Chính sách quản trị làng xã Trung Kỳ thời Pháp thuộc
TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA
TÓM TẮT
Bài viết trình bày khái quát về quy mô làng xã Trung Kỳ thời kỳ Pháp thuộc và đi sâu tìm hiểu công cuộc cải cách quản lý làng xã thông qua các đạo dụ năm 1923, 1935, 1942. Chính quyền Pháp và Nam Triều chủ trương củng cố bộ máy quản lý gồm hương hội (lý dịch và ngũ hương) và hội đồng kỳ mục, trong đó hội đồng kỳ mục vẫn giữ vai trò quan trọng trong làng xã, theo như truyền thống. Thêm vào đó, mục tiêu quan trọng nữa của cải cách là tăng cường sự can thiệp của chính quyền trung ương vào quản trị làng xã, được thể hiện rõ trong Dụ 86 (năm 1935) và Dụ 89 (năm 1942).
x
x x
Chủ đề nông thôn Việt Nam và gắn liền với nó là xã thôn thu hút mối quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác nhau như lịch sử, dân tộc học, nhân học, xã hội học. Việc tìm hiểu làng xã trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được các nhà sử học của viện Sử học tiến hành từ sớm và đã khái quát được một số đặc điểm chung của làng xã từ các khía cạnh kinh tế, văn hóa – xã hội. Về mặt kinh tế, chế độ ruộng đất là chủ đề được đặt lên trên hết, chẳng hạn trong chuyên khảo Xã thôn Việt Nam, GS. Nguyễn Hồng Phong đã khảo trước hết về chế độ công điền công thổ; đây cũng là nội dung đầu tiên trong bộ sách 2 tập Nông thôn Việt Nam trong lịch sử của Viện Sử học. Theo Nguyễn Hồng Phong, thời Pháp thuộc, tỉ lệ ruộng công ở Trung Kỳ cao hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ[1]. Bên cạnh vấn đề sở hữu đất đai, nội dung về cơ cấu kinh tế cũng được chú trọng, theo đó, làng xã Việt Nam có đặc trưng sản xuất nhỏ tiểu nông kết hợp thủ công nghiệp, thương nghiệp và kinh tế hàng hoá tiểu nông. Kết cấu nông – thương – tiểu thủ công nghiệp mang tính đặc trưng cho nhiều làng Việt. Từ thực tiễn hoạt động đời sống, các tác giả đã đúc kết những tư tưởng kinh tế chung của nông dân Việt Nam là trọng ruộng đất, trọng nông, bình quân chủ nghĩa, đề cao hà tiện[2]. Về mặt văn hoá – xã hội, làng Việt Nam được đánh giá có tính “đa nguyên” và “chặt chẽ” về cấu trúc, thậm chí mang tính “siêu ổn định”[3] do làng xã trước hết là tập hợp của những người có cùng dòng họ dòng tộc, đặc biệt ở vùng Bắc Bộ và các tỉnh bắc Trung Bộ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bên cạnh kết cấu dòng tộc, người dân trong làng xã còn gắn bó với nhau qua các hội nhóm, tổ chức theo giới tính, chức nghiệp, lứa tuổi và cùng chấp nhận những tầng bậc quyền lực dựa vào uy tín, tuổi tác, trình độ. Toàn bộ đời sống trong làng xã được điều hòa bởi những luật lệ bất thành văn hoặc qua các luật lệ đã được văn bản hóa là hương ước[4]. Ở Việt Nam, làng xã hiện diện không chỉ như một thực thể hành chính, xã hội mà còn liên kết như một thể thống nhất trên toàn đất nước để tạo nên một tinh thần “làng xã” đặc trưng cho văn hoá Việt Nam[5]. Ông Nguyễn Thiệu Lâu, một người để công tìm hiểu về làng xã Việt Nam thời trước năm 1945 đã nhận định “Mỗi làng là một xã hội cho người nhà quê, là “nước” của họ… Dân quê chỉ biết tới gia đình và việc xóm, việc làng.. cả một lịch sử ràng buộc họ với làng, cả một luật lệ (hương ước) đặt rõ ngôi thứ trong làng..”[6]. Có thể nói, các công trình đi trước đã khái quát những đặc điểm chung nhất về làng xã, và từ đó giúp hiểu được nông thôn Việt Nam. Theo phân tích của Phan Đại Doãn, “khái niệm “làng” vốn có nội dung lịch sử cụ thể theo thời đại nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào đề cập đến quá trình phát triển của “điểm dân cư” làng qua các thời kỳ lịch sử”, trong đó thời cận đại, cho đến Cách mạng Tháng Tám được coi là “một lần biến cách” của làng xã. Nhà sử học cũng đề xuất việc nghiên cứu làng xã theo tiếp cận địa lý “cần phân biệt làng Bắc Bộ, làng Trung Bộ và làng Nam Bộ.. Từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào thì làng Việt hình thành muộn hơn”[7]. Có thể thấy những công trình nghiên cứu về làng xã Việt Nam thời Cận đại chú trọng nhiều hơn cả tới vùng Bắc Kỳ, nổi bật nhất là nghiên cứu của Pierre Gourou hay của Nguyễn Văn Huyên, Dumoutier. Các nghiên cứu đương đại cũng quan tâm nhiều tới làng xã Bắc Kỳ, một số ít nghiên cứu về làng xã Nam Kỳ[8], trong khi nghiên cứu chuyên sâu về làng xã Trung Kỳ còn khá hiếm hoi. Mong muốn được đóng góp vào việc nghiên cứu làng xã Việt Nam thời Cận đại, bài viết này bước đầu tìm hiểu làng xã Trung Kỳ, chú trọng đến các chính sách nhằm cải cách quản trị làng xã (cải lương hương chính) vào các năm 1923, 1935 và 1942. Bài viết chỉ giới hạn phạm vi khảo sát trong các làng người Việt ở các tỉnh duyên hải Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
1. Quy mô làng xã Trung Kỳ thời kỳ Pháp thuộc
Theo Thống kê dân số được chính quyền Pháp tiến hành năm 1931, Trung Kỳ là xứ có diện tích lớn nhất trong ba xứ ở Việt Nam, với 147,6 ngàn km2, dân số 5,1 triệu người, mật độ dân số trung bình là 35 người/km2, thấp hơn so với Bắc Kỳ (70người/km2) và Nam Kỳ (69 người/km2)[9]. Giống như mọi vùng nông thôn Việt Nam, tổ chức xã hội điển hình của nông thôn Trung Kỳ là xã thôn.
Trong tổ chức hành chính thời kỳ Pháp thuộc, xã (commune) đồng nhất với làng (village)[10], là đơn vị hành chính nhỏ nhất[11]. Trong các sách do triều Nguyễn biên soạn, hoặc địa phương biên soạn, tuỳ theo khu vực địa lý, làng còn được gọi là trang, sở, trại; những làng lớn thường được chia nhỏ hơn thành các thôn, xóm, ấp, phường, phe, giáp[12]. Tên gọi của những đơn vị dân cư này được đặt theo phương hướng, vị trí như giáp Thượng, giáp Hạ, thôn Đông, thôn Đoài, phường Nam, phường Bắc, hoặc theo chữ số như giáp Nhất, giáp Nhị… Những thôn, giáp lớn và xa cách nhau có thể đứng như một làng riêng, có phó-lý trưởng riêng, có đình riêng, chỉ khi nào làng có lễ lớn và có việc chung thì mới nhóm họp ở đình chung. Ở các phường, xóm nhỏ hẹp thì bầu riêng một người trưởng phường, trưởng xóm (gọi là trùm). Theo khảo sát của Diệp Đình Hoa, có những làng lớn ở Trung Kỳ gồm nhiều làng nhỏ như làng Phú Khê, huyện Hoàng Hóa, Thanh Hóa có một đình nhưng có 7 lý trưởng, 7 triện. Mỗi lý trưởng tự quản lý cư dân và đất đai của xóm mình, nên có tên gọi tứ xã, ngũ xã, tức là 4 làng cùng quần cư nhưng đối với chính quyền thì chỉ được coi là một đơn vị làng[13]. Theo Nguyễn Hữu Thông, hàng giáp là một cơ sở hành chính khá phổ biến ở Trung Kỳ, tương đương với “tiểu xã”. Khảo sát hương ước thời trước 1945, làng An Cựu, Thừa Thiên Huế có hai giáp Đông, Tây, dưới giáp là các xóm. Điểm đặc biệt của làng xã Trung Kỳ là mỗi giáp có thể có đình riêng để phục vụ cho việc tổ chức các lễ hội. Chẳng hạn làng Nam Phổ ở Thừa Thiên Huế có tới 7 ngôi đình: 2 ngôi đình của làng và 5 ngôi đình của ngũ giáp. Cũng tác giả này cho biết, ngoài tên gọi giáp còn có tên gọi phe, để chỉ một đơn vị cư dân trong làng, tương tự như giáp, nhưng nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt của nó, chẳng hạn “khẳng định công lao khai phá của một dòng họ trên một địa vực nhất định; một nhóm cư dân được “tách biệt” từ giáp”[14].
Dưới sự “bảo hộ” của chính quyền Pháp, đa phần các làng ở Trung Kỳ được hình thành theo 2 cách: thứ nhất lập làng theo cách tự nhiên (formation naturelle)- chính quyền hoặc các nhóm cư dân khai khẩn các vùng đất mới rồi chiêu mộ người đến định cư. Ngày 24-3-1936 Vua Bảo Đại ra Dụ lập ở tòa Khâm sứ Sở Khẩn hoang (Office provincial de colonization annamite) ở mỗi tỉnh Trung Kỳ giúp cho việc thành lập xã thôn. Theo Dụ này, chỗ nào khai khẩn được 50 mẫu đất ruộng trở lên và mộ được 30 đinh (ở miền thượng du thì 12 đinh) được phép lập 1 làng mới. Những đất ruộng đã khẩn thành điền sẽ trích một nửa làm công điền công thổ, ¼ cấp cho dân làm ăn, ¼ còn lại bán đấu giá lấy tiền sung quỹ khẩn hoang của tỉnh[15]; cách thứ hai là chia tách (còn gọi là biệt triện – formation par scission) – từ một làng tách làm hai, có 2 lý trưởng, 2 triện riêng. Theo Nghị định ngày 7-5-1921, những thôn, giáp trong làng có đất ruộng tách riêng biệt, dân cư ở cách nhau 4-5 km, hoặc có núi, khe gián cách có thể xin lập riêng một làng để tiện việc quan và việc làng.
Kích cỡ các làng Trung Kỳ hết sức đa dạng, ví như làng An Hậu, tổng Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có 8.175 người, trong khi đó làng Thay Cư cũng của tổng này chỉ có 175 người; làng Xuân Liễu thuộc tổng Xuân Liễu[16], huyện Nam Đàn có 17.075 người, làng Nghĩa Đông trong cùng Tổng Xuân Liễu chỉ có 100 người. Một số làng có số cư dân dưới 100 người như làng Thủy Cư Phường thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An chỉ có 75 cư dân làm nghề đánh cá [17].
Bảng 1: Thống kê số làng ở các tỉnh duyên hải Trung Kỳ, 1943
Tỉnh | Diện tích (1.000 km2) |
Dân số (ngàn người) |
Số Làng |
Thanh Hóa | 10.2 | 1.127,20 | 2.000 |
Nghệ An | 17 | 1.147,90 | 927 |
Hà Tĩnh | 6.9 | 582,40 | 513 |
Quảng Bình | 8.3 | 255,20 | 383 |
Quảng Trị | 4.7 | 192,10 | 184 |
Thừa Thiên | 1.7 | 407,00 | 173 |
Quảng Nam | 12.4 | 1.001,60 | 1.065 |
Quảng Ngãi | 4.1 | 549,90 | 609 |
Bình Định | 6.4 | 780,20 | 687 |
Phú Yên | 3.7 | 282,80 | 465 |
Ninh Thuận | 3.3 | 81,20 | 144 |
Bình Thuận | 6.6 | 115,90 | 199 |
Khánh Hòa | 5.4 | 116,60 | 252 |
Tổng số | 90.7 | 6.640,00 | 7.601 |
Bảng 1 cho thấy vào năm 1943, tổng số làng thuộc các tỉnh duyên hải Trung Kỳ là 7.601 (tổng số làng toàn Trung Kỳ, bao gồm các tỉnh Tây Nguyên gồm Darlac, Thượng Đồng Nai, Kontum, Pleiku là 11.005[18]). Con số này tương đương với Bắc Kỳ, nhưng nhiều gấp 7-8 lần Nam Kỳ[19]. Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An là những tỉnh có số làng nhiều nhất, trong đó Thanh Hóa đứng đầu về số làng, gấp đôi tỉnh đứng kế sau là Quảng Nam (số làng ở Thanh Hóa là 2.000, Quảng Nam là 1.065). Về mặt dân số, ba tỉnh này tương đương nhau, thậm chí tổng dân số Thanh Hóa ít hơn một chút so với Nghệ An. Về mặt diện tích, Thanh Hóa nhỏ hơn so với hai tỉnh kia. Tính trung bình, mỗi làng Thanh Hóa có khoảng 500 người, trong khi dân số trung bình của 1 làng ở Nghệ An là hơn 1.000 và ở Quảng Nam là gần 1.000, số dân trung bình trong một làng ở các tỉnh duyên hải Trung Kỳ là khoảng hơn 800 người.
Tương tự như mọi ngôi làng ở Việt Nam, đa phần các làng người Việt ở Trung Kỳ, từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận, đều có một quần thể kiến trúc tiêu biểu gồm đình, đền, chùa, miếu; có ruộng chung (công điền, công thổ); có phong tục riêng của làng được thực hiện theo quy ước bất thành văn hoặc được văn bản hóa dưới dạng hương ước. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa bộ máy quản lý làng xã với chính quyền trung ương, chính quyền Pháp và Nam triều đã tìm cách can thiệp thông qua các quy định mới về bộ máy quản trị làng xã, cách thức quản lý làng xã dưới sự giám sát của chính quyền cấp cao hơn.
2. Chính sách quản trị làng xã Trung Kỳ qua các đạo dụ năm 1923, 1935, 1942
Khi thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị ở Việt Nam thì bên trong mỗi ngôi làng Việt Nam nói chung và Trung Kỳ nói riêng đã tồn tại một hệ thống quyền lực có chức năng quản lý các hoạt động trong làng, thông qua hội đồng hương chức và hội đồng kỳ mục[20]. Trong khi ở Bắc Kỳ, việc cải cách làng xã[21] đã bắt đầu từ năm 1921, ở Trung Kỳ, chính sách cải cách quản trị làng xã được đưa ra muộn hơn. Khái niệm hương chính xuất hiện trong các hương ước Trung Kỳ từ năm 1935[22], trước đó việc quản trị trong làng được gọi là “hương tục”.
Theo Dụ ngày 13-6-1923 của Vua Khải Định, tên gọi cho các chức vụ quản lý làng xã được thống nhất. Dụ nêu rõ “Trước đây hương tục xưng hô bất nhất. Từ nay hương chức lấy các danh hiệu lý trưởng, phó lý, thủ bạ, tri hương, thủ dịch, hương kiểm, hương mục xưng hô cho có nhất định”[23]. Cũng theo Dụ này, các xã Trung Kỳ chia làm ba hạng: Tiểu xã (từ 10-59 đinh), đặt 1 lý trưởng, 1 hương mục và 1 hương kiểm; Trung xã (từ 60-159 đinh), đặt thêm 1 hương bộ và 1 hương bản; Đại xã (từ 160 đinh trở lên), được đặt thêm 1 phó lý, cũng có thể đặt thêm 1 đến 2 hương mục và hương dịch tùy theo việc làng nhiều hay ít.
Nếu Hội đồng hương chức (hay hương hội) mang tính quan phương thì Hội đồng Đại hào mục mang tính phi quan phương. Đây là một tổ chức quyền lực có tính truyền thống, thể hiện uy tín thông qua tuổi tác, phẩm hàm, sự tín nhiệm của các dòng họ trong làng. Hội đồng này gồm các hào mục (hay kỳ mục) (les notables) là những quan lại hưu trí về sống ở làng; các kỳ lão (les anciens), là những bậc cao niên trong làng và các tộc biểu (les représentants des clans) là các ông trưởng họ, đại diện cho các dòng họ lớn trong làng.
Những thay đổi trong quy định về quản lý làng xã đều xoay quanh việc trao quyền cho Hương hội (lý trưởng và ngũ hương) hay Hội đồng kỳ mục. Có thể thấy, Dụ ngày 23-6-1923 của Vua Khải Định không đề cập đến Hội đồng Đại hào mục, gồm những người có học vấn, có uy tín và cao niên, là nhóm từng có vai trò và tiếng nói cao nhất trong làng.
Khi việc quản trị làng xã tập trung vào tay Hương hội (lý dịch và ngũ hương), dư luận đã có nhiều ý kiến thất vọng về sự đi xuống của phong tục tập quán trong làng xã. Báo Thanh Nghệ tĩnh tân văn viết “làng trên xã dưới trật tự rối bời, luân thường tan nát; lễ tục xưa nhiều phần phai lạt, việc kiện cáo như hào hữu xâm khuy… phơi bày trên báo – chương”[24] . Với việc quyền hành nằm trong tay hương hội, thông qua bầu cử, tưởng như làng xã được hưởng một chút “dân chủ” trong việc lựa chọn người có năng lực. Tuy nhiên, việc bầu cử này, thay vì chọn ra được những người đáng tin cậy, lại bị phủ bóng đen bởi tình trạng “mua chức”. Đặc biệt, báo chí phản ánh rằng nhiều người vào hương hội mà không biết chữ. Bên cạnh đó, như một số tờ báo đề cập, do trong làng xã vẫn còn thói ghen ăn tức ở nên thấy nhiều người còn trẻ đã có quyền trong tay thì làng không phục. Một số tờ báo chỉ ra rằng việc coi nhẹ các hào mục, kỳ lão đã làm ảnh hưởng đến phong hóa trong làng. Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn phân tích “nhưng gần đây, có lắm kẻ học thức thô thiếu, lọt lòng mẹ chưa từng trải việc đời, thế mà tự đắc là văn minh, lạm dụng bình đẳng tự do… tập nhau thành đảng,.. cải lương hương tục, dám triệt phần biếu người trên, cất khẩu phần kẻ dưới, phá đổ cương thường trật tự; triệt phần biếu là có ý bắt người trên cũng một loạt với kẻ dưới, cá đối bằng đầu, để được tự do hành động; vậy bất đắc dĩ người chủ động phải đương đầu phiền đến chánh trị phán đoán cho, thì mang tiếng là tranh xôi thịt với kẻ hộ hương…những hạng người có vị vọng, có công lao với dân… những hạng bô lão, từ lúc trai nô đến lúc lên tuổi lão sáu mươi,… đã trải biết bao nhiêu lao khổ: nào là đắp đê, đắp đường, tuần giờ canh vác… nay tuổi già được chút an nhàn, ngồi chốn đình trung, ăn miếng thịt vai, tưởng cũng là cái phần thưởng riêng để đền công lao khổ… Thế mà nay gặp lũ ngông cuồng lên mặt cải lương, triệt hết những cái vinh dự này đi, thì ai còn có hứng vị gì sống ở đời mà làm điều phải, điều hay”[25].
Năm 1931, chính quyền Trung Kỳ chủ trương khôi phục lại vai trò của Hội đồng Đại hào mục. Theo tờ Thông tri của Viện Cơ mật ngày 9-3-1931, khi có việc hệ trọng liên quan đến làng, các quan địa phương phải hỏi ý kiến Đại hào mục trước khi ra quyết định. Mục đích của “cải lương hương tục” ở Trung Kỳ vào đầu những năm 1930 là “Nhà nước sức đặt đại – hào – mục hội – đồng, lựa những người hương – biểu, tộc – biểu để giúp đỡ xem xét các việc cùng lý trưởng hương chức trong làng”[26]. Mặc dù cuộc cải lương này không được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi nhưng một số làng ở Trung Kỳ đã thực hiện “cải cách” hội đồng quản trị, bầu lại hội đồng kỳ mục để quản lý việc làng[27]. Tuy nhiên, không phải ở làng nào hội đồng kỳ mục này cũng thực hiện tốt việc quản trị, đem lại sự phát triển cho làng xã. Ở nhiều làng, hội đồng hương chính và hội đồng kỳ mục liên kết với nhau tạo thành các nhóm lợi ích, tham nhũng của dân[28]
Việc “cải cách hương tục” đã được thực hiện ở nhiều làng xã Trung Kỳ từ đầu những năm 1930. Mục tiêu của “cải cách” này là sự phối hợp của hai ban: Hương hội và Hội đồng kỳ mục. Tuy nhiên, các làng vẫn duy trì tính tự trị, chính quyền trung ương khó can thiệp vào hoạt động trong làng. Điều này đã bị phê phán vì những bất cập của nó. Thứ nhất, việc quản lý khép kín gây ra tệ nạn cường hào, như tác giả Hoài Thanh vạch ra trên Tràng An báo “[người dân quê] bị hà hiếp đủ điều. Mà người hà hiếp đây chỉ là những anh tuần đinh, những anh lý trưởng, những anh lính lệ, sai dịch… Quyền của họ ghê gớm lắm… Những quan cai trị người Pháp không xa lạ gì mà không thấy sự hiển nhiên như vậy, chỉ là vì họ không muốn nhúng tay vào những chuyện lặt vặt mà thôi… Những chuyện ấy nó rắc rối lắm, mà có nhúng tay cũng không ích gì cho đại cuộc.. Vậy theo ý chúng tôi cái chính sách cho hương thôn tự trị ngày nay hình như không duy trì được nữa. Cơ quan hành chính trung ương cần phải can thiệp vào mà đặt những luật lệ nhất định cùng kiểm sát mọi việc ở thôn quê”[29]. Cũng tác giả này trên số báo sau đã gợi ý hướng đi nhằm cải cách hương chính, đó là các thanh niên có học thức phải gánh vác trách nhiệm, nắm giữ các vị trí trong hương chức “Mấy năm trước còn có một số khá đông những người nho học can thiệp vào việc làng. Họ là người có học, biết giữ lề lối con nhà,… Bây giờ hạng ấy hoặc già nua, hoặc chết mòn nên ở chốn hương quê bọn hào cường không học thức không lương tâm tha hồ mà tung hoành.. Theo ý chúng tôi, các bạn thanh niên trí thức bây giờ phải theo gương cha ông mình lúc trước và nhận lấy cái địa vị của họ ở thôn quê… Chúng tôi không có cái hy vọng hão huyền rằng việc hành chính nơi hương thôn giao cho các bạn thanh niên có học thì mọi sự sẽ tự khắc hoàn thiện cả. Nhưng các bạn có học, có hiểu thời thế hơn, hiểu pháp luật, hiểu phận sự mình hơn, có lẽ sẽ làm được việc hơn mấy ông kỳ mục bây giờ”[30]. Những dư luận nói trên là nhằm mở đường cho chính quyền trung ương can thiệp nhiều hơn vào việc kiểm soát các nguồn lực của làng như thu thuế, quản lý đất đai, quản lý nguồn nhân lực; đồng thời giám sát an ninh trong làng xã, loại bỏ mọi phần tử chống chính quyền thực dân đã đặc biệt lộ rõ trong cuộc cách mạng Xô Viết – Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Nhằm can thiệp sâu vào quản trị làng xã, chính quyền thực dân sử dụng quyền lực của Nam triều trong “cải lương hương chính”. Hai đạo dụ quan trọng nhất liên quan đến vấn đề này là Dụ số 86, ngày 19-12-1935 và Dụ số 89, ngày 5-1-1942, đều do Vua Bảo Đại ban hành và được Khâm sứ Trung Kỳ phê chuẩn.
Dụ số 86 gồm 76 điều, lần đầu tiên đặt ra quy định cụ thể về địa vị, chức năng, nhiệm vụ và quy cách bầu cử Tổng – Lý và ngũ hương. Đặc biệt, vai trò của các cơ quan chính quyền theo thứ tự từ thấp đến cao gồm Tổng – Huyện – Tỉnh – đã được đề cập đến trong Dụ này, thể hiện qua việc phê duyệt, giám sát và đôn đốc hoạt động của bộ máy quản lý làng xã [31]. Tất cả các chức danh trong Hương hội gồm lý trưởng, phó lý và ngũ hương được quy định cụ thể và chi tiết[32]. Nếu Dụ năm 1923 chỉ đề cập đến chức danh nói chung, Dụ năm 1935 đã kèm theo quy định về chức năng và trách nhiệm của từng chức danh.[33]
Dụ ngày 19/12/1935 quy định cụ thể về việc bầu lý trưởng. Đây là một trong những nội dung cho thấy sự can thiệp sát sao của chính quyền trung ương vào công việc làng xã, hạn chế tính tự trị, khép kín của làng. Mọi hoạt động quản trị làng xã phải công khai ở địa phương và báo cáo tường tận với quan lại cấp trên. Việc chọn Lý trưởng phải qua bầu cử,[34] Phó lý và ngũ hương không thông qua bầu cử mà do lý trưởng và hội đồng hào mục, tộc biểu và ngũ hương xét duyệt theo luật định.[35]
Cũng theo Dụ ngày 19-12-1935 của Bảo Đại, làng nào trên 100 đinh có thể đặt thêm 1 phó lý; làng nào có nhiều giáp, ấp, thôn, phường có thể đặt 1 phó lý ở mỗi thôn; làng nào trên 200 đinh có thể đặt thêm 1 phó hương bộ để giữ sổ khai sinh, tử, giá thú.
Dụ 86 là một dấu mốc quan trọng trong cải cách phong tục làng xã ở Trung Kỳ, trong đó vấn đề quản trị làng xã đã được luật hóa và được thực hiện trên thực tế. Hương ước của nhiều làng đã được chỉnh sửa theo đúng chuẩn mực chung cho hương ước, gồm các chương và mục, quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản trị làng xã và các hoạt động trong làng dưới sự quản lý của bộ máy ấy. Chẳng hạn hương ước của làng Nhân Lộ, tổng Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa được soạn mới vào năm 1935, năm ban hành Dụ 86. Hương ước có 8 chương, chương đầu tiên “Về việc hương chính” quy định rõ bộ máy quản lý của làng gồm 2 hội đồng: 1) Hội đồng quản trị gọi là hội đồng hương chức, lý trưởng được lựa chọn thông qua bầu cử[36]; 2) Hội đồng hào mục là hội đồng kiểm duyệt (ý nói hội đồng giám sát hoạt động của hội đồng hương chức), nắm quyền quyết định trong các công việc của làng, hội đồng hương chức chỉ có chức năng thi hành [37]. Tuy nhiên, nhiều làng vẫn giữ hình thức trình bày hương ước như trước, không chia thành chương mục.
Nếu như Dụ số 86 chú trọng đến cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Hương hội (lý trưởng, ngũ hương), thì Dụ số 89 ngày 5-1-1942 bổ sung thêm đối tượng, nghĩa vụ và quyền hạn của Hội đồng Kỳ mục
Điều 2 của Dụ nêu rõ ba bộ phận quản trị trong làng xã “Cần phân biệt các chức năng quản trị trong làng xã: 1) Hội đồng Kỳ mục (Conseil des Notables) chịu trách nhiệm quản lý chung làng xã, bảo trợ các lợi ích của làng xã và một Uỷ ban thường trực (Comité permanent) được Hội đồng Kỳ mục uỷ quyền giải quyết các việc hàng ngày của làng; 2) các chức sắc nắm vai trò trung gian giữa làng và chính quyền tỉnh; 3) các lý dịch thừa hành nằm dưới quyền Uỷ ban thường trực”[38].
Theo Dụ 89, quyền lực của làng xã nằm trong tay Hội đồng kỳ mục[39], là một tổ chức gồm cả Hương hội và Kỳ mục, trong đó quyền lực cao nhất thuộc về ngôi Tiên chỉ[40]. Như vậy, việc duy trì tính truyền thống lại được khẳng định trong bộ máy quyền lực làng xã. Tuy nhiên, tính mới của Dụ 89 là nhấn mạnh nhiệm vụ kết nối, liên lạc và chịu trách nhiệm của lý trưởng trước chính quyền trung ương. Dụ 89 dành riêng một chương có tiêu đề “Các kỳ mục có chức năng trung gian”, trong đó lý trưởng và phó lý “là đại diện chính thức của làng trước chính quyền” và “theo sự uỷ quyền của quan công sứ, các viên chức người Âu mọi cấp bậc có quyền trưng tập tại chỗ các chánh, phó Tổng, lý trưởng, phó lý. Những người này phải thông báo lại cho Uỷ ban thường trực và Tri huyện/Tri phủ”[41].
Một trong những can thiệp mạnh hơn của chính quyền trung ương vào việc làng xã là quy định bổ nhiệm lý trưởng thay vì bầu cử như Dụ 86. Điều 28 của Dụ 89 nêu rõ “Trường hợp khuyết chức lý trưởng, tổng đốc bổ nhiệm phó lý lên thay và được quan công sứ phê duyệt. Nếu có 2 hoặc nhiều phó lý, quan tổng đốc chọn phó lý có thâm niên nhiều nhất. Nếu có 2 hoặc nhiều phó lý có cùng thâm niên, người nhiều tuổi hơn sẽ được bổ nhiệm”[42] Như vậy, theo luật mới về hương chính, chính quyền tỉnh có vai trò quan trọng trong bổ nhiệm bộ máy làng xã. Mặc dù tính tự trị và dân chủ của làng xã bị hạn chế, nhưng truyền thống “trọng xỉ” (trọng tuổi tác, thâm niên) vẫn được duy trì.
Ngày 10-7-1942, Phạm Quỳnh, khi đó là Thượng thư Bộ Lại đã ban hành thông tư (circulaire) cho các quan Tổng đốc xứ Trung Kỳ hướng dẫn thực hiện Dụ 89. Thông tư nêu rõ “đặc biệt chú ý đến việc chỉ định các chức vụ trung gian liên lạc giữa làng và Chính quyền… Ở một số làng, lý trưởng hoặc phó lý bị mù chữ hoặc thể chất yếu, không thể thực hiện chức năng lý trưởng theo quy chế mới… Cần phải thấy tầm quan trọng của cải cách [hương chính] ở chỗ chấm dứt chế độ bầu cử vốn gây ra nhiều mưu mô và tranh giành, thay vào đó là việc lựa chọn hợp lý, theo mức độ tiến hoá của dân quê như là trật tự truyền thống, thẩm quyền và nguyên tắc của xứ Trung Kỳ. Đó là nguyên tắc dựa trên thâm niên”[43]. Thông tư này kèm theo một bản phụ lục quy định cụ thể hơn về tiêu chí, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh trong hương hội, Hội đồng hào mục, lý dịch.
Như vậy, cái gọi là “cải lương hương chính” hay nói đúng hơn là cải cách quản trị làng xã Trung Kỳ bao hàm hai nội dung. Nội dung thứ nhất, về thực chất là các thử nghiệm cho bộ máy quyền lực làng xã, là sự giằng co giữa các yếu tố mới và mang tính quan phương như quy định về độ tuổi, học vấn, dân chủ (bầu cử) với các yếu tố truyền thống mang tính phi quan phương như uy tín đạo đức, tuổi cao, cống hiến. Việc củng cố và đưa hương hội (lý trưởng, phó lý và ngũ hương) nắm vai trò then chốt trong làng xã, theo Dụ năm 1923 của Vua Khải Định, đã gặp một số phản ứng từ phía dư luận. Rút kinh nghiệm, chính quyền Nam triều đưa Hội đồng Kỳ mục (các quan viên, kỳ lão) trở lại nắm quyền giám sát Hương hội và quyền ra quyết định công việc trong làng, Hương hội chỉ là cơ quan thi hành (thông tri của Viện Cơ mật năm 1931 và Dụ 86 năm 1935 của Bảo Đại). Dụ 89 năm 1942 của Bảo Đại và Thông tư của Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh cùng năm khẳng định hơn nữa quyền lực của Hội đồng Kỳ mục. Về thực chất, có thể thấy đây là sự trở lại với truyền thống và phong tục cổ truyền của làng xã Việt Nam. Nội dung thứ hai của cuộc cải cách là tăng cường sự can thiệp của chính quyền trung ương vào việc quản trị làng xã, thể hiện rõ nhất qua Dụ 86 năm 1935 và Dụ 89 năm 1942. Theo những đạo dụ này, trong Hội đồng hương chức phải có một uỷ ban thường trực giữ nhiệm vụ làm đại diện cho làng trong việc liên lạc, kết nối giữa làng xã với chính quyền trung ương. Chính quyền trung ương có nhiệm vụ giám sát việc tổ chức bầu cử lý trưởng (theo Dụ 86); khi việc bầu cử bị bãi (theo Dụ 89), chính quyền cấp tỉnh trực tiếp bổ nhiệm lý trưởng với sự thông qua của công sứ Pháp.
Khảo sát hương ước một số làng ở Thanh Hóa và Nghệ An lập năm 1942, là thời điểm ban hành Dụ 89 có thể thấy chỉ một số rất ít làng (như trường hợp làng Cầu Mơ, thuộc tổng Bình Bút, huyện Vĩnh Lộc; làng Quần Trúc, tổng Đông Xá, huyện Nông Cống Thanh Hóa) nắm được nội dung của “cải lương hương chính” và thể hiện trong hương ước mới[44]. Trong khi đó, hương ước của nhiều làng khác thuộc Thanh Hóa, Nghệ An[45], cũng soạn trong cùng thời kỳ nhưng không thể hiện tinh thần cải cách.
Kết luận
Bài viết trình bày khái quát về bối cảnh làng xã ở Trung Kỳ kể từ đầu những năm 1920, khi chính quyền thực dân và Nam triều bắt đầu ban hành và thực thi chính sách cải cách hành chính ở làng xã. Khảo sát số liệu làng xã Trung Kỳ cho thấy số làng xã thuộc các tỉnh duyên hải Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) là vào khoảng 7000-8000 làng trong các năm từ 1943-1945, bằng với số làng ở đồng bằng Bắc Kỳ và cao hơn nhiều so với Nam Kỳ. Thời kỳ này ở Trung Kỳ xuất hiện nhiều làng mới do chính sách khẩn hoang lập làng cũng như chính sách chia tách làng cũ thành nhiều làng mới.
Công cuộc cải cách hành chính làng xã Trung Kỳ bắt đầu bằng những cuộc vận động “cải lương hương tục”. Chính quyền Pháp và Nam triều ban hành các đạo dụ nhằm quy chuẩn hoá chức năng, nhiệm vụ của hương hội (năm 1923), dựa vào các tiêu chí về trình độ, về gia cảnh và phiếu bầu; và chủ trương đưa hương hội (lý trưởng, phó lý, ngũ hương) điều hành việc quản trị làng xã. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, vai trò của Hội đồng kỳ mục đã trở lại, cũng có nghĩa công nhận quyền lực làng xã dựa vào uy tín, sự cống hiến và phẩm hàm theo truyền thống. Khi vấn đề “cải lương hương chính” chính thức được đề cập trong Dụ 86 (năm 1935) và Dụ 89 (năm 1942) thì Hội đồng kỳ mục trở lại nắm vai trò quan trọng trong làng, Hội đồng hương chức (Hương hội) chỉ đóng vai trò thừa hành. Một yếu tố nữa của cải cách quản trị làng xã là tăng cường vai trò của chính quyền huyện, tỉnh, kỳ vào việc quản lý làng xã thông qua việc bổ nhiệm người đại diện của làng trước chính quyền trung ương, giám sát các hoạt động của ban thường trực. Việc nghiên cứu tác động cụ thể của công cuộc “cải lương hương chính”, đặc biệt là mức độ can thiệp của chính quyền trung ương đối với làng xã Trung Kỳ hiện vẫn còn hạn chế vì đa phần các hương ước khảo sát được vẫn theo tinh thần của truyền thống làng xã trước khi có sự can thiệp của chính quyền thực dân Pháp.
__________
[1] Theo Nguyễn Hồng Phong, 1959, Xã thôn Việt Nam trong lịch sử(1959), Nhà xuất bản Văn Sử Địa, năm 1930, tỉ lệ ruộng công Trung Kỳ là 25%, Bắc Kỳ 20%, Nam Kỳ 3%, tr.69;
[2] Xem Nguyễn Hồng Phong, Xã thôn Việt Nam trong lịch sử (1959); Viện Sử học Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (1977-1978); Nguyễn Quang Ngọc, 2009, Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Đại học Quốc gia.
[3] Trần Từ, 1984, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Khoa học Xã hội; Phan Đại Doãn,1992, Làng Việt Nam một số vấn đề kinh tế xã hội, Khoa học Xã hội, Mũi Cà Mau, tr.118; Làng Việt Nam đa nguyên và chặt, 2006, Đại học Quốc gia Hà Nội
[4] Bùi Xuân Đính, 1998, Hương ước và quản lý làng xã, Khoa học xã hội; Vũ Duy Mền, 2006, Tìm lại làng Việt xưa, Văn hoá Thông tin.
[5] Lê Thị Lan, 2015, “Tư tưởng làng xã ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3
[6] Nguyễn Thiệu Lâu, 1944, “Học về cách thành lập các làng”, Thanh Nghị, số 67, 1944, tr.9
[7] Phan Đại Doãn, 1992, Làng Việt Nam.., dd, tr.11
[8] Xem Ngô Văn Hoà, 1983, “Tổ chức quản lý xã thôn và cộng đồng làng xã ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc”, Nghiên cứu lịch sử, số 5(212), 1983.
[9] Gouvernement General de l’Indochine, 1931, Annuaire Statistique de l’Indochine 1931.
[10] Trong các văn bản hành chính của chính quyền Pháp, village (làng) được sử dụng phổ biến hơn commune (xã), cùng để chỉ chung một cấp độ hành chính.
[11] Các đơn vị hành chính thời Pháp thuộc, xếp từ cao đến thấp là: kỳ-tỉnh/thành phố-huyện/phủ- tổng-làng; Thời kỳ phong kiến có nhiều tên gọi cho cùng một cấp độ hành chính, chẳng hạn tỉnh/trấn/xứ/đạo; dưới là phủ/huyện; tiếp theo là xã/thôn/trang/trại; trong xã-thôn có thể chia thành phường/phe/giáp
[12] Theo Nguyễn Hữu Thông, một số làng ở Thừa Thiên Huế có nhiều phường, ấp, chẳng hạn làng Dương Nổ (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) có tứ phường, thực chất là phe, giáp; làng Phú Bài có nhiều ấp; làng Xuân Hoà có 6 ấp; Xem Nguyễn Hữu Thông, 2012, Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung Bộ, Văn hóaDân tộc, tr. 160; Trong Đại Nam nhất thống chí, làng có thể được gọi là trang, sở, trại..trong làng có ấp, giáp, phường, Xem Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Viện KHXH Việt Nam, Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
[13] Diệp Đình Hoa, 1994, “Lệ làng và ảnh hưởng của nó đối với pháp luật hiện đại”, Nghiên cứu lịch sử, số 272, tr.2
[14] Nguyễn Hữu Thông, 2012, Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung Bộ, Văn hoá Dân tộc, tr.159-160
[15] Về việc lập làng mới ở Trung Kỳ, tham khảo tài liệu lưu trữ Phủ Khâm sứ Trung Kỳ: RSA- 1464- Dossier relatif à la création du village de Phu Lac (Bellevue) années 1927 – 1937;RSA- 1468- Dossier relatif à la création du village de Tram Hanh années 1922, 1934, 1943;RSA-1453- Plan du village de Võ Lâm créé 1935
[16] Làng Xuân Liễu nay gọi là Nam Liễu.
[17] Annuaire General de l’Indochine 1912, tr. 445.
[18] Haut-Commissariat de France pour l’Indochine, Annuaire Statistique de l’Indochine, Onzième Volumetr 1943-1946, Statistique general de l’Indochine, Saigon, tr.27-
[19] Năm 1943, tổng số làng của xứ Bắc Kỳ là 10.687, của xứ Nam Kỳ là 1.339
[20] Theo Vũ Huy Phúc, ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bộ phận quản lý xã thôn dựa trên hai tập quán khác nhau. Tập quán thứ nhất trao quyền cho người có chức tước Vua ban gọi là Vương tước; tập quán thứ hai trao quyền cho người cao tuổi trong làng gọi là Thiên tước (hay Xỉ). Theo Vương tước, bộ phận quản lý làng gồm Tiên chỉ, thứ chỉ, các bô lão và kỳ mục, Lý dịch, Hương chức; Theo Thiên tước, làng nằm dưới sự điều hành của Tiên chỉ và thứ chỉ, các bô lão và quan viên, các lý dịch. Xem Vũ Huy Phúc, 1977, “Tổ chức quản lý xã thôn. Chức năng và tính chất”, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Tập II, Viện Sử học, Khoa học Xã hội, tr.18-21
[21] Trong nguyên bản tiếng Pháp là “Réformes communales”, cách dùng phổ biếntrong các văn bản chữ quốc ngữlà “cải lương hương chính”, xem Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2017, Cải lương hương chính qua tài liệu và tư liệu lưu trữ, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông.
[22] hương là làng, chính là chính trị, hương chính là chính trị trong làng- cách tổ chức hành chính và quản trị của làng xã. Khái niệm này đã được đưa vào hương ước của một số làng ở Trung Kỳ.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2012, Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ, Văn hoá Văn nghệ, tr. 404
[24] “Tôn chỉ cải lương hương tục”, Thanh Nghệ tĩnh tân văn, số 64, tháng 10/1931; xem thêm “Cải lương phong tục”, Thanh Nghệ tĩnh tân văn, số 66, 23/10/1931
[25] “Cải lương phong tục”, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, số 66, 23/10/1931
[26] Xem “Tôn chỉ cải lương hương tục”, Thanh Nghệ tĩnh tân văn, số 64, tháng 10/1931; xem thêm “Cải lương phong tục”, Thanh Nghệ tĩnh tân văn, số 66, 23/10/1931
[27] Một ghi chép của cư dân làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An cho thấy từ năm 1934, làng đã tiến hành “cải lương hương chính” như sau “Năm 1934, phong hoá trong làng suy kém hơn trước.. dân làng thấy thế lập ra một hội đồng cải lương hương chính.. gồm chánh hương hội, phó hương hội,.. các họ bầu ra các ông tộc biểu… Được ít lâu, các ông hương lý thấy quyền lợi sa sút sinh ra ghen ghét mới trình lên quan huyện, quan huyện mời các cụ lên huyện để bàn giải tán, nhưng các cụ không lên. Quan huyện phải về Đình làng mời các cụ ra nói rằng việc này trên Chính phủ chưa có chủ trương, nhờ các cụ giải tán hội đồng này… Công việc tuy không được lâu dài, nhưng thời các cụ ra làm việc cải lương thì phong hoá chỉnh đốn lại được tốt”. Xem Hồ Phi Hội, Hồ Trọng Chuyên, Hồ Đức Lĩnh, 2005, Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr. 378;
[28] Cũng sách của cư dân làng Quỳnh Đôi cho biết việc bầu hương hội vào năm 1936 lại là một thất bại khi các ông Chánh hương hội, Phó hương hội và lý trưởng liên kết với nhau ăn bớt của dân “bao nhiêu tiền thu cheo đều lọt vào túi tham của các ông ấy cả” (tr. 379)
[29] Hoài Thanh, 1935, “Nên cải cách lối hương thôn tự trị”, Tràng An báo, số 18, 30/4/1935
[30] Hoài Thanh, 1935, “Muốn trừ cái tệ hà hiếp ở dân gian- Các bạn thiếu niên trí thức nên gánh vách việc hương xã”, Tràng An báo, số 20, 7/5/1935
[31] “Chi No86 du 24e jour du 11e mois de la 10e année de Bao Dai (19 décembre 1935) portant fixation du Statut des Tong-Ly et des ngu huong”, Bulletin Administratif de l’Annam, Septembre 1935
[32] Dụ 86 chỉ rõ “Lý trưởng là đại diện chính thức của làng trước chính quyền. Cùng với phó lý và ngũ hương, lý trưởng đảm bảo việc thi hành luật pháp, các quy định về giám sát, an ninh, thu thuế, giáo dục, trợ giúp xã hội, y tế công cộng, phu phen, tức là các vấn đề hành chính, tài chính, tư pháp, xã hội và kinh tế của làng; Lý trưởng phải giúp ngũ hương thực hiện đúng chức năng của họ; Lý trưởng soạn thảo các giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cao hơn; Lý trưởng đứng ra chủ trì việc xử lý các tranh chấp nhỏ giữa cư dân trong làng, đồng thời đại diện cho làng tại các tòa án; Lý trưởng tham gia vào Uỷ ban giám sát và thừa hành trong các cuộc điều tra hành chính, tư pháp hoặc kinh tế liên quan đến làng của họ; Báo cho cơ quan có thẩm quyền về tội phạm, và hỗ trợ cho các cơ quan chính quyền trong việc bắt giữ tội phạm;Thông báo cho quan địa phương về tình hình hành chính, chính trị và kinh tế trong làng, báo cáo về những bất thường hoặc thảm họa phát sinh. Trong tất cả các vấn đề liên quan đến công điền công thổ, ngân quỹ, giới hạn của làng, thờ cúng trong đình chùa, thói quen và phong tục của làng, Lý trưởng cần tham khảo Hội đồng kỳ mục và thống nhất trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
– Phó lý là người hỗ trợ trực tiếp cho lý trưởng, phục vụ như một thư ký trong việc đảm bảo công văn giấy tờ hành chính. Họ có thể thay thế Lý trưởng trong trường hợp ông này vắng mặt. Các phó lý của những thôn, ấp, phường ở xa trung tâm của làng chịu trách nhiệm quản lý những đơn vị dân cư này dưới sự kiểm soát và trách nhiệm của lý trưởng.
– Vai trò của ngũ hương: 1) Hương bộ phụ trách các vấn đề liên quan đến đất đai và tình hình dân cư trong làng. Kiểm tra các tờ khai địa chính và giấy khai sinh, tử, hôn thú. Nếu làng có hơn 200 đinh, chính quyền tỉnh có thể bổ nhiệm thêm một phó hương bộ; 2) Hương bản phụ trách các ngân quỹ của làng, thực hiện các hoạt động thu chi, trông coi tài sản của làng. Hương bản có trách nhiệm nghĩa vụ phải có sổ ghi chép kế toán bằng quốc ngữ, ghi rõ các nguồn thu và chi của làng; 3) Hương kiểm đảm bảo tình hình trật tự, an ninh trong làng, kiểm soát những người lạ, người khả nghi; 4) Hương mục trông coi việc sửa chữa đường xá và các công việc xây dựng khác; trông coi các khu rừng trong lãnh địa của làng; đôn đốc việc phu phen, lao động công ích; 5) Hương dịch có trách nhiệm thông báo với dân làng về các cuộc họp và lễ nghi, lễ hội trong làng; báo cáo về các quyết định của làng cho các quan trên
[33] Xem thêm: Lưu trữ Quốc gia IV-RSA- 399 Hồ sơ về quy định Tổng lý và Ngũ Hương được Bảo Đại phê chuẩn ngày 19/12/1935.
[34] Dưới đây là quy trình bầu cử lý trưởng theo quy định của Dụ 86:
Làng phải báo với quan trên khi trong làng khuyết vị trí lý trưởng. Viên chánh Tổng quản lý làng đó triệu tập các hào mục trong làng để đưa ra một danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn, trình lên quan trên xem xét và thông qua. Sau đó làng phải trình lên quan trên danh sách cử tri. Những người có quyền đi bầu lý trưởng gồm có: chức sắc, lão nhiêu, miễn sai, miễn diêu, các cựu lý trưởng, đại hào mục (kỳ mục, tộc biểu), ngũ hương (đương chức hay đã thôi chức), nghị viên của Viện dân biểu hoặc của tỉnh, các kỳ lão, các viên chức hưu trí, tú tài, ấm sinh, học sinh, những người có bằng Cao đẳng tiểu học, Tiểu học Pháp-Việt, Sơ học yếu lược, tuyển sinh.
Các hào mục trong làng phải chọn ra được 3 ứng viên hội tụ đủ điều kiện để làm lý trưởng. Những người đủ điều kiện ứng cử và đề cử chức lý trưởng là: lý trưởng đã thôi chức, người trong số ngũ hương, các chức sắc, miễn sai, miễn diêu, các nhân viên của phủ Khâm sứ hoặc quan lại triều đình đã nghỉ hưu hoặc thôi chức, tú tài, ấm sinh, học sinh, người có bằng Cao đẳng Tiểu học, Tiểu học, Sơ học, tuyển sinh. Phải là người dân gốc của làng, dân đinh và có nhà cửa trong làng; có uy tín trong làng; có khả năng đọc nói chữ quốc ngữ hoặc chữ Hán, nhà có gia tư vật lực. Danh sách các ứng viên phải được chính quyền tỉnh thông qua và thông báo cho dân làng 8 ngày trước khi bầu. Nơi bầu cử là Đình làng, nhưng tri huyện/tri phủ cũng có thể chỉ định nơi khác nếu cần thiết. Danh sách ứng viên được niêm yết bằng quốc ngữ và chữ Hán và dán công khai nơi bỏ phiếu. Các cử tri sẽ ghi tên người mình bầu (chọn 1 người trong số 3 ứng viên) vào phiếu trắng mỗi cạnh 7cm, gấp phiếu lại và bỏ vào hòm phiếu. Hội đồng bầu cử (bureau de vote) gồm có quan phủ/huyện sở tại hoặc phái viên làm chủ tịch; chánh/phó Tổng làm hội viên.
Ở vòng bầu cử lần đầu, số cử tri có mặt phải đạt 2/3, nếu không đủ phải bầu lại vòng hai. Các cử tri phải được Hội đồng bầu cử xác nhận thông qua danh sách làng đã gửi. Đồng thời, người trúng phải đạt số phiếu quá bán, nếu không đủ, phải thực hiện việc bỏ phiếu ở vòng 2, tiến hành trong thời hạn 8 ngày sau đó. Ở vòng 2, bất luận có bao nhiêu cử tri đi bầu cũng vẫn phải tiến hành bỏ phiếu. Người trúng cử là người được đa số phiếu. Trường hợp 2 người bằng phiếu nhau, lấy người cao tuổi hơn. Kết quả bầu cử được quan tỉnh xem xét trong vòng 3 ngày sau. Sau khi được Công sứ Pháp phê chuẩn, lý trưởng mới sẽ được cấp giấy chứng nhận và bắt đầu công việc.
[35] Các hương chức phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm nhưng không có lương cố định, chỉ được một ít tiền phụ phí và hỗ trợ khi đi công cán, ngoài ra được thăng phẩm hàm. Ở những làng có nhiều ruộng, lý trưởng được làng cấp cho một ít ruộng gọi là bút điền để lấy tiền lo việc giấy bút. Cũng có làng cấp cho lý trưởng ít ruộng gọi là phạn điền để cho thuê cấy rẽ lấy tiền tiếp đón các quan trên tới làng có việc công. Những làng không có ruộng, hàng năm cấp cho lý trưởng một số tiền khoảng 10-15 đồng gọi là tiền phù lưu (tiền cau trầu) để lý trưởng tiêu vặt khi làm việc làng.
Ngoài các khoản phụ phí, lý trưởng được thăng phẩm hàm theo thâm niên: mới nhiệm chức được vào hạng miễn sai, nếu làm từ 5 năm trở lên được hàm Tùng cửu phẩm (9-2). Lý trưởng ở Trung Kỳ được hàm Bá hộ nếu không có bằng cấp gì. Cứ 3 năm 1 lần được thăng một trật nhưng cao nhất cũng chỉ đến Chánh Bát phẩm (8-1). Phó lý trưởng và ngũ hương khi mới làm được vào hạng miễn diêu. Làm từ 6 năm trở lên được hạng Tùng cửu phẩm. Cứ 4 năm được thăng một trật nhưng cao nhất chỉ đến Tùng bát phẩm (8-2).
[36] Hội đồng hương chức gồm lý trưởng, phó lý và ngũ hương; Hội đồng hào mục có chánh đại hào, phó đại hào và tộc biểu
[37] Xem Viện Nghiên cứu Văn hóaDân gian, 2000, “Hương ước xã Nhân Lộ (năm 1935)”, “Hương ước làng Bái Sơn (năm 1938)”; “Hương ước thôn Bái (năm 1938)”; Hương ước Thanh Hóa, Khoa học Xã hội.
[38] Bulletin Administratif de l’Annam,Du No 89, 5-1-1942, tr.239, Dụ này đã được dịch toàn văn sang tiếng Việt, xem Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2018, Cải lương hương chính qua tài liệu và tư liệu lưu trữ, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông
[39] Hội đồng Kỳ mục gồm: 1)chức sắc, miễn sai, miễn diêu; 2) các tổng –lý và ngũ hương đương chức hoặc đã nghỉ trong vòng 3 năm; 3) những người có bằng Thí sinh hoặc cao hơn trong thi cử truyền thống 4) những người có bằng Cao đẳng tiểu học hoặc cao hơn theo giáo dục Pháp-Việt
[40] Điều 5 của Dụ 89 chỉ rõ “trong các cuộc họp của Hội đồng Kỳ mục ít nhất hai lần 1 năm, Tiên chỉ nắm vai chủ tịch”, Bulletin Administratif de l’Annam, 1942, Du No89, tr.239
[41] Bulletin Administratif de l’Annam,Du No 89, 5-1-1942, tr.244; Trong Dụ này cũng quy định về chức năng đại diện của Chánh Tổng, nhưng vì bài viết giới hạn trong phạm vi về làng xã nên chỉ tập trung vào đối tượng làng xã.
[42] Bulletin Administratif de l’Annam,Du No 89, 5-1-1942, tr.251
[43] Bulletin Administratif de l’Annam, 1942, “Circulaire 10Juillet 1942, Le Ministre de l’Interieur à Missieurs les Mandarins Provinciaux en Annam et le De-Doc de Ho-Thanh”, 1-8-1942, tr.1506
[44] Xem Viện Nghiên cứu Văn hóaDân gian, 2000, Hương ước Thanh Hóa, Khoa học Xã hội.
[45] Chúng tôi tiếp cận một số hương ước của tỉnh Nghệ An có niên đại cuối năm 1942, nhưng nội dung chủ yếu theo hương ước cũ, không đề cập đến “cải lương hương chính”, xem Viện Nghiên cứu Văn hóaDân gian, Sở Văn hóaThông tin Nghệ An, 1998, Hương ước Nghệ An, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)