Hiện tượng THỜ ĐỊA MẪU tại HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ HIỀN
(Thạc sĩ, Viện Âm nhạc Việt Nam)

1. Đặt vấn đề

     Với quan niệm đa thần, tin vào sự tồn tại của linh hồn nên người xưa đã thờ rất nhiều thần linh, đặc biệt là những sự vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông, núi,… để gặp được may mắn. Theo nghiên cứu của Leopold Cadiere, tâm thức của người Việt rất đa dạng, họ có thể thờ hoặc kiêng kị bất cứ điều gì họ tin rằng có thể phạm đến thần. Ông đã nêu lên sự vất vả của người phụ nữ An Nam lúc bấy giờ với bao lo lắng, gánh nặng đổ lên vai khiến họ tin vào các hữu thể siêu nhiên nhiều hơn đàn ông. Trong cuộc sống bỗng nhiên có tiếng quạ kêu, chuột rúc, chim sa, cá nhảy,… họ cũng nghĩ rằng đó là một điềm báo gì đấy [1]. Như vậy, tâm thức của người Việt luôn chịu tác động của thế giới siêu nhiên. Lúc đói khổ họ cầu xin thần linh, nhưng khi cuộc sống no đủ họ cũng cám ơn thần linh đã phù hộ cho họ.

     Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành khá sớm và tồn tại phổ biến ở Việt Nam. Nó thể hiện đặc trưng tính “nữ” của văn hoá người Việt, điều đó thể hiện rõ nét trong tục thờ cúng Nữ thần và các Thánh Mẫu. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu, thể hiện ở việc dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

     Nếu như có khá nhiều nghiên cứu về thờ Mẫu trong Tam, Tứ Phủ từ các khía cạnh khác nhau thì nghiên cứu về Địa Mẫu lại không có nhiều, nếu có chỉ nhắc đến tên gọi, hình ảnh, hoặc nơi thờ tự.

     Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam tập 1 của Ngô Đức Thịnh có nhắc đến Địa Mẫu được thờ trong chùa Hang tại núi Bà Đen [8]. Tác giả Đỗ Quang Hưng cũng cho rằng: “vị Địa Mẫu hay gọi là Phật Mẫu địa cầu là “đạo lạ”, hay đạo mới du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam” [7]. Hiểu theo nghĩa thông thường thì Địa là đất, Mẫu là mẹ vì vậy nhiều người vẫn gọi là “mẹ đất”, có nhiều nơi lại gọi với tên Diêu trì Kim Mẫu, Phật Mẫu, Mẹ sanh, Tây Vương Mẫu, Đức Địa Mẫu, Phật Mẫu Diêu Trì, Phật Địa Mẫu. Trong bài viết “Tìm hiểu ý nghĩa danh xưng “Diêu Trì Kim Mẫu” trong Đạo giáo và đạo Cao Đài”, tác giả Lê Anh Dũng có viết về danh xưng của Địa Mẫu như sau: Theo Đạo giáo, “Diêu Trì Kim Mẫu” có nhiều danh xưng khác nhau như: Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu Nương Nương, Vương Mẫu, Tây Lão, Kim Mẫu Nguyên Quân, Kim Mẫu, Địa Mẫu, v.v. Còn theo đạo Cao Đài, thì “Kim Mẫu” có các danh xưng như: Phật Mẫu, Mẫu Hậu, Thiên Hậu,v.v… hay có các danh xưng khác nhau như: Vô Cực Từ Tôn, Vô Cực Đại Từ Tôn. (Đại) Từ Tôn (Đức rất được tôn kính vì đức từ bi của ngài), Vô Cực (Vì danh xưng của đức Chí Tôn/ ngôi Dương là Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng, nên tương ứng Vô cực/ ngôi Âm được hiểu là không gian hỗn độn có trước Thái Cực) [5]. Nghiên cứu về điện thờ tư gia của Lê Thị Chiêng, tác giả đã khảo sát 55 điện thờ tại một số quận, huyện của Hà Nội, qua thống kê phần lớn các điện thờ Mẫu là nhiều nhất. Tác giả cho rằng “Thần điện trong các điện thờ đó đều mang tính hỗn dung và không có một điện thờ nào thuần nhất” [3].

     Nhân vật Địa Mẫu được thờ phụng với các danh xưng khác nhau, nhưng các tín đồ cho rằng đây là người phụ nữ toàn năng của trái đất, Địa Mẫu là người mẹ cội nguồn mà các bà mẹ sau chỉ là những hoá thân của bà ở những thời điểm, địa điểm khác nhau trong lịch sử. Có lẽ, từ cách hiểu trên mà hiện tượng thờ Địa Mẫu tôi trình bày ở đây có những điểm khác biệt so với thờ Mẫu trong điện thần Tứ phủ về nghi lễ thờ cúng. Điểm rõ nhất là nếu việc thờ Mẫu Tứ Phủ gắn với nghi lễ hầu đồng, thì việc thờ Địa Mẫu lại gắn với việc đọc kinh vào các ngày Mậu trong tháng (âm lịch).

2. Các hình thức thờ Địa Mẫu tại Hà Nội

     Theo giải thích của các tín đồ, việc thực hành nghi lễ thờ Địa Mẫu của họ là có chỉ dẫn từ thần linh, thông qua nhiều hình thức khác nhau như nhập đồng, báo mộng,… Có điện thì được các cụ nhập linh về dạy con cháu hướng thiện và lập nên điện thờ, nhưng cũng có người đến chùa mua một cuốn kinh về đọc tụng và thấy linh ứng, do ốm đau, bệnh tật cũng dẫn đến lập điện thờ,… Từ khảo sát thực tế cho thấy hiện tượng thờ Địa Mẫu tại Hà Nội rất đa dạng. Địa Mẫu được thờ tự ở nhiều nơi khác nhau như đình, chùa, điện thờ tư gia và ở các giáo phái khác như Minh Sư Đạo.

     2.1. Thờ Địa Mẫu trong chùa

     Chùa Vân Hồ toạ lạc tại số 40 phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội là một trong số những chùa có thờ Địa Mẫu. Trụ trì hiện nay của chùa là Ni sư Thích Đàm Nhung. Chùa là ngôi Tổ đình Ni của Hà Nội, là trường đào tạo Ni từ năm 1949 đến năm 1957. Theo lời thầy trụ trì, gian thờ Địa Mẫu có cách đây 18 năm, tình cờ thầy mua cuốn kinh ở cổng chùa Quán Sứ, đọc xong thầy thương vị này nên lập bát hương đưa lên thờ tự. Ban đầu là bức tượng nhỏ, nhưng cách đây 7 năm nhiều Phật tử công đức nên thầy quyết định làm tượng Mẫu lớn hơn. Từ khi thờ vị Địa Mẫu có nhiều người đến chùa nhờ thầy xin Mẫu phù hộ mua bán đất đai, nhà cửa,… Buổi đọc kinh được thầy trụ trì tụng vào 11h (giờ Ngọ) các ngày Mậu trong tháng âm lịch, có nhiều Phật tử cũng duy trì theo thầy đọc kinh Địa Mẫu.

     Bên cạnh chùa Vân Hồ còn có chùa Diệu Nam cũng là một nơi có thờ Địa Mẫu ở Hà Nội. Chùa Diệu Nam còn gọi là Diệu Nam Phật đường – ngôi chùa Đại đạo Tam giáo đồng nguyên (Minh Sư đạo) còn lại duy nhất ở Thủ đô Hà Nội, toạ lạc tại số 60 phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chùa Diệu Nam được xây dựng năm 1930, mang đặc điểm kiến trúc của phái Phật đường Nam tông Minh Sư đạo. Đạo Minh Sư thờ Phật, tu Tiên nên các Cô Thái 1 không phải xuống tóc (cạo trọc đầu), nhưng phải giữ trường chay, tiệt dục, nghiêm cấm dùng rượu, ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, kiệu,…) và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; Đạo phục khi hành lễ của Minh Sư Đạo là áo dài màu đen, quần trắng, chít khăn đóng hoặc mũ màu đen, mang hài màu đen. Tại chánh điện gian giữa là Tam bảo, thờ đức Mẫu Chuẩn Đề và chư Phật. Hai ban vuông góc với Tam bảo và Thiên Địa là ban thờ các vị tổ thầy và ban thờ các vong linh bách tính cùng với Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đi ra khỏi gian thờ về phía sân sau có một ban thờ Địa Mẫu đặt áp lưng với ban thờ Thiên Địa. Trên ban có một bức ảnh của Địa Mẫu ngươn Quân đang ngồi trên ghế, giống hình ảnh trong cuốn kinh chữ Hán tại chùa. Phía dưới có 5 bức tượng Địa Mẫu nhỏ, làm bằng thạch cao mặc quần áo đính kim tuyến, hạt xoàn rất đẹp, với năm mầu sắc khác nhau đứng trên quả địa cầu, mỗi một bức tượng được đặt trong hộp kính. Những buổi lễ Mẫu là các ngày Mậu trong tháng âm lịch, có rất nhiều đệ tử trong đạo và nhiều người không theo đạo cũng đến tham gia, bắt đầu từ 11h 30 (giờ Ngọ) và kết thúc vào 13h. Lễ vật dâng Mẫu là 6 chén nước lọc, 5 nén hương, 5 ngọn nến, hoa quả tươi.

     2.2. Thờ Địa Mẫu trong Đình

     Đình Ứng Thiên vốn có tên là đình Hậu Thổ, được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072). Từ năm 1984, đình Ứng Thiên đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử [tư liệu ghi chép tại chùa].

     Theo kể lại, khởi nguồn của buổi lễ và đọc kinh Địa Mẫu như ngày hôm nay như sau: Cách đây 20 năm, một người phụ nữ thường xuyên đi lễ tại đình. Bà mua cuốn kinh Địa Mẫu ở chùa Quán Sứ mang về đây đọc. Từ đó có nhiều người theo đọc kinh và dâng lễ cho Mẫu. Các buổi lễ đọc kinh Địa Mẫu vào ngày Mậu trong tháng âm lịch, do các ông sám, bà sám đọc. Trong các ông bà sám có một trưởng nhóm, trưởng nhóm đọc vào đúng 11 giờ trưa (giờ Ngọ), còn các ông bà sám khác vì bất đồng quan điểm hay muốn đọc kinh dâng Mẫu riêng thì chia nhau thời gian. Vì vậy mà trong một ngày có tới 4 khoá lễ đọc kinh: 7h sáng, 11h trưa, 14h chiều và 17h chiều. Mỗi chủ sám đọc đều có các đệ tử, con nhang ngồi đọc theo trong khoá lễ. Lễ vật mang đến dâng Mẫu là hoa quả, bánh kẹo đồ chay, 6 chén nước tinh khiết, 5 ngọn nến, 5 nén hương được đặt trên ban chính. Lễ được xếp kín trên những chiếc bàn kê ngoài sân. Chứng kiến buổi lễ chúng ta mới cảm thấy sức mạnh của tín ngưỡng. Buổi lễ có đủ người ở mọi độ tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội đến tham gia. Trong buổi lễ, họ được tự do lựa chọn chỗ ngồi, không bắt buộc về nghi lễ hay trang phục. Có thể chính sự thoải mái, không có quy định, hay luật lệ nào nên số người đến dự lễ rất đông.

     2.3. Thờ Địa Mẫu tại một số điện thờ tư gia

        2.3.1. Điện thờ Phủ Tiên Nương vốn là tên gọi điện thờ tư gia của bà Bùi Thị Thu sinh năm 1959, tại Đội Cấn, Hà Nội. Bà Thu trước đây từng là cán bộ của Tòa án quận Đống Đa, bà có biểu hiện căn quả bị cơ đầy từ khi còn ít tuổi. Một đêm bà mơ thấy có một cuốn kinh bay xuống rồi có giọng nói khuyên bà hãy mang cuốn kinh này cứu đời. Hôm sau bà đi lễ ở đình Ứng Thiên được một ông từ trông coi đình cho cuốn kinh Địa Mẫu, bà nghĩ đến giấc mơ và nghĩ rằng đây là việc đã được các thần thánh chọn. Phủ thờ của bà được sắp đặt không giống ban thờ Tứ Phủ, theo bà đây là được chỉ bảo của lão Mẫu (mẹ của vị Địa Mẫu). Bà cho rằng nơi đây thờ cả Phật, Thánh, Tiên nên không thể gọi là điện được mà phải gọi là phủ. Từ khi lập phủ bà có nhiều lộc, bà còn chữa bệnh, tìm mộ, làm lễ giải hạn,… Tại điện bà thường xuyên đọc kinh Địa Mẫu vào các buổi trưa, lễ vật dâng mẫu cũng là hoa quả tươi, 6 chén nước lọc, 5 ngọn nến, 5 nén hương. Có thể thấy điện thờ phủ Tiên Nương của bà Thu là sự kết tập Địa Mẫu vào điện thần Tứ Phủ mà ở đó dường như Địa Mẫu đã trở thành vị thần chủ của điện thần này.

        2.3.2. Điện thờ nhà bà Trần Thị Thanh Khê ở tại tầng 1 khu D tập thể nhà in Ngân hàng, ngõ Thổ Quan 1, Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Bà sinh năm 1939, bà sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ. Sinh ra trong thời chiến, cuộc sống bữa đói, bữa no, bà không chịu được sự xâm chiếm của kẻ thù, 10 tuổi bà đã tham gia vào cách mạng. Khi hoà bình, bà không lập gia đình mà ở vậy cho đến ngày nay. Năm 1990, nhiều đêm trong giấc ngủ bà đã nghe thấy Bác Hồ nói bên tai bà chuyện Bác được thiên đình cử xuống để cứu nước Việt,… Năm 1998, bà lập ban thờ: Lúc đầu là thờ Bác Hồ. Dần dần bà đã đưa lên thờ rất nhiều vị, trong đó có Mác – Ăng Ghen; Phật bà nghìn tay nghìn mắt; ông Nguyễn Sinh Sắc, Bà Hoàng Thị Loan (cha, mẹ bác Hồ); tượng Di Lặc; Đức thánh Trần. Đầu năm 2007, bà đi lễ chùa Quán Sứ (bà là người rất hiếm khi đi lễ chùa) và đã mua cuốn kinh Địa Mẫu bán ở bên ngoài cổng chùa. Khi đọc bà thấy nhiều điều Mẫu nói trong cuốn kinh đúng và giống với những suy nghĩ về tâm linh của bà. Vài tháng sau trong đêm, bà được Địa Mẫu về sang tai nói chuyện khuyên bà chuẩn bị để đón những điều kì diệu của thế kỉ XXI, từ đó bà in tấm ảnh Mẫu ở bìa cuốn kinh và đặt lên ban thờ ở vị trí cao nhất. Bà cũng bắt đầu đọc kinh Địa Mẫu vào giờ Ngọ các ngày 8, 18, 28, âm lịch hàng tháng và những lúc rỗi rãi. Bà cho rằng Địa Mẫu là nguời sinh ra trái đất, cai quản cả thế giới. Bà là người phụ nữ của thời xưa, thời mà người phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy bà nghĩ rằng trong thế kỉ này, vị Địa Mẫu sẽ được người đời biết đến và đưa lên đứng đầu trong các Mẫu. Bà cho rằng “những người lãnh đạo, lãnh tụ, tổng thống cũng do người phụ nữ sinh ra, vì vậy người mẹ phải được đặt lên hàng cao nhất”.

        2.3.3. Điện thờ của dòng họ Nguyễn (có 4 điện thờ Địa Mẫu)

        Điện thờ nhà ông Nguyễn Văn Phương sinh năm 1956, ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 1988, mẹ ông được cho cuốn kinh mang về đọc tại bàn thờ gia tiên, đến năm 2007, con gái út ông có hiện tượng nhập đồng dẫn dắt lập nên điện thờ Địa Mẫu. Ông xây riêng một phòng thờ tạc tượng Địa Mẫu và duy trì các buổi đọc kinh vào 11h 30 ngày 10, 20, 30 âm lịch.

        Điện thờ nhà bà Nguyễn Thị Đường (chị gái ông Phương) sinh năm 1954 sống tại Trương Định. Bà Đường hay bị ốm đau bệnh tật, được người bạn cho quyển kinh vào năm 1987. Về nhà thường ngày bà đọc kinh này thấy người khoẻ lên bà nghĩ đây chính là liều thuốc để cứu vớt những người dân khổ sở như bà. Bà đưa hình ảnh của Địa Mẫu vào gian thờ gia tiên, đặt lên vị trí cao nhất và duy trì đọc kinh vào 11h 30 các ngày 10, 20, 30 âm lịch.

        Điện thờ nhà bà Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Tám (em gái ông Phương), được lập nên đều do các bà nghĩ cũng cần có một gian thờ riêng để nếu không xuống được nhà anh, các bà có thể đọc kinh tại nhà, các bà đã xin hình tượng từ nhà anh trai mang về xây riêng điện tự đưa ảnh Địa Mẫu lên thờ.

        Lễ vật dâng mẫu trong các điện thờ của dòng họ Nguyễn này đều là đồ chay, hoa quả tươi, 5 ngọn nến, 6 chén nước lọc, 5 nén hương. Tham gia buổi lễ là các thành viên trong gia đình và bạn bè thân quen.

3. Sự thống nhất và đa dạng hiện tượng thờ Địa Mẫu

     Điểm thống nhất: trong việc thờ Địa Mẫu ở Hà Nội là hướng tới tôn thờ một vị Địa Mẫu đầy quyền năng trong việc cứu khổ cứu nạn, chữa bệnh, cứu vớt chúng sinh – hình tượng chung: Mẫu đứng trên quả địa cầu. Tất cả các cuốn “Địa Mẫu chân kinh” trong các nơi thờ tự đều có nội dung giống nhau. Một tháng có 3 ngày Mậu (lịch âm) để các tín đồ đọc kinh, lễ vật dâng lên để thờ là 6 chén nước lọc, 5 ngọn nến, 5 nén hương, hoa quả tươi, buổi lễ được bắt đầu vào giờ Ngọ.

     Sự đa dạng: Do nhu cầu về một vị cứu thế – cứu khổ cứu nạn của tầng lớp người lao động nghèo, cuộc sống bấp bênh, ốm đau bệnh tật,… có những nơi thờ độc thần là vị Địa Mẫu nhưng cũng có nơi thờ hỗn dung cùng với ban Tứ phủ. Mặc dù buổi lễ chính là những ngày Mậu trong tháng (âm lịch) nhưng mỗi nơi có những điểm riêng biệt để khẳng định thần chủ thường xuyên ngự tại nơi thờ của mình. Nội dung kinh Địa Mẫu thì được giữ nguyên, nhưng các tín đồ in thêm những bài thơ giáng bút hay sự ra đời điện thờ Địa Mẫu của họ. Tham dự buổi lễ tại các nơi thờ Địa Mẫu có quan chức, doanh nhân, thương nhân, sinh viên,… Điều này cho thấy mục đích cầu cúng dành riêng cho bất cứ một tầng lớp nào trong xã hội.

4. Những nhận định ban đầu về hiện tượng thờ Địa Mẫu

     Về giá trị

     Hiện tượng thờ Địa Mẫu thể hiện sự tiếp nối truyền thống mang tính thời đại trong tục thờ Mẫu của người Việt. Nhắc đến Mẫu là nhắc đến Mẹ, nhắc đến đạo hiếu trong mỗi gia đình, từ những nhận thức đó con người biết quý trọng nhau hơn, họ như có điểm tựa vào thần linh, nơi gửi gắm những ước nguyện cũng như cầu xin thần linh ban cho may mắn, sức khoẻ,… Bên cạnh đó nó còn giúp những người thờ hướng thiện, trong cộng đồng họ dễ bỏ qua cho nhau những khúc mắc đời thường. Các chủ điện đã nêu ở trên cho rằng, tu theo Địa Mẫu là con đường tu đúng nhất, nhanh nhất,… trong quan niệm sau khi mất đi linh hồn sẽ về các cõi tuỳ theo nhân duyên và chân tu của mỗi người. Họ cho rằng con, cháu, dòng họ sẽ được hưởng phúc, đức của họ để lại. Vì vậy, họ khuyến khích các thành viên trong gia đình tham gia vào việc tôn thờ vị Địa Mẫu. Trong một số trường hợp không theo định hướng của chủ điện, thì họ cũng khuyên bảo người thân hãy giữ trọn chữ hiếu và làm điều thiện cũng sẽ giảm bớt đi những nghiệp chướng cho kiếp sau,…

     Sự bất cập

     Nhiều người dựa vào thần thánh để duy trì cuộc sống của mình. Họ đã bán hết tài sản để chiều chuộng thần linh, hoặc nhìn con cái, vợ, chồng bằng những ánh mắt “tà kiến”. Việc thờ cúng cũng mang lại những mâu thuẫn không nhỏ trong các mối quan hệ, lẫn tiêu sài phung phí vào những cuộc cúng lễ, giải hạn, hình nhân thế mạng, cắt tình duyên,… khiến nhiều gia đình vợ chồng bỏ nhau, sống trong những mối lo lắng vì người âm này theo, hay tà đạo theo. Có những người đã mượn thần thánh để lấy danh tiếng, lấy tiền, họ bốc thuốc bằng tâm linh cho bệnh nhân, thuốc chữa bệnh bằng những tàn nhang, nước lã,… Điều này có thể dẫn đến những điều đáng tiếc, không thể cứu vãn được.

5. Kết luận

     Hà Nội nơi giao lưu tụ hội của nhiều tôn giáo tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và các hình thức tín ngưỡng khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nói chung, thờ Địa Mẫu tại Hà Nội nói riêng là hiện tượng thờ nữ thần – thờ Mẫu. Tuy nhiên, thờ Địa Mẫu không hoàn toàn trùng khớp với hệ thống thờ Mẫu Tứ Phủ. Sau khi đổi mới, bên cạnh những biến đổi trong đời sống, kinh tế, xã hội, bối cảnh thực hành tôn giáo cũng thay đổi, với sự bật đèn xanh của nhà nước, người dân tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng cho mình, vì vậy cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, sự phát triển của đình, chùa, miếu, phủ ngày càng được chú trọng. Trong xu hướng đó, tại Hà Nội đã và đang phát triển hiện tượng thờ Địa Mẫu ở nhiều nơi thờ tự linh thiêng cũng như các điện thờ tư gia.

     Có thể nói, việc thờ Địa Mẫu ở Hà Nội đã góp phần làm đa dạng, phong phú thêm hình thức thờ Mẫu ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hiên tượng này cần được nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn nữa.

__________
1. Cô Thái là nữ phái, chỉ được cầu đạo trong phạm vi hai bậc là Hạ thừa và Trung thừa (phẩm cao nhất là Bảo ân. Nữ phái ở phẩm Thiên ân, Chứng ân, Dẫn ân được gọi bằng Cô; phẩm Bảo ân được gọi bằng Cô Thái hoặc Bà Thái).

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Leopold Cadiere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997.

2. Lê Thị Chiêng, Sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nhìn từ một số điện thờ tư gia Hà Nội, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, 2004, tr. 61-64.

3. Lê Thị Chiêng, Điện thờ tư gia một hình thức tín ngưỡng dân gian trong xã hội hiện đại (qua khảo sát tại Hà Nội), Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, 2008, tr. 59- 64.

4. Lê Thị Chiêng, Tìm hiểu các điện thờ tư gia ở Hà Nội, Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Tôn giáo tín ngưỡng, 2010.

5. Lê Anh Dũng, Tìm hiểu ý nghĩa danh xưng “Diêu trì Kim Mẫu” trong Đạo giáo và đạo Cao Đài, Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, 2013, tr. 67-70.

6. Nguyễn Hồng Dương, Một số vấn đề về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 8, 2010, tr. 20- 26.

7. Đỗ Quang Hưng, Mối quan hệ giữa tín ngưỡng và “Hiện tượng tôn giáo mới” mấy vấn đề lí thuyết và thực tiễn, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, 2011, tr. 3-15.

8. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1, 2, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1996.

9. Nguyễn Quốc Tuấn, Về hiện tượng tôn giáo mới, phần đầu, Nghiên cứu Tôn Giáo, số 12, 2011, tr. 9-22.

10. Nguyễn Quốc Tuấn, Về hiện tượng tôn giáo mới, phần tiếp, Nghiên cứu Tôn Giáo, số 1, 2012, tr. 11-19.