Đặc trưng VĂN HOÁ QUẢNG NAM qua chiều dài lịch sử
Tác giả bài viết: TRẦN THỊ MAI AN
(Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)
TÓM TẮT
Văn hóa được xem là một nguồn lực đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của bất kỳ một quốc gia, vùng hay địa phương nào. Sức mạnh của văn hóa đến từ năng lượng nội sinh của nó. Bài viết này chỉ rõ những đặc trưng văn hóa vùng Quảng Nam được cấu thành từ các cơ tầng/ lớp văn hóa theo chiều dài lịch sử của vùng đất. Đó là các cơ tầng/ lớp văn hóa Sa Huỳnh, cơ tầng/lớp văn hóa Chămpa, cơ tầng/lớp văn hóa Đại Việt, cơ tầng/ lớp văn hóa Nhà Nguyễn và cơ tầng/ lớp văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Năng lượng nội sinh của văn hóa Quảng Nam không chỉ có vai trò quan trọng mà còn tạo đà và giữ vị trí quyết định đến sự phát triển của vùng đất trong hiện tại và tương lai.
Từ khóa: Quảng Nam, nguồn lực, văn hóa, phát triển, lịch sử.
Phân loại ngành: Dân tộc học.
ABSTRACT
Culture is considered a remarkable resource that is essential in promoting the socio-economic development of any country, region, or locality. The strength of culture comes from its endogenous energy. This article clearly shows the cultural characteristics of the Quảng Namregion, comprising cultural strata/layers according to the historical length of the land. They are the Sa Huynh cultural strata/classes, the Champa cultural strata/classes, the Đại Việtcultural strata/classes, the NguyễnDynasty cultural strata/classes, and the HồChí Minhera cultural strata/classes. The endogenous energy of Quang Nam culture not only plays an important role but also creates momentum and plays a decisive role in the development of the land at present and in the future.
Keywords: Quang Nam, resource, culture, development, history.
Subject classification: Ethnology.
x
x x
1. Mở đầu
Quảng Nam là nơi có truyền thống văn hóa độc đáo và đặc sắc. Trước khi mang tên gọi Quảng Nam và từ khi danh xưng Quảng Nam ra đời cho đến nay (1471-2023), vùng đất này đã hun đúc, kết tinh và hình thành nên nhiều sắc thái văn hóa độc đáo, mang một đặc trưng, “cốt cách” riêng biệt. Có nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã viết về Quảng Nam trên nhiều khía cạnh của lịch sử-văn hóa. Những công trình ấy có thể đặt chủ điểm về vùng đất này một cách độc lập hoặc viết chung trong tổng thể các điểm vùng miền Trung. Có thể kể tên một số tác giả-bài viết tiêu biểu như: Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam (2004) với Phong tục, tập quán, lễ hội Quảng Nam; Hà Nguyễn (2013) với Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng; Trần Quốc Vượng (2015) với Đất Quảng -cái nhìn địa lý văn hóa và lịch sử... Bài viết này phác thảo lại các đặc trưng văn hóa vùng Quảng Nam qua chiều dài lịch sử với tâm thức “văn hóa là nguồn lực của sự phát triển”, góp phần định vị hơn các giá trị cốt lõi -bền vững của lịch sử vùng đất. Bài viết sử dụng phương pháp chính là tổng hợp và phân tích; tiếp cận trên quan điểm đề cao, coi trọng nguồn lực văn hóa trong sự phát triển bền vững.
2. Các dấu ấn văn hóa qua lịch đại vùng
Rất sớm trong lịch sử, “Quảng Nam là một trong những địa bàn cư trú của các chủnhân văn hóa Sa Huỳnh từthời đại đồng thau và sắt sớm”(Nguyễn Chiểu, 2003: 183). Lưu vực sông Thu Bồn cùng các chỉ lưu là nơi tập trung đậm đặc nhất các di tích của văn hóa Sa Huỳnh. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Sa Huỳnh có niên đại từ thời đại đồng thau và sắt sớm, phân bố khá rộng, kéo dài từ vĩ tuyến 11 độ 12′ Bắc (Bình Thuận) đến 17 độ 54′ Bắc (Quảng Bình). Di tích văn hóa Sa Huỳnh xa nhất ở phía bắc là Cổ Giang (Quảng Bình). Sự lan tỏa của nền văn hóa này ra phía Bắc còn có mặt tại di tích Bãi Cội (Hà Tĩnh). Về phía Nam là đến các di tích ven bờ sông bắc Đồng Nai (Bình Thuận) với hàng loạt các di tích trên địa bàn Bình Thuận, Ninh Thuận. Về phía Đông là hàng loạt các di tích trên chuỗi đảo ven bờnhư Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi); đảo Phú Quý (Bình Thuận); về phía Tây, văn hóa Sa Huỳnh có mặt trên khắp các tỉnh Tây Nguyên, như các di tích Lung Leng (Kon Tum), Trà Dôm, Biển Hồ(Gia Lai), Buôn Triết (Đắk Lắk). Theo một số nhà nghiên cứu, văn hóa Sa Huỳnh còn ảnh hưởng rộng đến các vùng đất Đông Nam Bộ, điển hình là các di tích Giồng Cá Vồ, Giống Phiệt (Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt, vùng đất đậm đặc dấu vết văn hóa Sa Huỳnh là dải đất đồng bằng ven biển miền Trung: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Tại Quảng Nam, cho đến nay đã xác định được gần 100 địa điểm có di tích văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó, có 25 địa điểm đã được khai quật hoặc đào qua thám sát. 24 địa điểm tuy chưa khai quật hoặc đào thám sát nhưng đã được khẳng định chắc chắn. Còn lại hàng chục địa điểm khác phát hiện thấy dấu vết, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ càng và đầy đủ (Nguyễn Chiểu, 2003: 183). Các di tích đó phân bố trên một diện rộng bao gồm: miền ven biển, trung du và cả miền núi. Lưu vực sông Thu Bồn cùng các chỉ lưu là nơi tập trung đậm đặc nhất các di tích của văn hóa Sa Huỳnh. Điều đáng chú ý là giới chuyên môn đã tìm được cả một phức hệ, bao gồm cả di chỉ mộ táng và di chỉ cư trú. Điển hình của các dấu vết này là cụm từ Hội An đến Điện Bàn với những khu mộ chum lớn Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang, Lai Nghi, cụm Gò Mả Vôi -Gò Miếu Ông -Thôn Tư; Gò Dừa ở Duy Xuyên, cụm di tích tại các huyện Đại Lộc, Tiên Phước; cụm di tích huyện Hiệp Đức. Đặc biệt là những khu mộ địa giàu có của những cộng đồng thu gom sản vật núi rừng Quế Lộc, Đại Lãnh, Bình An, Gò Đình… Lưu vực sông Thu Bồn tuy không được rộng lớn và màu mỡ như đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc hay đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam, nhưng vẫn là một đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu vào bậc nhất ở miền Trung, và vì vậy đã sớm thu hút được con người đến cư ngụ. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh là sự góp mặt của nhiều thành phần nhóm cư dân -tộc người, trong đó những người thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesien chiếm đa số, bên cạnh những người thuộc ngữ hệ Nam Á -Môn Khmer cư trú trên dải Trường Sơn -Tây Nguyên.
Cư dân Sa Huỳnh là những cộng đồng có cuộc sống định cư trên đất liền nhưng với xu hướng hướng biển mạnh mẽ, có cơ cấu kinh tế đa dạng kết hợp giữa kinh tế sản xuất, kinh tế khai thác, và sản xuất thủ công (Hà Văn Tấn, Vũ Công Quý, 1991). Di sản văn hóa của họ chủ yếu được biết đến thông qua những táng thức sử dụng các loại chum/ vò gốm có kích thước lớn làm quan tài mai táng người chết. Loại di tích mộ quan tài gốm này chiếm số lượng rất lớn. Hình thức táng tục mộ chum đa dạng, có chum đơn, chum lồng nằm thành từng cụm, thẳng hàng hoặc ô bàn cờ, nhưng chủ đạo là mộ chum đơn. Những mộ táng này chứa xương cốt cải táng, hỏa táng hoặc hung táng. Trong các di tích mộ chum, đồ tùy táng rất phong phú, gồm các loại đồ gốm, đồ trang sức, đồ đồng, đồ sắt được đặt cả trong và ngoài chum… Cư dân Sa Huỳnh cũng thể hiện sự khéo tay và mỹ cảm của mình qua việc chế tác các loại trang sức như: vòng, nhẫn, khuyên tai, vật đeo hình dấu phẩy, hạt chuỗi bằng thủy tinh, mã não, đá quý, đất nung…, trong đó, nổi bật là khuyên tai đầu thú và khuyên tai ba mấu. Ngoài giao lưu nội bộtrong không gian miền Trung Việt Nam, họ còn mở rộng quan hệ giao lưu với Đông Sơn, với Hán ở phía Bắc, với tiền Óc Eo ởphía Nam, với Lào, Campuchia và Thái Lan ở phía Tây, Tây Bắc, với quần đảo Philipin và Indonesia ở phía Đông. Yếu tố này cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á và bức tranh mối quan hệ giao lưu sớm với các nền văn hóa đồng đại trong khu vực.
Tiếp nối các cư dân Sa Huỳnh và trên cơ sở nền tảng của văn hóa Sa Huỳnh, vương quốc Chămpa được hình thành và Quảng Nam cũng là một trong những trung tâm của vương quốc ấy. Danh xưng Amaravati, các di tích bãi bến, cảng, hệ thủy (giếng), kho báu, thành lũy, kinh đô, đền tháp… là những bằng chứng lịch sử vật thể và phi vật thểminh chứng cho quá trình phát triển liên tục và rực rỡ của vùng đất Quảng Nam. Những nghiên cứu khảo cổ học đã được công bố trong hơn một thế kỷqua cho thấy có sự trùng khớp về không gian văn hóa giữa Sa Huỳnh và Champa giai đoạn sơ sử và lịch sử. Phần lớn các ý kiến đồng tình rằng người Chăm cổlà con cháu người Sa Huỳnh xưa, văn hóa Chăm là sự kế thừa trực tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh đi lên (Hà Văn Tấn, Vũ Công Quý, 1991; Lê Đình Phụng, 2019). Và cư dân Champa là tên gọi của những cộng đồng dân cư thuộc vương quốc cổ Champa, một vương quốc theo mô hình chính trị mandala và được biết tên với nhiều tên gọi khác nhau trên những chặng đường lịch sử như Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc, Champa1. Không gian xứ Quảng nói chung, và đặc biệt là vùng Quảng Nam, chính là địa bàn trung tâm của tiểu vương quốc Amaravati, một tiểu quốc có diện tích lớn nhất lãnh thổ Champa, nơi giàu tài nguyên và được người Chăm chọn làm định đô trong lịch sửhai lần. Giai đoạn thứnhất từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII. Giai đoạn thứ hai từ thế kỷ IX đến thế kỷ X. Đây là hai thời kỳ rất thịnh vượng của nhà nước cổ. Các di sản văn hóa được kiến tạo trong những thời kỳ ấy cho đến nay vẫn còn lưu lại trên đất Quảng Nam với nhiều loại hình đa dạng, đơn cử như thành lũy Trà Kiệu, các khu đền tháp Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Phật viện Đồng Dương; hay các dấu tích của mộ táng, cư trú như Nam ThổSơn, Cẩm Phô, Gò Cẩm… và hàng nghìn các tác phẩm điêu khắc bằng kim loại, đá, đất nung.
Cư dân Champa là những người có truyền thống làm nông nghiệp lúa nước, đặc biệt đã trồng được loại lúa ngắn ngày với sản lượng cao gọi là lúa Chiêm (Ngô Văn Doanh, 2002). Lúa được trồng không chỉởruộng bậc thấp, mà có cảhình thức canh tác bằng ruộng bậc thang với hệthống thủy lợi đa dạng, được chia làm hai loại, một là các kênh dài vài trăm mét gọi là thủy lợi quốc gia, hai là các đường nước nước cạn và nhỏ dẫn vào ruộng gọi là thủy lợi địa phương. Họ có các nghề thủ công truyền thống như: làm thủy tinh, đồ trang sức, vũ khí , dệt và gốm. Đặc biệt, liên quan đến gốm, việc chế tác gạch đã xuất hiện với kĩ thuật nung rất tốt. Trong khi hầu hết nhà và cung điện đều là gỗ thì gạch chủ yếu được sử dụng trong các công trình tôn giáo. Gạch ở đây không chỉ chịu được độ lực nặng mà còn là chất liệu được sử dụng cho khắc vẽ. Kỹ thuật làm gạch đã trở thành điểm nhấn đặc sắc và cả bí ẩn cho nền văn minh Champa. “Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch”, “…các tháp Chàm đẹp hơn các đền tháp Khomer, nguyên nhân là do họ đã giữ được ý thức về chất liệu gạch và biết tôn trọng bản chất của nó, nó tạo cho tháp Chăm có một vẻ đẹp không thể bỏ qua”(Ngô Văn Doanh, 2002:143)
Cư dân Champa cũng là những người giỏi về các ngành nghề liên quan đến biển. Các thư tịch cổ ghi chép vương quốc này đã từng là một trung tâm buôn bán quốc tế thời bấy giờ, kết nối với Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Ả rập. Cảng thị Cù Lao Chàm chính là nơi giao thương chính, cung cấp nước ngọt, trầm hương, và một số mặt hàng quý giá khác. Với yếu tố địa dư bao gồm các phần đất nằm ở ven biển của miền Trung Việt Nam hiện nay và kể cả dãy Trường Sơn và vùng cao nguyên tiếp nối với nó, có thể đưa ra kết luận rằng, cư dân Champa là sự kết hợp không chỉ của các cộng đồng sinh sống ở vùng đồng bằng, ven biển, mà còn bao gồm cả dân cư của vùng cao nguyên, là các nhóm của những người thuộc ngữ hệ Nam Á -Môn Khmer và những người thuộc ngữ hệ Malayo -Polynesien chiếm đa số. Các nhóm này đều có thành phần là người Indonesien, hay Proto-Australo-Mongoloid (Nguyễn Đình Khoa, 1983; Lafont, 2012). Và cũng có thể không loại trừ dấu vết của người Hoa và nhóm Việt -Mường đồng cư, trước khi người Việt có mặt chính thức trên vùng đất này (Nguyễn Khắc Thái, Thái Thu Hoài, 2017:22). Và trong những thiên niên kỷ sau đó, nơi đây liên tục là điểm diễn ra các luồng giao lưu lịch sử-văn hóa Việt -Chăm với đặc trưng tiếp thu, đan xen và hội nhập.
Năm Hồng Đức thứ 2, triều vua Lê Thánh Tông (1471), danh xưng Quảng Nam ra đời với tên gọi Quảng Nam Thừa Tuyên đạo (Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, 1998: 452). Theo hàm ý của vua, Quảng có nghĩa là mở rộng, Nam là hướng Nam -trọn nghĩa Quảng Nam được hiểu là địa bàn dừng chân để mở rộng về hướng Nam, đi về phương Nam. Từ mốc xuất hiện danh xưng này, các chặng đường lịch sử tiếp theo của vùng đất đã luôn xác định vai trò vô cùng quan trọng của Quảng Nam: là vùng phên dậu (Nguyễn Trãi toàn tập, 2001: 816); vùng yết hầu; vùng đất trọng yếu thời chúa Nguyễn -vùng bàn đạp để thực hiện công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002: 35-36); vùng hiếu học, khoa bảng thời các vua Nguyễn2 (Phạm Ngô Minh, Trương Duy Hy, 1995). Đây cũng là giai đoạn mà sớm có rất nhiều bộ sách trong và ngoài nước đặt những dòng ghi chép và ca ngợi về xứ Quảng như Ô Châu cận lục (Dương Văn An, 1553-1555), Xứ Đàng Trong năm 1621 (Cristoforo Borri, 1631), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776), Quảng Thuận đạo sử tập (Nguyễn Huy Quýnh, 1775-1785), Lịch triều Hiến chương loại chí (Phan Huy Chú, 1809-1819), Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1820-1844), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn 1865-1882), Đồng Khánh địa dư chí (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1886-1887)…
Nguồn gốc người Việt ở Quảng Nam phần lớn là từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ (như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) di cư vào trong thời kỳ vua Lê -chúa Trịnh và sau đó là thời chúa Nguyễn. Ở nơi đất mới, việc phải đương đầu với các khó khăn -lạ lẫm của môi trường cư trú mới, việc phải giải quyết xung đột với các tộc người bản địa… đã tôi luyện cho họ tính cách cần cù, chịu khó và kiên cường. Những miêu thuật vừa phong phú, vừa chi tiết và rất ấn tượng về con người và vùng đất này đã được ghi chép trong sử sách như: “… Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy” (Lê Quý Đôn, 2007: 432-433); “… Đất màu mỡ nên nguồn lợi có nhiều, ruộng đồng tốt nên mùa màng thu bội; thóc lúa và súc vật có nhiều, thường cung cấp cho trấn khác. Vật sản rất tốt không kém phương Bắc. Vốn là một khu có tiếng nhiều của cải, là một thắng địa về biển và núi” (Phan Huy Chú, 2007: 194); “Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng, siêng sản xuất mà ít đem cho; vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006: 395).
Song song cùng với lớp cư dân Việt, vào những thế kỷ XVII, XVIII, việc Hội An -Quảng Nam trở thành thương cảng quốc tế mậu dịch sầm uất bậc nhất của Việt Nam đã ghi nhận thêm sự có mặt của một số lượng cư dân khác đến nơi đây cư trú và buôn bán. Cristoforo Borri, trong ghi chép của mình đã mô tả có nhiều thuyền buôn nhiều nước và lãnh thổ đến Faifo -Hội An như Trung Quốc, Nhật Bản, Macao, Campuchia, Manila, Malacca, … Tiêu biểu trong đó là nhóm người Hoa, người Nhật giữ vai trò rất quan trọng trong nền thương mại Hội An. “Tại nơi này, chúa Đàng Trong nhượng cho người Nhật Bản và người Trung Quốc một số cơ ngơi tương ứng với số dân cư của họ, để họ dựng lên một thành thị phù hợp… Thành này mang tên Faifo và khá lớn… một phần thuộc về người Trung Quốc, phần còn lại thuộc về người Nhật Bản. Hai cộng đồng này sinh sống riêng rẽ, độc lập với nhau, mỗi bên đều có người cai quản riêng, người Trung Quốc theo luật Trung Quốc, người Nhật Bản theo luật Nhật Bản” (Cristoforo Borri, 2018: 124). Những thành phần dân cư này lấy vợ người Việt, định cư lập phố, lập thương điếm, văn phòng mại biện… đã làm đa dạng và phong phú hơn các sắc màu văn hóa vùng Quảng Nam. Đặc biệt, khoảng giữa thế kỷ XVII có một làn sóng di cư lớn thứ hai của cư dân Trung Hoa đến Hội An do sự bất ổn trong nền chính trị Trung Quốc khi đó3. Cũng từ đây, các tổ chức làng xã, các bang hội theo nguồn gốc quê quán của cộng đồng cư dân người Hoa đã được hình thành tại nơi này. Theo gia phả và ký ức của người Hoa ở Hội An thì những lớp người Hoa đến đầu tiên được suy tôn là tiền hiền, là thủy tổcác dòng họ được gọi là Thập lão, Lục tính, Tam đại gia và từ những năm 1645-1653 lập thành xã Minh Hương, rồi dựng chùa miếu, lập hội quán. Song song với bề dày văn hóa sớm ở vùng đồng bằng, các vùng núi phía Tây được ghi nhận là địa bàn cư trú lâu đời của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Sắc thái văn hóa núi rừng ấy đã góp một dấu ấn phong phú hơn cho bức tranh tộc người của vùng Quảng Nam. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép địa bàn khá rộng lớn của miền núi tỉnh Quảng Nam xưa qua các chi tiết như: “Đến nguồn Hà Lôi là chỗ các sách người Man ở (tục gọi người Đê là Chàm, Man là Mọi),… đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá nước Nam Bàn… Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn 10 người, đến 1 thôn nào thì đánh ba hồi chiêng … làm nhà cho vua ở, bởi vì vua vào nhà nào thì nhà ấy có sự không hay, cho nên vua không dám vào nhà ai…”(Lê Quý Đôn, 2007: 432-433). Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh cũng chép rằng: “…Phía Tây kề vào núi giáp hai nước của Nam Bàn Thủy vương và Nam Bàn Hỏa vương, hai đám giặc ở Tứ Mỹ và Nhưng Huy. Các tộc Man: Đá Vách, Đồng Vụ, Thượng Hương, Thượng Khải chiếm lĩnh men theo đỉnh núi. Phía Nam giáo các xứ: Phú Yên, Hà Roi, Hà Nghiêu, Yên Tượng, Thạch Bàn, [ngã ba] Ô Liêm… ở xứ này, người man hung ác thường cướp bóc, quấy nhiễu” (Nguyễn Huy Quýnh, 2018: 23).
Hay chính sử triều Nguyễn cũng nói nhiều đến các địa danh ở khu vực miền núi Quảng Nam, đề cập đến lối sống dân miền núi như: “Dân ven núi sinh nhai về nghề hái củi đốn cây mà tính chất phác…” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002: 395)và phần lớn sử liệu ở đây ghi chép về sự nổi dậy của các dân tộc miền núi (nhóm người Man), triều đình đã phái quân đi dẹp, lập đồn binh để trấn áp phòng ngừa, như: “Ác Man ởTà My Quảng Nam nhiều lần làm hạicho dân, chuẩn lập ra ba đồn ở dọc chân núi để phòng ngự (chọn 100 người khỏe mạnh chia làm hai ban chiếu lệ giản binh cấp lương, ba tháng thay ban một lần) (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2011: 232). Ngày nay, vùng miền núi phía Tây Quảng Nam chính là địa bàn cư trú chính của các dân tộc Cơ-tu, Xơ-đăng, Co, Gié -Triêng, Kinh, và một số các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc di cư vào từ sau năm 1975.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và trong thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Nam tiếp tục là vùng đất “đầu sóng ngọn gió”, là nơi khởi phát các phong trào vận động yêu nước lớn và là vùng trung dũng, kiên cường, bất khuất. Năm 1858, khi Liên quân Pháp -Tây Ban Nha nổ tiếng súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng (1/9/1858), nhân dân Quảng Nam đã anh dũng kháng chiến làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻthù. Sau khi Triều đình Huế ký Hiệp ước 1884, đầu hàng thực dân Pháp, người Quảng Nam đã nô nức hưởng ứng hịch Cần Vương. Đương thời, Nghĩa hội Quảng Nam là bộ phận duy nhất của cảnước làm cho bộmáy chính quyền của kẻ thù tan rã (Trương Quốc Bình, 2019: 21). Các phong trào kháng Pháp như kêu gọi canh tân, chống sưu, chống thuế cũng khởi đầu tại QuảngNam và sau đó lan nhanh đến nhiều tỉnh Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam cũng là một trong 4 tỉnh sớm nhất trong cả nước khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật -Pháp thắng lợi. Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất này cũng là nơi mà lực lượng quân viễn chinh tập trung nhiều nhất với hai liên hợp quân sự ở đầu tỉnh và cuối tỉnh là Đà Nẵng và Chu Lai, và cũng là nơi mà cuộc chiến tranh nhân dân đã diễn ra quyết liệt và anh hùng bậc nhất, với nhiều chiến công vang dội và cũng nhiều cá nhân, đơn vị được phong tặng anh hùng nhất. Số bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng bằng 1/6 cả nước, số xã anh hùng cũng vào loại nhiều nhất nước, cũng đã lên đến hàng trăm, tất cả các huyện thị và thành phố đều được phong tặng anh hùng, có địa phương được phong tặng anh hùng không chỉ một lần, và Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên được công nhận anh hùng từ trong kháng chiến (Vũ Ngọc Hoàng, 2019: 7).
Với những điểm xuyết bức tranh lịch đại vùng như trên, có thể nói không quá rằng Quảng Nam luôn là vùng đi trước dẫn đầu, là nơi hội tụ và kết tinh những tinh hoa của đất và người, “… tạo nên một vùng “địa linh nhân kiệt: trong phức thể địa linh nhân kiệt của tổng thể Việt Nam” (Trần Quốc Vượng, 2001: 608). Dấu ấn văn hóa qua lịch đại vùng xứ Quảng có thể được đúc kết qua các cơ tầng/lớp văn hóa sau: (1) cơ tầng/ lớp văn hóa Sa Huỳnh; (2) cơ tầng/ lớp văn hóa Chămpa; (3) cơ tầng/ lớp văn hóa Đại Việt; (4) cơ tầng/ lớp văn hóa Nhà Nguyễn; (5) cơ tầng/ lớp văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.
3. Phát triển từ các giá trị văn hóa
Trong lý thuyết phát triển, văn hóa được xem là một nguồn lực đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sựphát triển kinh tế-xã hội. Sức mạnh của văn hóa đến từnăng lượng nội sinh của nó. Giá trịnội sinh của văn hóa Quảng Nam là bềdày các cơ tầng/ lớp văn hóa đã được hình thành trên vùng đất này4.
Những năm gần đây, có thể nói Quảng Nam là một trong những tỉnh có nhận thức rất sâu sắc về các giá trịnội sinh văn hóa mà mình đang nắm giữ và có các chiến lược phát triển khá thuyết phục, trở thành điểm sáng của khu vực miền Trung. Nhiều chính sách, quyết định và các giải pháp được ban hành nhằm nỗ lực bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị nội sinh văn hóa vùng Quảng Nam có hiệu quả rõ rệt5. Có thể đơn cử dưới vài góc nhìn như: so với Quảng Ngãi, cũng là một trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh nhưng đến nay vẫn chưa có một bảo tàng riêng đúng nghĩa vềviệc trưng bày các di tích, di vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, thì Quảng Nam đã xây dựng được ít nhất 2 Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh độc lập, là Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở thành phố Hội An (1994) và Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh -Chămpa ở huyện Duy Xuyên (2003). Sự có mặt và hoạt động của hai điểm này ít nhiều đã khẳng định và tôn vinh hơn dấu ấn quá khứ-sức mạnh văn hóa nội sinh của vùng đất. Như ta biết, trong xu thế hội nhập và giao lưu toàn cầu như hiện nay, các bảo tàng không chỉ đóng vai trò là địa chỉ để thế hệ đương đại tìm hiểu quá khứ- tiến trình phát triển của dân tộc, mà còn trở thành một trong những điểm tham quan của hầu hết các tour du lịch. Bảo tàng, vì vậy, vừa góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa vùng, vừa mang lại nguồn lợi về kinh tế. Việc Quảng Nam đầu tư cho việc xây dựng, củng cố, duy trì hệ thống các bảo tàng Sa Huỳnh là một minh chứng cho thấy sự đúng đắn trong việc coi trọng và khai thác phát triển giá trị nội sinh văn hóa của vùng đất.
Hay dưới một góc nhìn khác, so với tỉnh Thừa Thiên -Huế, Quảng Nam cũng có sự tương đồng về các cơ tầng/ lớp lịch sử-văn hóa, nhưng hai địa phương này đi theo các hướng bảo tồn -khai thác và phát huy các di sản không hẳn cùng giống nhau. Trong một thời gian dài, Thừa Thiên -Huế dường như triển khai đồng bộ việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trịnội sinh văn hóa, việc định vị hệ giá trị đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của Huế chưa cụ thể, nên việc xác định một chiến lược gắn liền với những nội hàm thực hiện chi tiết, với phân công cụ thể về trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị nội sinh văn hóa còn lúng túng. Trong khi đó, Quảng Nam đã lựa chọn Phố cổ Hội An làm điểm nhấn thương hiệu vùng và dồn toàn tâm sức xây dựng phát triển. Từ thời điểm Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985 và cho đến hiện nay, hệ thống quản lý di sản ở phố cổ Hội An được xem là một trong những hệ thống hoạt động có hiệu quả nhất ở Việt Nam. Sự thành công đến từ việc chính quyền luôn luôn xác định thế mạnh văn hóa nội sinh “đặc trưng” của vùng đất; giữ gìn văn hóa cổ, đặt sự bảo tồn, khai thác và phát huy vốn cổ ấy gắn với tính phát triển và hiện đại, Quảng Nam đã đánh thức được năng lực của người dân, tuyên truyền người dân có ý thức về những giá trị văn hóa nội sinh và lấy cộng đồng dân cư là yếu tố chính để giữ gìn những giá trị văn hóa cổ. Sự quản lý đồng bộ, chặt chẽ trong từng lĩnh vực cụ thể thông qua các quy chế rất chi tiết và rõ ràng đã giúp Quảng Nam nói chung, phố cổ Hội An nói riêng đạt được các thành công nhất định.
Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định văn hóa là một nguồn lực phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa ngày càng thể hiện được mối gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội. Với bức tranh phát triển của Quảng Nam hiện nay, các giá trị văn hóa đã được đúc kết qua các cơ tầng/lớp văn hóa vùng chính là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Vậy nên việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trịvăn hóa ấy cũng chính là những nguồn lực căn bản giúp Quảng Nam cất cánh phát triển cao hơn -một tổng thể Quảng Nam luôn mạnh mẽvà tràn đầy sức sống với các chiến lược phát triển dài hạn.
Với sức mạnh nội sinh văn hóa đang nắm giữ, Quảng Nam đã xác định quan điểm bảo tồn trong sựphát triển, nên các phương pháp tiếp cận khai thác -bảo tồn -phát huy các giá trịnội sinh văn hóa đều được đặt lên hàng đầu, công việc này được xem là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng. “Cộng đồng bảo tồn di sản” chính là chìa khóa hiệu quảnhất mà Quảng Nam sử dụng trong thời gian qua và hiện nay để quyết định sự tồn vinh của các giá trị nội sinh văn hóa. Nhiều quyết sách cụ thể về việc khai thác các giá trị đặc trưng của văn hóa vùng Quảng Nam đã được ban hành như đềán xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa -Thông tin cấp xã, cơ chế hỗ trợ cho nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên của đội tuyên truyền lưu động, đặc biệt là đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; và các quy định về hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu viết về Quảng Nam; quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh… Tại cấp cơ sở, có nhiều địa phương cũng đã xây dựng chương trình mục tiêu vềxây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa đi lên… Chính sự phát triển đồng bộ của các quyết sách, đề án trong việc khai thác các giá trịnội sinh văn hóa vùng Quảng Nam như vậy dường như đã vun sâu hơn tư duy “cộng đồng bảo tồn di sản”, khẳng định dấu ấn và vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa với phát triển. Trong giai đoạn 2012-2021, tổng nguồn vốn bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn Quảng Nam là khoảng 950 tỷ đồng (Thu Hoài, 2023).
So với các địa phương khác trong khu vực miền Trung -Tây Nguyên và cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên có cơ chế riêng đối với công tác bảo tồn trùng tu di tích. Bắt đầu từnăm 2011, Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020 đã mở đường cho cơ chế về “tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh”. Đây là giai đoạn có rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh được tu sửa, tôn tạo, đặc biệt đối với các di tích, phế tích Chăm. Cơ chế “tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh” này là mốc đánh dấu sự tiếp nối của các đề án tu bổ di tích của Quảng Nam ởcác giai đoạn kế tiếp. Theo đó, Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 ra đời cũng đã tiếp tục khẳng định quan điểm và đường hướng làm việc đúng và hiệu quả của tỉnh Quảng Nam về việc coi trọng các dấu ấn văn hóa nội sinh của vùng đất.
4. Kết luận
Thông thường, hiểu được mình thì sẽ biết sở đoản, sở trường của mình, từ đó mà giữ gìn, phát huy những yếu tốtích cực, hạn chếnhững tiêu cực của riêng mình để tiếp tục đi lên. Quảng Nam là vùng đất đặc trưng độc đáo về tự nhiên và dân cư cũng như bề dày về lịch sử, văn hóa. Trải qua các giai đoạn phát triển, nguồn lực nội sinh văn hóa Quảng Nam ngày càng được sáng tạo và bồi đắp để tạo nên sức mạnh đặc trưng, tiêu biểu cho vùng đất. Nguồn lực nội sinh ấy không chỉcó vai trò quan trọng mà còn tạo đà và giữvịtrí quyết định đến sự phát triển của vùng đất. Từ những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, có thể thấy Quảng Nam đang thực hiện rất hiệu quảcông tác bảo vệvà phát huy các giá trịvăn hóa nội sinh của vùng đất. Để tiếp tục giữ vững những thành tựu đã đạt được và phát huy tối đa nguồn văn hóa nội sinh của mình, thiết nghĩ, Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục nuôi giữ tư duy coi trọng nguồn lực văn hóa nội sinh đã có của vùng đất, để từ đó lan rộng và phát huy tích cực hơn quan điểm “cộng đồng bảo tồn di sản”. Việc không ngừng nhận thức và tư duy hành động theo hướng coi trọng, tôn vinh giá trịnội sinh văn hóa sẽ là nền tảng cơ bản giúp Quảng Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thứ hai, tiếp tục khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh để đảm bảo gìn giữ một cách tối đa các dấu ấn văn hóa đã được hình thành trong các cơ tầng/ lớp văn hóa của vùng đất, để từ đó có cơ sở hình thành cụ thể và chi tiết hơn các đề án, chính sách nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả các giá trị nội sinh văn hóa ấy.
Thứ ba, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nguồn lực nội sinh văn hóa vùng đất gắn với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam. Đó chính là việc tiếp tục xác định mối quan hệ giữa di sản (các biểu hiện dấu ấn của nguồn lực nội sinh văn hóa) với du lịch. Đây là mối quan hệ tương hỗ, hiệu quả, không chỉ là việc giúp các di sản được giữ gìn, mà còn tạo điều kiện để phát huy các giá trịdi sản để phục vụ phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế và xã hội, quảng bá hình ảnh cho cộng đồng, vùng đất.
Thứ tư, để nguồn lực nội sinh văn hóa không ngừng được tái tạo, cần đặc biệt chú trọng đến tính kế thừa, phát triển thế hệ, tránh tạo sự hụt hẫng, đứt gãy thế hệ trong cách hiểu về vai trò nội sinh văn hóa, và về sự chuyển giao, tiếp nhận và quản lý các giá trị văn hóa, đặc biệt đội ngũ các nghệ nhân, nghệ sĩ -những người đang tham gia trực tiếp vào việc giữ gìn “tính hồn” của các biểu hiện di sản văn hóa trong đời sống văn hóa, văn nghệ.
Thứ năm, có nguồn lực nội sinh thì cần phải tạo một không gian ngoại sinh phù hợp và tích cực để sự tương tác giữa tính nội sinh và ngoại sinh đạt đến hiệu quả tương hỗ cao nhất. Vì thế, để gia tăng nguồn lực nội sinh, Quảng Nam cần chú trọng hơn nữa việc mở rộng cánh cửa hợp tác, mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa cácvùng miền trong khu vực, trong nước và cả trên thế giới; đề cao tính chủ động, chọn lọc trong việc bảo tồn nguồn lực nội sinh, đảm bảo sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự tôn vinh bản sắc văn hóa Quảng Nam với sự hội nhập giao lưu của văn hóa toàn cầu.
__________
1. Nửa sau thế kỉ XIX, nhiều học giả phương Tây, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và cả những học giả người Chăm…, dựa trên những tư liệu có tính đối sánh, cũng như phục dựng mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đối với các vương quốc cổ ở Đông Nam Á đã đồng ý rằng do chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ cổ đại, vương quốc Chăm là một liên minh bao gồm nhiều tiểu quốc với nhiều sắc tộc khác nhau do một tiểu vương cai quản. Mỗi tiểu quốc có kinh đô riêng, với tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự độc lập. Những tiểu quốc nhỏ yếu thần phục tiểu quốc lớn mạnh và vị vua hùng mạnh nhất vương quốc được gọi là vua của các vua. Theo các nhà nghiên cứu, trên địa bàn vương quốc Champa có ít nhất 5 tiểu quốc đã từng tồn tại, đó là: Indrapura (nay là vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên -Huế), Amaravati (nay là Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi), Vijaya (nay là Bình Ðịnh, Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (là Ninh Thuận, Bình Thuận).
2. Trong suốt 100 năm khoa bảng Nho học dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 254 cử nhân, 24 phó bảng và 15 tiến sĩ. Với 39 đại khoa, Quảng Nam được xếp thứ 6 trong số 23 tỉnh thời bấy giờ.
3. Khoảng giữa thế kỷ XVII ở Trung Quốc, người Mãn lật đổ nhà Minh lập nên triều đại nhà Thanh đã thi hành một số chính sách khắt khe, độc tài như bắt buộc dân chúng phải cạo tóc, thắt bím, ăn mặc như người Mãn. Tiếp đó là những chính sách cấm biển, di huyện, dời dân làm cho dân chúng vô cùng khốn khổ, mâu thuẫn giữa dân chúng và triều đình đã đến mức không thể giải quyết được. Một số dân chúng ở vùng Phúc Kiến, Quảng Đông, Sơn Đông, Hà Bắc, Giang Tô, Triết Giang… và các vùng hải đảo đã phải rời bỏ quê hương của mình cùng với các “di thần”, “cựu thần” nhà Minh và các thương nhân, thợ thủ công, dân nghèo và kể cả tù binh… tìm đến các quốc gia Đông Nam Á để làm ăn sinh sống, trong đó có Hội An thuộc xứ Quảng -Đàng Trong của Việt Nam.
4. Từ các cơ tầng văn hóa đã có, hiện tại Quảng Nam có 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 Di sản Văn hóa Thếgiới, 62 Di tích Văn hóa Quốc gia và 340 Di tích cấp Tỉnh.
5. Một số các giải pháp về cơ chế, chính sách được ban hành bằng các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết số161/2015/NQ-HĐND, ngày 7/7/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về đầu tư tu bổ Di tích quốc gia và di tích cấp Tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh, ngày 2/5/2019 ban hành Quy chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cristoforo Borri. (2018). Xứ Đàng Trong năm 1621. Thanh Thư dịch. Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Văn Tấn, Vũ Công Quý. (1991). Văn hóa Sa Huỳnh. Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Lê Đình Phụng. (2019). Đối thoại với nền văn minh cổ Champa. Nxb. Khoa học xã hội. Lê Quý Đôn. (2007). Phủ biên tạp lục. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê. (1998). Đại Việt sử ký toàn thư. t.II. Nxb. Khoa học xã hội.
Ngô Văn Doanh. (2002). Văn hóa cổ Champa.Nxb. Văn hóa dân tộc.
Nguyễn Chiều. (2003). Văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn và vị trí của nó trong quá trình hình thành cảng thị Hội An. Interdisciplinary Research of Hoi An, Vietnam -Record of Hoi An International Symposium, Sowa Women’s University Institute of International Culture.Vol.9.
Nguyễn Đình Khoa. (1983). Nhân chủng học Đông Nam Á. Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Nguyễn Huy Quýnh. (2018). Quảng Thuận đạo sử tập. Nguyễn Thanh Tùng và nhóm tác giả dịch và giới thiệu. Nxb. Đại học Vinh.
Nguyễn Khắc Thái, Thái Thu Hoài. (2017). Không gian lịch sử văn hóa Chăm: những dấu ấn trên địa bàn biên viễn phía Bắc. Văn hóa Quảng Bình. Số 7. Nguyễn Trãi toàn tập.(2001).
Hoàng Khôi dịch. Nxb. Văn hóa Thông tin. Phan Huy Chú. (2007). Lịch triều hiến chương loại chí. t.I.Nxb. Giáo dục.
Phạm Ngô Minh, Trương Duy Hy. (1995). Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn. Nxb. Văn nghệ.
Pierre-Bernard Lafont. (2012). Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử. Nxb. Viện Viễn Đông Pháp.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2006). Đại Nam nhất thống chí. t.2. Nxb.Thuận Hóa.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2002). Đại Nam thực lục. t.1. Nxb. Giáo dục.
Quốc sử quán triều Nguyễn. (2011). Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Nxb. Văn hóa -Văn nghệ.
Thu Hoài. (2023). Quảng Nam: Hơn 950 tỉ đồng bố trí sự nghiệp phát triển văn hóa giai đoạn 2012-2021. Văn hóa.
http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/van-hoc/artmid/486/articleid/63459/quang-nam-hon-950-ti-dong-bo-tri-su-nghiep-phat-trien-van-hoa-giai-doan-2012-2021
Trần Quốc Vượng. (2001). Tổng kết Hội thảo Khoa học “Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng”. Trong Kỷ yếu Hội thảo: Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, ngày 14-15/3/2001.
Trương Quốc Bình. (2019). Bảo vệ và phát huy giá trịkho tàng di sản văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trong sách Văn hóa Quảng Nam, Động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Nxb. Đà Nẵng.
Vũ Ngọc Hoàng. (2019). Văn hóa xứ Quảng trong giữ nước và trong phát triển. Trong sách Văn hóa Quảng Nam, Động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Nxb. Đà Nẵng.
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 5-2023
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đặc trưng văn hóa vùng Quảng Nam qua chiều dài lịch sử (Tác giả: Trần Thị Mai An) |