Vài nét về TỤC NGỮ MỚI (Phần 1)
SOME FEATURES OF THE NEW PROVERBS
LÊ THỊ HỒNG MINH
(Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)
1. Phần mở đầu
Tục ngữ, thành ngữ là những hiện tượng văn hóa, ý thức xã hội. Dòng chảy ngôn ngữ không ngừng vận động, biến đổi và luôn sản sinh, làm phong phú, mới mẻ cho đời sống ngôn ngữ. Trong những năm qua, bên cạnh việc sử dụng những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, còn thích sử dụng các cụm từ cố định mới (CTCĐM). Nhiều CTCĐM này có thể được xem là những câu tục ngữ, thành ngữ mới.
Rải rác đây đó, đã có một số bài viết ít nhiều đề cập đến hiện tượng này. Năm 2005, TS Trần Văn Tiếng có bài Con đường hình thành các cụm từ cố định trong tiếng Sài Gòn (in trong Một số vấn đề về phương ngữ xã hội của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, do TS Trần Thị Ngọc Lang làm chủ biên). Bài viết với phần phụ lục 800 cụm từ cố định (CTCĐ) được dùng từ trước tới nay ở Sài Gòn, đã có giới thiệu một số thành ngữ, tục ngữ và CTCĐM. Trong ấn phẩm này, Trần Văn Tiếng đã chỉ ra những con đường hình thành nên các CTCĐ. Năm 2011, Hứa Ngọc Tân và Vương Kế Cầm trong Hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt lần thứ nhất” đã có bài Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa cụm từ cố định mới tiếng Việt. Bài viết khảo sát từ 269 đơn vị mà tác giả sưu tầm được, chủ yếu là sưu tầm trong sinh viên, trên báo mạng, báo viết. Bên cạnh việc nói đến đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa, các tác giả còn bàn về khả năng ứng dụng cụm từ cố định mới trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Ngoài những công trình trên, đây đó trong một số bài nghiên cứu, đặc biệt là những bài có đề cập đến phương thức tạo từ mới, cũng có dẫn ra một số CTCĐM.
Như vậy, đã có một số công trình khảo sát về các CTCĐM nói chung nhưng chưa có bài nào nghiên cứu riêng về những câu tục ngữ mới. Đó là lý do để bài viết này ra đời. Bài viết của chúng tôi tập hợp, khảo sát một số đơn vị CTCĐ mà chúng tôi mạnh dạn xem là tục ngữ mới, vừa góp phần nghiên cứu về sự phát triển của ngôn ngữ, vừa giúp cho giáo viên dạy tiếng Việt cập nhật với đời sống ngôn ngữ hiện đại, đặc biệt là ngôn ngữ của giới trẻ, từ đó vận dụng vào việc dạy tiếng Việt hiệu quả hơn. Nó cũng góp phần làm cho việc học tiếng Việt của sinh viên nước ngoài thêm hứng thú.
Vậy, muốn tìm hiểu về tục ngữ mới, cần khu biệt nó với các CTCĐ khác. Theo Vũ Ngọc Phan, “Tục ngữ là một câu tự nó diễn đạt một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán, còn thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chứ là chưa phải là một câu hoàn chỉnh” (Vũ Ngọc Phan (1997): 39).
Để được xem là thành ngữ, tục ngữ mới, những CTCĐM mới này phải được sử dụng rộng rãi, lặp đi lặp lại và cần thời gian đi vào ổn định, cần độ lùi lịch sử để nhìn nhận, đánh giá.
Nguồn ngữ liệu mà chúng tôi khảo sát chủ yếu là từ báo chí, các chương trình truyền hình, một số tác phẩm các bạn trẻ viết gần đây, và tìm hiểu qua thực tiễn đời sống ngôn ngữ của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Chúng tôi cũng tìm kiếm ngữ liệu trên một số trang web cá nhân có sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao mới. Tuy nhiên, các trang web này sưu tầm phần lớn là ca dao và sao chép lẫn nhau nên các bài này ít có sự khác biệt.
Một số câu mà chúng tôi nêu ra có thể còn gây tranh cãi, bởi ranh giới giữa tục ngữ và ca dao hay tục ngữ với thành ngữ đôi khi khá mong manh. Nhất là với những câu tục ngữ được thể hiện dưới dạng lục bát, hoặc vừa thể hiện lý trí, vừa thể hiện tình cảm. Lại có những câu vừa có thể sử dụng trong một câu nói, như thành ngữ, vừa có thể sử dụng độc lập, như tục ngữ. Chúng tôi chọn những câu thiên về tính trí tuệ, kinh nghiệm, có thể dùng độc lập xếp vào thể loại tục ngữ.
2. Nội dung chính
2.1. Các loại tục ngữ mới
Các loại tục ngữ mới hình thành từ 2 phương thức: cải biên từ những đơn vị có sẵn và
sáng tạo từ thực tiễn đời sống.
2.1.1. Tục ngữ cải biên
Tục ngữ cải biên có thể được xem là những biến thể từ tục ngữ dân gian xưa. Nó có nhiều loại:
– Loại giữ nguyên cấu trúc và ngữ nghĩa
Có rất ít trường hợp tục ngữ mới (TNM) giữ nguyên cấu trúc và ngữ nghĩa tương tự với tục ngữ dân gian xưa (gọi tắt là tục ngữ xưa: TNX), như: Bỏ thì thương, vương thì… ớn (TNX: Bỏ thì thương, vương thì tội). Còn lại, phần lớn tục ngữ cải biên có sự thay đổi về ngữ nghĩa hoặc cấu trúc.
– Loại giữ nguyên cấu trúc nhưng thay đổi một vài từ để diễn tả ý tưởng mới
Chiếm tỷ lệ khá cao là những câu tục ngữ cải biên – hay còn gọi là tục ngữ “chế”, “nhại” – giữ nguyên cấu trúc ngữ pháp, nhưng thay đổi một vài từ, do đó, ngữ nghĩa thay đổi. Đây là loại “bình cũ, rượu mới”:
TỤC NGỮ DÂN GIAN XƯA | TỤC NGỮ MỚI |
Cái khó ló cái khôn. | Cái khó ló… cái ngu. |
Thất bại là mẹ thành công. | Thất bại vì ngại thành công. |
Có công mài sắt có ngày nên kim. | Có công mài sắt có ngày chai tay. |
Kiến tha lâu cũng đầy tổ. | Kiến tha lâu cũng có ngày mỏi cẳng. |
Con hơn cha là nhà có phúc. | Con hơn cha là nhà cãi lộn. |
Tiên học lễ hậu học văn. | Tiên học lễ hậu học …ăn. |
Bé cậy cha, già cậy con. | Bé cậy cha, già cậy… lương. |
Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. | Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho… lòi tiền ra. |
Một điều nhịn là chín điều lành. | Một điều nhịn là chín điều nhục. |
Ai làm người đó chịu/ Ai làm nấy chịu. | Ai làm… người khác chịu. |
Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. | Một con ngựa đau, cả tàu bỏ… chạy. |
Trăm hay không bằng tay quen. | Trăm hay không bằng tay… trong. |
Được ăn cả, ngã về không. | Được ăn cả, ngã… về hưu. |
Biến thể của tục ngữ có khi là một sự chơi chữ, dựa vào hiện tượng đồng âm khác nghĩa để tạo ra một cách hiểu mới:
TỤC NGỮ XƯA | TỤC NGỮ MỚI |
Có chí thì nên. | Có chí thì… ghê. |
Đầu bạc răng long. | Đầu bạc răng vàng. |
Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. | Trăm năm bia đá cũng mòn Ngàn năm bia…rượu vẫn còn trơ trơ. |
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. | Gần mực thì ..bia, gần đèn thì ..thuốc. |
Từ một câu tục ngữ xưa, TNM có thể có nhiều dị bản. Đó vừa là một đặc tính cơ bản của văn học dân gian, vừa là sản phẩm của thời đại công nghệ mới: sự phát triển của internet và mạng xã hội cho phép trong một thời gian ngắn, người ta có thể chia sẻ và bày tỏ ý kiến riêng của mình. Tâm lý lây lan, bắt chước đã giúp cho sự ra đời các biến thể mới thêm nhanh chóng và phong phú.
TỤC NGỮ XƯA | TỤC NGỮ MỚI |
– Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. | – Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá. – Ðồng vợ đồng chồng húp nồi canh cũng cạn. – Thuận vợ thuận chồng… rút của công mới dễ. |
– Cưới vợ thì cưới liền tay, Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha. | – Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày vật giá leo thang. – Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày thành vợ người ta. |
– Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. | – Gần mực thì ..bia, gần đèn thì ..thuốc. – Gần mực thì đen, gần đèn thì ..cháy. |
– Không thầy đố mày làm nên. | – Không thầy đố mày… ngồi yên. |
– Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa. | – Ăn kỹ no lâu, cày sâu mau mệt. – Ăn ít lâu no, ăn nhiều hao của. |
– Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. | – Cá không ăn muối cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con…đi. – Cá không ăn muối cá ươn, Chồng cãi lại vợ trăm đường thiệt thua. |
– Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. | – Ăn trong nồi, ngồi trong xó. – Ăn trông nồi, ngồi trông người/đứa bên cạnh. – Ăn trông nồi , ngồi… chờ dọn sẵn! – Ăn trông “mồi”, ngồi trông… phong bì. |
– Loại thay đổi số lượng từ nhưng ý chính hầu như giữ nguyên, không đổi:
TỤC NGỮ XƯA | TỤC NGỮ MỚI |
– Được voi đòi tiên. | – Được voi đòi Hai Bà Trưng. |
– Có độc mới đủ, Có phũ như chó mới giàu. | – Ki mới có, Chó mới giàu. |
– Loại phát triển thêm vế câu mới, và ý tưởng cũng thay đổi.
Từ một câu tục ngữ dân gian gốc, TNM phát triển thêm một vế câu mới (đôi khi nhiều vế), để thể hiện một ý tưởng mới. Công thức chung của dạng này là:
Vế 1 – TNX, vế 2 – ý tưởng mới
TỤC NGỮ XƯA | TỤC NGỮ MỚI |
– Vạn sự khởi đầu nan. | – Vạn sự khởi đầu nan, Gian nan bắt đầu nản. |
– Ôm rơm rặm bụng. | – Ôm rơm rặm bụng, Ăn vụng nhàn thân. |
– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. | – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Chặt cây nhớ coi chừng cảnh sát. |
– Cái nết đánh chết cái đẹp. | – Cái nết đánh chết cái đẹp, Cái đẹp đè bẹp cái nết. |
– Kính lão đắc thọ. | – Kính vợ đắc thọ. Sợ vợ sống lâu. Ðể vợ leo lên đầu là trường sinh bất tử. |
– Khôn ba năm dại một giờ. | – Khôn ba năm dại một giờ. Biết vậy dại sớm khỏi chờ ba năm. |
– Loại tục ngữ cải biên từ tên tác phẩm văn học, tên bài hát, nội dung thơ ca:
Trong lúc các CTCĐM có khá nhiều câu lấy tên tác phẩm, tên bài hát, câu thơ,… thì TNM có khá ít câu đi từ tác phẩm nghệ thuật: Một thời để yêu và một đời để trả nợ (gốc: lời bài hát Một thời để yêu và nhớ), Em nai vàng ngơ ngác, Quần chết bác ngựa săn (gốc: Con nai vàng ngơ ngác, Đạp lên lá vàng khô – thơ Lưu Trọng Lư, Tiếng thu).
Dù cải biên dưới hình thức nào thì tục ngữ cũng là sản phẩm của lịch sử. Nó cho thấy dấu ấn của thời đại mà nó sản sinh. Tục ngữ dân gian xưa thường có tính giáo dục, có khuynh hướng tích cực, hướng người nghe tới những giá trị tốt đẹp, động viên, khuyến khích họ kiên trì, bền bỉ phấn đấu để thành công. Tục ngữ mới thường có cách thể hiện ngược lại, mang tính tiêu cực, âm tính. TNX thường vừa có nghĩa cụ thể, vừa có nghĩa biểu trưng, có tính khái quát cao. Nhiều câu hàm chứa ý nghĩa sâu xa, ý tại ngôn ngoại. Khi cải biên, một bộ phận không nhỏ những câu TNM lại thường chỉ mang nét nghĩa cụ thể, nhận xét về một hiện tượng xã hội nào đó. Có phải là vì con người thời nay có cái nhìn bi quan về thời cuộc, cuộc sống hay có cái nhìn thiển cận hơn các thế hệ cha ông? Không hoàn toàn như vậy. Loại tục ngữ ít quan tâm đến nội dung này không hướng mục đích tới việc giáo huấn mà hướng tới việc gây cười, vì vậy ít có tính tư tưởng.
Những câu biến thể có giá trị đặc sắc về nội dung là những câu vừa có nghĩa hàm ngôn, vừa mang nghĩa hàm ẩn, và thường là những câu mang tính phản ánh, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Chẳng hạn, câu Được ăn cả, ngã… về hưu phê phán thực trạng việc những quan chức tham nhũng hiện nay khi đương chức thì ra sức bòn mót của dân, của nước, nếu không bị phát hiện thì “ăn cả”, nếu bị phát hiện thì dùng chiêu thức về hưu để hạ cánh an toàn. Khi về hưu thì vẫn ung dung tự tại. Không luật pháp nào xét xử họ – những con sâu đục khoét đất nước. Câu tục ngữ này còn có thể dùng để nói về những nước cờ quyền bính.
Câu Trăm hay không bằng tay… trong chỉ cái ghê gớm của sự móc ngoặc trong – ngoài đã vô hiệu hóa cái “trăm hay” của những người tài giỏi. Làm nhụt ý chí phấn đấu rèn luyện của những người trẻ.
Câu Tiên học lễ hậu học văn (先學禮後學文), chỉ thay đổi một chữ, đúng hơn là chỉ bỏ bớt một phụ âm (“văn” bỏ “v” thành “ăn”) mà câu TNM Tiên học lễ hậu học… ăn đã mang một ý nghĩa, một nội dung hoàn toàn mới mẻ, khác biệt, thậm chí đối lập với câu tục ngữ gốc. Ngày xưa đi học, trước phải học lễ nghĩa, sau mới học văn tự, chữ nghĩa, kiến thức. Câu tục ngữ mang tính giáo dục cao, hướng con người đến một phương châm sống: biết đối nhân xử thế, coi trọng lễ nghĩa, thuần phong mỹ tục của xã hội. Người có học trước hết phải là người có nhân phẩm, ứng xử có văn hóa, sau đó, phải là người có tri thức. Ngày nay, không ít người, muốn nên quan nên tước, trước học lễ lạt cấp trên, sau học ăn: ăn hối lộ của cấp dưới, ăn chặn, ăn bớt, bớt xén của công quỹ, của nhân dân, ăn hiếp những người thấp cổ bé họng,… Chữ “ăn” đã làm thay đổi căn cốt ý nghĩa chữ “lễ” trong câu tục ngữ xưa, khoác lên mình nó một phạm trù biểu đạt mới. Câu TNM chẳng những đã Việt hóa một câu tục ngữ gốc Hán, mà còn khái quát được một hiện tượng đang là vấn nạn của đất nước trong bước chuyển mình phát triển về kinh tế theo xu hướng của thời đại. Nó không dừng lại ở sự phản ánh mà còn hàm chứa thái độ phê phán. Dẫu chỉ có sáu chữ, nghe nhẹ như không, mà nó có sức công phá như một trái bom tấn. Có thể nói, sự học tập cổ nhân ở đây vô cùng sáng tạo và sự biến tấu hết sức đặc sắc, tài tình. Cả câu tục ngữ gốc lẫn câu tục ngữ cải biên đều đặc sắc, mỗi câu đặc sắc một cách.
Những câu TNM trên đều là những câu chỉ thay đổi một chữ thôi, nhưng ý tưởng mới lại đặc biệt hết sức thâm trầm, sâu sắc, giàu tính khái quát. Từ ngữ biến tấu sử dụng rất đắt, rất tài.
Một trường hợp khác: câu TNX Ăn trông nồi, ngồi trông hướng vốn giáo dục con người ta về sự ý tứ, tế nhị, lịch sự trong ăn uống, đứng ngồi, trong sinh hoạt hàng ngày. TNM sản sinh khá nhiều dị bản. Dị bản Ăn trông nồi, ngồi chờ… dọn sẵn thì phê phán sự lười nhác, trông chờ ỷ lại. Còn dị bản Ăn trông “mồi”, ngồi trông… phong bì lại chĩa mũi dùi công kích vào nạn phong bao, phong bì, một biểu hiện của tham nhũng và hối lộ, một vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam thời hiện tại. Cái đặc sắc của câu tục ngữ này nằm ở chữ “mồi”. Nó cũng khác TNX chỉ ở một phụ âm đầu (“m” trong “mồi” thay cho “n” trong “nồi”). Thế nhưng, chữ “mồi” ở đây vừa gợi người ta liên tưởng tới nghĩa “mồi nhậu”, vừa gợi người ta liên tưởng tới hình ảnh của những “con mồi”. Ăn trông “mồi” vẫn giữ được cái ý khi ăn uống phải ý tứ, đồng thời khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những bàn nhậu, những cuộc nhậu có mặt khắp nơi trên một đất nước mà đâu đâu, quán nhậu cũng mọc lên như nấm sau mưa, lượng tiêu thụ rượu, bia đứng hàng tốp đầu thế giới trong lúc kinh tế, GDP bình quân đầu người đứng sau tới một trăm mấy chục quốc gia (xếp ở thứ hạng 127/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính đến ngày 2/6/2017). Nó còn khiến ngưới ta liên tưởng tới hình ảnh của kẻ săn mồi, rình mồi, ăn thì phải trông “con mồi” của mình gầy hay béo, dữ hay hiền để mềm nắn, rắn buông, ăn nhiều hay ít,…
Do người nghe thường chuẩn bị tâm thế nghe một cái kết quen thuộc, nghiêm túc, nên khi TNM dẫn tới một cái kết bất ngờ, khó đoán, một sự “lệch chuẩn”, thì thường có tính chất hài, gây cười.
Mời xem:
Vài nét về TỤC NGỮ MỚI (Phần 2)
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đềNhững vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 780 đến trang 792)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)