Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa việc GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC với giao lưu, HỘI NHẬP trong VĂN HOÁ

1. Giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hoá là một thực tế đã diễn ra trong lịch sử phát triển của nhiều nền văn hoá. Tuy nhiên, hiện nay, khi xu thế toàn cầu hoá trở thành xu thế khách quan không thể cưỡng lại, cùng với sự phát triển của công nghệ, thông tin làm cho khoảng cách giữa các quốc gia bị thu hẹp hơn bao giờ hết thì việc giao lưu, hội nhập trong văn hoá diễn ra sôi động chưa từng thấy. Vì vậy, trên thế giới và ở nước ta đã xuất hiện, tồn tại cả hai khuynh hướng hoặc dè dặt, bảo thủ, khép kín trước yêu cầu hiện đại hoá, hội nhập tạo nên sự trì trệ trong đời sống, sự đông cứng văn hoá hoặc do sự hiểu biết cạn cợt truyền thống, tinh hoa dân tộc dẫn tới khuynh hướng chạy theo phương Tây, quay lưng với văn hoá dân tộc, cho bản sắc văn hoá truyền thống cản trở sự hội nhập, tạo nên những phức tạp trong tiếp biến văn hoá, làm chỗ dựa cho xâm lăng văn hoá, vô tình quên lãng, coi nhẹ nguyên tắc cốt yếu trong văn hoá là bổ sung chứ không phải là thay thế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc với giao lưu, hội nhập trong văn hoá là cần thiết để chúng ta có thái độ, cách hành xử hợp lí.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và giao lưu, hội nhập trong văn hoá

     Không ở lĩnh vực nào, bản sắc dân tộc lại thể hiện rõ nét như trong văn hoá. Văn hoá khắc hoạ bản sắc và phương thức tồn tại của một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có một đặc thù riêng. Vì vậy, bản sắc văn hoá dân tộc chính là cái thẻ căn cước để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Giao lưu văn hoá chính là quá trình diễn ra sự gặp gỡ, tìm hiểu, đối thoại, trao đổi các giá trị văn hoá. Xuất phát từ sự học hỏi và hiểu biết, các nền văn hoá có thể tìm đến với nhau nhưng cũng có những nền văn hoá gặp nhau trong sự cưỡng bức. Dù cưỡng bức hay tự nguyện thì bản chất của giao lưu văn hoá chính là quá trình giới thiệu, quảng bá (có thể dưới dạng áp đặt) các giá trị, sản phẩm văn hoá của mình ra với các nền văn hoá khác và tiếp thu, chọn lọc (chấp nhận) các giá trị văn hoá từ bên ngoài. Nếu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người khuyến khích, ủng hộ việc giao lưu, hội nhập trong văn hoá nhưng cũng nhấn mạnh rằng mỗi dân tộc phải kiên quyết giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Quan trọng hơn, Người còn đưa ra những gợi ý để có thể giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hoá. Sở dĩ Hồ Chí Minh có quan điểm như vậy vì Người hiểu rất rõ mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc với giao lưu, hội nhập trong văn hoá. Điều đó theo Hồ Chí Minh được thể hiện cụ thể như sau:

     Thứ nhất, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc phải giao lưu, tiếp xúc với văn hoá bên ngoài.

     Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ giao lưu, tiếp xúc giữa các nền văn hoá là điều kiện cần thiết để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Truyền thống văn hoá dân tộc cần luôn luôn được phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Muốn phát huy, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn hoá truyền thống dân tộc có thể tiến hành bằng nhiều con đường, nhưng trong đó không thể thiếu con đường tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Bởi lẽ, giao lưu và tiếp biến văn hoá chẳng những mở ra những cơ hội mới cho các cộng đồng hiểu nhau hơn mà còn làm cho chính mỗi cộng đồng hiểu rõ mình hơn. Trong giao lưu, tương tác giữa các giá trị của các nền văn hoá, các dân tộc sẽ biết cái gì là đặc trưng, là cái hồn mang bản sắc của dân tộc mình để giữ gìn và phát huy. Đồng thời trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hoá, các dân tộc cũng sẽ biết được những yếu tố nào trong các nền văn hoá khác có lợi có thể bổ sung những mặt chưa đầy đủ hoặc chưa có trong nền văn hoá của mình, từ đó làm cho bản sắc văn hoá dân tộc thêm phong phú, đa dạng. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại,… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” 1. Nhận định này của Hồ Chí Minh chứng tỏ rằng Người rất am hiểu về những quy luật phát triển của văn hoá cũng như nền văn hoá của dân tộc. Hồ Chí Minh nhận thức rõ bản chất của văn hoá là sự xâm nhập, đan xen, trao đổi, tác động qua lại và có sự pha trộn giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Các nền văn hoá luôn tiếp nhận nhau, vay mượn của nhau. Không có nền văn hoá nào trên thế giới lại tuyệt đối đơn lẻ, thuần khiết và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ nền văn hoá nào khác. Điều này đúng với mọi thời đại. Nền văn hoá Việt Nam cũng vậy. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng văn hoá Việt Nam không những không bị mất bản sắc mà còn tiếp thu, hoàn thiện thêm bởi các nền văn hoá nước ngoài, cả phương Đông và phương Tây. Những nhà văn hoá lớn của nhân loại đều hiểu rất rõ bản chất này của văn hoá. Nhà văn hoá lớn G. Nêru (Ấn Độ) đã hoàn toàn đồng ý với Hồ Chí Minh khi cho rằng “Người ta không thể sống cho một mình với cội rễ. Thậm chí cội rễ đó phải vươn ra dưới ánh mặt trời và không khí tự do: chỉ khi đó cội rễ mới mang dinh dưỡng đến cho anh. Chỉ khi đó cuộc sống mới đâm cành trổ hoa” 2. Cái sâu sắc của Hồ Chí Minh còn chính là ở chỗ Người cho rằng chỉ có giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới thì bản sắc văn hoá của dân tộc mình mới không trở nên biệt lập mà có thể vươn lên tầm nhân loại, mang tính nhân loại. Chính vì vậy, Người mới khẳng định chỉ khi nào học tập được kinh nghiệm tốt của văn hoá thế giới thì cái “tinh thần thuần tuý Việt Nam” trong văn hoá ấy mới hợp với “tinh thần dân chủ” tức là mới đạt đến trình độ tiên tiến của nhân loại, của thời đại. Nhận thức rõ đóng kín cửa, khép kín với các nền văn hoá bên ngoài sẽ làm cho bản sắc văn hoá dân tộc trở nên khô héo, kém sức sống và kém phát triển nên Hồ Chí Minh luôn phản đối mọi thái độ kì thị, độc tôn văn hoá. Người khuyến khích việc giao lưu, học hỏi văn hoá thế giới. Người khâm phục nền văn hoá phát triển của các dân tộc khác, không kể đó là những dân tộc mà chế độ chính trị của họ đang là kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam. Nhà báo Mĩ đã nhận xét: “Cụ Hồ Chí Minh là một con người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp. Một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mĩ, khi Mĩ phá hoại đất nước cụ” 3. Tiếp thu tư tưởng này của Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác” 4.

____________
1. Hồ Chí Minh, Về công tác văn hoá, văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 89 – 90.

2. G. Nê ru, Văn hoá là gì?, Báo Nhân dân Chủ nhật, 19-2-1989.

3. Petghidapphơ, Báo Diễn đàn, Dẫn theo Bùi Đình Phong, Hồ Chí Minh, Trí tuệ – văn hoá, Báo Nhân dân 19/5/1989.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 56.

     Thứ hai, trong giao lưu, tiếp xúc với văn hoá bên ngoài, phải thể hiện được bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

     Hồ Chí Minh khẳng định không mở mang đầu óc với thế giới bên ngoài thì sớm hay muộn cũng sẽ bị suy thoái, không giao lưu, tiếp xúc với văn hoá thế giới thì bản sắc văn hoá dân tộc sẽ cô độc, mất sức sống nhưng cũng không phải cứ mở mang, giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới là văn hoá dân tộc phát triển và tiến bộ, là bản sắc văn hoá dân tộc được giữ vững và ngày càng phong phú, đa dạng. Giao lưu văn hoá là quy luật phát triển của mọi nền văn hoá nhưng các tình huống trong giao lưu vẫn tạo ra những thách thức cho một nền văn hoá đa dạng, lành mạnh và giàu bản sắc. Giao lưu văn hoá có thể nảy sinh, dẫn đến va chạm và xung đột lẫn nhau giữa các nền văn hoá, đó là khi hai nền văn hoá có những giá trị hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Và đặc biệt là các nền văn hoá có thể bị đồng hoá trong quá trình giao lưu văn hoá. Nói cách khác, giao lưu, hội nhập văn hoá có thể chứa đựng cả nguy cơ đe doạ làm mất đi bản sắc văn hoá của dân tộc. Đặc biệt là hiện nay, khi xu thế toàn cầu hoá đã trở thành tất yếu, khách quan lôi kéo tất cả các nước tham gia. Toàn cầu hoá cũng làm cho quá trình giao lưu, tiếp xúc giữa các nền văn hoá diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay. Tuy nhiên, những quốc gia phát triển lợi dụng những thế mạnh của mình về kinh tế, công nghệ… để áp đặt những giá trị trong nền văn hoá của dân tộc mình, quốc gia mình cho các quốc gia khác, lợi dụng toàn cầu hoá để tiến hành cuộc “xâm lăng” về văn hoá thì nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc của nhiều nền văn hoá lại càng đặt ra một cách trực tiếp hơn bao giờ hết. Tác giả Hoàng Lực Chi (Trung Quốc) trên Tạp chí Nghiên cứu triết học số 7, năm 1999 đã cho rằng “đến nay toàn cầu hoá phản ánh một sự thực khách quan là văn hoá phương Tây dựa vào sức sản xuất tiên tiến, kĩ thuật cao, lấy hưởng thụ vật chất làm động lực, lấy tự do phóng túng, kích thích giác quan làm vỏ bọc đã nảy sinh sức cám dỗ to lớn đối với các khu vực phi phương Tây” 1. Với tầm suy nghĩ sâu sắc, Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ những tình huống có thể xảy ra trong quá trình giao lưu này, chính vì vậy mà người luôn nhắc nhở “tránh nguy cơ thành kẻ bắt chước” 2, đồng thời, Người cũng nhấn mạnh mỗi nền văn hoá trong khi giao lưu, tiếp xúc, học hỏi các nền văn hoá khác phải giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này từ rất sớm. Ngay từ tháng 9 năm 1924, khi đến thăm một cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình của Đức được tổ chức tại Mátxcơva, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, trao đổi với hoạ sĩ Erích Giôhanxơn, người Thuỵ Điển và Người nói rõ mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính dân tộc của mình trong văn hoá nghệ thuật, có như vậy mỗi nền văn hoá dân tộc mới đóng góp phần mình vào văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá nhân loại càng thêm phong phú về bản sắc dân tộc. Người viết “Mình có thể bắt chước cái hay của bất kì nước nào ở Âu – Mĩ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả” 3. Hồ Chí Minh cho rằng giao lưu, hội nhập toàn cầu không có nghĩa xoá bỏ văn hoá dân tộc để tiếp thu một nền văn hoá khác có tính chất mẫu mực cho toàn thế giới. Không có nền văn hoá nào là mẫu mực để tất cả các nền văn hoá khác phải khuôn theo. Văn hoá chỉ có thể phát triển được khi nó chứa đựng sự đa dạng, phong phú, tức là mỗi nền văn hoá phải có những nét riêng đặc sắc. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng trong giao lưu, hội nhập về văn hoá để “hưởng thụ” các giá trị văn hoá tốt đẹp của nhân loại, để tạo điều kiện cho văn hoá dân tộc mình phát triển nhưng đồng thời mỗi nền văn hoá phải có sự cống hiến, đóng góp cho văn hoá thế giới bằng những cái riêng, đặc sắc trong nền văn hoá của mình để tạo ra bức tranh văn hoá đa dạng, muôn màu của nhân loại. Giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hoá bên ngoài thì phải giữ được bản sắc văn hoá dân tộc mình để quảng bá được những nét đặc sắc riêng của nền văn hoá mình ra thế giới.

     Trong giao lưu, hội nhập về văn hoá, mỗi nền văn hoá phải giữ được bản sắc của mình bởi vì theo Người, bản sắc là hồn dân tộc và do vậy mất bản sắc văn hoá dân tộc chẳng khác nào một người không còn thần sắc, không đủ bản lĩnh vững vàng để chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Một nền văn hoá bị đồng hoá với các nền văn hoá khác vì sức mạnh bên trong của nó không đủ để tiếp biến văn hoá mà chỉ đơn thuần tiếp nhận trong giao lưu. Tiếp biến văn hoá là tiếp nhận có chọn lọc một số yếu tố văn hoá ngoại lai và biến đổi chúng cho phù hợp với văn hoá bản địa, sau một thời gian sử dụng và biến đổi tiếp biến chúng trở thành yếu tố văn hoá bản địa ngoại sinh. Chính vì vậy, phải giữ được bản sắc văn hoá dân tộc để có khả năng nội sinh hoá những yếu tố ngoại sinh, biến những yếu tố văn hoá ngoại sinh trở thành những yếu tố bên trong của chính nền văn hoá của mình.

     Như vậy, trên cơ sở chỉ ra mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc với giao lưu, hội nhập về văn hoá, chúng ta thấy Người cho rằng không thể khước từ, kì thị việc giao lưu, tiếp xúc về văn hoá (mặc dù điều này chứa đựng cả thời cơ và thách thức cho việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc) nhưng cũng không thể đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Hai điều này không thể bỏ cái này hoặc bỏ cái kia được. Nếu làm tốt hai cái đó thì đất nước chúng ta vẫn là chúng ta nhưng rất hiện đại. Còn nếu bỏ một trong hai điều này thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái thoái hoá, suy yếu, không hiện đại hoá được hoặc chúng ta sẽ mất truyền thống, đánh mất chính mình và kết quả cũng là dẫn tới sự rối loạn, khủng hoảng trong đời sống tinh thần. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh đã được những nhà văn hoá, văn nghệ sau này của chúng ta tiếp thu, đó là tư tưởng của Hữu Thỉnh “càng tiến xa vào hiện đại, hội nhập càng trở lại rất sâu với căn cước dân tộc… Trở về dân tộc cũng để lọc lấy tinh hoa. Mở ra thế giới cũng là để tiếp nhận tinh hoa”… “Đi đến tận cùng dân tộc thì gặp nhân loại. Nhân loại ở ngay trong mỗi một con người”. Giao lưu, hội nhập về văn hoá hay giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng là quá trình chắt lọc lấy những tinh hoa văn hoá của mình và của người trong quá khứ và hiện tại để thúc đẩy văn hoá phát triển. Hai điều này bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc tốt thì giao lưu, hội nhập về văn hoá sẽ thành công. Giao lưu, hội nhập văn hoá thành công, hoà nhập mà không hoà tan thì sẽ lại làm cho bản sắc văn hoá của dân tộc mình phát triển và nảy nở.

____________
1. Dẫn theo GS TS Đinh Xuân Lâm, PGS TS Bùi Đình Phong, Văn hoá và triết lí phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 269.

2. Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 515.

3. Báo cứu quốc, số ra ngày 9-10-1945.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong giao lưu, hội nhập về văn hoá

     Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định văn hoá Việt Nam cần có một thái độ ứng xử đúng với việc giao lưu, hội nhập về văn hoá (cần hoà nhập nhưng không được hoà tan) mà Người còn đưa ra những gợi ý để chúng ta có thể vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc vừa có thể tiếp thu được nhiều nhất những giá trị văn hoá bên ngoài cho mình, hay nói cách khác là làm sao để có thể phát huy tốt cả nội lực và ngoại lực trong phát triển văn hoá.

     Theo Hồ Chí Minh, cách duy nhất để có thể vừa thể hiện được bản sắc của mình vừa học được những cái hay của người là phải “biết mình, biết ta”, biết chỗ mạnh và chỗ yếu của ta và của người, từ đó không tự ti, không cường điệu, không e ngại cũng không vồ vập, chắt lọc cái hay cái tốt, cái tiến bộ để có thể biết “mở cửa”, “đóng cửa” đúng lúc, kịp thời. Cụ thể là:

     Thứ nhất, theo Người, cần nhận thức tỉnh táo về mình, Người viết “làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu” 1. Ở đây, Hồ Chí Minh đòi hỏi trước hết những người làm công tác văn nghệ phải hiểu sâu vốn của dân tộc, tức là phải biết rõ cả những mặt mạnh và mặt yếu trong văn hoá dân tộc mình. Không ai có thể phủ nhận sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, trong nền văn hoá Việt Nam cũng có những khuyết tật mà trước đây chưa bộc lộ hay bộc lộ ít, nay bộc lộ rõ hơn. Vậy phải hiểu rõ “vốn của dân tộc” để làm gì? Theo Hồ Chí Minh là để phân biệt rõ cái gì là tốt, cái gì là xấu và cái gì không xấu nhưng phiền phức để có thái độ lọc bỏ, khôi phục, cải tạo và phát triển cho phù hợp “cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái xấu thì ta phải bỏ đi” 2. Biết rõ về mình để trong giao lưu, hội nhập về văn hoá, chúng ta không có thái độ tự ti về văn hoá, từ đó dẫn tới việc quay lưng lại với truyền thống và thay thế văn hoá truyền thống bằng các giá trị của các nền văn hoá khác. Hiểu đúng về mình để chúng ta cũng tránh thái độ cường điệu về văn hoá của dân tộc mình, từ đó khước từ mọi giá trị tốt đẹp từ các nền văn hoá khác. Quan trọng hơn nữa, hiểu rõ về mình để chúng ta xây dựng tinh thần độc lập, tự cường trong tâm lí dân tộc. Chỉ với tinh thần này, chúng ta mới khẳng định được mình và học hỏi được người. Giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc là một ý thức chính trị của dân tộc, vì vậy để xây dựng một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc phải xây dựng tâm lí cộng đồng với nội dung cao cả là tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ, đây lại là biểu hiện cao nhất và trước hết của văn hoá. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng nền văn hoá mới, trước hết phải chú ý xây dựng tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường ấy trong dân tộc lên trước hết và trên hết “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc: 1. Xây dựng tâm lí: tinh thần độc lập, tự cường; 2. Xây dựng luân lí: biết hi sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị: dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế” 3. Khi có tinh thần độc lập, tự cường này chúng ta sẽ không e ngại sự áp đảo của toàn cầu hoá, thâm nhập vào thế giới một cách chủ động, tự tin, tự nhiên, sẵn sàng đối thoại với các nền văn hoá để chắt lọc lấy cái hay của người. Khi có ý thức độc lập, tự cường này thì chúng ta sẽ biết tiếp thu các giá trị của văn hoá thế giới qua màng lọc bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, biết nội sinh hoá những yếu tố ngoại sinh chứ không “ăn tươi, nuốt sống” các yếu tố bên ngoài.

     Thứ hai, trong giao lưu, hội nhập về văn hoá, không chỉ biết mình mà còn phải biết người. Hồ Chí Minh khẳng định rất rõ điều đó “Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xô Viết. Phải nghiên cứu toàn diện văn hoá của các dân tộc khác, chỉ trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình” 4. Theo Hồ Chí Minh, không chỉ trong văn hoá dân tộc mới có cả điều hay và điều dở mà văn hoá thế giới cũng vậy, mỗi một nền văn hoá vốn luôn chứa đựng những nghịch lí, đó là nghịch lí giữa văn hoá và phản văn hoá. Không phải mọi cái mới lạ đều bổ ích, trong cái mới lạ cũng có cả cái hay, cái tốt và cái xấu, cái lai căng. Khi giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới, bên cạnh những luồng gió lành thì cũng có cả những luồng gió độc tràn vào nước ta. Vì vậy, phải nghiên cứu toàn diện, sâu sắc văn hoá của các dân tộc khác thì mới có thể phân biệt được những gì là tinh hoa với những gì không phải là tinh hoa, những gì có thể và cần tiếp thu hoặc ngược lại. Phải hiểu rõ người thì mới biết mở cửa và đóng cửa đúng lúc, đúng chỗ, biết tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại với đấu tranh chống lại sự xâm nhập của yếu tố độc hại. Một sự tiếp thu thiếu chọn lọc, tiếp thu cả những yếu tố lai căng sẽ không thể làm cho văn hoá dân tộc phát triển được mà thậm chí còn kéo lùi sự phát triển. Chân lí mà Hồ Chí Minh chỉ ra, chỉ có hiểu rõ về văn hoá các nước mới tiếp thu nhiều hơn cho văn hoá của chính mình đến nay vẫn thể hiện tính đúng đắn của nó.

___________
1. Bác Hồ với văn nghệ sĩ, NXB Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 68.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 305.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 431.

4. Hồ Chí Minh, Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 5.

4. Toàn cầu hoá vẫn đang diễn ra ngày càng sâu rộng, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập về văn hoá vẫn đang đặt ra cấp bách cho tất cả các dân tộc. Chính vì vậy, những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về thái độ, cách ứng xử đối với những vấn đề này vẫn cần được tiếp tục nhận thức sâu sắc và định hướng trong hoạt động thực tiễn. Đây là những vấn đề có tầm nhân loại, do đó việc dự liệu trước vấn đề và đưa ra cách giải quyết thấu đáo, khoa học vấn đề này của Hồ Chí Minh đã chứng tỏ tầm nhân loại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

HỒ TRỌNG HOÀI 1
HÀ THỊ THUỲ DƯƠNG 2

___________
1. PGS TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

2. ThS, Học viện Chính trị Khu vực IV, Cần Thơ.