VÕ NGHỆ VIỆT NAM – HÌNH THÁI VẬN ĐỘNG THỂ CHẤT
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(PGS TS Sử học)
Việt Nam một dân tộc sớm phát triển nền văn minh lúa nước, quanh năm suốt tháng sinh sống trên mảnh ruộng của mình. Bức tranh “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” (hình1, 2) đã tồn tại hàng nghìn năm trọn suốt chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ bền vững nền tảng độc lập dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử. Trong những ngày lễ hội truyền thống luôn có mặt những trò chơi vận động thể lực. Đó là những môn võ vật để rèn luyện sự thăng bằng và sức mạnh cận chiến khi đối mặt với kẻ thù xâm lược.
Ngay vào giữa thế kỷ thứ nhất (mùa xuân năm 40), Hai Bà Trưng – vốn dòng lạc tướng – đã tập hợp được một lực lượng đủ sức đánh tan quân thù, giải phóng đất nước lập nên một giang sơn độc lập đóng đô tại Mê Linh (trong 3 năm). Trong số các tướng lãnh của 2 Bà có nữ tướng Lê Chân (An Biên – Hải Phòng) đã từng dựng đài luyện tập võ thuật – trong đó môn đấu vật. Nữ tướng Thiều Hoa (Lăng Xương – Vĩnh Phúc) lại tập luyện trò chơi đánh phết để rèn luyện mưu trí và cơ bắp. Võ tướng Nguyễn Tam Chinh (Mai Động – Thanh Hoá) lại mở lò vừa dạy võ nghệ vừa dạy chữ Hán (hình 3). Về sau ông trở thành vị tổ sư làng vật Mai Động. Vào nửa đầu thế kỷ III, một nữ tướng khỏe mạnh xuất hiện, đó là Bà Triệu. Từ khi 19 tuổi bà đã tuyên bố dõng dạc: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”.
Bà Triệu đã lập trường võ để thao luyện môn đấu vật và kiếm cung để chống giặc, khiến kẻ thù phải thốt lên:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện bà vương nan
Vào thế kỷ VI (543) một hào trưởng Thái Bình (Sơn Tây) tên là Lý Bôn đã cùng các anh hùng hào kiệt luôn rèn luyện võ thuật, coi trọng sức mạnh thể chất, trong đó có các võ tướng Triệu Quang Phục, Phạm Tu, Lý Phục Mang đã khởi nghĩa dành độc lập để lập nên nhà nước Vạn Xuân.
Đầu thế kỷ VIII, Mai Thúc Loan (722) đã từng chiến đấu giành lại độc lập. Và 44 năm sau, Phùng Hưng (766 – 791) cùng em là Phùng Hải tập hợp một lực lượng dân phu được rèn luyện võ nghệ vận động thể chất đã vùng lên khởi nghĩa giành độc lập. Cả 2 anh em có một sức khỏe phi thường. Phùng Hưng (Đường Lâm – Sơn Tây) vật được trâu, đánh được hổ. Phùng Hải vác được đá nặng nghìn cân và cõng được thuyền nặng nghìn hộc đi xa hàng chục dặm. Hai ông đã nổi lên đánh quân xâm lược, giữ yên bờ cõi trong 7 năm và được tôn vinh là Bố Cái Đại Vương.
Trong lịch sử đã ghi chép lại, người có công lớn lập nên một lò võ chuyên rèn luyện thể lực có quy mô lớn tại Dương Xá (Thanh Hóa) là Dương Đình Nghệ, một vị hào trưởng đã tập hợp được khoảng 3.000 dũng sĩ ngày đêm rèn luyện võ thuật, trong đó có Ngô Quyền (Phong Châu – Sơn Tây) đã tạo nên chiến thắng Bạch Đằng – chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).
VÕ VẬT – LOẠI HÌNH THỂ VẬN HỘI
TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Theo những nhà nghiên cứu văn hoá – Việt Nam tồn tại song song 2 nền văn chương: bác học và bình dân. Từ đó cũng có thể võ học Việt Nam cũng chia làm 2 loại hình: Võ học cung đình (võ học và võ cử) và Võ vật dân gian (xuất hiện trong các ngày lễ hội).
Võ vật dân gian hình thái thể dục thể thao di sản văn hoá của loài người (sinh vật có xương sống và đứng thẳng trên mặt đất) mà Việt Nam sớm được thừa hưởng như nhiều dân tộc khác có nền tảng lịch sử từ thuở sơ khai. Từ gốc tư duy trừu tượng và biện chứng pháp, ta có thể nhận định: Võ vật được thừa hưởng bộ “gien người” tiến hoá từ sinh vật sống dưới nước, trên cây, trên vách đá, thành sinh vật đứng thẳng giữ thăng bằng khi di chuyển… trên mặt đất để tiến vào xã hội loài người có tổ chức xã hội cao cấp. Võ vật Việt Nam đã sớm thừa hưởng “khả năng di truyền” nói trên trong khu vực để mở đường phát triển thành nhiều môn võ thuật và thể dục thể thao khác .Võ vật dân gian Việt Nam tiêu biểu nhất là võ vật được tổ chức trong ngày lễ hội võ vật Liễu Đôi (Nam Hà) – được xem như loại Thể vận hội của dân tộc Việt Nam – tiền thân của nền võ cổ truyền Việt Nam.
x
x x
“Ngàn năm võ vật đua tài,
Vạn năm sông rộng, núi dài tổ tiên”
x
x x
Khác với thời La Mã cổ đại – các đấu sĩ chiến đấu để hạ sát nhau – vừa như một trò thể thao về võ thuật để làm vui mắt giới quý tộc – vừa xem như một loại nghề sinh sống thời thượng để có thể biến đổi giai cấp – từ nộ lệ thành quý tộc (khi tích luỹ được nhiều tiền của). Trái lại các đô vật Việt Nam lại là những võ sĩ trong làng – mang tinh thần thượng võ, thể hiện khí phách oai phong lẫm liệt để được tôn vinh là Trạng vật để ngóng chờ ngày đón đầu giặc, gìn giữ tổ quốc
“Múa giáo ngang trời, nói lời sấm sét
Trai nắn gáy hổ, gái vật đổ cột đình”
Trải qua bao phen tập trận chiến đấu, từng lúc từng nơi đã đánh đuổi quân thù xâm lăng từ phương Bắc (hai lần chống quân Tống, ba lần chống quân Nguyên, một lần chống quân Minh, một lần chống quân Thanh), võ vật dân gian đã phát triển rộng rãi và không còn giới hạn trong lĩnh vực đấu vật mà còn mở rộng ra các hình thức đấu võ thuật khác với các loại binh khí côn, đao, kiếm, tầm vông…
Không gian võ thuật không chỉ giới hạn ở sân đình, ở trong làng xã mà còn ẩn hiện trong các nhà chùa khi Phật giáo được tôn vinh vào thời đại Lý Trần.
Không như các đấu sĩ La Mã rèn luyện cơ bắp để chém một nhát kiếm, nhát dao vào đối thủ, các võ sĩ Việt Nam đã rèn luyện thể chất toàn diện chỉ để ứng phó trong mọi tình huống khi giáp mặt với kẻ thù. Một vị sứ giả nhà Nguyên đã nhận xét “… Người dân đi chân đất nhưng trèo núi lại nhanh như gió, họ không sợ chông gai… Con trai cạo đầu, lặn được vài khắc, bơi dưới nước như đi trên cạn, chèo thuyền nhanh như bay…”
Tuy nhiên trong thời bình – đặc biệt một thời bình kéo dài như thời Lý Trần – môn võ thuật đã trở thành như một trong những môn thể thao không chỉ sử dụng cơ bắp (chân tay…) mà còn bao gồm nhiều loại hình khác như múa khiên, cung kiếm, đao, đấu vật, đánh phết…
Tuy nhiên, trong cung đình – thời Lê Nguyễn phát triển võ thuật để rèn luyện binh tướng vừa để bảo vệ triều đình, vừa phòng chống kẻ thù với nội dung không chỉ để dạy và học mà còn để tuyển chọn các võ tướng (võ cử).