Tư tưởng của Phan Bội Châu về giáo dục ở Việt Nam đầu thế kỷ XX
NGUYỄN VĂN HOÀ1
(1 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
TÓM TẮT
Phan Bội Châu được biết tới không chỉ là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc”, mà còn là một người am hiểu về giáo dục nước nhà những năm đầu thế kỷ XX. Theo Phan Bội Châu, nền giáo dục mà thực dân Pháp áp đặt ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã bộc lộ tất cả những bất cập của nó. Những bất cập đó là hệ luỵ tất yếu của nền giáo dục nô lệ. Do đó, phải xây dựng một nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập.
Từ khoá: Phan Bội Châu, giáo dục, Việt Nam, đầu thế kỷ XX.
Phân loại ngành: Triết học.
ABSTRACT
Phan Boi Chau is known not only as a hero, an angel, and a person who sacrificed his life for national independence, but also as one with erudite knowledge of his home country’s education in the early 20th century. He deemed that the education imposed by the French colonialists then in Vietnam had revealed all the inadequacies, which were the inevitable consequences of an education of a society where the Vietnamese were just like slaves. He spoke out, therefore, about the must to build a new education for an independent Vietnam.
Keywords: Phan Boi Chau, education, Vietnam, early 20th century.
Subject classification: Philosophy.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trước yêu cầu giải phóng dân tộc và phát triển đất nước cùng với ảnh hưởng của “Tân thư” và “Tân văn”, đặc biệt, được chứng kiến sự phát triển rực rỡ của Nhật Bản nhờ canh tân đất nước mà có, Phan Bội Châu sớm nhận thức được những bất cập của nền giáo dục trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam. Trong xã hội đó, theo Phan Bội Châu, thực dân Pháp đã tiến hành nền giáo dục phong kiến, nền giáo dục Pháp – Việt và nền giáo dục mới (nền giáo dục thực dân). Cả ba nền giáo dục đó đã trở nên bất cập trước yêu cầu của thời đại và có chung một mục đích nô dịch nhân dân Việt Nam. Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, xã hội Việt Nam từ tính chất thuần phong kiến trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Thực dân Pháp thực thi hàng loạt các chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và giáo dục. Đối với giáo dục, theo Phan Bội Châu, thực dân Pháp tiến hành nền giáo dục ngầm tiêu diệt giống nòi nước Việt Nam. Đó là nền giáo dục hủ bại, nô dịch. Mục đích của nền giáo dục đó là biến con người Việt Nam thành những con trâu, con ngựa, những nô lệ tăm tối về trí tuệ chỉ biết thừa hành một cách mù quáng mệnh lệnh của thực dân Pháp, để chúng dễ bề cai trị và bóc lột. Đấy chính là thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp. Cái gọi là giáo dục ở nước Việt Nam lúc bấy giờ thực chất là: “Học đường nô lệ, giáo dục nô lệ là cái đặc sắc riêng của nước ta” [4, tr.46]. Bài viết này phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về những bất cập của nền giáo dục phong kiến, nền giáo dục Pháp – Việt, nền giáo dục thực dân trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam.
2. Tư tưởng của Phan Bội Châu về nhữngbất cập của nền giáo dục phong kiến
Để thực hiện mục đích cai trị, thực dân Pháp tìm mọi cách loại bỏ những ảnh hưởng tích cực của văn hóa dân tộc; lợi dụng những mặt hạn chế của nền giáo dục phong kiến đã trở nên quá lạc lậu so với xu thế phát triển chung của thời đại; khuyến khích lối học khoa cử để kìm hãm nhân dân trong vòng tối tăm, dốt nát và phục vụ cho công cuộc thực dân hóa. Đề cập đến vấn đề này, Phan Bội Châu đã viết: “Từ sau khi nước mất, cố nhiên người Pháp chẳng những không đem lại cho người Việt một nền giáo dục tốt đẹp mà họ càng ngày càng cưỡng bức người Việt Nam theo nền giáo dục nô lệ, trâu ngựa. Khi mới chiếm Việt Nam, người Pháp rất khuyến khích cái học từ chương khoa cử như văn bát cổ, thơ phú, huấn hỗ, từ chương. Trẻ em sáu tuổi đã bắt đầu vào cái học ấy cho đến chết” [3, tr.256]. Trong các tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo (1908), Ngục trung thư (1914), Phan Bội Châu đã vạch rõ dã tâm của thực dân Pháp trong việc lợi dụng những mặt tiêu cực của chế độ khoa cử của nền giáo dục phong kiến để giam hãm, để giăng bẫy, để ràng buộc anh hùng hào kiệt; để làm đui điếc tai mắt của nhiều người, để làm lụn bại trí lực của người Việt Nam trong cuộc tranh đua với người da trắng. Nền giáo dục đó đề cao lối học khoa cử, tầm chương, trích cú, phi thực tiễn; coi khinh thực nghiệp; chủ yếu giới hạn nội dung, chương trình học tập và thi cử trong Tứ thư, Ngũ kinh và Bắc sử; còn những nội dung thiết thực khác không được đề cập, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Người học chỉ biết vùi đầu vào kinh sử, lo học thuộc các kinh điển và sử sách của Trung Quốc; nhắm tới là học để đi thi, thi đỗ để làm quan. Chính nội dung, chương trình và cách học đó đã làm cho sản phẩm của giáo dục không thích ứng với yêu cầu phát triển của xã hội trong thời buổi “mưa Âu”, “gió Mỹ”; làm cho trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người bị kìm hãm và thui chột. Cái học từ chương khoa cử vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ngày càng tỏ rõ những bất cập và gây nên những hệ luỵ tiêu cực làm cản trở sự phát triển của đất nước. Ông viết: “Gọi rằng giáo dục, chẳng qua là một đường khoa cử văn từ đó thôi. Không có thương học nên công nghiệp hỏng; không có nông học nên nhân dân không biết đường khai khẩn; không có pháp luật học, nên nhân dân không giữ lấy quyền lợi” [4, tr.44]. Nội dung của nền giáo dục phong kiến thủ cựu, không chịu đổi mới; không đề cập đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và pháp luật; không thiết thực và không gắn với thực tế sản xuất. Do đó, theo Phan Bội Châu, muốn mở mang dân trí phải thay đổi cách học và thay đổi nội dung giáo dục.
Là một nhà nho tân tiến, Phan Bội Châu thấu hiểu sự lỗi thời và bất cập của nền giáo dục phong kiến. Ông ngậm ngùi, cay đắng viết: “Nhưng cũng tiếc rằng trí lực thông minh của họ đã bị những thủ đoạn “thả phù”, “nhược viết” và thơ “bát vận”, “ngụ ngôn”… đẽo gọt đến già, đui mù nửa kiếp, làm cho có tranh luận với người da trắng thì tránh sao khỏi ngơ ngác vì những kiến thức sách vở mơ hồ đâu đâu” [2, tr.439-440]. Nền giáo dục phong kiến đã không còn phù hợp nữa, không thiết thực và đã thành trở ngại trên con đường đi đến văn minh. Thế nhưng, thực dân Pháp vẫn cố tìm cách duy trì lối học cũ, lối thi cũ, phương pháp cũ nhằm mê hoặc và giam hãm nhân dân Việt Nam trong vòng tăm tối, u mê.
Chương trình, nội dung, cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý giáo dục đương thời ở Việt Nam xét về thực chất đã trở nên thủ cựu, xa lạ và không giúp ích được gì cho cuộc sống của người dân. Ông viết: “Tuy ở tỉnh có quan đốc học, giáo thụ nhưng chẳng qua huấn luyện mấy ông thí sinh, khóa sinh, mà những đồ huấn luyện đó, thời chỉ mấy chữ; “chi, hồ, giả, dã, nhược viết, thả phù” đêm ngày cổ vũ cho người ta, chẳng qua võng lọng cân đai, đầu bò sỏ lợn, ngoài ra có một tý gì lợi ích cho quốc dân đâu” [4, tr.225]. Theo Phan Bội Châu, giáo dục là khuôn đúc người, giáo dục là sinh mệnh của dân. Nhưng khi giáo dục hết thảy là hư văn thì sinh mệnh của dân đâu có còn gì nữa? Có chăng chỉ là những kẻ tai điếc, mắt mù, óc khô, lòng chết. Ngay trong Dư ngu sám (lời sám hối “ta ngu”), Phan Bội Châu đã nghiêm túc, thẳng thắn, chua chát tự chỉ trích mình. Ông nói: “Ta lớn lên 38 tuổi ngoài những chữ “chi, hồ dã, giả” ra hỏi đến số học thì chín chín tám mốt cũng không biết còn nói gì đến kỷ hà, đại số, tích phân, vi phân? Hỏi đến lý học thì nước bốc thành hơi cũng không hay, còn nói gì đến địa lý thiên văn, lực học, quang học nữa? Hỏi đến văn học thì 26 chữ cái La Mã ta đã cho là nút thần vạch quỷ không gì sánh kịp huống chi là chữ của các nước Nga, Anh, Đức” [3, tr. 441].
Trước yêu cầu giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, Phan Bội Châu đã soát xét lại vốn kiến thức của chính bản thân mình, vốn kiến thức này được đào tạo trong nền giáo dục phong kiến; giờ đây, đã trở nên bảo thủ lạc hậu, yếu kém và bất cập trước yêu cầu phát triển của thời đại mới. Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không phải nhà nho nào ở Việt Nam cũng có những nhận thức thức thời như Phan Bội Châu. Một số nhà nho vẫn theo nếp cũ “nội hạ, ngoại di”, “hậu cổ, bạc kim”, “xưa hơn nay”, “trọng nông, ức thương”, không chịu đổi mới, không chịu tiếp nhận những yếu tố tích cực, những yếu tố tiến bộ của văn minh phương Tây nói chung và của nền giáo dục phương Tây nói riêng; khư khư giữ lấy những nguyên lý, mệnh đề của hệ tư tưởng phong kiến đã trở nên lạc hậu và bất lực trước yêu cầu bảo vệ đất nước và giải phóng dân tộc. Trong bài Kính quốc dân, Phan Bội Châu viết: “Nhà nho hủ vẫn cậy mình khôn khéo/. Đem văn chương mà vênh váo với đời/ Năm ba câu bát cổ dông dài/Trừ cử nghiệp, chuyện ngoài chi nỏ biết!/Ai cạnh tranh? Ai sinh tồn?/Ai ưu thắng mà ai bại liệt?/Trên địa cầu nào biết những ai ai?/Chữ duy tân gác để ngoài tai” [2, tr. 65].
Theo Phan Bội Châu, sự bảo thủ, khép kín, tách biệt với thực tế sinh động của cuộc sống, khước từ học tập văn minh phương Tây, bất chấp sự thay đổi của thời cuộc, bám lấy hủ tục, đó là một trong những bất cập của nền giáo dục cũ. Ông viết: “Mù mịt tối tăm, ngu si xuẩn độn đường hô hấp bị gai chích, bể tinh thần bị tắc nghẽn. Anh mù em đui, giữa ban ngày mà như đêm tối, tự cao tự đại, như ếch ngồi đáy giếng, để khiến cho đất nước gấm vóc rộng 37 dặm vuông Anh trở nên đồng bệnh mà mất cho người ngoài” [2, tr.45]. Bảo thủ, vùi đầu và chôn chân trong cái cũ, cách li thực tế; tự cao tự đại cho rằng xưa đúng nay sai, lấy kiến thức của tiền nhân làm khuôn vàng thước ngọc, nên không chịu học cái hay, cái mới của người khác, khiến cho “tinh thần bị tắc nghẽn”. Dạy học thì nặng về “tầm chương, trích cú”, “coi hư văn như thánh thần, khinh thực nghiệp như cỏ rác”. Học tập thì thiên về tri thức tái hiện hơn là tri thức sáng tạo”. Với cách học đó, người học chỉ tiếp thu kiến thức một chiều, không sắp xếp, phân tích, chọn lọc gì, mà chỉ ghi nhớ thuộc lòng mặc dù không hiểu, gây tình trạng nhồi nhét kiến thức, không thúc đẩy động não. Công việc làm bài thi cũng là dày công trích dẫn các đoạn trong sách cũ, nói theo và ca ngợi lý luận kinh điển chứ không được có ý kiến ngược lại [7, tr.164-165].
Theo Phan Bội Châu, sự trì trệ, bảo thủ, tính ỷ lại vốn ăn sâu trong cách dạy và học của người Việt Nam, bóp chết sự sáng tạo và làm nhụt ý chí của người Việt Nam, làm suy giảm dân khí của nước Việt Nam; khiến cho người Việt Nam có mắt mà như mù, có tai mà như điếc, có chân tay mà không biết làm, có máy móc mà không biết sử dụng, người trên chỉ biết noi theo cái cũ, người dưới chỉ biết tuân theo người trên. Ông viết:“Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân, dẫu có người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như sấm sét, thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết và mặt trời. Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi hóa ngu hèn” [1, tr.145]. Theo Phan Bội Châu, cách học cũ làm cho người Việt Nam không chịu đổi mới; nhu nhược và ngu hèn; chỉ có học theo tập thượng, coi sửa đổi cho hợp thời là trái cổ, thoát khỏi những kiến thức cũ thì cho là hiếu kỳ, chỉ biết khư khư thói bảo thủ lạc hậu. Những bất cập này chẳng những là nguyên nhân dẫn đến mất nước, mà còn là trở ngại trên con đường phát triển đất nước.
Theo Phan Bội Châu, trong cạnh tranh thì mạnh được yếu thua, ngu dại bao giờ cũng đi liền với hèn yếu. Do đó, một trong những nguyên nhân làm cho Việt Nam dẫn đến chúng ta mất nước là do người Việt Nam bảo thủ, không chịu đổi mới, mãi đắm chìm trong giấc ngủ ngu dại cuồng si; trong khi thực dân Pháp chẳng những không đem “văn minh Tây học” để tưới tắm cho giống nòi Việt Nam, mà trái lại tìm mọi cách giam hãm giống nòi Việt Nam trong vòng dốt nát.
3. Tư tưởng của Phan Bội Châu về những bất cập của nền giáo dục Pháp – Việt
“Năm 1906, thực dân Pháp tiến hành “cải cách” giáo dục, bằng cách tạo ra một nền giáo dục lai căng què quặt, gọi là nền giáo dục Pháp – Việt. Đây là nền giáo dục nhằm mục tiêu: tuyên truyền cho chính sách xâm lược bóc lột của Pháp; truyền bá tiếng Pháp và tạo ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với trí thức văn thân; tiếp tục đào tạo một số người làm tay sai cho Pháp” [5, tr.14]. Đề cập đến vấn đề này, Phan Bội Châu viết: “Nó mở trường Pháp Việt, nhưng cái gọi là trường Pháp Việt này, nó cũng chỉ dạy cho biết sơ sơ chữ Pháp, dịch được qua loa tiếng Pháp, đã coi là đủ rồi. Còn như điện học, hóa học, binh học, thương học người Pháp có đặt một khoa nào đâu. Giẫm đạp cả cố cung, cày bừa cả cấm địa để làm trường canh nông, trường bách nghệ, người Pháp chỉ khoái trá về chỗ làm mất chí khí người nước ta mà thôi. Còn nói nông học có nghiên cứu gì, công nghệ có bày vẽ gì thì đối với sự tinh vi của dương học kia, người Pháp cứ để cho người nước ta đui điếc mà thôi. Cách làm cho ta ngu, ta yếu, nó chỉ sợ ta không càng ngày ngu hơn, càng ngày yếu hơn mà thôi” [2, tr.192]. Theo Phan Bội Châu, mục đích của thực dân Pháp là đào tạo ra một lớp người vừa phục vụ cho cho bộ máy của triều đình phong kiến, vừa phục vụ cho chính quyền của thực dân Pháp, chứ không phải nhằm khai dân trí. Trước phiên tòa đề hình, Phan Bội Châu tiếp tục vạch rõ chính sách giáo dục của thực dân Pháp. Ông viết: “Đã đến năm 1904 rồi mà Trung Bắc Kỳ vẫn chỉ có hai trường: trường Hà Nội và trường Huế, và cả hai chỉ đều dạy làm thông ngôn! Người du học không cho, lối thi cử vẫn để, luật lệ không chịu thi hành luật chính quốc, tham nhũng hối lộ công hành” [4, tr.9].
Theo Phan Bội Châu, với mục đích tăng cường nô dịch nhân dân Việt Nam về mọi mặt, nên trong giáo dục, thực dân Pháp chỉ dạy một số kiến thức rất ít ỏi về văn hóa Pháp; còn những kiến thức khác, những việc hữu dụng khác cần thiết cho việc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, bồi dưỡng nhân tài thì không được đưa vào nội dung giáo dục. Trái lại, thực dân Pháp thực thi một nội dung giáo dục phiến diện, không hợp lý, không xuất phát từ thực tế, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, không tiếp cận được văn minh của phương Tây. Chúng cố tìm mọi cách ngăn chặn việc du nhập tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây vào nước Việt Nam, cố tình làm cho nền giáo dục Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, để cho chúng dễ bề cai trị. Đó là những bất cập của nền giáo dục đương thời ở nước ta. Nền giáo dục Pháp – Việt tạo ra sản phẩm yếu kém. Phan Bội Châu viết: “Các ông tiến sĩ, cử nhân của nước Việt Nam ta không có kỹ xảo như người Tây, mà chỉ là những ông thầy thông sở Toàn quyền, thầy phán tòa Công sứ, kiến thức luận bàn chỉ có thế, thì làm sao có thể biết được văn minh là gì? Vả chăng, đồ đạc khéo không phải tự đất nổi lên, cũng như sự nghiệp văn minh, không học hành được thì làm sao có được? Người ta có máy móc mình phải ra sức học mà làm. Người ta biết đổi mới, sao mình lại vụng về cổ hủ” [2, tr.272]. Lối học tầm chương trích cú mà không phải là thực học thì làm sao nắm bắt được văn minh. Bảo thủ lạc hậu và yếu kém thì làm sao đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống và yêu cầu tiếp nhận khoa học, kỹ thuật của phương Tây. Chất lượng đào tạo như vậy đã làm cho con người lúc lâm sự thì chậm chạp, xử lý công việc thì dùng dà dùng dằng, lúng ta lúng túng; ù ù, cạc cạc, mơ màng, ngơ ngác trước những văn minh của phương Tây.
Phan Bội Châu tiếp tục lên án thực dân Pháp giam cầm người Việt Nam trong ngục tối dã man, bởi xiềng xích khoa cử. Ông viết: “Nhân dân chúng tôi từ tuổi thành đinh trở lên có đến hai mươi lăm triệu, mà những người tay ném được quả cầu sắt, mắt nhìn được con số toán học, tai nghe hiểu được tiếng Tây, miệng đọc được chữ Tây, đại khái cả nước chỉ trên dưới trăm người thôi, thế thì còn mong gì có người có những kiến thức cao hơn, dù ở bậc nào đi nữa! Đó đều là nọc độc khuyến khích lối học khoa cử của người Pháp sau khi chiếm Việt Nam mà ra cả” [3, tr.528]. Do đó, chúng ta phải duy tân. Điều này cũng giải thích vì sao trong bối cảnh lúc bấy giờ, Phan Bội Châu lại dành nhiều thời gian để viết các tác phẩm khuyến khích cải cách duy tân theo gương Nhật Bản và các nước Tây Âu, khuyến khích và tổ chức học sinh du học ở Nhật Bản.
Trước tinh thần phản kháng quyết liệt của nhân dân Việt Nam cùng với các phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du đang nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng lớn trong quần chúng nhân dân, thực dân Pháp thấy rằng, không thể níu kéo và lạm dụng sự lạc hậu của nền giáo dục phong kiến – nền giáo dục khoa cử nho học, được nữa, nên đành buộc phải ra quyết định bãi bỏ nền giáo dục đó vào năm 1919. “Con quái vật từ chương khoa cử” chấm dứt phun nọc độc ở Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng và di chứng mà nó để lại còn tồn tại dai dẳng, buộc chúng ta phải tiếp tục giải quyết; thậm chí cho đến nay, vẫn chưa thể kết thúc.
4. Tư tưởng của Phan Bội Châu về những bất cập của nền giáo dục thực dân
“Nền giáo dục mới” về thực chất là nền giáo dục thực dân. Điều này đã được Phan Bội Châu vạch rõ như sau: “Từ năm 1920, sau khi bỏ lối khoa cử rồi, những người hơi hiểu biết trong chúng tôi đều nghển cổ chờ xem nền giáo dục mới mình mong mỏi thế nào. Không ngờ, nền giáo dục mới mà người Pháp đem ra thi hành, làm cho chúng tôi thất vọng vô cùng. Bởi vì cái gọi là nền giáo dục mới chỉ làm cho người Việt Nam trở thành những con trâu, con ngựa cực kỳ ngoan ngoãn, những tên nô lệ mắt mù, tai điếc, chân tay tê liệt mà thôi. Đáng thương biết chừng nào” [3, tr.528]. Đó là một nền giáo dục tha hóa, hủ bại, nô dịch, nhằm phục vụ cho ý đồ tăng thêm ảnh hưởng của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, đi đến thu phục dân tộc Việt Nam, biến người Việt Nam thành những kẻ làm tay sai, tôi tớ cho thực dân Pháp.
Khi đề cập đến mục đích của nền giáo dục, tháng 9 năm 1945, nhân ngày khai trường đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi học sinh. Trong thư, Người đã chỉ rõ mục đích của nền giáo dục thực dân là đào tạo những kẻ làm tay sai, tôi tớ cho thực dân Pháp; còn nền giáo dục cách mạng Việt Nam là đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước nước nhà. Hồ Chí Minh viết: “Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” [6, tr.32].
Do xuất phát từ mục đích đào tạo con người Việt Nam thành những kẻ nô lệ, nên nội dung giáo dục và đào tạo của nền giáo dục thực dân rất phiến diện, bỏ qua những giá trị cơ bản của truyền thống và đạo lý của dân tộc. Nội dung giáo dục được thể hiện thông qua sách giáo khoa. Phan Bội Châu đã lên án một cách mạnh mẽ nội dung sách giáo khoa mà thực dân Pháp áp đặt ở nước ta. Ông viết: “Sách giáo khoa chỉ ca tụng công đức người Pháp, khoe khoang sức mạnh quân đội Pháp, ngoài ra chẳng có gì hay ho cả. Còn như tổ tiên người Việt Nam dựng nước ra làm sao, những bậc anh hùng nghĩa sĩ Việt Nam báo đền ơn nước ra làm sao, đều cấm không cho dạy. Trẻ em sáu tuổi mới cho vào trường học, đọc sách giáo khoa đã quên khuấy mình là người Việt Nam rồi” [3, tr.529].
Trên cơ sở vạch ra bất cập của nền giáo dục thực dân, Phan Bội Châu yêu cầu cần phải thực hiện nội dung giáo dục mới, mà nội dung ấy vừa phải đảm bảo tính cơ bản thiết thực, hiện đại và phù hợp với yêu cầu của xã hội; vừa phải chú trọng bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết. Ông viết, nội dung giáo dục “thời trước hết phải bồi dưỡng cái giáo dục thuần khiết như lòng ái quốc, như lòng hợp quần, như lòng công ích, … thứ nữa phải cầu cho được trí thức mở mang, như thế nào là lợi dụng được, như thế nào là rộng đường kinh tế mà lợi ích cho nhân quần, tất phải mỗi việc mỗi theo đường khoa học mà cầu cho tri thức mỗi ngày mỗi phát đạt để cho vừa yêu cầu trong xã hội ” [4, tr.47].
Phan Bội Châu cho rằng, cần phải đưa vào giảng dạy thêm nhiều môn học như: triết học, văn học, sử học, chính trị, kinh tế, quân sự, luật pháp, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, nữ công, y thuật, ngoại ngữ, quang học, lý học, hóa học, cơ học, thể dục, âm nhạc,… Phan Bội Châu, một mặt, đòi hỏi phải lấy Tây học để tưới tắm, nhưng mặt khác, ông nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người trong cách tiếp nhận văn minh của phương Tây, để làm sao khỏi tự đánh mất mình, để làm sao khỏi tổn hại đến những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình; tiếp nhận văn minh của phương Tây để nâng cao những giá trị tích cực của văn hóa dân tộc, để loại bỏ những cái gì không còn phù hợp, để bổ sung những nhận thức mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; không được tiếp nhận một cách thụ động, sùng tín, lai căng mất gốc. Ông viết: “Tôi thấy người nước ta ngày nay, mặc đồ Tây, đi xe Tây, uống rượu Tây, ngủ giường Tây, soi gương Tây. Ngạo nghễ tự cho mình là văn minh, song đi sâu tìm hiểu thì chẳng khác chi những kẻ cam tâm làm nô lệ cho giặc; chẳng khác chi những kẻ chứa chấp của riêng, ham chuộng giả dối, chẳng khác chi những kẻ ỷ lại nặng, chí tự cường bạc nhược. Đem tư tưởng tinh thần như vậy mà học đòi văn minh, thì chỉ có văn minh ngoài da, mà dã man trong tủy” [2, tr.317]. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân đối với nhân dân Việt Nam. Chúng hạn chế mở trường học, kìm hãm nhân dân trong ngục tối dã man, ngăn cản nhân dân ta tiếp nhận ‘“văn minh trong tuỷ”. Vì thế, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 95% dân số nước Việt Nam mù chữ (năm 1945, chỉ có 5% dân số biết chữ). Theo Phan Bội Châu, “chết bằng óc đói” thảm họa gấp bội lần so với “chết bằng bụng đói”.
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Có thầy tốt thì mới có trò tốt. Thế nhưng, theo đánh giá của Phan Bội Châu, giáo viên trong nhà trường của thực dân Pháp về tư cách đạo đức không thể chấp nhận được. Ông viết: “Nói về tư cách giáo viên lại càng khiến người ta đau xót. Một nửa là người Pháp dâm ô vô loại, một nửa là người Việt Nam đê hèn tồi tệ. Học sinh thi lên lớp mà thầy giáo ăn tiền mỗi em trên mười đồng; nữ sinh thì bắt nhân tình với giáo viên, một trường mà có hơn mười em như thế! Thậm chí có giáo viên người Pháp còn bắt ép học sinh làm trò gian dâm đồi trụy. Giáo viên mà tư cách như thế còn dạy dỗ cái gì” [3,
tr.529]. Giáo viên là tấm gương của học sinh. Tư cách giáo viên thấp kém và tha hóa đến như vậy thì giáo dục chỉ có hủ bại mà thôi. Nền giáo dục mà thực dân Pháp áp đặt ở Việt Nam là một nền giáo dục ngầm tiêu diệt nòi giống Việt Nam.
Qua phân tích và vạch rõ những bất cập của nền giáo dục đương thời mà thực dân Pháp đang áp đặt, Phan Bội Châu yêu cầu: phải thay đổi nội dung chương trình giáo dục theo xu hướng kết hợp cái hay của “ lý học” (đạo của thánh hiền) với “khí học” (khoa học kỹ thuật của phương Tây); phải đả phá cách nghĩ “quý đạo vương, khinh đạo bá”, “nội hạ ngoại di”; phải tích cực học hỏi kỹ xảo, cái hữu dụng, cái mới, cái dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân đối với nhân dân Việt Nam. Chúng hạn chế mở trường học, kìm hãm nhân dân trong ngục tối dã man, ngăn cản nhân dân ta tiếp nhận ‘“văn minh trong tuỷ”. Vì thế, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 95% dân số nước Việt Nam mù chữ (năm 1945, chỉ có 5% dân số biết chữ). Theo Phan Bội Châu, “chết bằng óc đói” thảm họa gấp bội lần so với “chết bằng bụng đói”.
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Có thầy tốt thì mới có trò tốt. Thế nhưng, theo đánh giá của Phan Bội Châu, giáo viên trong nhà trường của thực dân Pháp về tư cách đạo đức không thể chấp nhận được. Ông viết: “Nói về tư cách giáo viên lại càng khiến người ta đau xót. Một nửa là người Pháp dâm ô vô loại, một nửa là người Việt Nam đê hèn tồi tệ. Học sinh thi lên lớp mà thầy giáo ăn tiền mỗi em trên mười đồng; nữ sinh thì bắt nhân tình với giáo viên, một trường mà có hơn mười em như thế! Thậm chí có giáo viên người Pháp còn bắt ép học sinh làm trò gian dâm đồi trụy. Giáo viên mà tư cách như thế còn dạy dỗ cái gì” [3,
tr.529]. Giáo viên là tấm gương của học sinh. Tư cách giáo viên thấp kém và tha hóa đến như vậy thì giáo dục chỉ có hủ bại mà thôi. Nền giáo dục mà thực dân Pháp áp đặt ở Việt Nam là một nền giáo dục ngầm tiêu diệt nòi giống Việt Nam.
Qua phân tích và vạch rõ những bất cập của nền giáo dục đương thời mà thực dân Pháp đang áp đặt, Phan Bội Châu yêu cầu: phải thay đổi nội dung chương trình giáo dục theo xu hướng kết hợp cái hay của “ lý học” (đạo của thánh hiền) với “khí học” (khoa học kỹ thuật của phương Tây); phải đả phá cách nghĩ “quý đạo vương, khinh đạo bá”, “nội hạ ngoại di”; phải tích cực học hỏi kỹ xảo, cái hữu dụng, cái mới, cái hay của các nước phương Tây; khi tiếp nhận các giá trị của phương Tây thì không được quên những giá trị tinh hoa của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng; phải tạo được khả năng thích ứng cho con người trong hoàn cảnh mới. Theo Phan Bội Châu, giáo dục phải là giáo dục quốc dân, chứ không phải giáo dục nô lệ; “giáo dục là cái khuôn đúc người, là cái gốc để gây dựng nền chính trị”; giáo dục phải phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tư tưởng đó là định hướng cho các giải pháp tích cực đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo, nhằm thâu tóm cái tinh túy của hai nền văn hóa Đông – Tây. Tư tưởng đó cũng chính là sự đánh dấu cho một quan điểm giáo dục mới tiến bộ hơn và khác với quan điểm giáo dục của Nho giáo. Tư tưởng đó đến nay, không phải không còn ý nghĩa của nó.
Những bất cập của nền giáo dục trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, được Phan Bội Châu vạch ra, đã có tác dụng thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, khuyến khích “tân học” và tạo nên chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong việc xóa bỏ nền giáo dục nô lệ để xây dựng một nền giáo dục mới. Không những thế, những bất cập trên còn đặt ra những yêu cầu cấp bách mà nền giáo dục mới phải giải quyết.
5. Kết luận
Đứng trước vận mệnh sống còn của dân tộc và tương lai của đất nước, bằng ý thức trách nhiệm cùng với lòng yêu nước thiết tha của mình, Phan Bội Châu đã tố cáo và vạch rõ những bất cập của nền giáo dục trong xã hội thực dân nửa phong kiến mà thực dân Pháp đang áp đặt ở Việt Nam, nhằm thức tỉnh nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh thoát khỏi nền giáo dục nô lệ và xây dựng một nền giáo dục mới. Theo Phan Bội Châu, “canh tân nghĩa là đổi thay theo cách mới… Vậy nên, canh tân về đường học vấn tri thức thì sự nghiệp càng đổi mới mà dân càng mạnh, nước càng giàu” [4, tr.59]; phải xây dựng nền giáo dục mới thì dân trí mới mở mang, dân khí mới lớn mạnh, dân quyền mới phát đạt, văn minh mới thông suốt, tự do mới mở rộng, báo chí mới đầy đường, tân thư mới đầy ngõ. Nền giáo dục mới phải là một nền giáo dục loại bỏ được những bất cập của nền giáo dục cũ. Sự thay thế nền giáo dục cũ bằng nền giáo dục cách mạng là một tất yếu. Cách mạng là sự duy tân lớn nhất. Năm 1945, nền giáo dục cách mạng Việt Nam ra đời. Đây là một nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập, nền giáo dục này khác về chất so với các nền giáo dục trước đây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phan Bội Châu (1990), Toàn tập, t.1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[2] Phan Bội Châu (1990), Toàn tập, t.2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[3] Phan Bội Châu (1990), Toàn tập, t.3, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[4] Phan Bội Châu (1990), Toàn tập, t.4, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[5] Nguyễn Văn Hòa (2006), Tư tưởng triết học và chính trị của Phan Bội Châu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7] Nguyễn Ngọc Quỳnh (2011), Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 – 2019
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)