Ẩn dụ ý niệm “Xanh” trong tiếng Việt

CONCEPTUAL METAPHOR OF THE BLUE IN THE VIETNAMESE LANGUAGE

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ LIÊN
(Trường Đại học Phú Yên)

TÓM TẮT

      Dưới ánh sáng của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ được xem là một trong những hình thức tư duy ý niệm, phản ánh lối tư duy và ý niệm hóa của con người về thế giới xung quanh thông qua các biểu thức ngôn ngữ, một cơ chế nhận thức mà thông qua nó, logic của những khái niệm có tính trừu tượng được thay thế bằng logic của những khái niệm có tính cụ thể hơn. Trong phạm vi bài báo khoa học này, chúng tôi hướng sự quan tâm vào ẩn dụ ý niệm màu sắc, trong đó màu xanh là một ý niệm nguồn ánh xạ sang miền đích khác nhau được người Việt tri nhận.

Từ khóa: ẩn dụ ý niệm, biểu thức ngôn ngữ, màu xanh, miền nguồn, miền đích.

ABSTRACT

     From the perspectives of cognitive linguistics, metaphor is considered one of the forms of conceptual thinking, reflecting the ways of thinking and conceptualizing people around the world through linguistic expressions, a cognitive mechanism through which the logic of abstract concepts is replaced by the logic of more specific concepts. Within the context of this scientific paper, we turn our attention to the conceptual metaphor of “color” in which blue is used as a source of concepts associated with the various target domains in the Vietnamese linguistics.

Key words: conceptual metaphor, language expressions, blue, source domain, target domain

x
x x

1. Mở đầu

     Lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ ghi nhận các hướng tiếp cận ẩn dụ từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ được nhìn nhận là sự ánh xạ tinh thần, phản ánh phương thức tư duy sáng tạo của con người. “Ẩn dụ thâm nhập khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy và hành động” (G. Lakoff, M. Johnon, 1980, tr.3). Theo đó, thông qua phương thức ẩn dụ, con người nhận biết thế giới vật chất và tinh thần. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra cơ chế tri nhận của ẩn dụ ý niệm gồm miền nguồn và miền đích, là sự chiếu xạ giữa một miền nguồn có tính vật chất, cụ thể lên một miền đích có tính trừu tượng. Về bản chất “ẩn dụ cho phép chúng ta hiểu đối tượng tương đối trừu tượng hoặc đối tượng phi cấu trúc hóa thông qua đối tượng cụ thể hơn hoặc ít ra thông qua đối tượng đã được cấu trúc hóa cao hơn” (Trần Văn Cơ, 2007, tr.71).

     Ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào thực tiễn tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt quan tâm làm rõ cấu trúc của ẩn dụ ý niệm với các miền nguồn khác nhau. Trong đó, ẩn dụ ý niệm với miền nguồn màu sắc được xem là một phương tiện hữu hiệu để con người nhận thức về thế giới xung quanh và khám phá chính bản thân mình trên nhiều phương diện khác nhau. Tri thức về màu sắc, mảng hiện thực độc đáo được nhận thức, giải mã cụ thể, tinh tế trở thành cơ sở cho sự tri nhận các ý niệm phức tạp trong đời sống tinh thần người Việt. Có thể tìm thấy những bằng chứng xác đáng cho thấy màu sắc được sử dụng như một miền nguồn (source domain) để khám phá đặc điểm, thuộc tính của một miền đích (target domain) mang tính trừu tượng, nhằm biểu hiện và hình thành những ý niệm mới, mở ra sự hiểu biết những cơ sở của tư duy và các quá trình nhận thức của người Việt về thế giới. Trên thực tế, những biểu thức ngôn ngữ gắn với màu xanh kiểu: tình vẫn xanh rời rợi, đời xanh lại hàng cây, hi vọng xanh tươi, … ẩn chứa ý niệm XANH xuất hiện khá phổ biến trong tiếng Việt. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung khảo sát ẩn dụ ý niệm XANH, hi vọng giúp người đọc có cái nhìn cụ thể về cấu trúc của ẩn dụ ý niệm XANH, góp phần hoàn thiện bức tranh nghiên cứu chung về ẩn dụ ý niệm màu sắc trong tiếng Việt.

2. Mô hình ẩn dụ tri nhận của ẩn dụ ý niệm “xanh” trong tiếng Việt

     2.1. Ý niệm XANH trong tiếng Việt

     Nằm trong hệ thống từ chỉ màu cơ bản trong tiếng Việt, “xanh” xuất hiện phổ biến trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cũng như trong tác phẩm văn chương. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1997, tr.1102] định nghĩa “xanh” với các nét nghĩa cụ thể: 1. Có màu như màu của lá cây, của nước biển (Lũy tre xanh, non xanh nước biếc, da xanh như tàu lá, thức ăn xanh cho gia súc); 2. (Quả cây) chưa chín, màu đang còn xanh (chuối xanh); 3. (Người, tuổi đời) còn trẻ (mái đầu xanh, tuổi xanh).

     Theo Trần Văn Cơ (2011), ý niệm có cấu trúc trường – chức năng được tổ chức theo mô hình trung tâm và ngoại vi. Khái niệm hạt nhân nằm ở vị trí trung tâm của trường. Bao bọc, chi phối khái niệm trung tâm, vốn mang tính phổ quát, là hàng loạt các yếu tố ngoại biên. Theo đó, khảo sát nghĩa của xanh trong từ điển, chúng tôi nhận thấy rằng, trong cấu trúc nghĩa của “xanh” nét nghĩa thứ nhất, có màu, gắn liền với vật đại diện tiêu biểu là nước và lá cây là ý nghĩa tiêu biểu tạo thành khái niệm trung tâm của xanh. Nét nghĩa cơ bản như trên mang tính ổn định trong nhận thức chung của người Việt. Ngoài ra, thực tế sử dụng tiếng Việt ghi nhận các thuộc tính “màu” khác nhau của “lá cây” hoặc “nước biển” với vô vàn sắc độ khác nhau được biểu đạt bởi một lượng biểu thức ngôn ngữ phong phú: xanh biếc, xanh ngắt, xanh om,… Ở nét nghĩa thứ hai, và ba khái niệm “xanh” gắn liền với đặc trưng của sự vật hiện tượng theo các chiều hướng khác nhau: tích cực hoặc tiêu cực. Có nghĩa là khi nói đến “xanh”, những thành tố này đồng thời được kích hoạt và xuất hiện trong tâm trí kéo theo những liên tưởng tương ứng. Chẳng hạn, thành tố “tích cực”, “tiêu cực” kích hoạt sẽ kéo theo những liên tưởng được biểu trưng bởi những yếu tố chỉ sắc độ, độ sáng: biếc, lè, non, vv … Trong tiếng Việt, vật được xem là đại diện cho đặc trưng “chưa chín” không nhất thiết cùng phạm trù. Cụ thể, trong một số trường hợp, nét nghĩa “màu đang còn xanh” được áp dụng cho sự vật, hiện tượng mới, vốn không phải là sự vật thường xuyên mang đặc trưng điển hình nhất của tính chất màu như: em hãy còn xanh, tôi xanh non uống cạn lời xanh non ,… Những thuộc tính cơ bản của ý niệm màu sắc như sắc độ, độ sáng, tính nhiệt, giá trị thẩm mĩ được tri nhận của màu trở thành cơ sở cho sự nhận thức sự vật hiện tượng khác nhau trong đời sống tinh thần của người Việt. Nghĩa là, đã có một sự chuyển di ý niệm màu sắc sang ý niệm trừu tượng trong tư duy con người. Đây chính là cơ chế hình thành các ẩn dụ ý niệm XANH.

     Có thể thấy, cấu trúc ý niệm “xanh” bao gồm các thành tố khác nhau. Trong đó, trung tâm của cấu trúc ý niệm là khái niệm “xanh” gắn liền tính chất đặc thù đã nêu. Trong tiếng Việt, biểu thức ngôn ngữ thường được dùng để thể hiện khái niệm “xanh” rất phong phú: xanh, xanh lè, xanh ngắt, xanh biếc,… Các biểu thức này được chúng tôi xem xét như thành tố biểu đạt khái niệm trung tâm. Bao bọc, tác động đến hạt nhận ý niệm là các yếu tố ngoại vi: văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền, văn hóa cá thể,…

     2.2. Quan hệ chiếu xạ của ẩn dụ ý niệm XANH trong tiếng Việt

     Kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học tri nhận đã cho thấy, ẩn dụ ý niệm là “cách nhìn một đối tượng này thông qua một đối tượng khác” (Trần Văn Cơ, 2007, tr.69). Khảo sát nguồn ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng ý niệm XANH có vai trò là miền nguồn chuyển di thuộc tính sang những phạm trù ý niệm khác: con người, đời sống xã hội và hiện tượng tự nhiên. Sự chuyển di ý niệm XANH sang ý niệm của những đối tượng thuộc miền đích khác nhau được chúng tôi tóm tắt trong bảng 1 sau:

Bảng 1. Sự chuyển di ý niệm miền nguồn XANH đến miền đích trong tiếng Việt

Ý niệm miền nguồn XANH

Ý niệm miền đích

Ví dụ

   

 

 

Sắc độ, độ sáng

Cung bậc tích cực của cảm xúc, tình cảm con người

Ước mơ xanh; Hy vọng xanh tươi;

Và biết đâu những giọt nước mắt từ đóa hoa ấy sẽ rỏ lên cuộc đời và lòng người, làm nảy mầm những hi vọng xanh tươi.

(Việt Anh, thời đại plus.gia đinh.net.vn)

Cung bậc tiêu cực của cảm xúc, tình cảm con người

Sợ xanh mắt; Mặt xanh như đít nhái

Chỉ cần nhắc tới tên chúng là người ta đã xanh mặt.

(https://vi.glosbe.com)

Đặc trưng, tính chất của đối tượng

Tôi xanh non uống cạn lời xanh non

(Phạm Ngọc Cảnh, Cỏ ngoài sông Đuống)

Và đời một màu xanh biếc

(Trịnh Nam Sơn, Về đây em)

Vai trò, giá trị của đối tượng

Tuyệt đối tránh trường hợp đưa “quân xanh” vào hiệp thương, bầu cử để “lót đường”. Đó không gọi là dân chủ.

(https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tuongthuoc-noi-ve-quan-xanh–quan-do-co-hoichinh-tri-trong-bau-cu-post166525.gd)

Sự biến đổi, vận động của đối tượng Thế kỷ

Thế kỷ chết rồi đẻ ra thế kỷ non hơn, 21 Tôi ch Tôi chết rồi, thơ sau đó sẽ xanh hơn.

(Chế Lan Viên, Đoạn cuối thế kỷ)

Đằm trong hơi thở đất đai

Màu xanh sẽ rộng, sẽ dài mai sau. (Hà Thiên Sơn, Mưa đầu mùa)

Tác động của màu xanh
đến tâm lý con người

Đặc tính của thời gian được con người cảm nhận

Đêm xanh; buổi trưa xanh ngời;

Ngày xanh biếc đất, nắng đầy hồn ta.

( Chế Lan Viên, Trưa dưới vòm cây)

     Như vậy, ý niệm XANH với các đặc tính cơ bản đã trở thành “bệ đỡ” cho sự nhận thức của người Việt về đời sống xã hội, khám phá chính bản thân mình trên các phương diện khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là, miền nguồn XANH đã chiếu xạ sang các miền đích khác nhau trong tri nhận của người Việt.

     2.3. Mô hình ẩn dụ ý niệm XANH trong tiếng Việt

     2.3.1 Ẩn dụ ý niệm HI VỌNG/ KHÁT VỌNG LÀ MÀU XANH

     Xuất phát từ các đặc tính của màu được con người cảm nhận, màu xanh gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của con người. Được xem là màu của thiên nhiên, của sự sinh trưởng, màu xanh được con người tri nhận gắn liền với những thuộc tính đem lại cho con người những khoái cảm tinh thần và theo truyền thống, nó là màu của hi vọng. Nghiên cứu nguồn ngữ liệu chúng tôi nhận thấy rằng, người Việt có xu hướng sử dụng các từ chỉ màu xanh với các sắc độ khác nhau như biếc, thẳm, thắm,… để diễn tả niềm tin, hi vọng: hi vọng xanh tươi, ước mơ xanh, khát khao xanh,... Các thuộc tính cố hữu đặc trưng của màu xanh – xanh dương: sắc độ tươi mát, tính nhiệt thấp được chiếu xạ lên miền đích trong tư duy con người – cảm xúc, định hình cảm giác an yên, nhẹ nhàng mà chắc chắn. Hi vọng xanh, mang sự bền bỉ lan tỏa dịu nhẹ mà tha thiết. Trong tiếng Việt, sắc xanh của bầu trời được dùng biểu trưng cho niềm tin, hi vọng, cuộc sống tươi đẹp với nhiều cấp độ khác nhau gắn với thuộc tính chuyên biệt về sắc độ của màu như: biếc, ngời, thẫm… góp phần nâng ý nghĩa biểu trưng của màu xanh lên mức cao nhất, thể hiện trọn vẹn nhất các thuộc tính của cảm xúc ở miền đích. Trong vô số các màu sắc được ghi nhận trong tư duy con người, lựa chọn màu xanh để diễn tả khát vọng là lựa chọn mang tính phổ quát. Bởi lẽ, màu xanh là màu gần gũi trong cuộc sống, gắn liền đời sống nông nghiệp người Việt. Do vậy, sử dụng màu xanh để gợi liên tưởng về sự bền bỉ, sức sống tiềm ẩn của đam mê là biểu hiện tư duy ý niệm màu sắc trong thực tiễn tiếng Việt:

(1) Ngày mai từ vết chân người

Màu xanh lên với chân trời mở ra

(Đinh Nam Khương, Từ những vết chân người).

(2) Mong đợi đã vàng

Khát vọng còn xanh.

(Vũ Phán, Hồ Xuân Hương)

     2.3.2. Ẩn dụ ý niệm BUỒN LÀ MÀU XANH

     Sự tri nhận màu sắc của con người nói chung và trong tiếng Việt nói riêng, như các nhà ngôn ngữ học tri nhận đã chỉ ra, có nguồn gốc từ chính sự trải nghiệm của con người và “việc tri nhận màu sắc của con người là sản phẩm của sự kết hợp giữa thần kinh thị giác với khả năng tri nhận của não bộ, nó không phải là một tổ hợp cơ năng tri nhận hoàn toàn khách quan, độc lập nằm ngoài chủ thể tri nhận, mà được tạo ra từ thế giới hiện thực” (Triệu Diễm Phương, 2011, tr.80). Điều này cho thấy tính không thể tách rời giữa tâm lý và sinh lý khi “một loại kích thích có thể kích hoạt nhiều tri giác của các giác quan khác nhau, tạo nên sự cộng minh não bộ” (Triệu Diễm Phương, 2011, tr.81). Cơ chế chuyển đổi cảm giác này tạo thành cơ sở tâm sinh lý để con người nhận biết sự vật. Chính vì thế, màu sắc dường như có thêm độ sâu, độ lạnh, độ nóng. Trong ẩn dụ ý niệm BUỒN LÀ MÀU XANH, khi miền nguồn – màu xanh ánh xạ lên miền đích CẢM XÚC thì đặc trưng được lựa chọn là sắc độ có tính chuyên biệt, gắn liền với xu hướng tiêu cực của cảm xúc:

(3) Bàn tay xanh xao đón ưu phiền…

(Trịnh Công Sơn, Nắng thủy tinh)

(4) Non xanh ngây cả buổi chiều.

(Huy Cận, Thu rừng)

     Ẩn dụ màu xanh (xanh lam) vốn chỉ có trong văn hóa phương Tây. Trong tiếng Anh hiện đại “nhạc màu xanh lam” là thể loại nhạc có tiết tấu và ca từ có âm hưởng buồn (diễn tả sự tan vỡ). Trong tiếng Việt, đặc biệt là trong thơ, ẩn dụ nỗi buồn gắn với màu xanh đi liền với các đặc trưng như mềm, rủ, buốt, rêu,... thuộc tính sắc độ của màu được con người cảm nhận dựa trên những “phản ứng” tương ứng của những giác quan khác: xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác. Những từ ngữ thuộc vùng tri nhận này có giá trị biểu trưng cho vùng tri nhận vốn phức tạp và trừu tượng như cảm xúc của con người. Chuyển đổi cảm giác tạo nền tảng cho sự phương thức tri nhận ẩn dụ ý niệm BUỒN LÀ MÀU XANH trong tiếng Việt.

     2.3.3. Ẩn dụ ý niệm HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA CON NGƯỜI LÀ MÀU XANH

     Trong tiếng Việt, ta vẫn thường gặp những cấu trúc diễn tả hoạt động, trạng thái của con người trong xã hội như: sống xanh, hãy tô xanh cuộc sống; sống thì phải xanh,… Hoạt động mang tính hoạt động xã hội của con người được hình dung, nhận diện gắn liền với màu sắc đặc trưng. Nói cách khác, chính màu sắc đi kèm hoạt động với thuộc tính cơ bản tạo cơ sở cho sự nhìn nhận, đánh giá hoạt động của con người. Những ẩn dụ ý niệm về con người xã hội như trên là có tính phổ biến. Ánh xạ dựa trên liên tưởng giữa sắc độ, độ sáng – tính chất của hoạt động; hoạt động của con người với màu sắc – hoạt động biến đổi đời sống xã hội trở thành cơ sở kiến tạo cấu trúc ẩn dụ ý niệm màu sắc. Do vậy, các biểu thức ngôn ngữ biểu đạt ẩn dụ ý niệm màu sắc về hoạt động xã hội của con người xuất hiện khá phổ biến. Tri thức của người Việt về các màu sáng (trắng, xanh, hồng…) là cơ sở cho sự biểu đạt, tri nhận tính chất, vai trò của hoạt động xã hội của con người:

(5) Chung tay cùng cộng đồng tô xanh cuộc sống.

(https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/chungtay-cung-cong-dong-to-xanh-cuoc-song20170204231038644.htm)

(6) Cuộc đời hãy như là lá. Sống thì phải xanh.

(https://ngoisao.net/tin-tuc/choi-blog/cuocdoi-hay-nhu-la-la-song-thi-phai-xanh3330326.html)

     2.3.4. Ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI ĐẸP/Ý NGHĨA LÀ MÀU XANH

     Trong vô số các màu, màu xanh được xem là “màu sâu nhất trong các màu”, “màu xanh khiến cho hình dạng của đồ vật thanh thoát, cởi mở, nhạt nhòa, “màu xanh tự phân giải trong chính nó các mâu thuẫn, các xen kẽ – như xen kẽ ngày và đêm – những mâu thuẫn và xen kẽ điều chỉnh đời sống con người.” (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, 2016, tr.1015 – 1016). Trong nhận thức chung của người Việt, màu xanh vốn được xem là màu gắn liền với sức sống, sự sinh sôi nảy nở của cây trái, của thiên nhiên, màu xanh mang đến cho người nhìn cảm giác dễ chịu, êm ả. Vì thế, xanh thường được gắn với những gì đẹp đẽ, giàu sức sống. Khảo sát nguồn ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng người Việt có xu hướng sử dụng màu xanh gắn liền với ý niệm CUỘC ĐỜI để thể hiện cách cảm nhận, đánh giá về giá trị, tính chất tích cực cuộc sống. Các thuộc tính đặc trưng: sắc độ tươi mát, tính nhiệt thấp của xanh chiếu xạ lên miền đích CUỘC ĐỜI trong tư duy con người tương ứng với các tính chất (đẹp, mới, tràn đầy sức sống…), chiều kích (rộng, dài, thẫm sâu…) tương ứng với thuộc tính tràn đầy năng lượng của cuộc sống:

(7) Cỏ trong vườn mát dưới chân anh

Đời vẫn tươi màu lá rau xanh.

(Tố Hữu, Hãy nhớ lấy lời tôi)

(8) Báo Đại Đoàn Kết cũng đã góp sức mình vào cuộc đấu tranh vì màu xanh cuộc sống.

(http://daidoanket.vn/xa-hoi/vi-mau-xanhcuoc-song-tintuc356136)

     2.3.5. Ẩn dụ ý niệm SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀ MÀU XANH

     Với tư duy ý niệm TỐT LÀ LÊN, XẤU LÀ XUỐNG, người Việt có sự nhận thức tình trạng, đánh giá chiều hướng phát triển hay suy giảm nền kinh tế xã hội gắn với sự liên tưởng “sáng lên” hoặc “tối đi” của màu sắc. Tình trạng, chiều phát triển của nền kinh tế được liên tưởng ứng với sự thay đổi màu sắc, sắc độ của màu sắc đặc thù. Trong văn hóa Việt, các màu được phân theo nhóm dựa trên các đặc trưng về sắc độ, độ sáng, tính nhiệt. Theo đó, màu được phân loại thành hai nhóm màu sáng -màu tối, nóng – lạnh. Tri nhận về màu sắc mang đặc trưng văn hóa dân tộc này trở thành cơ sở cho sự lý giải, phân tích, hiểu đối tượng phức tạp trong đời sống. Trong đời sống văn hóa – ngôn ngữ của người Việt, hết sức tự nhiên, màu xanh được xem là màu của cây cỏ, gắn với sức sống, sự hồi sinh, phát triển. Đặc trưng tri nhận về sắc độ, độ sáng của xanh được kích hoạt, phóng chiếu lên miền đích KINH TẾ bằng các ánh xạ tương ứng: màu với sắc độ tươi mát tương ứng với “sức sống”, sự hồi phục, phát triển của nền kinh tế, mở rộng nghĩa của ẩn dụ ý niệm màu sắc.

     Trong ẩn dụ ý niệm SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ LÀ MÀU XANH, chiều hướng vận động, phát triển, tích cực của nền kinh tế được hình dung tương ứng với thuộc tính độ sáng của màu, hoặc màu với sắc độ tươi mát, có giá trị biểu trưng cho sức sống của màu xanh trong văn hóa Việt:

(9) Bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 không thiếu màu xanh, bất chấp phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới và khu vực.

(http://cafef.vn/kinh-te-viet-nam-2018-lac-quan-than-trong-hanh-dong-tu-tin20180101134916435.chn)

(10) Khi những tháng ngày khó khăn vẫn còn đang “càn quét” các ngân hàng, thì ở đâu đó dưới đám lá khô mục ruỗng của mùa đông, những mầm xanh hy vọng đã đâm chồi!

(https://www.thesaigontimes.vn/119913/Nhung-mam-xanh-hy-vong.html

     2.3.6. Ẩn dụ ý niệm ĐẶC TRƯNG TÍCH CỰC CỦA THỜI GIAN LÀ MÀU XANH

     Trong những ẩn dụ ý niệm màu sắc về thời gian, con người đã sử dụng tri thức, những trải nghiệm hàng ngày có được về màu sắc để ý niệm hóa thời gian. Đây là phương thức đặc thù để con người tri nhận về thời gian, gắn với đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Những nền văn hóa khác nhau có những cách nhìn nhận khác nhau về thời gian. Thực tế, người Việt chúng ta đã vận dụng kinh nghiệm có được trong tri nhận màu sắc, đặc biệt là màu xanh, để ý niệm hóa thời gian. Trong tiếng Việt, với mô hình cấu trúc ẩn dụ ĐẶC TRƯNG CỦA THỜI GIAN LÀ MÀU SẮC, người Việt đã sử dụng những tri thức về màu để nhận thức các đặc tính khác nhau của thời gian. MÀU SẮC với những thuộc tính cụ thể như độ sáng, sắc độ,tính nhiệt, tác động về cảm xúc, thẩm mỹ… được gán cho ý niệm thời gian. Quá trình ánh xạ dựa trên liên tưởng tương ứng giữa hai miền ý niệm nguồn – đích làm nảy sinh ở miền đích THỜI GIAN những thành tố nghĩa mới có tác dụng định lượng, định tính, tính chất, cảm xúc… Và dựa trên thao tác tư duy, chúng ta suy luận và hiểu về thời gian. Chẳng hạn, chúng ta xác định tính chất đa chiều, nhanh – chậm, dài – ngắn của thời gian trong mối liên tưởng tương ứng với sự phong phú của màu sắc, sắc độ màu trong bảng màu được tri nhận trong văn hóa Việt (chiều xanh, chiều tím, đêm xanh, đêm hồng…). Chúng ta dùng cảm quan về màu để tri giác thuộc tính của thời gian (hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát,…). Theo đó, cảm quan về màu xanh trở thành cơ sở cho sự nhận thức đặc trưng tích cực của thời gian. Mỗi một thuộc tính của thời gian được tri nhận dựa trên liên tưởng tương ứng với thuộc tính nổi trội ở miền nguồn XANH:

(11) Đêm về với biển đêm xanh

Không đen, đêm biển long lanh nghìn trùng.

(Chế Lan Viên, Đêm về với biển)

(12) Các chị sao ơi, bạn tuổi nhỏ của ta,

Có nghe trời chật

Những đêm xanh dào dạt như đêm nay.

(Chế Lan Viên, Người Bác sỹ)

3. Kết luận

     Khảo sát ẩn dụ ý niệm XANH, chúng tôi đã cung cấp thêm những minh chứng làm rõ ẩn dụ ý niệm màu sắc trong tiếng Việt. Trong các ẩn dụ ý niệm XANH, các thuộc tính cơ bản của miền nguồn màu XANH được ánh xạ lên miền đích khác nhau: con người, khái niệm trừu tượng thuộc lĩnh vực kinh tế và hiện tượng tự nhiên. Những phân tích về mô hình ẩn dụ ý niệm XANH thông qua các ẩn dụ tiêu biểu: HI VỌNG/ KHÁT VỌNG LÀ MÀU XANH, BUỒN LÀ MÀU XANH, CUỘC ĐỜI ĐẸP/CÓ Ý NGHĨA LÀ MÀU XANH, SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀ MÀU XANH, ĐẶC TRƯNG TÍCH CỰC CỦA THỜI GIAN LÀ MÀU XANH cho thấy nhận thức về thế giới xung quanh của con người có liên quan đến sự tri nhận, trải nghiệm của con người đối với ý niệm màu sắc. Hi vọng rằng, kết quả đạt được sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm về cơ sở tư duy và các quá trình nhận thức những biểu tượng tinh thần về thế giới của người Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     G. Lakoff, M. Johnon (1980), Metaphors We live by, The University of Chicago Press,
Chicago and London.

     Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch) (2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới – huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, Nxb Đà Nẵng.

     Hoàng Phê (1997), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

     Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận – Ghi chép và suy nghĩ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     Trần Văn Cơ (2011), Ngôn ngữ học tri nhận – Từ điển – Tường giải và đối chiếu, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

     Triệu Diễm Phương (2011), Dẫn luận Ngôn ngữ học tri nhận, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Phú Yên, Số 26 (2021), 17-23

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ẩn dụ ý niệm “Xanh” trong tiếng Việt (Tác giả: Nguyễn Thị Liên)