VĂN HÓA XƯNG HÔ trong GIAO TIẾP

NGUYỄN THỊ TUYẾT THANH *
NGUYỄN THỤY NGỌC QUỲNH **
(* Tiến sĩ, ** Giảng viên Ngành Trung Quốc học )

Lời nói đầu

     Ngôn ngữ là sản phẩm tất yếu của quá trình giao tiếp nhằm thoả mãn một trong những nhu cầu thiết yếu bảo đảm sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vấn đề xưng hô rất được coi trọng và được xem như tiền đề của cuộc thoại. Nếu xưng hô không chính xác có nghĩa xác định sai mối quan hệ giữa các vai giao tiếp khiến cho cuộc thoại sẽ gặp trở ngại. Đối với dân tộc Việt do ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, với sự ràng buộc của tư tưởng tam cương, ngũ thường đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý, tình cảm của mỗi thành viên trong xã hội Việt Nam  suốt bao thế hệ. Vì vậy, hệ thống các từ xưng hô trong tiếng Việt, việc lựa chọ các từ xưng hô trong giao tiếp của người Việt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mang ý nghĩa nhân văn, nội hàm văn hóa sâu sắc.

1.Tầm quan trọng của xưng hô trong giao tiếp

     Xưng hô trong tiếng Việt đã hiển nhiên trở thành một vấn đề văn hoá giao tiếp với nội hàm phong phú, sâu sắc. Xưng hô còn là vấn đề tâm lý xã hội trong giao tiếp được tuyệt đại đa số các thành viên trong xã hội quan tâm, và coi nó như một nguyên tắc ứng xử hết sức cần thiết trong các mối quan hệ xã hội. Trong các yếu tố văn hoá, cách ứng xử khi giao tiếp xã hội mà nổi bật là vấn đề lựa chọn cách thức xưng hô như thế nào để thoả mãn mục đích giao tiếp là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

     Trong tiếng Việt, xưng hô rất được coi trọng trong các mối quan hệ giao tiếp. Các từ xưng hô trong tiếng Việt mang sắc thái biểu cảm rất rõ như: kính trọng, thân mật, suồng sã, khinh thường…Việc lựa chọn hoặc thay đổi các từ xưng hô phụ thuộc vào mức độ tình cảm giữa các bên tham gia giao tiếp. Trong ngữ cảnh nhất định, kết hợp với yếu tố ngữ điệu, người ta có thể xác định được ngữ nghĩa của các từ xưng hô. Thông qua xưng hô, có thể truyền tới người nghe những cảm nhận về sự vui, buồn, yêu, ghét…Có thể thấy người Việt đều rất coi trọng tôn ti, đời sống tình cảm tinh tế. Đồng thời cũng thông qua xưng hô để thấy được những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt nam. Xưng hô còn được xem như một nghệ thuật trong giao tiếp.

2. Đặc điểm xưng hô trong giao tiếp của người Việt

      Do các đại từ nhân xưng chính danh trong tiếng Việt hạn chế về số lượng và phạm vi sử dụng, nhưng nhờ có hệ thống các danh từ thân tộc lâm thời được sử dụng trong chức năng xưng hô, khiến cho hệ thống từ xưng hô tiếng Việt trở nên rất phong phú. Nhờ vậy mà xưng hô trong tiếng Việt còn mang sắc thái biểu cảm rõ rệt, phân biệt được tôn ti, giới tính… Ứng với một kiểu xưng hô biểu thị một mối quan hệ khác nhau, sắc thái biểu cảm cũng khác nhau. Chính điều này đã làm cho xưng hô trong tiếng Việt có nội hàm phong phú [1].

     Trong tiếng Việt ngoài các đại từ nhân xưng chính danh còn có một hệ thống các danh từ xưng hô thân tộc tham gia chủ yếu vào các hoạt động giao tiếp của người Việt. Những đặc trưng về xưng hô này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn trong văn hoá xưng hô của dân tộc Việt. Mặt khác, tư tưởng Nho gia đã tác động mạnh tới văn hóa truyền thống Việt Nam. Nguyên tắc xưng khiêm, hô tôn đã phản ảnh một cách rõ nét về sự kết hợp giữa quan niệm về gia tộc với luân lý đạo đức, coi trong tôn ti, trọng tuổi tác.

3. Phân loại các từ xưng hô trong tiếng Việt

     Trong tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học như Nguyễn Kim Thản (1963), Lê Cận, Cù Đình Tú, Hoàng Tuệ (1962), Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung (1998) cũng phân loại từ xưng hô tiếng Việt ra thành các nhóm: xưng hô bằng đại từ nhân xưng chính danh, xưng hô bằng danh từ thân tộc, ngoài ra còn xưng hô bằng các danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp, xưng hô bằng họ tên… [2].

     – Xưng hô bằng đại từ nhân xưng chính danh:

              Ngôi thứ nhất số ít (tự xưng):    Tôi, tao, tớ

                         Ngôi thứ nhất số nhiều (tự xưng): chúng tôi, chúng tao, chúng tớ.

               Ngôi thứ hai số ít (đối xưng):    mày, mi

                         Ngôi thứ hai số nhiều (đối xưng): chúng mày, chúng mi

              Ngôi thứ ba số ít (vắng mặt):    nó, hắn, y, thị

                         Ngôi thứ ba số nhiều (vắng mặt): chúng nó       

     – Xưng hô bằng danh từ thân tộc: Ông, bà, anh, chị, chú, bác, cô, dì

     – Xưng hô bằng họ tên, như: Lan, Huệ, Cường, Minh...

     – Xưng hô bằng danh từ nghề nghiệp, chức vụ như: Bác sĩ Thành, Kỹ sư Nam…

     Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng chính danh ở cả ba ngôi số ít và số nhiều đều hạn chế về số lượng. Sắc thái biểu cảm của những từ xưng hô này thường là suồng sã, không lịch sự, ngoại trừ đại từ “tôi” mang sắc thái trung hoà. Vì vậy, các từ xưng hô này chỉ được dùng trong phạm vi hẹp. Ví dụ: Trong tiếng Việt, khi tự xưng ở vai ngang hàng và vai dưới biểu thị ngữ khí suồng sã, thân mật, khách sáo… thường sử dụng ba đại từ nhân xưng chính danh: “tôi, tao, tớ”.

     Tương ứng với nó, khi tự xưng ở vai trên lại dùng các danh từ xưng hô thân tộc trong các trường hợp biểu thị ý nghĩa kính trọng, lịch sự…“ông, bà, cha, mẹ, bác, anh, cô, chú… Khi tự xưng ở vai dưới, biểu thị ngữ khí khiêm nhường thường dùng các danh từ xưng hô thân tộc như “ em, con, cháu..”

     Do sự hạn chế về ngữ nghĩa của những đại từ nhân xưng chính danh mà xưng hô trong tiếng Việt chủ yếu dùng các danh từ chỉ quan hệ thân tộc được lâm thời dùng trong chức năng xưng hô chiếm vị trí quan trọng về số lượng, tần số sử dụng và đặc biệt là nghĩa ngữ dụng đa dạng, linh hoạt [3]. (3)

4. Nội hàm văn hóa của các từ xưng hô tiếng Việt

     Trong giao tiếp của người Việt, ứng với một cách xưng hô là biểu thị một mối quan hệ khác nhau, mức độ tình cảm cũng khác nhau. Trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng chính danh ở cả ba ngôi được sử dụng trong phạm vi hẹp, chỉ dùng trong quan hệ ngang bằng về tuổi tác, địa vị xã hội, hoặc chỉ dùng xưng hô giữa những nhóm người có địa vị thấp kém. Vì vậy, các đại từ nhân xưng chính danh thường dùng khi biểu thị ngữ khí suồng sã, khinh bỉ, tức giận, cũng có khi dùng để xưng hô thân mật trong mối quan hệ bạn bè. Ví dụ: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít “tôi” tự xưng về mình trong giao tiếp với người lạ, ngữ khí khách sáo, hoặc tự xưng về mình khi báo cáo, nói chuyện trước đông người. Cấp trên xưng hô với cấp dưới, xưng hô giữa thủ trưởng và nhân viên trong cơ quan, hoặc xưng hô giữa những người ngang hàng về tuổi tác. Kiểu xưng hô này thường dùng trong quan hệ khác giới. Ngoài ra để biểu thị sự khiêm tốn, có lúc còn dùng đại từ “chúng tôi” để thay thế cho đại từ “tôi”. (thường dùng tự xưng bản thân một cách trang trọng trước đông người). ví dụ:

     1. Chị cho tôi hỏi cửa hàng chiều mấy giờ mở cửa? (giao tiếp với người lạ, ngang bằng về tuổi tác).

     2. Tôi mới về công ty, mong nhận được sự giúp đỡ của các anh chị.( xưng hô với đồng nghiệp, ngữ khí khách sáo).

     3. Tôi (chúng tôi) xin được trình bày nội dung của báo cáo. (tự xưng khi báo cáo trước hội nghị, ngữ khí trang trọng, khiêm tốn).

     4. Vấn đề này tôi (chúng tôi) đã tìm hiểu nhưng chưa được thấu đáo. (nói chuyện trước đông người, thể hiện sự tự tin, trân trọng người đồng thoại).

     5. Tôi xin thay mặt Ban Giám hiệu biểu dương tinh thần vì học sinh của quý thầy cô. (Hiệu trưởng xưng hô với đồng nghiệp là cấp dưới).

     6. Bác với tôi tuổi tác cũng lớn nên nghỉ ngơi. (ngang bằng về tuổi tác, quan hệ hàng xóm hoặc đồng nghiệp).

     7. Thưa thầy Hiệu trưởng, tôi xin báo cáo về tình hình hoạt động của khoa Công nghệ thông tin. (xưng hô với cấp trên, lịch sự, tự tin, dùng trong báo cáo).

     Sự thay đổi cách xưng hô trong tiếng Việt còn biểu thị sắc thái biểu cảm. (chỉ quan hệ tốt lên hay xấu đi). Ví dụ: Quan hệ đang thân mật dùng “tôi” chỉ sự lạnh lùng, tức giận. Trong quan hệ vợ chồng xưng hô bằng “tôi” chỉ sự hờn dỗi, tức giận. Trong quan hệ giữa bố mẹ và con cái, khi người bố hay người mẹ xưng hô “tôi” với con cái, thường mang ngữ khí tức giận, không hài lòng. Ngược lại, trong gia đình con cái không xưng hô “tôi” với ông bà, cha mẹ. Trong giao tiếp xã hội, người nhỏ tuổi không xưng hô “tôi” với người lớn tuổi, có một vài địa phương con cái theo thói quen vẫn xưng “tôi” với ông bà cha mẹ. Trường hợp tự xưng “tao”, “tớ” và xưng hô người đồng thoại là “mày” “mi”, cách xưng hô này chỉ dùng để xưng hô thân mật giữa bạn bè, hoặc xưng hô với người nhỏ tuổi, biểu thị ngữ khí thân mật, cũng có khi chỉ sự tức giận.

     Trong tiếng Việt, ý nghĩa cụ thể của các đại từ chỉ người nói và người nghe thay đổi tùy theo từng tình huống giao tiếp. Người tự ngôn ‘tôi’, người được xưng hô là ‘ông, anh, chị, em, con, chu…’trong câu sẽ có thay đổi vai, các danh từ thn tộc được đại từ hoá và được dùng linh hoạt, đồng thời có thể kiêm nhiệm ở cả ba ngơi, ngôi thứ nhất (vai người nói), ngôi thứ hai (vai người nghe) và ngôi thứ ba (vai người được nói đến). Hiện tượng đa ngôi này chỉ cĩ ở cc từ xưng hô thân tộc

     Trong tiếng Việt, để xưng hô ngôi thứ ba số ít thường kết hợp với các danh từ chỉ người tạo nên ngữ đồng vị, khiến cho người nghe dễ ràng phân biệt được đối tượng nhắc đến, hiện tượng tạo thành ngữ đồng vị không có chức năng phân biệt giống mà chỉ có chức năng miêu tả đoạn lời nói. Ví dụ: các danh từ xưng hô: ông ấy, bà ấy, anh ấy, chị ấy, cô ấy…” trường hợp không xác định dùng “hắn” “y” “” “thị”, trường hợp xưng hô người nhỏ tuổi hơn mình mới dùng “”.

     Do đại từ nhân xưng chính danh tiếng Việt rất ít, và lại không mang sắc thái lịch sự (trừ đại từ nhân xưng “tôi”ngôi thứ nhất ), vì vậy trong tiếng Việt đã sử dụng hệ thống danh từ thân tộc lâm thời làm từ xưng hô. Chính nhờ đặc điểm này, người Việt chỉ thông qua cách xưng hô có thể phân biệt được mối quan hệ giữa họ là thân hay sơ, là quan hệ huyết thống hay quan hệ phi huyết thống… Đồng thời cũng thông qua xưng hô mà biết được sắc thái biểu cảm giữa các bên tham gia đối thoại là: vui, buồn, giận, hờn, khách sáo, thân thiết, xa lạ…

Kết luận

     Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, con người không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ gia đình, làng xóm. Giao tiếp ngày càng mở rộng khi con người có những nhu cầu cao hơn về giao lưu không chỉ trong nước mà còn cả với bè bạn năm châu.

     Xưng hô không chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ, xưng hô còn là yếu tố văn hóa, là bộ phận quan trọng trong giao tiếp.

    Trong tiếng Việt, do các đại từ nhân xưng chính danh có những hạn chế về sắc thái biểu cảm, nên xưng hô của người Việt phần lớn đều dùng các danh từ xưng hô thân tộc. Chính yếu tố này đã làm cho hệ thống từ xưng hô tiếng Việt trở nên phong phú, nó diễn tả được quan hệ tôn ti, thân sơ trong gia đình, trong xã hội của người Việt. Việc lựa chọn cc từ xưng xưng hô sao cho phù hợp với các vai giao tiếp trên nguyên tắc xưng khiêm hô tôn. Kính trọng, lễ phép, lịch sự với người đồng thoại, khiêm nhường, nhã nhặn đối với bản thân. Đó chính là nét văn hóa mang đậm màu sắc của dân tộc Việt Nam.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Thị Nụ (2003), Ngữ nghĩa nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học.

2. Nguyễn Văn Chiến (1993), Từ xưng hô trong Tiếng Việt, Tạp chí những vấn đề ngôn ngữ học và văn hóa, ĐHSPNN HN.

3. Nguyễn Văn Tu (1996), Về cách xưng hô trong cơ quan nhà nước, đoàn thể,

trường học, TCNN (1), – 11.

4. Nguyễn Thị Tuyết Thanh, (2007), Ngữ nghĩa và ngữ pháp của đại từ tiếng Hán so sánh với lớp từ tương đương trong tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn ĐH KHXH&NV ĐHQG TP. HCM.

5. Nguyễn Như Ý (1990), Vai trò xã hội và ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp, TCNN 3.

6. Trương Thị Diễm (2002), Từ xưng hô có nguồn gốc danh từ thân tộc trong giao tiếp Tiếng Việt. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. ĐHKHXH&NV ĐHQG TP.HCM.

__________
[1] Nguyễn Thị Tuyết Thanh.2007, luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Sách đã dẫn tr.26.

[2] Nguyễn Thị Tuyết Thanh.2007, luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Sách đã dẫn tr.37.

[3] Dương Thị Nụ (2003), Ngữ nghĩa nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học. Sách đã dẫn tr.45.

Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập (Nguồn:https://chandat.net)