Tiền cổ kim loại khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
(Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Tiền kim loại là loại hình di vật đặc biệt, có độ tin cậy cao về niên đại và nguồn gốc, bởi trên tiền đúc niên hiệu, quốc hiệu và thậm chí cả năm đúc tiền. Đây là nguồn tư liệu có tầm quan trọng trong việc nghiên cứu về kinh tế, chính trị, xã hội trong lịch sử. Tại khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy trên 8.600 đồng tiền cổ kim loại. Sau quá trình xử lý bảo quản, nghiên cứu, phân loại, các thống kê chi tiết, bài bản và hệ thống các loại tiền phát hiện được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long lần đầu tiên được công bố. Bài viết1 cũng bước đầu đưa ra một số nhận xét đánh giá tổng quan về số lượng, mật độ, giá trị các sưu tập tiền nhằm góp phần làm sáng rõ hơn về đời sống kinh tế, xã hội của Kinh đô Thăng Long trong lịch sử.

Từ khóa: Tiền cổ kim loại, Hoàng thành Thăng Long, Kinh đô Thăng Long.

Phân loại ngành: Khảo cổ học.

x
x x

ABSTRACT

     Metal coins are a specialtype of artifact, with high reliability in dating and origin, because on them are the date, the country name and even the year of minting. This is an important source of material in the study of economic, political and social aspects of history. At the archaeological site of Thăng Long Imperial Citadel, over 8,600 ancient metal coins have been found. After the process of preservation, research and classification, detailed and methodical statistics and systems of coins discovered in the imperial citadel were first published. At the same time, the article also gives some initial general comments on the quantity, density and value of the coin collections in order to contribute to clarifying the economic and social aspects of life in Thăng Long capital in history.

Keywords: Ancient metal coins, Imperial Citadel of Thăng Long, Thăng Long capital.

Subject classification: Archaeology.

x
x x

1. Mở đầu

     Cuộc khai quật khảo cổ học quy mô lớn khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu các năm 2002-2004 và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội các năm 2008-2009, bên cạnh những phát hiện nhiều dấu vết nền móng kiến trúc thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau,còn có số lượng khổng lồ rất nhiều loại hình di vật phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Trong số đó, kim loại là một trong những loại hình di vật tìm được số lượng không nhiều nhưng khá đặc sắc và độc đáo, bao gồm các loại hình đồ dùng, vật dụng và một số lượng lớn tiền cổ kim loại, bao gồm tiền rời rạc vànhững khối xâu tiền lớn được chôn giấu có ý thức của con người, mỗi khối xâu tiền lên tới cả nghìn đồng xu. Các khối tiền nguyên xâu dường như được chôn trực tiếp xuống lòng đất chứ không tìm được dấu vết đồ đựng nào, và đa phần được xử lý di dời nguyên khối lên khỏi di tích (Nguyễn Thị Anh Đào, 2019).

     Đối với đồ kim loại nói chung, tiền cổ kim loại nói riêng trải qua nhiều năm nằm sâu dưới lòng đất, đa phần được tìm thấy trong tình trạng rỉ sét, bám bẩn, mục nát và phá hủy khá mạnh. Để đưa ra được những nhận định, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về các sưu tập tiền, trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành thường xuyên công tác xử lý bảo quản như vệ sinh, tẩy gỉ, chống bị ăn mòn,… nhằm mang lại diện mạo ổn định cho di vật. Trên cơ sở kết quả bảo quản, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân loại, chỉnh lý, xác định tên gọi và niên đại, nguồn gốc các loại tiền. Đối với nhóm tiền rời sau quá trình bảo quản, nhóm nghiên cứu phân loại, thống kê và sắp xếp thành các nhóm tiền Việt Nam, Trung Quốc, Đông Dương thuộc Pháp… theo tiến trình từ sớm đến muộn. Còn đối với tiền phát hiện nguyên xâu, nguyên khối thì áp dụng phương pháp bảo quản giữ nguyên trạng bề mặt hoặc xử lý tách rời phần đất để giữ tình trạng bảo quản tốt nhất, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn gây tình trạng han gỉ, phá hủy hiện vật có thể xảy đến tiếp theo. Dựa trên kết quả xử lý bảo quản và nghiên cứu các sưu tập tiền kim loại kể trên tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong nhiều năm qua, bài viết này sẽ công bố tổng quan về kết quả thống kê, chỉnh lý, phân loại bước đầu về các loại hình tiền rời kim loại phát hiện được tại khu di tích.

2. Kết quả nghiên cứu về nguồn gốc, niên đại của bộ sưu tập tiền cổ kim loại

     Khác với loại hình di vật khác, tiền cổ kim loại mang tính chính xác cao về niên đại, bởi trên mặt tiền có đúc (dập) niên hiệu, quốc hiệu và thậm chí năm đúc, nơi đúc ra đồng tiền đó.Việc nghiên cứu, xác định nguồn gốc, niên đại của tiền cổ kim loại do đó tương đối thuận lợi, dựa trên cơ sở nhận diện nét chữ, ký tự được đúc trên đó. Đối với sưu tập tiền rời kim loại phát hiện tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sau quá trình xử lý bảo quản, việc nghiên cứu, đọc tên và phân loại tiền được thực hiện khá tỉmỉ, chi tiết và khoa học. Sưu tập tiền này thống kê được trên 8.600 đồng và sắp xếp theo bốn nhóm chính: tiền Việt Nam, tiền Trung Quốc, một phần nhỏ tiền Đông Dương thuộc Pháp và số lượng ít tiền không chính triều…

     2.1. Tiền Việt Nam

     Quá trình nghiên cứu, phân loại chỉnh lý bộ sưu tập tiền kim loại Việt Nam phát hiện được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long thống kê được 44 loại tiền chính triều với tổng số 2.084 đồng, trong đó khu ABCD là 1.805 đồng và khu E là 279 đồng thuộc các thời kỳ Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Lê trung hưng, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn (từ năm 980-1945). Về cơ bản, với số lượng và các loại tiền Việt Nam phát hiện được tại di tích đã cho thấy sự đa dạng về loại hình, tương đối đầy đủ theo diễn tiến niên đại từ sớm đến muộn theo chiều dài lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong số đó, đồng tiền sớm nhất tìm thấy là tiền “天福鎭寶” (Thiên Phúc trấn bảo) thời Tiền Lê thế kỷ X,và đồng tiền muộn nhất là “啟定通寶” (Khải Định thông bảo) thời Nguyễn thể kỷ XX.

Bảng 1: Thống kê chi tiết tổng các loại tiền Việt Nam
phát hiện được xác định tính đến thời điểm hiện tại.

__________
1. Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học “Nghiên cứu các sưu tập tiền cổ khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long” do Viện Nghiên cứu Kinh thành chủ trì.