Về táng thức “mộ chum” ở nhóm cư dân Tày, Hoa, Nùng, Thái tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng)

SOME IDEAS ABOUT JAR-REBURIAL CUSTOM OF TAY, HOA, NUNG, THAI INHABITANTS IN LIEN NGHIA TOWN, DUC TRONG DISTRICT,
LAM DONG PROVINCE, VIETNAM

Tác giả bài viết: CAO THẾ TRÌNH
(Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở khảo sát điền dã tại địa bàn, đối chiếu với các nguồn tài liệu từ mạng Internet về táng thức mộ chum ở các cư dân thuộc dân tộc Choang và nhóm Khách gia ở khu vực Đông nam Trung Quốc, tác giả cho rằng tập tục cải táng vào lu (ắn xùng) ở nhóm cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở Thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là sự kế thừa một truyền thống từ nguyên quán của họ – các tỉnh khu vực Đông nam Trung Quốc). Khi sang Việt Nam và sau đó di cư vào Liên Nghĩa từ giữa thế kỷ trước họ đã mang theo táng thức mộ chum và tiếp tục duy trì trên quê hương mới. Táng tục này đã có từ thời tiền sử, rất phổ biến ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có các di chỉ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Lung Leng, và Cần Giờ vẫn đang được bảo lưu tại thị trấn Liên Nghĩa (Lâm Đồng).

Từ khóa: Cải táng; Dân tộc Choang; Hung táng; Táng thức mộ chum; Tập tục cải táng vào lu.

ABSTRACT

     Based on the fieldwork data in Liennghia town by the author and documents on the internet about the Zhuang and Hakka ethnic groups in South-East China, the author argues that the jar reburial custom practiced today by the Tay, Hoa, Nung, and Thai in Liennghia town, Ductrong district, Lamdong province, Vietnam is an inherited tradition from their old homeland in South-East China. When their ancestors emigrated to Quangninh province, Vietnam, and then to Lamdong province during the 1950’s, they brought the jar reburial custom, which they still practice today, with them. This custom origined in pre-historic times and has been detected at many archeological sites in East Asia and South-East Asia, including sites of the Sa Huynh, Lung Leng, and Can Gio cultures.

Keywords: Burial; Jar-reburial custom; Reburial; Zhuang ethnic group in China.

x
x x

1. Giới thiệu

     Táng thức mộ chum/vò (jar-burial customs) hay nói chính xác hơn là cải táng vào chum/vò (jar-reburial customs)1 còn được biết đến trong các nguồn tài liệu Trung văn bằng các thuật ngữ 瓮棺葬 (úng quan táng), 陶葬 (đào táng) hay 金罂葬 (kim anh táng)”, là hiện tượng bắt gặp khá phổ biến trong các di chỉ khảo cổ học thời tiền sử ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung và di chỉ Lung Leng ở tỉnh Kon Tum (Lâm, 2003; Nguyễn, 2007; Sở Nghiên cứu Khảo cổ học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Sở nghiên cứu Văn vật tỉnh Hà Bắc, Bảo tàng Thành phố Hoàng Hoa, 2018; và Vũ, 1999). Trải qua hàng chục thế kỷ, táng thức này đã bị mai một, hầu như không hề biết đến trong các công trình nghiên cứu về phong tục, tập quán của các dân tộc trong khu vực. Tình cờ, trong một cuộc khảo sát điền dã tại Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được biết cho đến nay, các cư dân Tày, Hoa, Nùng, Thái2 ở đây vẫn còn bảo lưu một hình thức cải táng độc đáo – họ cho xương cốt người chết không phải vào những chiếc tiểu sành có dạng hình hộp chữ nhật như ở người Việt các tỉnh phía Bắc, mà vào những cái lu. Rõ ràng, đây là một hiện tượng “lạ”, nhất là trong bối cảnh cư dân tại các tỉnh phía Nam đất nước hầu như không có tục cải táng. Chúng tôi đã cố gắng tham khảo hầu hết những tư liệu có liên quan tới nghi lễ tang ma của các tộc người này ở Việt Nam và cả dân tộc Choang ở Trung Quốc – nơi mà người Tày, người Nùng và các tộc La Chí, Pu Péo, Sán Chay được gộp chung vào tộc danh đó (Hội đồng dân tộc Quốc gia biên soạn 5 loại sách về dân tộc, 1984, tr. 495 – 508), kết quả là chúng tôi chưa bắt gặp công trình/bài viết nào đề cập tới tập tục cải táng ở khối cư dân này, bao gồm cả bài viết khảo sát phong tục tang ma của người Nùng ở Đức Trọng của tác giả Nguyễn (2013, tr. 9-12) công bố cách đây chưa lâu. Vẫn biết, lâu nay khi đề cập tới phong tục tang ma của các dân tộc, giới Dân tộc học/Nhân học thường chỉ trình bày đến nghi thức mai táng lần đầu (hung táng), hình thức cải táng (có thể do ít phổ biến hơn) hầu như chưa được quan tâm tới; Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với một số nhà Dân tộc học là người dân tộc Tày và đều xác nhận là chưa hề bắt gặp phong tục này ở dân tộc mình3. Vậy tại sao táng tục độc đáo này lại xuất hiện giữa một vùng đất phía Nam cao nguyên Lang Biang, nơi bao quanh bởi những cư dân Thượng và cả người Việt ở đây không hề có tục cải táng? Phải chăng đây là sự kế tục táng tục mộ chum của các cư dân thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Lung Leng? Dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng đi tìm lời giải cho vấn đề này.

2. Vài nét vềnguồn gốc bộ phận cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái tại thị trấn Liên Nghĩa và nghi lễ tang ma của họ

     Thị trấn Liên Nghĩa được thành lập vào ngày 6.3.1984 trên cơ sở sát nhập xã Tùng Nghĩa và thôn Liên Hiệp của xã Liên Hiệp. Bộ phận cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở đây có liên quan tới sự ra đời của xã Đại tại Tùng Nghĩa 64 năm trước gắn với chương trình tái định cư của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với bộ phận dân di cư từ các tỉnh phía Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (21.7.1954). Thành phần cư dân ban đầu tại Tùng Nghĩa liên quan tới ba đợt chuyển cư vào các năm 1954, 1955, và 1963. Đợt một (1954) gồm có 745 người Thổ (tức Tày), 523 người Thái (cả Thái đen và Thái trắng) và 5 hộ người Việt. Đây là những gia đình có người tham gia quân đội và bộ máy cai trị của Pháp từ các tỉnh Đông Bắc (Tày) và Tây Bắc (Thái) được chính quyền thực dân Pháp di cư về Hà Nội vào các năm 1950 (Tày) và 1952 (Thái) sau các chiến dịch Biên giới và Tây Bắc của Quân đội nhân dân Việt Nam4. Ngày 5.8.1954 họ được chuyên chở bằng máy bay từ Hà Nội vào Đà Lạt, tạm cư tại đây hơn 3 tháng5. Đến ngày 16.11.1954, họ mới được chuyển xuống vùng đất này – lúc đó còn hoang vu, bạt ngàn cây cỏ. Đợt hai diễn ra vào ngày 15.4.1955, khi chính quyền Sài Gòn tiếp tục chuyển thêm 363 người Nùng Phàn Xình từ Sông Mao, Bình Thuận lên. Họ cũng thuộc những gia đình có người tham gia quân đội và bộ máy cai trị của Pháp ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, được chính quyền thực dân Pháp chuyển cư về Cẩm Phả. Ngày 4.9.1954, họ được di chuyến bằng tàu của Hải quân Pháp vào Lăng Cô, ở lại đây 4 tháng, sau đó di chuyển tiếp bằng tàu thủy vào Gò Vấp mấy hôm, tiếp đó lại đáp xe lửa ra Sông Mao. Do ở đây không đủ đất canh tác, mấy tháng sau họ lại được chuyển lên Tùng Nghĩa (Trần, 1971, tr. 23-30, 51). Đợt ba diễn ra từ năm 1963 và rải rác trong những năm sau đó, khi chính quyền Sài Gòn tiếp tục chuyển một bộ phận những gia đình “quân – cán – chính” đi theo thủ lĩnh Voòng A Sáng từ cái gọi là “Khu tự trị Nùng” ở Hải Ninh (gồm các huyện, thị phía Đông tỉnh Quảng Ninh hiện nay) vào Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bộ phận này còn được biết đến với các tên gọi là “người Hoa”, “Hoa Nùng”, hay “Nùng Móng Cái” với số lượng lúc đó khá đông (4,756 nhân khẩu vào năm 1971). Như vậy, khác với phần đông người Hoa ở phía Nam đất nước có tổ tiên là những cư dân tị nạn nhà Thanh từ cuối thế kỷ XVII, được các chúa Nguyễn bố trí định cư tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Đào, 2016, tr. 35-36), bộ phận người Hoa ở Liên Nghĩa có một lai lịch khác. Theo ông Trần Trung Nam, Chủ tịch Hội người Hoa tại Liên Nghĩa, phần đông người Hoa ở đây có gốc gác từ huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (nay là Phòng Thành cảng thị, thuộc Khu tự trị Choang). Năm 1945, sau sự đổ vỡ của liên minh kháng Nhật giữa Đảng Cộng sản Trung quốc và Trung Hoa Quốc dân đảng (Quốc – Cộng hợp tác) cha ông họ – vốn thân với phe Quốc dân đảng, đã di cư sang Hải Ninh. Thời kỳ 1947-1954, thực hiện âm mưu “chia để trị”, trên vùng đất Hải Ninh, thực dân Pháp đã thành lập cái gọi là “Khu tự trị Nùng” (Territoire Autonome Nung) do tên tay sai Voòng A Sáng (Hoàng Phúc Thịnh) đứng đầu. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Voòng A Sáng kéo theo toàn bộ “quân-cán-chính và quyến thuộc của họ” vào đầu quân cho chính quyền Việt Nam cộng hòa. Lúc đầu họ được bố trí tạm cư tại khu vực Ba Ngòi (Khánh Hòa), về sau chuyển vào vùng hạ lưu sông Ma Ó, Bình Thuận (về sau đọc thành sông Mao). Do mật độ dân di cư vùng này hồi đó khá cao, vào năm 1963, chính quyền Sài Gòn tiếp tục đưa một bộ phận lên Tùng Nghĩa. Do vậy, thành phần người Hoa ở Liên Nghĩa hôm nay chủ yếu là những người nói phương ngữ Quảng Đông, trong đó có khoảng 1/3 là người Ngái (còn được gọi là Hẹ hay Hắc-cá, âm Hán-Việt là Khách gia)6, tức bộ phận người Hán phương Nam, ở phía Nam sông Trường Giang – khác với người Hán phương Bắc (Trung Nguyên), nơi mà việc đào bới mồ mả bị xem là “đại nghịch bất đạo”. Do vị trí ngã ba đường, lại thêm tin đồn về việc xây dựng thủ phủ tỉnh Tuyên Đức tại đây, nên cư dân của xã Tùng Nghĩa không ngừng tăng nhanh. Theo số liệu thống kê ngày 2.2.1971, đã là 16,241 người, trong đó chủ yếu là người Tày, Nùng và người Hoa Nùng hay Nùng Móng Cái. Người Kinh lúc đó còn là thiểu số so với các dân tộc khác trên địa bàn – 1,850 người (Trần, 1971, tr. 101, 217).

     Theo số liệu thống kê ngày 28.4.2018, Thị trấn Liên Nghĩa có hơn 47,617 nhân khẩu, trong đó: Người Việt có 29,791 khẩu (62.6%), người Tày có 5,127 khẩu, người Hoa có 5,415 khẩu (11.3%), người Nùng có 5,238 khẩu (11%), người Thái có 1,277 khẩu (2.9%). Ngoài ra còn có 501 người tự khai là Thổ, nhưng họ không thuộc dân tộc Thổ – một tộc người nói ngôn ngữ Việt-Mường, cư trú chủ yếu ở miền Tây tỉnh Nghệ An và một phần tỉnh Thanh Hóa, mà chỉ là một tên gọi khác của người Tày. Họ nói ngôn ngữ Tày – Thái, bảo lưu những nét văn hóa truyền thống của cư dân Tày, “hứng lên” vẫn khai là người Tày, dẫn tới dân số bộ phận này liên tục biến động theo chiều hướng giảm (1,256 người năm 2003, còn 760 người năm 2007 (Đào, 2010, tr. 17-18) và đến nay là 501)7. Như vậy, thực chất người Tày ở đây có 5,628 khẩu (11.8%) (UBND TT Liên Nghĩa, 2018). So với số liệu thống kê từ 2.2.1971, cả bốn khối cư dân có nguồn gốc từ các tỉnh thượng du phía Bắc đều không tăng, thậm chí giảm nhẹ. Nguyên nhân là do có một bộ phận đã chuyển cư sang một số địa phương lân cận như xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), xã Tân Văn (huyện Lâm Hà), huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai)… nhất là trong giai đoạn 1976 – 1986.

     Do gần gũi về nguồn gốc và ngôn ngữ, lại cộng cư trên cùng một địa bàn, nên nhìn chung nghi lễ tang ma của các cư Tày, Hoa, Nùng, và Thái tại Liên Nghĩa có nhiều điểm tương đồng. Điều đáng chú ý là do có quan hệ cộng tác với chính quyền thực dân Pháp, bộ phận dân cư thiểu số này từng chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, lại trải qua hơn nửa thế kỷ cộng cư với người Việt, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế khá sâu rộng, nhiều yếu tố văn vật chất đã bị mai một, giải thể, nhất là trong sinh hoạt kinh tế, nhà cửa, trang phục,…; Song các tập tục liên quan tới nghi lễ vòng đời, nhất là tang lễ ở bộ phận cư dân này hầu như vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn, phân biệt rõ nét với bộ phận cư dân Việt trên cùng địa bàn – “chỉ cần nhìn qua là biết”, theo cách nói của người Việt ở đây, bởi những đám rước ma rầm rộ cờ quạt, tàn lọng, nhất là nhà táng, cây tiền. Khi có người chết, thân nhân người quá cố không tự đứng ra chủ trì các nghi thức tang lễ mà phải thông qua thầy cúng. Dưới sự điều hành của thầy cúng họ phải thực hiện một loạt nghi lễ khá phức tạp, nhất là các khâu lấy nước rửa mặt người chết, các nghi thức liên quan tới dấu tích thờ gà làm vật tổ ở các cư dân Tày – Thái cổ (bao gồm cả người Nùng): Hôm thứ nhất cúng trứng gà sống; Hôm thứ hai thay bằng gà chưa mọc lông (gà nhép, bóp chết vặt trụi lông); và Hôm di quan – thả gà to còn sống xuống huyệt. Ngoài ra là tục nằm đường (nằm ngửa), tục cúng nhà táng, “cây tiền”, tục làm nhà mồ (che bằng mái tôn)…. và nhất là tục cải táng vào ắn xùng/ ắn xủng (tức “cái lu” theo tiếng Tày /Nùng).

3. Tục cải táng vào lu của khối cư dân Tày, Hoa, Nùng, Thái ỏ thị trấn Liên Nghĩa – dấu tích của táng thức mộ chum/vò từ thời tiền sử

     Cải táng (rerubial/改葬 /遷葬 – “cải táng”/“thiên táng”, tức “dời mộ”) là tục lệ phổ biến ở cư dân các nước Á Đông và vẫn còn được bảo lưu cho đến tận hôm nay ở nhiều tộc người. Ở người Việt các tỉnh phía Bắc, sau khi mãn tang (ba năm) và trong gia tộc (năm đời trở lại) không có tang “ma mới” là có thể tiến hành cải táng (còn gọi là cát táng/ sang cát, “sang nhà mới cho ông/ bà”…) để phân biệt với chôn cất lần đầu là hung táng. Lý do được giải thích là do lúc mới chết, thi hài người quá cố được chôn trong quan tài bằng gỗ, sau một thời gian quan tài sẽ bị mục, đất cát sẽ đè lên “cơ thể ông/bà”, nên cần sang nhà mới cho sạch sẽ, kiên cố hơn (tiểu sành).

     Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ hình dáng của “căn nhà mới” – ở người Tày, Hoa, Nùng, Thái tại Thị trấn Liên Nghĩa có hình cái lu, chứ không phải hình hộp chữ nhật như ở người Việt. Cho đến nay, cạnh chợ Liên Nghĩa, ắn xùng được bày bán trong một số gian hàng bán đồ sành, sứ thủy tinh nói chung (chậu cảnh, hũ đựng rượu, lọ hoa, ….) với giá hiện thời là 250,000 VNĐ/chiếc. Kích thước của lu: Cao 53cm, đường kính đáy và miệng 30cm, ở giữa hơi phình (đường kính 33cm), trên có nắp đậy, đáy có lỗ nhỏ độ 1.5cm (Hình 1). Do thổ nhưỡng của vùng Liên Nghĩa và cả khu vực lân cận là đất bazan, không thể chế tác đồ sành sứ, nên những chiếc lu này được đặt hàng tại các lò gốm ở Đồng Nai, Bình Dương. Cũng do đặc thù của thổ nhưỡng vùng này, nên thông thường phải sau khi hung táng từ 5 – 6 năm trở lên, nhóm cư dân ở đây mới tiến hành cải táng. Nghi thức để tiến hành cải táng cũng khá phức tạp và tốn kém. Điều đáng chú ý là sự sắp xếp hài cốt theo một trật tự sau: Các đốt xương sống phải “lắp” theo đúng thứ tự (người Nùng Phàn Xình ở đây còn dùng một cành đào làm “trụ” rồi xếp xuyên từng đốt xương sống vào trụ đó). Phía dưới là xương chậu. Các xương sườn, xương chân, xương tay cũng được sắp xếp theo thứ tự trái phải, trên dưới. Trên cùng là xương sọ (đầu lâu).

     Tóm lại, nói theo lời thầy pháp Vi Văn Dèn – bộ hài cốt được xếp “theo tư thế ngồi”. Dĩ nhiên, khi chôn lại, người ta cũng đặt ắn xùng theo tư thế đó. Theo chúng tôi, đây chính là ảnh xạ của táng thức mộ vò/mộ chum có từ thời hậu kỳ đá mới – thời đại kim khí, tương đương với các thế kỷ trước và sau công nguyên trên đất nước ta, thường gặp hơn cả là trong các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh dọc duyên hải các tỉnh Nam Trung Bộ. Đành rằng, ở đây có điểm khác biệt: Chum vò được thay bằng lu, nhưng vẫn có dạng hình trụ. Điều đáng nói là táng thức mộ chum/vò đã lùi vào quá vãng từ hàng chục thế kỷ, song hình thức cải táng vào lu lại vẫn được bảo lưu ở bộ phận cư dân Tày, Hoa, Nùng, Thái nơi đây cho tới tận hôm nay. Sau khi cải táng, mộ được đắp theo hình nửa quả bầu (viên phần) và thường được trát vữa để cỏ không thể mọc. Theo lời thầy pháp Vi Văn Phong, trước đây các ngôi mộ loại này có hình mai rùa với tường bao hình thuyền, Quan sát tại nghĩa trang của người Nùng ở Liên Nghĩa hôm nay có thể thấy nhiều ngôi mộ đã được xây theo kiểu người Kinh (hình hộp chữ nhật, tường bao cũng theo hình chữ nhật), tuy nhiên một số vẫn xây theo kiểu hình nửa quả bầu, thậm chí có cả biến thể theo hình hồ lô (của người Hoa). Bên cạnh một số ngôi mộ có tường bao hình thuyền, phần lớn đã chuyển sang tường bao theo hình chữ nhật, đỉnh bốn đầu trụ ở bốn góc thường gắn búp sen bằng sứ giống như các khu lăng mộ của người Kinh. Một điểm đáng lưu ý là việc cải táng ở bộ phận cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái tại Thị trấn Liên Nghĩa được tiến hành vào ban ngày, bắt đầu vào buổi sáng, diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”. Trong khi công việc này ở người Việt các tỉnh phía Bắc thường diễn ra vào ban đêm, bắt đầu vào lúc nửa đêm và kết thúc trước lúc trời sáng, bao gồm cả việc chôn lại. Theo quan niệm của người Việt, ban đêm là “thời gian sinh hoạt của cõi âm”8.

     Rõ ràng, táng tục ở khối cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở Liên Nghĩa là khá độc đáo, chí ít cũng là trong bối cảnh ở phía Nam đất nước từ lâu hầu như đã không có tục cải táng và nhất là lại cho xương cốt vào những cái lu. Vì thời gian xuất hiện của khối cư dân nói trên tại địa bàn mới hơn 60 năm nên không thể xem họ là “truyền nhân” hay “hậu duệ” của các cư dân thuộc các nền văn hóa trong khu vực như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Lung Leng hay văn hóa Cần Giờ, bởi những nền văn hóa nói trên đã ngừng phát quang từ hàng ngàn năm trước. Qua phỏng vấn, được biết táng tục này đã được những cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái đem vào đây từ nguyên quán của họ – các tỉnh miền núi phía Bắc. Dò hỏi và lục tìm tư liệu, chúng tôi được biết ở người Thái đen (Táy đăm) trước đây có tục hỏa táng và sau đó người con trai trưởng dùng cây mía gắp xương cho vào một cái chum, song theo Trần (1971, tr. 74, 76), khi vào Tùng Nghĩa họ đã bỏ tục hỏa thiêu. Do nguồn gốc của khối cư dân Tày, Nùng, và Thái đều là những tộc người từ Trung Quốc di dân sang Việt Nam từ các thế kỷ XIII – XVII, và ở Trung Quốc, khối cư dân Tày-Nùng được gộp chung vào dân tộc Choang (Zhuang, 壮- “Tráng”), nên chúng tôi đã dò tìm trên mạng tìm kiếm thông tin Google theo các từ khóa “jar burial in Zhuang ethnic”, “瓮棺葬 在壮族” (“úng quan táng tại Tráng tộc”),… Kết quả, từ các từ khoá nói trên đã đem đến một lượng thông tin khá phong phú về táng tục này ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, thậm chí còn có cả một hội nghị quốc tế (interworkshop) 4 ngày, từ 13 – 16.5.2017 tại Thành phố Hoàng Hoa, tỉnh Hồ Bắc với chủ đề “Táng thức mộ chum và giao lưu văn hóa ở khu vực Đông Á thời cổ đại”(瓮棺葬与古代东亚文化交流国际 学术研讨会) với sự tham gia của hàng chục nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

     Như vậy, trong các xuất bản phẩm về Dân tộc học/Nhân học chúng tôi chưa bắt gặp những thông tin về táng thức mộ chum/vò ở các tộc người hiện nay trong khu vực, nhưng qua trang thông tin mạng, những thông tin liên quan tới táng thức này ở các bộ phận cư dân phía Nam Trung Quốc lại rất phong phú. Trong số các tư liệu nói trên đáng chú ý hơn cả là thông tin về tục này vẫn còn được bảo lưu ở người Khách gia (客家民系 – “Khách gia dân hệ”, còn gọi là người “Hắc cá” hay “Hẹ”), là một bộ phận cư dân thuộc Hán tộc ở các tỉnh Đông Nam Trung Quốc (ở Việt Nam, như đã viết ở trên họ là dân tộc Ngái), một cộng đồng có ảnh hưởng tới văn hóa nhiều tộc người khác trong khu vực và ở dân tộc Choang. Trong các tư liệu Trung văn, phong tục này có khá nhiều tên gọi khác nhau như “二次葬” (nhị thứ táng), “撿骨葬” (kiểm cốt táng), “拾骨葬” (thập cốt táng), “迁骨葬” (thiên cốt táng), “洗骨葬 (tẩy cốt táng), và “金罂葬” (kim anh táng) đều tương đương với khái niệm “cải táng”. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tục lệ này được đề cập tới trong sách Mặc Tử, phần Táng tiết (“việc chôn cất”). Theo đó, tục này có ở bộ phận cư dân phía Nam nước Sở. Gọi là “kiểm cốt táng” là vì sau khi có người chết, trước hết chôn quan tài bằng gỗ xuống đất, đợi 3-5 năm sau, thi thể mục nát, lượm xương táng lại (所谓捡骨葬, 就是人死后, 先以棺木敛尸入土埋葬, 待三五年尸体腐朽后, 再捡骨 重葬) (Quỷ, 2016) (Hình 2). Cũng theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, điều này hoàn toàn đối lập với quan niệm của người Hán trung nguyên, nơi mà theo họ việc động chạm tới xương cốt tổ tiên là hành vi “đại nghịch bất đạo”, có thể dẫn tới tai họa “đoạn tử tuyệt tôn” (Do, 2016). Những chiếc “úng quan”/ “kim anh” (lu đựng hài cốt) ở đây hoặc được chôn xuống đất, hoặc được xếp trong hang động (trông tựa những bãi trữ hũ kim chi ở Hàn Quốc). Đặc biệt, qua các hình ảnh minh chứng, có thể nhận ra hình dáng và kích thước của những “úng quan”, “kim anh” ở các cư dân Choang tộc và Khách gia đều y hệt các “ắn xùng” ở các cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái tại Liên Nghĩa. Sự tồn tại của táng thức này ở các cư dân miền Nam Trung Quốc chứng tỏ sức sống lâu bền của tập tục cổ xưa ở một bộ phận cư dân bản địa, khác Hán (phi Hán tộc) từ thời đá mới, trước khi tổ tiên của họ bị Hán hóa. Về sau, mặc dù nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của khối cư dân này đã bị giải thể, mai một bởi văn hóa Hán, song vẫn còn không ít yếu tố, trong đó có táng thức mộ chum, vẫn được bảo lưu cho đến tận hôm nay, nhất là ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), địa bàn cư trú bao đời nay của dân tộc Choang và những cư dân Ngái/ Khách gia.

     Từ những tư liệu trên, chúng tôi chúng tôi cho rằng táng thức mộ chum hay nói chính xác hơn là tập tục cải táng vào lu của các cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở thị trấn Liên Nghĩa hiện nay là sự kế thừa một tập tục từ nguyên quán của họ, khu vực Đông Nam Trung Quốc. Khi sang Việt Nam và sau đó di cư vào Liên Nghĩa từ giữa thế kỷ trước, trong hành trang tâm linh mà họ mang theo có cả những tục lệ cổ truyền của tổ tiên, trong đó có táng thức mộ chum. Ngược dòng thời gian, rõ ràng táng thức này đã cội nguồn từ thời tiền sử, phổ biến hơn cả là ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có các di chỉ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Lung Leng, và Cần Giờ. Tuy nhiên, căn cứ vào hình dáng của những chiếc ắn xùng ở khối cư Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở Liên Nghĩa, có thể thấy chúng không giống hình dạng của những táng cụ cùng loại đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc các nền văn hóa vừa nêu: Hình dáng của những táng cụ tìm thấy ở các di chỉ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh và Lung Leng gần giống với những chiếc chum/vò, còn hình dáng những chiếc ắn xùng lại gợi nên sự liên tưởng tới ý nghĩa ban đầu của táng thức mộ chum (hình quả trứng), thể hiện ước vọng tái sinh. Việc “cắt” cho nó “bằng đầu – bằng đuôi” như hiện nay có thể là kết quả của một “quá trình cải tiến” theo hướng tăng thêm sự thuận lợi trong sản xuất và tiện lợi trong xếp/đặt.

4. Kết luận

     Tập tục cải táng vào lu (ắn xùng) ở khối các cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở thị trấn Liên Nghĩa là sự bảo lưu táng thức mộ chum đã có từ thời tiền sử, có giá trị như là minh chứng cho sức sống lâu bền của một tục lệ cổ xưa trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tục lệ cải táng vào lu nói riêng và tập tục cải táng nói chung cũng cần phải xem lại, bởi rõ ràng nó hoàn toàn phản vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của những người trực tiếp tham gia vào quá trình cải táng (cho dù hôm nay người ta đã có ý thức hơn như đeo khẩu trang, sử dụng găng tay nilon). Đạo hiếu là rất đáng trân trọng, nhưng không nhất thiết cứ phải tiến hành cải táng như ở bộ phận cư dân Tày, Hoa, Nùng, và Thái ở Liên Nghĩa nói riêng và tục cải táng ở người Việt các tỉnh phía Bắc nói chung. Trong bản Di chúc viết ngày 15.5.1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một đề xuất hết sức xác đáng: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” (Hồ, 2002, tr. 499). Lời di huấn của Bác từ hơn nửa thế kỷ trước thể hiện xu thế chung của nhân loại và đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân. Thiết nghĩ, trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác, chúng ta cần quán triệt ước muốn chính đáng trên đây của Người.

_________
1. Căn cứ vào kích thước của các chum/vò đã khai quật được thường thấp hơn so với cơ thể người bình thường, nhất là với mộ vò, có thể thấy về cơ bản táng thức này không phải thực hiện với thi hài ngay khi mới chết, mà phải qua một hình thức xử lý thi hài trước đó như địa táng, thiên táng, hóa táng…, sau đó mới lượm hài cốt cho vào chum/vò. Trong trường hợp thiên táng, địa táng phải mất hàng năm sau đó mới tiến hành cải táng.

2. Chúng tôi xếp thứ tự các dân tộc nói trên theo dân số thống kê tại địa bàn năm 2018.

3. Những người đã liên hệ: TS. La Công Ý, quê ở Thái Nguyên và TS. Hoàng Bé, quê Lạng Sơn.

4. Tại Hà Nội, họ được bố trí tạm cư tại khu vực Thụy Khuê, Quần Ngựa, Ngã Tư Sở.

5. Tại Đà Lạt họ được bố trí tạm cư tại tại khu vực nhà thương Phương Lan (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng), Trường Phương Mai (nay là Trường PTTH Bùi Thị Xuân), Trường Tiểu học Đa Nghĩa (nay là Trường Tiểu học Lê Lợi) và Khu nhà thờ Domaine de Marie.

6. Theo Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố ngày 2.3.1979, người Ngái là một dân tộc.

7. Không loại trừ bộ phận người Thổ ở các tỉnh Đồng Nai (657 người), Đắk Lắk (541 người), Bình Dương (510 người), Đăk Nông (216 người) theo số liệu của Tổng cục Thống kê 2009 cũng thuộc dạng “người Tày khai Thổ” như ở Liên Nghĩa, bởi qua phỏng vấn chúng tôi được biết những cư dân “Thổ” Liên Nghĩa vẫn có những mối quan hệ họ hàng với những cư dân “Thổ” ở các địa phương nói trên.

8. Tuy nhiên, trong 2 bức vẽ ký họa tiêu đề “改葬” (“cải táng”) của Henry thực hiện vào các năm 1908-1909 trên cơ sở quan sát hiện tượng này tại các địa phương xung quanh Hà Nội lại cho thấy dường như công việc này ở người Việt thực hiện vào ban ngày, với một tấm liếp che (Phan, 2017, tr. 230).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     BCH Đảng bộ TT Liên Nghĩa. (2015). Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và
nhân dân Thị trấn Liên Nghĩa (1954 – 2010). Hà Nội, Việt Nam: NXB. Chính trị Quốc gia.

     Do, T. H. (2016). Tại sao người Khách Gia phải tiến hành cải táng? Được truy lục từ https://kknews.cc/culture/96mgbbq.html.

     Do, T. H. (2017). Phong tục tang lễ ở người Khách Gia – Một truyền thống nhất định không thể để mai một? Được truy lục từ https://kknews.cc/culture/96aj85b.html.

     Đào, T. H. (2010). Tìm hiểu người Thổ ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng. (Khóa luận tốt nghiệp), Trường Đại học Đà Lạt, Việt Nam.

     Đào, T. N. (2016). Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Hà Nội, Việt Nam:
NXB. Hội Nhà văn.

     Hồ, C. M. (2002). Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 12). Hà Nội, Việt Nam: NXB. Chính trị Quốc gia.

     Hội đồng dân tộc Quốc gia biên soạn 5 loại sách về dân tộc (1984). Các dân tộc thiểu số Trung Quốc. Bắc Kinh, Trung Quốc: Nhân dân Xuất bản xã.

     Lâm, T. M. D. (2003). Về truyền thống mộ chum. Tạp chí Khảo cổ học, (2), 48-70.

     Nguyễn, H. K. (2013). Nghi lễ tang ma truyền thống của người Nùng (Khảo sát ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, (26), 9 -12.

     Nguyễn, K. S. (2007). Khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên. Hà Nội, Việt Nam: NXB. Giáo dục.

     Nguyễn, M. T. (2016). Đôi lời phi lộ. Trong Đào, T. N. (chủ biên), Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Hà Nội, Việt Nam: NXB Hội Nhà văn.

     Nguyễn, T. H. (2007). Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á. Tạp chí Phát triển Khoa học
và Công nghệ, 7(10), 1-9.

     Phan, C. T. (2017). Tập tục đời người: Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hà Nội, Việt Nam: NXB. Hội Nhà văn.

     Quỷ, Đ. G. (2016). Bàn về việc cải táng. Được truy lục từ https://www.guidaye.com/
fs/mudi/24150.html

     Sở Nghiên cứu khảo cổ học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Sở nghiên cứu Văn vật
tỉnh Hà Bắc, Bảo tàng Thành phố Hoàng Hoa. (2018). Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Úng quan táng và giao lưu văn hóa Đông Á thời cổ đại. Hoàng Hoa, Trung Quốc: NXB. Khoa học Xuất bản xã.

     Trần, C. N. (1971). Khảo sát các sinh hoạt của các cư dân thượng du Bắc Việt định cư tại xã Tùng Nghĩa. (Tiểu luận Cao học) Viện Đại học Đà Lạt, Việt Nam.

     UBND TT Liên Nghĩa. (2018). Bảng tổng hợp thành phần các dân tộc trên địa bàn thị trần Liên Nghĩa. Lâm Đồng, Việt Nam: UBND TT Liên Nghĩa.

     Vũ, C. Q. (1999). Mộ chum văn hóa Sa Huỳnh và mộ chum ở Đông Nam Á. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, (3), 51-59.

Nguồn: Kỷ yếu hội nghị khoa học thường niên Trường Đại học Đà Lạt, năm 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Về táng thức “mộ chum” ở nhóm cư dân Tày, Hoa, Nùng, Thái tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) – Tác giả: Cao Thế Trình