VIỆT NAM XƯA – XUÂN GIÁP NGỌ (Ancient VietNam – The lunar new year of the Horse )

LỜI GIỚI THIỆU

        PGS  TS  Sử  học  Nguyễn Mạnh Hùng là người Thầy khá quen thuộc trong giới giáo dục Việt Nam và một số Đại học Nhật,  Mỹ,  Pháp,  Hàn  Quốc, Thái  Lan…  Thầy  là  một  nhà giáo  chuyên  nghiệp  –  từng  là giáo sư giảng dạy tại Đại học Osaka  (Nhật Bản),  từng  là người được  mời thuyết giảng tại  một  số  nước:  Mỹ,  Pháp, Nhật,  Hàn,  Western  Samoa… miền xa xôi nhất của châu Á Thái  Bình  Dương…  về  đề  tài nghiên  cứu  của  cá  nhân  “Kỹ thuật  người  An  Nam  –  Technique  du  Peuple Annamite” do Henri Oger đã được hình thành từ những năm 1908 – 1909 tại Hà Nội. Công trình do thầy phát hiện, nghiên cứu, chú giải Hán Nôm, dịch thuật các nguồn sử liệu của nhà Đông phương Pháp bằng chữ Pháp để tái hiện Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – sau gần một thế kỷ bị chôn vùi.

      Ông là người được tiếp nhận cả 2 hệ thống giáo dục của Mỹ, Pháp từ miền Nam trước năm 1975, và sau này là hệ thống giáo dục của Xã hội miền Bắc. Ông là học trò của nhiều thầy danh tiếng cả 2 miền Nam Bắc và trưởng thành từ đây. Sau năm 1975, ông đã góp phần tích cực xây dựng hệ thống đào tạo không chính quy, nay là các trường Đại học ngoài công lập (Dân lập, Tư thục, Quốc tế).

       Nhưng tất cả điều đó vẫn chưa nói được hết tính cách của cuộc đời sưu tập và nghiên cứu của ông. Hôm nay, với tư cách là Chủ biên cho tác phẩm Việt Nam xưa vào năm Giáp Ngọ này, chúng tôi xin được giới thiệu cùng quý độc giả về kho tàng bưu thiếp Đông Dương mà ông đã sở hữu bằng những công sức mà ông đã góp nhặt từ thời trai trẻ cách nay hơn bốn mươi năm.

       Chúng tôi cũng xin cám ơn ông – Một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tự xưng là “Con ngựa thồ trong làng đại học” – một người đã từng sống ẩn dật như được “ngủ đông” trong bảy năm (1968 – 1975), Ông đã tự giam hãm mình suốt thời gian đó để hoàn thành bộ từ điển Kanji Hán- Nhật -Việt, và một số công trình khác mang bút danh khác nhau. Đây là quyển từ điển đầu tiên của Việt Nam – một công trình mà chưa được biết đến công lao của ông.

       Trong các bộ sưu tập xưa nay, ngoài người chủ biên là PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng còn có một người bên cạnh thầy là một Nhà sưu tập mới còn trẻ là Nguyễn Phan Sơn Trúc – Cả hai nhà sưu tập – đã góp sức sưu tầm riêng phần mình hơn 7.000 bức ảnh Đông Dương. Nhân đây, chúng tôi cũng xin bắt đầu giới thiệu thêm cùng quý độc giả về trường hợp Nguyễn Phan Sơn Trúc – như là người sẽ là người tiếp nối công việc của thầy Nguyễn Mạnh Hùng sau này.

       Ngoài ra, Nguyễn Phan Sơn Trúc sẽ chuẩn bị cho ấn hành Bộ sưu tập Tiền giấy Việt Nam từ đời Thành Thái, Bảo Đại kéo dài đến ngày 30-4-1975 để góp một phần cung cấp tư liệu của ngành lịch sử, văn hóa Việt Nam – một loại di sản ký ức đã tồn tại trong quá trình hình thành lịch sử Việt Nam cận hiện đại.

GS Nguyễn  Tấn Đắc
Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Cơ sở Đại học Quốc tế Hồng Bàng
(năm 2011-2015)

x
x x

LỜI CẢM ƠN

Kính thưa quý độc giả, quý cô chú, quý anh chị em trong ngoài nước,

           Tôi xin thay mặt thầy Nguyễn Mạnh Hùng – người thầy đỡ đầu và giúp đỡ cho tôi được tiếp tục công việc sưu tầm và nghiên cứu mà thầy để lại. Trông như thầy muốn bàn giao lại việc làm mà thầy đã làm quen từ hơn 40 năm qua.

Nguyễn Phan Sơn Trúc
Nguyễn Phan Sơn Trúc

       Tôi không biết phải nói lời thế nào hầu mong quý độc giả cảm thông cho sự non kém của tôi- cả về trình độ lẫn tuổi đời- để có thể tiếp quản một công việc.  Đây là công việc đòi hỏi sự miệt mài, tập trung, và luôn trao dồi kiến thức về nhiều lĩnh vực chuyên môn mới có thể bước đi tới được phía trước mà không phụ lòng quý cô chú, quý độc giả.

       Hiện nay, tôi đã tiếp quản 2 bộ sưu tập. Một là, bộ sưu tập về Bưu thiếp Đông Dương xưa (gần hơn 7.000 bức) và một bộ sưu tập tiền giấy xưa Việt Nam. Hôm nay, trong quyển sách sắp xuất bản nàydưới sự bảo trợ của tạp chí Xưa & Nay, tôi kính xin được thay mặt thầy Nguyễn Mạnh Hùng để nói lên những cảm xúc của tôi trước sự thông cảm và chia sẻ của quý độc giả, quý Nhà xuất bản. Đây là nguồn lực động viên cho tôi có thêm sức để tiếp tục con đường dài phía trước.

       Như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã tự xưng là “Con ngựa thồ trong làng Đại học”. Thầy đã tự ví mình là con ngựa thồ – như đang muốn trút gánh nặng để nằm nghỉ ngơi bên vệ đường- để nhẹ gánh cho con đường dài vô tận phía trước. Còn tôi chỉ là con ngựa non, không biết có đủ sức để tiếp tục gánh một phần sức nặng trên lưng mình hay không!?

Xin gửi nơi đây tấm lòng biết ơn chân thành.

     Nguyễn Phan Sơn Trúc

Trân trọng giới thiệu.

Mời xem thêm: Sài-gòn – HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG
VIỆT NAM XƯA – Tập 2
HÀ NỘI XƯA – Tập 1
HÀ NỘI XƯA – Tập 2