Tư tưởng về PHÁT TRIỂN KINH TẾ QUỐC GIA trên NAM PHONG TẠP CHÍ (1917-1934)

THOUGHT OF NATIONAL ECONOMIC DEVELOPMENT
ON NAM PHONG MAGAZINE (1917-1934)

PHẠM THỊ THU HÀ∗
NGUYỄN QUANG HUY∗∗

1. Giới thiệu

     Sau Thế chiến thứ nhất, giới công thương người Việt bắt đầu bành trướng các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hoạt động kinh tế của báo chí1 lúc ấy đã bắt đầu phát triển, và giới doanh nghiệp đã biết sử dụng kênh thông tin này để khuếch trương hoạt động – khác hẳn với tình hình phôi thai của báo chí nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, khi mà báo chí chưa có mục quảng cáo, và số lượng độc giả cũng còn rất ít ỏi” (Trần Hữu Quang, 2006, tr.205-206). Ngoài những tờ báo chuyên thông tin về kinh tế chuyên biệt2 , tờ báo thông tin tổng quát như Nam Phong cũng bắt đầu chú ý đăng tải nhiều hơn các tin tức, bài vở về kinh tế. Tận dụng lợi thế này, 38 bài về vấn đề kinh tế đăng trên Nam Phong tạp chí là đã đánh động vào ý thức, quan điểm của thế hệ sĩ phu yêu nước cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX và tri thức tiến bộ rằng: “Làm sao nâng cao dân trí, tiếp nhận kiến thức khoa học – kỹ thuật, mở mang kinh tế và xã hội, để từ đó người dân Việt Nam có cơ tự lập đứng lên chống lại ngoại bang” (Sơn Nam, 1971, tr.97). Đây là một nhiệm vụ lịch sử hết sức cấp bách và vô cùng khó khăn khi mà: tư bản Pháp ráo riết, tích cực vơ vét tài nguyên thiên nhiên, bóc lột sức lao động với giá nhân công rẻ mạt làm lợi cho chính quốc và phục vụ công cuộc cai trị; chính phủ bảo hộ sự thật đã không bao giờ chuyên tâm đến việc định hướng cho hoạt động kinh tế của Việt Nam; nền kinh tế nông nghiệp trước đó đã lạc hậu với trình độ dân trí, tư duy kinh tế thấp.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Để chỉ ra được những chuyển biến mạnh mẽ trên một số mặt quan trọng của tình hình kinh tế Việt Nam những thập niên đầu thế kỉ XX đối diện với chủ nghĩa tư bản đang manh nha qua sự hiện diện của người Pháp trên Nam Phong tạp chí, đặc biệt là sự thức tỉnh ý niệm về một quốc gia tự cường về kinh tế; phê phán tư duy hủ lậu làm cản trở sự phát triển kinh tế nước nhà; hướng dẫn cách làm ăn kinh tế / xây dựng chiến lược kinh tế trên thương trường quốc tế, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây: 1/ qua thống kê và phân loại, trong số 210 số báo có sự hiện diện của 38 bài viết. Số lượng tuy không nhiều nhưng thể hiện những điểm nhấn hết sức quan trọng của vấn đề này trong nhận thức văn hóa – xã hội Việt Nam vốn vẫn đang trong tình trạng bị bủa vây bởi tư duy kinh tế truyền thống hàng ngàn năm đang tồn tại. 2/ để đánh giá sự hiện diện quan trọng của vấn đề này, chúng tôi cũng tiến hành so sánh với những nhận thức và tư duy về kinh tế trong quá khứ, vốn chủ yếu tập trung vào cơ cấu tự cấp, tự túc. Trên khía cạnh này, những gợi ý của James Scott về bức tranh kinh tế Đông Nam Á đề xuất thuật ngữ nền kinh tế duy tình cũng được chúng tôi tham chiếu và qua đó đưa ra các nhận định cần thiết. Hình ảnh nổi bật là người nông dân, sống trong làng xã với hình thức kinh tế tiêu biểu là tự cấp, tự túc.

     Tự cấp, tự túc được coi là sinh kế cổ truyền của người Việt, đặc biệt là người Tày. Nghiên cứu của Jame Scott (1976) (The moral economy of the peasant – Rebellion and subsitence in Southeast Asia) cho rằng sinh kế truyền thống chủ yếu của người nông dân vùng Đông Nam Á, cho dù là của các cư dân sinh sống ở vùng đồng bằng hay miền núi hay bất luận của cư dân canh nương rẫy hay ruộng nước, đều chia sẻ một nền kinh tế duy tình (moral economy), hình thành như một kiểu “đạo lí tự cấp tự túc” (subsistant ethic). Đặc trưng của nền kinh tế này là yếu tố coi an toàn là trên hết. Người nông dân tránh thực hành các hành vi có thể tạo ra sự rủi ro. Để đảm bảo nền kinh tế tự cấp tự túc này người nông dân luôn có xu hướng tìm cách chặn hay chống lại các tác động có thể làm cho họ rơi vào tình trạng bấp bênh về kinh tế từ bên ngoài. Họ tìm cách xây dựng, duy trì và phát triển các dàn xếp văn hóa – xã hội và kĩ thuật để vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo. Để có được mô hình dàn xếp này họ thiết lập ra các mô hình tương hỗ, hệ thống bảo trợ, sở hữu cộng đồng, vần công, đổi công, hệ thống tôn giáo tín ngưỡng trong quản lí hành vi trong các hoạt động khai thác tự nhiên,… Về kĩ thuật sản xuất, họ duy trì các hạt giống theo cách riêng của mình với nguyên tắc thử – sai và rút ra các kinh nghiệm cần thiết. Các sản phẩm có được không sẵn sàng đổi chác mua bán để lấy lãi. Qua các phương pháp và lí thuyết như vậy, những hiện diện của ý thức kinh tế trên Nam Phong tạp chí cho thấy có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, có những điểm nhấn về chất, đặc biệt là đánh dấu cho sự chuyển đổi từ hình ảnh người nông dân với tính chất tự cấp tự túc, mang đậm tính làng xã sang người thương nhân trong ý thức mới về sức mạnh kinh tế đối với vấn đề tự lực, tự cường dân tộc.

3. Kết quả và đánh giá

     3.1.

     Nguyễn Thế Anh phân tích sự can thiệp của Pháp vào đời sống kinh tế Việt Nam và cho rằng “sự đô hộ của người Pháp đã cho phép ghép vào tổ chức kinh tế truyền thống những hình thức khai thác tài nguyên thiên nhiên mới có tính cách tư bản” (Nguyễn Thế Anh, 2017, tr.160). Điều này được thể hiện qua hai khía cạnh:

     – Khía cạnh công: nhà cầm quyền Pháp, với những phương tiện tài chính như thuế má và các khoản công trái hiến cho, đặt hạ tầng cơ sở kinh tế (hệ thống giao thông; hải cảng, công trình thủy nông,…)

    – Khía cạnh tư: tư nhân xuất vốn để kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, kỹ nghệ, ngoại thương, và do đó tạo nên những hoạt động kinh tế mới.

     Với sự phân tích này, hoạt động kinh tế, khởi phát bởi tư nhân, chỉ được tiếp tục nếu các nhà tư bản Pháp thấy là sẽ được lợi (Nguyễn Thế Anh, 2017, tr.171). Đây là toan tính của thực dân Pháp: Xứ Đông Dương không bao giờ được coi như là một thuộc địa lập dân (colonie de peuplement), nơi kiều dân Pháp tới lập cư vĩnh viễn. “Tất cả hạ tầng cơ sở kinh tế được thiết lập để đáp ứng các nhu cầu của nền ngoại thương chứ không phải để đáp ứng các nhu cầu riêng của xứ Đông Dương” Nguyễn Thế Anh, 2017, tr.198). Chính phủ bảo hộ sự thật đã không bao giờ chuyên tâm đến việc định hướng cho hoạt động kinh tế của Việt Nam: các vị toàn quyền đều giao phó sự khai thác kinh tế cho sáng kiến tư nhân và cho sự tự do kinh doanh mà không bao giờ kiểm soát các sự đầu tư. Các sự đầu tư này chỉ chú trọng đến sự sản xuất các thổ sản đắt giá trên thị trường quốc tế, như cao su, trà, cà phê, hay các sản phẩm của các mỏ. Sự đầu tư này là kết quả của sự đầu cơ của các nhà tư bản Pháp, chứ không đáp ứng nhu cầu thật thụ cho nhu cầu kinh tế của Việt Nam (Nguyễn Thế Anh, 2017, tr.202). Thực tế này dẫn đến hậu quả tất yếu mà Nam Phong tạp chí cũng đã phản ánh rất rõ “hiện tình kinh tế dân quê” – kinh tế khủng hoảng ở nhà quê: Toàn quốc công tư sống về nghề nông, ngày nay sưu thuế nặng, chi phí tốn hơn cổ – giả nhiều, mà cách làm ruộng vẫn giữ nguyên cái lối “khảo đất lấy thóc”, đã không biết dùng phép mới, lại lười biếng hơn xưa nên sự thu hoạch cũng không tăng thêm lên được (…). Nhà nông đã không có tiền, còn lấy gì sắm sửa, nên chợ búa cũng tiều tụy, công thương đều đình đốn. Những chợ to ở nhà quê trước họp đông đến chiều, nay chỉ xao xác một lúc buổi sáng đã tan. Người đi chợ mặt võ minh gầy, áo quần rách rưới là số nhiều” (Nguyễn Trọng Thuật, 1934, tr.382). Thực trạng này giúp chúng ta hiểu về một nền kinh tế canh nông hầu như bị tê liệt trước năm 1945 đã khiến tác giả bài viết “sốt ruột”, không biết nên khen hay nên chê dân mình: Tuy thế nhưng ở nhà quê dù khốn khổ đến đâu cũng chỉ rên rỉ trong mồm chứ không gầm gào ra ngoài miệng, đói thì nằm bẹp chứ không chạy kêu như dân thất nghiệp bên Tây, nên không mấy ai biết đói. Đó cũng là cái tính di truyền hiền lành và ăn hèn ở khó đã quen” (Nguyễn Trọng Thuật, 1934, tr.382).

     Trong nhiều trường hợp khác, nếu ngành nhập cảng thuộc độc quyền người Trung Hoa, thì các hàng lụa, vải, mỹ phẩm từ Pháp gởi sang xâm nhập đời sống tỉnh thành, đã gây nên phản ứng làm thức tỉnh một ý niệm nào đó về quốc gia và kinh tế. Lòng ham chuộng “nội hóa” chớm nở lan tràn, được Nam Phong ghi chép qua những bàn luận (Phạm Thị Ngoạn, 1991, tr.354-355). Những diễn biến kinh tế này đã thức tỉnh ý niệm về quốc gia và kinh tế cũng như đặt ra vấn đề về xã hội đương thời: Muốn chấn hưng phong hóa thời phải cải cách mọi đường sinh hoạt của Quốc dân; hướng dẫn cách làm ăn / cạnh tranh kinh tế; phê phán những tư duy hủ lậu làm cản trở đến sự phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

     Nam Phong tạp chí đã cổ vũ một nền kinh tế mang tinh thần của dân tộc – kinh tế ở trong dân tộc, như huyết mạch ở trong thân thể. “Đến như một dân tộc không kể ở chỗ nghèo hèn, không thể ngưỡng vọng ở đâu đem cung cấp cho đủ để hưng thịnh lên được. Mà chính ở chỗ giàu mạnh, tuy có lợi dụng ở ngoài để giúp thêm cho thịnh vượng, nhưng tự trong bao giờ người ta cũng phải trù liệu cho dân tộc đủ thực lực về sinh nuôi” (Nguyễn Trọng Thuật, 1933, tr.519). Bên cạnh đó, Nam Phong tạp chí rất ủng hộ con đường thực nghiệp, nhất là những người Việt có công làm kinh tế. Phạm Quỳnh ca ngợi ông Bạch Thái Bưởi và coi ông như một cái gương cho thương giới nước ta thời điểm những năm đầu của thế kỉ XX. “Chủ ý bản báo là muốn nhân sự điều tra ấy được bày ra những cái gương tốt cho các nhà buôn trong nước ta theo đó mà bắt chước. Vì trong sự buôn bán cũng như mọi sự khác, người đi trước là thầy kẻ đi sau, sự kinh nghiệm là chúa mọi việc” (Thượng Chi, 1919, tr.281). Chưa dừng lại đó, Phạm Thị Ngoạn lưu ý rằng kể từ khi Pháp sang đô hộ, những giai cấp ưu tú mới xuất hiện; những văn nhân do nền tân học đào tạo và những nhà doanh thương hợp sức hoạt động cùng góp vào nền thịnh vượng chung của quốc gia. Như vậy, giới doanh thương cũng đáng được sáp nhập hàng ngũ trung gian trên đây, có thể sắp xếp ngang hàng với các quan lại và văn nhân cựu học (…). Đã đến lúc chúng ta phải ghi nhận sự việc mới mẻ đó, giúp sức và phối hiệp để thực hiện công cuộc hòa hợp, nhào lộn để gây tình huynh đệ giữa các tầng lớp ưu tú cũ”. Nam Phong tạp chí cũng rất khuyến khích lớp trẻ làm giàu: “Nếu bọn thiếu niên trong nước bỏ được hẳn cái chí “mê làm quan” đó mà đúc lấy cái gan “làm giàu” cho nước, nhiệt thành xu hướng về con đường thực nghiệp thì nông nghiệp nước ta sau này may ra có cơ phát đạt lên được, ký giả lấy làm mong mỏi lắm” (Nguyễn Mạnh Hồng, 1925, tr.146-148).

     3.2.

     Để xây dựng nền kinh tế tự cường, Nam Phong tạp chí tích cực hướng dẫn cách làm ăn / cạnh tranh kinh tế. Muốn cạnh tranh được phải gây dựng lấy nền kinh tế sung túc, mở mang ra bên ngoài. Nguyễn Trọng Thuật nhấn mạnh: Một là lo gây dựng lấy nền kinh tế ở trong cho sung túc. Hai là lo mở mang nền kinh tế ra ngoài cho thêm lợi. “Một dân tộc nào mà còn vụng về, ngu ngốc, không có tân pháp để mở mang thì thổ sản thiên nhiên không có giá trị. Chế tạo thô bỉ thì tất bị ngoại hóa tinh xảo chiếm mất lợi quyền. Thường tình ham rẻ mà chuộng lạ, thủ công tất không tranh được với cơ khí, cựu tất không địch được với tân học” (Nguyễn Trọng Thuật, 1933, tr.521).

     Vấn đề duy trì, phát triển kinh tế nông nghiệp, bên cạnh các ngành nghề khác, trong bối cảnh của Việt Nam cũng được Nam Phong tạp chí chú trọng: “Cho được nhân dân no đủ và đủ sức gánh vác vào sự nghiệp hưng thịnh của Quốc gia. Tưởng không gì bằng việc chấn hưng nông nghiệp trước” (Nguyễn Trọng Thuật, 1933, tr.435). Vậy, vấn đề nông nghiệp của nước ta sau này ra sao? Muốn việc này có hiệu quả, tất cũng lại phải trông vào quốc gia đôn đốc và bênh vực cho mới được. Đại nông thì khuyến khích những nhà tư bản hoặc lập nông hội để mở trang trại. Tiểu nông thì gộp vốn làm điền viên; khẩn hoang các miền cao nguyên hay sơn cước; luân phiên các loại trồng trọt và khuyến khích một nền nông nghiệp đa năng, thay vì độc năng chỉ trồng riêng có lúa khiến đất sớm trở nên cằn cỗi (Phạm Thị Ngoạn, 1991, tr.354).

      Nam Phong tạp chí cổ vũ mạnh mẽ học cách làm giàu “gần đây những nhà nhiệt tâm về thực nghiệp đang cổ động về việc buôn bán cạnh tranh lấy lợi quyền, chính là lúc dắt díu nhau lên con đường thí nghiệm về việc chí phú (phép làm giàu). Vậy kíp dịch thiên này để cống hiến đồng bào, họa có giúp được phần nào trong đạo kinh tế chăng” (Nguyễn Bá Học, 1919, tr.412). Nghề buôn đời nay khác đời xưa, cần phải biết qua những phương pháp về sự doanh nghiệp đời nay. “Nay muốn buôn bán cho thành công thời các nhà buôn ta phải nên nghiên cứu những cách tổ chức của các nhà hàng Tây thế nào, tuy chưa thể một mai bắt chước được cả, nhưng cũng có thể lần lần theo gương người ta mà cải cách lối buôn bán cũ của mình” (Ngô Thương Gia, 1921, tr.346). Những bài đăng trên Nam Phong cũng tìm cách hướng dẫn dân quê và ngành tiểu công nghệ khả dĩ mang lại một nguồn lợi bổ túc, ví dụ nghề làm đồ gốm và đồ sứ Thanh trì. Nó có thể cạnh tranh với người Trung Hoa có độc quyền thực tế nhập cảng các loại hàng này. Bên cạnh đó, đã nhiều lần và qua nhiều giai đoạn, tạp chí còn khuyến khích không những nghề nuôi tằm và cách quay tơ dệt lụa theo đường lối cổ truyền, mà còn canh tân và khuếch trương các nghề này,…

     3.3.

     Để xây dựng nền kinh tế tự cường, Nam Phong tạp chí phê phán cách làm ăn của dân ta, tư duy của dân ta “chỉ quen tính tham thanh chuộng lạ, không biết trọng dụng thổ hóa nước nhà”. Các bài viết về chủ đề này đều nhận định ở nước ta hiện nay, tiểu nông thì tản mạn vụn vặt không tự làm được, mà đại nông cũng lại cẩu thả. Nam Phong tạp chí phê phán thẳng: “vì người An nam chỉ biết trông cái lợi nhỡn tiền mà không biết mưu những kế trường cửu, cho nên mới vội vàng khinh xuất như vậy, khác nào như người võ bị chưa chỉnh đã vội ra khêu chiến với người, mong đắc thắng sao được?” (Thượng Chi, 1919, tr.319). Nam Phong tạp chí sốt ruột thay: “Thế mà làm sao nước người cường thịnh, mà nước mình vẫn nghèo khó, là bởi cớ gì? Tôi thiết tưởng chỉ có hai điều. Một là kỹ nghệ vụng về, công giới còn hủ bại; hai là buôn bán nhỏ mọn, thương giới còn hẹp hòi. Nghề đã vụng thì phải dùng đồ khéo đồ đẹp của người, tiền của rò ra ngoài hết; mà buôn bán hẹp, thì chỉ buôn quanh bán quẩn, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Như thế thì lợi quyền người ngoài thu hết, có lẽ nào mà trong nước chẳng nghèo chẳng kiết vậy” (Ngô Quý Chấn, 1919, tr.169).

     Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Nguyễn Trọng Thuật đã không tránh đề cập những “lỗ hổng” về tính cách con người trong khó khăn, khủng hoảng kinh tế và kêu gọi chủ nghĩa cần kiệm: “Ngày nay thế giới xô xát nhau về quyền lợi, tranh cướp nhau về kinh tế, thế mà người Việt Nam học hành đã kém, tài trí vốn hèn, con đường mưu sinh đã hẹp hòi khô cạn mà những mạch lỗ hà, lỗ hổng nó làm cho chi tiêu tiết nguồn lợi đi thì lại quá nhiều. Nếu không biết, chưa bỏ cái tính thích an nhàn để bỏ hết cái bệnh lười biếng, chưa bỏ cái bệnh hoang toàng đi, mà thực hành lại chủ nghĩa tiết kiệm, tôi quyết không còn kế gì để cứu vãn được cái vạ khốn cùng và chống đỡ được với cái nạn kinh tế khủng hoảng khốc hại bây giờ” (Nguyễn Trọng Thuật, 1934, tr.46). Sự phê phán này nhằm mục đích xây dựng “con người làm kinh tế”, xây dựng thế lực kinh tế.

     Có lẽ, “làn sóng” kinh tế tư bản Pháp xuất hiện ở Việt Nam quá mạnh mẽ, đột ngột đã khiến mọi đường sinh hoạt, làm ăn kinh tế của nhân dân với nền kinh tế trọng nông – duy tình bủa vây hàng ngàn năm bị chao đảo, chưa kịp “sửa mình”, thích ứng. Chưa kể những khó khăn đã gây ra cho nhân dân thuộc địa do nhân tai (người dân phải gánh chịu “một cổ đôi tròng”, chịu hai tầng áp bức của chế độ phong kiến – thuộc địa), do thiên tai: “chỉ ngặt vì lúc người nhà quê mới hơi tỉnh thức thì là lúc nhu – yếu phiền phi, sinh kế khó khăn, quan lại như cũ, tổng lý như cũ, gia chi dĩ mấy năm lại đây hạn luôn luôn. Hết sức làm lụng mà không đủ chống với tai hại, thì người nhà quê hứng khởi được cũng khó” (Đồ Nam, 1934, tr.257). Nhưng tác giả Đồ Nam vẫn có cái nhìn lạc quan về tính tình chịu khó, ham học hỏi của người Việt xưa nay: “Người nhà quê ngày nay chịu khó làm ăn hơn ngày trước, xem ra có ý cố đem cái cần mà giúp vào cho cái vụng. Người làm ruộng chỗ ruộng tiện nước thì làm được ba mùa, là gặt lúa tháng mười rồi trồng các loại hoa màu rau hành tây nam, cuối tháng chạp lại tát nước vào cấy chiêm. Người thì đi làm thợ, làm phu ở các thợ mở. Người thì ra buôn bán ở các phố chợ hoặc các nơi xa mặt bể, chân rừng, chứ không khư khư ở chỗ hương quan như trước” (Đồ Nam, 1934, tr.257). Đó đủ chứng rằng cái trí thức người nhà quê đã mở rộng nhiều. Tín hiệu này hay tấm gương sáng Bạch Thái Bưởi nêu trên đã giúp Nam Phong tạp chí thể hiện rõ hơn ý thức, khát vọng xây dựng nền kinh tế dân tộc tự cường, chứ không phải là nền kinh tế nô lệ, phụ thuộc.

4. Kết luận

     Kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi xã hội. Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỉ XX đã có những chuyển biến mạnh mẽ về chính trị – kinh tế – xã hội. Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam thời phong kiến trước đó, có thể khẳng định nó tiêu biểu cho mô hình “kinh tế duy tình” nhưng khi đối diện với nền kinh tế tư bản đang manh nha, qua sự hiện diện của người Pháp càng cho thấy sự mất cân đối và lạc hậu của nền kinh tế này. Nhận thức được thực tế này, Nam Phong tạp chí đã thức tỉnh ý niệm về một quốc gia tự cường về kinh tế; phê phán tư duy hủ lậu làm cản trở sự phát triển kinh tế nước nhà trong bối cảnh mới. Đây cũng là những vấn đề cần giải quyết mà Nam Phong tạp chí có dịp nhìn nhận, phân tích và đánh giá theo chủ trương hội nhập giữa hai nền kinh tế duy tình – duy lí trong bối cảnh Việt Nam vừa chịu sự thống trị của thực dân Pháp, vừa phải xây dựng nền kinh tế tự cường để chống ngoại bang và vươn ra thị trường thế giới. Đó là một bước ngoặt tất yếu của lịch sử mà không có sự lựa chọn nào khác.

     Đặc biệt, Nam Phong tạp chí đã nêu cao tinh thần người Việt thực nghiệp vì “lòng vinh dự, sự phụng sự chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, tích cực xây dựng các chiến lược kinh tế mang tầm quốc gia để cạnh tranh với các nước như Pháp, Trung Quốc,… ngay trên mảnh đất mà chúng ta đang là thuộc địa của thực dân Pháp. Nam Phong tạp chí với nhãn quan nhìn vào thực tiễn kinh tế nước nhà và tình hình kinh tế trên thế giới, với sự trân trọng những lợi thế về “thổ sản”, lợi thế con người, giá trị truyền thống của một số mặt hàng, ngành nghề có thể cạnh tranh trên trường quốc tế đã tích cực phân tích, bàn luận và đưa ra các giải pháp kinh tế cho cả nước ta. Có lẽ, những động thái này tuy đã lùi xa hơn một thế kỉ nhưng lật lại những vấn đề đó trong bối cảnh hội nhập kinh tế Việt Nam hiện nay thì vẫn còn nguyên giá trị: Xây dựng chiến lược kinh tế phát triển bền vững là xây dựng một nền kinh tế tự cường, hòa nhập với nền kinh tế thế giới nhưng không hòa tan.

__________
∗ Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

∗∗ Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

1 Ở Hà Nội, tờ báo kinh tế đầu tiên là một tờ bằng tiếng Pháp, ra năm 1883, tờ Le Bulletin du Comité d’études agricoles, industrielles et commerciales de l’Annam et du Tokin (Bản tin của Ủy ban nghiên cứu canh nông, kỹ nghệ và thương mại của Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ở Sài Gòn, năm 1901 xuất hiện tờ báo bằng chữ quốc ngữ là tờ Nông cổ mín đàm do Canavaggio sáng lập, về sau được điều hành bởi Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu. Đây là một tờ báo ra ngày thứ 5 hàng tuần, chú trọng tới canh nông, thương mại và kể cả kỹ nghệ, tới giá cả lúa gạo, cao su, cà phê và trà, vốn là mối quan tâm của giới điền chủ bản xứ (Trần Hữu Quang, 2006, tr.206).

2 Các tờ thông tin kinh tế chuyên biệt: Nhật báo tỉnh (Le Moniteur des Provinces, 1905 – 1912), Nam kỳ Kinh tế báo (1920 – 1924), Canh nông luận (1929 – 1931), Phòng Canh nông Tam kỳ Tạp chí (1933 – 1934), tờ Công Thương (1935), tờ Tuần báo Nông Công Thương (1936 – 1944), Việt Nam Thương mại Kỹ nghệ (1938 – 1939),…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đồ Nam (1934). “Điều trần về hiện tình ở nhà quê”. Tạp chí Nam Phong, số 104, tr.257-265.

2. Jame Scott (1976). The moral economy of the peasant – Rebellion and subsitence in Southeast Asia. New Haven: Yale University Press.

3. Lương Đức Thiệp (2018). Xã hội Việt Nam. Hà Nội: Hội Nhà văn. (In lại theo bản in lần đầu năm 1944 của Hàn Thuyên).

4. Lê Hữu Phước (2017). “Diễn tiến và hệ quả của chính sách khai thác thuộc địa ở miền Đông Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc (1862-1945)”, Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 2(33).

5. Ngô Thương Gia (1921). “Bàn về thương nghiệp – Cách tổ chức một nhà buôn”. Tạp chí Nam Phong. Số 47, tr.346.

6. Ngô Quý Chấn (1919). “Bàn về việc kỹ nghệ và buôn bán”. Tạp chí Nam Phong. Số 26, tr.169.

7. Nguyễn Thế Anh (2017). Việt Nam thời Pháp đô hộ. Thành phố Hồ Chí Minh: Văn hóa – Văn nghệ. (In theo bản in năm 1970).

8. Nguyễn Mạnh Hồng (1925). “Cảm tưởng về nông nghiệp lúc đêm hè”. Tạp chí Nam Phong, số 47, tr.146-148.

9. Nguyễn Trọng Phấn (2016). Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII. Thành phố Hồ Chí Minh:
Tổng hợp.

10. Nguyễn Trọng Thuật (1934). “Hiện tình kinh tế dân quê”. Tạp chí Nam Phong, số 197, tr.382.

11. Nguyễn Trọng Thuật (1933). “Dân tộc kinh tế”, Tạp chí Nam Phong, số 191, tr.521.

12. Nguyễn Trọng Thuật (1934). “Một cái bí quyết chống với nạn kinh tế khủng hoảng: Chủ nghĩa cần kiệm”, Tạp chí Nam Phong, số 201, tr.45-47.

13. Nguyễn Khắc Xuyên (1968). Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong (1917-1934). Bộ Văn hóa Giáo dục xuất bản.

14. Phạm Thị Ngoạn (1991). Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (1917-1934). Ý Việt xuất bản.

15. Trần Hữu Quang (2006). Xã hội học báo chí. Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.

16. Sơn Nam (1971), Miền Nam đầu thế kỷ XX: Thiên địa hội và cuộc Minh tân, Sài Gòn: Phù Sa, tr.97.

17. Thượng Chi (1919). “Chấn chỉnh thương trường: Một cái gương cho thương giới nước ta: Ông Bạch Thái Bưởi”. Tạp chí Nam Phong, số 29, tr.281.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề
Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay,
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 1315 đến trang 1321)

Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)