm được dùng với số lượng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của dân ca, tạo nên sắc thái địa phương đậm đà

2.2.2.1. Từ địa phương Nghệ Tĩnh được dùng với số lượng lớn, tần số cao

     Đối với tác giả dân gian xứ Nghệ, lời nói là thứ “chẳng mất tiền mua”, là “của kho vô tận” không chỉ có từ ngữ thuộc tiếng nói chung của mọi miền trên đất Việt mà còn có thứ tiếng “trọ trẹ” nhưng quen thuộc của vùng quê mình nên cứ mặc nhiên “lựa lời” mà sử dụng. Bởi vậy, ngôn ngữ của dân ca Nghệ Tĩnh là ngôn ngữ hồn nhiên, tự nhiên, dễ dàng, rất gần với khẩu ngữ, không hề mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Nhưng chính cái hồn nhiên, chân chất, mộc mạc thô ráp ấy lại là cái đẹp riêng đối với người dân xứ Nghệ, bởi đó là tiếng nói “thật lòng” của họ; họ nói cho họ nghe và chính người trong môi trường sáng tác, lĩnh xướng ấy mới cảm hết được.

     Trong Hát giặm Nghệ Tĩnh (HGNT) có 12.714 dòng thơ, số từ địa phương được sử dụng là 592 từ với 2.894 lần xuất hiện, trung bình 4,4 dòng thơ có 1 lần từ địa phương được dùng. Hát phường vải (HPV) có 4.163 dòng, trong đó có 229 từ địa phương với 1.013 lần xuất hiện, trung bình 4,1 dòng thơ có 1 lần từ địa phương được dùng. Điều đó cho thấy mật độ của từ địa phương trong lời thơ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh quả là đậm đặc.

     Trong HPV và HGNT, từ địa phương Nghệ Tĩnh chủ yếu là lớp từ đơn tiết (ở HPV có 181, chiếm 79, 2%; ở HGNT có 443 từ, chiếm 74, 8%). Trong HPV và HGNT, lớp từ đơn không những được sử dụng với số lượng nhiều mà còn với tần số cao. Trong số 100 từ có tần số cao (chủ yếu là 10 lần trở lên) mà chúng tôi đã thống kê, chỉ có ba từ là hai âm tiết, còn lại đều là từ đơn tiết. Ví dụ: một số từ trong số 100 từ có tần số cao nói trên: bể (biển, 31)1, chạc (dây, 15), chi (gì, 417), chộ (thấy, 76), coi (xem, nhìn, 47), cội (gốc, 15), cơn (cây, 44), đàng (đường, 46), đọi (bát, 30), mau (nhanh, 31), mần (làm, 33), mắc (bận, 20), (đâu, 131), nậy (to, 16), ngài (người, 63), ngái (xa, 21), nhởi (chơi, 30), ni (nay, 58), nom (nhìn, 30), nỏ (không, 215), o (cô, 27), rày (nay, 57), răng (sao, 33), (núi, 29), rứa (thế ấy, 68), trèo (leo, 26), trốc (đầu, 17), trự (đồng tiền, 33),… Từ đơn là lớp từ chủ yếu thuộc vốn từ cơ bản trong vốn từ của mọi ngôn ngữ cũng như phương ngữ, chỉ những sự vật, hoạt động, tính chất,… cơ bản liên quan thiết yếu đến đời sống con người nên chúng thường được dùng nhiều và trở nên quen thuộc. Vì thế, sự có mặt của từ đơn địa phương với số lượng lớn và tần số cao như vậy đã tạo nên sắc thái biểu cảm mang tính địa phương, gần gũi, thân mật, dễ hiểu đối với người Nghệ Tĩnh. Nếu là người tỉnh ngoài thì rất khó tri nhận được những sắc thái nghĩa như vậy.

     Chẳng hạn, trong HPV và HGNT, nỏ được dùng 215 lần. Về nghĩa, nỏ vừa tương ứng nghĩa với không, vừa tương ứng với chẳng trong tiếng Việt toàn dân. Cũng với ý nghĩa phủ định như vậy hoặc khi kết hợp với động từ trung tâm có thể tạo ra ý nghĩa “phức” (hay là ý nghĩa “phái sinh”) đặc biệt. Do đặc điểm ngữ nghĩa mở rộng như thế, lại kèm thêm những sắc thái riêng về tính biểu cảm nên nỏ được dùng rất phổ biến. Tính biểu cảm của nỏ đặc biệt đến mức trong rất nhiều hoàn cảnh sử dụng, người nghe phải hiểu nghĩa của nỏ ngược lại hoàn toàn với ý nghĩa phủ định. Dựa vào ngữ điệu, tình thái của lời trong từng tình huống giao tiếp, nỏ có thể được dùng với nghĩa “có”, “đồng ý”, “đồng tình” như lối nói Em nỏ! (cũng như lối nói “Em chả!” trong phương ngữ Bắc Bộ). Trong trường hợp dưới đây, nỏ vừa được dùng với sắc thái nghĩa phủ định không rõ ràng như “chẳng” lại vừa có chút sắc thái biểu cảm “trách giận” ngọt ngào”:

     Đây thương đó, đó nỏ thương đây/ Làm chi cách trở nứa mây đôi đường; Khi chưa có chồng anh nỏ dốc lòng gắn bó/ Bây giờ em có chồng rồi anh đón ngọ (cổng) trao thư/ Ơi anh ơi! Anh đừng trao thư mà hư tờ giấy/ Em có chồng rồi nỏ lấy anh mô!

     2.2.2.2. Vai trò của từ địa phương trong các sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh

     Ngoài đặc điểm dùng từ theo thói quen thì cái riêng của dân ca Nghệ Tĩnh có lẽ là ở chỗ sự “lựa chọn” dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong những hoàn cảnh mà bản thân sự lựa chọn đó là phù hợp về một phương diện nào đó, về nội dung và nghệ thuật biểu hiện hay về sắc thái địa phương cần thiết của nó.

     a) Từ ngữ địa phương được lựa chọn trong vai trò biểu đạt những sắc thái nghĩa tinh tế phù hợp

     Ngoài lí do thói quen dùng từ quen thuộc, việc lựa chọn từ là nhằm nói được một cách tinh tế các trạng thái tâm hồn, tình cảm của con người theo cách cảm, cách hiểu của người xứ Nghệ, tạo nên sự đồng điệu, rút ngắn khoảng cách trong giao tiếp giữa người nói và người nghe. Cho nên, cái hay, cái tinh tế của từ ngữ ở đây trước hết là vì nó phù hợp với đối tượng tiếp nhận là nhân dân lao động địa phương.

     Ví dụ, nếu như trong ngôn ngữ toàn dân vàng vọt là “có màu nhợt nhạt, vẻ yếu ớt” [7, tr. 550] thì từ địa phương vàng vọ dùng trong HGNT, ngoài nghĩa như từ vàng vọt còn gợi sắc thái về sự ốm yếu, già cả, vò võ lo âu: Mẹ vàng vọ xanh xao/ Gẫm như kẻ nhà giàu/ Có cơm ăn thuốc bổ/ Có sâm kì thuốc bổ. Từ địa phương róng rả dùng trong các câu HGNT: Nhà năm gian róng rả/ Ai ai chộ cũng say/ Trên hai cót nếp mây/ Dưới khoanh đầy nếp chạo không chỉ có nghĩa chỉ diện tích lớn như từ toàn dân rộng rãi mà còn có sắc thái nghĩa về sự bề thế, đẹp đẽ của sự vật được nói đến. Do vậy, vai trò biểu nghĩa của róng rả khác với rộng rãi. Tương tự, đọc mấy câu HPV: Nhà anh thồnglộng bốn bề/ Đêm thì đi hát tối về ăn chi? thoạt nghĩ, thồng lộng tương ứng về nghĩa với thông thống trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng theo cách dùng, cách cảm của người Nghệ Tĩnh thì hai từ này chỉ tương đồng về nét nghĩa “trống trải” của không gian bên trong của sự vật mà thôi. Mỗi từ có một sắc thái riêng, thông thống gợi ra sự “trống trải không có gì ngăn che”, gợi ra cái nhìn “thông từ phía trước ra phía sau” [7, tr. 514], còn từ thồng lộng lại gợi ra sự trống rỗng, không có vật gì bên trong. Vì thế, nội dung câu hát là muốn nói đến cảnh nghèo của chàng trai đang hát đối đáp.

     b) Từ ngữ địa phương được sử dụng trong vai trò hiệp vần, ngắt nhịp

     Vần không chỉ để liên kết mà còn là điểm ngừng nghỉ để suy nghĩ lời tiếp theo và cũng là điểm nhấn để người nghe chú ý, nhất là trong các thể loại dài như hát giặm. Vì thế, cái “khuôn” của các thể loại này quy định việc sử dụng các yếu tố ngôn ngữ rất rõ. Chẳng hạn, với “hát giặm”, thông thường mỗi khổ có 5 câu, trong đó câu mở đầu có vần trắc, hai câu tiếp theo gieo vần bằng, câu thứ tư gieo vần trắc và câu cuối láy lại câu thứ tư. Để tránh lặp, nghe đỡ nhàm chán, người Nghệ Tĩnh thường cố gắng thay đổi một vài tiếng trong 5 câu này. Trong những trường hợp đó, vai trò của từ địa phương thường được khai thác khá triệt để; các yếu tố phương ngữ đồng nghĩa với từ toàn dân đã được khai thác không những tránh được lặp mà ý nghĩa khái quát của câu kết mỗi đoạn cũng được nhấn mạnh hơn.

     Ví dụ: Không ra thì cức (tức)/ Nói ra cụng (cũng) chạnh lòng/ Ở sáu tháng cho xong/ Trăm điều chi nhịn hết/ Vạn điều nhịn hết. Tương tự: Công tác ngài cần cấp/ Bụng thì đói ra ri/ Nghị (nghĩ) nỏ biết ăn chi/ Cứ nói râm (bậy) nói dại/ Cứ nói mường nói dại.

     Các từ gieo vần với nhau có thể đều là từ địa phương nhưng cũng có thể là sự xen kẽ giữa một từ địa phương với một từ toàn dân, như câu: Thương anh biết tính mần răng/ Lấy biển hồ làm mực, lấy giótrăng làm chừng. Nhờ dùng kết hợp trong cách gieo vần như vậy mà yếu tố địa phương ở đây (mần răng) đã làm cho hình ảnh ở dòng thứ hai thêm thi vị và lãng mạn nhưng vẫn không viển vông.

     Qua một vài ví dụ như trên, ta càng thấy rõ “vần thơ bao giờ cũng bao hàm một cách tất yếu một mối liên hệ nghĩa giữa các đơn vị hiệp vần với nhau”. Nhờ được chọn lựa, tổ chức khá đa dạng nên từ ngữ địa phương đóng vai trò gieo vần đã góp phần tạo nên giá trị cho lời dân ca Nghệ Tĩnh.

     c) Từ địa phương còn được chọn lựa dùng trong các cấu trúc sóng đôi

     Cấu trúc đối hay sóng đôi, trùng điệp hay song hành, tuy gọi khác nhau nhưng loại cấu trúc này đặc biệt phổ biến trong thơ ca dân gian và cổ điển, rất nổi bật trong Truyện Kiều. Nét riêng ở lời dân ca Nghệ Tĩnh thể hiện ở việc dùng từ địa phương như một biện pháp tránh trùng lặp nhằm tăng thêm sức khái quát cho lời thơ. Từ địa phương được đặt trong thế lựa chọn cùng loạt với các từ đồng nghĩa toàn dân; đó cũng là một ưu thế của các sáng tác dân gian địa phương, bởi tác giả dân gian được tự do sử dụng vốn từ rộng rãi nhất nhưng không hề ảnh hưởng đến giao tiếp. Loạt câu sử dụng hình thức đối (giữa các câu, giữa các vế trong câu) trong dân ca Nghệ Tĩnh phải chăng vì thế mà phong phú? Chẳng hạn, ở HGNT, theo sự khảo sát của chúng tôi, dường như khổ thơ nào cũng sử dụng hình thức sóng đôi, trong đó rất nhiều câu, từ địa phương đồng nghĩa hoặc trái nghĩa được dùng.

     Ví dụ, kiểu dùng nỏ (không) đi sóng đôi với không như trong hai dòng sau: Không bằng đây vô đó/ Nỏ bằng đây vô đó. Hoặc dùng phối hợp với cặp từ khác cũng mang tính đồng nghĩa hay trái nghĩa: Không chi mạnh bằng gạo/ Nỏ chi bạo bằng tiền;…

     Từ địa phương được dùng trong cấu trúc sóng đôi rất linh hoạt về vị trí; có thể ở đầu các dòng: Mắc đường kia nỗi nọ/  Bận đường này nỗi nọ. Cặp từ đối có thể ở giữa dòng: Đừng  trăn triu (so bì) không khá/ Đừng  hà tiện không nên. Bầy tui cức (tức) cái phận. Bầy tui giận cái duyên. Cặp từ đối có thể ở cuối các dòng: Đền Cao Sơn  rờ rỡ/ Đền Bản thổ  nguy nguy (cao lộng lẫy). Cặp từ đối có thể ở đầu và cuối các dòng:  Nhìn cái mặt cũng sọi (đẹp, giỏi)/  Nom (nhìn) tay đánh cũng đều;… Có thể dùng từ địa phương đồng nghĩa với từ toàn dân hoặc giữa từ địa phương với từ địa phương, kiểu như: Quân ông chơi bờ/ nhởi bẩn. Hay: Hát lên ta nhởi/ ta chơi. Chàng ra đi: chân dùng (chùng)/ chân dắng/ Thiếp ở lại: mắt ngó/ mắt trông;…

     Tóm lại, cách dùng từ địa phương đồng nghĩa trong các cấu trúc sóng đôi như vậy không chỉ giúp cho câu thơ cân đối, hài hoà, nhịp nhàng, duyên dáng mà ý nghĩa của lời ca cũng được khái quát và nhấn mạnh hơn.

d) Từ ngữ địa phương được khai thác trong nghệ thuật chơi chữ – một trong các biện pháp tổ chức lời trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh

     “Chơi chữ” là một trong những đặc điểm của thơ ca truyền thống. Thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh cũng sử dụng biện pháp chơi chữ, nhưng nét riêng ở đây là vừa có thể dùng từ toàn dân vừa có thể dùng từ địa phương. Hình thức đố chữ, đố nghĩa là một kiểu chơi chữ được dùng rất phổ biến khi hát đối đáp nam – nữ trong HPV. Tác giả dân gian có thể dựa vào một kết cấu đã có sẵn và khai thác hình thức của nó để nói tới một điều bất ngờ khác. Ví dụ, dựa vào từ mặt trời, tác giả dân gian vờ xem “mặt” như là bộ phận “cơ thể” của trời để hỏi – đố về một từ khác theo kiểu kết hợp tương tự: Em muốn hỏi bạn một lời/ Mặt trời ở đó trốc trời ở mô?

     Một kiểu chơi chữ khác là khai thác yếu tố đồng âm, bằng cách sử dụng yếu tố địa phương đối lập với các yếu tố khác trong dòng để nói tới yếu tố thứ hai nào đó. Ví dụ: “Cây đứng giữa đất trời gọi cây độ/ Cây đứng một chộ (chỗ) nói cây trôi/ Chàng mà đối được chàng lôi em về?”

     Tương tự: “Con ngựa chạy giữa đàng gọi là con ngựa cất/ Con cá bán trửa (giữa) chợ gọi là con cá thu/ Chàng mà đối được thiếp mần du mẹ thầy; Con rắn giữa đàng gọi con rắn lại/ Con cá lội dưới nước nói con cá leo/ Anh mà đối được em phải theo anh về”.

     Một kiểu chơi chữ khác, tương tự, cũng dùng hình thức khai thác đồng âm nhưng ở đây còn nhằm để tập hợp các từ cùng một trường sự vật với nhau. Kiểu như: “Rú rừng núi động đèo truông/ Ngàn xanh cách trở mây luồng cũng theo; Bể hồ khe hói lạch rào/ Sông su nước lội ước ao kết nguyền”.

     Ngoài ra, trong các sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh còn có kiểu chơi chữ bằng hình thức nói lái, kiểu như: “Anh bứt cỏ ngựa ngồi đầu cửa ngọ (ngõ)/ Kẻ bắn con nây (nai) ngồi cội (gốc) cây non”.

__________
1. Chữ số trong ngoặc đơn là số lần xuất hiện của từ.

3. Kết luận và đề nghị

     (1). Qua việc phân tích, miêu tả sơ lược một vài khía cạnh về ngôn ngữ của Hát ví Hát giặm Nghệ Tĩnh, chúng ta thấy yếu tố ngữ âm và từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh là một trong những cơ sở tạo cho dân ca xứ Nghệ mang đặc trưng riêng biệt. Các nhân tố ngữ âm và từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh thể hiện trong dân ca xứ Nghệ vừa mang tính tự nhiên do thói quen phát âm và dùng từ trong đời sống thường ngày nhưng đồng thời cũng mang tính lựa chọn trong sáng tạo nghệ thuật dân gian. Các nhân tố này, một mặt, giúp cho dân ca xứ Nghệ không bị trộn lẫn với dân ca các vùng khác và người Nghệ Tĩnh cũng cảm nhận được sự thân thiết, gắn bó, nhưng mặt khác cũng làm cho dân ca xứ Nghệ hạn chế mở rộng địa bàn phát triển khỏi đất Nghệ.

     (2). Từ ngữ địa phương trong các sáng tác ví, giặm Nghệ Tĩnh có số lượng lớn, tần số cao, lại được tổ chức mang tính nghệ thuật theo những cách thức và mục đích khác nhau, không những tạo cho dân ca Nghệ Tĩnh có dáng vẻ riêng, mang tính biểu cảm và đặc trưng địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng về nội dung và nghệ thuật lời thơ dân ca. Từ địa phương Nghệ Tĩnh vừa góp phần phản ánh một cách khá toàn diện hiện thực đời sống của người dân lao động Nghệ Tĩnh, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về, hoặc liên quan thiết yếu đến con người, vừa đóng vai trò như một yếu tố sáng tạo nghệ thuật trong tổ chức lời ca của các sáng tác dân gian.

     (3). Từ ngữ địa phương đã phát huy được vai trò của mình trong việc thể hiện những sắc thái nghĩa, sắc thái biểu cảm tinh tế riêng, phản ánh phần nào đó đặc điểm ngữ nghĩa của vốn từ phương ngữ. Là một yếu tố tham gia hiệp vần, ngắt nhịp, chơi chữ, dùng trong cấu trúc sóng đôi của thơ ca, từ ngữ địa phương đã đảm trách và phát huy được khả năng nghệ thuật đa dạng của nó, góp phần làm cho sáng tác thơ ca dân gian có giá trị nhiều mặt về nội dung và nghệ thuật, đồng thời nó còn mang đặc trưng riêng rõ nét. Đó cũng là một trong những nhân tố không những tạo nên giá trị của dân ca xứ Nghệ mà còn làm cho nhiều người nhất là những người con quê hương Nghệ Tĩnh luôn yêu quý dân ca ví, giặm, thấy tâm hồn, tình cảm của mình đã quyện chặt với hồn quê.

    (4). Giá trị của ví, giặm không chỉ thể hiện sự đặc sắc, độc đáo của một loại hình dân ca mà còn là sản phẩm văn hoá tinh thần của người xứ Nghệ. Vì thế, ví giặm cần được bảo tồn, phát huy và phát triển. Ngày nay, môi trường sáng tác và biểu diễn của dân ca Ví, Giặm theo tính chất truyền thống đã không còn. Hát Ví, Giặm vốn là những hình thức dân ca dân gian – mang tính tập thể, sự ra đời, tồn tại của nó thường gắn với tập quán nghề nghiệp, lao động nông nghiệp, thủ công, phường, hội, thôn, xã. Môi trường sáng tác, biểu diễn của dân ca theo hình thức truyền thống đã thay đổi. Do vậy, thiển nghĩ muốn bảo tồn, phát huy, phát triển dân ca ví, giặm, một mặt cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến dân ca, đưa dân ca vào dạy học trong nhà trường (nhất là ở địa phương Nghệ Tĩnh), tổ chức các câu lạc bộ dân ca ở các địa phương, mặt khác, cần tạo ra môi trường ứng tác, diễn xướng mới với hình thức sinh hoạt tập thể phù hợp với đời sống hiện đại (ví như, trong các dịp lễ hội, sinh hoạt tập thể, vừa biểu diễn dân ca truyền thống vừa tổ chức thi ứng tác, biểu diễn dân ca giữa các làng, giữa các đoàn thể địa phương, giữa các lớp trong trường học ở Nghệ Tĩnh). Chúng tôi hi vọng và tin tưởng ví, giặm nói riêng, dân ca xứ Nghệ nói chung sẽ trường tồn và phát triển mãi mãi cùng quê hương, đất nước.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Chung Anh, Hát ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958.

2. Hoàng Trọng Canh, Từ địa phương Nghệ Tĩnh, về một khía cạnh ngôn ngữ – văn hoá, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.

3. Nguyễn Đổng Chi – Ninh Viết Giao, Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 1 (thượng và hạ), tập 2, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1962 – 1963.

4. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên), Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, TT KHXH & NV QG, Viện NCDG, NXB Nghệ An, 1995.

5. Ninh Viết Giao, Hát phường vải (dân ca Nghệ Tĩnh), NXB Văn hoá, Hà Nội, 1961.

6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992.

7. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 1994.

HOÀNG TRỌNG CANH 1

__________
1. PGS TS, Trường Đại học Vinh.