Nghi thức hát tiễn hồn của cộng đồng người Thái

RITE OF HAT MONEY THAN SINGING AT THAI COMMUNE

Tác giả bài viết:  PHƯƠNG ĐOÀN Học viện Dân tộc)
LÊ THÚY QUỲNH

TÓM TẮT

     Hiện nay, nghi lễ hát tiễn hồn người chết về Mường Trời của cộng đồng Thái trong tang ma vẫn còn, song những cách thức tỉ mỉ theo nghi thức cổ, giàu giá trị nhân văn đã và đang bị mai một đi ít nhiều. Tìm hiểu và quan tâm tới những giải pháp tích cực trong tâm linh con người về cõi chết cũng là yếu tố quan trọng không kém trên phương diện chăm sóc đời sống tình thần tích cực cho nhân dân cũng như thắt chặt mối quan hệ gắn bó đoàn kết trong một quốc gia phong phú sắc tộc như Việt Nam ta.

Từ khóa: Nghi thức, hát tiễn hồn, dân tộc Thái, dân tộc thiểu số.

ABSTRACT 

     Currently, farewell ceremony for the dead of the community Heaven Muong Thai in funeral remains, but the meticulous manner in accordance with ancient rituals, rich in human values have been eroded away at much. Learn and be interested in the positive solution of the human spirit of the dead is also equally important factor in terms of the spirit of life care for people’s positive as well as tighten the relationship bond national unity in an ethnically rich as our Vietnam.

Keywords: Ritual, practice singing soul, heaven Muong, Thai ethnicity, ethnic minorities.

x
x x

     Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hoá và sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do di cư. Dân tộc Thái còn có những tên gọi khác là Táy và có các nhóm Táy Đăm, Táy Khao, Táy Mười, Táy Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày-Thái.

     Về tâm linh, dân tộc Thái quan niệm con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần thân xác, phần hồn có sự gắn bó khăng khít với thân thể, hồn là một dạng phi vật thể, nhưng là thể sống của con người. Nếu không có hồn sự sống không tồn tại, thể xác của con người lúc bấy chỉ thuần túy là vật thể vô tri, vô giác. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, người Thái rất coi trọng tang ma. Với họ, tang ma là việc hệ trọng để con người thực hiện hành trình chuyển từ cảnh giới này đến cảnh giới khác. Trong quá trình chuyển đổi đó, phần thể xác và linh hồn vẫn không tách rời nhau. Với họ, chết không phải là dấu chấm hết, vì sau khi chết, linh hồn sẽ về với quê cha đất tổ – Mường Trời, để tiếp tục thực hiện những ước mơ chưa thành hiện thực nơi trần thế. Vì thế, trong tang ma của người Thái diễn ra nghi thức hát tiễn hồn độc đáo, đậm chất nhân văn.

1. Thời gian và không gian diễn ra nghi lễ

     Trước đây, lễ hát tiễn hồn của người Thái thường được kéo dài vài ngày, ngày nay do ý thức được những quan niệm tiến bộ về vệ sinh và hủ tục tốn kém nên đồng bào đã rút ngắn thời gian để người chết ở lại nhà nên lễ hát tiễn hồn thường chỉ kéo dài trong khoảng thời gian một đêm cuối cùng người chết còn ở tại gia. Nếu ngày mai đưa người chết tới rừng ma (Pá hươn) an táng thì thời gian của nghi lễ bắt đầu từ sau bữa cúng cơm chiều cho người chết và kéo dài cho tới gà gáy sớm mai.

     Nghi lễ dài hay ngắn cũng phụ thuộc vào văn bản khắp tiễn hồn dài hay ngắn theo từng địa phương khác nhau: Văn bản khắp tiễn hồn của người Thái đen ở Mường Thanh (dài hơn 3000 câu) thì nghi lễ diễn ra từ chiều tối tới khi trời sáng hôm sau mới kết thúc; văn bản khắp tiễn hồn của người Thái trắng ở Mường Tè Xã – Lai Châu (dài hơn 400 câu) thì thời gian diễn ra nghi lễ chỉ kéo dài khoảng 2 tới 3 tiếng,… Dù thời gian diễn ra nghi lễ ở từng địa phương dài ngắn khác nhau, xong nghi lễ ở tất cả các địa phương đều chỉ xảy ra khi có sự kiện tang ma và nghi lễ đó không được ấn định vào bất kỳ một thời gian nào trong ngày.

     Không gian của nghi lễ là không gian đau thương, bi thiết giã biệt tại gia đình, tại cộng đồng bản mường. Thời gian tổ chức lễ hát tiễn hồn diễn ra vào ban đêm cũng đã tạo cho nghi lễ đắm chìm vào một không gian huyền ảo, dễ dàng cho các Mo lớn dắt dẫn tất cả bà con trong gia đình, bản mường người chết như cùng về một cõi của thế giới bên kia, tiễn người quá cố về với Mường Trời. Nhờ đó mà không gian diễn xướng trở nên hư ảo, bi thương và linh thiêng hơn bao giờ hết.

2. Cách bài trí đồ cúng lễ, ý nghĩa của các vật dụng cúng lễ

     Đồ cúng lễ của lễ tiễn hồn thường có rất nhiều thứ khác nhau. Mâm cúng lễ nhiều hay ít cũng còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, hay tùy thuộc vào tuổi lớn nhỏ của người quá cố. Nếu là với người cao niên có một cuộc đời đầy đủ ý nghĩa trách nhiệm với gia đình bản mường thì đồ cúng tế bao giờ cũng trang trọng và đầy đủ.

     Về cơ bản đồ cúng phải có gà vịt, xôi trắng, rượu cùng với những vật dụng chia của cho người chết. Chính giữa nơi làm lễ, cả trong tang ma của Thái đen hay Thái trắng đều có một mâm chính bày biện các thứ theo tuần tự: Lớp dưới cùng là gạo trắng đổ đầy trên mâm; xung quanh có bày trầu cau và 4 chén rượu nhỏ đặt 4 góc mâm; trên cùng nằm vị trí chính giữa của lớp gạo trong mâm có một chiếc vòng bạc, trong vòng tròn của chiếc vòng bạc có đặt một quả trứng gà. Mâm gạo này là thứ chủ chốt trong đồ cúng của lễ tiễn hồn. Các thứ gà, vịt, rượu, thịt, xôi cùng các vật dụng chia của được bày biện hài hòa, hợp lý xung quanh chiếc mâm chính.

     Những đồ vật chuẩn bị cho đêm cúng tiễn hồn người chết về Mường Trời mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong tâm linh cộng đồng người Thái. Mâm lễ có gạo, trầu cau, rượu và chiếc vòng bạc cùng quả trứng ở giữa là biểu hiện của những triết lý giàu ý nghĩa nhân sinh: Gạo thể hiện sự mong muốn ấm no cho người chết khi về thế giới bên kia; trầu cau và rượu là biểu hiện tình cảm lưu luyến tiễn đưa của người sống dành cho người chết. Đồng thời khi người chết đặt bước chân đầu tiên tới thế giới bên kia thì những sự vật đó cũng còn là thứ cho người chết mở đầu câu chuyện, hòa nhập với thế giới Mường Ma, Mường Trời. Độc đáo hơn nữa đó là chiếc vòng bạc cùng quả trứng gà đặt trên chốc mâm là biểu tượng mang đậm ý nghĩa phồn thực trong đời sống của người Thái, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở không ngừng ngay cả khi người chết đã về thế giới bên kia. Các vật dụng trong đời sống và lao động hàng ngày chia cho người chết để người chết có đủ để ăn, để ngủ, để cày cấy, trồng trọt chăn nuôi…

3. Tiến trình nghi lễ gắn liền với quá trình diễn xướng độc đáo

     3.1. Chủ điều hành và các bước tiến hành nghi lễ

     Khi trong nhà có người ốm, hấp hối rồi qua đời,… thường có rất nhiều các bà Một, ông Mo tiến hành các nghi lễ như: Cầu cho người ốm khỏi bệnh khi người ốm mới mắc bệnh; cúng tìm hồn lạc khi người chết sắp hấp hối và vừa mới qua đời,… Các lễ này được coi là những lễ nhỏ và có thể do các Mo (chức sắc thấp) đảm nhiệm. Nhưng với lễ tiễn hồn về Mường Trời thì dứt khoát phải do Mo lớn tiến hành (người Thái gọi họ là Mo Luông). Bởi chỉ có Mo Luông mới có đủ uy lực, pháp thuật dẫn dắt người chết đi tới Mường Trời, vì trên con đường tới Mường Trời sẽ phải qua nhiều vùng đất dữ nhiều ma quỷ, hiểm nguy, qua nhiều thác ghềnh… nếu không có uy lực giao tiếp với mọi đẳng cấp thần linh của Mo thì người chết không thể đi qua được. Thày Mo tiến hành các thủ tục lễ tiễn hồn và đồng thời là người điều hành gia chủ cùng tham gia các công việc để đưa người chết về Mường Phạ.

     Theo trình tự của lễ tiễn đưa, đầu tiên Mo sẽ gọi hồn người chết dậy, ăn cơm uống rượu cùng thân quyến, bà con bản Mường, nói lời chia tay tới tất cả mọi người, sau đó làm lễ chia của cho người chết, gọi người chết tới nhận từ những đồ dùng thiết yếu như: Gạo; thịt; chăn màn; gối ngủ, cho tới các vật dụng lao động, giống má chăn nuôi trồng trọt,…. Tiếp đến, Mo chuyển sang thủ tục tiễn đưa người chết về Mường Trời. Đây cũng là thủ tục kỳ công, diễn ra lâu nhất trong lễ tiễn hồn. Người chết muốn đi về tới Mường Phạ phải đi lần lượt tới từng chặng đường trên cuộc hành trình. Thông thường người Thái chia chặng đường đi về Mường Trời thành 4 chặng lớn, đưa linh hồn qua một chặng lớn này thì Mo lại dừng lại trong khoảng thời gian đủ để cho khối Nhinh Xao (các con rể trong gia đình) cắt cử một chàng rể đem thả xuống suối khe gần bản một chiếc bè nhỏ, trên chiếc bè có trang bị đủ các loại cờ ma, và một chú gà con buộc trên bè. Người Thái quan niệm chiếc bè sẽ là sự vật đưa linh hồn người chết đi đúng từng chặng đường, con gà buộc trên bè sẽ có uy lực giữ lại một phần linh hồn ở chặng đường đó. Thông thường mỗi lễ tiễn hồn thường được chuẩn bị tối thiểu là 2, tối đa là 4 chiếc bè như vậy.

     Chặng thứ nhất Mo phải đưa hồn người chết tới là thế giới Đẳm Đoi (người Thái gọi là thế giới tổ tiên), tới chặng đường này Mo sẽ phân chia một phần hồn của người chết ở lại làm ma tổ tiên. Sau chặng đường đi tới Đẳm Đoi, Mo tiếp tục đưa hồn người chết về nơi quê tổ của người Thái, một phần hồn của người chết lại ở lại nơi đây để làm ma gắn bó với quê cha đất tổ. Sau đó, Mo tiếp tục đưa hồn người chết tới sông Ta Khum – Ta Khái, vượt qua dòng sông ấy là người chết đã về tới Mường Trời. Tới Mường Trời rồi hồn ma ở lại nơi đây cùng tận hưởng cuộc sống đầy đủ sung sướng và lại tới một ngày nào đó khi đã hội tụ đủ nhân duyên tái sinh về kiếp người sẽ có một bà Me Bảu tới làm phép giúp linh hồn đầu thai trở lại kiếp người.

     Nếu nghiên cứu kỹ càng văn bản Khắp được thày Mo sử dụng trong nghi lễ thì ta càng cảm nhận được rõ ràng hơn về vai trò của Mo Luông trong nghi lễ này. Mo như một hình tượng nghệ thuật độc đáo mà cộng đồng Thái đã dày công khắc họa. Trên con đường tới Mường Phạ trải qua bao hiểm trở, hình tượng thày Mo trở thành hình tượng phi thường dẫn dắt linh hồn người chết cũng như toàn bộ linh hồn những người tiễn đưa đi đến nơi về đến chốn. Điều đặc biệt là hành trình của thày Mo xuất hiện trong văn bản với những chi tiết hết sức đời thực nhưng vẫn gợi lên sự linh thiêng, kỳ vĩ: Trời đã sinh ta xuống trần gian để làm Mo/Ta xin cưỡi trên mình trâu sừng cong đến để đọc lời Mo/Cưỡi trâu sừng khoẻ đến để tiễn đưa,…

     Thày Mo là người của trời sai xuống cõi trần, sống trong cuộc đời thực để đảm nhận trọng trách phần tâm linh cho con người chốn trần gian. Con người ấy sống trong đời thực, gắn bó với đời thực và làm được những việc khác thường, đem lại sự tốt lành cho mọi người: Lòng không gan tôi không cầm dao/Dạ không hùng tôi không dẫm lên sắt nung đỏ/Tôi sẽ tiễn đưa điều ác vào trong hòm sắt/Xếp nó vào trong hòm đồng, đem chốt để đấy,…

     Nhờ vào những khả năng khác thường cầm dao, dẫm lên sắt nung đỏ mà thày Mo đảm nhận được vai trò của vị Tướng dẫn đoàn âm binh đi trong rợp bóng cờ sẳm, cờ sét, cờ hồng đào… qua các chặng đường gian khó đến với Mường Phạ. Khi qua mọi chặng đường của cõi phi, phải có Mo trong vai trò giao tiếp với những quan binh thì linh hồn mới có thể qua được các cửa đi: Anh lính nhỏ canh cửa kia ơi!/Mở cửa to cho nó vào đi/Mở cửa lớn gỗ nghiến cho nó vào đi/Mở cửa, không mở không/ Bạc trăm nén tôi thuê/Vải ba trăm sải tôi mướn,…

     Hình tượng Mo Luông vừa mang yếu tố đời sống thực,vừa mang cả màu sắc tín ngưỡng khi giao tiếp với âm binh. Đặc biệt ở những chi tiết làm việc mang rõ tính thực dụng với lính canh khi qua cửa vào những chặng đường mới (việc lo lót cho quan lính những nơi cửa lớn ra vào là chuyện vốn có trong đời thực). Như vậy, từ những kinh nghiệm đời sống thực của thày Mo, thày sẽ có vai trò đứng ra thu xếp công việc, ứng xử với những khó khăn, cản trở linh hồn trên con đường tới Mường Phạ.

     Cùng khả năng giao tiếp với thần linh và các linh hồn cõi Mường ma, thày Mo còn có thêm những khả năng khác thường. Ví dụ trong cách di chuyển để dẫn hồn người chết đi tới thế giới Mường Phạ, bước đi của thày không còn là bước chân di chuyển bình thường mà đã mang tính hùng mạnh, chinh phục thần tốc, khả năng thần kì, siêu phàm:… Nơi cõi trời mây phủ mênh mang/Nhảy lên cưỡi trên mình con rồng hùng/Nhảy lên cưỡi mình ngựa phi đi/Nhún lượn tựa tung còn/Tựa như loài rồng lượn xuống đồng,... Và cũng để làm được công việc dắt dẫn linh hồn về cõi phi, ngôn ngữ của thày Mo trong tác phẩm cũng mang tính cách của những mệnh lệnh và khẩu quyết: – Hết đời cây phải biến vào không trung/Đời người tàn phải biến về cõi trời… – Qua đây qua cho nhanh/Nhanh nhanh như chèo thuyền qua ghềnh thác,… – Hỏi một tý rồi qua/Hỏi nhiều lên mường Bun không hay,… Trong tác phẩm những từ ngữ, câu nói như trên được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Ngôn ngữ của thày Mo có tác dụng điều chỉnh con người và linh hồn vững bước trong hành trình về cõi Phi.

     Qua hình tượng Mo của Lời tiễn hồn ta thấy rõ trong đời sống của cộng đồng Thái, thày Mo rất quan trọng, gắn bó với đời sống tâm linh của họ. Không chỉ xuất hiện trong nghi lễ tang ma, mà trong các lễ hội tâm linh của người Thái như: Cúng Xên bản xên mường; lễ hội cầu mùa,… đều phải có sự chủ trì của thày Mo. Ấy chính là một yếu tố quan trọng để làm phong phú thêm những bản sắc văn hoá mang tính sắc tộc sâu sắc của cộng đồng Thái Tây Bắc Việt Nam.

     3.2. Nghi lễ gắn bó chặt chẽ với hình thức diễn xướng độc đáo

     Từ những đọan nhỏ nhưng có bố cục nội dung chặt chẽ đó, thày Mo đã chia thành từng phần để lĩnh xướng. Trước tiên là phần hát dạo đầu, sau đó tới phần hát nói, kể lại văn bản,và kết thúc lại là phần lĩnh xướng theo âm điệu kéo dài, buồn thảm: Ô…. Nải… u… oả…./Me một cò chắng va báu đi/ Chắng khắp một lột cai mợ đu/Cốc sổi nôn/Côn sổi minh/Cáp cốc cò hắng ngạng/Cáp căng cò… hắng… lảng… Nải … ú …oa./ …Ô….nải …u…oả…./ Loong hợ chắng họt tị đăử tặn đăử…./Loong hợ chắng họt ta nạ chự chêm đai/Phiêng đanh tẳng tịch ta/Cai nỉ chắng họt Vặng… Tâu…/Vằng Tâu mị đán tẳng cang nặm/Mị Pa cốt – pa cá dú đom vặng/ Tuộng nọi lưng lè cai/Tuộng lai khửn mượng Bun baử… mả… Ô …nải …u…oa…..

     Cách hát như trên, trong nghi lễ tiễn hồn, khi Mo lĩnh xướng đã không tạo ra tiếng khóc trong sự ồn ào huyên náo. mà phải qua sức gợi cảm của thày Mo và sự thương đau được mọi người nhập tâm và khóc đúng lúc cảm thấy bi thiết nhất. Chẳng hạn trong mỗi đọan lĩnh xướng của Mo đã minh hoạ ở trên, câu hát theo điệu hò đầu tiên Ô…nải…u... oả…. là câu khởi đầu của Mo. Khi câu đầu tiên này ngân nên sẽ không có người khóc mà có sức tạo niềm xúc cảm trong mỗi người nhưng vẫn như bị ghìm nén lại. Sau câu ngân dạo đầu đó, Mo bắt đầu hát nói đọan văn bản cần hát. Tới khi kết thúc phần hát của đoạn văn bản ấy, tiếng hát khóc gọi người chết lại ngân lên: Ô…nải …u… oa… Lúc này thì mọi người quanh linh cữu sẽ cùng đồng thanh khóc. Tiếng khóc được bật ra từ sự ghìm nén tình cảm trước đó nên rất thảm thiết, dễ dàng làm xúc động lòng người, kể cả những người không phải là con cháu họ hàng.

     Như vậy ta thấy giai điệu chính của văn bản Khắp này là phần hát xướng mà đầu và cuối từng đọan hát. Nó mang tính lĩnh xướng dân gian rất rõ ràng. Đặc điểm lĩnh xướng ấy, thể hiện không khí cộng đồng bản mường Thái trong những tình cảm tốt đẹp nghĩa tử là nghĩa tận. Tiếng khóc trong đám hát tiễn hồn cũng là tiếng khóc của cộng đồng dòng họ và bản mường dành cho người chết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Ngọc Thắng (1998), Đôi nét về tín ngưỡng dân gian Thái // Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr. 604- 614.

2. Hoàng Lương, Văn hóa các dân tộc Tây Bắc ở Việt Nam. Nxb Lao Động, Hà Nội, 2005.

3. Cầm Trọng, 1978, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Cầm Trọng (2007), Huyền thoại Mường Then, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

5. Trần Bình, Văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội. H.2012.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc
Văn hóa truyền thống và phát triển, số 16, tháng 12 năm 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghi thức hát tiễn hồn của cộng đồng người Thái (Tác giả: Phương Đoàn; Lê Thúy Quỳnh)