KHOA TRƯƠNG trong CA DAO của NGƯỜI VIỆT (Phần 1)

NGUYỄN NGỌC KIÊN
(Thạc sĩ, Viện Đại học Mở Hà Nội)

1. Khái niệm về ca dao

     Ca dao được Từ điển tiếng Việt [8, tr. 96] giải thích như sau: “Thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát, không theo một điệu nhất định”.

     Các tác giả Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên [1, tr. 304] cho rằng: “Ca dao là những bài hát thường ngắn, hoặc hai, bốn, sáu hay tám câu, âm điệu lưu loát và phong phú”. Hai ông còn giải thích thêm: “Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời ca các bài dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy… hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể “bẻ” thành làn điệu dân ca.”

     Theo từ nguyên, ca dao là một từ Hán – Việt, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu dùng để hát hoặc ngâm; dao là bài hát ngắn độ một vài câu. Ca dao là một bộ phận lớn của nền Văn học dân gian Việt Nam thường để diễn tả sinh hoạt cũng như đời sống nội tâm con người.

2. Khái niệm về khoa trương

     2.1. Một số quan niệm về khoa trương

     Khoa trương (hiperbole) là một từ có xuất xứ từ tiếng Hi Lạp. Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương còn có các tên gọi khác, như: cường điệu, phóng đại, ngoa dụ. Ví dụ:

(1) Ngồi buồn đốt một đống rơm Khói
lên nghi ngút chẳng thơm tí nào Khói
lên đến tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: Thằng nào đốt rơm?

     Trong “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt” tác giả Cù Đình Tú cho rằng, “khoa trương là cách tu từ dùng sự cường điệu quy mô của đối tượng được miêu tả so với những biểu hiện bình thường nhằm mục đích nhấn mạnh vào một bản chất nào đó của đối tượng được miêu tả.” [7, tr. 204].

     Tác giả Cù Đình Tú còn nhấn mạnh, khi sử dụng cũng như khi phân tích khoa trương không được dừng lại ở sự “quá lời”, “sự phóng đại” bởi vì cường điệu quy mô chỉ là phương tiện, là công cụ biểu đạt: phải hướng tới mục đích của sự biểu đạt là nhằm làm rõ hơn bản chất của đối tượng. Theo ý nghĩa đó thì khoa trương không phải là nói dối, nói sai sự thật mà làm nổi rõ một bản chất nào đó của đối tượng.

     Theo tác giả Đào Thản [6, tr. 2] thì “phóng đại” (còn gọi: khoa trương, thậm xưng, ngoa ngữ, cường điệu) là dùng từ ngữ hoặc cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Khác hẳn với nói điêu, nói khoác về tính chất, động cơ và mục đích, phóng đại không phải là xuyên tạc sự thật để lừa dối. Nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên.

     Trong “Phong cách học tiếng Việt” [4, tr. 174], tác giả cho rằng, ngoa dụ (còn gọi là phóng đại, thậm xưng, khoa trương, tăng ngữ, hay nói nhấn) là cách cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những hiện tượng được miêu tả.

     Bề ngoài, ngoa dụ tỏ ra nói quá sự thật (không phải nói sai sự thật), nhưng bên trong ngoa dụ làm cho hiện tượng trở nên thực hơn, bởi vì quy mô của hiện tượng càng được mở rộng thì bản chất của nó càng được bộc lộ rõ. Như vậy, cường điệu quy mô của hiện tượng miêu tả không phải là mục đích của sự biểu đạt, mà chỉ là phương tiện giúp cho sự biểu đạt đi sâu vào bản chất của sự vật.

     Tác giả cũng khẳng định rằng, ngoa dụ vừa mang chức năng nhận thức vừa mang chức năng biểu cảm. Nó được dùng trong nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau, từ khẩu ngữ tự nhiên, ngôn ngữ chính luận cho đến ngôn ngữ nghệ thuật.

     Ngoa dụ có thể dùng trong châm biếm. Ở đây, cường độ quy mô của cái xấu lên thì mâu thuẫn sẽ bộc lộ ra rõ nét hơn. Ví dụ:

(2) Con rận bằng con ba ba
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh.

     Ngoa dụ cũng có thể được dùng trong văn thơ trữ tình. Quy mô của hiện tượng được phóng đại lên, tuy nó quá sự thực nhưng được xây dựng trên cơ sở của tình cảm chân thật. Ví dụ:

(3) Chim khôn thì khôn cả lông Khôn cả
cái lồng người xách cũng khôn. (4) Ước
gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

     Trong “Phong cách học tiếng Việt hiện đại” [2, tr. 312], Hữu Đạt cho rằng: khoa trương hay phóng đại là biện pháp nói giảm hay nói quá sự thật nhằm diễn tả sự vật hiện tượng dưới cái nhìn châm biếm hoặc hi vọng khách quan. Ví dụ:

(5) Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

     Như vậy, theo cách hiểu của chúng tôi thì, khoa trương hay phóng đại của Hữu Đạt bao gồm cả “nói giảm” và “nói quá sự thật”.

     2.2. Quan điểm của tác giả về khoa trương

     Khoa trương hay còn gọi là nói quá, là phép tu từ cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Khoa trương có tác dụng làm nổi bật những ý cần diễn đạt. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.

     Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, “phóng đại” của Đào Thản chỉ có nghĩa là làm cho sự vật to ra, như vậy là chưa đủ. Khi nói “khoa trương” thì bản thân nó đã bao hàm cả khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ. Khoa trương luôn mang trong mình nó hai chức năng: chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm hay chức năng thẩm mĩ. Ví dụ:

(6) Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.

3. Khoa trương trong ca dao của người Việt

     Người Việt rất thích nói khoa trương, điều này có thể được chứng minh qua kho tàng ca dao tiếng Việt. Khoa trương trong ca dao hết sức đa dạng và phong phú. Căn cứ vào các tiêu chí về nghĩa, hình thức, thời gian,… có thể chia thành các loại như sau:

     3.1. Phân loại khoa trương theo nghĩa

Căn cứ vào nghĩa có ba loại: khoa trương phóng to, khoa trương thu nhỏ và khoa trương thời gian.

        3.1.1. Khoa trương phóng to

        Là cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ:

(7) Cái trứng rận to bằng quả nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm bằng sông Ngân hà
Con rận bằng con ba ba
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh.
(8) Trên đầu chấy rụng như sung
Rốn lồi quả quýt, má hồng trôn niêu.
(9) Tôi là con gái xóm trong
Chân đi yểu điệu hình dong ai tày
Đôi cổ tay nhỏ nhi nhỏ nhí bằng cái bắp cày
Chân đi sừng sững rõ tày voi nan.
(10) Giã gạo vú chấm đầu chầy
Xay thóc cả ngày được một đấu ba.

        3.1.2. Khoa trương thu nhỏ

       Là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại, yếu đi. Ví dụ:

(11) Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

     Trong quan niệm của người xưa, đã là nam nhi thì phải bản lĩnh, có tài năng, xông pha, vượt khó, làm nên sự nghiệp khiến mọi người phải khâm phục và yêu mến. Ở đây, tác giả dân gian cố tình nói ngược thu nhỏ đối tượng để châm biếm những kẻ vô dụng. Hoặc bài miêu tả một đám cưới:

(12) Cưới em có cánh con gà
Có dăm sợi bún có vài hạt xôi.
Cưới em còn nữa, anh ơi
Có một đĩa đậu, hai môi rau cần.

        3.1.3. Khoa trương thời gian

Là đem hành động xảy ra sau nói thành hành động xảy ra trước và ngược lại. Ý nghĩa của khoa trương thời gian là “chưa thế này thì đã thế kia”. Ví dụ:

(13) Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhắm đã say.
(14) Dây tơ hồng không trồng mà mọc
Gái Đồng Nai chưa chọc đã theo.

     3.2. Phân loại khoa trương theo hình thức

Căn cứ vào hình thức có mấy loại sau:

        3.2.1. Khoa trương trực tiếp

Là khoa trương mà không sử dụng bất cứ hình thức tu từ nào, còn gọi là khoa trương “thuần tuý”. Ví dụ:

(15) Thảnh thơi hút điếu thuốc lào
Thở ra làn khói lẫn vào trong mây.
                     (Ca dao kháng chiến)

(16) Em mà không lấy được anh Thì
em tự vẫn gốc chanh nhà chàng.
(17) Cầu này cầu ái cầu ân
Một trăm con gái rửa chân cầu này.

        3.2.2. Khoa trương gián tiếp

     Là khoa trương có sử dụng các thủ pháp tu từ khác, chẳng hạn so sánh, ẩn dụ, nhân cách hoá, vật cách hoá, v.v. ; còn được gọi là khoa trương “dung hợp”. Ví dụ:

(18) Ra về nước mắt như mưa
Đó còn nức nở đây chưa bằng lòng. (so sánh)
(19) Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. (so sánh)
(20) Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rụng như sung
Rốn lồi quả quýt, má hồng trôn niêu. (ẩn dụ)
(21) Vợ con chưa có
Đêm nằm vò võ
Một xó giường không
Hỏi giường có bực mình không hỡi giường. (nhân cách hoá)

     Còn tiếp:

Mời xem: KHOA TRƯƠNG trong CA DAO của NGƯỜI VIỆT (Phần 2)