VAI TRÒ của SÀI GÒN – CHỢ LỚN trong nền KINH TẾ NAM KỲ giai đoạn Đầu Thế Kỷ XX đến 1945 (Phần 2)

Huỳnh Đức Thiện *
Đào Anh Thư **
(Tiến sĩ, Trường  Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM
** Thạc sĩ, Trường  Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM
)

III. VAI TRÒ CỦA SÀI GÒN – CHỢ LỚN TRONG NỀN KINH TẾ NAM KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1945

     1. Sài Gòn – Chợ Lớn là trung tâm thương mại và tài chính của Nam Kỳ

      1.1 Thương mại

      Đầu thế kỷ XX, Pháp tiến hành khai thác thuộc địa trên quy mô lớn, số vốn đầu tư vào Đông Dương cũng như Nam Kỳ ngày càng tăng nhanh, Sài Gòn – Chợ Lớn càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nam Kỳ, nhất là về thương mại. Lúc bấy giờ Pháp nắm hầu hết hoạt động xuất nhập khẩu ở Nam Kỳ. Để tăng mức lợi nhuận, nhất là về xuất khẩu, Pháp xúc tiến đầu tư nâng cấp công trình hạ tầng cảng Sài Gòn như bến tàu, cơ sở điều hành, bốc xếp, vận chuyển, lưu kho,… Đến 1920, Sài Gòn trở thành hải cảng lớn thứ 7 của đế quốc Pháp, xét về khối lượng lưu thông,…; chiếm tới 57% tổng lượng chuyên chở tất cả các cảng Đông Dương thời đó (Đặng Phong, 2002, tr. 29). Trong ba thập niên đầu của thế kỷ XX, cảng Sài Gòn phát triển rất nhanh về số lượng và tải trọng tàu cập bến: 1900 có 1.164 tàu (1.526.904 tấn), 1910: 1426 tàu (2.544.369 tấn), 1920: 1539 tàu (2.785.383 tấn), 1929: 1719 tàu (4.211.070 tấn) (Đặng Phong, 2002, tr. 30).

     Hoạt động xuất khẩu của cảng Sài Gòn càng tăng nhanh, đưa hàng hóa Nam Kỳ gia nhập vào thị trường thế giới, trong các mặt hàng xuất khẩu qua cảng Sài Gòn, lúa gạo vẫn giữ vị trí hàng đầu, kế đến là cao su, hạt tiêu,… Năm 1900 xuất 747.635 tấn gạo, 1910: 1.108.561 tấn, 1921: 1.541.218 tấn, 1928: 1.666.162 tấn gạo (Nguyễn Phan Quang, 2004, tr.103). Năm 1930, lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng một nửa giá trị xuất khẩu của cả Đông Dương. Về xuất khẩu cao su, từ 1910 đến 1938 số lượng cao su Nam Kỳ xuất qua cảng Sài Gòn cũng tăng nhanh. Năm 1910 xuất 175 tấn, 1920: 3.601 tấn, 1935: 25.000 tấn, 1938: 60.000 tấn cao su (Nguyễn Phan Quang, 2004, tr. 99). Đầu thế kỷ XX, nghề trồng tiêu xuất khẩu đã trở thành ngành quan trọng của Nam Kỳ, ngoài vườn tiêu với sản lượng 1.224 tấn (1898) còn có các vườn tiêu quan trọng rải rác ở các tỉnh Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá,… Theo nhận định của chính quyền thực dân, hạt tiêu “là mặt hàng đứng thứ ba về giá trị và tầm quan trọng trong sản phẩm xuất khẩu của Nam Kỳ”. Số lượng hạt tiêu xuất khẩu qua cảng Sài Gòn đầu thế kỷ XX tăng mạnh: năm 1900 xuất 2.538 tấn đến 1908 tăng lên 4.760 tấn (Nguyễn Phan Quang, 2004, tr.104).

     Trong hoạt động thương mại của Nam Kỳ lúc này, tư bản người Hoa có vai trò rất lớn. Thực dân Pháp đã chủ trương cho tư sản người Hoa phát triển, xem tư sản người Hoa là đồng minh và lợi dụng họ làm đối trọng với người Việt về mặt kinh tế. Thực dân Pháp khuyến khích người Hoa nhập cư ào ạt vào Sài Gòn – Chợ Lớn. Tư sản người Hoa dần dần chiếm vị trí then chốt trong một số ngành kinh tế, nhất là về thương mại. Năm 1922, người Hoa có 100 công ty xuất nhập khẩu ở Nam Kỳ (Võ Văn Sen, 2005, tr. 32). Thương nhân người Hoa không có công ty có quy mô lớn như tư bản Pháp, nhưng nhờ nắm được mạng lưới tiểu thương đều khắp nên họ vẫn có vị trí chi phối rất lớn đối với Nam Kỳ. Lúa gạo mà mạng lưới của họ thu được ở đồng bằng sông Cửu Long đem lên Sài Gòn để chế biến, rồi sau đó các công ty người Hoa tung đi các vùng khác trong nước, trực tiếp xuất khẩu hay bán lại cho tư bản Pháp xuất khẩu. Do chi phối hệ thống buôn bán lúa gạo và các nông sản khác nên dù không trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, hoạt động của tư sản thương nghiệp người Hoa vẫn tác động mạnh đối với nông nghiệp và nông dân (Võ Văn Sen, 2005, tr. 33).

     Như vậy, thương mại Nam Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến 1945 chủ yếu là hoạt động theo hướng nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản qua cảng Sài Gòn. Chính vì vậy Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại của Nam Kỳ. Nó là đầu mối lưu thông và tập trung hàng hóa của Nam Kỳ để hướng ra thị trường thế giới. Đây cũng là ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng và tác động đến các ngành khác trong nền kinh tế Nam Kỳ.

       1.2 Tài chính – ngân hàng

       Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn không những là một trung tâm thương mại mà còn là một trung tâm tài chính cho cả Nam Kỳ và khu vực Nam Đông Dương. Ở đây có trụ sở của nhiều ngân hàng quan trọng của tư bản Pháp và của người bản xứ như Ngân hàng Đông Dương, Pháp Hoa ngân hàng, Đông Á ngân hàng, Trung Hoa ngân hàng, Việt Nam ngân hàng,… trong đó đáng chú ý nhất là Ngân hàng Đông Dương. Được thành lập từ rất sớm (1875), Ngân hàng Đông Dương có trụ sở chính ở Sài Gòn và nhiều chi nhánh ở các thành phố khác như Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng,… Đây là ngân hàng tư nhân của tư bản tài chính Pháp và nó sớm trở thành đầu mối tập trung nhất hệ thống tiền tệ – tín dụng ở Đông Dương. “Ngân hàng Đông Dương có hai ảnh hưởng đến sự tiến triển của kinh tế thuộc địa. Trước hết nó đóng vai trò tiền tệ. Thứ đến nó có vai trò tài chính. Chính những mối quan hệ của Ngân hàng với các cơ quan chính quyền đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến hướng bành trướng của nó” (J.P Aumiphin, 1994, tr. 25). Ngân hàng Đông Dương được nhà nước thực dân giao cho nhiệm vụ độc quyền phát hành giấy bạc. Ngân hàng Đông Dương cũng còn là ngân hàng kinh doanh là chủ yếu như cung cấp tín dụng nông nghiệp và đất đai, tham gia thành lập, kiểm tra và điều hành các xí nghiệp, đồn điền và các công trình công cộng như nạo vét kênh rạch, cấp điện nước, đường sắt,… ở hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là cung cấp tài chính cho hoạt động xuất khẩu của tư bản Pháp.

     Với tính chất tư bản độc quyền, Ngân hàng Đông Dương giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế lúa gạo Nam Kỳ từ khâu sản xuất, thu mua, cho đến việc xuất cảng (khoảng 1920 – 1930 đã cung cấp từ 50 – 70% tài chính cho các hoạt động trên). Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương tại Cần Thơ chủ yếu hoạt động với dịch vụ này, cung cấp đến 70% giá trị của mỗi vụ mùa ở địa phương. Từ khi có các tổ chức nông tín cho vay thế chấp, trung và đại địa chủ Nam Kỳ vay tiền ở quỹ nông tín với lãi suất 6 – 10%/năm rồi cho nông dân vay lại với mức lãi từ 20 – 30%/tháng để kiếm lời (Trần Thị Bích Ngọc, 1985, tr. 57-58).

     Mọi hoạt động kinh tế lúa gạo Nam Kỳ dù lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào các thế lực tư bản về tài chính. Các ngân hàng, các tổ chức nông tín, tổ chức điền sản và các nhà tài phiệt kiểm soát hầu hết toàn bộ ruộng đất, vốn trang bị và vốn khai thác mùa vụ. Người nông dân trực tiếp hay gián tiếp đều phải chịu vay nợ và chịu sự chi phối của các thế lực trên.

     Ngoài ra, Ngân hàng Đông Dương còn điều khiển và khống chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Đông Dương ở Đông Dương nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Nó tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại và Kỹ nghệ Pháp Hoa (1920), Pháp thương ngân hàng (1922) và chi phối các tổ chức tín dụng do nhà nước thực dân lập ra. Qua việc chi phối hệ thống ngân hàng và các cơ sở kinh tế công, thương, nông nghiệp, Ngân hàng Đông Dương đã thực sự có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng (Võ Văn Sen, 2005, tr. 28).

     2. Công nghiệp Sài Gòn – Chợ Lớn trong nền kinh tế Nam Kỳ

     Từ khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn đến cuối thế kỷ XIX là giai đoạn hình thành công nghiệp của Sài Gòn – Chợ Lớn cũng như cả Nam Kỳ. Điểm xuất phát là cảng Sài Gòn – xưởng Ba Son và nhà máy xay xát được lập ra. Dựa vào yếu tố mở rộng và xây dựng mới cảng Sài Gòn, mở rộng quy mô xuất khẩu gạo, Pháp phát triển công nghiệp xây dựng, trước hết là các khu hành chính, công thự, các khu nhà mới. Công nghiệp Sài Gòn – Chợ Lớn buổi đầu ra đời từ công nghiệp quân sự, nhu cầu xuất khẩu gạo và xây dựng các cơ sở hạ tầng, khu hành chính, cai trị.

     Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 là giai đoạn công nghiệp phát triển thành thế mạnh kinh tế của Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời gian này có rất nhiều ngành công nghiệp ra đời ở Sài Gòn -Chợ Lớn, công nghiệp chế biến là ngành phát triển nhanh nhất với các ngành như xay xát, rượu bia, thuốc lá, chế biến đường, công nghiệp thức uống, chế biến cao su,… trong đó công nghiệp xay xát lúa gạo là ngành đặc biệt quan trọng của Sài Gòn – Chợ Lớn cũng như của kinh tế Nam Kỳ. Trên lĩnh vực này tư sản người Hoa luôn giành độc quyền. Năm 1910, ở Chợ Lớn có 10 nhà máy xay gạo thì đã có 8 cái là của người Hoa, công suất mỗi nhà máy khoảng 450 – 750 tấn/ngày, sử dụng khoảng 600 – 800 công nhân. Điều đáng chú ý là trong 10 nhà máy xay gạo chỉ có một cái là chuyên xay mướn, gia công cho khách, còn lại là nhà máy của thương nhân buôn bán gạo. Ở đây tư bản công nghiệp gắn chặt với tư bản thương nghiệp. Sau Thế chiến I, công nghiệp xay xát phát triển càng nhanh và có sự tham gia của tư sản người Việt (3 nhà máy). Đến 1939, Sài Gòn – Chợ Lớn có khoảng 30 nhà máy trên 100 mã lực. Năm 1953 số nhà máy xay gạo ở Sài Gòn – Chợ Lớn tăng lên 41 nhà máy và hầu hết cũng của người Hoa (Võ Văn Sen, 2005, tr. 37). Trên nền tảng chế độ sở hữu tư nhân và tư bản nhà nước Pháp, công nghệ bắt đầu đi vào cơ khí hóa, bước đầu có sự phân ngành, sản xuất gắn với thị trường. Công nghiệp góp phần quan trọng hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn.

     Công nghiệp Sài Gòn – Chợ Lớn thời gian này chủ yếu là công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu nên nó cũng đã góp phần hình thành thị trường hàng hóa trong nước và thị trương xuất nhập khẩu và các quan hệ tài chính, đầu tư với nước ngoài. Sài Gòn – Chợ Lớn chưa thực sự thể hiện là trung tâm công nghiệp của Nam Kỳ, nó chưa tạo được ảnh hưởng tác động đến sự phát triển công nghiệp của các vùng khác của Nam Kỳ nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp xay xát lúa gạo làm cho việc buôn bán và xuất khẩu gạo ngày càng lớn mạnh, là chiếc cầu nối giữa vùng sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với cảng Sài Gòn.

     3. Sài Gòn – Chợ Lớn với nền nông nghiệp Nam Kỳ

     Ở Nam Kỳ, chủ trương không phát triển công nghiệp nặng được triệt để thực hiện. Trong khi đó chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp được đề cao, chủ yếu dựa vào những biện pháp thực dân thuần túy. Nam Kỳ là vùng đất mới, đất đai hoang hóa còn nhiều. Đây cũng là nơi ruộng công ít, chế độ sở hữu ruộng đất tư nhân, nhất là chế độ sở hữu ruộng đất lớn đại địa chủ phong kiến sớm phát triển. Thực dân Pháp chủ trương biến nơi này thành vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu để kiếm lời. Do đó ngay từ sớm, Pháp đã vơ vét lúa gạo cùng với chiếm đoạt đất đai Nam Kỳ để làm cơ sở cho toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa. Năm 1920 Nam Kỳ có 308.000 ha trồng lúa và cao su (Lê Huỳnh Hoa, 2003, tr.130). Các đồn điền trồng lúa được tư bản Pháp tiến hành phát canh thu tô, đây là hình thức bóc lột đem lại lợi nhuận cao mà chi phí bỏ ra thấp. Ở các đồn điền hình thức chuyên canh là chính. Đồn điền và hình thức chuyên canh nhằm tập trung sản phẩm cho thương mại. Đồn điền phát triển tác động trở lại hoạt động xuất khẩu gạo và cao su qua cảng Sài Gòn. Tuy nhiên nhu cầu xuất khẩu càng lớn, chuyên canh sẽ càng dẫn đến tình trạng độc canh. Điều này phản ánh bản chất của nền kinh tế thuộc địa – nền kinh tế thuần nông đồng dạng.

     Cán cân ngoại thương Nam Kỳ lúc này nghiêng hẳn về xuất khẩu, chủ yếu là nông sản lúa gạo, cao su và hạt tiêu. Do vậy diện tích đất trồng trọt có sự thay đổi lớn: diện tích đất trồng lúa tăng lên nhanh chóng trong toàn vùng (năm 1880: 522.000 ha, 1900: 1.174.000 ha, 1937: 2.200.000 ha) (J.P Aumiphin, 1994, tr.148) làm thu hẹp diện tích đất hoang hóa. Điều đó đã biến một số tỉnh trước đây có diện tích đất trũng ngập, nhiễm mặn, nhiễm phèn như Hà Tiên, Rạch Giá trở thành những cánh đồng nông nghiệp có diện tích trồng lúa lớn nhất Nam Kỳ. Còn ở miền Đông Nam Kỳ, nơi trước đây bỏ hoang và chỉ có rừng rậm, các đồn điền trồng cao su được thiết lập làm tăng diện tích trồng trọt của Nam Kỳ. Các đồn điền này đã làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt vùng Đông Nam Kỳ. Thực dân Pháp vẫn thường ca ngợi đây là “một công trình sáng tạo từ số zéro”. Diện tích đất trồng cao su tăng nhanh (năm 1919: 15.500 ha, 1925: 27.700 ha, 1929: 88.300 ha, 1935: 97.000 ha) (J.P Aumiphin, 1994, tr.148).

     Dưới tác động của nhu cầu xuất khẩu, Nam Kỳ thực sự hình thành hai vùng nguyên liệu chính phục vụ cho xuất khẩu. Sự xuất hiện những vùng chuyên môn hóa sản xuất không những là nét mới của kinh tế Nam Kỳ mà còn là những vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn nhất nhì thế giới, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động ngoại thương Nam Kỳ thời Pháp thuộc.

KẾT LUẬN

   Với vai trò là trung tâm thương mại và tài chính của Nam Kỳ, Sài Gòn – Chợ Lớn với cảng Sài Gòn là nơi tập trung nông sản hàng hóa của Nam Kỳ, chủ yếu là lúa gạo và cao su, để xuất khẩu ra bên ngoài, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Sài Gòn – Chợ Lớn cũng là nơi mà các ngân hàng quan trọng của Đông Dương, các ngân hàng này có vốn đầu tư trong hầu khắp các ngành kinh tế ở Đông Dương nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Điều đó thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa tư bản tài chính với tư bản công thương nghiệp trong việc khai thác, bóc lột thuộc địa.

     Chính sự phát triển thương nghiệp của Sài Gòn – Chợ Lớn đã góp phần hình thành ngành công nghiệp ở Nam Kỳ, tuy chưa đồng bộ và hoàn chỉnh nhưng nó đã gắn với thị trường, đặc biệt là công nghiệp xay xát lúa gạo, là ngành hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xuất khẩu lúa gạo của Nam Kỳ. Đồng thời, Sài Gòn – Chợ Lớn tác động mạnh mẽ đến các vùng nông thôn Nam Kỳ. Hoạt động xuất khẩu lúa gạo và cao su đã làm cho diện tích trồng lúa ở miền Tây Nam Kỳ và cao su ở miền Đông Nam Kỳ ngày càng tăng và sản lượng lúa cũng như cao su tăng nhanh theo. Sự tác động này tạo ra hai vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu. Qua đó ta thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa các ngành kinh tế, mà ở đây là sự tác động lẫn nhau giữa thương nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp.

     Vai trò của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đối với nền kinh tế Nam Kỳ là rất lớn, nó là động lực làm cho kinh tế Nam Kỳ những thập niên đầu thế kỷ XX phát triển nhanh chóng nhưng, thực chất, sự phát triển này nhằm đảm bảo tối đa cho nguồn lợi khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, khi thấy được vai trò của Sài Gòn – Chợ Lớn, ta có thể rút ra bài học trong việc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng kinh tế Nam Bộ sau này, đó là:

     Thứ nhất, phải ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế như xây dựng các công trình giao thông vận tải thủy bộ, lập các khu công nghiệp, khu chế xuất,… Các dự án đầu tư trang thiết bị phải thiết thực, theo hướng hiện đại và phân bố phù hợp với trung tâm thành phố và các vùng xung quanh.

     Thứ hai, phải mở rộng hoạt động ngoại thương và thị trường cho vùng kinh tế phía Nam. Đó là tạo ra một bước chuyển biến cho nông, lâm, thủy sản của Nam Bộ hướng mạnh vào nhiệm vụ xuất khẩu, tận dụng hết khả năng phát triển công nghiệp chế biến của thành phố nhằm mục tiêu sản xuất ra sản phẩm với khối lượng lớn, tiêu chuẩn và chất lượng cao, giảm dần xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm sơ chế. Đồng thời tạo ra cơ cấu kinh tế nối liền hai vùng sản xuất chính miền Đông và miền Tây Nam Kỳ với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo cho lưu thông hàng hóa thông suốt trong toàn vùng và gắn với thị trường thế giới, kích thích phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu ở các vùng nông thôn. Bằng cách đó chúng ta mới có thể đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

     Thứ ba, phải xây dựng và phát triển đồng bộ các ngành kinh tế để phát huy hết tiềm năng của thành phố và khu vực Nam Bộ. Song song đó hình thành một tổng thể kinh tế để tránh làm mất đi định hướng cơ bản phát triển của vùng do mục tiêu rời rạc, đầu tư phân tán, không sử dụng được sức mạnh kinh tế của vùng, mà trong đó nổi bật là trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. J.P Aumiphin (1994). Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương 1859 – 1939. Hà Nội: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản.

2. Đặng Phong (2002). Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000, Tập 1. Hà Nội: Khoa học xã hội.

3. Lâm Quang Huyên (1998). 300 năm kinh tế Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong Góp phần tìm hiểu lịch sử – văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh: Trẻ.

4. Lê Huỳnh Hoa (2003). Cảng Sài Gòn và biến đổi kinh tế Nam Kỳ thời Pháp thuộc, Luận án tiến sĩ lịch sử. Trường Đại học Sư phạm TP HCM.

5. Nguyễn Phan Quang (1998). Góp thêm tư liệu Sài Gòn – Gia Định từ 1859 – 1945. TP Hồ Chí Minh: Trẻ.

6. Nguyễn Phan Quang (2004). Thị trường lúa gạo Nam Kỳ 1860 – 1945. TP Hồ Chí Minh: Tổng hợp.

7. Trần Thị Bích Ngọc (1985). Tình hình sản xuất lúa gạo ở Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc (1862- 1945). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5(224).

8. Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh (1999). Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm hình thành và phát triển 1698-1998. TP Hồ Chí Minh.

9. Trịnh Tri Tấn – Nguyễn Minh Nhật – Phạm Tuấn (1998). Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kỷ XIX. NXB TP Hồ Chí Minh.

10. Võ Văn Sen (2005). Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở miền Nam Việt Nam (1954-1975). TP Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8. NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 1137 đến trang 1146)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)