Suy nghĩ về TÍNH CÁCH của CON NGƯỜI VIỆT NAM
PHAN THÀNH NHÂM
1.
Nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam là một công việc khó khăn và phức tạp đối với nhận thức, nhưng lại có ý nghĩa lí luận và thực tiễn to lớn đối với sự nghiệp xây dựng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trên cơ sở khảo cứu các công trình nghiên cứu về tính cách của con người Việt Nam cùng với một tư duy triết học biện chứng, tác giả bài viết đã đưa ra một cái nhìn khách quan về tính cách của con người Việt Nam, đặc biệt là một số nét tính cách truyền thống như tinh thần đề cao tập thể – cộng đồng, coi trọng tình nghĩa và hiếu học.
2.
Với sự ảnh hưởng của địa lí, lịch sử và truyền thống văn hoá mà tính cách của mỗi người Việt Nam mang đậm sắc thái riêng biệt, trong đó có cả mặt tích cực và mặt hạn chế. Tuy nhiên, ẩn sâu trong tâm lí của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua kho tàng folklore, có một thứ tâm lí nguy hiểm của người Việt Nam là tự ảo tưởng về chính mình. Tâm lí đó thể hiện qua những câu chuyện về những ông Trạng Chân đất, những ông Trạng Lợn, Xiển Bột là rất rõ. Tất nhiên, tâm lí đó không phải chỉ có ở riêng người Việt Nam nhưng điều đó càng có nghĩa là chúng ta phải nhận thức lại về chính mình. Nhận thức lại về chính mình không phải để phủ nhận các giá trị tốt đẹp ẩn chứa trong tính cách của con người Việt Nam đã góp phần tạo nên những kì tích trong lịch sử dân tộc, mà là để nhận thức khách quan hơn, toàn diện hơn, để thấy được bên cạnh những điểm tích cực, tốt đẹp thì còn có những yếu tố xấu, yếu tố tiêu cực đang ẩn chứa trong mỗi con người Việt Nam và được thể hiện ra thông qua hành vi của họ.
Thiết nghĩ từ trước đến nay, người Việt Nam đã tự khen mình quá nhiều, đến nỗi bây giờ ai bàn đến cái xấu, thì gần như người đó bị cả cộng đồng đặt vào vị trí của tiếng nói đối lập, bị coi là thiếu thiện chí. Nhưng trên thực tế việc chỉ ra những điều cần khắc phục trong tính cách của cả dân tộc luôn là điều tốt, có ý nghĩa tích cực đối với sự tiến bộ. Don Quyxote của Cervantes, AQ của Lỗ Tấn là những hình tượng sâu sắc về một kiểu tính cách dân tộc, thể hiện một cái nhìn tỉnh táo, mang đậm tính chất tự phê phán, đã góp phần không nhỏ trong sự thức tỉnh ý thức dân tộc và khơi dậy nỗ lực hoàn thiện tính cách dân tộc.
Vì lẽ đó, việc nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam cần phải vượt qua giới hạn của những nhận thức phiến diện và sự phê phán chỉ có tính phê phán. Bởi sự nhận thức khách quan và toàn diện về tính cách con người Việt Nam luôn là một yêu cầu quan trọng đối với nhận thức khoa học. Với quan điểm toàn diện thì ở mỗi con người về phương diện tính cách, đều có sự thống nhất giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực, giữa mặt tốt và mặt xấu. Ở mỗi vùng miền cũng như ở mỗi hoàn cảnh, con người lại bộc lộ nhiều hay ít những điểm tích cực hay những điểm tiêu cực, có tác động xấu đến xã hội ở mức độ khác nhau. Cổ nhân có câu: “Bách nhân, bách tính”, nghĩa là tính cách của con người không ai giống ai. Vì vậy, khi nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam, tôi không nhằm ám chỉ ai và cũng không có ý cho rằng tất cả con người Việt Nam đều có những đặc điểm tính cách này. Hơn nữa, đối với tư duy biện chứng thì nhận thức về cái phổ biến không hề loại trừ cái đặc thù và cái đơn nhất. Với suy nghĩ và cách tiếp cận như vậy, nên nội dung được nghiên cứu dưới đây, trước hết là sự tổng hợp một cách khách quan một số quan điểm tiêu biểu của các nhà nghiên cứu về tính cách của con người Việt Nam.
Có thể thấy rằng, sự nghiên cứu một cách khách quan về tính cách của con người Việt Nam đã được thể hiện trong một số công trình nghiên cứu về tâm lí, văn hoá và lịch sử dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu trong những công trình ấy có thể kể đến tác phẩm “Việt Nam văn hoá sử cương” của Đào Duy Anh. Trong tác phẩm này, ông đã đưa ra những nhận xét mang tính khái quát như sau: “Về tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít có người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức kí ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phụ hoạ hơn thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn, cực khổ hay nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh. Thường thì nhút nhát và chuộng hoà bình, song ngộ sự thì cũng biết hi sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng có tính nguyên lai từ thời thượng cổ mà có thay đổi chút ít, cũng có tính do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành, cho nên ta đừng xem những tính chất ấy là bất di bất dịch” 1. Sau khi Giáo sư Đào Duy Anh đưa ra những nhận xét mang tích chất khái quát về những mặt tích cực và tiêu cực trong tính cách của con người Việt Nam được nêu như trên thì gần như chưa có ai bác bỏ điều này và theo nhà nghiên cứu Phạm Minh Hạc thì các nhận xét này đều có thực và có thể dùng để so sánh với tâm lí qua các công trình nghiên cứu về con người Việt Nam và nguồn nhân lực từ góc độ tâm lí học phục vụ cho công cuộc xây dựng con người mới đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Những nhận xét của tác giả Đào Duy Anh có thể chia thành hai nhóm tính cách của con người Việt Nam. Đó là những tính cách tích cực như thông minh, sức kí ức phát đạt, giàu trí nghệ thuật, giàu trực giác, ham học, thích văn chương, phù hoa, phán đoán, thiết thực, giỏi chịu đau đớn, cực khổ, chuộng hoà bình, biết hi sinh về đại nghĩa, giỏi bắt chước, thích ứng và dung hoà, trọng lễ giáo. Và những tính cách tiêu cực như ít mộng tưởng, chậm chạp, hay nhẫn nhục, tính khí nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang, ưa hư danh, thích cờ bạc, hay bài bác chế nhạo. Tất nhiên sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối, bởi mặt tích cực cũng chứa đựng ở trong nó những yếu tố tiêu cực và ngược lại.
Ngoài những phác thảo mang tính khái quát chân dung tâm lí con người Việt Nam, giới nghiên cứu còn được tiếp cận với một ý nghĩa khác về tính cách con người Việt Nam mà thực chất là người nông dân Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên. Trong tác phẩm “Văn minh Việt Nam”, Nguyễn Văn Huyên đã nhấn mạnh những đức tính quý báu như cần cù, nhẫn nại, khả năng chịu đựng cao, đầu óc thực tế, nếp nghĩ thiên về tình cảm, có chất nghệ sĩ, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp lớn, tế nhị, hài hước, thông minh linh hoạt, hiền lành, phục thiện. Điều đáng chú ý là Nguyễn Văn Huyên đã nêu bật và đề cao những đức tính của người Việt Nam như: yêu chuộng độc lập tự do, ý thức dân tộc, ý thức thống nhất mạnh mẽ,… Điều này đã được lịch sử, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta trong thế kỉ XX chứng minh và không ai có thể phủ nhận. Ngoài ra, Nguyễn Văn Huyên còn nêu ra một số mặt tiêu cực cần phải thay đổi trong tính cách của con người Việt Nam như tính tự ái, bệnh sĩ diện, lối học nhồi nhét kiến thức “học nhiều kinh sách đầy trí nhớ” thui chột khả năng tư duy sáng tạo, đa số các trí thức nghĩ rằng nghề làm quan là con đường vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng mà lại đem đến nhiều vinh hiển nhất.
Tính cách của con người Việt Nam cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các học giả nước ngoài như Piere Gourou, Paul Mus và nhà văn Pháp Boissière. Đặc biệt là Viện Nghiên cứu xã hội Mĩ đã nghiên cứu về con người Việt Nam và đưa ra những nhận xét mang tính gợi mở cho việc nghiên cứu tính cách con người Việt Nam như: “người Việt Nam cần cù lao động, song dễ thoả mãn nên tâm lí hưởng thụ còn nặng; thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động; khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít khi quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm); vừa thực tế, vừa mơ mộng, nhưng không có ý thức nâng lên thành lí luận; ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, nhưng ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không còn là mục tiêu tự thân của nhiều người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn học vì sĩ diện, để kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí đam mê); xởi lởi chiều khách song không bền; tiết kiệm, nhưng cũng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời,…); có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này ít khi xuất hiện; yêu hoà bình, nhẫn nhịn, nhưng nhiều khi hiếu chiến, hiếu thắng vì những lí do tự ti lặt vặt, đánh mất đại cục; thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo thành sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)” 2. Có thể thấy rằng, đây là những nhận định tương đối khách quan mang tính khái quát của người nước ngoài về tính cách của con người Việt Nam và có nhiều điểm tương đồng so với các học giả trong nước, đáng để chúng ta quan tâm nghiên cứu và làm rõ.
Mặc dù các học giả Việt Nam và nước ngoài đã đưa ra gần như một bảng tổng hợp về những tính cách của con người Việt Nam một cách tương đối toàn diện, đầy đủ và xác thực. Sự định khuôn về tính cách con người Việt Nam của Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên và Trần Trọng Kim tuy mới chỉ là những nhận xét định tính, nhưng đã chỉ ra được những nét điển hình cả tích cực lẫn tiêu cực ở con người Việt Nam, thực chất là người nông dân Việt Nam. Với những nhận định khái quát của các học giả trên về tính cách của con người Việt Nam cho ta thấy sự khách quan trong nghiên cứu. Tuy nhiên, những nhận định trên chỉ mang tính khái quát, mang tính định hướng chung với những hình dung ban đầu về tính cách con người Việt Nam. Việc nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam cần phải được nâng lên thành tầm lí luận, tính tương tác, tính mâu thuẫn nội tại của mỗi đức tính cần phải được chú ý hơn.
Với quan điểm biện chứng, trong tính cách của con người Việt Nam có cả những mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng ngay trong mặt tính cực hay tiêu cực đó cũng phải hiểu thật biện chứng, tức là trong mặt tốt cũng có những cái chưa tốt, hoặc tốt lúc này, xấu lúc khác và ngược lại. Thậm chí những tính cách của con người Việt Nam đã trở thành truyền thống đạo đức cũng có những mặt tích cực và mặt tiêu cực tồn tại trong sự vận động và chuyển hoá lẫn nhau. Tại thời điểm lịch sử này, những nét tâm lí, tính cách truyền thống nào đó được xem là tính cực, nhưng sang giai đoạn lịch sử khác có thể bị xem là tiêu cực và ngược lại. Vì vậy, khi nói về biện chứng giữa thiện và ác, Ph. Ăngghen đã khẳng định: “Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về thiện và ác đã biến đổi nhiều đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau” 3.
Rõ ràng, tính cách của con người Việt Nam luôn tồn tại trong sự thống nhất và chuyển hoá lẫn nhau giữa các mặt đối lập. Mọi sự tuyệt đối mặt tích cực hay tiêu cực, hoặc thừa nhận tính hai mặt nhưng không thấy được sự thống nhất và chuyển hoá giữa chúng đều là biểu hiện sai lầm trong nhận thức. Vì lẽ đó, dưới đây sẽ là sự luận giải một số hạn chế trong những nét tính cách vốn đã được xem là giá trị truyền thống của con người Việt Nam như tinh thần đề cao tập thể – cộng đồng, coi trọng tình nghĩa và hiếu học.
Về tính cách coi trọng cộng đồng. Với điều kiện phải chống lại thiên tai, một hiện tượng xảy ra hàng năm, phải chống lại địch hoạ với các cuộc xâm lược của ngoại bang lớn mạnh hơn mình gấp bội, cho nên yếu tố cộng đồng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Long thì các yếu tố cá nhân tuy từ trong bản chất đã là rất riêng, nhưng trong lịch sử thì lúc nào nó cũng phải quan hệ, phải tương quan với yếu tố cộng đồng. Và như thế cộng đồng lại lấn át cá nhân, bao trùm lên cá nhân và làm hạn chế động lực phát triển của mỗi cá nhân. Nhưng không có con đường nào khác vì dù cá nhân có muốn vươn lên, muốn trỗi dậy thì sẽ gặp phải không ít khó khăn trong khi cả xã hội cũng như mỗi người vẫn cần phải có cộng đồng, không thể thiếu vắng cộng đồng và chính sự cố kết cộng đồng mới tạo ra sức mạnh chống giặc ngoại xâm.
Coi trọng cộng đồng đã trở thành một tính cách truyền thống cơ bản của con người Việt Nam, là một giá trị rất căn bản trong toàn bộ văn hoá nhân cách Việt Nam, là điểm xuất phát, là cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức dân tộc. Rõ ràng, tính cộng đồng cao là một nét tâm lí, một nét tính cách của người Việt Nam có chứa đựng nhiều giá trị, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hạn chế. Cộng đồng được đề cao quá mức đã ức chế sự phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển cá nhân vì cộng đồng không chấp nhận cá nhân đứng ngoài cộng đồng. Chính Albert Einstein khi nói về mối quan hệ giữa cộng đồng và cá thể đã khẳng định: “Chỉ cá thể đơn lẻ mới có tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng” và “một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội” 4
Về tính cách coi trọng tình nghĩa. Thái độ coi trọng tình nghĩa ở người Việt Nam, từ rất sớm đã được thừa nhận và cho tới ngày nay, các bậc cao niên vẫn thường xuyên khuyên nhủ thế hệ sau giữ gìn truyền thống tương thân tương ái này. Và sự thật thì cho đến ngày nay, khi cơ chế thị trường đã bén rễ trong xã hội Việt Nam, duy tình vẫn là phương thức ứng xử còn giữ được sức mạnh truyền thống của nó, có tác dụng tích cực, tạo nên sức mạnh của sự cố kết cộng đồng, nếp sống chan hoà, cởi mở và giàu tính nhân văn của con người Việt Nam như tinh thần “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá rách”; và quả thật giá trị tính cách này cũng có mặt trái của nó. Theo Hồ Sĩ Quý, ở giá trị hàng đầu này của người Việt Nam, nếu không tính đến những biểu hiện của giá trị trái dấu của nó là thái độ coi thường đạo lí, bất chấp tình nghĩa,… thì ngay bản thân giá trị này vẫn có những sắc thái hai mặt khá rõ và trong không ít trường hợp nó vẫn có thể là giá trị nhưng lại lỗi thời. Việc tôn trọng tình nghĩa tới mức “cá chuối đắm đuối vì con”, “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “xương cha, da mẹ” đương nhiên không phải là giá trị dương trong mọi hoàn cảnh. Rõ ràng, tính cách coi trọng tình nghĩa đến mức duy tình của con người Việt Nam là có tính hai mặt. Tính chất tích cực hay tiêu cực của thái độ này là do hoàn cảnh quy định. Trong thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, duy tình tới mức coi thường hiến pháp và pháp luật, “phép vua thua lệ làng”, “một trăm cái lí không bằng một tí cái tình” thì khó có thể chấp nhận được và sự chi phối bởi kiểu tư duy “gia đình trị” và “con ông cháu cha” đã dẫn đến bất bình đẳng trong việc đánh giá và dùng người. Ngoài ra, duy tình cũng chính là rào cản đối với sự phát triển của khoa học, bởi tư duy phê phán, kể cả là phê phán khoa học và cách mạng cũng khó có thể được chấp nhận ở những quốc gia có truyền thống này.
Về tinh thần hiếu học. Sự khủng hoảng của giáo dục, của nhận thức trong những năm gần đây đã dẫn đến một loạt hệ quả xấu cho xã hội, cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại bùng nổ mạnh mẽ, tri thức của nhân loại tăng lên từng ngày, từng giờ theo cấp số nhân. Chính vì vậy, tính ham học của người Việt Nam đã trở thành truyền thống cần được nhìn nhận, nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan nhất.
Người Việt Nam được các dân tộc khác thừa nhận là có tinh thần hiếu học, cộng với bản chất “thông minh vốn sẵn tính trời” và một nền giáo dục có truyền thống cả ngàn năm đáng lẽ Việt Nam phải có nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới trong các lĩnh vực khoa học. Nhưng trên thực tế, có thể thấy dân tộc Việt Nam đang tụt hậu về nhận thức và không có những nhà khoa học tầm cỡ thế giới như các dân tộc có tính hiếu học khác. Như vậy, rõ ràng, trong bản thân tính hiếu học của người Việt Nam đã ẩn chứa những hạn chế, những mặt tiêu cực của nó. Tuy nhiên, với sự phân cực một cách siêu hình và máy móc trong nghiên cứu thì chắc chắn tính hiếu học chỉ được nhìn nhận với tư cách là một trong những mặt tích cực của tính cách con người Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh là những người đã sớm nhận thấy những hạn chế trong tính ham học của con người Việt Nam, các ông đã phê phán việc học không biết cách, chỉ học theo lối mòn, giỏi bắt chước và thiếu tính sáng tạo. Chính giáo sư Hoàng Tuỵ cũng đã cho biết từ lâu, qua kinh nghiệm giảng dạy, ông đã nhận thấy một số đặc điểm có tính hạn chế chung của nhiều thế hệ học trò: thiếu khả năng đào sâu trong tư duy, thiếu đầu óc tưởng tượng, thiếu khả năng kiên trì, đi đến cùng trong những tham vọng đạt bằng được những thành tựu đỉnh cao. Việc có phát huy được những giá trị, những mặt tích cực của tính hiếu học hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc nhận thức và phát hiện ra những mặt hạn chế, những mặt tiêu cực trong tính cách hiếu học, ham học của con người Việt Nam.
Những hạn chế trong tính ham học của con người Việt Nam bị quy định bởi bối cảnh lịch sử, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội và cũng không phủ nhận sự tác động của các yếu tố thuộc về tộc người, các yếu tố sinh học tự nhiên. Nhận thức của người Việt Nam sớm bị quy định bởi điều kiện sản xuất nông nghiệp lúa nước, tư duy kinh nghiệm được đề cao và coi trọng một cách thái quá cho nên tư duy lí luận là điểm yếu trong quá trình nhận thức và học tập.
Người Việt Nam gần như rất ít khi xem học tập, nhận thức là một nhu cầu thực sự của cuộc sống mà chủ yếu xem học tập là một phương tiện để thoả mãn các nhu cầu khác. Ngay từ thời xa xưa, người Việt Nam chúng ta đã coi học hành là phương tiện để đổi đời, để làm quan. Bao nhiêu năm sôi kinh nấu sử cũng chỉ để chờ một ngày vượt vũ môn “cá chép hoá rồng”, thoát cảnh nghèo khó bần hàn. Sự học không đem lại niềm vui thực sự cho người học, cái đem lại niềm vui là hệ quả của nó – vinh hoa phú quý, tiền tài danh lợi. Với tinh thần hiếu học như vậy, chân lí khoa học chưa bao giờ được coi trọng, nhận thức không phải để tìm ra chân lí, mà để đạt được những mục đích khác, hơn nữa, nhận thức và thực tiễn thường không thống nhất với nhau. Và rất có thể việc học tập bị chi phối bởi những nhu cầu và mục đích khác như: nhỏ học vì gia đình, vì bố mẹ, lớn lên học vì sĩ diện với bạn bè, với người thân, để kiếm công ăn việc làm sẽ là một quá trình tha hoá trong học tập, các giá trị sống không được khẳng định mà bị phủ định, tư duy trọng bằng cấp và chạy theo bằng cấp diễn ra phổ biến.
Sự thật trần trụi về sự hiếu học của người Việt Nam hiện nay sẽ lộ ra sau mỗi mùa thi đại học. Chúng ta đã chứng kiến biết bao học sinh có thừa trí tuệ để trở thành nhà vật lí, nhà hoá học tương lai nhưng lại sẵn sàng từ bỏ niềm đam mê và thế mạnh của chính mình để lao vào các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng với suy nghĩ sau này mảnh bằng kiếm được từ những ngôi trường ấy sẽ giúp đem lại thu nhập cao hơn, trong khi dấn thân vào khoa học chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp về vật chất. Hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần phải thay đổi sự tôn vinh các “tiến sĩ” bằng sự tôn vinh tri thức, tôn vinh chân lí khoa học.
__________
1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB TP Hồ Chí Minh, 1992, tr. 24.
2. Nhiều tác giả, Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2009, tr. 112-113.
3. C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập, tập 20, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 135.
4. Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, tr. 24.
3.
Tóm lại, trong tính cách nói chung của con người Việt Nam và từng nét tính cách nói riêng đều ẩn chứa cả cái tốt và cái xấu, giá trị và phản giá trị trong mối quan hệ hết sức biện chứng được thể hiện rất rõ trên các phương diện khác nhau của cuộc sống. Sự nhận thức khách quan và khoa học về những tính cách tiêu biểu của con người Việt Nam có ý nghĩa cả phương diện nhận thức và phương diện thực tiễn – thực tiễn chấn hưng đất nước và phát triển dân tộc.