SÀI GÒN XƯA (Sai Gon in ancient time)

Theo tài liệu, kỹ thuật bưu ảnh đã xuất hiện từ những năm thế kỷ XIX, nhưng phải chờ cho đến năm 1900 những bưu ảnh đầu tiên mới có mặt tại Việt Nam (lúc ấy đang là thuộc địa của Pháp tại Đông Dương). Bà Wirth là một trong những người đầu tiên phát hành những bưu ảnh Sài Gòn tại cửa hàng “Au gagne petit” (Thu nhập cò con). Những bưu ảnh này có kỹ thuật ấn loát khá tinh xảo nhưng lại thiếu thông tin về địa danh. Năm 1906, tại cuộc triển lãm thuộc địa ở Marseille, nhiều bộ bưu ảnh về Nam Kỳ (Sài Gòn) đã được trưng bày. Đó là những bộ bưu ảnh khá thú vị được các nhà xuất bản Wirth, Poujade de Ladevège và Plante xuất bản và sau đó lại được bày bán tại các cửa hàng của nhà xuất bản trên đường Catinat (tức là Đường Tự Do trước đây và Đồng Khởi ngày nay).

Những bưu ảnh về Sài Gòn mà chúng tôi sưu tập được khá phong phú và đa dạng (khoảng 5000 bức). Số bưu ảnh này còn có thể được tìm thấy trong bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay thuộc Thư viện Viện thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam) trong Cơ quan lưu trữ Trung ương, trong các loại sách báo, tạp chí xuất bản đầu thế kỷ XX và đặc biệt là trong tủ sách các nhà sưu tập tư nhân trên khắp mọi miền đất nước và tại các quốc gia như Pháp và Mỹ, Nhật mà chúng tôi được hân hạnh có dịp xem qua tại chỗ.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu album ảnh “Sài Gòn xưa”

Sài Gòn xưa là tập hợp khoảng 100 ảnh và bưu ảnh về Sài Gòn – tập tiêu biểu các lĩnh vực: kiến trúc, văn hoá, đời sống, kinh tế… Dù thời gian có làm phai mờ hay lấy mất đi những dấu tích của lịch sử, nhưng trong ký ức của mỗi người Sài Gòn nhiều góc phố, con đường với những cư dân lao động sống trong thời kỳ thuộc địa luôn là hình ảnh gợi nhớ trong tâm trí; đó là những kỷ niệm vui buồn, những giá trị văn hoá của một thời đã mất nhưng vẫn hằn sâu mãi trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam và của các thế hệ sau này. Qua những hình ảnh, chúng ta còn tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên đã khuất và những đứa con đã ở lại hay ra đi trong thời kỳ chinh chiến mà nay trở về với quê hương để ngắm lại cây đa, bến nước, bờ đê để thăm cậu bé đánh giày, chị bán hàng rong, anh bán kẹo kéo, cô láng giềng thân thương ngày nào… mà nay đã không còn nữa.

Tạp chí Xưa & Nay
Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn

Trân trọng giới thiệu.

BAN TU THƯ
09 /2019