Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa chúa Nguyễn Ánh – Vua Gia Long với người Khmer Nam Bộ

Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÂM VĂN RẠNG
(Trường Chính trị Trà Vinh)
LÂM QUANG CHẮN (Trường Chính trị Trà Vinh)

TÓM TẮT

     Trong quá trình khai phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long (còn gọi là Nam Bộ), cộng đồng người Khmer1 có vai trò quan trọng. Họ không chỉ là lớp người đầu tiên đến khai phá, lập thành phum sróc, làng, ấp mà còn có những đóng góp to lớn về nhân lực, vật lực, tài lực cho sự nghiệp “trung hưng” của chúa Nguyễn Ánh (cuối thế kỷ XVIII) cũng như xây dựng và quản lý đất nước của vua Gia Long (đầu thế kỷ XIX). Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra một số nhận xét về mối quan hệ mật thiết giữa chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long với người Khmer ở Nam Bộ.

Từ khóa: Chúa Nguyễn Ánh, Vua Gia Long, người Khmer Nam Bộ.

ABSTRACT

     During the reclamation of the area of the Mekong River Delta (the South of Viet Nam), Khmer community plays an important role. They not only established villages but also contributed greatly to human, material and financial resources for the restoration of Nguyen Anh Lord (at the end of XVIII) as well as building and managing the nation of Gia Long King (at the beginning of XIX). This paper is to study and remark the close relation between Nguyen Anh Lord-Gia Long King and Khmer in the South of Viet Nam.

Key words: Nguyen Anh Lord, Gia Long King, the Southern Khmer.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Người Khmer là cộng đồng dân cư đến khai phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long sớm nhất, vì “cuối thế kỷ XV, những phum sróc Khmer đã được hình thành và ổn định. Những vùng cư trú tập trung dân số người Khmer đã xuất hiện”2. Sau đó, địa bàn cư trú của người Khmer ngày càng được mở rộng: từ vùng trung tâm ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Giồng Riềng, Tri Tôn tỏa đi theo hai hướng. Hướng thứ nhất theo vùng duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mau phát triển rộng ra. Hướng thứ hai từ vùng Tiền Giang, Đồng Tháp đi về những vùng đất mới đã khai khẩn3. Điều đó chứng tỏ rằng, người Khmer sinh sống và phân bố rộng khắp các địa bàn, lãnh thổ của Đồng bằng sông Cửu Long4. Vì vậy, trong thời gian chúa Nguyễn Ánh “cử binh” hay “dời đi”, “xa giá”, “bôn tẩu” khắp các vùng đất của Nam Bộ thì nhân dân địa phương nói chung, cộng đồng người Khmer nói riêng đều hưởng ứng và giúp đỡ nhiệt tình. Những dấu tích, địa danh, truyền thuyết, truyện kể… gắn với Nguyễn Ánh (và các nhân vật trong hoàng tộc của ông) ở các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh điều đó. Đặc biệt là những địa danh có gắn bó mật thiết giữa chúa Nguyễn Ánh với cộng đồng người Khmer như: Kênh Chắc Băng (thuộc xã Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), địa danh Dinh Bà (thuộc xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)5

2. Nội dung

     2.1. Trong khoảng gần 30 năm hoạt động tại khắp các vùng đất của Nam Bộ (từ năm 1775 đến năm 1802) của chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long, người Khmer đã có vai trò quan trọng trong việc đóng góp nhiều nhân lực, vật lực trong cuộc chiến “khôi phục giang sơn” thống nhất đất nước của triều Nguyễn.

     Nhân vật tiêu biểu nhất của người Khmer, người đã từng là vị tướng “thân tín” của chúa Nguyễn Ánh và cũng là vị đại thần có nhiều công lao với vương triều vua Gia Long, đó là Thạch Duông (1763- 1820). Tuy xuất thân là “dịch đình nô” (người giúp việc trong phủ chúa Nguyễn), nhưng vì hết lòng tận tụy, trung thành, dũng cảm, “có nhiều công lao” nên ông được chúa “ưu ái” ban “cho họ và tên” là Nguyễn Văn Tồn. Với tài năng và uy tín của mình đối với cộng đồng người Khmer, tháng 9 năm 1787, chúa Nguyễn Ánh “sai Nguyễn Văn Tồn chiêu tập dân Phiên hai xứ Trà Vinh và Mân Thít được vài nghìn người, biên bổ làm lính, gọi là đồn Xiêm binh, cho Tồn làm Thuộc nội Cai đội để cai quản”6. Đội quân Xiêm binh này đã từng theo Nguyễn Văn Tồn và chúa Nguyễn Ánh đi chinh chiến khắp nơi, cả ở trong và ngoài nước (sang Chân Lạp, Xiêm La), lập nhiều công trạng đối với triều đình. Không những thế, Nguyễn Văn Tồn nói riêng, đội quân Xiêm binh nói chung còn giúp đỡ nhân dân vùng Trà Ôn, Cầu Kè (tỉnh Vĩnh Long) khai khẩn đất hoang, tạo lập nhiều phum sróc, phát triển sản xuất nông nghiệp; tham gia vào việc giữ gìn trật tự trị an vùng biên giới Tây Nam, tham gia sửa đắp đường xá, thành trì, nhà trạm… Đặc biệt, trong công trình thủy lợi lớn nhất vào cuối đời vua Gia Long, đầu đời vua Minh Mạng là kênh Vĩnh Tế, cộng đồng người Khmer có đóng góp to lớn. Nguyễn Văn Tồn không chỉ là người chỉ huy trực tiếp (cùng với Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên, Trần Công Lại), mà còn huy động một số lượng đông đảo binh, dân người Khmer tham gia trực đào đắp tại công trường. Có thể nói, công trình kênh Vĩnh Tế hoàn thành, không chỉ mãn nguyện vì nối được chí vua cha (Gia Long) mà bản thân vua Minh Mệnh cũng đạt được một quốc sách vô cùng quan trọng, vì “từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”7.

     Cộng đồng người Khmer cũng sản sinh ra nhiều vị tướng có tài, đã từng tham gia vào hàng ngũ những người chỉ huy của quân đội triều đình nhà Nguyễn. Ốc Nha Diệp và Ốc Nha Oa được chúa Nguyễn Ánh cho giữ chức Chánh, phó Trưởng chi, quản các hiệu đội Phiên binh 1.500 người của phủ Trà Vinh, cùng Nguyễn Văn Tồn đến Bà Rịa theo việc quân8. Cao La Hâm Sâm, vị tướng chỉ huy 5.000 quân và 10 voi chiến tham gia chiến dịch giải cứu cho Võ Tánh ở thành Bình Định năm 1801, sau được chúa Nguyễn Ánh ban thưởng 100 quan tiền. Ốc Nha Đầu Rồng Sông Sàm là người có nhiều công trong việc tập hợp người Khmer để bổ sung cho đội quân Xiêm binh. Nhiều người Khmer được triều đình nhà Nguyễn tin tưởng, giao phó trọng trách cai quản phủ Ba Xắc, Trà Vinh (vùng đất tập trung đông đảo người Khmer nhất) như Ốc Nha La, Gia Tri Giáp, Ốc Nha Khê, Ốc Nha Ốc, Ốc Nha Chích, Ốc Nha Kê,… Đáng chú ý có Diệp Mậu, người đầu quân từ sớm với chức Trưởng chi, sau theo chúa Nguyễn Ánh chinh chiến lâu ngày, lại xuất nhiều của nhà giúp quân phí nên năm 1804, vua Gia Long đã thăng ông chức Khâm sai Cai cơ, coi phủ Trà Vinh9.

     Bên cạnh đó, cộng đồng người Khmer còn cung ứng nhiều nguồn tài nguyên khác như: gỗ đóng thuyền được đưa tới từ những vùng người Khmer ở Đồng Môn, Quang Hóa và Ba Can (thuộc vùng Tây Ninh); nguồn thuế nộp của người Khmer cũng chiếm một phần đáng kể trong ngân khố của triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là các khoản thuế thu được từ vùng Trà Vinh, Ba Xắc… Ba Xắc cũng là nơi cung cấp gạo, muối chủ yếu cho Chân Lạp qua đường thủy và trở thành một trong những điểm thương mại quốc tế của Chân Lạp vào cuối thế kỷ XVIII. Thêm vào đó, Chân Lạp thường xuyên cung cấp voi cho triều đình….10

     2.2. Thái độ của chúa Nguyễn Ánh và chính sách của vua Gia Long sau này đối với cộng đồng người Khmer là khá thống nhất: Tôn trọng, đảm bảo quyền tự trị và cùng nhau chung sống hòa bình

     Xứ Trà Vinh, Ba Xắc, về hình thức là thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn từ năm 1757, nhưng trên thực tế vẫn do người Khmer tự trị. Những hành động lấn chiếm đất đai, xâm phạm môi sinh của người Khmer sẽ bị họ đứng lên phản kháng mạnh mẽ như vụ Ốc Nha Kê xảy ra vào tháng 8 năm 1770. Việc áp đặt, sai phái, binh dịch… của chúa Nguyễn đối với người Khmer cũng khiến họ vùng lên đấu tranh, điển hình là vụ “mưu làm phản” của tù trưởng Ốc Nha Suất vàotháng 4 năm 1780, buộc chúa Nguyễn Ánh phải cử Nguyễn Thanh Nhân và Dương Công Trừng đến đánh, mới dẹp yên được. Bên cạnh đó, vùng BaXắc là địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của quân Tây Sơn, tù trưởng của họ nhiều lần đứng lên phối hợp với quân Tây Sơn chống lại chúa Nguyễn Ánh, ví như tháng 12 năm 1787, Ốc Nha Long chiếm giữ đồn Cần Thơ. Điển hình hơn là Ốc Nha Ốc giúp Thái bảo Phạm Văn Tham cố thủ ở Ba Xắc trong một thời gian dài (từ tháng 8 năm 1788 đến đầu năm 1789), gây rất nhiều khó khăn cho quân của chúa Nguyễn.

     Trước tình hình đó, tháng 9 năm 1787, chúa Nguyễn Ánh chủ động và khôn khéo đưa Nguyễn Văn Tồn – người có uy tín cao trong cộng đồng người Khmer – về vùng Trà Vinh, Ba Xắc để “phủ dụ”, “chiêu tập” và lôi kéo họ đứng về ủng hộ chúa Nguyễn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vùng này được yên ổn. Điều này khiến chúa Nguyễn Ánh hiểu rằng, không thể dùng lưu quan (đưa người nơi khác đến quản lý) mà phải dùng chính người Khmer để quản lý và cai trị. Vì vậy, tháng 3 năm 1789, chúa Nguyễn Ánh quyết định “triệu Lê Văn Quân và Võ Tánh về Sài Gòn. Sai Già Tri Giáp (người Chân Lạp) coi phủ Ba Xắc. Vua thấy dân Man khi phục khi phản, khó có người cai trị ngăn giữ mà Giáp vốn được quan liêu Phiên tôn phục, cho nên đặc cách có mệnh ấy”11. Từ đó về sau, phủ Trà Vinh và Ba Xắc đều do tù trưởng người Khmer cai quản12.

     Việc chung sống hòa bình giữa các nhóm sắc tộc cũng được chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long quan tâm. Năm 1791, khi nhận được thông tin người Việt xâm lấn vùng Trà Vinh, Ba Xắc và khai hoang đất đai của người Khmer, chúa Nguyễn Ánh đã yêu cầu người Việt phải dừng ngay việc xâm lấn và trả lại tất cả những đất được yêu cầu. Năm 1805, địa giới Cần Đăng và Mỹ Tho bị người Việt tranh chiếm, vua Gia Long ra lệnh cấm người Việt không được chiếm địa giới của họ “để dứt mối tranh nhau”13. Năm 1816, nghe tin quân và dân ở Gia Định nhiều người bá chiếm ruộng đất của người Khmer, lập tức vua ban chiếu rằng yêu cầu phải “trả lại tất cả”. Việc người dân Gia Định sang ngụ cư bên nước Chân Lạp cũng bị vua Gia Long cấm vì “sợ làm khổ cho dân Phiên”… Những hành động quấy nhiễu, gây hại cho người Khmer cũng bị nghiêm cấm, ai vi phạm sẽ bị trừng trị. Đó là trường hợp của Lưu Phúc Tường vì dung túng cho thuộc hạ sách nhiễu, làm khổ dân Phiên nên bị cách chức quyền bảo hộ nước Chân Lạp và bị xét trị nghiêm. Khâm sai Cai cơ Tổng nhung Phó tướng Tiền quân Nguyễn Văn Thư cũng vì dung túng cho bộ thuộc quấy nhiễu dân Phiên, việc phát giác, bị giáng chức xuống làm Khâm sai Cai đội… Ở những khu vực có nhiều tộc người sinh sống, vua Gia Long yêu cầu các trấn thần phải có sự phân định rõ ràng. Đó là điều mà Trương Phúc Giáo đã làm ở Hà Tiên, khi ông “vạch định phố chợ, ngăn khu cho người Hán (Việt), người Thanh, người Chân Lạp, người Chà Và, khiến tụ họp theo loài, làm cho Hà Tiên lại trở thành một nơi đô hội ở Nam thùy vậy”14.

     2.3. Chính sách dân tộc đối với người Khmer nói riêng, đối với các dân tộc thiểu số nói chung của vua Gia Long hoàn toàn khác với chính sách dân tộc của các vị vua triều Nguyễn sau này.

     Chính sách cơ bản nhất của vua Gia Long đối với người Khmer là đảm bảo quyền tự trị của họ và cùng nhau chung sống hòa bình thông qua một số biện pháp cụ thể như cho phép các quan lại người Khmer cai quản vùng đất của họ, phong chức tước cho họ, duy trì các phong tục tập quán của họ15. Đối với vị vua đầu triều Nguyễn, quan điểm đồng hóa không tồn tại và cũng không có sự phân biệt về “chủng tộc” hay “sắc tộc”. Với thái độ mềm mỏng, ôn hòa và phù hợp đó cho nên cộng đồng người Khmer đã nhìn nhận và ủng hộ vua Gia Long như một “quốc vương tôn kính người Việt”16.

     Sang thời Minh Mệnh, do yêu cầu củng cố hơn nữa vị trí, vai trò nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, vị vua thứ hai nhà Nguyễn đã tiến hành tăng cường sự kiểm soát đối với các dân tộc thiểu số. Từ nhận thức “nhất thị đồng nhân”, vua Minh Mệnh đã cho thực thi và triển khai chính sách “giáo hóa” và “đồng hóa” một cách đồng bộ. Nếu như chính sách giáo hóa áp dụng chung cho tất cả cư dân vùng Nam Bộ thì chính sách đồng hóa lại tập trung chủ yếu vào 3 nhóm dân tộc thiểu số ở vùng này, đó là người Khmer, nhóm dân tộc thiểu số vùng Biên Hòa và nhóm người Hoa. Riêng đối với người Khmer, vua Minh Mệnh sử dụng nhiều cách thức, nhưng tựu chung, có 6 biện pháp chủ yếu là: Kết hợp các làng Khmer và làng Việt để hình thành một tổng Việt, đưa các làng Việt vào một huyện Khmer và ngược lại, sáp nhập các huyện của người Khmer với các huyện của người Việt, thiết lập các làng Việt ở giữa các làng Khmer, phân tán các người Khmer, Việt hóa tín ngưỡng của người Khmer. Những chính sách đồng hóa triệt để trên của vua Minh Mệnh đã dẫn đến những xung đột sắc tộc (càng về sau càng trở nên gay gắt hơn), làm bùng phát nhiều cuộc nổi dậy của người Khmer chống lại triều đình. Điển hình nhất là cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi những năm 1833-1835, có nhiều người Khmer tham gia, trong đó có Nguyễn Văn Vị ( con của Nguyễn Văn Tồn). Các cuộc nổi dậy của nhân dân hai huyện Hà Âm và Hà Dương của phủ Tịnh Biên (nay thuộc tỉnh An Giang), ở vùng Hà Tiên năm 1840, vùng Thất Sơn (nay thuộc An Giang) năm 1841; cuộc nổi dậy của Sơn Tốt, Trần Lâm ở phủ Ba Xuyên (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) năm 1841; cuộc nổi dậy của Lâm Sâm ở Trà Cú, phủ Lạc Hóa (nay thuộc tỉnh Trà Vinh) năm 1841… cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người Khmer.

     Trong khi đó, tác giả Nguyễn Minh Tường đã khái quát về chính sách dân tộc của triều Nguyễn đối với các tộc người thiểu số ở miền Nam (chủ yếu là đối với người Khmer) là “vỗ về, phủ dụ làm chính, hạn chế những biện pháp quân sự” và đưa ra nguyên nhân đề ra chính sách trên là “thế lực những người đứng đầu các dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm…) ở vùng đất này không thật mạnh”17. Bởi vậy, họ không thể tạo nên một “giang sơn riêng” tách khỏi sự quản lý của triều đình trung ương. Thực tế của lịch sử nửa đầu thế kỷ XIX đã chứng minh điều đó, dù rằng đã có một số cuộc nổi dậy của người Khmer (như đã kể trên), nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chỉ mang tính chất cục bộ địa phương.

3. Kết luận

     Quan điểm của chúa Nguyễn Ánh và chính sách của vua Gia Long sau này đối với cộng đồng người Khmer vùng Nam Bộ là rất mềm dẻo, khéo léo và linh hoạt, dựa trên một tinh thần chung là trân trọng công lao, tri ân sự đóng góp của các dân tộc thiểu số, luôn đảm bảo quyền tự trị và cùng chung sống hòa hợp giữa các sắc tộc. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp chúa Nguyễn Ánh “phục quốc” thành công và tiếp đó là triều đại Gia Long quản lý, xây dựng và bảo vệ thống nhất đất nước Việt Nam18 ổn định./.

     Chú thích:

     1. Các sử gia triều Nguyễn không chép rõ là người Khmer mà thường dùng các cụm từ như “người nước Chân Lạp”, “người Cao Mên”, “người Phiên”, “dân Phiên”,…

     2. Mạc Đường: “Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1982, tr. 34.

      3. Mạc Đường: “Vấn đề dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long” trong sách Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb, Khoa học xã hội, HN, 1991, tr. 32.

     4. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho biết: 1.260.640 người Khmer phân bố trên 63 tỉnh thành, nhưng tập trung đông nhất tại Sóc Trăng (31,5%), Trà Vinh (25,2%), Kiên Giang (16,7%), An Giang (7,1%), Bạc Liêu (5,6%), Cà Mau (2,3%), thành phố Hồ Chí Minh (1,9%), Vĩnh Long (1,7%), Cần Thơ (1,69%), Hậu Giang (1,67%)…

     5. Nguyễn Anh Động: Di tích – danh thắng và địa danh Kiên Giang, Nxb. Thanh niên, HN, 2011 tr. 198 và Trương Thanh Hùng, Phan Đình Độ: Văn hóa dân gian huyện đảo Phú Quốc và Lý Sơn, Nxb. Văn hóa dân tộc, HN, 2012, tr. 34, 40

     6. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, HN, 2004, tr. 230; Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, tập 2, chính biên sơ tập, Viện Sử học và Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 534.

     7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 5 (phần tỉnh An Giang), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 207.

     8. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 317.

     9. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 591; Đại Nam liệt truyện, tập II, Sđd, tr. 535.

     10. Choi Byung Wook: Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế giới, HN, 2011, tr. 64-65.

     11. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 244.

     12. Như Ốc Nha Chích coi phủ Trà Vinh vào tháng 5 năm 1789; Ốc Nha Kê coi phủ Ba Xắc vào tháng 4 năm 1790; Mậu Diệp coi phủ Trà Vinh vào tháng 3 năm 1804…

     13. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 643.

     14. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 643.

     15. Phan Hữu Dật, Lâm Bá Nam: Chính sách dân tộc của các chính quyền Nhà nước phong kiến Việt Nam (X-XIX), Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, 2001, tr. 80.

     16. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Sđd, tr. 64.

     17. Nguyễn Minh Tường: “Chính sách đối với dân tộc thiểu số của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (271)/1993, tr. 38.

      18. Quốc hiệu Việt Nam được đặt ra từ năm 1804 và đổi thành Đại Nam từ năm 1838.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh,
Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 12, tháng 3/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa chúa Nguyễn Ánh – Vua Gia Long với người Khmer Nam Bộ (Tác giả: ThS Lâm Văn Rạng; Lâm Quang Chắn)