Người dân Bát Tràng với việc phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề

Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHẠM THU HẰNG*
(Đại học Văn hóa Hà Nội)

TÓM TẮT

      Từ những nét khái quát về làng gốm Bát Tràng trong lịch sử, bài viết đã nhấn mạnh về giá trị truyền thống của làng nghề này và bước phát triển của nó trong thực tại. Nơi đây, còn là một địa điểm du lịch văn hóa, đó là điều mà người Bát Tràng cũng đang nghĩ tới. Họ đã phát huy thế mạnh của làng nghề và đang thúc đẩy xây dựng bảo tàng gốm ở Bát Tràng.

Từ khóa: làng gốm Bát Tràng; bảo tồn; phát huy; di sản văn hóa.

ABSTRACT

     Overview of Bat Trang in history, the paper emphasizes the traditional values of this village and its development in reality. Here is a cultural tourist destination, which is what people are thinking about Bat Trang. They have to develop the strength of the village and are pushing construction of Bat Trang pottery museum.

Key words: Bát Tràng Pottery Village; Safeguarding; Promotion; Cultural Heritage.

x
x x

1. Làng gốm Bát Tràng – xưa và nay

     Từ cuối thời Trần, tên xã Bát Tràng đã xuất hiện trong sử liệu và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng. Đặt cơ sở đầu tiên cho nghề gốm ở đây là những người thợ thuộc các dòng họ Trần, Bùi, Phùng, Vũ (theo một số tài liệu khác là các họ Lê, Vương, Phạm, Nguyễn hoặc Trần, Vương, Lê, Phạm) từ làng Bồ Bát (Tam Điệp, Ninh Bình) đã di cư ra đây, kết hợp với họ Nguyễn sở tại lập thành phường sản xuất gốm. Đến nay, dòng họ Nguyễn (Ninh Tràng) – cư dân bản địa lâu đời nhất vẫn giữ được vị trí độc tôn trong ngôi thứ cũng như trong lễ hội của làng Bát Tràng. Trước đây, tại đình làng Bát Tràng có đôi câu đối phản ánh lai lịch của cư dân và nghề gốm như sau:

Bồ di thủ nghệ khai đình vũ,

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần.

(Nghề từ làng Bồ ra, khởi dựng đình miếu

Lòng thành như hương lan, cúng tạ thánh thần).

     Nghề gốm được lưu truyền và liên tục phát triển ở làng Bát Tràng bất chấp các biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc từ thế kỷ XV – XIX. Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm ở Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh, nhưng vẫn duy trì hoạt động bình thường. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nghề gốm truyền thống được tổ chức sản xuất tại các xí nghiệp, phát triển theo định hướng hợp tác xã mới. Sau năm 1986, trong công cuộc đổi mới của đất nước, nghề gốm Bát Tràng có nhiều chuyển biến lớn theo định hướng kinh tế thị trường. Bát Tràng không chỉ tạo công ăn việc làm trong xã, mà còn thu hút hàng ngàn lao động từ các tỉnh khác đến, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh…

Sản phẩm gốm Bát Tràng; niên đại: khoảng Tk.XVII-XVII
(Hiện vật Bảo tàng lịch sử Quốc gia)

     Đại bộ phận các hộ gia đình ở Bát Tràng đều trực tiếp sản xuất gốm sứ, số còn lại làm dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cả xã không còn hộ sản xuất nông nghiệp1. Những năm gần đây, xuất khẩu của làng gốm Bát Tràng đạt khoảng 20 triệu USD/năm. Hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 công ty, xí nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ gốm. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, Bát Tràng là làng nghề không những đứng vững, mà còn phát triển vào loại mạnh nhất so với các làng nghề gốm trong cả nước. Sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân trong nước, như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện… Sản phẩm gốm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước từ Bắc đến Nam và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

     Làng Bát Tràng hiện nay được chia làm 5 xóm, gồm 2 xóm cổ giáp bờ sông Hồng và 3 xóm mới, với khoảng 850 hộ gia đình. Bát Tràng cũng là một làng có truyền thống văn hoá, vừa mang sắc thái cộng đồng chung của các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa phản ánh những nét đặt thù của nghề gốm.

2. Người dân Bát Tràng với việc giữ gìn giá trị di sản văn hóa làng nghề

     Trong quá trình sản xuất và đời sống, người Bát Tràng rất có ý thức bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp. Các công đoạn sản xuất được chuyên môn hoá và phân công cho từng nhóm người. Bí quyết nghề nghiệp được bảo vệ chặt chẽ, chỉ truyền cho nam giới và phải là con cháu mình. Trước đây, Bát Tràng có tục lệ trai gái trong làng lấy nhau, hoặc con trai có thể lấy vợ làng ngoài, nhưng con gái không được lấy chồng làng khác, vì sợ để lộ bí quyết nghề nghiệp. Tuy nhiên, gần đây tục này đã bị xoá bỏ.

     Theo thống kê của Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, 90% thanh niên Bát Tràng biết làm gốm, về cơ bản họ được đào tạo theo kiểu “cha truyền con nối” ngay tại gia đình. Ngoài các nghệ nhân lão thành nổi tiếng, thì nay Bát Tràng có khoảng 100 nghệ nhân trẻ yêu nghề. Họ là những người có học, có sức khỏe, luôn tìm tòi sáng tạo đổi mới mẫu mã và không quên những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng nghề. Hội nghệ nhân làng nghề Bát Tràng được thành lập như một hình thức liên kết, tự tôn vinh nghề nghiệp… Nhiều thanh niên Bát Tràng sau khi tốt nghiệp các trường đại học trong nước và ngoài nước đã quay về, gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Chủ nhân nghề gốm sứ Bát Tràng không giàu, nhưng không bao giờ bị đói, cuộc sống ổn định, yên bình.

     Cùng với việc duy trì và phát triển nghề gốm sứ truyền thống, nhiều di sản văn hóa gắn liền với đời sống, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, như các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực… cũng được người dân Bát Tràng bảo lưu, gìn giữ. Diện mạo, nhịp sống, con người ở Bát Tràng ẩn chứa sự hòa trộn khá hoàn hảo những nét văn hóa truyền thống của một làng quê, với xu thế phát triển mạnh mẽ, năng động của hoạt động sản xuất – kinh doanh, thích ứng với xã hội hiện thời.

     Tại Bát Tràng còn xuất hiện những cá nhân tiêu biểu, với niềm “hoài cổ” và tình yêu quê hương, chòm xóm đã tự nguyện phấn đấu, cố gắng để có thể gìn giữ, bảo lưu cho cộng đồng những giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một. Tiêu biểu có thể kể đến gia đình bà Lương Nguyệt Minh trong việc bảo tồn lò bầu cổ (loại lò nung gốm xuất hiện vào đầu thế kỉ XX) và gia đình cụ Phùng Thị Cá với tâm huyết gìn giữ ngôi nhà cổ gần 200 tuổi – chứng tích nhà nền đất duy nhất còn lại ở Bát Tràng…

3. Người dân Bát Tràng với việc phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề

     Thích ứng với nhịp sống hiện tại, người dân Bát Tràng luôn có ý thức trong việc bảo tồn và trao truyền kỹ năng nghề nghiệp, khá năng động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng.

     Năm 2001, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng trong và ngoài nước. Năm 2004, chợ gốm Bát Tràng được thành lập, đưa vào hoạt động (với diện tích 6.000 m2, bao gồm 100 gian hàng). Các gian hàng trong chợ làm “mãn nhãn” khách tham quan, với đủ loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ. Ngoài chức năng giao dịch, buôn bán sản phẩm, có thể coi chợ gốm Bát Tràng như một “showroom” chung của làng, là cầu nối và là hình thức quảng bá nhanh nhạy giữa Bát Tràng với khách hàng trong và ngoài nước. Chủ các gian hàng đều rất hiếu khách, nhiệt tình tiếp chuyện và tạo điều kiện cho khách hàng có thể thoải mái tìm hiểu các mặt hàng gốm sứ giàu giá trị thẩm mỹ, dù không mua hàng. Đây có thể coi như một hình thức quảng cáo tiết kiệm kinh phí mà lại rất hiệu quả, đặc biệt phát huy khả năng lan tỏa trong xã hội hiện đại mà việc sử dụng các trang mạng xã hội, như Facebook, Flickr…, đã trở nên hết sức phổ biến.

     Trước đây, khi đến Bát Tràng, khách chỉ được tham quan, quan sát các nghệ nhân trong quá trình tạo tác sản phẩm gốm sứ. Thời gian gần đây, “sân chơi” gốm đã được thành lập để phục vụ nhu cầu trải nghiệm nghề, gây ấn tượng mạnh với công chúng. Tại đây, để tham gia hoạt động “thử làm nghệ nhân” – sử dụng bàn xoay để có thể tự tay làm ra sản phẩm thô, khách chỉ cần chi trả số tiền là 10.000 đồng/lần. Sau khi sản phẩm gốm mà họ làm ra đã được nung sơ, nếu muốn có sản phẩm gốm “hoàn thiện”, khách tham quan có thể tiếp tục với hành trình trải nghiệm “vẽ trang trí sản phẩm”, chi phí của công đoạn này là 25.000 – 30.000 đồng. Trong trường hợp khách tham quan không đủ khéo tay để làm được sản phẩm ưng ý, thợ gốm sẽ giúp có được một tác phẩm đẹp, khách sẽ tự trang trí bằng màu vẽ và có thể tạm hài lòng về khiếu thẩm mỹ của bản thân. Sân chơi gốm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là thanh thiếu niên, bởi đáp ứng được nhu cầu, tâm lý của lứa tuổi.

     Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, người dân nơi đây hiểu rất rõ về nghề gốm, nhiều người ở nơi đây có thể tiếp chuyện, giới thiệu, thuyết minh rất rõ ràng, hấp dẫn và tự nhiên về làng, về nghề truyền thống khi khách tham quan có nhu cầu. Nhiều Website, Fanpage, Facebook cá nhân đã được lập ra, thường xuyên cập nhật thông tin và hình ảnh về Bát Tràng, tạo một kênh quảng bá hữu ích, đưa hình ảnh về nghề gốm sứ truyền thống vượt ra khỏi cổng làng.

     Người Bát Tràng rất biết “tận dụng” các di tích lịch sử – văn hóa , như đình, chùa, miếu, lò bầu, nhà cổ, ngõ nhỏ… để tạo “các điểm đến” cho du khách trong hành trình tham quan làng nghề. Ngoài việc du khách đi bộ tự khám phá, trải nghiệm hoặc dưới sự hướng dẫn khá nhiệt tình của người dân sở tại, từ năm 2005, tại Bát Tràng còn tổ chức hình thức xe trâu phục vụ tham quan làng nghề, thường áp dụng với đối tượng khách tham quan là người nước ngoài. Xe trâu có sàn, sườn xe làm bằng gỗ chắc chắn, có mái che và ghế ngồi cho khoảng 10 – 12 người, bộ chuyển động được dùng từ bộ bánh hơi của xe ô tô. Với mức giá 5 USD/người cho mỗi tour du lịch trọn gói bằng xe trâu, khách được miễn phí tham quan vào các xưởng gốm, nhà cổ, chợ gốm…

     Trong số các món ẩm thực Bát Tràng, nổi tiếng và có “thương hiệu” nhất phải kể đến là canh măng mực, món ăn đã trở thành truyền thống, duy nhất chỉ có ở Bát Tràng. Canh măng mực được chế biến rất công phu, cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự khéo léo cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của người làm. Bí quyết chế biến món ăn này được người phụ nữ trong các gia đình bảo lưu và truyền lại qua các thế hệ. Trong thực đơn cỗ mặn của làng Bát Tràng, canh măng mực là món ăn không thể thiếu. Nhiều người còn sáng tạo, chuẩn bị sẵn măng và mực xào trong các hộp nhựa để bán hoặc tặng cho thực khách và người quen. Làm theo đúng chỉ dẫn đã ghi trên hộp nhựa, nhiều gia đình sẽ có cơ hội thưởng thức món canh măng mực Bát Tràng ngay tại nhà.

     Từ ngày 14 – 16 tháng Hai hằng năm, người dân Bát Tràng tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống, dâng lễ lên các vị Thành hoàng làng để cầu ấm no, hạnh phúc cho dân. Nguồn kinh phí để tổ chức lễ hội truyền thống hoàn toàn do dân làng Bát Tràng quyên góp một cách tự nguyện theo các hộ. Gia đình nào có điều kiện có thể đóng góp 50 triệu đồng, 100 triệu đồng hoặc hơn thế nữa; bên cạnh đó, làng xóm sẵn sàng áp dụng hình thức miễn giảm cho các gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như sản xuất. Tuy nhiên, với quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hoặc “con giàu một bó, con khó một nén”, nên tất cả các hộ gia đình dù ít, dù nhiều đều tham gia đóng góp kinh phí để tổ chức hội làng hằng năm.

     Sau lễ hội, làng sẽ tổ chức họp, đánh giá công tác chuẩn bị, tổ chức, rút kinh nghiệm, quyết toán và công khai thu chi. Kinh phí thiếu thì sẽ được bù từ quỹ làng, thừa sẽ nhập vào quỹ làng để sử dụng cho các công việc chung. Tuy nhiên, theo dân làng Bát Tràng, thì năm nào cũng vậy, kinh phí thu thừa chi, chưa bao giờ có tình trạng thiếu tiền để tổ chức lễ hội truyền thống.

     Gần đây, một nghệ nhân nổi tiếng của làng Bát Tràng đã cải tạo khuôn viên ngôi nhà gỗ 5 gian lợp ngói, lập danh sách đăng ký cổ vật, sản phẩm gốm…, với mục đích thành lập bảo tàng. Ngày 28/1/2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 444/QĐ-UBND cấp phép hoạt động cho “Bảo tàng Nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng” tại xóm 5, xã Bát Tràng, do ông Vũ Đức Thắng là chủ sở hữu. Nội dung hoạt động của Bảo tàng là sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến gốm sứ Bát Tràng truyền thống và đương đại. Khu “biệt phủ” của Nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng sẽ trở thành không gian của bảo tàng và sớm mở cửa đón khách tham quan. Nằm ngay cạnh chợ gốm Bát Tràng, “Bảo tàng nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng” được kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa – du lịch ở làng gốm cổ ven sông Hồng.

     Vượt khỏi địa giới địa phương, nghệ nhân Bát Tràng còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá nghề truyền thống, như Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng – cổ truyền và hiện đại” (2010) nhân dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chủ trì; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Không gian “Làng Bát Tràng giữa lòng Cố đô” (2014); Trưng bày sản phẩm và trải nghiệm nghề làm gốm tại Festival nghề truyền thống Huế (2015); Trưng bày 30 sản phẩm gốm tiêu biểu của các nghệ nhân nổi tiếng làng Bát Tràng trong Triển lãm “Dấu ấn văn hóa kinh đô Huế và đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống” chào mừng Festival Huế (2016)…

     Bát Tràng là làng gốm có lịch sử khá lâu đời, hoạt động sản xuất, buôn bán cho đến nay vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần tích cực trong việc bảo tồn một nghề thủ công truyền thống của dân tộc, đồng thời, mang lại nguồn thu nhập dồi dào cho người dân. Cần ghi nhận nhiệt huyết và công sức của các nghệ nhân và cộng đồng nơi đây trong việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề. Có thể nói: “vừa là chủ thể sáng tạo ra di sản văn hóa, cộng đồng cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng, chăm sóc di sản văn hóa”2. Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, ngoài việc phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, cần có thêm sự định hướng, điều chỉnh đúng hướng, kịp thời của chính quyền, sự hướng dẫn, giúp đỡ về phương diện chuyên môn của các cơ quan chuyên trách./.

Chú thích:

1- Số liệu do Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cung cấp.

2- Nguyễn Quốc Hùng (2015), “Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(50) – 2015, tr. 22.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam (2009), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, H.

2- Đặng Văn Bài, Nguyễn Hữu Toàn (2006), Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng, Cục Di sản văn hóa, H.

3- Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan – Thuật ngữ và định nghĩa chung (2014), Tiêu chuẩn Việt Nam 10382:2014, H.

4- Bùi Xuân Đính chủ biên (2013), Bát Tràng – làng nghề làng văn, Nxb. Hà Nội, H.

5- Đỗ Thị Hảo (1989), Quê gốm Bát Tràng, Nxb. Hà Nội, H.

6- Nguyễn Thị Hòa (1996), “Làng thủ công nghiệp Bát Tràng- một bảo tàng tổng thể”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2, tr. 35 – 36.

7- Nguyễn Quốc Hùng (2015), “Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(50) – 2015, tr. 21 – 26.

8- Kỷ yếu Hội nghị chuyên đề “Công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội” (2014), Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội, H.

9- Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (2009), Nxb. Chính trị quốc gia, H.

Nguồn: Di sản văn hóa, số 3 (56), 2016, Di sản văn hóa phi vật thể

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Người dân Bát Tràng với việc phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề
(Tác giả: ThS. Phạm Thu Hằng)