Nghiên cứu Việt Nam qua kho sách Nhật Bản hiện lưu trữ tại Hà Nội (Phần 2)
NGUYỄN THỊ OANH
(Phó Giáo sư. Tiến sĩ, Giảng viên Đại học Thăng Long)
ĐINH HUYỀN PHƯƠNG
(Thạc sĩ, Giảng viên Đại học Thăng Long)
2. Một số tác giả và công trình nghiên cứu Việt Nam tiêu biểu giai đoạn đầu thế kỷ XX
2.1. Kubo Tokuji (1875-1934) và công trình biên soạn lịch sử Việt Nam
Kubo Tokuji (1875-1934)
Trong số 33 bài viết liên quan đến lịch sử Việt Nam, tác giả có số lượng được tuyển chọn nhiều nhất 16 bài là Kubo Tokuji 久保徳二, nếu tính cả năm bài dưới đây: Hình thế nước An Nam; Loạn lạc ở Giao Chỉ; Cuộc xâm lược phương Nam của Hốt Tất Liệt; Tôn Sĩ Nghị thua trận (xếp ở mục Chiến tranh chống xâm lược và giải phóng) số bài của ông được tuyển chọn lên tới 21 bài.
Theo chúng tôi được biết, Kubo Tokuji sinh năm 1875, mất năm 1934, ông là nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc của Nhật Bản, ông còn có tên là Kubo Tenzui 久保天随. Năm 1899, ông tốt nghiệp khoa Hán văn Đại học Đế quốc Tokyo (nay là Đại học Tokyo) với đề tài Nghiên cứu Tây Sương ký. Ông là tác giả của nhiều bài bình luận, tùy bút. Dịch chú rất nhiều tác phẩm Hán văn. Ông là Giáo sư danh dự của Đại học Đề Quốc Đài Bắc, ông còn sáng tác nhiều thơ chữ Hán. Ông biên soạn và sáng tác, chú thích, chú giải khoảng 75 tác phẩm từ năm 1900 đến năm 1934. Như: Đông Dương thông sử 東洋通史 (toàn bộ 12 quyển); Nhật Bản Nho học sử 日本儒学史; Cận thế Nho học sử 近世儒学史; Chi Na hý khúc nghiên cứu 支那戯曲研究; Liễu Tông Nguyên 柳宗元; Tứ thư tân thích四書新釈; Hán thư bình thích 漢詩評釈; Đông Dương luân lý sử yếu 東洋倫理史要; Nhật Bản lịch sử thông giám 日本歴史宝鑑; Bạch Thị bình thích 白氏評釈; Quốc ngữ tân ngữ tối tân từ điển 国語新語最新大辞典 (1934). Có 10 tác phẩm cùng biên soạn với tác giả khác như: Minh Trị bách gia văn tuyển 明治百家文選; Hoạt kể tiếu thoại lữ bào 滑稽笑話旅鞄,…7.
Các bài viết của ông được tuyển chọn ở mục Lịch sử đa phần được đăng tải trên Đông Dương Thông sử 東洋通史, gồm 12 quyển, do Kubo Tokuji biên soạn trong thời gian từ 1903-1904. Có lẽ Thư mục đã lựa chọn các sự kiện liên quan đến Việt Nam trong sách này để đưa vào Thư mục sách Nhật Bản viết về Việt Nam.
Ví dụ: bài Thời vận suy vi của Việt Nam. Thư mục lược thuật như sau: “Thời kỳ nước Anh đang lấn dần sang phương Đông thì nước Xiêm La và Việt Nam còn được gọi là các nước mạnh ở Đông Nam Á. Nhưng trong thời gian 47 năm, các vua Việt nam đã khinh thường người Pháp, ra lệnh đuổi tín đồ đạo Gia Tô, giam cầm cố đạo. Tướng hải quân Pháp là Pi-e đã bắn vào tầu binh của Việt Nam mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Vua Thiệu Trị tức giận mà chết, quan hệ giữa Pháp Việt ngày càng căng thẳng. Trừ Xiêm La còn các nước trong khu vực Đông nam Á đều bị người phương Tây chiếm cứ” (Thư mục, tr.6).
Hay bài về Lưu Vĩnh Phúc, Thư mục viết: “Dư đảng của quân tóc dài chống lại nhà Thanh bị thất bại chạy sang Việt Nam chia ra làm hai toán: cờ Đen và cờ Vàng. Quân cờ Vàng hoạt động ở các vùng biên giới Vân Nam, Bắc Kỳ, bên bờ sông Phú Lương và Lào Cai. Quân cờ Vàng vào phủ Hưng Yên, khi quân Pháp vào xâm lược Việt Nam thì dẫn đường cho Pháp, nhưng sau bị dẹp tan. Quân cờ Đen giúp Nguyễn Tri Phương chống Pháp, thủ lĩnh là Lưu Vĩnh Phúc. [Lưu Vĩnh Phúc] vốn người Cẩm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, trong tay có 25 vạn quân, chiếm cứ miền Bắc xứ Bắc Kỳ, nghiễm nhiên như một nước lớn. Vua Việt Nam cũng phải để yên và dụ cùng đánh Pháp. Quân cờ Đen có công cùng ta [Việt Nam] đánh Pháp, có lần giết tướng Pháp và vây hãm quân Pháp ở Nam Định, Hà Nam” (Thư mục, tr.7).
Tóm lại, các sự kiện lịch sử do Kubo Tokuji 久保徳二 biên soạn được Thư mục tuyển chọn đều được trích từ Đông Dương thông sử.
2.2. Matsumoto Nobuhiro (1897-1981) và các công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc Việt Nam
Matsumoto Nobuhiro (1897-1981)
Nếu các bài của Kubo Tokuji được tuyển chọn cho Thư mục sách Nhật Bản viết về Việt Nam chủ yếu là các sự kiện lịch sử được trích trong Đông Dương thông sử thì Matsumoto Nobuhiro với 25 mục được tuyển chọn đều là bài viết và công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí và sách nghiên cứu. Các bài của ông tập trung chủ yếu về các vấn đề lịch sử, văn hóa và dân tộc và ngôn ngữ, gồm: 1. Sĩ Nhiếp, một chính quyền trong lịch sử Việt Nam của Yamauchi Hiroshikyo nam (Tạp chí Sử học, 1935); 2. Hai tư liệu nghiên cứu lịch sử An nam (Tạp chí Sử học, 1936); 3. Người Nhật Bản lần đầu tiên đi qua bán đảo Đông Dương (Tạp chí Sử học, 1936); 4. Răng đen của người An Nam (Tạp chí Sử học, 1953); 5. Người An Nam với việc dẫm lên cây thánh giá hay tranh ảnh của đạo Cơ Đốc (Tạp chí Sử học, 1936); 6. Sông Hồng An Nam (Các truyện về truyền thuyết trị thủy ở Trung Quốc) (Tạp chí Sử học, 1948); 7. Bút ký du lịch An Nam (Dân tục học, q.5, 8, 1933); 8. Việc nghiên cứu thần thoại ở vùng cực đông của Pháp (Tạp chí Sử học, 1929); 9. Văn hóa Ấn Độ Chi Na, Dân tộc Ấn Độ Chi Na (sách, NXB Iwanami,1935); 10. Bàn về văn hóa cổ đại sách (Công Lập xã phát hành, 1932); 11. Bài của Nguyễn Văn Khoan về chuyện cứu vớt linh hồn người chết đuối, phụ ký về chuyện tin có linh hồn ở Đông Kinh (Tạp chí Nghiên cứu dân tộc học, 1935); 12. Tộc Dừa của người Chàm và chuyện quả dừa (Dân tộc học, q.5, 6, 1933); 13. Về bài của Mus. Paul “Việt thờ cúng của Ấn Độ và thổ dân Champa” (Dân tộc học, q.I, 1935) (Tạp chí Sử học, 1935); 14. Hình chữ cổ khắc trên dụng cụ của Ấn Độ Chi Na (Tạp chí Sử học, 1934); 15. Nghiên cứu tên bằng tiếng Nhật gọi các giống động vật và thực vật sản xuất ở các nước phương Nam (Tạp chí Sử học, 1950); 16. Tiếng Nhật Bản và tiếng Austroasia (Tạp chí Sử học, 1919); 17. Thư mục sách An Nam tàng trữ ở thư viện nhà vua Việt Nam (Tạp chí Sử học, 1935); 18. Thư mục sách An Nam tàng trữ ở Viện Cực Đông học của Pháp ở Hà Nội (Viện Viễn Đông bác cổ) (Tạp chí Sử học, 1935); 19. Tên một người Nhật Bản ghi trên bia Linh Trung Phật ở núi Phổ Đà An Nam (Tạp chí Sử học, 1934); 20. Gương Nhật Bản tìm thấy ở An Nam (Tạp chí Sử học, 1934); 21. Vài tư liệu của An Nam về trống đồng (Tạp chí Sử học, 1935); 22. Cuộc tranh luận về khoa học khảo cổ ở Ấn Độ Chi Na (Tạp chí Sử học, 1937); 23. Về trống đồng ở Ấn Độ Chi Na (Tạp chí Sử học, 1933); 24. Các vấn đề về cái rìu đá có vai (Tạp chí Sử học, 1939); 25. Vientienne ( Lào) (Sử học (SG)180, 1939).
Nghiên cứu sử liệu Việt Nam, đáng chú ý có bài: Hai tư liệu nghiên cứu lịch sử An Nam. Ở bài này ông đã đề cập đến “hai tư liệu nghiên cứu lịch sử An Nam. Tác giả giới thiệu khá kỹ về nội dung của hai cuốn sách: 1- Đại Nam thực lục do Sử quán An Nam xuất bản 8; 2- Bibliographie Annamite (Thư mục sách An Nam) của Emile Gaspardone, người Pháp trước làm việc ở Viện Cực Đông học của nước Pháp ở Hà Nội (nay là Thư viện Khoa học Xã hội)” (Thư mục, tr.10) hay Thư mục sách An Nam tàng trữ ở thư viện nhà vua Việt Nam, tác giả đã cung cấp “Thư mục sách An Nam tàng trữ ở thư viện nhà vua Việt Nam, gồm 3970 bộ = 8531 quyển (sách thành bộ). Tổng số (kể cả sách thành bộ): 38.975 quyển” (Thư mục, tr.50); Thư mục sách An Nam tàng trữ ở Viện Cực Đông học của Pháp ở Hà Nội (Viện Viễn Đông Bác cổ)9, tác giả đã lên “Thư mục sách An Nam tàng trữ ở Viện Cực Đông học của Pháp ở Hà Nội (Học viện Viễn Đông Bác cổ). Tổng cộng có 3440 bộ = 3921 quyển, chia thành 3 loại: 1- [Ký hiệu]A: Sách An nam viết bằng Hán văn 2528 bộ= 2821; 2- [Ký hiệu] AB: Sách viết bằng chữ Nôm 561 bộ = 570 quyển; 3- [Ký hiệu] AC: Sách Hán in Việt Nam: 351 bộ = 530 quyển (Thư mục, tr.50-51); bài Vài tư liệu của An Nam về trống đồng, tác giả đã “đề cập tới núi Đồng cổ (trống đồng) ở huyện An Đĩnh, xã Đan Nê. Tư liệu báo của Viện Cực Đông học (Thư viện Khoa học Xã hội hiện nay) (Thư mục, tr.81).
Về nghiên cứu thần thoại và truyền thuyết, có bài: Sông Hồng An nam (trích trong Các truyện về truyền thuyết trị thủy ở Trung Quốc)10. Hay sách Luận về văn hóa cổ đại, trong đó có bàn đề vấn đề nghiên cứu thần thoại ở Cực Đông (truyền thuyết Việt Nam ở trang 108).
Về phong tục tập quán của người Việt đáng chú ý có bài: Răng đen của người An Nam. Ở bài này Thư mục giới thiệu tóm tắt: “răng đen của người An Nam. Phong tục và công thức nhuộm răng”11. Ở trong bài viết này, ông không chỉ nói đến phong tục nhuộm răng đen của người Việt Nam mà còn so sánh với phong tục cổ nhuộm răng đen của người Nhật Bản12.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đều coi Matsumoto Nobuhiro là người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu Đông Nam Á tại Nhật (còn một người nữa là Yamamoto Tatsuro 山本達郎). Ông được học giả Nhật Bản công nhận là người có vai trò đi đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như: Nghiên cứu Đông Nam Á; Nghiên cứu Việt Nam; Dân tộc học, Thần thoại học; Đông Dương sử học;… là người có vai trò quan trọng nghiên cứu Nhật – Việt đào tạo ra lớp kế tục sự nghiệp Việt Nam học ở Nhật Bản ở Đại học Keio.
Vài nét về tiểu sử của Matsumoto Nobuhiro 13
GS Matsumoto Nobuhiro sinh ngày 11 tháng 11 năm Meiji (Minh Trị) thứ 30 (1897) tại Tokyo. Sau ba năm kể từ khi tốt nghiệp khoa Văn, chuyên ngành Sử học tại Đại học Keio tháng 3 năm 1920, vào năm 1924 ông sang Pháp du học tại Trường Đại học Sorbonne của Pháp, lấy bằng Tiến sĩ Docteures Lettres với Luận văn chính là Le Japonais et les langues austroaiatiques và luận văn phụ là Recherches sur quelques themes de la mythologie japonaise. Sau khi trở về nước, GS Matsumoto Nobuhiro tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Keio Gijuku Daigaku (Khánh Ứng Nghĩa Thục Đại học). Năm 1930, ông là Giáo sư Khoa Văn học Đại học Keio; năm 1933, nhân chuyến đi điều tra nghiên cứu về Đông Dương, thuộc địa của Pháp, ông đã tới các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Huế, Hội An. Trong thời gian này, ông đã đến Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và các thư viện ở Kinh thành Huế để điều tra sử liệu, tìm hiểu các ván khắc in sách theo sắc lệnh của nhà vua và làm việc với Thượng thư Phạm Quỳnh về việc cho phép Nhật Bản in bộ Đại Nam thực lục. Mặc dù đã được Thượng thư Phạm Quỳnh đồng ý, “Sau này nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ cho phép các ngài cùng in bộ sách đó”, song, kế hoạch đó bấy giờ không thực hiện được. Năm 1934, GS Matsumoto cho in bộ Thư mục sách Hán Nôm của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội. Cùng năm, nhờ sự giúp đỡ của hai người làm việc tại Học viện là ngài Coedes và ngài Gaspardonne, ông tiếp tục điều đình với triều đình Huế và được phép mang sáu bộ sách Đại Nam thực lục về in tại Nhật Bản. Năm 1935, ông tham gia Hội Dân tộc học Nhật Bản. Năm 1937, ông tham gia điều tra dân tộc học ở quần đảo Nam Á như Mariana, Palau, New Guinea; Năm 1938-1939 ông tham gia điều tra di lích lịch sử ở Trung Quốc. Với những đóng góp khoa học thực sự có giá trị, vào năm 1955, ông được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Les palmes academiques vì những cống hiến cho việc giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Từ năm 1957 đến 1958, ông dẫn đầu đoàn Hiệp hội Dân tộc học Nhật Bản tới các nước Thái Lan, Lào và Campuchia để điều tra tổng hợp về văn hóa dân tộc các nước nông nghiệp ở Đông Nam Á. Sau khi trở về nước, ông giữ chức vụ Trưởng khoa Khoa Văn học thuộc Đại học Keio. Năm 1961 đến 1981, ông phụ trách theo dõi việc in ấn bộ Đại Nam thực lục tại Nhật Bản. Năm 1969, ông được bầu giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ Văn hóa Đại học Keio. Năm 1969, ông thôi chức, được phong Giáo sư danh dự Đại học Keio. Ông mất năm 1981, thọ 83 tuổi.
Những trước tác chủ yếu: Bàn về văn hóa cổ đại 古代文化論, Tokyo 1932; Các dân tộc Đông Dương và văn hóa 印度支那の民族と文化, in năm 1942; Nghiên cứu về Đông Dương, in năm 1965; Khảo luận về văn hóa các dân tộc Đông Á 東亜民族文化論攷, in năm 1968; Nghiên cứu về thần thoại Nhật Bản 日本神話の研究. In năm 1971; Khởi nguồn của văn hóa dân tộc Nhật Bản 日本民族文化の起源, in năm 1978;…
KẾT LUẬN
Bộ Thư mục sách Nhật Bản do Thư viện Viện Thông tin KHXH biên soạn năm 1970 tuy còn sơ lược trong việc tóm tắt nội dung nhưng đã cung cấp cho độc giả thành tựu nghiên cứu Việt Nam của các học giả Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Bài viết mới dừng ở mức giới thiệu tư liệu của hai mục Lịch sử và Văn hóa, dân tộc, nhưng đã cho thấy trong bối cảnh giao lưu giữa các học giả Đông Dương học Pháp và thế giới đầu thế kỷ XX, khi Đông Nam Á trở thành một bộ phận của khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á (Đại Đông Á cộng vinh quyển), các nhà nghiên cứu Nhật Bản – đặc biệt là Matsumoto Nobuhiro – bằng sự cố gắng học hỏi trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, dân tộc, khảo cổ, ngôn ngữ,… đã có đóng góp lớn cho việc nghiên cứu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Hy vọng trong thời gian sắp tới, thành tựu nghiên cứu Việt Nam của một số học giả Nhật Bản sẽ được làm sáng tỏ ở các công trình nghiên cứu tiếp theo.
__________
7. Xem thêm: Nguyễn Thị Oanh: “Về bộ Đại Nam thực lục in ảnh tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 10(510), 2018, tr.77-82.
8. Xem thêm: Lương Thị Thu, Nguyễn Thị Oanh: “Bước đầu tìm hiểu kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp qua thư mục của Matsumoto Nobuhiro”, Thông báo Hán Nôm học năm 2006, tr.704-723.
9. Xem thêm: Lương Thị Thu, Nguyễn Thị Oanh: “Bước đầu tìm hiểu kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp qua thư mục của Matsumoto Nobuhiro”, Thông báo Hán Nôm học năm 2006, tr.704-723.
10. Thực tế, Thư mục chỉ giới thiệu 1 trang (tr.227) về “nước lụt ở sông Hồng và truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau lấy con gái Hùng Vương” mà không cho biết đây chỉ là trích đoạn trong bài viết: Các vấn đề của truyền thuyết hồng thủy Trung Quốc.
11. Xem thêm:「お歯黒文化圏に関する試論 日本とベトナムを事例にして」(Khảo sát vùng văn hóa răng đen: Trường hợp Nhật Bản và Việt Nam) trong 『日越交流における歴史・社会・文化の諸課題』(Các vấn đề Lịch sử – Xã hội – Văn hóa trong giao lưu Nhật – Việt), Liu Jianhui chủ biên, NXB Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản, ISBN978-4-901558-74-7, tr.141-152, 2015.
12. Xem thêm: Lương Thị Thu, Nguyễn Thị Oanh: “Bước đầu tìm hiểu kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp qua thư mục của Matsumoto Nobuhiro”, Thông báo Hán Nôm học năm 2006, tr.704-723.
13. Về tiểu sử của Matsumoto Nobuhiro mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bài viết: “Bước đầu tìm hiểu kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp qua thư mục của Matsumoto Nobuhiro”, Thông báo Hán Nôm học năm 2006 của Lương Thị Thu và Nguyễn Thị Oanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kim Vĩnh Kiện: “Viện Viễn Đông Bác cổ và một số tình hình gần đây”, đăng trong Tạp chí Sử học Nghiên cứu, quyển 4, số 1, Tokyo, 1932.
2. Dương Thái Minh: “Vài nét về quá trình hình thành khoa sách Hán Nôm hiện nay”, đăng trong Tạp chí Hán Nôm – 100 bài tuyển chọn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2000.
3. Nguyễn Thị Oanh: “Về bộ Đại Nam thực lục in ảnh tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 10(510), 2018.
4. Lương Thị Thu, Nguyễn Thị Oanh: “Bước đầu tìm hiểu kho sách chữ Hán của Việt Nam ở Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp qua thư mục của Matsumoto Nobuhiro”, Thông báo Hán Nôm học năm 2006.
5. Liu Jianhui chủ biên:「お歯黒文化圏に関する試論 日本とベトナムを事例にして」(Khảo sát vùng văn hóa răng đen: Trường hợp Nhật Bản và Việt Nam), trong 『日越交流における歴史・社会・文化の諸課題』(Các vấn đề Lịch sử – Xã hội – Văn hóa trong giao lưu Nhật – Việt), Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản, ISBN978-4-901558-74- 7, 2015.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 173 đến trang 183)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)