VÕ VẬT – Loại hình THỂ VẬN HỘI TRUYỀN THỐNG Việt Nam
Theo những nhà nghiên cứu văn hóa thì Việt Nam tồn tại song song 2 nền văn chương: bác học và bình dân. Từ đó cũng có thể võ học Việt Nam cũng chia làm 2 loại hình: võ học cung đình (võ học và võ cử) và võ vật dân gian (xuất hiện trong các ngày lễ hội).
Võ vật dân gian là hình thái thể dục thể thao di sản văn hóa của loài người (sinh vật có xương sống và đứng thẳng trên mặt đất) mà Việt Nam sớm được thừa hưởng như nhiều dân tộc khác có nền tảng lịch sử từ thuở sơ khai. Từ gốc tư duy trừu tượng và biện chứng pháp, ta có thể nhận định: Võ vật được thừa hưởng bộ “gien người” tiến hóa từ sinh vật sống dưới nước, trên cây, trên vách đá, thành sinh vật đứng thẳng, thăng bằng… trên mặt đất để tiến vào xã hội loài người có tổ chức xã hội cao cấp. Võ vật Việt Nam đã sớm thừa hưởng “bộ gien người” nói trên trong khu vực để mở đường phát triển thành nhiều môn võ thuật và thể dục thể thao khác. Võ vật dân gian Việt Nam tiêu biểu nhất là võ vật được tổ chức trong ngày lễ hội võ vật Liễu Đôi (Nam Hà) – được xem như loại thể vận hội của dân tộc Việt Nam – tiền thân của nền võ cổ truyền Việt Nam.
Ngàn năm võ vật đua tài,
Vạn năm sông rộng, núi dài tổ tiên.
Thời La Mã cổ đại, các đấu sĩ chiến đấu để hạ sát nhau – vừa như một trò thể thao về võ thuật để làm vui mắt giới quý tộc, vừa xem như một loại nghề sinh sống thời thượng để có thể thay đổi giai cấp từ nộ lệ thành quý tộc (khi tích lũy được nhiều tiền của). Trái lại các đô vật Việt Nam lại là những võ sĩ trong làng – mang tinh thần thượng võ, thể hiện khí phách oai phong lẫm liệt để được tôn vinh là trạng vật để ngóng chờ ngày đón đầu giặc, gìn giữ tổ quốc:
Múa giáo ngang trời, nói lời sấm sét
Trai nắn gáy hổ, gái vật đổ cột đình.
Trải qua bao phen tập trận chiến đấu, dân Việt đã đánh đuổi quân thù xâm lăng từ phương Bắc (hai lần chống quân Tống, ba lần chống quân Nguyên, một lần chống quân Minh, một lần chống quân Thanh), võ vật dân gian đã phát triển rộng rãi và không còn giới hạn trong lĩnh vực đấu vật mà còn mở rộng ra các hình thức đấu võ thuật khác với các loại binh khí như côn, đao, kiếm, tầm vông.
Không gian võ thuật không chỉ giới hạn ở sân đình, ở trong làng xã mà còn ẩn hiện trong các nhà chùa khi Phật giáo được tôn vinh vào thời đại Lý-Trần.
Không như các đấu sĩ La Mã rèn luyện cơ bắp để chém một nhát kiếm, nhát dao vào đối thủ, các võ sĩ Việt Nam đã rèn luyện thể chất toàn diện chỉ để ứng phó trong mọi tình huống khi giáp mặt với kẻ thù. Một vị sứ giả nhà Nguyên đã nhận xét “… Người dân đi chân đất nhưng trèo núi lại nhanh như gió, họ không sợ chông gai… Con trai cạo đầu, lặn được vài khắc, bơi dưới nước như đi trên cạn, chèo thuyền nhanh như bay.”
Tuy nhiên trong thời bình – đặc biệt là một thời bình kéo dài như thời Lý-Trần – môn võ thuật đã trở thành như một trong những môn thể thao không chỉ sử dụng cơ bắp (chân tay.) mà còn bao gồm nhiều loại hình khác như múa khiên, cung kiếm, đao, đấu vật, đánh phết,.
Trong cung đình thời Lê-Nguyễn phát triển võ thuật để rèn luyện binh tướng vừa để bảo vệ triều đình, vừa phòng chống kẻ thù. Trong thời này, ngoài hình thức thi cử để tuyển chọn quan văn thì triều đình còn có hình thức thi võ để tuyển chọn các võ tướng (võ cử).
NGUYỄN MẠNH HÙNG