Văn hoá truyền thống Việt Nam qua NGHỆ THUẬT HOÁ TRANG NHÂN VẬT trong CHÈO CỔ
1. Đặt vấn đề
Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, không chỉ có một dạng người mà có rất nhiều lớp người khác nhau. Trên sân khấu, nhân vật bao giờ cũng đại diện cho một tầng lớp, một giai cấp, không có con người nào đứng giữa những tầng lớp, giai cấp. Nhân vật vai chính hay vai phụ đều phải có tính cách. Tính cách thể hiện ở chỗ nhân vật vừa có tính khái quát điển hình của tầng lớp, giai cấp mà mình đại diện vừa có cá tính sinh động sắc nét. Khán giả “nguyên bản” ban đầu của chèo cổ là những người nông dân sống trong chế độ phong kiến đầy rẫy những bất công, luôn bị áp bức, bóc lột, nên họ ưa sự phân định rạch ròi “hắc bạch phân minh” giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt và xấu, cái thiện phải thắng cái ác, cái ác phải bị trừng phạt và người tốt luôn có kết cục hạnh phúc, vợ chồng đoàn viên, công thành danh toại,… Các nghệ nhân làm chèo ngày xưa coi đây là những “khuôn trò”, là cái “lõi” của những loại vai, để từ đó sáng tạo ra những nhân vật cụ thể cho từng vở diễn. Tạo hình nhân vật trong hoá trang chèo có mang những nét đặc trưng của tuồng cổ. Nhưng so với tuồng thì nhân vật trong chèo được giản hoá rất nhiều.
Ở mỗi vở, số phận các nhân vật có rơi vào những hoàn cảnh khác nhau, tính cách tốt, xấu được biểu hiện làm nổi rõ những phẩm chất trung, hiếu, tiết, nghĩa theo quan niệm đạo đức của xã hội đương thời. Cũng xuất phát từ quan niệm về tính cách các vai diễn như trên mà trong sân khấu chèo cổ đã định dạng nên những kiểu hoá trang riêng cho từng loại vai. Bài viết sẽ làm rõ văn hoá người Việt thể hiện như thế nào qua cách hoá trang hay cũng là cách nhìn nhận về từng hạng người trong cuộc sống.
2. Khái quát chung về nghệ thuật chèo và nghệ thuật hoá trang
2.1. Nghệ thuật chèo
Theo cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “chèo là một loại kịch hát dân gian truyền thống của người Việt chủ yếu thịnh hành ở các tỉnh miền Bắc (từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra), trung tâm là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chèo hình thành trên cơ sở trò diễn và ca vũ dân gian từ thế kỉ XIII, phát triển đến chỗ cực thịnh vào thế kỉ XIX, rồi mới phân hoá và suy yếu dần. Từ nửa đầu thế kỉ XX, chèo được cải cách, nâng cao để trở thành một loại kịch hát đáp ứng nhu cầu của công chúng.” [14, 56]
Có ý kiến cho rằng tên “chèo” do chữ “trò” hay chữ “trào” (nghĩa là cười) gọi chệch đi. Có người đưa ra nhận định chữ “chèo” là biến âm của chữ “trạo” (nghĩa là bơi thuyền, chèo đò). Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tuỳ bút” có nói đến “trạo phường” (phường chèo chải) là những tổ chức ca kĩ dưới thời nhà Lý thường đi hát rong. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Chèo là do tuồng mà ra, mà tuồng lại được du nhập từ Trung Quốc vào. Olov Janse đi xa hơn. Ông căn cứ vào các tư liệu khảo cổ học về nhạc khí lại cho rằng âm nhạc và sân khấu Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của sân khấu Hi Lạp. Về cái nôi văn hoá đã sản sinh ra chèo, ngày nay có ít nhất bốn tỉnh đã nhận mình là quê hương của chèo. Trước hết, chèo mang cái tên dân gian là chèo sân đình. Tất cả việc đời diễn ra trên chiếc chiếu trải giữa sân đình. Khán giả ngồi bao quanh cả bốn mặt “chiếu chèo”, không có phông màn, bài trí. Có khi thì hậu trường là sau cánh cửa và sân khấu chỉ có một mặt quay ra khán giả. Phông cảnh không hề có. Người diễn và người xem gắn bó với nhau rất mật thiết, đặc biệt là qua tiếng “đế”. Tiếng “đế” là tiếng của công chúng khán giả xem chèo tham gia đối đáp với diễn viên hoặc tham gia hát và đỡ giọng cho diễn viên. Những năm đầu thế kỉ XX, chèo sân đình ra sân khấu thành thị với những cải tiến mới (về vở diễn, diễn viên, phục trang, ánh sáng,…) được gọi là chèo văn minh. Và sau đó, chèo văn minh lại được cải tiến một lần nữa cho phù hợp với thị hiếu của thị dân, trở thành “chèo cách tân” (hay chèo cải lương).
Chèo là lối kể chuyện bằng sân khấu, thực hiện chức năng kể chuyện của dân ca với các phương tiện nghệ thuật sân khấu (diễn viên, hoá trang, bài trí, múa, điệu bộ,…). Các vai diễn trong chèo dân gian truyền thống được phân thành nhiều loại với những tên gọi khác nhau, như: vai chính, vai lệch, vai hề,… Làn điệu trong chèo rất phong phú và tuy mượn nét nhạc của dân ca (chủ yếu là dân ca miền Bắc), nhưng đã được chế tác thêm cho phù hợp với yêu cầu thể hiện tính cách nhân vật, có loại vui, loại buồn, loại lẳng lơ, loại trang nghiêm. Chèo đã chứng minh một cách hùng hồn rằng bản chất của văn nghệ vốn gắn chặt với cuộc đời, chứng minh tác dụng giáo dục sâu sắc, lôi cuốn của văn nghệ đối với quần chúng.
2.2. Nghệ thuật hoá trang
Theo hoạ sĩ Phạm Thuý Hằng (giảng viên bộ môn Hoá trang trường Đại học Sân khấu điện ảnh): “Hoá trang là một loại hình nghệ thuật tạo hình, được phối hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật hội hoạ và nghệ thuật điêu khắc. Với nhiều cách thức và phương pháp kĩ thuật khác nhau, bằng những nét vẽ, đường kẻ, mảng màu sắc, sáp đắp hình, râu tóc giả, khăn, mũ,… được áp dụng vào đường nét hình khối ngay trên bộ mặt con người để khắc hoạ hình tượng nhân vật mà mình muốn thể hiện” [8, 12]. Hoá trang là một loại hình nghệ thuật dùng ngôn ngữ của màu sắc để nói lên những điều mà người hoá trang muốn thể hiện. Chính vì vậy mà ngôn ngữ của hoá trang là vô cùng rộng lớn, sâu sắc và mỗi người nghệ sĩ hoá trang lại có những cách thể hiện khác nhau.
Mục đích và ý nghĩa của hoá trang:
– Hoá trang để thích nghi với hoàn cảnh biểu diễn: Ở thời cổ đại Hi Lạp, khi khuôn khổ nhà hát còn hạn chế đối với người diễn viên, thì họ đã phải sử dụng mặt nạ để thích nghi với sân khấu biểu diễn. Trong thời đại ngày nay, khoa học kĩ thuật phát triển thì hoá trang lại càng không thể thiếu đối với người diễn viên. Diễn viên tuy đã có ngoại hình phù hợp, song, nếu không hoá trang, đường nét hình khối trên mặt vẫn bị mờ nhạt, thiếu sinh động. Điều đó đã hạn chế rất nhiều sự truyền đạt tình cảm nhân vật đến người xem.
– Hoá trang để thay đổi lứa tuổi, thành phần dân tộc, chủng tộc, giới tính,… của nhân vật: Nhờ hoá trang, diễn viên có thể tạo ra những diện mạo của các nhân vật cụ thể khác nhau mà mình đóng trong những vở diễn khác nhau. Hoá trang có thể biến người trẻ thành già, nam thành nữ hoặc ngược lại. Đặc biệt, hoá trang sẽ thể hiện được những nét tâm lí, tính cách, đặc định của từng loại hình nhân vật thuộc những thành phần giai cấp xã hội, nghề nghiệp, tình trạng sức khoẻ,… khác nhau.
– Đưa diễn viên vào thế giới nội tâm nhân vật: Hoá trang là bắt đầu biểu hiện sáng tác vai kịch của người diễn viên. Chúng ta đều biết rằng, người diễn viên không thể để nguyên bộ mặt và hình dáng vốn có của mình lên sân khấu biểu diễn, mà phải theo hình dáng và bộ mặt của những vai diễn do nhà soạn kịch sáng tạo ra. Có thể diễn viên là một người Dân tộc Kinh nhưng lại đóng vai một người Dân tộc thiểu số, diễn viên là nam đóng vai nữ,… Và như vậy, ngoài việc thể nghiệm và thể hiện về mặt tư tưởng, tình cảm, tinh thần, người diễn còn phải thay đổi hình dáng bên ngoài cho đúng với vai diễn.
– Phát huy những thuận điểm, khắc phục những nhược điểm trên mặt diễn viên: Trên thực tế, mỗi khuôn mặt chúng ta đều có những đặc điểm riêng biệt. Những nét riêng đó có thể là những “thuận điểm” để khắc hoạ hình tượng nhân vật và cũng có thể là nhược điểm khi hoá trang các nhân vật khác. Một nét hoá trang sẽ làm điểm phù hợp trên khuôn mặt diễn viên với diện mạo nhân vật trở nên sáng chói và phát huy tác dụng. Ngoài những “thuận điểm” được tận dụng, khuếch trương và nhấn mạnh thì các “nghịch điểm” nhờ việc hoá trang mà những điểm không phù hợp với nhân vật hoặc những khuyết tật trên khuôn mặt của diễn viên sẽ được lược bỏ.
– Tạo những khuôn mặt độc đáo, những bộ mặt điển hình: Hoá trang để biểu hiện tính cách nhân vật bằng dung mạo (ngoại hình). Mỗi hình tượng nhân vật trên sân khấu đều có nội tâm và ngoại hình khác nhau. Người diễn viên dựa vào đặc điểm của từng loại hình sân khấu mà hoá trang diện mạo cho nhân vật. Quá trình hoá trang để biểu hiện tính cách nhân vật bằng một vài đường nét tiêu biểu gọi là quá trình “tính cách hoá” diện mạo nhân vật.
– Tạo cảm giác và không gian: Khi khuôn mặt được hoá trang, mỗi người sẽ có những cảm giác khác biệt vì thấy mình không giống như mọi ngày. Trong các dịp lễ hội, người ta thường hoá trang để vui chơi, giải trí hay thờ cúng, tế lễ. Vào những ngày đặc biệt như vậy họ không chỉ hoá trang đơn thuần trên khuôn mặt mà còn trên cả thân hình của mình tạo nên không khí vui vẻ, nhộn nhịp hay huyền bí, rùng rợn. Điển hình là lễ hội Halloween được tất cả các nước trên thế giới tổ chức rầm rộ và lễ hội hoá trang Carnival.
3. Văn hoá truyền thống trong chèo cổ qua nghệ thuật hoá trang nhân vật
3.1. Hình mẫu các loại vai nam
3.1.1. Thư sinh
Điển hình là các nhân vật: Thiện Sĩ, Kim Nham, Trương Viên,… Theo quan niệm truyền thống của người Việt, nhân vật thư sinh thường là những người có học thức, có tài, bên ngoài hào hoa phong nhã. Khi trưởng thành, lập nghiệp có người không giữ được phẩm chất tốt đẹp, có người phát huy được truyền thống đạo đức phò vua giúp nước. Nhân vật thư sinh thường được hoá trang với bộ mặt thanh tú, cân đối; sắc mặt trắng hồng hào, trán cao, rộng, thẳng; lông mày thanh, hơi chếch; mắt to vừa, sáng; mũi cao, thẳng, thanh; miệng và môi vừa phải, nếp nhăn trên trán ngang, thưa, hơi cao, không đậm. Tuy nhiên, trong đó còn chia ra một số kiểu thư sinh với những nét khác biệt:
Thư sinh hiền lành, thiếu sáng suốt khi giải quyết những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Tiêu biểu cho loại hình nhân vật này là Thiện Sĩ (Quan Âm Thị Kính). Với tính cách như vậy, nhân vật này được hoá trang với bộ mặt đẹp, hiền lành, lông mày hơi ngang, mắt hiền lành.
Thư sinh đẹp nho nhã pha chút nghệ sĩ sẽ được hoá trang với khuôn mặt hồng hào, lông mày hơi cong, mắt sinh động, môi miệng vừa phải tươi tắn. Nhân vật điển hình cho loại này là Kim Trọng (Kiều hồi I).
Kiểu thư sinh thứ ba đó là thư sinh học rộng, có tài nhưng đa thê, không chung thuỷ. Đại diện tiêu biểu là Kim Nham (chèo “Kim Nham”). Trong nghệ thuật chèo, kiểu hình nhân vật như Kim Nham sẽ được hoá trang với bộ mặt đẹp, lông mày hơi xếch, miệng hơi rộng, mắt hơi dữ tợn pha chút phong tình.
Như vậy, theo quan điểm của người Việt Nam xưa, những người thư sinh thường là những người có tính cách hiền lành, hào hoa, phong nhã. Vì cách nhìn người đó nên thư sinh thường được hoá trang với những đường nét mềm mại, hào hoa và khi bước ra sân khấu, khán giả dễ dàng nhận ra đặc điểm nhân vật này. Đó cũng là cách nhìn người ở ngoài cuộc sống thực.
3.1.2. Nhân vật nam chính
Khuôn mặt thường đầy đặn, hồng hào, lông mày đậm, hơi xếch, miệng rộng vừa, môi dày vừa phải. Đây đều là những người học rộng, tài cao phò đời giúp nước, thuỷ chung với người vợ thảo hiền. Mà điển hình đó là chàng Tống Trân trong vở chèo “Tống Trân – Cúc Hoa”:
Khuôn mặt của loại hình nhân vật này đẹp vuông vắn, phúc hậu, lông mày hơi ngang, đậm, mắt hiền từ. Nhân vật là người đỗ đạt, thành danh nhưng vẫn luôn chung thuỷ trong tình yêu và trọng tình bằng hữu.
3.1.3. Nhân vật nam ngang
Người có bộ mặt đẹp, lông mày hơi lưỡi mác, miệng rộng vừa phải, môi mỏng, mắt đa tình hay liếc đi liếc lại. Theo dân gian, đây là loại đàn ông háo sắc, sở khanh, luôn lừa đảo phụ nữ như Trần Phương (Kim Nham).
Kiểu nhân vật có bộ mặt đầy hơi phệ, lông mày hơi xếch, tỉa tót cầu kì, miệng hơi rộng, môi động đậy như chực tuôn ra những lời thô lỗ. Theo kinh nghiệm của dân gian, đó là những kẻ sỗ sàng, trơ trẽn, là loại buôn người như Mã Giám Sinh (Kiều).
3.1.4. Nhân vật lão
Là các vai ông già. Trong đó có chia ra hai loại là lão say và đồ điếc.
Lão say: Ông Mãng trong vở “Quan Âm Thị Kính” là một ông già hiền lành, chất phác (nông dân) nhưng hơi điếc. Lão say hiện lên là một nhân vật thật đáng yêu về cái hồn hậu chất phác mà tính cách và bản sắc con người lộ ngay ra sau câu múa hát bình tửu nhịp một, với lời chỉ là cặp thơ 6/8 nghe cứ như một “thanh niên”:
Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc quá lứa duyên ta nhỡ thì.
Kết hợp với hình ảnh “nghệ nhân” râu tóc bạc phơ, khăn quấn, áo cánh lụa điều, quần lụa mỡ gà, bỏ lá toạ, ống hơi xếch, mắt hóm hỉnh, tay chống gậy trúc “dài”, bước tập tễnh xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, rõ ra ông già say rượu phóng khoáng, mát tính, lấy câu tửu lạc vong bần (rượu vui quên nghèo) tiêu khiển… khiến ai xem cũng cười xoà thoải mái.
Đồ điếc: là thầy dạy học ở làng quê Việt Nam xưa kia. Ông quá già nên điếc và hơi lẫn. Nhân vật này được hoá trang với bộ mặt cũng giống với lão say nhưng chỉ khác là đôi mắt đục lờ đờ. Đôi mắt ấy là sự biểu hiện của con người không còn minh mẫn, tinh tường như thời trai trẻ nữa.
3.2. Hình mẫu các loại vai nữ
3.2.1. Nữ chín
Đây là những người con gái đoan trang, nết na, yêu thương cha mẹ, thuỷ chung với chồng nhưng cuộc đời đầy đau khổ, oan khuất. Theo quan niệm của người xưa, nữ chín có đặc điểm giống với đào thương trong tuồng và cải lương. Có một điều đặc biệt là chúng ta không thể tìm thấy ở những vai chín khuyết điểm nào và những vai lệch cũng không có ưu điểm gì. Hình ảnh Thị Kính, Thị Phương, hoặc nàng ba Châu Long (những nhân vật nữ chính) trên sân khấu chèo cổ “là những tâm hồn trong sáng như tấm gương không chút bụi mờ” [1, 92]. Trong chèo cổ, tính cách nhân vật được quy định thống nhất từ màn đầu đến màn kết, nhân vật tốt thì không thể trở thành xấu và ngược lại nhân vật có thói hư, tật xấu thì cũng không sao “tiến bộ” lên được, bởi lẽ chèo cổ chuyên mô tả những tính cách nhân vật đã được khẳng định. Những nhân vật nữ chín trong chèo như: Thị Kính, Thị Phương, Tấm, Kiều,… thường được hoá trang với khuôn mặt phúc hậu, thanh thoát và trong sáng.
Thị Kính là một người phụ nữ đẹp, giàu lòng thương người, nhẫn nại chịu đựng những đau khổ, oan khuất. Vì vậy, Thị Kính được hoá trang với nét đẹp trong sáng nhưng cũng đượm chút u buồn: đôi lông mày ngang, thanh tú chân phương cùng đôi mắt to, tròn, trong sáng luôn nhìn thẳng, buồn xa xăm, miệng xinh xinh, đôi môi đầy đặn.
Thuý Kiều là người thiếu nữ khuê các, có tài có sắc nhưng cuộc đời đầy sóng gió chông gai. Vì vậy, hoá trang cho Kiều với nét đẹp quý phái, chuẩn mực của thời phong kiến: mặt trắng hồng, mắt đen, tròn, trong sáng, sinh động pha chút ưu tư đa sầu đa cảm. Kiều có đôi lông mày cong, thanh cao, mượt mà, cặp môi trái tim, đỏ mọng và duyên dáng.
3.2.2. Nữ lệch
Nhân vật nữ lệch trong chèo cổ đối lập với nữ chín về mọi mặt nên cách hoá trang cũng khác biệt rõ nét. Nữ lệch là những người con gái có sắc nhưng không phải là người chân phương hoặc những người đàn bà độc ác rắp tâm hãm hại người khác. Đó là những người bị xã hội phê phán với tính tiêu cực, thể hiện những thói hư tật xấu trong xã hội cũ. Trong chèo, điều đặc biệt là vai chín hoàn toàn tốt còn vai lệch lại hoàn toàn xấu. Nổi bật lên hình tượng nữ lệch trong chèo là nhân vật Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính). “Quan điểm phong kiến coi Thị Mầu là nhân vật phản diện (lệch) nghịch nữ, bởi Thị dám đòi cái quyền mà người phụ nữ thời xưa không dám nghĩ tới” [1, 26]. Đây là người phụ nữ sắc sảo, lẳng lơ.
Từ đặc điểm trên nên cách hoá trang cũng phải phù hợp với tính cách nhân vật. Bộ mặt của thiếu nữ lẳng lơ thường có đặc điểm là môi mỏng, hơi cong. Lông mày cong, tỉa tót, mắt lá răm, lúng liếng, tình tứ, sắc lẹm. Mũi cao, sống mũi mảnh.
Nhân vật phản diện như vai Tú Bà (Kiều) có đặc điểm hoá trang khuôn mặt rất tiêu biểu cho loại vai này: “mặt mụ màu trắng bệch, hai bên thái dương có dán hai miếng cao đen và vết trầu cắn chỉ thành đường đen mỏng trên môi” [1, 92]. Trên sân khấu, kết hợp với động tác đảo mắt, động tác xiến giật, dáng đi ưỡn ẹo, ngoắt ngoéo, hoá trang như vậy đã giúp diễn viên thể hiện một nhân vật gian xảo đầy cá tính. Và kết hợp với cách đi đứng, diễn xuất của diễn viên đã lột trần bản chất con buôn của mụ.
3.2.3. Nhân vật mụ thiện
Là những cụ già hiền từ, nhân hậu, giàu lòng thương người như già Đa trong vở “Tấm Cám”. Trong nghệ thuật chèo truyền thống, mụ thiện là loại hình nhân vật tiêu biểu cho vai chính diện với tấm lòng bao dung, thương người và hay giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Nhân vật mụ thiện được hoá trang với bộ mặt của một bà lão đẹp như bà tiên trong truyện cổ tích. Khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, da dẻ hồng hào, đôi mắt hiền từ, tóc và lông mày bạc trắng. Tất cả đường nét hoá trang ấy đều toát lên sự thân thiện, tốt bụng của một người giàu lòng nhân ái.
3.2.4. Nhân vật mụ ác
Mụ ác là những mụ già độc ác, tham lam, tàn nhẫn và chuyên làm những việc vô nhân đạo. Họ là những con người đại diện cho cái ác như: mẹ Cám (Tấm Cám), mẹ Kim Nham, mụ Quán (Kim Nham), Tú Bà (Kiều),… Trong đó, mẹ Cám đại diện cho loại dì ghẻ ích kỉ, tham lam, độc ác, nham hiểm. Còn mẹ Kim Nham điển hình cho người mẹ chồng ghê gớm, đối xử tàn nhẫn và bạc bẽo với nàng dâu.
Những nhân vật như vậy được hoá trang với bộ mặt xương, nước da xám xanh màu chì, đôi mắt sâu, khe mắt hẹp, trùm hụp ẩn dưới đôi lông mày gần giống dấu ngã mọc ngược. Khuôn mặt lúc nào cũng như cau có, như suy tính điều gì xấu xa. Miệng rộng, môi dày, hơi trễ và có màu đỏ thẫm, luôn bĩu ra như muốn tuôn ra những lời độc địa.
Tú Bà tiêu biểu cho hạng người “buôn thịt bán người”, lẻo lớt, xảo trá, tham lam. Vì vậy bộ mặt Tú Bà được hoá trang với khuôn mặt béo, da trắng nhờn nhợt (trắng bệch), mắt hơi sụp mí như người muốn ngủ, lông mày tỉa tót cầu kì. Hai bên dán hai miếng cao đen biểu hiện của kẻ chơi bời sa đọa nên bị nhức đầu. Đôi môi của Tú Bà rất mỏng và uốn éo, màu hơi tim tím, vết trầu cắn chỉ thành đường đen mỏng trên môi, kết hợp với động tác đảo mắt, động tác xiến giật, dáng đi ưỡn ẹo, ngoắt ngoéo như chính tính cách, bản chất lươn lẹo của con buôn chuyên nghiệp.
Có thể thấy, chèo có tính tổng hợp rất cao. Hoá trang chỉ là một phần trong nghệ thuật biểu diễn chèo. Các yếu tố khác như phục trang, ánh sáng, đạo cụ, diễn xuất,… của diễn viên có mối quan hệ mật thiết với nghệ thuật hoá trang, góp phần làm nên thành công của nhân vật cũng như của cả vở diễn. Nghệ thuật hoá trang đã thể hiện quan điểm truyền thống của người Việt Nam xưa trong cách xây dựng các loại hình nhân vật. Quan điểm người đó có tính cách thế nào thì hoá trang phải lột tả rõ được đặc điểm tính cách ấy. Hoá trang nhân vật trong chèo cổ ít ước lệ, cách điệu, tượng trưng, mà giữ ở dạng tôn vinh những nét đẹp dân gian, dân dã gần với thực tế cuộc sống ngoài đời. Chính vì vậy, chèo luôn gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi người dân lao động.
4. Kết luận
Hoá trang nhân vật là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn tuồng, chèo,… Người diễn viên không chỉ cần diễn xuất hình thể, ngôn ngữ mà còn cần thông qua bộ mặt để đào sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Nói cách khác, người nghệ sĩ khi diễn sẽ diễn tả phần hồn còn nghệ thuật hoá trang sẽ đảm nhận việc thể hiện phần xác của nhân vật.
Tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật hoá trang trong chèo cổ là tìm về với một nét văn hoá truyền thống của Dân tộc Việt Nam. Qua cách hoá trang nhân vật, người nghệ sĩ đã phản ánh cách nhìn người, nhìn đời của ông cha ta từ xa xưa. Ngày nay, nghệ thuật chèo đã chứng tỏ mình không chỉ phù hợp với những chủ đề dân gian, lịch sử mà còn thích ứng nhanh với các vấn đề nóng hổi của xã hội. “Tôi ngạc nhiên khi xem những vở diễn đề tài hiện đại. Giọng hát và cách diễn của các em hoàn toàn thuyết phục. Có thể khẳng định, nghệ thuật chèo đủ sức tiếp cận những vấn đề thời sự” – NSƯT Thanh Hoài nhận xét.
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn thế hệ trẻ ngày nay không biết, không tìm hiểu, không quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bản sắc văn hoá Việt Nam không còn được nguyên vẹn như trước nữa. Hiện nay, nghệ thuật chèo đã có những cách tân đi khá xa so với trước kia. Có người ca ngợi, có người phê phán. Người viết nghĩ rằng chúng ta cần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc một cách hợp lí. Người viết xin kết thúc bài viết của mình bằng một lời nhận định của GS TS Phạm Minh Khang (Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam): Vấn đề bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá Dân tộc không phải của riêng ai mà của tất cả chúng ta.”.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Trần Bảng, Khái luận về nghệ thuật chèo, Viện Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, 1999.
2. Hà Văn Cầu, Lịch sử nghệ thuật chèo, NXB Sân khấu, Hà Nội, 2005.
3. Phạm Thuý Hằng (tài liệu cá nhân), Nghệ thuật hoá trang và những nội dung cơ bản về hoá trang.
4. Nguyễn Đức Lộc, Nghệ thuật biểu diễn sân khấu, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1968.
5. Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên, Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, tập 2, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973.
6. Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
7. Vũ Khắc Khoan, Tìm hiểu sân khấu chèo, NXB Sài Gòn – Lửa thiêng, 1974.
8. Trần Việt Ngữ, Về nghệ thuật chèo, Viện Âm nhạc Hà Nội, 1996.
9. Trần Việt Ngữ, Mấy ý kiến về trang trí trong nghệ thuật chèo, Nghiên cứu nghệ thuật, số 9, 1975.
10. Trần Việt Ngữ – Hoàng Kiều, Tìm hiểu sân khấu chèo, NXB Văn hoá nghệ thuật.
11. Thường Đại Niên, Thường thức hoá trang, NXB Văn hoá nghệ thuật, 1962.
12. Kiến thức sân khấu phổ thông, Viện Sân khấu Hà Nội, 1987.
13. Tổng luận nghệ thuật chèo nửa sau thế kỉ XX, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1996.
14. Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
ĐỖ THANH HUYỀN 1
__________
1. Trung tâm Công nghệ Giáo dục – NXB Giáo dục Việt Nam.