Việt Nam – Đài Loan cuối thế kỷ xix – đầu thế kỷ xx: một vài điểm tham chiếu
VIETNAM – TAIWAN IN THE LATE NINETEENTH CENTURY
TO EARLY TWENTIETH CENTURY: SEVERAL REFERENCE POINTS
NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
(Tiến sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội)
1. Đặt vấn đề
Nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động quan trọng trong diễn trình phát triển của Việt Nam và Đài Loan, đánh dấu sự chuyển mình rõ nét trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Một mặt, đây là thời kì chứng kiến sự chuyển nhượng từng bước và đi đến từ bỏ hoàn toàn vai trò “bảo hộ”, “tôn chủ” lâu đời của nhà Thanh đối với Việt Nam, Đài Loan cho thế lực thứ ba là thực dân Pháp (đối với Việt Nam) và đế quốc Nhật (đối với Đài Loan), từ đây, cả Việt Nam và Đài Loan đều rơi vào tay thực dân, đế quốc, trở thành nước thuộc địa hay bán thuộc địa; mặt khác đây cũng là thời kì sôi động diễn ra các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân hai nước: từ chỗ chỉ đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX sang kết hợp với các phong trào đấu tranh chính trị và văn hóa sôi nổi mang đậm màu sắc dân chủ tư sản trong buổi đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, không những chuyển mình trên phương diện chính trị, quân sự của cả Việt Nam và Đài Loan trong giai đoạn này đều ghi dấu quá trình tiếp giao văn hóa giữa cái cũ và cái mới, cụ thể là giữa văn hóa Nho giáo mang đậm dấu ấn Trung Hoa vốn tồn tại từ lâu đời lẫn văn hóa thực dân, đế quốc mới được truyền nhập vào. Tất nhiên, hàm lượng văn hóa mới – cũ ở Việt Nam và Đài Loan thời kì này là không giống nhau do sự khác biệt trong đối tượng tác động cũng như đặc thù của mỗi bên, song những dấu ấn của quá trình tiếp biến, quyện nhập văn hóa thời bấy giờ đã thực sự trở thành mạch ngầm chảy mãi trong đời sống xã hội Việt Nam và Đài Loan đương đại.
2. Nội dung bài viết
2.1. Về thân phận “chư hầu”, “thuộc địa” của Việt Nam, Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc thời phong kiến
Trước khi rơi vào tay đế quốc, thực dân thì cả Việt Nam và Đài Loan đều có mối quan hê chặt chẽ với Trung Quốc. Nếu như Việt Nam đã từng là một nước “chư hầu” trong “hệ thống các nước triều cống, sách phong” do Trung Hoa làm trung tâm trước khi trở thành thuộc địa nửa phong kiến của Pháp, thì Đài Loan trước khi trở thành thuộc địa của Nhật Bản cũng đã là một phần lãnh thổ của nước lớn Trung Hoa.
Với Trung Hoa từ xưa đến nay, Đài Loan cũng như Việt Nam có một vị trí địa chiến lược cực kì quan trọng. Nếu chiếm giữ được Việt Nam, Đài Loan thì thanh thế, sức mạnh của nước lớn này ở khu vực sẽ gia tăng.
Đài Loan là một hòn đảo nằm trong biển Đông Trung Hoa (the East China Sea), cách Trung Quốc 100 dặm về phía Đông, cách Philippines 200 dặm, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 700 dặm, và cách Việt Nam và quần đảo Trường Sa 900 dặm về phía Nam, lại được kết nối về phía Bắc với quần đảo Ryukyu, và nằm cách quần đảo chính của Nhật Bản 700 dặm (Dương Dĩnh Kiên, 2014). Như vậy, chúng ta có thể hình dung được vị trí của Đài Loan nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, tựa như điểm giao cắt của các địa điểm chiến lược của khu vực Đông Á. Theo đó, kiểm soát được đảo Đài Loan sẽ có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc và là một mối đe dọa cho khu vực ở cả Đông Nam Á, Đông Bắc Á cũng như với các nước lớn trên thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương, ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, phía Đông giáp biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), phía Tây giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây Nam giáp Ai Lao, phía Nam giáp Chiêm Thành và Chân Lạp (Phan Huy Chú, 1960, 27). Việt Nam chính là trạm cuối cùng trên lục địa của con đường phát triển về phía Nam của người Hán tộc. Hơn nữa, miền Nam Việt Nam, nối liền với các khu vực khác của bán đảo Inđô – China, cũng chính là trạm cuối cùng trên con đường phát triển sang phía Đông của văn hoá Ấn Độ. Không những thế, Việt Nam nằm ở ngay bên đường sang Thái Bình Dương của tư bản phương Tây, ở sát cửa ngõ con đường xâm nhập của tư bản phương Tây vào miền Nam Trung Quốc. Vì thế, không lấy gì làm ngạc nhiên khi mà đế quốc Âu Mỹ đã phong cho Việt Nam cái danh hiệu “then cửa của miền Đông Nam Á” hay “lan can của Thái Bình Dương”. Như vậy, xét về vị trí địa lý, Việt Nam có vai trò chiến lược cực kì quan trọng và là nước láng giềng phía Nam có cùng chung biên giới với Trung Quốc, cả trên đất liền lẫn trên biển. Đáng lưu ý là địa hình giữa Việt Nam và Trung Quốc có thế “núi liền núi, sông liền sông”, ví dụ: Ở Đông Bắc, sông Kì Cùng chảy vào lưu vực Tây Giang dẫn đến châu thổ Quảng Châu (Trung Quốc); ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai cũng có rất nhiều thung lũng dẫn tới Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc)…Chính vị trí địa lý độc đáo này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng giữa hai nước trong suốt chiều dài lịch sử. Khi hòa bình, hữu nghị thì đây là điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho mối giao lưu kinh tế, văn hóa, nhưng khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng thì nó lại là một trong những nhân tố khiến nguy cơ chiến tranh dễ xảy ra. Hơn nữa, với vị trí ở trung tâm Đông Nam Á và là nơi tiếp xúc giữa nhiều hệ thống tự nhiên nên Việt Nam rất giàu có về tài nguyên tính theo đơn vị diện tích (Vũ Tự Lập, 2002, 13). Con người nơi đây lại cần cù, dũng cảm và thông minh. Do vậy, đất nước Việt Nam từ hơn 2000 năm qua đã luôn là mục tiêu, là đối tượng dòm ngó của chủ nghĩa bành trướng phong kiến Trung Hoa. Trong con mắt của các Hoàng đế Trung Hoa thời xưa, Việt Nam vừa là miếng mồi kinh tế ở ngay sát cạnh, vừa là cửa ngõ phải vượt qua để chinh phục các nước khác ở Đông Nam châu Á.
Chính vị trí địa chiến lược quan trọng ấy mà Đài Loan, Việt Nam luôn trở thành đối tượng tiếp cận của các triều đại Trung Hoa suốt thời phong kiến.
Thực ra, ngay từ năm 230, chúa nước Ngô là Tôn Quyền từng cử tướng quân Vệ Ôn, Chư Cát Trực dẫn 10 nghìn thủy quân vượt biển đến Đài Loan. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự bắt đầu quá trình khai thác Đài Loan của cư dân đất liền Trung Quốc. Tiếp đó, các triều đại phong kiến Trung Hoa đều ra sức khai hoang hòn đảo này. Tuy nhiên, phải đến nửa cuối thế kỷ XVII, vào năm 1683, hạm đội quân Thanh mới đánh bại quân của họ Trịnh do Trịnh Khắc Sảng1 dẫn đầu, chính thức sát nhập Đài Loan vào Đại Thanh. Từ đây, Đài Loan nằm dưới sự cai trị của nhà Thanh, có mối liên hệ chặt chẽ về chính trị, kinh tế, văn hóa với đại lục Trung Hoa, trở thành một phủ của tỉnh Phúc Kiến. Đến năm 1885, nhà Thanh nâng Đài Loan thành một tỉnh riêng biệt thuộc Trung Hoa. Sự tùy thuộc Trung Hoa với tư cách là một tỉnh như vậy của Đài Loan kéo dài đến tận năm 1895 khi Đài Loan rơi vào tay đế quốc Nhật Bản.
Cũng như Đài Loan, Việt Nam dưới thời phong kiến luôn là đối tượng thôn tính, bành trướng của nước lớn Trung Hoa. Dù không trực thuộc đơn vị hành chính của nước này, song Việt Nam dưới các triều đại (từ thế kỷ X sau khi thoát khỏi hơn 1000 năm Bắc thuộc), ít nhất xét về hình thức, là nước “phiên thuộc’, “chư hầu” của “thượng quốc” Trung Hoa, thường xuyên phải cầu phong, tiến cống, lễ sính Hoàng đế “Thiên triều” nhằm duy trì quan hệ bang giao hữu hảo với nước phong kiến khổng lồ này (Tạ Ngọc Liễn, 1995, 71).
Như vậy, trước khi rơi vào tay của đế quốc, thực dân, cả Việt Nam và Đài Loan đều đã từng có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Nếu như Đài Loan nằm dưới sự cai trị của Thanh triều thì Việt Nam xét về hình thức là nước “phiên thuộc” nằm trong “hệ thống triều cống” do Trung Hoa làm trung tâm.
2.2. Sự kết thúc của mối quan hệ mang tính “lệ thuộc” trong quan hệ giữa Việt Nam, Đài Loan với Trung Quốc cuối thế kỷ XIX
Điều đáng nói là mối quan hệ mang tính “lệ thuộc” (dù là hình thức) giữa Việt Nam, Đài Loan với Trung Quốc đều kết thúc vào cuối thế kỷ XIX bằng một Hòa ước giữa Trung Quốc với các nước thực dân. Theo đó, Trung Quốc đã nhân nhượng các nước thực dân, đế quốc bằng việc đánh đổi lợi ích ở Đài Loan, Việt Nam để bảo toàn độc lập, quyền lợi của dân tộc mình.
Ngày 17 tháng 4 năm 1895, Hiệp ước Shimonoseki (Hòa ước Mã Quan) được kí kết sau khi hải quân nhà Thanh thất bại trong chiến tranh Thanh – Nhật vào những năm 1894- 1895. Theo hiệp ước này, Trung Quốc đã nhượng Đài Loan cho Nhật Bản. Từ đây, Đài Loan trở thành thuộc địa nằm dưới sự cai quản của Nhật Bản trong suốt 50 năm (cho đến khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến thứ hai vào năm 1945).
Trong khi đó, mối quan hệ “lệ thuộc” về hình thức giữa “chư hầu” Việt Nam và “thượng quốc” Trung Hoa cũng có kết thúc tương tự. Nếu theo Hòa ước Phuốc-ni-ê 1884 thì quân Thanh phải rút quân khỏi Việt Nam về nước (Trịnh Nhu, 1991, 98-99) nhưng thực tế sau đó nhà Thanh vẫn dùng dằng không muốn thi hành. Từ đây, một cuộc chiến tranh Trung – Pháp đã diễn ra quyết liệt, không những ở thượng du Bắc Việt mà ngay cả trên đất Trung Hoa, làm gián đoạn việc mặc cả phân chia lợi ích giữa đế quốc Pháp và nhà Thanh. Trước tình thế bất lợi cho cả hai phía, ngày 9/6/1885, đại diện Pháp là Pa-tơ-nốt và Lý Hồng Chương – đại diện cho nhà Thanh, đã kí Hiệp ước “Hòa bình, hữu nghị và thương mại” tại Thiên Tân (thường gọi là Hiệp ước Thiên Tân Pháp – Trung Hoa năm 1885) tiếp tục những thỏa thuận còn đang dang dở. Theo đó, mỗi bên đều phải giữ gìn an ninh trong vùng lãnh thổ của mình giáp biên giới, quân đội của hai bên không được vượt khỏi biên giới sang lãnh thổ của phía bên kia. Đặc biệt, Trung Quốc một lần nữa thừa nhận sự thống trị của Pháp ở Việt Nam và cam kết không làm gì có hại đến công cuộc bình định mà Pháp đã tiến hành tại Việt Nam, tôn trọng hiện tại và tương lai các hiệp ước, công ước, thỏa thuận đã ký và sẽ ký giữa Pháp và Việt Nam (Điều khoản 2 của Hiệp ước Thiên Tân năm 1885) (Documents diplomatiques, 260-261) … Đến đây, sự có mặt của quân Thanh trên lãnh thổ Việt Nam chấm dứt và quan hệ thượng quốc – chư hầu giữa hai nước Việt – Trung xem như đã khép lại. Với Hiệp ước Thiên Tân này, Trung Quốc có giữ được một số quyền lợi thì nó cũng vẫn đánh dấu sự chấm dứt không điều kiện 2000 năm phong kiến Trung Quốc mưu toan đặt bá quyền của chúng ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Có thể nói, cũng như Hiệp ước Shimonoseki kí giữa nhà Thanh và Nhật Bản, Hiệp ước Thiên Tân giữa nhà Thanh và Pháp được kí kết ngày 9 tháng 6 năm 1885 không chỉ là sự thỏa hiệp giữa Trung Quốc với các nước đế quốc, thực dân để chấm dứt chiến tranh giữa đôi bên mà thực chất còn là sự kết thúc giai đoạn quyết liệt nhất của mối mâu thuẫn, giằng co giữa nhà Thanh và thực dân Pháp, nhà Thanh và đế quốc Nhật về vấn đề Việt Nam, Đài Loan. Sau khi không đạt được những yêu sách bằng ngoại giao và tranh đoạt quân sự, vua tôi nhà Thanh vì lợi ích của mình đã chuyển sang đổi chác, thỏa hiệp hoàn toàn với Pháp, Nhật cho dù sự thỏa hiệp đó được diễn ra trên sự tước đoạt và chà đạp lợi ích của nước thứ ba.
__________
1. Bấy giờ, thủ lĩnh quân sự người Hán là Trịnh Thành Công, tiếp đến những người kế vị ông là Trịnh Kinh, Trịnh Khắc Sảng đã tập hợp lực lượng trung thành với nhà Minh ở miền nam Phúc Kiến, tiến hành các cuộc thâm nhập vào vùng bờ biển đông nam Trung Quốc đại lục nhằm lật đổ nhà Thanh.
2.3. Những biến chuyển của Việt Nam, Đài Loan trong nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dưới tác động của thực dân, đế quốc
Với những nét tương đồng trong diễn trình lịch sử giữa hai nước như trên, vào nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả Đài Loan và Việt Nam một mặt chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa, mặt khác chịu tác động về nhiều mặt của sự cai trị từ thực dân, đế quốc.
Dù có chung cơ tầng văn hóa Đông Nam Á nhưng cả Việt Nam và Đài Loan đều vốn là một bộ phận của văn hóa Bách Việt nên có quan hệ gần gũi với miền Nam Trung Hoa lục địa từ xa xưa, mà trực tiếp là vùng văn hóa Hoa Nam. Dưới thời phong kiến, cả Việt Nam và Đài Loan đều thuộc “vùng văn hóa chữ Hán”. Từ đời sống tôn giáo đến bộ máy nhà nước, tình hình giáo dục, khoa cử đều mang đậm dấu ấn của Nho giáo và dấu ấn ấy vẫn còn đậm nét trong nhiều phương diện của đời sống xã hội hiện nay ở cả Việt Nam và Đài Loan. Với tính cách là tổng hòa các giá trị sống, văn hóa làm người theo nhân sinh quan Nho giáo đã và đang thấm nhiễm vào nền văn hóa các nước thuộc vành đai Nho giáo, để rồi xác lập nên những giá trị hằng hữu châu Á mà ngày nay chúng ta gọi tên là Hiếu học (đề cao giáo dục, đề cao đức tính hiếu học), Cộng đồng (đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng), Cần cù (yêu lao động), Huyết tộc (tôn trọng quan hệ gia đình, huyết tộc) – những giá trị được thừa nhận là mang đậm dấu ấn Nho giáo (Nguyễn Hữu Vui, 1991, 30). Thậm chí, không ít các học giả trong và ngoài nước đã giải thích sự hưng thịnh của châu Á hiện đại bằng chính “sự phục sinh của truyền thống Khổng giáo” hoặc xem Nho giáo như một phần không thể không tính đến trong sự phát triển của châu Á hiện đại. Sự phát triển thần kì của Đài Loan trong thế kỷ XX là một minh chứng sinh động trong số đó. Cho dù còn tồn tại một số hạn chế nhất định song có thể nói, những chuẩn mực Nho giáo như nhân nghĩa, khoan thứ, cần kiệm, liêm chính, cận dân… sẽ luôn là một hệ quy chiếu về nếp sống, về đạo đức, về cách xử thế làm người cho toàn bộ xã hội, có ý nghĩa nhất định trong việc đẩy lùi những “ô nhiễm xã hội” do quá trình hiện đại hóa mang lại và góp phần làm cân bằng “trạng thái tinh thần” của môi trường sống ở mỗi quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, Đài Loan. Qua đó cho chúng thấy tác động lâu dài của Nho giáo đến đời sống xã hội Việt Nam, Đài Loan suốt từ thời phong kiến cho đến nay.
Trên nền tảng đó, đến cuối thế kỷ XIX, khi trở thành thuộc địa, nửa thuộc địa của thực dân Pháp, đế quốc Nhật, thì Việt Nam, Đài Loan lại có dịp thâu nhận những ảnh hưởng của văn hóa đế quốc, thực dân truyền nhập vào.
Ở Đài Loan, dưới sự thống trị của Nhật Bản, bức tranh kinh tế, xã hội có nhiều chuyển biến quan trọng. Người Nhật Bản đã mở rộng đường sắt từ Kirun (Cơ Long) đến Takao (Cao Hùng) và các mạng lưới giao thông khác. Ngân hàng Đài Loan được thành lập vào năm 1899 để khuyến khích các công ty tư nhân Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi và Mitsui, đến đầu tư tại Đài Loan. Năm 1905, hòn đảo có điện bằng thủy năng từ hồ Nhật Nguyệt, xuất khẩu đã tăng gấp bốn lần. Hệ thống tưới tiêu với các đập nước bao phủ diện tích đất nông nghiệp tại Đài Loan. Sản xuất lương thực gia tăng nhanh chóng, đưa Đài Loan trở thành một vùng lương thực chính phục vụ cho nền kinh tế công nghiệp của Nhật Bản. Nhật Bản đã xây dựng hệ thống các trường học và bệnh viện trên diện rộng, việc chăm sóc sức khỏe được thiết lập rộng rãi và các bệnh truyền nhiễm đã gần như được loại bỏ hoàn toàn. Trong những năm tiếp theo, Đài Loan được coi là khu vực phát triển thứ hai tại Đông Á (sau Nhật Bản). Đặc biệt, trên phương diện văn hóa, mọi người dân Đài Loan lúc bấy giờ đều phải học và nói tiếng Nhật, dùng tên Nhật. Tôn giáo Nhật Bản như Thần đạo cũng được thâm nhập vào. Bởi thế, hiện nay, trong các dòng văn hóa cùng đồng thời hiện diện ở Đài Loan thì bên cạnh các yếu tố của văn hóa cổ truyền Trung Hoa, các màu sắc văn hóa phương Tây như Công giáo Rôma, Hồi giáo…, không thể không kể đến dấu ấn văn hóa Nhật Bản.
Trong khi đó, ở Việt Nam, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, nhất là từ sau hai cuộc khai thác thuộc địa (lần thứ nhất từ năm 1897 và lần thứ hai từ sau sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)), Việt Nam đã có sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội. Trên phương diện kinh tế, cũng như Nhật Bản ở Đài Loan, Pháp một mặt khai thác quy mô lớn tài nguyên tự nhiên của thuộc địa để cung ứng cho nhu cầu công nghiệp của mình, mặt khác đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ trường học, các trung tâm y tế cho đến mạng lưới giao thông vận tải, hình thành nên những đô thị mới, những trung tâm kinh tế và tụ điểm cư dân mới. Đặc biệt, Pháp đã du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam làm phá vỡ quan hệ kinh tế tự cung tự cấp. Tuy nhiên, điều đáng nói là, do thực dân Pháp duy trì cả phương thức bóc lột phong kiến để thu lợi nhuận siêu ngạch nên Việt Nam không thể phát triển lên chủ nghĩa tư bản một cách bình thường được, nền kinh tế Việt Nam bị kìm hãm trong vòng lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Pháp.
Về văn hóa – xã hội, nếu như ở Đài Loan, Nhật Bản ra sức kêu gọi người Đài Loan nói tiếng Nhật, thi hành giáo dục kiểu Nhật, mặc quần áo kiểu Nhật, thờ phụng Thần đạo Nhật Bản, hoàn toàn Nhật hóa trong sinh hoạt… thì ở Việt Nam lúc bấy giờ, Pháp cũng thi hành triệt để chính sách văn hóa nô dịch, gây tâm lý tự ti, vong bản để dễ bề thống trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của văn hóa Pháp đến nền văn hóa dân tộc mà vẫn còn lưu đậm dấu ấn cho đến tận ngày nay. Số lượng tín đồ theo đạo Thiên chúa ngày càng nhiều, hệ thống trường học được mở rộng với sự xuất hiện của tầng lớp tri thức Tân học, nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc được xây dựng từ thời Pháp thuộc, … thực sự là những minh chứng sinh động cho sự tiếp biến văn hóa Pháp – Việt của thời kì lịch sử đầy biến động này.
2.4. Các hình thức đấu tranh chống thực dân, đế quốc của Việt Nam, Đài Loan cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
Rõ ràng, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhìn chung, dưới sự cai trị của đế quốc, thực dân, Việt Nam, Đài Loan đã từ một xã hội phong kiến thuần tuý biến thành một xã hội thuộc địa, nửa thuộc địa. Mặc dù thực dân Pháp, Nhật còn duy trì ở nơi đây một phần tính chất phong kiến, song khi đã thành thuộc địa thì tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam hay Đài Loan đều bị đặt trong quỹ đạo chuyển động của xã hội đó. Từ đây, sự nảy sinh, phát triển những mối mâu thuẫn trong lòng xã hội ở Việt Nam, Đài Loan diễn ra như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên, mâu thuẫn cơ bản nổi lên ở Việt Nam và Đài Loan lúc bấy giờ đều là mối mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân và tay sai phản động. Mức độ của mối mâu thuẫn đó sẽ tỉ lệ thuận với sự thống trị, áp bức và bóc lột của thực dân Pháp, đế quốc Nhật. Theo đó, sự phản kháng và đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc trên thực tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về nội dung và hình thức, từ chỗ chỉ đấu tranh vũ trang bạo động cuối thế kỷ XIX sang kết hợp với các phong trào đấu tranh chính trị và văn hóa sôi nổi mang đậm màu sắc dân chủ tư sản trong buổi đầu thế kỷ XX.
Ở Đài Loan, sau khi có được chủ quyền tại Đài Loan, vào cuối thế kỷ XIX, người Nhật đã vấp phải các cuộc kháng chiến vũ trang từ cả người Hán và thổ dân. Tuy nhiên, những cuộc kháng cự vũ trang diễn ra một cách rời rạc nên nhanh chóng bị Nhật đàn áp (Katz, 2005). Sang nửa đầu thế kỷ XX, những cuộc nổi dậy vũ trang vẫn tiếp tục nổ ra. Có nhóm người chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đài Loan độc lập và cố gắng thoát ra khỏi ách cai trị của Nhật Bản nhằm thiết lập nên một chính quyền của người Đài Loan, tiêu biểu như sự kiện Ta-pa-ni (hay sự kiện Tây Lai am) năm 1915 tại Đài Nam (Katz, 2007, 387-424), hay cuộc nổi dậy Musha (nổi dậy Vụ Xã) đã nổ ra vào cuối năm 1930 khi người Atayal giận dữ trước cách người Nhật đối xử bất công với họ trong việc khai thác long não. Họ lập ra một băng đảng săn đầu người cuối cùng trên đảo và tiến hành sát hại, chặt đầu trên 150 quan chức người Nhật trong lễ khánh thành một trường học. Song, cuối cùng, cuộc nổi dậy đã bị đè bẹp bởi hàng ngàn lính Nhật với sự giúp đỡ về khí độc từ các thổ dân đồng minh của họ (Ching, 2001, 137-140). Bên cạnh đó, có nhóm người lại chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và ra sức tranh đấu để Đài Loan trở lại dưới quyền cai trị của Trung Quốc. Tiêu biểu cho nhóm này là cuộc nổi dậy do La Phúc Tinh (羅福星) – một thành viên của Đồng Minh hội, một tổ chức do Tôn Trung Sơn thành lập và là tiền thân của Quốc Dân Đảng, lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã bị đàn áp nặng nề, La Phúc Tinh bị bắt và bị xử tử cùng với 200 chiến hữu của mình vào năm 1913.
Song, điều đáng lưu ý, vào đầu thế kỷ XX, sau thất bại của những cuộc đấu tranh vũ trang đã xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào đấu tranh chính trị và văn hóa sôi nổi mang đậm màu sắc dân chủ tư sản. Phương thức kháng cự không bạo lực đã dần được thay thế cho nổi dậy vũ trang. Tiêu biểu nhất phải kể đến phong trào khai sáng văn hóa do Hiệp hội Văn hóa Đài Loan (台灣文化協會 – tổ chức được thành lập năm 1921) khởi xướng 2. Hội đã dấy lên những hoạt động văn hóa sôi nổi trong các giai tầng xã hội từ thanh niên, trí thức đến giới công nhân, lao động như: phát hành báo hội, thành lập phòng đọc báo, tổ chức các hoạt động diễn tập, mở trường học hè, tổ chức các hoạt động diễn thuyết, tổ chức “Hội những người yếu thế” chống lại “Hội những người có quyền”, đề xướng phong trào kịch nói văn hóa, phát động những cuộc luận chiến văn học cũ và mới, sáng lập “Hội Mỹ Đài” lấy việc chiếu phim để tuyên truyền văn hóa, lập công ty tín dụng Đại Đông, lập ra văn hóa Thư cục và trung ương Thư cục… (Tường Vĩ Văn & Thái Minh Định, 2008, 614).
Cũng như ở Đài Loan, ở nửa sau thế kỉ XIX, Việt Nam diễn ra Phong trào Cần vương (1885-1896) với những cuộc đấu tranh vũ trang quyết liệt nhằm vào thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành và Đinh Công Tráng lãnh đạo (1881- 1887), khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo (1883-1892) và khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1895). Đặc biệt, trong thời gian này còn nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu kéo dài đến năm 1913. Song, kết quả, phong trào đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX đã bị dìm trong biển máu. Từ bài học thất bại của những phong trào đi trước, cộng với ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của trào lưu dân chủ tư sản từ phương Tây và các nước trong khu vực như cải cách Minh Trị ở Nhật, phong trào Duy Tân ở Trung Quốc, sang đầu thế kỉ XX, các phong trào yêu nước ở Việt Nam đã chuyển qua đấu tranh chính trị với mục tiêu chấn hưng dân trí, dân khí, dân sinh để đủ thực lực chống Pháp. Lúc bấy giờ, những nhà yêu nước dù theo chủ trương bạo động (tiêu biểu là Phan Bội Châu với phong trào Đông Du) hay cải cách (tiêu biểu là Phan Châu Trinh) đều gắn yêu nước với duy tân, cải cách văn hóa giáo dục để khai dân trí, chấn hưng dân khí. Đặc biệt, các nhà Duy tân phê phán lối học tầm chương trích cú, khoa bảng cử nghiệp xa rời thực tế cuộc sống, không thể phục vụ cho công cuộc cứu nước, cứu dân đương thời. Từ đây, các nhà Duy tân kêu gọi chấn dân khí, khai dân trí, xoá bỏ nền cựu học, đổi mới nền giáo dục toàn diện để bắt kịp với khuynh hướng Duy tân của thời đại mới. Từ nhận thức sáng rõ về tính cấp thiết phải gây dựng nền Tân học cho quốc dân đồng bào, các nhà Duy tân đã vượt qua bao khó khăn, thử thách (cả về kinh tế lẫn áp lực chính trị từ bọn phong kiến, thực dân) để dựng nên một hệ thống trường học làm cơ sở khởi xướng, phổ biến nền Tân học trong dân chúng. Những cái tên như Diên Phong, Quảng Phước, Phú Lâm, Phúc Bình,… đã trở thành những tên trường quen thuộc trong phong trào Duy tân ở Việt Nam lúc bấy giờ như một minh chứng hùng hồn cho nỗ lực của biết bao sĩ phu yêu nước thức thời.
Từ đối tượng, mục tiêu của nền giáo dục là nhằm hướng đến đông đảo quốc dân đồng bào, cốt làm sao cho họ được học và học được dễ dàng, hiệu quả nhất, các nhà Duy tân cùng thời còn mạnh dạn cổ súy học chữ Quốc ngữ, biến nó thành phương tiện hữu hiệu và là chiếc chìa khóa vạn năng để dân chúng tiếp cận với thế giới, với thực tiễn cuộc sống để trang bị hành trang cho mình trên con đường đi đến “văn minh”, “tiến hóa”, “độc lập”. Đây cũng là điểm khác biệt trong phong trào cải cách văn hóa – giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nếu như ở Việt Nam chủ trương phổ biến, sử dụng chữ Quốc ngữ dựa trên ngữ hệ Latinh thì ở Đài Loan, một số ít chủ trương dùng chữ Latinh còn đa phần chủ trương dùng chữ Hán hoặc tiếng Nhật.
Song, do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX ở cả Việt Nam và Đài Loan đều không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mặc dù đã góp phần thức tỉnh nhân quần đứng lên đấu tranh chống lại đế quốc, thực dân. Vì vậy, các phong trào đấu tranh ấy sau một thời kì hoạt động ngắn ngủi đã bị kẻ thù dập tắt. Phải đến năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản trở thành nước bại trận, Đài Loan, Việt Nam mới chính thức thoát khỏi ách cai trị của Nhật – Pháp.
___________
2. Tiền thân của Hội này là Hội Đồng hóa Đài Loan ra đời từ năm 1914.
3. Kết luận
Như vậy, nhìn lại diễn trình lịch sử Việt Nam, Đài Loan cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và tham chiếu chúng, chúng ta nhận thấy, bên cạnh những nét dị biệt do hoàn cảnh lịch sử cụ thể mỗi bên quy định thì có không ít điểm tương đồng. Là hai thực thể địa-chính trị trong cùng một khu vực, có chung cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa trên nhiều phương diện, lại có nhiều điểm giống nhau trong diễn trình lịch sử với bao thăng trầm, thử thách, vì thế, không khó để chúng ta tìm ra tiếng nói chung trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam xưa nay. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa hai bên trong suốt thời gian gần đây đã một lần nữa minh chứng sinh động cho điều đó và gieo vào lòng nhân dân Việt Nam, Đài Loan niềm tin vững chắc về sự phát triển bền chặt của mối quan hệ hai bên trong tương lai dù mối quan hệ ấy đã, đang và sẽ chịu không ít sức ép và tác động từ bên ngoài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ching, Leo T.S. (2001). Becoming “Japanese” – Colonial Taiwan and The Politics of Identity Formation. Berkeley: University of California Press. ISBN 978-0-520-22551-0
2. Documents diplomatiques. Affaires de Chine et du Tonkin 1884-1885, N0 252, pp.260-261
3. 楊穎堅. 台灣週邊海域之海流分佈. 中華民國海軍軍官學校 [2014-02-23]. (Dương Dĩnh Kiên, Sự phân bổ hải lưu của các vùng biển xung quanh Đài Loan. Học viện Sĩ quan Hải quân Trung Hoa dân quốc)
4. Tạ Ngọc Liễn (1995). Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI. Hà Nội: Khoa học xã hội.
5. Phan Huy Chú (1960). Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Dư địa chí – Nhân vật chí. Viện Sử học Việt Nam biên dịch và chú giải. Hà Nội: Sử học.
6. Vũ Tự Lập (2002). Địa lý tự nhiên Việt Nam. Hà Nội: Đại học Sư phạm.
7. Trịnh Nhu (1991). Quan hệ Trung – Pháp về vấn đề Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Luận án tiến sĩ lịch sử – Đại học Tổng hợp Hà Nội.
8. Tường Vĩ Văn, Thái Minh Định (2008). Phong trào vận động văn hóa đầu thế kỷ XX: Nghiên cứu so sánh Đông Kinh nghĩa thục ở Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa Đài Loan tại Đài Loan. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, tiểu ban Lịch sử Việt Nam hiện đại, tr.605-619.
9. Katz, Paul R (2005). When The Valleys Turned Blood Red: The Ta-pa-ni Incident in Colonial Taiwan. Honolulu, HA: University of Hawaii Press. ISBN 978-0-8248-2915-5.
10. Katz, Paul R. (2007). “Governmentality and Its Consequences in Colonial Taiwan: A Case Study of the Ta-pa-ni Incident of 1915”. The Journal of Asian Studies. 64 (02): 387–
424. doi:10.1017/s0021911805000823.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 1246 đến trang 1254)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)