ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA DÂN TỘC qua TRUYỆN kể THẠCH SANH LÝ THÔNG (người KINH) và CHAU SANH CHAU THÔNG (người KHMER) – Phần 2
LÊ THỊ DIỄM PHÚC
(Thạc sĩ, Đại học Trà Vinh)
* Về hình ảnh ác thú
Hình ảnh Trăn tinh và Chằn tinh trong hai truyện cũng là điểm tạo nên sự khác biệt và làm nổi bật nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc qua truyện kể. Chằn tinh trong truyện Thạch Sanh Lý Thông, sau khi bị Thạch Sanh đánh bại thì hiện nguyên hình thành trăn tinh. Như vậy về nguồn gốc thì ác thú này chính là trăn tinh. Điều này dễ lý giải vì trong văn hóa người Việt hình ảnh trăn tinh được xem hư một biến thể khác của rắn cũng là một hình ảnh quen thuộc nó không chỉ xuất hiện trong nhiều truyện kể mà còn xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật. Trước hết, rắn với biến thể là trăn có thể tìm thấy khá nhiều trong các câu chuyện cổ tích. Dưới hình dạng của trăn hay chằn tinh, rắn thường biểu trưng cho thế lực cái ác, phản ánh ước nguyện của dân chúng trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Trong đó người hiền lành, tốt bụng sẽ gặp điều may mắn, những kẻ độc ác, gian dối thì bị trừng trị. Không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc trong lĩnh vực văn học, tích chuyện Thạch Sanh đánh chằn tinh hiện còn được lưu lại trong dòng tranh dân gian Đông Hồ. Không chỉ xuất hiện hiện với hình ảnh là ác thú, trong truyện “Rể trăn”, hai con trăn lại xuất hiện hoàn toàn đối lập nhau: một con là hiện thân của chàng trai có diện mạo đẹp đẽ, hiền lành, tốt bụng, con còn lại có hình hài gớm ghiếc chuyên đi hại người. Con trăn hiền lành biết giúp đỡ người khác dễ dàng nhận được tình cảm yêu mến của con người, trong khi con trăn chuyên đi hại người bị nhận kết cục tồi tệ là cái chết.
Cũng là hình ảnh Chằn tinh, nhưng trong truyện Chau Sanh Chau Thông, lại là một nhân vật chằn hoàn toàn khác. Nhân vật chằn mang đặc trưng văn hóa dân tộc. Hình tượng chằn được thể hiện dưới dạng một người khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi, trợn to, mày xếch, miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài, nhọn, toàn thân mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra. Nói về nhân vật Chằn trong văn hóa Khmer, người ta có thể xem đó là một dấu ấn trong ảnh hưởng với văn hóa Ấn Độ, và các nhà nghiên cứu xác định hình tượng chằn xuất phát từ văn hóa Bàlamôn. Đến khi Phật giáo trở nên phổ biến trong đời sống cư dân Khmer thì Bàlamôn giáo trở thành tàn dư, hình tượng này cũng chính vì thế đã có sự biến đổi về ý nghĩa, trở thành một hình tượng bảo vệ ngôi chùa. Về tính chất chung, chằn được xem là hình tượng của một nhân vật ác. Quan niệm về chằn khá phổ biến trong nếp nghĩ của người dân Khmer là dạng quỷ ác, xấu xa. Sự ảnh hưởng này khiến hình tượng chằn trở nên đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội của người Khmer. Hình tượng Chằn được xuất hiện nhiều trong đời sống của người Khmer Nam Bộ, không chỉ trong truyện kể dân gian mà người ta còn thường thấy nhân vật này trong điêu khắc, mỹ thuật, biểu diễn sân khấu,…
Hình 2: Chằn được điêu khắc trên tháp ở chùa (Nguồn: Lê Thị Diễm Phúc)
Hình 3. Chằn trong hình vẽ trên chính điện ở chùa (Nguồn: Lê Thị Diễm Phúc)
* Về hình ảnh chim ác
Nếu trong truyện Thạch Sanh Lý Thông chim ác xuất hiện gắp công chúa đi là hình ảnh đại bàng thì trong truyện Chau Sanh Chau Thông lại là chim Krud (vẫn có một số dị bản là chim đại bàng). Có thể nói, trong văn hóa người Kinh chim đại bàng vốn rất quen thuộc nó có khi là loài chim ác có sức mạnh làm con người sợ hãi cũng có khi là con vật đại diện cho lẽ phải sự biết ơn, giúp đỡ người em và trừng trị người anh trong truyện “Cây khế”. Từ trong truyện cổ tích, bước ra hiện thực, trong đời sống hình ảnh chim đại bàng xuất hiện trong các lĩnh vực như mỹ thuật, điện ảnh, điêu khắc, kiến trúc nó đại diện cho sức mạnh và nghị lực phi thường để tiến đến thành công.
Lại nói đến hình ảnh chim Krud trong truyện Chau Sanh Chau Thông, tuy có một số câu chuyện cũng đề cập đến hình ảnh chim đại bàng đến gắp công chúa đi như mô típ truyện người Kinh nhưng phần lớn các truyện khác lại đề cập đến hình ảnh chim Krud thay vì đại bàng. Vậy Krud là chim gì? Nếu những ai quan tâm đến văn hóa của người Khmer chắc hẳn sẽ biết được hình ảnh chim thần Krud được điêu khắc phổ biến trên mái chính điện các chùa Khmer.
Hình 4. Chim thần Krud đỡ mái chính điện chùa (Nguồn: Lê Thị Diễm Phúc)
Chim thần Krud cũng là một trong những nhân vật đại diện cho sự ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Đó là một con vật linh thiêng, được bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, gọi là Garuda, Garuda là con vật được thần Visnu – một trong những vị thần tối thượng của Bàlamôn giáo dùng để cưỡi. Hình tượng của chim thần Krud đã đi sâu vào đời sống tâm linh, thẩm mỹ của người Khmer bằng sự thể hiện tài hoa qua những công trình kiến trúc tôn giáo. Nó thể hiện tính hòa hợp giữa Phật giáo và Bàlamôn giáo. Chim thần Krud có một hình thể khổng lồ, dữ tợn được biểu hiện một loài chim săn mồi, có hình đầu người, 03 mắt và chiếc mỏ nhọn và cong quắp, cùng móng chân sắc nhọn và có một sức mạnh khủng khiếp có thể hủy diệt cả vũ trụ. Mặc dù trong câu chuyện hình tượng Krud xuất hiện là một loài chim ác những trong đời sống hiện thực, người Khmer xem chim thần Krud như lực lượng siêu nhiên, là vị thần tối cao được tôn kính. Chim thần Krud là hiện thân của cái thiện giúp đỡ những người gặp phải hoạn nạn, khó khăn chống lại cái ác, trừng trị kẻ ác. Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa trên, nên các nghệ nhân Khmer thường dùng hình tượng chim thần trang trí trong những ngôi chùa.
* Về cách gọi tên
Nói về cách gọi tên trong truyện Thạch Sanh Lý Thông, đọc vào tên của hai nhân vật trong truyện này, chúng ta thấy ngay đó là cách gọi tên theo kiểu truyền thống của người Kinh bao gồm có yếu tố họ ghép với yếu tố tên: Thạch Sanh = Thạch (họ) + Sanh (tên); Lý Thông = Lý (họ) + Thông (tên). Đó cũng chính là cách gọi tên và đặt trên truyền thống của người Kinh. Tên gồm có ba phần chính: Họ + Tên đệm + Tên chính. Họ được đặt ở đầu, trước tên đệm và tên chính. Họ là để phân biệt huyết thống, tên chính dùng để phân biệt người này với người khác (cũng là nét đặc trưng của từng người), còn tên đệm (có thể có hoặc không) thường dùng để phân biệt giới tính (“thị” dùng cho nữ, “văn” dùng cho nam,…). Người Việt lấy họ theo họ của cha. Chính vì truyền thống này mà trong văn hóa người Kinh có cách gọi tên gia đình theo họ của gia đình ấy. Như trong truyện này ta thấy có cách gọi “mẹ con nhà họ Lý” để chỉ mẹ con của Lý Thông. “Thấy có người lạ tự nhiên đến săn sóc mình, Thạch sanh cảm động, vui vẻ nhận lời và sau đó chàng từ giã gốc đa đến sống chung dưới mái nhà họ Lý”. Hay “Bà Thạch” để chỉ mẹ của Thạch Sanh, đây là cách gọi tên người theo họ.
Từ phân tích trên, để ta có thể thấy sự khác nhau khi so sánh với cách gọi tên của hai nhân vật trong truyện Chau Sanh Chau Thông. Sanh, Thông là tên nhưng Chau ở đây không phải là họ. Chau được phiên âm từ (chau) nghĩa là cháu trong tiếng Khmer. Trong tiếng Khmer có hai từ cùng nghĩa là cháu: thứ nhất là từ kmuôi chỉ cháu ruột trong gia đình, thứ hai là từ chau nghĩa là cháu trong xưng hô với người ngoài gia đình. Cách gọi này được sử dụng phổ biến trong giao tiếp của người Khmer. Ngoài câu chuyện này, chúng ta còn thấy nó được sử dụng trong nhiều câu chuyện khác như: Chau Chây (trong truyện À Chây), Chau bai cà đằng (trong cùng tên có nghĩa là thằng cơm cháy). Mặc dù người Khmer hiện nay cũng đặt tên có đầy đủ họ và tên như người Kinh, tuy nhiên cách xưng hô ấy vẫn được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Điều này thể hiện một đặc trưng nữa trong văn hóa của người Khmer.
3. Kết luận
Từ việc khảo sát, so sánh truyện Thạch Sanh Lý Thông (người Kinh) và Chau Sanh Chau Thông (người Khmer) bài viết đã đưa ra những nét mang tính đặc trưng trong văn hóa của mỗi dân tộc. Mỗi hình ảnh, tình tiết sử dụng trong các câu chuyện là những hình ảnh riêng trong mỗi nền văn hóa, để từ đó đặt vào trong ngữ cảnh của câu chuyện làm nên sự khác biệt, giúp người đọc nhận diện được nền văn hóa mà nó thuộc về. Việc phân tích giúp cũng ta thấy rằng, tuy trong mẫu số chung là mô típ của truyện kể, những các hỉnh ảnh, chi tiết được sử dụng khác nhau nó xuất phát từ trong tư duy, cách cảm, lối nghĩ riêng của mỗi dân tộc. Điều này một lần nữa lại khẳng định tính giá trị của việc tiếp cận văn hóa dân tộc qua nghiên cứu so sánh truyện kể các dân tộc. Mặt khác cũng làm sáng tỏ hơn bức tranh văn hóa của dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong thời kỳ hiện đại hóa. Đúng như nhận định của tác giả Ngô Minh Hiền: “Nghiên cứu văn hóa và mối quan hệ lịch sử văn hóa tộc người trong văn học dân gian sẽ góp phần làm sáng tỏ nhận thức về sự tồn tại của văn hóa trong trạng thái luôn vận động có sự tiếp thu, chọn lọc, lưu giữ và nuôi dưỡng để vừa đảm bảo phát triển, vừa giữ vững bản sắc cội nguồn theo tiến trình phát triển của lịch sử” (Ngô Minh Hiền (2004): 87).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Việt Bích (2002). “Tìm hiểu quan hệ giữa truyện dân gian của người Tày và người Thái với truyện dân gian của người Việt”. Tạp chí Dân tộc học, 3.
2. Phan Kế Bính (1999). Việt Nam phong tục. Hà Nội: NXB Hà Nội.
3. Nguyễn Đổng Chi (2000). Kho tàng Truyện Cổ tích Việt Nam tập 1. Hà Nội: NXB Giáo Dục.
4. Nguyễn Thị Bích Hà (2005). “Vận dụng lý thuyết văn học so sánh tìm hiểu kiểu truyện người em trong truyện cổ tích Việt Nam và châu Âu”. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 4.
5. Ngô Minh Hiền (2004). “Hoàng Phủ Ngọc Tường văn hóa qua cái nhìn lịch sử”. Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, 3, tr.87-110.
6. Nguyễn Thi Huế (1982). “Về những nét tương đồng giữa truyện Họ Hồng Bàng (người Việt) với mo Đẻ đất đẻ nước (người Mường)”, Tạp chí Văn học, số 2.
7. Hà Thị Thu Hương. “Tiếp cận văn hóa tộc người Việt Nam bằng con đường nghiên cứu so sánh truyện kể dân gian”, https://tailieu.vn/doc/tiep-can-van-hoa-cac-toc-nguoi-viet-nam-bangcon-duong-nghien-cuu-so-sanh-truyen-ke-dan-gian-1791801.html.
8. Hà Thị Thu Hương (2007). Mối quan hệ văn hóa Tày – Việt dưới góc độ thẩm mỹ qua một số kiểu truyện kể dân gian cơ bản. Luận án tiến sĩ. Hà Nội: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
9. Kiều Thu Hoạch (chủ biên) (2004). Tổng tập văn học Dân gian người Việt. Tập 4, 5. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
10. Sơn Phước Hoan, Sơn Ngọc Sang (1999). Truyện kể Khmer – tập 4. Hà Nội: NXB Giáo Dục
11. Sơn Phước Hoan, Sơn Ngọc Sang (1999). Truyện kể Khmer – tập 5. Hà Nội: NXB Giáo Dục.
12. Nguyễn Xuân Kính (2003a). Con người môi trường và văn hóa. NXB Khoa học xã hội.
13. Nguyễn Xuân Kính (Chủ biên) (2003b). Tổng tập Văn học dân gian người Việt. Tập 19. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
14. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2001). Văn học Dân gian Việt Nam. Hà Nội: NXB Giáo dục. Tái bản 2005.
15. Đặng Văn Lung (2004). Văn hóa Thánh Mẫu. NXB Văn hóa – Thông tin.
16. Nguyễn Tấn Đắc (1996). “Mối giao lưu và tương tác văn hóa giữa các dân tộc Đông Nam Á qua kiểu truyện kể Tấm Cám”. Tạp chí Văn học, 6, tr.19-23.
17. Hà Đình Thành (2002). “Tìm hiểu yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo trong một số truyện kể dân gian Tày, Nùng”. Thông báo Văn hóa Dân gian, tr.977-988.
18. Vũ Anh Tuấn (1984). “Suy nghĩ về một số biểu tượng đặc thù trong truyện cổ dân gian miền núi”. Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 2.
19. Sơn Sang, Lâm Xai, Thạch Xarat (1998). Chuyện kể Khmer. Tập 2. NXB Giáo Dục.
20. Huỳnh Ngọc Trảng (1983). Truyện cổ Khmer Nam Bộ. Hà Nội: NXB Văn hóa.
21. Huỳnh Ngọc Trảng (1987). Truyện Dân gian Khmer. Tập 2. NXB Hội Văn học – Nghệ thuật Cửu Long.
22. Huỳnh Ngọc Trảng (2002). Truyện dân gian Khmer. NXB Đồng Nai.
23. Đặng Nghiêm Vạn (2002). Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tập 3. Quyển 1, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.
24. Viện Văn học (1999). Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam. Hà Nội: NXB Giáo Dục.
25. Khoa Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ (1999). Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXB Giáo Dục.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 769 đến trang 779).
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Hình ảnh: Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com) chuyển tone màu ảnh sang màu sepia.