Giá trị văn hóa và các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Bài chòi Miền Trung

CULTURAL VALUE AND FACTORS RELATED TO PRESERVING
“BAI CHOI” ART IN CENTRAL VIETNAM

Tác giả bài viết: NGUYỄN TẤN KHANG

TÓM TẮT

     Bài viết dựa trên việc khảo cứu, quan sát và theo dõi Bài chòi miền Trung để ghi nhận những giá trị văn hoá của Bài chòi. Trong đó, Nghệ thuật diễn xướng Bài chòi miền Trung đóng một vai trò quan trọng để nâng tầm Bài chòi trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đằng sau việc công nhận Bài chòi là di sản thì việc bảo tồn di sản đó là điều hết sức quan trọng hiện nay. Bài viết chỉ ra những yếu tố giúp Bài chòi trở thành di sản song song đó là những yếu tố tác động tiêu cực lẫn tích cực đến việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi miền Trung.

Từ khoá: Bài chòi, bảo tồn di sản, nghệ thuật diễn xướng.

ABSTRACT

     The article is based on a field-observation research on “Bai choi” in the Central Vietnam to recognize the cultural values of this performing art. Its performances play an important role in making it the intangible cultural Heritage representative of mankind; thereby, preserving that heritage is of utmost importance today. The paper points out the contributors helping this art become a heritage and also those factors impairing it.

Keywords: Bai choi, heritage preservation, performing arts.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Từ lâu Bài chòi không chỉ là một trò chơi dân gian mang tính giải trí đơn thuần mà đã được nâng lên thành một hoạt động diễn xướng cộng đồng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của người Việt lẫn du khách quốc tế. Thuở khai sinh Bài chòi đơn giản như một trò chơi giải trí dịp thảnh thơi mùa lễ Tết hay dịp nông nhàn. Dần dần Bài chòi được cộng đồng gìn giữ và phát triển trở thành một hoạt động diễn xướng mang nhiều giá trị nghệ thuật bên cạnh giá trị giải trí như ban đầu. Trong đó, các giá trị nghệ thuật diễn xướng thể hiện rất rõ nét văn hóa tốt đẹp của Bài chòi miền Trung.

     Chính từ những giá trị văn hóa đặc sắc, sự quan tâm của Nhà nước cộng với tinh thần gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt mà Bài chòi đã được ghi nhận xứng đáng. “Ngày 07 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. (Cục Di sản Văn hoá, 2020).

     Ngày 5 tháng 5 năm 2018 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam của tổ chức này cho ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) là quê hương của Nghệ thuật Bài chòi. Sự kiện này đánh một dấu son trong quá trình khai sinh, gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật diễn xướng Bài chòi lên đến đỉnh cao để trở thành một di sản. Để từ đó các cộng đồng sinh hoạt Bài chòi dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp xích lại gần nhau hơn trong sinh hoạt văn hóa diễn xướng Bài chòi tạo đà thuận lợi cho Nghệ thuật Bài chòi phát triển thêm phần sắc nét.

     Chính từ lẽ đó đã thôi thúc chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm nhận diện các giá trị văn hóa từ hoạt động diễn xướng Bài chòi Trung bộ Việt Nam. Qua đó, chúng tôi mong muốn đóng góp một chút công sức trong việc nhìn nhận và góp phần quảng bá giá trị của Bài chòi trong đời sống của người miền Trung nói riêng, người Việt nói chung mà nay không chỉ của người Việt còn là di sản của cả nhân loại.

2. Lịch sử hình thành của Bài chòi miền Trung

     2.1. Nguồn gốc hình thành Bài chòi

     Về nguồn gốc Bài chòi, có nhiều giả thuyết khác nhau, hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục công việc truy nguyên nguồn gốc thật sự của Bài chòi. Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu Nghệ thuật Bài chòi cho biết đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của Nghệ thuật Bài chòi. Tuy vậy, trong dân gian, chính các nghệ nhân Bài chòi vẫn truyền nhau câu chuyện về nguồn gốc Bài chòi.

     Theo tác giả Hoàng Lê trong quyển Lịch sử ca kịch và âm nhạc Bài chòi (Sở Văn hóa – Thể thao Bình Định, 2001) cho rằng: “Theo lời cụ Phan Đinh Lang (sinh năm 1910) thì chính cụ đã từng nghe ông nội, ông thân cụ và cũng nghe nhiều người khác kể là hội Bài chòi là do ông Đào Duy Từ (1571-1634) sáng lập, ông Đào Duy Từ từ Bắc vào đến Bình Định thì lại lo việc di dân lập ấp. Trong thời kỳ đầu, việc khai khẩn đất hoang được coi là việc chủ yếu. Trên từng khu đất mới vở và bắt đầu sản xuất, người ta phải cất những cái chòi cao làm bằng tranh, tre để canh giữ thú rừng, bảo vệ hoa màu. Những cái chòi được bố trí theo hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình bán nguyệt theo địa hình và tùy theo sự thuận tiện hỗ trợ cho nhau trong việc canh gác. Trên mỗi chòi đều có mõ, thanh la, trống hoặc các thứ để gây tiếng động mỗi khi có thú rừng kéo đến phá hại hoa màu hay uy hiếp người canh giữ thì lập tức các thứ dùng để làm thanh viện đó đồng khua ầm lên xua đuổi thú dữ. Từ việc tổ chức các chòi canh để bảo vệ sản xuất, ông Đào Duy Từ mới nghĩ ra một trò chơi trong dịp tết: Hội Bài chòi” (Đoàn Việt Hùng, 2014, tr. 24).

     Nguồn gốc Bài chòi của tác giả Hoàng Lê có vẻ đúng với trường hợp Bài chòi nương rẫy được xuất phát từ việc những người nông dân cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII dựng các căn chòi canh rẫy, trông chừng thú rừng phá hoại mùa màng và quấy nhiễu đời sống nhân dân. Trong quá trình đó họ tìm ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò giữa các chòi, đồng thời vừa chơi bài vừa hô hát với nhau. Và đó là cơ sở ban đầu cho việc hình thành Bài chòi. Tuy nhiên nói ông Đào Duy Từ là “cha đẻ” của Hô Bài chòi thì chưa có tài liệu chắc chắn. Nguồn gốc Bài chòi được kể trên cũng dựa vào lời kể của những nghệ nhân cao niên được truyền khẩu qua nhiều đời.

     “Khảo sát về tập quán người Việt xưa ở vùng Trung du, miền núi, hai ông P. Huard và M.Durand, các nhà nghiên cứu âm nhạc học người Pháp đã mô tả: “Thôn dân ngủ đêm trên chòi để canh heo rừng và thú dữ ra phá hoại hoa màu. Trên một chòi cao của mỗi rẫy, họ làm liên hoàn các rẫy và có nhiều chòi quanh nhau, khi có thú rừng về, các chòi đều đánh mõ, khua phèng la và xua đuổi vang động khắp vùng để hỗ trợ cho nhau. Những đêm thanh vắng họ nghĩ ra các trò chơi, hát ống1 để giải trí và tâm tình với nhau từ chòi này qua chòi kia. Từ đó, họ sáng tạo ra Hô Bài chòi, “Đánh Bài chòi”. Qua một thời gian dài, Bài chòi đã trở thành một nhu cầu giải trí lành mạnh trong kho tàng văn nghệ dân gian miền Trung”. (Ca dao dân ca Phú Yên, 1994, dẫn lại từ Trần Hồng, 2012, Tạp chí Non Nước, số 179).

     “Riêng G.L. Bouvier, nhà âm nhạc học người Pháp gốc Ba Lan, theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên, ông đã đến Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc của nước ta. Ông đã dành hẳn một chương dài có tên là Chanson Populaire de l’ Annam (trong quyển La Rousse Musicale-Paris 1928) để nói về nguồn gốc Bài chòi. Ông cho rằng “Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau năm 1470”. (Đoàn Việt Hùng, 2014, tr. 25)

     Như vậy, điểm chung của các thuyết trên là Bài chòi được manh nha hình thành khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVI tại vùng Trung Bộ Việt Nam. Nếu xét theo tính chân thực (authenticity) của một di sản văn hóa phi vật thể thì lời kể của những nghệ nhân Bài chòi có thể chấp nhận được. Bởi vì di sản là của cộng đồng, đời sống của nó được quyết định bởi cộng đồng. Khi những chủ thể của nó, mà ở đây là những nghệ nhân và rộng hơn là cộng đồng cư dân miền Trung trực tiếp giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi và những người tham gia Bài chòi đều chấp nhận câu chuyện nguồn gốc Bài chòi như vậy, thì khi khoa học có tìm được sự thật lịch sử về nguồn gốc Bài chòi thì những chủ thể của di sản Bài chòi chưa hẳn đã chấp nhận điều đó hơn là cái mà họ đã nghe, đã tin bấy lâu nay. Cho nên, chúng ta tạm chấp nhận điều này trong tinh thần tôn trọng những chủ thể của Di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi.

     Ngày nay, Bài chòi được biểu diễn ở các tỉnh dọc miền Trung Việt Nam là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Đà Nẵng. Trong đó hoạt động ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam giới thiệu được cho nhiều du khách biết đến Bài chòi và Bình Định là một trong những địa phương cố gắng duy trì Bài chòi trong đời sống cộng đồng mạnh mẽ.

     2.2. Bài chòi: từ trò chơi đến diễn xướng

     Bài chòi là một trò chơi dân gian vì nó được khai sinh trong dân gian, được lưu truyền trong dân gian và được đông đảo người dân hưởng ứng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Ái Hoa trong luận văn Bài chòi dưới góc nhìn văn hóa học có định nghĩa “Bài chòi là một trò chơi đặc sắc theo lối dân gian của cư dân miền Trung Việt Nam, trong đó người chơi ngồi trên các chòi dựng sẵn. Về sau nó phát triển thành một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp”. (Nguyễn Thị Ái Hoa, 2014, tr.18)

     Như cái tên Bài chòi, khi chơi bài người ta dựng từ chín đến mười một chòi cao khoảng hai đến ba mét, xếp các chòi theo hình vòng cung hoặc hình chữ V. Ở giữa có chòi cái thường dành cho các chức sắc trong làng, các cụ già lớn tuổi có uy tín hoặc các cặp vợ chồng mới cưới. Khi chơi có một người hô bài gọi là Hiệu, người trong vai Hiệu điều khiển cuộc chơi bằng cách rút các con bài làm bằng gỗ tre có dán các lá bài giấy trong bộ bài tới từ trong ống tre. Ống tre rỗng ruột được đặt lỏng trên một cột cố định, mỗi ống tre chứa 27 lá bài, có nơi dùng bộ bài tam cúc cải tiến có 33 lá bài.

     Ai muốn chơi thì báo trước cho ban tổ chức, còn người xem thì đứng xung quanh vừa nghe hô bài vừa cổ vũ người chơi. Sẽ có ba tiếng trống Trầu vang lên báo hiệu một ván bài mới và người chơi bài leo lên chòi, mỗi chòi thường có ba người chơi. Khi các chòi đã sẵn sàng thì ban Hiệu bước ra giữa sân, thông thường là một đôi nam nữ lần lượt xốc ống tre đựng bài và rút một con bài ra để bắt đầu hô bài. Hô bài để cho hay thì Hiệu thường dùng ca dao, tục ngữ và thường sử dụng câu Thai mở đầu để tăng phần hấp dẫn, hồi hộp cho ván bài. Chòi nào trúng với lá bài mà Hiệu hô thì gõ lên ba tiếng thì được giao lá bài đó và cắm vào bó rơm trên đầu chòi. Hiệu sẽ tiếp tục hô đến khi nào có chòi trúng được cả ba lá bài thì tiếng trống vang lên báo hiệu ván bài kết thúc. Một số nơi còn sử dụng dàn nhạc gồm nhiều nhạc cụ dân tộc như đờn cò, kèn, sanh, trống một cách rộn rã nhằm tăng thêm sự sôi động và sinh khí cho cuộc chơi.

     Như vậy, với xuất phát điểm là một trò chơi được lưu truyền trong dân gian, lúc chơi thì được cả một cộng đồng người tham dự, Bài chòi đã khẳng định vị trí của mình là một trò chơi dân gian có sức hấp dẫn lớn đối với cộng đồng. Các công cụ sử dụng để chơi Bài chòi đều là chất liệu dân gian như rất nhiều câu ca dao, tục ngữ có ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc. Các nhạc cụ dân tộc được huy động để tăng thêm không khí trong cuộc chơi, các chòi, bộ lá bài đều được làm từ tre hay bó rơm để gắn bài trúng trên mỗi chòi đều là những thứ gần gũi với đời sống của người dân, đặc biệt là người dân gốc nông nghiệp. Điều này cũng phần nào cho thấy nguồn gốc của Bài chòi là trên nương trên rẫy trên ruộng đồng.

     Không chỉ dừng lại ở một trò chơi dân gian dịp hội hè mà “…thế kỷ XVII Hội Bài chòi xuân ra đời. Do yêu cầu thưởng thức của công chúng ngày một nhiều và một cao, vượt ra ngoài hội chơi, để dần về sau Bài chòi phát triển nhanh chóng” (Nguyễn Thị Ái Hoa, 2014, tr. 28). Có lẽ chính từ đây, từ sự phát triển nở rộ của Bài chòi trong trong dân gian thông qua sự yêu mến của quần chúng mà Bài chòi phát triển trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng đậm chất dân gian.

     Diễn xướng dân gian là tổng hợp những biểu hiện cơ bản nhất của đời sống thẩm mĩ dân gian, nói cách khác, là biểu hiện ra bên ngoài của đời sống thẩm mĩ đó. Xét về cấu trúc diễn xướng dân gian thì Bài chòi có đủ các yếu tố diễn là các cử chỉ, điệu bộ, điệu múa, không gian biểu diễn. Ở Bài chòi, phần diễn chủ yếu là của người quản trò tức là Hiệu. Phần diễn kết hợp với phần xướng là các câu hát, điệu hò, cách nói tạo thành hoạt động diễn xướng mang nhiều giá trị thẩm mĩ, nhân văn. Thêm nữa là phần nhạc có tính kết nối toàn bộ quá trình diễn xướng mà hiện nay Bài chòi đã sử dụng một số nhạc cụ dân tộc trong quá trình biểu diễn làm cho hoạt động diễn xướng thêm phần đặc sắc.

     Về nguồn gốc từ khi nào có hoạt động diễn xướng, nhà thơ Quách Tấn trong quyển Non nước Bình Định năm 1967 cho rằng “Bài chòi đã có từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ 50, 60 năm nay” (Đoàn Việt Hùng, 2014, tr. 20).

     Thạc sĩ Nguyễn Thị Ái Hoa trong luận văn Bài chòi dưới góc nhìn văn hóa học ghi: “Những gánh Bài chòi được các Hiệu hợp tác thành lập và đi lưu diễn khắp các vùng quê trên sân khấu trải chiếu. Các gánh Bài chòi hoạt động quanh năm, đi đến đâu cũng được nhân dân nồng nhiệt chào đón… Năm 1934 là cột mốc đánh dấu một sự kiện quan trọng xảy ra trong đời sống Bài chòi Bình Định: Bài chòi từ đất lên giàn”. (Nguyễn Thị Ái Hoa, 2014, tr. 28)

     Nếu nói hoạt động diễn xướng Bài chòi được phát khởi từ cuối thế kỷ XIX trong hành trình lưu diễn Bài chòi khắp các nơi từ nông thôn đến thành thị của các đoàn Bài chòi là có cơ sở. Thông qua hoạt động diễn xướng Bài chòi đã thỏa mãn được nhu cầu giải trí hay lớn hơn là nhu cầu thẩm mĩ của quần chúng. Bên cạnh đó khi tham gia hoạt động cộng đồng như Bài chòi người dân có cơ hội cộng cảm với nhau, tạo nên sự gắn bó, cố kết trong cộng đồng thêm bền chặt.

     Nghệ thuật diễn xướng Bài chòi ra đời trong dân gian, phục vụ đối tượng chính là quần chúng nhân dân và cũng trở thành di sản thông qua sự gìn giữ, kế thừa và phát triển không ngừng của những nghệ nhân Bài chòi và sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Chính từ đó mà hoạt động diễn xướng Bài chòi có sức hút đối với đời sống cộng đồng thực sự mạnh mẽ. Cách chơi mộc mạc, bình dân gắn với đời sống lao động, cách tổ chức chòi gần gũi với thiên nhiên, với đời sống nông nghiệp. Đặc biệt là những câu hô, câu hát của Hiệu là những làn điệu dân ca, những lối nói dân gian, các câu ca dao, tục ngữ có nguồn gốc xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng đã tạo nên một sức hấp dẫn rất riêng của Bài chòi đối với đông đảo quần chúng.

     Bởi Bài chòi xuất phát từ dân gian, là sản phẩm của cộng đồng cho nên nó được cộng đồng quan tâm và hưởng ứng. Người chơi Bài chòi không nặng tính ăn thua, không mang màu sắc “đỏ đen” trong cuộc chơi mà chỉ xem là dịp gặp gỡ bè bạn, dịp vui chơi giải trí sau những tháng lao động mệt nhọc. Người đến xem Bài chòi cũng không câu nệ chuyện chỗ ngồi mà cứ xúm xít, chen nhau xung quanh khoảng sân trước các chòi mà nghe hô, mà cổ vũ cho người chơi hiệp đồng với sự dẫn dắt của Hiệu.

     Ngày nay, Bài chòi được đưa lên sân khấu biểu diễn như một loại hình nghệ thuật đặc sắc; đặc biệt là từ nay Bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng không vì vậy mà Bài chòi mất đi tính cộng đồng vốn có của nó mà Bài chòi vẫn được lưu truyền, vẫn được cộng đồng hưởng ứng chung tay dựng chòi khai hội không chỉ mỗi dịp hội hè hay Tết đến xuân về mà còn trở thành một sinh hoạt cộng đồng thường xuyên.

3. Các giá trị văn hoá của Bài chòi trong đời sống cộng đồng người Việt

     3.1. Giá trị nghệ thuật của Bài chòi

     Như đã trình bày ở trên, Bài chòi không dừng lại ở một trò chơi dân gian mà giờ đây Bài chòi được tổ chức như một ngày hội trong đó phần chính vẫn là tổ chức diễn xướng Bài chòi hay còn gọi là Hô Bài chòi. Chính từ việc trở thành một ngày hội của cộng đồng cho nên Bài chòi được sắp xếp tổ chức bài bản.

     Đã gọi là Bài chòi thì nhất quyết phải chơi trên chòi hay nói cách khác đơn giản hơn là đánh bài trên chòi. Người ta thường cất 9 chòi, 11 chòi hay 13 chòi mà không cất chòi theo số chẵn. Ở giữa là khoảng sân trống để anh Hiệu quan sát được các chòi mà điều khiển cuộc chơi. Phía sau khoảng sân nơi anh Hiệu điều khiển là chòi trung tâm với hai bên là chòi con. Tất cả kết nối lại với nhau tạo thành một không gian gần như là hình chữ nhật hoặc có nơi cất các chòi theo hình ô-van. Có thể hình dung mô hình xây dựng chòi như sau:

Chòi cái hay là chòi trung ương

Chòi 1

Chòi 2

Chòi 3

Chòi 4

Khoảng sân trống nơi anh Hiệu hô Bài chòi

Chòi 5

Chòi 9

Chòi 8

Chòi 7

Chòi 6

Hình 1. Mô hình xây dựng chòi trong Hội Bài chòi

 

     Chòi cái là nơi dành cho các vị quan chức, ban tổ chức ngày hội, người chức việc, ban nhạc… Có nơi có bố trí chòi con dành cho ban nhạc, người chức việc và anh Hiệu có nơi gộp chung vào chòi cái.

     Bài chòi ở Bình Định theo lối cổ được tái hiện bởi các nghệ nhân dân gian tái hiện được xây dựng 9 chòi. Ban tổ chức bán cho mỗi chòi một con bài cái, tương ứng với mỗi bài cái có 3 con bài con. Tương ứng với tổng số bài con của 9 chòi là 27 con bài lẻ hay còn gọi là bài tỳ ở giữa sân hội. Khi anh Hiệu hô câu Thai mang tên một con bài mà trúng với con Bài chòi nào đang giữ thì lập tức gõ 3 tiếng mõ, nếu là choi trung ương thì gõ 3 tiếng trống cái để báo cho Hiệu biết mà dâng con bài trùng khớp vừa hô. Nếu chòi nào được Hiệu hô trúng cả 3 con bài thì cũng gõ 3 hồi mỏ hoặc 3 hồi trống để Hiệu dâng thưởng.

     Tuy cách chơi Bài chòi được mô tả khá đơn giản nhưng giá trị Nghệ thuật diễn xướng Bài chòi chủ yếu nằm trong phần hô của anh Hiệu. Trước khi bắt đầu cuộc chơi anh Hiệu sẽ diễn xướng một bài sau khi được người chức việc giao bài lẻ đồng thời cũng là kiểm bài và giới thiệu tên con bài cho người chơi ở các chòi được rõ.

     Bài diễn xướng dưới đây được các nghệ nhân dân gian ở Bình Định tái hiện:

Hiệu phát bài đã đủ cho Hiệu thủ bài tỳ

Chín chòi lẳng lặng mà nghe đây

Tay tôi bưng ống thẻ bộ bài 27 lá

Tay tôi rút xả trúng gã Ông Ầm

Hay đi sụt hầm là cái anh Tứ Cẳng

Một dề trăng trắng là cái chị Bạch Huê

Ăn cận nằm kề là cái anh Chín Gối

Ba chìm bày nổi là cái chị Sáu Ghe

Lập bạn lập bè là cái anh Năm Dụm

Hay đùm hay túm Tứ Xách mà đã quen

Quần áo lèng teng Nhì Nghèo mà cực khổ

Hay bươi hay mổ là cái chị Ba Gà

Có ngạnh có ngà là cái anh Tứ Tượng

Phủ màn treo trướng là cái chị Tám Dừng

Ướt áo ướt quần là cái anh Ngũ Trợt

Rung cây không rớt Tứ Móc thiệt hay

Con mắt nhắm ngay Tam Quang thiệt giỏi

Khen ai khéo gói Bánh Hai ngọt ngon

Mặt đỏ như son Cửu Điều mà sặc sỡ

Một chồng hai vợ Ba Bụng úp vô

Mập mái hại cồ Chín Cu bay tới

Hai tay chới với Nhứt Nọc chết rồi

Lất trã úp nồi Thất Vung mà tròn lắm

Hay ôm hay ẵm là cái chị Bát Bồng

Xứng vợ xứng chồng là cái anh Lục Chạng

Ai làm bát rạn Tám Miểng bể ra

Ai hút ve trà Nhứt Trò mà rắn ráo

Hạt tấm hạt gạo là cái chị Bảy Thưa

Dãi nắng dầm mưa là cái cô Bảy Liễu

Muốn tròn chữ hiếu đi tu Cửu Chùa.

(Tư liệu sưu tầm từ Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định, 2018)

     Các câu hô, câu hát của anh Hiệu là những câu có vần điệu được sắp xếp theo thứ tự hợp lý. Những câu Thai có lúc ca ngợi tình cảm giữa con người với con người như tình phụ mẫu, tình thầy trò, ca ngợi tình yêu, tình cảm đôi lứa, phu thê hay là ca ngợi cuộc sống lao động, các đức tính tốt đẹp của con người, những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc. Đồng thời các câu Thai còn là nơi lưu trữ kho tàng kiệt tác ca dao, tục ngữ dân gian lâu đời. Thông thường các câu Thai được truyền khẩu với nhau thông qua đời sống cộng đồng hằng ngày cho nên những câu hô, câu hát gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân, dễ đi vào lòng người như cách nói của anh Hiệu qua câu:

Mời bà con mau khá nhanh chân

Xúm xít trật tự lại gần chơi nghe chơi

Hiệu tôi nói lên những chuyện răn Đời

Thể hiện nghệ thuật qua trò chơi đánh Bài chòi.

(Tư liệu sưu tầm từ Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định, 2018)

     Để góp phần làm tăng tính hấp dẫn của câu hô, câu hát từ anh Hiệu thì không thể không nhắc đến dàn nhạc dân gian. Thông thường dàn nhạc này bao gồm đàn nhị, kèn, trống. Bên cạnh đó, là trống cái do người chức việc điều khiển và riêng anh Hiệu cũng có một cái trống con.

     3.2. Giá trị tinh thần của Bài chòi

     Bài chòi góp phần gắn kết cộng đồng sống gần gũi với nhau. Theo các tác giả Hoàng Chương và Nguyễn Có trong tác phẩm Bài chòi và Dân ca Bình Định: “Bài chòi là một trò vui xuân mang đậm tính tập thể và tính dân gian. Tuy trong cuộc chơi có tổ chức ăn tiền nhưng cái cốt lõi là để mua vui… Người tham gia “Đánh Bài chòi” là tham gia sinh hoạt văn hóa, tham gia trò diễn xướng dân gian mang tính sân khấu rõ rệt. Yếu tố sân khấu trong “Đánh Bài chòi” ngày càng rõ rệt khi các nghệ nhân không ngừng sáng tạo trong diễn xuất”. (Ngô Hồng Sơn, 2018)

     Hội đánh Bài chòi diễn ra trong không gian mở, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, tất cả được kết nối bởi trò chơi, các trò diễn và lời hô, các làn điệu Bài chòi của anh (chị) Hiệu. Chính vì thế, Bài chòi mang trong nó giá trị xã hội thông qua việc liên kết mọi người lại với nhau, đó là sự công bằng, không phân biệt đối xử. Từ đó, những mặc cảm tự ti, những rạn nứt, đố kỵ, có khi cả những hận thù nảy sinh trong đời sống xã hội, trong quan hệ hàng ngày được hàn gắn một phần, cũng có khi được xóa bỏ. Sự cố kết cộng đồng – xã hội được xác định và qua đó, Hội đánh Bài chòi thực hiện chức năng xã hội của nó là tái xác định những mối liên hệ xã hội, gắn bó các nhóm xã hội, các cá nhân lại với nhau, đảm bảo được sự cân bằng, bền vững các mối quan hệ xã hội, từ đó duy trì trật tự xã hội. Đây chính là nhu cầu tinh thần của cá nhân được đáp ứng khi tham gia đánh Bài chòi.

     Tính giáo dục trong Bài chòi được thể hiện qua nội dung của những câu Thai với nhiều khía cạnh khác nhau, đó là sự giáo dục về đạo đức, về nhân cách sống, về tình yêu quê hương đất nước, hướng con người đến những giá trị, những chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

     Tình yêu quê hương được khắc hoạ sâu sắc trong những câu ca của anh Hiệu; đó chính là lòng yêu quê hương, sự gửi gắm tình cảm về thôn quê dân dã nơi mình đã chào đời. Đặc biệt, đó là những lời nhắn nhủ, mỗi người phải biết hướng về cội nguồn, về nơi ta sinh ra và về nơi đã cho ta những điều hạnh phúc trong đời.

Ông cha từng dạy rất nhiều

Lá lành lá rách, nhiễu điều giá gương.

Làm người phải biết yêu thương

Xóm thôn, đất nước, quê hương, đồng bào

Giúp người giữa lúc lao đao

Phước dày hơn cả sóng trào Biển Đông

Bầu ơi, thương lấy Bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

(Con nhì bí) (Bùi Hữu Cường, 2010)

     Bên cạnh việc khắc họa tình yêu quê hương, đất nước, con người, các câu hô trong Bài chòi còn có những câu thông qua việc phê phán những tệ nạn xã hội, từ đó hướng con người tránh xa nó; đấy có thể là sự phê phán những con người bạc tình vô ơn.

Đụng anh chồng say như trong chay ngoài bội

Ngó trong nhà như hội Tần vương

Bữa ăn kính lão đắc trường

Tửu nhập ngôn xuất khá thường ít ai

Say chi say hủy say hoài

Đã say quá chén còn nài uống thêm

Say chi đôi mắt lim dim

Đường đi trơn trợt không tìm thấy ai

(Ngũ trợt) (Hoàng Chương (chủ biên) và Nguyễn Có, 2007, tr. 22)

     Tính giáo dục trong Bài chòi khá đa dạng, phong phú. Có khi là nói thẳng thừng, có khi ý nhị nói xa gần như lời thỏ thẻ nhẹ nhàng trên nhiều khía cạnh nội dung khác nhau. Nhìn chung, đó cũng chính là những lời tâm tình của người dân lao động gởi gắm vào các câu Thai, câu hô để nhằm mục đích cải tạo cuộc sống tốt hơn, xây dựng một cộng đồng hướng tới những giá trị thiện mỹ.

4. Các yếu tố tác động giúp Bài chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

     Một là, chính phủ, chính quyền địa phương.

     Câu chuyện một vật thể hoặc phi vật thể nào đó trở thành di sản ở Việt Nam đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố chính quyền địa phương và chính phủ, Bài chòi cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Trước hết là chính quyền địa phương các tỉnh có Bài chòi mà ở đó họ nhận thấy Bài chòi mang đến cho họ lợi ích. Ví dụ như Quảng Nam có Hội An diễn Bài chòi thu hút được du khách, Bình Định phát huy Bài chòi vì cho rằng đây là cái nôi sản sinh Bài chòi, Đà Nẵng ghi nhận Bài chòi nhằm khẳng định, tuy là một thành phố hiện đại nhưng bên cạnh đó vẫn có những giá trị truyền thống dân tộc… Trước lợi thế từ Bài chòi mang lại, các tỉnh dọc miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa chung tay muốn khẳng định Bài chòi là di sản.

     Ở cấp quốc gia, cơ quan chuyên trách Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng rất khẩn trương theo chỉ đạo của Chính phủ tổ chức hội thảo, các liên hoan Bài chòi với quy mô lớn nhằm thúc đẩy quảng bá Bài chòi trước khi trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, để trở thành di sản thì Bài chòi phải được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền địa phương và sau đó là cấp trung ương.

     Hai là, chủ thể Bài chòi.

     Một di sản phải có chủ thể của nó, đặc biệt lại là di sản phi vật thể thì vai trò của chủ thể lại càng quan trọng. Trong phóng sự Con đường di sản: Nghệ thuật Bài chòi phát trên VTV8 (2017), các nghệ nhân đều bày tỏ tâm huyết sống trọn vẹn với nghề hô Bài chòi cho tới cuối đời cho dù thu nhập không ổn định, không đảm bảo được cuộc sống. Họ mong muốn có một ngày Bài chòi được ghi nhận như một vốn di sản của miền đất Trung Bộ, như một vốn quý báu của con người miền Trung. Chính từ những tâm huyết của những người trực tiếp nắm giữ di sản trong tay, trong giọng ca điệu hô thì Bài chòi mới có cơ hội và nguồn lực để chuyển mình thành di sản.

     Hơn nữa cộng đồng người dân miền Trung phải có hứng thú với Bài chòi, xem Bài chòi không chỉ đơn thuần là một trò giải trí dịp hội hè mà còn là một tài sản của người miền Trung để từ đó mà góp phần gìn giữ và phát huy nó.

     Ba là, lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch.

     Mối quan hệ mắc xích giữa Bài chòi và lợi ích kinh tế thông qua hoạt động du lịch là một yếu tố thúc đẩy Bài chòi trở thành di sản. Trường hợp như ở Hội An, thường xuyên có các buổi diễn Bài chòi nhằm mục đích thu hút du khách, làm phong phú hơn sản phẩm du lịch để từ đó mang lại lợi ích kinh tế. Có lẽ một trong những yếu tố cân nhắc để đưa Bài chòi trở thành di sản là lợi ích kinh tế mà Bài chòi mang lại khi gắn Bài chòi với các hoạt động du lịch và khi trở thành di sản thì sự chú ý của cộng đồng đồi với Bài chòi sẽ mạnh mẽ hơn và từ đó Bài chòi sẽ tìm lại sức sống của mình.

     Bốn là, con đường di sản miền Trung.

     Miền Trung tuy không trù phú nhưng lại mang trong mình hàng loạt di sản thế giới, cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể. Có thể kể đến như Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình, Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế ở Thừa Thiên – Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An ở Quảng Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chính những di sản thế giới dày đặc ở miền Trung cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy Bài chòi trở thành di sản để gia nhập vào con đường di sản miền Trung nhằm kết nối miền Trung bằng di sản, phát triển kinh tế miền Trung bằng di sản thông qua hoạt động du lịch. Hơn nữa Nghệ thuật Bài chòi miền Trung được công nhận là di sản kéo dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa như một sợi tơ đỏ kết nối các di sản miền Trung thành một vùng di sản thế giới.

     Năm là, tính nghệ thuật của Bài chòi.

     Quan trọng hơn hết Bài chòi được công nhận là di sản thì trong tự thân nó phải có tính nghệ thuật cao. Ở Bài chòi nổi bật nhất là nghệ thuật diễn xướng, giá trị văn hóa cộng đồng, làng xã. Giá trị ấy thể hiện ở chỗ Bài chòi xuất phát từ dân gian, là sản phẩm của cộng đồng cho nên nó được cộng đồng quan tâm và hưởng ứng. Người chơi Bài chòi không nặng tính ăn thua, không mang màu sắc “đỏ đen” trong cuộc chơi mà chỉ xem là dịp gặp gỡ bè bạn, dịp vui chơi giải trí sau những tháng lao động mệt nhọc. Người đến xem Bài chòi cũng không câu nệ chuyện chỗ ngồi mà cứ xúm xít, chen nhau xung quanh khoảng sân trước các chòi mà nghe hô, mà cổ vũ cho người chơi với sự dẫn dắt của Hiệu.

5. Các yếu tố tác động đến quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Bài chòi hiện nay

     Một là, chính phủ, chính quyền địa phương.

     Các chính sách về bảo tồn và phát huy di sản nói chung và của Bài chòi nói riêng từ chính phủ, chính quyền địa phương có ảnh hưởng lớn đến tương lai của Bài chòi. Từ khi Bài chòi trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, chuyện bảo tồn và phát huy giá trị Bài chòi không còn của riêng người Việt Nam nữa mà đó còn là vấn đề của các nhà quan sát quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa. Nếu công việc bảo tồn và phát huy Bài chòi của chính phủ Việt Nam không mang lại hiệu quả thì cũng đồng nghĩa danh hiệu sẽ bị rút lại và các nguồn tài trợ cũng bị cắt đi, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai gần của Bài chòi Trung Bộ Việt Nam.

     Hai là, chủ thể và cộng đồng của Bài chòi.

     Nếu như chính phủ là người cầm cân nảy mực trong các quyết sách bảo tồn và phát huy di sản thì chính những chủ thể và cộng đồng gìn giữ Bài chòi là mạch sống giúp Bài chòi tồn tại và phát triển. Nếu vắng mặt các nghệ nhân Bài chòi, vắng mặt các cộng đồng say mê Bài chòi thì rất khó để Bài chòi đươc bảo lưu một cách trọn vẹn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nó. Lúc ấy Bài chòi sẽ chỉ đóng khung trong một khuôn khổ nhất định và sẽ dần mai một, lụi tàn như một số loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khác mà Việt Nam đã bỏ rất nhiều công sức phục dựng.

     Ba là, hoạt động du lịch.

     Du lịch là một con dao hai lưỡi đối với một di sản như Bài chòi. Nếu như khai thác du lịch từ Bài chòi nhưng đặt yếu tố bảo tồn và hát huy giá trị Bài chòi lên hàng đầu thì sẽ giúp quảng bá được Bài chòi theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngược lại khai thác du lịch mà chỉ tính đến lợi ích kinh tế là số một thì vô hình trung sẽ làm biến chất Bài chòi, tạo ra một thứ Bài chòi công nghiệp, máy móc, thiếu sức sống của một di sản đi lên từ dân gian thông qua sự gìn giữ của cộng đồng.

     Bốn là, con đường di sản miền Trung.

     Khi trở thành di sản thế giới, Bài chòi trở thành một mắc xích quan trọng trong con đường di sản miền Trung. Trường hợp các di sản khác trong mắc xích được bảo tồn và phát huy tốt hơn thì chính những người làm công tác bảo tồn và phát huy Bài chòi cũng sẽ có động lực để giúp Bài chòi theo kịp với bè bạn trong con đường di sản ấy. Đó còn là cơ hội học tập các cách làm di sản hiệu quả cả về mặt văn hóa lẫn kinh tế. Còn ngược lại sẽ làm giảm đi sức hút của Bài chòi khi đã là thành viên của con đường di sản.

     Năm là, giá trị nghệ thuật Bài chòi.

     Với xuất phát điểm là một trò chơi được lưu truyền trong dân gian, lúc chơi thì được cả một cộng đồng người tham dự, Bài chòi đã khẳng định vị trí của mình là một trò chơi dân gian có sức hấp dẫn lớn đối với cộng đồng. Các công cụ sử dụng để chơi Bài chòi đều là chất liệu dân gian như là rất nhiều câu ca dao, tục ngữ có ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc. Chính những giá trị ấy mà Bài chòi được quần chúng yêu mến và từ sự yếu mến ấy mà con người ta mới có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn Bài chòi quý báu.

6. Kết luận

     Mặc dù về nguồn gốc Bài chòi vẫn còn chưa được tường minh vì nhiều giả thuyết được đưa ra để chứng minh nhưng giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần cùa Bài chòi là không thể phủ nhận. Với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy Bài chòi không chỉ từ một trò chơi dân gian đơn thuần trở thành một trò diễn xướng mà Bài chòi xứng đáng là một bộ môn nghệ thuật dân gian.

     Nghệ thuật Bài chòi miền Trung được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là một tin vui cho Việt Nam. Nhưng không dừng lại ở việc được công nhận là di sản thế giới mà đằng sau tấm bằng di sản đó là cả một hành trình dài phía trước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Bài chòi. Công tâm mà nói Việt Nam thực sự chưa mặn mà trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đúng mức, chúng ta chỉ hồ hởi trong việc thúc đẩy để trở thành di sản và sau đó dần đuối sức và đôi khi bế tắc trong vấn đề bảo tồn và phát huy di sản. Nhìn nhận lại vấn đề và lấy Bài chòi là một bước khởi đầu mới cho công tác bảo tồn và phát huy di sản sẽ tạo một hiệu ứng tốt trong công tác di sản ở Việt Nam.

     Ghi chú:

    1.“Hát ống về bản chất vẫn là hát ví, thông qua chiếc ống bằng tre, nứa hoặc ống bịt bằng da ếch, nối với nhau bởi sợi tơ. Âm thanh truyền qua ống đến với người nghe” (Nguyễn Trường).

     Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê (chủ biên) có lý giải: “Hát ví: lối hát đối đáp có tính chất trữ tình giữa trai và gái trong lao động” (Viện Ngôn ngữ học, 2003, tr. 425).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bùi Hữu Cường. (2010). Tính nhân văn và tính giáo dục trong Bài Chòi. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. Truy cập từ http://www.bentre.edu.vn/index.php?option=com_
content&view=article&id=684:tinhnhan-vn-va-tinh-giao-dc-trong-baichoi&catid=69:i-mi-phng-phap-dyhc&Itemid=96.

     Cục Di sản Văn hoá. (2020). Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cục Di sản văn hoá.
Truy cập từ http://dsvh.gov.vn/nghe-thuat-bai-choi-trung-bo-viet-nam-trothanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-diencua-nhan-loai-1535.

     Đoàn Việt Hùng. (2014). Bài chòi. Hà Nội: NXB Văn hóa – Thông tin.

     Hoàng Chương (chủ biên), Nguyễn Có. (2007). Bài chòi và dân ca Liên khu 5. Hà Nội: Văn hóa – Thông tin.

     Ngô Hồng Sơn. (2018). Tính cộng đồng, giá trị cốt lõi của Bài chòi. Văn hoá Quảng Nam online. Truy cập từ http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/tinh-congdong-gia-tri-cot-loi-cua-bai-choi.html.

     Nguyễn Thị Ái Hoa. (2015). Bài chòi dưới góc nhìn văn hóa học (Trường hợp tỉnh Bình Định). Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

     Nguyễn Trường. (k.n). Độc đáo hát ống. Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập từ http://vhnthcm.edu.vn/doc-dao-hat-ong/.

     Trần Hồng. (2012). Bài Chòi – Nhà nghiên cứu Trần Hồng. Tạp chí Non Nước, số 179 (tháng 8, 9 năm 2012).

     Trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài Chòi là di sản văn hóa nhân loại. (2015). Truy cập từ http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/13862

     VTV8 (2017). Con đường di sản: Nghệ thuật Bài chòi. Báo điện tử VTV News. Truy cập từ https://vtv.vn/video/con-duong-di-sannghe-thuat-bai-choi-263909.htm

     Viện Ngôn ngữ học. (2003). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: Trung tâm Từ điển học và Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Tập 10, Số 4, 2021, 50-59

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giá trị văn hóa và các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Bài chòi Miền Trung (Tác giả: Nguyễn Tấn Khang)