Góp thêm ý kiến về NGUYÊN DO HÌNH THÀNH NHỮNG TỪ GỌI LÀ TỪ NGẪU HỢP của TIẾNG VIỆT (Phần 1)
VŨ ĐỨC NGHIỆU
(GS TS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội)
1. Dẫn nhập
Trong các nghiên cứu về Việt ngữ, những từ như: ba láp, ba trợn, bồ cào, bồ các, bồ cắt, bồ câu, bồ chao, bồ (mồ) côi, bồ đài, bồ hòn, bồ kết, bồ ngót, bù (bồ) nhìn, bồ nông, mồ hôi, cà chớn, cà khổ, cà kheo, cà tàng, chiêm bao,… được xếp vào một loại và gọi là từ ngẫu hợp / từ ngẫu kết với ngụ ý rằng, đó là những từ được tạo thành nhờ các thành tố (âm tiết) kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, không có quan hệ gì với nhau về ngữ nghĩa hoặc ngữ âm. Trước nay, đã có một số ý kiến đề cập hoặc tìm lời giải đáp về sự hình thành, tồn tại, hoạt động của chúng. Tuy nhiên, các ý kiến đó vẫn chưa được tập trung và chủ yếu là thường đề cập một số trường hợp cụ thể, chưa giải quyết những vấn đề chung cho bộ phận từ vựng gồm những từ như nêu trên đây. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp và phân tích một số ngữ liệu để góp phần tìm hiểu nguyên do chung làm hình thành các từ đó.
Để thảo luận vấn đề hữu quan, chúng tôi thu thập ngữ liệu thành văn viết bằng chữ Nôm, từ văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh 1 (sau đây, chúng tôi gọi tắt là Phật thuyết) cho đến những văn bản viết bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ thế kỉ XVII – XIX (Danh sách các nguồn ngữ liệu này được ghi ở cuối bài). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ so sánh đối chiếu với những ngữ liệu thuộc một số ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn với tiếng Việt, đối chiếu với các dạng phục nguyên trong những tiền ngôn ngữ (Proto -) có liên quan mà các nhà nghiên cứu hiện đã phục nguyên được.
Sau khi phân tích các ngữ liệu thu thập được, chúng tôi thấy, bước đầu có thể nói tới hai nguyên do làm hình thành các từ thuộc loại như nêu trên.
2. Nguyên do thứ nhất
Trước hết, có thể thấy rằng: có những từ như nêu trên đây chính là những từ song tiết có cấu trúc hình thái CvCVC, từng hiện diện từ thời ngôn ngữ Proto Môn Khmer và/hoặc Proto Việt Mường (tương ứng với tên gọi Proto Vietic 2 hoặc Proto Việt Chứt, tuỳ theo nhà nghiên cứu đề xuất và/hoặc sử dụng) còn sót lại đến ngày nay. Trong cấu trúc của các từ song tiết CvCVC đó, âm tiết đầu Cv thường được gọi là tiền âm tiết, được phát âm lướt nhẹ với nguyên âm dòng giữa [a] hoặc [ə] không mang giá trị âm vị học. Vì thế thành tố này còn được gọi là âm tiết mờ hoặc âm tiết yếu. Âm tiết thứ hai CVC là âm tiết chính, là thành tố bền vững, luôn được nhấn mạnh và được bảo toàn qua các biến đổi lịch sử (như quá trình đơn tiết hoá chẳng hạn). Để chứng minh điều này, chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ một số điểm sau:
2.1. Các từ song tiết CvCVC có thực sự tồn tại hay không?
Câu trả lời ở đây là: có. Điều này thể hiện ở những ngữ liệu có giá trị chứng minh như dưới đây:
2.1.1. Khi so sánh hàng loạt từ cùng gốc giữa tiếng Việt với một số ngôn ngữ bảo thủ cùng có quan hệ cội nguồn như tiếng Rục, tiếng Thavung (xem: Ferlus M., 1979; Nguyễn Phú Phong, 1988; Nguyễn Văn Lợi, 1993; RAS – VNCSSH, 2001), chúng ta có thể thấy hàng loạt từ đơn tiết của Việt tương ứng với hình thái song tiết CvCVC trong các ngôn ngữ đó 3. Chúng chắc chắn là những đơn vị bảo toàn hình thái cổ của nguyên gốc. Ví dụ:
Việt | Rục | Thavung |
gà | rəka | kaa |
chim | ĭcim | ciim |
cá | ăka | kaa |
mối | kǔmul | khamool |
(chó) sói | klɔi | kalɔɔl |
rận | briɲ | hahiŋ |
môi | cǔboj | apəəl |
trốc | kuluok | khalook |
răng | kasăŋ | ksaŋ |
trái (cây) | pə̌li | phaləə |
trầu | plu | paluu |
gãi | kakat | akayh |
say | pri | phalii |
lâu | lo | aloo … |
2.1.2. Nếu so sánh các từ cùng gốc giữa Việt, Rục, Thavung với dạng phục nguyên thời Proto Vietic của chúng (xem: Ferlus M., 1979, Nguyễn Phú Phong, 1988; Nguyễn Văn Lợi, 1993; Nguyễn Tài Cẩn, 1995; RAS – VNCSSH, 2001), chúng ta rất dễ thấy những trường hợp cụ thể như:
Proto Vietic | Tiếng Rục | Thavung | Việt hiện đại |
* aγas | kakat | akayh | gãi |
* ahrɔ | ărɔ | hɔɔ | rùa |
* m(ə)rɔj | mǔroj | ruồi | |
* usǔk | usúk | sɔk | tóc |
* lətaɁ | lata | đá | |
* t(ə)ŋɔc | tə̌ŋɔc | ngọt | |
* kəhak | kǒhak | khaɁaak | khạc |
* k(ə)hal | kuhal | kahaal | khái (hổ) |
* acɔɁ | acɔ | cɔɔ | chó … |
2.1.3. Các nghiên cứu phục nguyên hữu quan đáng tin cậy (xem: G. Diffloth, 1991; H. Shorto, 2006; M. Ferlus, 1979; Nguyễn Tài Cẩn, 1995) cho thấy nhiều từ có cấu trúc hình thái CvCVC tương ứng với từ tiếng Việt ngay nay. Ví dụ:
– Một số tương ứng giữa Proto Môn-Khmer, Proto Vietic và Việt hiện đại. (x. Nguyễn Tài Cẩn, 1995):
Proto Môn Khmer | Proto Vietic | Việt hiện đại |
* səmaɲ | * maɲ | mượn |
* kəcet | * kcet | chết |
* pəɗăm | * ɗăm | năm (5) |
* kəm(uə̰)r | * k(ə)mur | (con) mối … |
– Một số tương ứng giữa Proto Môn-Khmer với Việt hiện đại (x. Nguyễn Tài Cẩn, 1995):
Proto MK | Việt hiện đại | Proto MK | Việt hiện đại |
* lɑtaɁ | đá | * crɨŋ | sừng |
* cətăm | (bên) đăm | * pəɗăm | năm (5) |
* kəlɁe:p | (con) rết | * j(-m-)ha:/iəm | rướm |
* γəm(a/iə)Ɂ | mưa … |
– Một số tương ứng giữa Proto Vietic với Việt hiện đại (x. Nguyễn Tài Cẩn, 1995):
Proto Vietic | Việt hiện đại | Proto Vietic | Việt hiện đại |
* t(ə)ŋc | ngọt | * usŭk | tóc |
* ləta̰Ɂ | đá | * kəcet | giết |
* aγas | gãi | * acɔ̌Ɂ | chó |
* akăɁ | cá | * k(ə)mur | mối |
* kəlo | (ngôi) sao | * s(ə)rǒɁ | (khoai) sọ |
* ahlɔ̌Ɂ | lúa | * ahrɔ | rùa |
* s/c(ə)lu | trâu | * t(ə)ŋə̌s | ngửi |
* k(ə)rə̌ŋ | rừng | * ateɁ | đái … |
2.1.4. Lấy từ đá hiện nay làm ví dụ và kiểm chứng ngược thời gian qua một số nguồn ngữ liệu hiện có được, chúng tôi thấy từ này được ghi trong các văn bản như sau:
Trong Manuel de conversation Franco – Tonkinois (Sách dẫn đàng nói truyện bằng tiếng Phalangsa và tiếng Annam) ấn hành năm 1889 [4]: là đá (tr. 274).
Thiền tông bản hạnh (thế kỉ XVII – XVIII) [10] ghi: la đá (dòng 192).
Thiên Nam ngữ lục (thế kỉ XVII) [9]: la đá (dòng 1895, 5493).
Từ điển Annam – Lusitan – Latin, (Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin) thế kỉ XVII [13]: la đá. Phép giảng tám ngày … (thế kỉ XVII) [7]: lá đá (tr. 242, 243, 279, 280, 280, 280, 289, 292, 293). Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (thế kỉ XIV – XVI) [2]: la/là đá (tr. 83, 83, 183, 230, 238).
An Nam dịch ngữ (thế kỉ XV – XVI) [1]: là đá (mục từ 58, 89, 92, 230, 626, 629).
Quốc âm thi tập (thế kỉ XV) [8]: la đá (Ngôn chí, bài 20; Thuật hứng, b.9; Tự thán, b.17).
Thiền tông khoá hư ngữ lục (Khoá hư lục – thế kỉ XIV) [11]: la đá (tr. 22B).
Vịnh Hoa yên tự phú (thế kỉ XIII – XIV) [14]: la đá (tr. 32B).
Nam dược Quốc ngữ phú (thế kỉ XIII – XIV) [5]: la đá.
Phật thuyết (thế kỉ XII) [6]: la đá (tr. 41B)
Đối chiếu với một vài ngôn ngữ có quan hệ cội nguồn với tiếng Việt ta có:
Rục: lata3 (RAS – VNCSSH [2001])
Sách: tata2
Mã Liềng: tata2
Arem: ate2 (Nguyễn Văn Tài, 1976)
Proto MK: * lɑtaɁ
Proto Vietic * ləta̰Ɂ
Các ngữ liệu này chứng tỏ rằng từ đá trong tiếng Việt ngày nay là từ đơn tiết, nhưng hình thái cổ từng tồn tại thực sự trong quá khứ của nó là hình thái có cấu trúc song tiết CvCVC. Đây là một trong những chứng tích rõ ràng nhất để kiểm chứng sự tồn tại của các từ song tiết kiểu đó.
2.1.5. Kết quả khảo sát văn bản Phật thuyết cho thấy có hàng loạt chữ Nôm trong văn bản này được viết bằng hai thành tố (hai chữ – tự tố Hán) đứng liền nhau, một chữ để ghi tiền âm tiết Cv, một chữ ghi âm tiết chính CVC của từ song tiết CvCVC 4. Ví dụ như 5:
– Trong các từ dưới đây, chữ 阿 (âm đọc Hán Việt là “a”) để ghi tiền âm tiết * [a] của Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: băm, đơ, gầy, giặt gịa, gõ, hét, lò, lụn, lửa, này, ngậm, nhỏ (giọt), như), nối, nuôi, ra, rạng, rông, sánh, trải, trút, vội, vỡ. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 巴, 波 (âm đọc Hán Việt là “ba”) để ghi tiền âm tiết * [pə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: bới, dượt, đắp, để, đứt, nái/nấy, nát, ran, xức. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 破, 坡 (âm đọc Hán Việt là “phá”, “pha”) để ghi tiền âm tiết * [pə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: rắn, sáu, sốt, trật. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 車, 舍 (âm đọc Hán Việt là “xa”, “xá”) để ghi tiền âm tiết * [cə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: mảng / mắng. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 可 (âm đọc Hán Việt là “khả”) để ghi tiền âm tiết * [k‘ə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: nhớ, sắt, xa. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 多 (âm đọc Hán Việt là “đa”) để ghi tiền âm tiết * [tə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: bản, bằng, bên, cưới, ghê, lưng, mắc mớ, mệt, mình, nghe, nghỉ, quên, quyến, vai, về, võng. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ (âm đọc Hán Việt là “la”) để ghi tiền âm tiết * [lə] Proto Vietic, chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: đá, (la) ngàn. Cụ thể là:
– Trong các từ dưới đây, chữ 司 (âm đọc Hán Việt là “tư”) để ghi tiền âm tiết * [sə](Proto Vietic), chữ còn lại để ghi âm tiết chính, nay đã trở thành từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại: vua, vui. (Shimizu, 1998). Cụ thể là:
__________
1. Đây là văn bản Nôm cổ nhất hiện còn đến nay, được đoán định là có niên đại khoảng thế kỉ XII (Nguyễn Quang Hồng, 2008; Nguyễn Tài Cẩn, 2010).
2. Tên gọi Vietic chúng tôi dùng theo Hayes, La Vaughn H. (1992), tương ứng với tên gọi quen thuộc từ trước đến nay là Việt – Mường hoặc gần đây là Việt Chứt (Nguyễn Tài Cẩn, 1995). Chúng tôi giữ nguyên dạng Vietic để phân biệt với Việt – là tiếng Việt.
3. Theo kết quả nghiên cứu điền dã năm 1986 của Viện Hàn lâm khoa học Nga và Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam trình bày trong công trình Tiếng Rục (RAS – VNCSSH, 2001, tr. 10), thì so với các ngôn ngữ cùng tiểu chi Vietic, tiếng Rục còn giữ nhiều gốc từ song tiết hơn cả. Trong ngôn ngữ này có tới 84% từ vựng là từ đơn, 16% là từ phức. Trong số các từ đơn, phần lớn là từ song tiết; còn từ đơn tiết chỉ là thiểu số.
4. Tuy nhiên, nói như vậy là nói về nguyên tắc phổ biến. Không phải chữ Nôm nào gồm hai thành tố (hai tự tố Hán) đứng liền nhau cũng thể hiện cấu trúc CvCVC, mà có khi thể hiện cấu trúc CCVC. Trong văn bản này, có một số trường hợp chỉ một từ nhưng khi thì được ghi bằng hai tự tố đứng liền nhau, khi thì ghi bằng hai tự tố viết liền thành một khối, khi thì lại chỉ ghi bằng một tự tố (x. Nguyễn Quang Hồng, 2008).
5. Danh sách những từ có cấu trúc CvCVC trong Phật thuyết do các nhà nghiên cứu xác định (Nguyễn Quang Hồng, 2008; Hoàng Thị Ngọ, 2002; Nguyễn Ngọc San, 2003; Nguyễn Tài Cẩn, 2010; Shimizu Masaaki, 1998) có thể chênh lệch nhau một chút. Chúng tôi dẫn ra các ngữ liệu dựa trên danh sách của Nguyễn Quang Hồng (2008) là chủ yếu, chỉ để chứng minh cho sự tồn tại thực tế của từ có cấu trúc hình thái CvCVC, chứ không đi vào phân tích những trường hợp khác nhau cụ thể.
Còn tiếp:
Mời xem: Góp thêm ý kiến về NGUYÊN DO HÌNH THÀNH NHỮNG TỪ GỌI LÀ TỪ NGẪU HỢP của TIẾNG VIỆT (Phần 2)