Đặc trưng VĂN HOÁ ỨNG XỬ của NGƯỜI VIỆT qua TỤC NGỮ (trên tư liệu TIỂU THUYẾT và TRUYỆN NGẮN) – Phần 2

ĐỖ THỊ KIM LIÊN
(Giáo sư, tiến sĩ, Trường Đại học Vinh)

4. Văn hoá ứng xử của người Việt qua các câu tục ngữ

     Nghiên cứu 510 câu tục ngữ được thể hiện qua lời nhân vật hoặc lời tác giả trong truyện ngắn và tiểu thuyết, chúng tôi thu được 310 câu tục ngữ mang nội dung nói về văn hoá ứng xử trong gia đình và xã hội. Chúng được chia ra hai nhóm:

     4.1. Nhóm tục ngữ nói về văn hoá ứng xử của người Việt trong phạm vi gia đình và xã hội có giá trị tích cực

        4.1.1. Nhóm tục ngữ thể hiện văn hoá ứng xử xét trong quan hệ giữa cá nhân và xã hội

        Con người cá nhân trong xã hội Việt Nam trước đây thường chịu sự chi phối của ba quan hệ chính: quan hệ xét trong phạm vi gia đình, quan hệ xét trong phạm vi dòng tộc và quan hệ xét trong phạm vi xã hội. Phần lớn những câu tục ngữ thuộc nhóm này có điểm chung là đều phản ánh lợi ích, giá trị của cá nhân luôn gắn với tập thể, cộng đồng; quyền lợi cá nhân luôn bị chi phối bởi dòng họ trong cộng đồng xã hội nhất định. Họ đặt quyền lợi, lợi ích của cá nhân luôn gắn với lợi ích của dòng tộc. Ta có thể bắt gặp những câu tục ngữ phản ánh nhận thức này: Một người đứng đàng, cả làng nhắm mắt; Một người làm quan cả họ được nhờ; Một người làm quan thì sang cả họ; Một người làm nên cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mang nhơ; Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ; Con sâu làm rầu nồi canh;… Sau đây là một ví dụ dẫn từ tiểu thuyết “Bão biển” của Chu Văn:

        (1) Thất bĩu môi:

       – Mình làm nổ tiết ra chứ! Báo ông Hoà công an, thộp luôn, bắt luôn. Bọn này ăn cánh với thằng cha coi kho. Thằng cha coi kho có phải tử tế gì đâu, dân buôn cũ, thế mà thế nào nó luồn lọt chui vào biên chế đàng hoàng, nhân viên chính phủ hẳn hoi, rồi lại giở mánh khóe con buôn ra. Làm việc một là tình cảm cá nhân, hai là tham ô,… Một người làm quan cả họ được nhờ.

(CV, BB 2, 127)

        Tuy nhiên người Việt xưa lại thường cư trú thành làng. Chính nền kinh tế sản xuất lúa nước đã chi phối sự cộng cư của họ. Làng có những thiết chế, hương ước được quy định hết sức chặt chẽ. Những người cùng làng đầu tiên lại là những người có cùng dòng họ huyết thống, về sau làng mới do nhiều người thuộc các dòng họ khác nhau ở. Mỗi cá nhân chịu sự quản lí trước hết là những người đứng đầu và những người trong bộ máy quản lí đại diện cho làng để quản lí một “làng” cụ thể. Vì vậy, nếu xét quan hệ giữa cá nhân và xã hội (làng và vua) thì cá nhân vẫn chịu sự chi phối trực tiếp của làng. Chúng ta có thể gặp những câu tục ngữ phản ánh mối quan hệ này: Quan thời xa (đại diện cho vua), bản nha (đại diện cho làng) thời gần; Phép vua thua lệ làng; Lệnh làng hơn phép nước; Quan cứ lệnh, lính cứ truyền; Làng theo lệ làng, nước theo phép nước; Thiếu thuế vua chứ ai thua việc làng; Lệnh làng hơn phép nước; Làng theo lệ làng, nước theo lệ nước; Áo cứ tràng, làng cứ lí trưởng,… Trong tác phẩm “Mười lẻ một đêm”, Hồ Anh Thái đã phản ánh điều này qua câu tục ngữ.

        (2) Chỉ có mađam biết chuyện là không hài lòng.

– A lô cô ơi, cô phải để cho chú ấy làm việc nữa chứ. Phép vua thua lệ làng xưa nay đã thế, định một chốc một nhát dứt tung cả hay sao? (HAT, MLMĐ, 189)

        4.1.2. Nhóm tục ngữ thể hiện văn hoá ứng xử luôn giữ gìn danh dự, phẩm hạnh của mỗi thành viên trong xã hội

        Người Việt hết sức coi trọng phẩm hạnh, danh dự của bản thân, dù có khi cái danh đó chỉ còn là hình thức. Vì thế, mỗi thành viên trong gia đình đều được giáo dục gìn giữ để khỏi mang tiếng, giữ lấy cái danh. Dù đói rách, con người vẫn giữ gìn gia phong, nếp nhà, trọng danh dự. Ta có những câu tục ngữ: Tốt danh hơn lành áo; Mua danh ba vạn bán danh ba đồng; Cọp chết để da, người ta chết để tiếng; Một miếng giữa làng, một sàng xó bếp; Đói sạch rách thơm; Mai cốt bất mai danh (Nghĩa là chôn xương cốt nhưng không chôn vùi danh tiếng); Người xa tiếng không xa; Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi; Kẻ có tiếng không mạnh thì bạo; Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng,…

        Trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã phản ánh tư tưởng luôn giữ gìn danh tiết, phẩm hạnh, nhân cách ăn sâu trong nhận thức của những người được xem là kẻ sĩ như một phẩm chất cần thiết, đáng ca ngợi. Sau đây là cách nhìn của nhà văn đối với nhân vật Đoàn Xuân Lôi dưới triều “Hồ Quý Ly”.

        (3) Chỉ riêng Đoàn Xuân Lôi, trợ giáo Quốc Tử Giám, phản đối cuốn Minh Đạo của Hồ Quý Ly kịch liệt nhất. Ông viết hẳn một lá thư dài, dâng vua để phản đối cuốn sách đó. Ông là người kiên trì đạo Khổng hiếm thấy. Từ trẻ đi học đã nổi tiếng liêm chính ngay thẳng, đói sạch rách thơm. Mọi thứ đối với ông đều phải hài hoà nghiêm chỉnh. (NXK, HQL, 469)

        Ngay cả khi, cái danh ấy, dù là rất hình thức, vẫn được coi trọng, đôi khi trở nên “lố” trước mặt con cháu nhưng chúng vẫn được duy trì trong cái “xã hội” được thiết lập một cách trật tự, đó là trật tự của “làng” đối với các vị “cao niên”. Trong tác phẩm của Nam Cao, ông đã phản ánh tâm lí coi trọng cái danh này khá sâu sắc qua truyện ngắn “Đôi móng giò.”

       (4) Trong đình huyên náo lắm. Các cụ đang hạch hai bàn làm sao lại thiếu hai cái móng giò? Móng giò có bốn. Lợn nào mà chẳng vậy? Bốn cái móng giò phần bốn ông to nhất. Lệ làng từ cổ đến giờ vốn thế. Tuy trong số bốn ông to nhất chẳng ông nào còn khoẻ răng để có thể gặm nổi cái móng giò, nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. Một miếng giữa làng… đừng có tưởng. Bây giờ còn có hai cái thì ông nào ăn ông nào đừng?… Các cụ quát hai bàn như vậy. Và hai bàn xanh mắt. Họ cãi nhau chí choé. Anh nọ rằng anh kia để mất. Anh nào, mặc cứ biết hai bàn sơ ý là hai bàn phải bắt mua trầu cau rượu tạ. (NC,cmG, 191)

        Còn trong truyện ngắn “Luật đời và cha con” của Bắc Sơn, ta cũng nhận ra nhân vật đã lí giải hành động nhận quà biếu của mình có lí do nhưng không phải là lí do “bán danh”.

       (5) Quà biếu nhiều chứ, phong bì được bao nhiêu. Anh vẫn nhận, nhưng chỉ nhận kiểu tạ ơn, kiểu hậu tạ, khi họ được việc, họ cảm ơn mình đã giúp đỡ họ. Không bao giờ nhận, nếu phải trả giá. Em biết thế nào là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng rồi. (BS, LĐ & CC, 470)

        4.1.3. Nhóm tục ngữ thể hiện văn hoá ứng xử xét trong quan hệ gia đình

       Tục ngữ Việt đề cập đến khá đầy đủ, chi tiết các quan hệ thứ bậc trong phạm vi gia đình, dòng tộc của người Việt. Ở đây, chúng tôi đề cập đến các quan hệ chủ yếu: Quan hệ vợ chồng; Quan hệ giữa cha mẹ và con trai, con gái; giữa cha mẹ và con dâu con rể; Quan hệ giữa anh chị em; Quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ.

        a. Quan hệ giữa vợ và chồng

        Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những câu tục ngữ phản ánh mối quan hệ giữa vợ và chồng đều đề cao mối quan hệ tình nghĩa, gắn bó. Nếu vợ chồng ở với nhau không hoà thuận thì bị cười chê: Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương; Chồng như đó, vợ như hom; Vợ chồng may rủi là duyên, Vợ chồng hoà thuận là tiên trên đời; Gái có công, chồng chẳng phụ; Vợ chồng như đũa có đôi; Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê; Vợ chồng chớ cãi nhau hoài, Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm; Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn; Tôi tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa.

        (6) Duy nhất có một cú điện thoại của mẹ chị. Bà đọc báo thấy ông Víp đã đi thăm hữu nghị chính thức châu Âu. Bà lại biết chính xác chị ở nhà không đi đâu cả. Vợ chồng như đũa có đôi. Vợ chồng một cặp chẳng rời nhau ra. (HAT, II, 53)

        (7) Từ nay Thừa và Ma- ri thật đề huề. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. (NCH, ĐRC, 87)

        Khi người phụ nữ đã lấy chồng thì phụ thuộc nhà chồng, theo chồng: Xuất giá tòng phu. Khi người chồng làm điều gì xấu thì vợ cũng bị ảnh hưởng: Xấu chàng hổ ai.

        (8) Thôi thì quàng quàng lên rồi về kẻo cậu ấy không bằng lòng. Xuất giá thì phải tòng phu, con ạ. (NCH, ĐRC, 607)

        b. Quan hệ giữa cha mẹ và con trai, con gái; giữa cha mẹ và con dâu con rể

        b1. Trong quan hệ giữa cha mẹ và con trai, con gái, tục ngữ thường đề cao, coi trọng trách nhiệm nuôi dạy, giáo dục giữa cha mẹ đối với con cái: phụ tử tình thâm; Con giữ cha gà giữ ổ; Trẻ cậy cha, già cậy con…, đặc biệt là vai trò của người mẹ: Con thì mẹ, cá thì nước; Con có mẹ như măng ấp bẹ; Con có mẹ như thiên hạ có vua; Mẹ con một lần da đến ruột. Tục ngữ thường phản ánh trách nhiệm nuôi dạy con cái của cả cha và mẹ nhưng tính chất, trách nhiệm dạy có khác nhau. Người cha bao giờ cũng nặng về uy lực, quyền uy: Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng; Con không cha như nhà không nóc; Con hư bởi tại cho dong; Cũng chính vì vậy, họ xem con cái hơn cha là nhà có phúc, con không hơn cha nhà lụn bại… Ví dụ:

        (9) Ma-ri bắt anh Thừ bế con thì anh bế. Nhưng lần nào anh cũng có vẻ băn khoăn. Anh vạch lót ngắm thằng bé từ đầu đến chân rồi thở dài. Anh lại luôn luôn nắn cái xương cằm cho đỡ vuông và cái hàm răng cho nó đỡ vẩu. Anh nghĩ không biết cương vị của anh đối với thằng Pôn thế nào là đúng. Thấy anh như vậy Ma-ri tìm cho anh những lời an ủi cho anh phấn khởi và tin tưởng: Con hơn cha là nhà có phúc. (NCH, ĐRC, 351)

        Người cha có vai trò trụ cột trong gia đình hết sức quan trọng, nên tục ngữ thường ví “Con không cha như nhà không nóc”.

        (10) Họ hàng nghe những tiếng sáo mà chị kể, nào là những bơ vơ như chim mất tổ, nào là những con không cha như nhà không nóc, thì đều yên tâm là ông Bếp tốt số, vong linh không đến nỗi tủi nhục. (NCH, ĐRC, 58).

        Trái lại, người mẹ có trách nhiệm giáo dục con nhưng lại nghiêng về tính nhẹ nhàng khuyên bảo. Cũng chính vì sự nhẹ nhàng, có khi vì quá thương con nên đã dẫn đến chiều con quá mức, khiến con cái hư hỏng. Tục ngữ đã phản ánh điều này: Con hư tại mẹ cháu hư tại bà; Con hư tại mạ, má hư tại trưa; Con dại cái mang; Con nhờ đức mẹ, cháu hưởng phước bà; Cha sinh không tày mẹ dưỡng.

        (11) Lời của bà Nấm nói với bà Lí khi Căn (con bà) đánh con bà Lí: “Thôi. Cho tôi xin bà… Con dại cái mang. (HAT, MLMĐ, 62)

        (12) Thôi thì cha sinh không tày mẹ dưỡng. Cũng là phúc đức cho các con. (LL, HN, 226)

        (13) Người ta bảo: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. (DK, TTIL, 44)

        b2. Quan hệ giữa cha mẹ với con dâu và con rể

        Người Việt vốn coi trọng tình cảm của các thành viên trong gia tộc, nên dù con dâu hay con rể đều được coi trọng, quý mến. Có khá nhiều câu tục ngữ phản ánh nhận thức này: Dâu dâu rể rể cũng là con; Dâu hiền hơn con gái, rể hiền hơn con trai; Có phúc lấy được dâu hiền. Tuy nhiên, trong quan niệm quyền được kế thừa thì: Dâu là con, rể là khách; Thương con mà dễ, thương rể mà khó.

        (14) Người ta bảo dâu là con rể là khách… nhà này thì dâu là con, mà rể cũng là con. (NCH, ĐRC, 638)

        Tuy vậy, nhiều câu tục ngữ phản ánh mối quan hệ bất hoà giữa mẹ chồng nàng dâu, bố mẹ vợ với chàng rể: Thật thà cũng thể lái trâu, Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Mẹ chồng trồng cây ngược; Một bát cơm cha, ba bát cơm rể; Kén dâu thì dễ kén rể thì khó… Sự mâu thuẫn trên đều xuất phát từ điều kiện kinh tế xưa quá khó khăn. Ngày nay, mối quan hệ này được cải thiện hơn, nhiều mẹ chồng nàng dâu không còn xích mích như trước.

        c. Quan hệ giữa anh chị em

        Tục ngữ đa phần đều đề cao tình nghĩa gắn bó giữa anh chị em trong gia đình. Trong các tác phẩm mà chúng tôi thống kê được đều chứa câu tục ngữ đề cao tình nghĩa, gắn bó chị em ruột: Chị ngã em nâng; Chị em trên kính dưới nhường; Chị em gái như cái nhân sâm. Tình cảm anh em cũng thường được nhắc đến trong tục ngữ: Anh em hạt máu xẻ đôi; Anh em như thể chân tay; Anh em thuận hoà là nhà có phúc; Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau,…

        (15) “Nhân dằn dỗi: – Cái này tôi biết. Cô có về hay không là do chú ấy định cả. Anh Tiệp, bây giờ anh ấy là ban chỉ huy công trường chung của hai xã, anh ấy biết đâu đến việc cô chú. Chẳng qua anh em khinh trước, làng nước khinh sau. Chú nghĩ thế nào thì nghĩ” (CV, BB2, 100)

        d. Quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ

        Trong tục ngữ, ta nhận thấy người Việt thường có tâm lí đề cao mối quan hệ họ hàng cùng huyết thống: Một giọt máu đào hơn ao nước lã; Đi việc làng giữ lấy họ, Đi việc họ giữ lấy anh em; Tay đứt ruột xót; Máu loãng hơn nước lã; Một con một cháu, ngã sáu người dưng; Nhất con nhì cháu, thứ sáu người dưng; Họ chín đời còn hơn người dưng; Con cha gà giống.

        Trong tiểu thuyết “Chuyện làng Cuội”, tác giả Lê Lựu đã phản ánh một cách sâu sắc nét văn hoá ứng xử đầy nhân văn này.

        (16) Việc cho mẹ con Đất trở lại nhà thờ tổ là trái khoáy nhưng lại là niềm hãnh diện của anh em ông Cu Từ, Cu Mỡ ngẩng mặt lên cho cả làng chiêm ngưỡng, coi như một mẫu mực của sự nhường nhịn, cưu mang. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. (LL, CLC, 70)

        Trong mối quan hệ giữa những thành viên hai họ nội, ngoại từ bao đời nay thì thường có tâm lí đề cao bên nội, xem nhẹ bên ngọai: Cháu bên nội, tội bên ngoại; Cậu chết mợ ra người dưng, chú tôi có chết thím đừng lấy ai; Con chú con bác có khác gì nhau; Xanh đầu con nhà bác, bạc đầu con nhà chú; Con cô con cậu thì xa, con chú con bác thật là anh em; Dâu là con, rể là khách;…

        (17) Người ta bảo dâu là con rể là khách… nhà này thì dâu là con, mà rể cũng là con. (NCH, ĐRC, 638).

     4.2. Nhóm tục ngữ nói về những hạn chế từ lối tư duy, nếp văn hoá ứng xử của người Việt

     Bên cạnh những câu tục ngữ truyền thống thể hiện nét văn hoá ứng xử đẹp của người Việt cũng có cả những biểu hiện chưa đẹp. Tìm hiểu nhóm tục ngữ nói về quan hệ ứng xử của người Việt, chúng tôi nhận thấy nổi lên những biểu hiện:

        4.2.1. Tính cục bộ địa phương

      Có thể nói, do đặc điểm nền kinh tế nông thôn xưa kia phần đa là tự cung tự cấp khiến cho người dân có tâm lí địa phương chủ nghĩa, cái gì của địa phương mình cũng tốt cũng hay. Lâu dần, chúng trở thành nét văn hoá đặc thù: Đèn nhà ai, người ấy rạng; Trâu ta ăn cỏ đồng ta; Trâu chậm uống nước đục; Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau; Ruộng đầu bờ, vợ giữa làng.

       Tuy sống cạnh nhau, nhưng tâm lí khép kín, chỉ biết mình, không quan tâm tới hoàn cảnh, công việc của người khác thể hiện qua chuyện ngắn “Hai nhà” của Lê Lựu.

        (18) Đúng ra là đèn nhà ai nhà nấy rạng. Vì anh em mình vốn tâm đầu ý hợp đã bao phen sóng gió lên thác xuống ghềnh có bỏ được nhau đâu. (LL, HN, 199)

        Trong công việc chung của làng và của vua, thì hiệu lực của pháp lệnh do làng ban ra thường được thực hiện trước, theo phép tắc, quy định của làng, nơi họ cư trú. Tục ngữ đã ghi lại những sự tồn tại ở các làng xã nông thôn Việt Nam: Quan thời xa, bản nha thời gần; Phép vua thua lệ làng; Thà thiếu thuế vua hơn thua lệ làng; Quan cứ lệnh, lính cứ truyền; Lệnh làng hơn phép nước; Áo cứ tràng, làng cứ lí trưởng.

        (19) Chỉ có mađam biết chuyện là không hài lòng.

        – A lô cô ơi, cô phải để cho chú ấy làm việc nữa chứ. Phép vua thua lệ làng xưa nay đã thế, định một chốc một nhát dứt tung cả hay sao? (HAT, MLMĐ, 189)

       Chính vì thế, ngày nay, ở một số làng có kết cấu bền vững, hương ước của làng vẫn được duy trì, phát huy hiệu lực, như: việc khuyến học, giáo dục con em thanh thiếu niên, việc quản lí lao động ở một địa phương cụ thể, việc họp hành trong dòng họ để bàn về chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước… Chúng ta nhận thức được điều này để quản lí con người, đi sâu đi sát quần chúng từng địa phương trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện những chính sách đường lối của Đảng.

        4.2.2. Tâm lí cào bằng, bình quân chủ nghĩa  

        Tâm lí này bắt nguồn từ nền kinh tế sản xuất lúa nước của người Việt. Người Việt cư trú thành làng, theo dòng họ (như: làng Đặng – họ Đặng, làng Nguyễn – họ Nguyễn, làng Phan – họ Phan,…). Cuộc sống gần gũi, trọng tình, đề cao người đứng đầu dòng họ dẫn đến tâm lí dựa vào nhau, thiếu sự sáng tạo cá nhân: Cha chung không ai khóc; Trời sinh voi, trời sinh cỏ; Dại bầy hơn khôn độc; Khôn độc sao bằng ngốc đàn; Chết cả đống còn hơn sống một người; Có người có ta; Xấu mặt xin tương cả phường cùng húp; Tắt đèn nhà ngói hơn nhà tranh; Khôn sống mống chết; Sống lâu lên lão làng,… Hàng loạt câu tục ngữ phản ánh tâm lí chung, được người Việt nhận thức như những kinh nghiệm, những chân lí truyền từ đời này sang đời khác. Ngay trong tác phẩm “Đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan (1940), tâm lí cào bằng này đã được bộc lộ rõ qua lời nhân vật.

        (20) Anh coi thường ông sếp Sơ, cho là sống lâu lên lão làng, chứ so chữ nghĩa với anh, chưa chắc mèo nào cắn nổi mỉu nào. (NCH, ĐRC, 44)

         Nhà văn Chu Văn trong “Bão biển” (1963) cũng ghi lại hiện tượng tâm lí này:

        (21) “Cha chung không ai khóc, người nào cũng sợ thiệt. Cách tính toán chi li theo đầu óc tư lợi cũng gớm thật.” (CV, BB, t.1, 560)

        Trong tiểu thuyết “Mười lẻ một đêm” của Hồ Anh Thái, ông đã nói đến tâm lí lao động thành nhóm, hội, phường, như đi buôn, đi cấy gặt, dệt vải và lúc ăn uống.

        (22) Buôn có bạn bán có phường. Ăn một mình đau tức làm mét mình cực thân. (HAT, MLMĐ, 69)

        Và cả lúc thi tiếng Anh, cần đến sự nắm vững ngôn ngữ của chính bản thân người học thời hiện đại cũng có hiện tượng “chung” một cách đầy “giễu nhại” của nhà văn về tâm lí cào bằng:

         (23) Tiếng Anh còn yếu thì ta cụm với nhau, ba thằng dại hợp lại thành thằng khôn tục ngữ Việt Nam. Thực hành tiếng Việt thay cho luyện tiếng Anh. (HAT, MLMĐ, 162)

        Đi cùng tâm lí cào bằng là tâm lí thực dụng chỉ thấy cái lợi trước mắt, bất chấp lời khen chê, trái đạo lí: Được tiếng khen, ho hen chẳng còn; Có miếng còn hơn có tiếng; Danh lợi bất như nhàn (nghĩa là danh lợi không bằng nhàn).

        (24) Cả làng Hoa Hội mấy đời toét mắt. Vì sao nhỉ? Vì hai con voi thôn Dạm hướng đầu vào đình. “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt có mình gì tôi”. (DK, TTIL, 22)

        4.2.3. Tâm lí trọng nam khinh nữ

        Tâm lí này vốn đã tồn tại trong nhận thức lâu nay của người Việt. Với nam giới thì đề cao sự nghiệp đèn sách, học hành, có chí hướng, còn đối với phụ nữ thì chỉ quẩn quanh trong phạm vi gia đình: Đàn bà đái không qua ngọn cỏ; Một trăm con gái chẳng bằng cái dái con trai; Gái chồng rẫy phi chứng nọ thì tật kia; Trai làm nên năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng; Đàn bà như hạt mưa sa, Hạt rơi xuống giếng, hạt ra ngoài đồng; Gái chửa hoang ngàn quan chẳng cáp,

        (25) Có bữa nó đánh trong lúc tôi đang chiêm bao thấy mình ăn khoai. Bật dậy, tôi ngơ ngác cứ tưởng mình ăn trộm khoai của nó nên bị đòn. Tôi giận quá, lần sau leo tuốt lên ngọn dừa khoanh lại ngủ cho đã thèm. Tôi thù nó thấu xương nên hồi chín năm nghe người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bi cao cho biết. (NT, NMCS, 16)

5. Kết luận

     Qua khảo sát nhóm tục ngữ chỉ văn hoá ứng xử của người Việt trong phạm vi gia đình và xã hội, chúng tôi rút ra một số kết luận:

     Người Việt có truyền thống văn hoá ứng xử hết sức tốt đẹp, cần phát huy, đó là: Trong phạm vi gia đình, dòng họ thì luôn coi trọng tình cảm, đề cao tình nghĩa. Trong quan hệ xã hội thì người Việt luôn đặt lợi ích cá nhân gắn với lợi ích cộng đồng; luôn giữ gìn danh dự cá nhân. Tuy vậy, người Việt cũng cần lưu ý khắc phục một số hạn chế sau:

     –  Trước hết là tính cục bộ địa phương. Bản thân những người cùng dòng họ, cùng làng, cùng quê yêu thương nhau vốn không phải là nhược điểm nhưng vì quá nghiêng về tình cảm địa phương mà xem nhẹ lí trí thì trong thời đại mới, nền kinh tế phát triển hiện đại hơn, đòi hỏi con người cần biết tôn trọng pháp luật. Nếu chỉ sống bằng tình cảm chưa đủ. Cần biết sống công bằng và khách quan mới có thể làm việc tốt, nhất là công việc chung.

     –  Thứ hai, tâm lí cào bằng, bình quân dẫn đến thiếu sự phát triển của sáng tạo của cá nhân. Vấn đề này cũng luôn chứa đựng hai mặt, mặt tốt là hoà đồng nhưng mặt chưa tốt là thiếu đi bản sắc riêng, cá tính sáng tạo.

     –  Thứ ba, tâm lí trọng nam khinh nữ có khi dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc nhìn nhận, đánh giá phụ nữ.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Việt Chương, Từ điển thành ngữ – tục ngữ – ca dao, NXB Đồng Nai, quyển thượng và quyển hạ, 1998.

2. Mai Ngọc Chừ – Vũ Đức Nghiệu, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

3. Hoàng Văn Hành, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

4. Hoàng Văn Hành, Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

5. Nguyễn Thái Hoà, Cấu trúc tục ngữ Việt Nam, cơ cấu ngữ nghĩa cú pháp và thi pháp, NXB Đại học và THCN, Hà Nội, 1975.

6. Nguyễn Thị Hương, Đặc trưng ngữ nghĩa của nhóm tục ngữ chỉ quan hệ thân tộc, Ngôn ngữ, số 6, 1999, tr.27-33.

7. Đỗ Thị Kim Liên, Tục ngữ Việt Nam dưới góc nhìn ngữ nghĩa- ngữ dụng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

8. Nguyễn Văn Mệnh, Về việc xác định ranh giới giữa thành ngữ với tục ngữ, Ngôn ngữ, số 2, 1972, tr.12-25.

9. Nguyễn Văn Nở, Tìm hiểu triết lí về giao tiếp trong tục ngữ Người Việt, Ngôn ngữ, số 2, 2011, tr.51-59.

10. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1995.

11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004.

12. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.

13.  Cù Đình Tú, Góp ý kiến về sự phân biệt thành ngữ với tục ngữ, Ngôn ngữ, số 2, 1973, tr.41-46.

14. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN LÀM VÍ DỤ

I. Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai (1972), NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, in lại năm 2006.

II. Nam Cao, Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 2000.

III. Nguyễn Công Hoan, Đống rác cũ, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2011.

IV. Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2002.

V. Duy Khán, Tuổi thơ im lặng, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2011.

VI. Lê Lựu, Hai nhà, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000.

VII. Lê Lựu, Chuyện làng cuội, NXB Văn học, Hà Nội, 2011.

VIII. Bắc Sơn, Luật đời & cha con, NXB Văn học, Hà Nội, 2006.

IX. Hồ Anh Thái, Mười lẻ một đêm, NXB Đà Nẵng, Hà Nội, 2006.

X. Nguyễn Thi, Người mẹ cầm súng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.

XI. Chu Văn, Bão biển, NXB Văn học, Hà Nội, 1969.