Vài ý kiến về các thuật ngữ Y HỌC PHỤC HỒI và VẬT LÝ TRỊ LIỆU

ĐỖ ĐÌNH HỒ
NGUYỄN THỊ HƯƠNG
(Đỗ Đình Hồ, nguyên trưởng khoa, và Nguyễn Thị Hương- Thạc sĩ Vật lý Trị liệu- nguyên trưởng bộ môn VLTL Khoa Điều Dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Tp. Hồ Chí Minh)

     Chữ viết tắt: KTV: Kỹ thuật viên; KTYH: Kỹ thuật y học; VLTL: Vật lý trị liệu; YHPH: y học phục hồi.

Đặt vấn đề:

  • Hiện nay chưa có sự thống nhất trong việc dùng các từ Việt Nam ứng với từ tiếng Anh.

– Rehabilitation: phục hồi, y học phục hồi, phục hồi chức năng.

– Physiotherapy Department: bộ môn vật lý trị liệu nhưng cũng có nơi gọi là bộ môn phục hồi chức năng.

– Physiotherapist: kỹ thuật viên VLTL; cũng có nơi dùng từ KTV phục hồi chức năng…

  • Chức danh của một nghề phải phản ánh chức năng chủ yếu của nghề đó, chính vì vậy mà nghề y tá được đổi tên thành nghề điều dưỡng, hội y tá điều dưỡng đã được chính phủ đổi tên thành hội điều dưỡng.
  • Do đó, cần xem xét một cách nghiêm túc về việc định danh những người làm việc trong lĩnh vực phục hồi hình thể và chức năng hoạt động của người bệnh.

1. Định nghĩa và dịch từ REHABILITATION và PHYSIOTHERAPY:

1.1  Theo hai từ điển giải thích:

     A. Dorland’s Illustrated Medical Dictionary (W.B. Saunders and company, 1994)

  • Rehabilitation (trang 1443):

1. The restoration of normal form and function after injury or illness.

2. The restoration of the ill or injured patients to optional functional level in the home and community in relation to physical, psychosocial, vocational and recreational activity.

  • Physiotherapy (trang 1290): physical therapy.
  • Từ điển Y học Dorland Anh Việt ấn bản lần 30 2003, dịch sang tiếng Việt năm 2012 ( NXB Y học ): physiotherapy = VLTL ( trang 1402), rehabilitation = phục hồi ( trang 1554 ).

     B. Từ điển Y học Anh – Việt (BS Phạm Ngọc Trí, NXB y học, 1996)

  • Physiotherapy (trang 1114): the branch of treatment that employs physical Methods to promote healing, including the use of light, infrared and ultraviolet rays, heat, electric current, massage, maninpulation and remedial exercice.

         Vật lý trị liệu (dt) một ngành trị liệu dùng các phương pháp vật lý để giúp lành bệnh, gồm việc dùng ánh sáng, các tia hồng ngoại và tử ngoại, nhiệt, dùng điện, xoa bóp, thao tác tay và thể dục trị liệu.

  • Rehabilitation (trang 1234)

    1. (In physical Medicine) the treatment of an ill, injured or disabled patient by massage, electrotherapy, and graduated exercises to restore normal health and functions or to prevent the disability from getting worse.

     2. Any means for restoring the independce of a patient after diseases or injury, including employment retraining.

Phục hồi:

     1. (Trong y học thể chất) điều trị một bệnh nhân đau bệnh bị tổn thương hay mất năng lực bằng xoa bóp, điện liệu pháp và các luyện tập tăng dần để phục hồi sức khỏe và hoạt động bình thường hay để phòng ngừa sự mất năng lực sẽ tồi tệ hơn.

     2. Bất kỳ phương pháp nào dùng để phục hồi tính độc lập của bệnh nhân sau khi bị bệnh hay tổn thương, bao gồm cả tái huấn luyện nghề nghiệp.

     1.2. Tham khảo một số tự điển đối chiếu (NXB: nhà xuất bản)

          1.2.1 Từ điển y học phục hồi Anh-Pháp-Việt

(BS Ngô Thế Vinh, NXB y học, 1994)

    • Rehabitition (R 155, trang 148): phục hồi.
    • Physiotherapy (P 229, trang 135): vật lý trị liệu.
    • Physical Medicine and Rehabilitation Medicine: y khoa vật lý và y học phục hồi.
    • Physiotherapist (P 228, trang 135): KTV vật lý trị liệu = physical therapist (trang 11).

          1.2.2 Từ điển y học Anh- Việt

(BS Bùi Khánh Thuần, NXB ngoại văn, NXB y học, 1988)

    • Rehabitation (trang 955): phục hồi
    • Physiotherapy, đn physical therapy (trang 850): điều trị vật lý.

           1.2.3 Từ điển dược Pháp- Việt (BS Hoàng Đình Cầu, NXB y học, 1976)

    • Rehabilitation : sự phục hồi
    • Physiothérapie (trang 524): lý liệu pháp.

           1.2.4 Từ điển y học Anh- Pháp- Latinh

(GS Lê Cao Đài, NXB y học, 1993)

    • Rehabilition (R264, trang 1182): sự phục hồi khả năng lao động.
    • Physicotherapy= physiotherapeutics = physiotherapy ( trang 1086 và
      trang 1087).

           1.2.5 Từ điển y dược Anh- Việt

(Liên hiệp công nghệ mới – sản phẩm mới, 1988).

    • Physiotherapy: vật lý trị liệu (trang 156)
    • Rehabititation : sự phục hồi (trang 173).

     1.3. Về tổ chức hội

  • Hội quốc tế: Rehabilitation International (RT) gồm gần 90 quốc gia hội viên, Việt Nam mới gia nhập cách đây mấy năm. Hội viên chủ yếu là các bác sĩ y học phục hồi.
  • Hội quốc tế: WORLD Confederation for Physical Therapy (WCPT). Gồm hơn 50 quốc gia hội viên.
  • Hội ở Việt Nam: hội phục hồi chức năng VN, chưa có hội VLTL Việt Nam, nhưng đã có hội VLTL Tp. Hồ Chí Minh.

     1.4. Nhận xét và đề nghị

     Qua những điểm trình bày ở các mục 1,2,3 và qua trao đổi trực tiếp với những chuyên gia quốc tế về lĩnh vực này tôi rút ra mấy nhận xét và đề nghị sau.

          1.4.1 Rehabititation Medicine và physiotherapy: Là hai chuyên ngành thống nhất nhưng không đồng nhất, có liên quan chặt chẽ. Rehabilitation là một chuyên khoa của bác sĩ (rehabilitation doctor or physician = BS PHCN), physiotherapy là một chuyên khoa của hệ thống KTYH (physiotherapist = KTV VLTL). Quan hệ giữa rehabilitation doctor với physiotherapist cũng tương tự quan hệ giữa BS và điều dưỡng: physiotherapist vừa có chức năng phụ thuộc (thực hiện y lệnh của rehabilitation doctor và BS khác), vừa có chức năng độc lập. Do tính chất nghề nghiệp có những điểm khác nhau, nên có những hội khác nhau tương ứng: rehabilitation Association và physiotherapy Association.

         1.4.2 Rehabilitation: Có nghĩa là phục hồi dành cho các chuyên ngành khác nhau, nhưng khi dùng trong ngành y thì nên  dịch là y học phục hồi (rehabilitation medicine). Y học phục hồi có hai nhiệm vụ là phục hồi hình thể và phục hồi chức năng (từ điển A, ý 1), do đó dịch rehabilitation là phục hồi chức năng là không thỏa đáng. Trong chuyên ngành YHPH thì BS có thể dùng các phương pháp khác nhau (ý 2, tự điển B) như nội khoa, phẫu thuật, vật lý.

          Khi dùng các phương pháp vật lý điều trị thì phương pháp điều trị đó được gọi là vật lý trị liệu (Physical Therapy hay Physiotherapy) và y học tương ứng được gọi là y học vật lý (physical Medicine).

          Y học phục hồi có ý nghĩa rộng hơn y học vật lý.

        Hai mục tiêu phục hồi hình thể và phục hồi chức năng luôn luôn đi đôi với nhau, trong đó phục hồi chức năng là mục tiêu chính. Đôi khi  phục hồi hình thể nhưng chức năng không được phục hồi (thí dụ phục hồi hình thể vú sau phẫu thuật cắt bỏ do ung thư, chức năng tiết sữa của vú không được phục hồi).

           1.4.3 Hệ thống đào tạo và hoạt động:

    • Trong bệnh viện có khoa y học phục hồi hoặc khoa VLTL.
    • Ngoài bệnh viện ở những nước phát triển, có những trung tâm VLTL (Physiotherapy center).
    • Ở trường Trung học có bộ môn VLTL (department of Physiotherapy).
    • Ở trường Đại học: có bộ môn y học phục hồi ở khoa y hoặc trường y đào tạo chuyên khoa y học phục hồi (BS y học phục hồi); nhiều nơi có khoa VLTL (Faculty of Physiotherapy ngang hàng các Khoa Y, Điều Dưỡng, Kỹ thuật Y học…), trong đó đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ VLTL..; nhiều người trong số họ trở thành phó giáo sư, và giáo sư VLTL, một số tiến sĩ và giáo sư VLTL của Mỹ đã sang thăm và giảng dạy ở Việt Nam.
    • Trong hoạt động nghề nghiệp thì có sự hợp tác và phối hợp giữa KTV VLTL với BS y học phục hồi và BS khác. KTV VLTL vừa có chức năng phụ thuộc (thực hiện y lệnh của BS) vừa có chức năng độc lập. Trong một đội công tác gồm BS, điều dưỡng, KTV VLTL thì BS đóng vai trò chủ đạo, nhưng luôn luôn tôn trọng vai trò độc lập của điều dưỡng và KTV VLTL.

          Hiện nay, các trường Đại học Y Dược Tp.HCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Huế, Đại học Y Dược Cần Thơ đang đào tạo Đại học (Cử nhân) vật lý trị liệu (ở trung học và cao đẳng thì là VLTL – phục hồi chức năng!).