ÂM NHẠC Việt Nam: Giữ gìn bản sắc để phát triển và PHÁT TRIỂN TỪ GIỮ GÌN BẢN SẮC
NGUYỄN THỊ MỸ LIÊM
(PGS TS, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh)
1. Đặt vấn đề
Âm nhạc ngày càng được quan tâm hơn không chỉ vì âm nhạc là một biểu hiện của đời sống tinh thần dân tộc hoặc là một biểu hiện của văn hoá phi vật thể mà còn bởi những chức năng của nó đối với con người 1. Trong những yếu tố quan trọng tác động vào con người, âm nhạc với những chức năng của mình có tính chất, đặc điểm của một loại hình truyền thông. Từ đây, người ta càng dễ dàng nhận thấy những tác động của âm nhạc vào xã hội và văn hoá. Những chương trình âm nhạc, bài hát đã tác động rất mạnh vào ý thức con người; những diễn viên, nghệ sĩ,… có sức mạnh thu hút những đám đông cuồng nhiệt và trở thành “thần tượng” không chỉ trong đời sống âm nhạc mà còn trong cuộc sống vật chất, trong cuộc sống thật. Bằng những thông điệp riêng, nhiều bài hát, chương trình ca nhạc và kể cả ở cách ứng xử của nhiều ca sĩ (là “thần tượng” của một nhóm người nào đó trong xã hội…) có thể làm thay đổi quan niệm về hệ thống giá trị trong một bộ phận người dân; âm nhạc tác động kinh tế, văn hoá, đạo đức, thay đổi nhiều mối quan hệ trong gia đình,…
Ở phương diện khác, âm nhạc với chức năng giải trí đã được khai thác như một loại hình đem đến lợi nhuận khổng lồ. Âm nhạc ngày nay không chỉ là sáng tạo, biểu diễn,… cho thoả đam mê hoặc vì những giá trị nhân văn mà còn là mảnh đất màu mỡ cho “sản xuất”, thương mại, là đất “sống” của hàng chục (có thể là hàng trăm) ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau. Bởi, âm nhạc được sáng tạo là để thưởng thức, việc đưa sản phẩm âm nhạc đến người nghe cũng đồng thời mang đến lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh, với tất cả những hoạt động trong cái guồng chung: kinh tế thị trường. Từ đó, người ta khai thác âm nhạc nhằm mục đích lợi nhuận và không loại trừ bất cứ cách làm nào, chỉ sao cho có thể thu lợi nhiều nhất. Chức năng giải trí của âm nhạc được khai thác triệt để và người ta bỏ qua những hậu quả khôn lường của… những tác động khác của âm nhạc đối với con người, bởi âm nhạc còn có những chức năng khác nữa…
Âm nhạc, theo John Blacking, còn thể hiện khái niệm rộng hơn, ông cho rằng “âm nhạc trong văn hoá, xã hội” và “văn hoá, xã hội trong âm nhạc” 2. Âm nhạc là một thành tố của văn hoá, xã hội và âm nhạc, thể hiện văn hoá, xã hội. Âm nhạc đang được khai thác các chức năng vì mục đích lợi nhuận, vậy, phải chăng văn hoá, xã hội,… trong âm nhạc chỉ còn là những biểu hiện, thể hiện “của” và “vì” mục đích lợi nhuận?
Ở một phương diện khác, âm nhạc là một “loại hình phi vật thể” được cho là “mang tính đại diện” của con người, của dân tộc. Cho đến nay, trong tám (8) “kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” hoặc “di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” của Việt Nam được UNESCO công nhận 3 thì có đến sáu (6) di sản văn hoá – âm nhạc hoặc liên quan đến âm nhạc). Ngoài ra, có hơn 20 di sản phi vật thể – là âm nhạc hoặc liên quan đến âm nhạc được công nhận “Di sản quốc gia”. Đó là chưa kể hàng trăm chương trình giới thiệu văn hoá – âm nhạc dân tộc, âm nhạc dân gian trên các đài truyền hình, đài phát thanh; vô số “clip” về âm nhạc dân tộc được đưa lên trang mạng xã hội Youtube, Wikipedia, các trang mạng cá nhân,… Điều đó cho thấy, âm nhạc đã đóng vai trò quan trọng trong “bức tranh” toàn cảnh, dung mạo của “bản sắc văn hoá dân tộc” cũng như đời sống tinh thần của con người. Có thể nói, âm nhạc là “một phần bản sắc” của con người.
Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật thể hiện rõ nét bản sắc văn hoá. Âm nhạc là tiếng nói, là “tự tình” của dân tộc. Nhiều người đã đồng nhất hoặc nghĩ đến bảo tồn bản sắc văn hoá là bảo tồn âm nhạc dân tộc cổ truyền. Bảo tồn âm nhạc cổ truyền có thể cũng xuất phát từ quan niệm đó là “bản sắc” dân tộc, là những giá trị văn hoá đã được cha ông chắt lọc từ những tinh hoa xây dựng nên và tồn tại theo thời gian… Nhưng trước hết, bảo tồn âm nhạc dân tộc là bởi tác động của âm nhạc vào đời sống tinh thần (có thể cả vật chất) con người, bởi nhiệm vụ và chức năng của âm nhạc. Nhưng, nên bắt đầu từ đâu, xuất phát từ “tâm thế” nào, với nguyên tắc nào và bảo tồn như thế nào?
___________
1. Theo Merriam, Alan P., nhà Âm nhạc dân tộc học (Ethnomusicologist), từ quan điểm Âm nhạc trong văn hoá (Music in culture), ông nêu mười (10) chức năng của âm nhạc là:
– Tác động cảm xúc (Emotional expression);
– Cảm thụ thẩm mĩ (Aesthetic enjoyment);
– Giao tiếp (Communication);
– Thể hiện biểu tượng (Symbolic representation);
– Hoạt động vật chất (Phisical response);
– Giải trí (Entertainment);
– Góp phần tạo nên sự tiếp diễn xã hội và vững chắc cho văn hoá (Contribution to the continuity and stability of culture);
– Hướng con người đến những chuẩn mực xã hội (Enforcement of conformity to social norms);
– Xác thực thể chế xã hội và nghi lễ tín ngưỡng (Validation of social institutions and religious rituals);
– Góp phần thống nhất xã hội – cố kết cộng đồng (Contribution to the integration of society).
2.“Music in society and culture” – “Culture and society in music” là tựa đề 2 chương của sách “How Musical is man?” của John Blacking (1973), NXB University of Washington Press.
3. – Nhã nhạc cung đình Huế, năm 2003, Kiệt tác di sản truyền khẩu văn hoá phi vật thể của nhân loại.
– Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, năm 2005, Kiệt tác di sản truyền khẩu văn hoá phi vật thể của nhân loại.
– Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh, năm 2009, Kiệt tác di sản truyền khẩu văn hoá phi vật thể của nhân loại.
– Ca trù, ngày 1/10/2009, di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
– Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc, năm 2010, di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại.
– Hát xoan, ngày 24/11/2011, di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
– Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại.
– Ðờn ca tài tử Nam Bộ: ngày 05/12/2013, di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
2. Vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp biến văn hoá ngoại lai của âm nhạc
Từ thế kỉ XIX về trước, nền âm nhạc Việt Nam chỉ có những thể loại âm nhạc dân tộc. Từ dân gian đến cung đình, từ nơi thị tứ đến thôn quê… đâu đâu tiếng hát, tiếng ca cũng được thể hiện bằng ngôn ngữ – âm điệu tiếng nói của người Việt Nam. Đầu thế kỉ XX, nền âm nhạc Việt Nam có những thay đổi lớn lao. Đó là việc hình thành nền âm nhạc mới với sự tiếp thu mang tính hệ thống từ nền âm nhạc Phương Tây ở những yếu tố cơ bản: hệ thống âm, thang âm đến lí thuyết âm nhạc, thể loại, hình thức, nhạc khí, cách thức thể hiện,… Với sự tiếp thu này, nền âm nhạc Việt Nam chịu sự phân hoá mạnh mẽ, thành hai hướng, hai dòng âm nhạc, hai khái niệm rõ rệt: nhạc mới (tân nhạc) và nhạc dân tộc cổ truyền – hay còn gọi là nền âm nhạc truyền thống.
Sự phát triển trong suốt nửa sau thế kỉ XX của nền âm nhạc mới đã góp phần tích cực cho lịch sử dân tộc, cho văn hoá Việt Nam. Không thể phủ nhận sự ra đời của ca khúc đã chiếm lĩnh vị trí ưu thế trong cả nền âm nhạc Việt và nhất là về những đóng góp của nó đối với lịch sử, văn hoá dân tộc. Song hành với ca khúc, nền âm nhạc mới Việt Nam còn có dòng âm nhạc kinh viện (giao hưởng, thính phòng,…), âm nhạc dân tộc (với những thể loại âm nhạc đã được sinh ra và phát triển cùng với truyền thống văn hoá của dân tộc), âm nhạc dân tộc “đương đại” (âm nhạc cho các nhạc khí dân tộc, được sáng tác – biểu diễn theo kĩ thuật âm nhạc phương Tây), âm nhạc giải trí, các thể loại âm nhạc giải trí nước ngoài du nhập…
Sang thế kỉ XXI, trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, nền âm nhạc Việt Nam trở nên phức tạp với sự hiện diện đồng thời, đan xen, trộn lẫn,… của hầu hết các thể loại âm nhạc trên thế giới hiện nay, từ dân gian đến bác học. Nhiều thể loại, nhiều dòng âm nhạc, xu hướng âm nhạc… khác nhau, cùng tồn tại, đan xen, kết hợp,… Nhưng những dòng nhạc, xu hướng âm nhạc và kể cả xu hướng sáng tác, biểu diễn, thưởng thức,… đều tựu trung trong thể loại “ca khúc”. Người ta có thể thấy từ hang cùng ngõ hẹp, từ thành thị đến nông thôn – vùng rừng núi; trong hầu khắp các chương trình trên hệ thống truyền thông đại chúng, từ trong các nghi thức lễ hội quốc gia đến đám tiệc gia đình,… sự hiện diện gần như độc tôn của ca khúc. Nếu không quá “cường điệu”, ở nước ta hiện nay, người người hát ca khúc, nhà nhà sáng tác ca khúc (!). Ca khúc mang đến cho người sáng tác, ca sĩ,… tiếng tăm, trở thành “thần tượng” và giàu có; mang đến cho nhà sản xuất lợi nhuận.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc thế giới đã ghi lại nhiều thành tựu trong việc tiếp nhận, giao lưu văn hoá âm nhạc như việc tiếp nhận quan niệm, cách thức tổ chức dàn nhạc cung đình Trung Hoa dưới Triều Hậu Lê, Triều Nguyễn. Ca khúc ngày nay cũng là những tiếp biến từ chanson, romance, melodie,… đến từ Pháp ngày trước. Và, nền nhạc mới Việt Nam ngày nay cũng được hình thành từ việc tiếp thu những giá trị văn hoá âm nhạc thế giới, bắt đầu bằng… ca khúc. Nhưng tiếp đó là những tiếp thu nền âm nhạc kinh viện phương Tây với giao hưởng, thính phòng, opéra, ballet,… Vậy, tiếp nhận, giao lưu, chuyển hoá các yếu tố văn hoá, âm nhạc không phải là một việc làm tiêu cực.
Trên thế giới việc tiếp biến diễn ra hàng ngày: Văn minh Hi – La (sự kế thừa văn minh Hi Lạp của người La Mã), Âm nhạc – múa cung đình Thái Lan tiếp thu từ nghệ thuật cung đình Campuchia; việc tiếp thu dàn Nhã nhạc Trung Hoa của dàn Gagaku Nhật Bản – góp phần giữ gìn một hiện tượng văn hoá mà chính người Trung Hoa cũng không giữ được; hoặc việc chuyển hoá thang âm năm cung, thang âm bảy cung chia đều từ các nước Đông Nam Á của Debussy thành một sáng tạo mới của âm nhạc Phương Tây – hệ thống Điệu thức Toàn Cung (gamme par ton),… là những ví dụ điển hình trên thế giới. Họ tiếp nhận, biến cải với sự lựa chọn theo tâm thức, thói quen của dân tộc, dùng nội lực của văn hoá dân tộc để tiếp biến, không bắt chước rập khuôn để hình thành một “nhân bản vô tính” của một nền văn hoá hoàn toàn xa lạ với nền văn hoá của dân tộc. Tiếp xúc và giao lưu để làm giàu hơn nền văn hoá trên cơ sở lựa chọn và biến đổi giá trị văn hoá ngoại lai dựa trên tâm thức, theo những đặc trưng mang tính bản chất của văn hoá dân tộc đã trở thành phổ biến cho nhiều nền văn hoá thế giới.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận vô tội vạ các thể loại âm nhạc giải trí nước ngoài, những thể loại ca khúc, chương trình truyền hình nước ngoài… như hiện nay liệu có phải là một kiểu “tiếp biến” hay đã “tự biến”… đổi nền âm nhạc? Tiếp sau K-pop, những “sao” như Birain, Running Man, PSY, Lee Byung Hun, Ahn Jung Hwan,… là “tóc nâu”, “môi trầm” và những nhãn hàng Huyndai, Kia, Samsung… Người Hàn đã biết cách “đưa văn hoá đi trước” để “kinh tế tiếp bước theo sau” và… có thể sẽ là nhiều hơn thế nữa! Trong chừng mực nào đó, văn hoá, âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc không chỉ là bản sắc mà còn là nền tảng để giáo dục con người, nhân tố bảo tồn văn hoá dân tộc, là chất nối kết con người với dân tộc, với truyền thống và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Có lẽ, chẳng cần nhắc đến trách nhiệm của nền âm nhạc nước nhà hiện nay đối với nhiệm vụ bảo tồn, kế thừa, phát huy, phát triển,… truyền thống âm nhạc của cha ông. Nhưng, chúng ta đều biết trong nền âm nhạc ngày nay, ngay chính với các thể loại âm nhạc dân tộc cũng khó “bảo tồn” một cách nguyên vẹn bởi sự thay đổi của xã hội. Rất nhiều người đang than rằng “không còn không gian” để cồng chiêng tồn tại (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) hay là không thể tồn tại của “không gian văn hoá cồng chiêng” trong thời đại ngày nay! Tất nhiên, âm nhạc dân tộc không phải là sự “hoài cổ”, bản thân mỗi thể loại âm nhạc, làn điệu âm nhạc cũng luôn thay đổi theo không gian (dù trong cùng thời gian) và thay đổi theo thời gian (dù ở ngay trong một địa phương). Có nhiều ví dụ về điều này: điệu hát Quan họ ngày nay và ngày xưa, điệu hát Quan họ của người làng Quan họ và của người Quan họ nhưng đã rời xa đất Bắc Ninh,… Mặt khác, hoàn toàn không có một thể loại âm nhạc tồn tại một cách vĩnh cửu, nguyên bản, đóng khung; càng không thể cực đoan đến độ yêu cầu chỉ có cá thể loại âm nhạc cổ truyền tồn tại trong đời sống đương đại.
Tuy nhiên, đối với những thể loại âm nhạc dân tộc, khó có thể chấp nhận những cách làm biến dạng “để hợp với thời đại” như dạng “1000 người hát Quan họ”, “Rock Tây Nguyên có sự tham gia của dàn cồng chiêng thiêng” hoặc cho phép lối hát lơ lớ, không dấu như bài Vọng cổ – nhạc Cải Lương Nam Bộ) trên thang âm phương Tây và đệm bằng đàn piano… trong các nhạc viện hay các học viện âm nhạc.
Một số hiện tượng làm người hiểu biết đau lòng, người thưởng thức “kẻ cười người khóc” bởi sự biến dạng khủng khiếp của âm nhạc dân tộc: từ lối ca diễn, trang phục, đến việc “phối âm – phối khí”, rock hoá tiết tấu, ca khúc hoá giai điệu dân ca,… và đỉnh điểm là việc sử dụng thang bình quân phương Tây để làm cơ sở cho các nghiên cứu âm nhạc, để “phát huy” và “phát triển” (sáng tác) âm nhạc dân tộc.
Trở lại với “những chức năng” của âm nhạc, trước thực tế cuộc sống hiện nay, càng nhận thức được vai trò của âm nhạc, tác động của âm nhạc dân tộc – truyền thống và sự cần kíp phải bảo tồn âm nhạc truyền thống, dân tộc. Đó là nhiệm vụ của âm nhạc, vừa là vì chính bản thân âm nhạc – từ góc độ bởi và vì sao âm nhạc được sinh ra… Nhưng có lẽ, điều lớn hơn cả khi đặt vấn đề bảo tồn âm nhạc dân tộc, là vì con người.
3. Bảo tồn bản sắc dân tộc – bắt đầu từ…
Có lẽ, điều đầu tiên, cơ sở của công việc “bảo tồn bản sắc” văn hoá trong âm nhạc chính là vấn đề “tâm thế Việt” – quan điểm của bảo tồn trong nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, đào tạo,…:
Bước đầu tiên của “con đường bảo tồn” là từ công việc sưu tầm – nghiên cứu. Sưu tầm, ghi lại, giữ lại âm thanh của mỗi làn điệu, câu hát một cách nhanh chóng bởi đã có nhiều thể loại âm nhạc đã và đang trở thành “di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” (!). Mỗi di sản phải có cách ứng xử khác nhau nhất là trong bảo tồn nhưng vẫn có những điểm chung nhất mà vẫn được nêu đó là giữ cho được: bản sắc. Chính những tư liệu ghi âm, những băng hình, đĩa tiếng,… là cơ sở để có những nghiên cứu, phương pháp bảo tồn. Bản thân thái độ ghi chép, thu âm, quay hình,… cũng cần có một tâm thế khoa học, một “tâm thế Việt” bởi ai cũng hiểu, một khung hình trên phim, một giọng hát trên băng đĩa,… đều được thu lại qua “góc quay” của nhà quay phim hoặc phút bấm máy, cách đặt micro của người ghi âm. Nếu không yêu, không có một tâm thế chân thành, trân trọng cũng như một thái độ khách quan khoa học, khó có những tư liệu trung thực.
Tất nhiên, bảo tồn không thể dừng lại ở việc giữ lại những tư liệu, tài liệu. Phải thực hiện “bảo tồn mở” bằng nghiên cứu, giới thiệu, giảng giải để có nhiều người hiểu, đào tạo người nghe để có người theo học nghề và làm nghề,… Tuy nhiên, sức “tàn phá” của thời gian, của những hiểu biết không đầy đủ trong quản lí, của những người thực hiện,… sẽ là những tác nhân làm những thể loại âm nhạc dân tộc chỉ còn là di sản!
Trong nghiên cứu, không ít những khái niệm âm chủ, phức điệu, quảng thuận – nghịch… trong âm nhạc phương Tây được sử dụng để làm cơ sở nhận thức âm nhạc dân tộc, âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đôi khi, người ta còn “phiên” thang âm của những làn điệu âm nhạc Việt về các dạng Thang âm – điệu thức của hệ thống âm nhạc châu Âu (như giọng Do trưởng, Ré thứ,…) hoặc, ghép với các thang âm của các nền văn hoá khác (như cách ghi ở một số tài liệu hiện nay: thang âm “Do Cung”, “Ré Chuỷ” – gán ghép tên thang âm giống như tên “giọng” của âm nhạc phương Tây, “chủ âm” thuộc về âm nhạc phương Tây và “điệu” thuộc âm nhạc cổ truyền Trung hoa,…). Phải chăng, chúng ta đang “tự nô dịch” ngay từ những khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành trong nghiên cứu? Hãy bằng quan điểm, phương pháp khoa học của ngành Âm nhạc dân tộc học 1 hiện đại trên thế giới hiện nay để nghiên cứu, nhận thức âm nhạc dân tộc mình.
Nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền, những di sản văn hoá phi vật thể đã được nghiên cứu, xác định loại hình và được công nhận. Dù là âm nhạc dân gian hay bác học, sáng tác (có thể chỉ là ứng diễn), biểu diễn, trao truyền và người nghe,… là những yếu tố quan trọng để thể loại âm nhạc kể cả âm nhạc cổ truyền tồn tại. Việc sáng tác để cho thể loại âm nhạc cổ truyền tồn tại – phát triển trong đời sống đương đại là điều cần được nghĩ đến, cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn “tính chất cổ truyền” trong biểu diễn, trao truyền (hay đào tạo cả chủ thể và người thưởng thức). Sáng tác những bài bản mới trên nền tảng khuôn mẫu cũ với những sáng tạo mang hơi thở thời đại là việc làm không dễ, nhưng có như vậy, âm nhạc cổ truyền sẽ tồn tại không phải như một dư âm của quá khứ mà vẫn phát triển. Tất nhiên, sáng tác bài bản cũng chỉ là một lối đi nhỏ cho công việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật nhưng là cách để các thể loại âm nhạc cổ truyền được bảo tồn và tồn tại đúng nghĩa.
Về sáng tác đối với các thể loại âm nhạc “mới”, chúng ta cũng không thể bảo thủ, không thể giữ nguyên xi vốn cổ để cho là có “tính dân tộc”. Chúng ta chấp nhận tiếp thu yếu tố bên ngoài trên nền tảng của truyền thống văn hoá bốn ngàn năm. Đương nhiên, tính dân tộc trong âm nhạc không chỉ là bằng hình thức mà phải được thấm nhuần từ trong nền tảng của tư tưởng, ý đồ đến phương pháp thể hiện. Không nhất thiết đòi hỏi phải là chất liệu dân ca, là âm sắc đàn bầu… mới có thể chuyển tải hoặc chứa đựng tinh thần dân tộc. Người sáng tác phải biết tìm kiếm những nét điển hình, độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình kết hợp với đặc điểm chặt chẽ, kĩ thuật sáng tác mới mẻ của nước ngoài. Một ca khúc đương nhiên phải “ca được” đối với người Việt Nam (vì tiếng Việt có thanh điệu), nhưng cũng không nhất thiết phải sử dụng chất liệu dân ca mới mang tính dân tộc. Có thể, bằng ngôn ngữ phương Tây đương đại (ngôn ngữ âm nhạc của chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Tiền phong, v.v.) để thể hiện những đề tài, nội dung Việt Nam. Công chúng đã được thưởng thức nhạc Jazz mang nội dung Việt của Nguyên Lê và Hương Thanh (với sự hoà điệu của nhà âm nhạc dân tộc học GS Trần Văn Khê). Hoặc, tư duy, đề tài dân tộc được chuyển tải, thể hiện bằng ngôn ngữ mới mẻ qua giao hưởng “Sóng Nhất Nguyên” hay vũ kịch (ballet) Trương Chi của nhạc sĩ thuộc trường phái Tiền phong Nguyễn Thiên Đạo… Có thể, đây chỉ là một trong những thể nghiệm đối với nền âm nhạc Việt Nam mới theo mô thức âm nhạc bác học châu Âu. Nhưng không có điều gì ngăn trở chúng ta tiếp tục tìm tòi để sáng tạo và để tạo cho mình một tấm căn cước văn hoá, để hội nhập và phát triển.
Do vậy, đối với sáng tác mới, tính chất “tự do”, sáng tạo và có thể không theo bất kì một nguyên mẫu nào là điều thường có, nhưng điều mà mọi sáng tác phải có, trước nhất, là “cái riêng”. Có nhiều tiêu chuẩn đánh giá một tác phẩm âm nhạc (không lời và có lời) bởi đối tượng thưởng thức, quan niệm… là khác nhau. Một tác phẩm gọi là “hay” khác rất xa với tác phẩm có “chất lượng cao” chẳng hạn. Nhưng điều mà người ta luôn đòi hỏi, đó là dung mạo của tác phẩm phải có “cái riêng” trên nền tảng “cái chung” của dân tộc và thời đại. Tiêu chí hàng đầu (hoặc có thể xem là điều bắt buộc) đối với một tác phẩm hoặc một tác giả, chính là đặc điểm riêng (về học thuật, nghệ thuật) và đặc điểm dân tộc – thời đại.
Về biểu diễn, chúng ta vẫn luôn nghĩ đến phải tổ chức trình diễn các thể loại âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, các thể loại âm nhạc gọi là “dân tộc” trên thực tế đã và đang bị thay thế bằng dòng nhạc dân tộc cải biên (dân ca, khí nhạc dân tộc được sưu tầm, kí âm trên phương pháp 5 dòng kẻ, được chỉnh lí, cải biên, sáng tác lại theo phương pháp sáng tác âm nhạc bác học châu Âu, diễn tấu trên những nhạc cụ đã được cải tiến và lên dây theo thang âm bình quân)… Âm nhạc “dân tộc” đó được sân khấu hoá, tổ chức trình diễn theo kiểu điện tử hoá nhạc cụ, trang phục theo kiểu “holliwood hoá”,… và chỉ dành cho khách du lịch trong các nhà hàng khách sạn. Tất cả những việc làm đó có thể chỉ nhằm để dễ dàng tổ chức thực hiện, trình diễn và cũng để giới thiệu rộng rãi cho công chúng và với thế giới, để hoà nhập. Nhưng, chúng ta đã biến chính âm nhạc dân tộc thành “thể nhạc toàn cầu” với chân dung xa lạ với chính dân tộc đã sinh ra nó 1.
Trao truyền là con đường sống còn của bảo tồn âm nhạc cổ truyền, cũng là cách để giữ gìn những nội dung “bản sắc dân tộc” trong các thể loại âm nhạc đương đại. Trao truyền có thể bằng con đường đào tạo những người sẽ tiếp nối thực hiện âm nhạc cổ truyền trong thời hiện đại. Họ cần được đào tạo nghiêm túc, đầy đủ. Và trao truyền còn là “đào tạo người thưởng thức”, bởi âm nhạc hay bất cứ loại hình nghệ thuật – văn hoá nào cũng cần có khán giả để tồn tại và để có “nguồn” cho những sáng tạo mới, cho nghệ thuật tồn tại và tiếp diễn. Mặt khác, âm nhạc có chức năng truyền thông – giao tiếp. Âm nhạc cổ truyền được giới thiệu nghiêm túc, trân trọng, là chủ trương của nhiều giới, nhiều ngành (nhất là giới truyền thông) sẽ đem đến rất nhiều những hiệu quả cho đời sống văn hoá, xã hội, kinh tế,…
Có thể nói, trên phương diện văn hoá, xã hội, từ bao đời nay, âm nhạc là một phương tiện truyền thông. Điều rõ ràng nhất mà ai cũng có thể nhận thức được là: âm nhạc dân tộc bao đời nay là tiếng nói của dân tộc, là phương tiện giao tiếp để kết nối cộng đồng, truyền bá tư tưởng, thẩm mĩ, là phương tiện kiểm soát xã hội, phục vụ chế độ, tín ngưỡng, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho con người; âm nhạc có thể kéo mọi người về lại với nhau, với cội nguồn và hướng thiện,… Trong lịch sử và đời sống, âm nhạc mang đến cho con người những thông điệp về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, của tình yêu, của lòng nhân ái; là lời trao gởi giữa những kẻ yêu nhau, của tình mẫu tử, thầy trò, bạn bè; âm nhạc gieo vào con người lòng nhân hậu, ý chí quật cường, dân tộc…
Trước yêu cầu hội nhập, văn hoá nói chung, ở mỗi ngành – nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) nói riêng nhanh chóng tiếp thu những sản phẩm, học tập cách thức, nội dung, hình thức,… lẫn nhau giữa các nước trở nên phổ biến. Thế nhưng, xu hướng càng nhất thể hoá nhanh các nền văn hoá, càng tăng tốc toàn cầu hoá thì con người càng muốn gìn giữ những nét riêng của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Sự thể hiện cái riêng không vì lí do đề kháng với xu hướng toàn cầu hoá mà còn là do muốn “tự vệ”, không muốn bị đồng hoá và vì tính độc lập, vì “cái riêng”. Để hội nhập nhưng không để hoà lẫn, không để bị nhất thể hoá, toàn cầu hoá, cách duy nhất là tác phẩm âm nhạc phải có tính dân tộc, có bản sắc. Hội nhập ở đây đòi hỏi phải giữ gìn bản sắc và từ đó mới có cơ hội phát triển.
___________
1. Trong bài viết về “Nhạc dân tộc Mới Việt Nam” (Hội thảo “Phát triển Âm nhạc Truyền thống, ý nghĩa văn hoá và thành tựu nghệ thuật”, Viện Âm nhạc – 2003), chúng tôi đã nêu một số đặc điểm về thể nhạc dân tộc được phát triển này.
4. Kết luận
Trong một lần nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Cần Thơ về Đờn ca Tài tử, có một sinh viên đã hỏi tôi: “Cô có tin là chúng ta có thể bảo tồn được các thể loại âm nhạc dân tộc mình trong thời đại ngày nay?”. Tôi đã trả lời: “Không chỉ riêng chúng ta nhận thức được những nguy cơ sắp bị biến dạng hoặc biến mất của những thể loại âm nhạc cổ truyền mà chính những người có hiểu biết trên toàn thế giới đều nhận thức được điều đó. Chính vì vậy mà có tổ chức UNESCO đã có những công nhận di sản phi vật thể và đầu tư cho việc bảo tồn các di sản; cũng chính vì vậy nên có những buổi nói chuyện giữa những người làm nghiên cứu chúng tôi với các bạn và có những tấm lòng, những suy nghĩ đau đáu như của em… Hãy tự tin và có hành động bảo vệ văn hoá dân tộc như bảo vệ chính đời sống, chủ quyền đất nước.”
Bản sắc riêng (của dân tộc) không chỉ để âm nhạc không hoà lẫn trong hội nhập, có bản sắc để làm nền tảng cho sự sáng tạo – phát triển, bản sắc còn là phần “nền” cho giáo dục, cho sự phát triển bền vững của xã hội. Bởi “âm nhạc trong văn hoá – xã hội” và “xã hội, văn hoá trong âm nhạc”. Những nét riêng, bản sắc riêng của mỗi cộng đồng người, mỗi tộc người, quốc gia phải được xem là đồng nghĩa với chủ quyền của cộng đồng người, dân tộc, quốc gia đó.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Blacking, John (1973), How is music man?, NXB University of Washington Press. Bản tiếng Pháp “Le sens musical”, Les éditions de Minuit, 1980.
2. Trần Văn Khê, trích trong sách “Précise de musicologie” của Chailley, Jacques, phần viết về “Ethnomusicologie, Objet, techniques et méthodes”, Presses Universitaires de France, tr. 63-70, 1958.
3. Merriam, Alan P., Ethnomusicology, Discussion and Definition of The Fiel, Ethnomusicology, IV/3, tr. 107-114, 1959.
4. Merriam, Alan P. (1964), The Anthropology of music, Nhà xuất bản Northwestern University Press (tái bản lần thứ IV), tr. 216, 2000.
5. Merriam, Alan P., Perspective on Definition, tạp chí Ethnomusicology, XXI/2, tr. 189-204, 1977.
6. Merriam, Alain P., Ethnomusicology, Divisided, tạp chí Ethnomusicology, số X/5, tr. 132, 1991.
7. Nettl, Bruno., The Study of Ethnomusicology – Twenty nine Issues and Concepts, University of Illinois Press, Urbana Chicago London, 1983.
8. Những băng đĩa ghi âm và ghi hình tư liệu điền dã.