Kết cấu kinh tế, xã hội và VĂN HOÁ LÀNG XÃ ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) ở thế kỉ XIX

Tác giả bài viết: ĐÀM THỊ UYÊN (Đại học Thái Nguyên),
NGUYỄN THANH HUẾ (Trường THPT Lê Hồng Phong)

TÓM TẮT

    Huyện Thạch An nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Cao Bằng, là cửa ngõ giao lưu, tiếp xúc giữa miền xuôi và miền ngược. Với phương pháp lịch sử và phương pháp logic, nghiên cứu này được thực hiện nhằm trình bày kết cấu kinh tế, xã hội và văn hóa của làng xã ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) thế kỉ XIX. Kết quả nghiên cứu cho thấy, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện những chính sách nhằm hạn chế quyền lực của các thổ tù địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, các chúa đất cũng chỉ thực hiện một phần các chủ trương đó tại huyện Thạch An. Quyền quản lý vùng đất này vẫn chủ yếu thuộc về các chúa đất địa phương. Về kinh tế, nông nghiệp giữ vị trí quan trọng trong đời sống của cư dân. Bên cạnh đó, hoạt động thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng được quan tâm phát triển. Thông qua các hoạt động này, các mối giao lưu kinh tế, xã hội được hình thành giúp tăng cường quan hệ giao thương mang tính quốc tế và đoàn kết khối cộng đồng giữa các dân tộc. Đây là cơ sở thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.

Từ khóa: Kinh tế; Xã hội; Văn hóa; Thạch An (Cao Bằng); Thế kỉ XIX.

x
x x

1. Giới thiệu

     Thời phong kiến, địa danh, địa giới của Thạch An có nhiều thay đổi. Huyện Thạch An nguyên là đất châu Thạch Lâm (phủ Cao Bằng). Đời Lý, vùng đất Thạch An thuộc châu Thái Nguyên, cuối đời Hồng Đức gọi là châu Thạch Lâm. Năm 1834, Minh Mệnh đổi châu thành huyện, sau đó trích lấy một phần đất huyện Thạch Lâm lập huyện Thạch An, thuộc phủ Hòa An. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), tổng Kim Pha, huyện Thạch An đổi thành tổng Ngọc Pha. Sau đó năm 1851, Tự Đức bỏ phủ Hòa An, cho huyện Thạch An lệ vào phủ Trùng Khánh, lãnh 7 tổng, 69 xã, thôn [1]. Đến năm 1874, Tự Đức tách một số tổng, xã của 2 huyện Thạch Lâm, Thạch An lập thêm huyện Nguyên Bình. Dưới thời Thành Thái (1893), nhà vua đổi huyện thành châu, tách tổng Phục Hoà, châu Thạch An gộp với tổng Cách Linh, châu Quảng Uyên thành châu Phục Hòa [2, tr. 66]. Tính đến thời điểm kểtrên, châu Thạch An gồm tổng Thượng Pha (7 xã), tổng Ngọc Pha (7 xã), tổng Giang Ngô (5 xã), tổng Suất Tính (8 xã). Tổng cộng 4 tổng có 27 xã. Năm 1887, thực dân Pháp thành lập bộ máy cai trị ở Thạch An, giữ nguyên bộ máy chính quyền thời Nguyễn, do quan đại lý quân sự người Pháp cai trị và thực hiện chế độ quân quản [3, tr. 25]. Như vậy, lịch sử hành chính huyện Thạch An thế kỉ XIX đầy biến động, địa giới của huyện nhiều lần bịchia tách. Địa giới của huyện Thạch An thế kỉ XIX tương ứng với địa giới hành chính huyện Thạch An và một phần huyện Hòa An, huyện Phục Hòa và huyện Nguyên Bình ngày nay.

     Ngày nay, huyện Thạch An nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Cao Bằng, là cửa ngõ giao lưu, tiếp xúc giữa miền xuôi và miền ngược. Vị trí địa lý của huyện tạo điều kiện thuận lợi thu hút cư dân tới sinh sống và lập nghiệp. Miền đất này không chỉ là nơi cư trú của nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Tày -Thái mà còn tiếp nhận thêm người Kinh, người Hoa… từ nơi khác tới sinh sống, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa huyện Thạch An.

     Nghiên cứu về vùng đất Cao Bằng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Tác giả Đàm Thị Uyên đã đưa ra một cái nhìn chung nhất về vùng đất Cao Bằng ở thế kỉ XIX [4]; đồng thời, cũng có những cái nhìn rất cụ thể về các điểm kinh tế- xã hội [5], tín ngưỡng tôn giáo [6], đặc điểm văn hóa hay sự giao thoa văn hóa [7], [8, tr. 203]; cũng như chính sách quản lý vùng Cao Bằng [9]… Ngoài ra, tác giả Nguyễn Thị Hải [10] khi nghiên cứu về châu Thạch Lâm (phủ Cao Bằng) đã khẳng định đây là vùng đất sinh sống lâu đời và liên tục của nhóm cư dân thuộc ngữ hệ Tày –Thái và cũng là nơi tiếp nhận thêm nhiều dòng người khác như Kinh, Hoa, Nùng, Dao… ở Trung Quốc sang. Sự hòa hợp về cư dân đã biến châu Thạch Lâm thành trung tâm giao thoa và tiếp biến văn hóa xuôi ngược điển hình ở khu vực Đông Bắc, từ đó góp phần tạo nên một kết cấu làng xã mang những đặc điểm riêng biệt.

     Các thành tố như: kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và môi trường tự nhiên… đã hợp chỉnh và cấu thành nên làng. Trong các thành tố trên lại hợp chứa nhiều thành tố nhỏ như: gia đình, dòng họ, giáp, lễ hội, hương ước, nông nghiệp, thương nghiệp… và giữa chúng luôn có mối quan hệ [11, tr. 15]. Tác giả Phan Đại Doãn cũng khẳng định rằng, làng xã Việt Nam – một thực thể xã hội – một đối tượng khoa học, từ hàng trăm năm qua đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm [12, tr. 7]. Trên cơ sở tiếp thu và kế thừa các công trình nghiên cứu đi trước, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khôi phục kết cấu kinh tế, xã hội và văn hóa của làng xã ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng), góp phần phục dựng lại bức tranh về làng xã nơi đây ở thế kỉ XIX.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Nghiên cứu sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu. Với phương pháp lịch sử, nghiên cứu này xem xét và trình bày đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa của làng xã ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) ở thế kỉ XIX theo một trình tự liên tục về thời gian, trong mối liên hệ với bối cảnh, các sự kiện ở địa phương và trong cả nước. Với phương pháp logic, kết cấu kinh tế, xã hội và văn hóa của làng xã ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) được xem xét dưới dạng tổng quát, nhằm tìm ra bản chất, khuynh hướng, quy luật vận động trong các mối liên hệ.

3. Nội dung

     3.1. Tổ chức chính trị- xã hội

     Trong lịch sử, để quản lý các địa phương vùng cao, các triều đình phong kiến Việt Nam chủyếu dựa vào đội ngũ thổ tù thế tập và chế độ lưu quan. Do nhu cầu của sản xuất và từ trong quá trình lịch sử phát triển xã hội, các tộc người nơi đây đã xác lập được quyền thống trị của các tù trưởng thủ lĩnh tại bản mường. Họ là người đứng đầu tộc người, có công dẫn dắt đồng tộc giành được những vùng đất mới và mở mang bờ cõi. Do có chức vụ cao nên họ cũng thao túng mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị… của cư dân trong bản. Quyền chi phối ruộng đất và trở thành “chúa đất” ở địa phương phụ thuộc vào quy mô của mường rộng hay hẹp, khu vực khống chế càng rộng thì thế lực của chúa đất càng lớn. Căn cứ vào thế lực địa vị khống chế, “chúa đất” được chia làm 2 loại là “quản chúa” và “quằng mường”. Cai quản một châu là quản chúa hay chúa công. Cai quản một vùng mường tương đương một tổng hoặc một xã cũng được nhà nước phong chức tước gọi là quằng mường. Đối với các triều đình phong kiến, các quằng mường còn là chức sắc của triều đình, hằng năm phải có nghĩa vụ cống nộp. Như vậy, các thổ tù có quyền lực lớn tại địa phương, họ không chỉnắm quyền phân phối ruộng đất mà còn thay triều đình cai quản vùng biên cương xa xôi.

     Theo Đại Nam nhất thống chí, năm Vĩnh Thuận thứ 2 (1677), đời Lê Huy Tôn, quan quân đến đánh, Mạc Vũ Kính chạy sang nước Thanh, bốn châu trong đó có Thạch Lâm (gồm cả Thạch An), Quảng Uyên, Hạ Lang, Thượng Lang, được dẹp yên, mới tách riêng thành trấn Cao Bằng do quan cai trị gồm một phủ (phủ Cao Bằng) và bốn châu đều theo tên cũ, do thổ ty chia nhau cai trị. Cuối năm Hồng Đức đời Lê, lúc này Thạch An vẫn thuộc đất châu Thạch Lâm do “phiên thần họ Bế” được thế tập. Đầu năm Gia Long vẫn như cũ[1]. Có thể thấy vai trò của các thổ ty đầu thời Gia Long vẫn khá vững chắc. Thời gian này, mô hình cai quản vùng đất Thạch Lâm của họ Bế gần giống với mô hình họ Nông ở Bảo Lạc [5]. Đứng đầu một châu là quản chúa (tri châu) nắm quyền tối cao về hành pháp, tư pháp và quân sự. Dưới là Tạm quản giúp việc cho quản chúa về các mặt hành chính nội trị, ngoại giao, truyền lệnh của quản chúa đến các chức dịch khác. Bên cạnh đó còn có các chẩu, một số chẩu được tuyển chọn từ họ hàng thân thích của quằng, số khác là người dân được quằng tin cậy và đều đảm nhận một công việc cụ thể từ sản xuất đến lễ tiết. Tuần tổng được quản chúa giao nhiệm vụ huấn luyện và chỉ huy quân đội. Ngoài ra, còn có quản chiêu, lực lượng vũ trang và mo -then.

     Tuy nhiên, dưới thời Gia Long, những đặc điểm nói trên không hẳn đúng với huyện Thạch An bởi “sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa làm cho thế lực thổ ty ở châu Thạch Lâm dần bị thu hẹp, thiết chế chính trị xã hội truyền thống quằng mường không còn điều kiện tồn tại như ở Bảo Lạc và mô hình quản lý mang tính thống nhất của nhà nước phong kiến dần chiếm ưu thế” [10]. Hơn nữa, Thạch An là một trung tâm văn hóa-chính trị của tỉnh, là nơi đặt thủ phủ của trấn lị Cao Bằng từ rất sớm. Trước hết, phải kể đến thành cổ Phục Hòa do đô hộ Cao Biền xây đắp năm Hàm Thông (860 -873) thời thuộc Đường, trước là sông, sau là núi địa thế rất đẹp, đến nay gạch đá xây sân vẫn còn [13]. Đặc biệt, vào cuối thế kỉ XVI, sau khi thất thủ ở kinh thành Thăng Long, nhà Mạc đã lên Cao Bằng xây dựng chính quyền tự trị, chọn Cao Bình – Hòa An làm kinh đô. Đứng đầu là Mạc Kính Cung xưng hiệu Càn hoàng đế ra sức luyện tập quân cơ, xây cao thành Nà Lữ, xây mới thành Phục Hòa. Tại đây, nhà Mạc thi hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu buôn bán với Trung Quốc… Năm 1677, trước sức mạnh của quan quân nhà Lê, thành nhà Mạc ở Nà Lữ- Cao Bình bị đánh chiếm, Mạc Kính Vũ may mắn chốn thoát chạy về thành Phục Hòa tiếp tục xây thành đắp lũy cho đến khi thất thủ hoàn toàn vào năm 1685. Sau khi nhà Mạc bị thất bại hoàn toàn, chính quyền Lê -Trịnh tiếp tục để các thổ tù thế tập và duy trì quản trị địa phương cho đến đầu thời Nguyễn.

     Dưới triều Nguyễn, ngay từ thời Gia Long, triều đình đã có chính sách can thiệp trực tiếp vào quản lý làng bản vùng miền núi, mà tiêu biểu là lập sổ đinh. Vào nửa đầu thế kỉ XIX, các vua Nguyễn chú trọng đến chính sách lập sổ đinh. Năm 1807, Gia Long xuống chiếu cho xã dân các trấn, phủ, huyện từ chức sắc đến quản dân, cho đến những dân gia cư và ngụ cư hết thảy đều ghi vào sổ đinh [14, tr. 255]. Ngay sau khi lên ngôi (1820), Minh Mệnh tiếp tục thực hiện làm sổ đinh. Thông qua 37 tập địa bạ lập thời điểm Gia Long và 40 tập địa bạ lập thời điểm Minh Mệnh (hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I Hà Nội) đã cho chúng ta thấy việc lập sổ đinh ở Thạch An được tiến hành từ thời Gia Long. Qua sổ đinh, nhà Nguyễn đề ra chính sách thu thuế (thân) và sưu dịch; tuyển chọn lính khá sát sao; đồng thời, thực hiện một số chính sách xã hội nhân đạo. Việc lập sổ đinh đã chứng tỏ triều đình nhà Nguyễn ngày càng tăng cường quản lý các làng xã trong nước với những vùng biên viễn xa xôi, trong đó có huyện Thạch An.

     Bên cạnh đó, triều đình phong kiến Việt Nam còn sử dụng chính sách “nhu viễn”, tức là thông qua hình thức quan hệ hôn nhân hoặc phong chức cho các tù trưởng miền núi. Trong số các thổ tù miền núi được phong chức tước không chỉ có những tù trưởng gốc bản địa, mà còn bao gồm cả quan lại gốc dưới xuôi lên. Họ được cử lên trấn thị miền núi mang chức danh thổ tù địa phương nhưng phải phục tùng chính quyền trung ương về chính trị và hằng năm phải cống nộp vật phẩm về kinh. Năm 1820, Minh Mệnh kế tục sự nghiệp của Gia Long. Ông tăng cường từng bước sự kiểm soát của chính quyền trung ương tới nội bộ các tộc người thiểu số bằng cách xóa bỏ chế độ thổ quan, thực hiện biện pháp: Người Kinh và người Thổ cùng cai trị. Năm 1821, Minh Mệnh đặt các chức cai châu, phó châu và lại mục chuyên quản các châu biên giới. Để thay thế vai trò thổ ty, từ năm 1828, Minh Mệnh bắt đầu thực hiện chế độ lưu quan – cắt cử quan lại người Kinh lên làm việc ở miền núi. Cuộc cải tổ này được tiến hành rất triệt để ở khu vực phía Bắc. Theo đó: Lập lý trưởng thay cho xã trưởng, mỗi xã chỉ có một lý trưởng, nếu số đinh từ 50 đến 149 thì đặt thêm một phó lý, trên 150 đinh thì đặt thêm hai phó lý. Việc đặt lý trưởng và phó lý phải do dân làng bầu ra, được phủ huyện xét kỹ lại và bẩm lên trấn để cấp văn bằng, mộc triện [15, tr. 754]. Năm 1829, Minh Mệnh bãi bỏ chế độ thế tập của các thổ ty miền núi: “Nay cử các châu huyện thuộc các trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa trong thành hạt theo công việc nhiều, ít, số dân đông, thưa, nên đặt thổ tri châu, tri huyện, huyện thừa, lại mục thì nghị đinh ra rõ ràng, không cứ thổ ty, hào mục, cứ trong hạt ai là thanh liêm, tài năng, cần cán, vốn được dân tin phục thì chọn tâu lên không được theo trước xưng là tập quản” [16, tr. 228]. Tuy nhiên, chế độ lưu quan lúc mới thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do các thổ tù không muốn mất đi quyền lợi của mình. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc nổi dậy của các thổ tù miền núi mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân – thổ tù Bảo Lạc, diễn ra từ năm 1833 đến năm 1835 trên toàn tỉnh Cao Bằng và lan ra cả các tỉnh lân cận. Trong những năm 1828-1837, Minh Mệnh đã khéo léo thực thi “huyện châu nào khuyết thổ quan thì chọn một lưu quan bổ sung, còn thì giữ, chỉ đặt thêm một chức lưu quan để cùng hiệp đồng với thổ quan mà làm việc” [17, tr. 131]. Theo sơ đồ các cơ quan hành chính địa phương (từ năm 1802 đến trước năm 1831) [18, tr. 171], dưới huyện – châu là cấp tổng, xã do tổng trưởng và xã trưởng cai quản. Còn sách, động, trại ở miền núi do thổ tù cai quản. Điều đó chứng tỏ những năm đầu thời Minh Mệnh cai quản làng bản và chi phối mọi hoạt động của cư dân Thạch An vẫn là các thổ ty. Cho đến năm 1838, chế độ lưu quan mới được phổ biến thực hiện triệt để. Qua khảo sát 13 địa bạ của Thạch An lập thời Minh Mệnh cho biết chức lý trưởng, dịch mục đã hoàn toàn thay thế xã trưởng, sắc mục và không thấy xuất hiện phó lý. Việc thực hiện các chính sách trên đã đặt lưu quan xen lẫn với thổ quan để ràng buộc, giữ gìn lẫn nhau thu hẹp quyền lực của các thổ tù địa phương và củng cố chính quyền trung ương tập quyền, mà Thạch An là một trong số những địa phương được áp dụng chính sách này.

     Ngoài ra, nhằm củng cố thiết chế chính trị trung ương tập quyền chuyên chế, triều đình nhà Nguyễn đã đổi tên gọi cấp hành chính cho thống nhất như ở miền xuôi “đổi các mường làm huyện hay châu, đổi các động làm huyện hay tổng, đổi các sách làm tổng” [19, tr. 227]. Cơ cấu các đơn vị hành chính ở huyện Thạch An (gồm có 7 tổng) được thể hiện như trong bảng 1. Số liệu tại bảng 1 cho thấy, dưới triều Nguyễn, đơn vị hành chính cuối cùng của Thạch An là cấp xã, chiếm 65,4%. Thời Gia Long, đứng đầu xã vẫn là xã trưởng và do dân địa phương tự bầu. Chiếm số lượng lớn sau xã là trại (18,5%). Các trại, bang là tên gọi làng bản của người Nùng, Dao, Hoa… mà chính quyền trung ương giữ nguyên khi tổ chức hành chính và tính đó là một đơn vị thu thuế giống như xã, thôn [10].

Bảng 1. Các đơn vịhành chính ở huyện Thạch An

STTTổngThônPhốTrạiBangĐộn
1Lãn Sơn 51 2 3 0 0
2Tượng Yên 11 0 0 1 0 0
3Phục Hòa 5 0 1 1 0 0
4Thượng Pha 5 0 0 0 1 0
5Ngọc Pha 12 0 1 1 0 0
6Xuất tính 9 0 2 0 0 3
7Giang Ngô 6 0 1 9 1 0
Tổng cộng 81 (100%) 53(65,4%)1(1,2%)7(8,6%)15(18,5%)2(2,5%)3(3,8%)
(Nguồn: Đồng Khánh địa dư chí) [13]

     Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của một số đơn vị hành chính mang tên phố: phố Lương Mã, phố Mục Mã, phố Bác Khê, phố Bằng Lâu, phố Nậm Nàng, phố Áng Mô, phố Nà Lạn. Phố là đơn vị hành chính được đặt cho những khu dân cư lấy hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa làm nghề sống chính. Có một số phố vừa mang chức năng kinh tế, vừa mang chức năng chính trị như phố Mục Mã, Lương Mã. Còn các phố khác thường gắn với các chợ, trung tâm buôn bán trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự tồn tại của nhiều đơn vị hành chính ở Thạch An thế kỉ XIX cho thấy mặc dù nhà Nguyễn đã cố gắng với tay, nắm lấy các làng bản ở khu vực miền núi, nhưng thực tế không thể thống nhất các đơn vị hành chính để quản lý một cách chặt chẽ như mong muốn. Song, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nhà Nguyễn, từ sau cải cách Minh Mệnh đã thiết lập được bộ máy quản lý tương đối kiện toàn và khá chặt chẽ ở Thạch An từcấp châu đến cấp xã.

     Đến năm 1907, thực dân Pháp tiến hành cải cách bộ máy, đổi huyện thành châu. Châu Thạch An lúc này được chia thành 4 tổng và 23 xã. Người Pháp lên thống trị tiếp tục duy trì quyền lực của các thổ tù địa phương. Như vậy, mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã thi hành nhiều chính sách nhằm hạn chế quyền lực của các thổ tù địa phương nói chung và tại Thạch An nói riêng, song những cố gắng đó đều không thực hiện được vì cho đến đầu thế kỉ XX, chế độ thổ tù vẫn được duy trì tại huyện Thạch An.

     3.2. Kinh tế

  Nền kinh tế Thạch An chủ yếu dựa trên hoạt động nông nghiệp. Yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp đó là ruộng đất. Tình hình ruộng đất huyện Thạch An đã phần nào thể hiện xu thế phát triển chung của ruộng đất trên cả nước. Đầu thế kỉ XIX, sở hữu tư nhân huyện Thạch An đã chiếm ưu thế. Điều đó được chứng minh qua 26 tập địa bạ của tổng Phục Hòa, tổng Kim Pha, huyện Thạch An được lập ở hai thời điểm Gia Long 4 và Minh Mệnh 21[20, tr. 344]. Đặc điểm nổi bật trong phân bố ruộng đất của Thạch An qua hai thời điểm là từ chỗ chỉ có 1.3.7.9 ruộng công (1805), đến năm 1840 tăng lên 37.4.4.6. Nguyên nhân là do chính sách củng cố ruộng công của Minh Mệnh đã áp dụng tại huyện Thạch An và đạt được kết quả nhất định. Song, diện tích tư điền ở hai thời kì vẫn chiếm tỉ lệ cao, cao hơn so với tỷ lệ ruộng tư trên cả nước lúc đó là 82%[17, tr. 131]. Sở dĩ như vậylà do huyện Thạch An là vùng xa xôi, triều đình không quản lý được một cách sát sao, dẫn đến tình trạng ẩn lậu ruộng đất, “biến công vi tư”. Hoặc cũng có thể ruộng đất hoang được cư dân khai khẩn lâu dần trở thành đất của gia đình…

     Ruộng ở Thạch An có thể chia làm hai loại là ruộng nước và ruộng chờ mưa.

     Với ruộng chờ mưa (nà lèng), tư liệu địa bạcho biết chủ yếu là ruộng loại 2, loại 3, tập trung từ 3 mẫu đến 5 mẫu/chủ. Hơn nữa, địa thế của huyện cũng không có nhiều thuận tiện. Ruộng đất ở Thạch An phần nhiều là chân ruộng cao khô, thích hợp với lúa thu, không thích hợp với lúa hè. Do đó, để đem lại hiệu quả trong sản xuất phải chú trọng công tác thủy lợi và lợi dụng vai trò của hệ thống sông, suối, nhất là những vùng đất thấp, thung lũng, gần sông suối dễ canh tác.

     Với “nà nặm”, loại ruộng sẵn nguồn nước tại chỗ: Qua thống kê tên làng bản của huyện Thạch An thời Nguyễn cho thấy, các bản có địa danh mang tiền tố “Nà” hay “Na” chiếm tỉ lệ cao nhất là 29,22%, “Lũng” chiếm 11,52%[21]. Điều đó cho thấy địa vực cư trú của bản làng gồm những vùng đất thấp ven sông, ven suối, trong các thung lũng. Đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Năm 1835, Minh Mệnh tách hơn 7280 mẫu ruộng đất đặt làm huyện Thạch An [22, tr. 642]. Sau này trong Đồng Khánh dư địa chí [13] có nhắc tới các hạng ruộng đất của Thạch An theo số gốc là 6871 mẫu 2 sào 4 tấc 5 phân. Quỹ đất trên đã tạo điều kiện cho hơn 2020 cư dân trong huyện lúc ấy đủ sinh sống. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, cư dân huyện Thạch An đã chú trọng tới thời vụ cũng như vốn kinh nghiệm trong sản xuất. Bởi thời vụ có ý nghĩa rất quan trọng liên quan tới năng suất cây trồng, gieo cấy muộn không những giảm thu hoạch có khi còn mất trắng. Theo Đại Nam nhất thống chí ở Cao Bằng: Ruộng đất khô cằn, chỉ cấy được vụ mùa, không có vụ chiêm. Tháng 4 cấy, tháng 8, tháng 9 thu hoạch, nếu cấy hơi muộn đến cuối mùa thu khí hậu giá lạnh, lúa không trổ bông được mà bị chết khô. Tại huyện Thạch An nông vụ tương tự: tháng 5, 6 xuống cấy, tháng 9, 10 thu hoạch [13].

     Ngoài trồng lúa, cư dân trong huyện còn trồng ngô, khoai, sắn, củ mài và một sốloại cây hoa màu khác như cây lấy củ, cây lấy hạt, bầu bí… Được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật phong phú như: gỗ hoa, trúc đặc ruột, xạ hương, chim lư lư… nên cư dân đã tận dụng nguồn lợi sẵn có trong tự nhiên, thu nhặt khai thác lâm, thổ sản và tổ chức săn bắn. Đây cũng là một trong những nguồn thu nhập quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

     Bên cạnh hoạt động nông nghiệp, cư dân huyện Thạch An còn biết trồng bông, dệt vải làm quần áo, nhuộm chàm, nuôi tằm kéo sợi. Mỗi năm vào tháng giêng âm lịch,cư dân lại hái dâu nuôi tằm, đến cuối năm thì được thu hoạch. Người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm từ khâu trồng bông –thu hái bông –bật bông –kéo sợi –dệt vải –nhuộm chàm –cắt khâu cho đến nuôi trồng thành sản phẩm. Ngoài phục vụ cho hoạt động sinh hoạt, người nuôi tằm còn phải góp cùng với các huyện khác trong tỉnh cho đủ 40 –50 cân để nộp lên bộ. Trong huyện có tổng Suất Tính nổi tiếng với nghề làm chiếu trúc [13]. Chiếu được đan bằng cây tre, nứa theo tiếng địa phương gọi là “mạy tháng”, “mạy tì”. Nghề trồng mía làm đường phên, nấu mật, làm bánh kẹo phục vụ ngày lễ, tết đã được cư dân duy trì cho đến tận ngày nay. Đối với triều đình, việc khai thác mỏ góp phần làm đầy ngân sách quốc gia, mà Thạch An lại là nơi tập trung nhiều mỏ khoáng sản như mỏ sắt Đông Nam, mỏ vàng Tĩnh Đà, Phú Nội, Vĩnh Giang. Các mỏ này đều do sức dân sở tại canh phòng nghiêm ngặt, mỗi năm khám một lần. Sách Đại Nam nhất thống chí còn cho biết ở Thượng Pha, Hạ Pha, Tĩnh Đà mỗi năm phải nộp một khoản thuế 3 – 4 lạng, riêng mỏ Phú Nội thì hằng năm do tỉnh phái binh phu đến lấy vàng cốm đem nộp. Triều đình không chỉ quy định mức thuế còn định mức sản lượng các mỏ mỗi năm phải đóng như: Các hộ làm sắt ở Cao Bằng mỗi người nộp sắt sống 50 cân, ở mỏ Đông Nam nộp 110 cân sắt sống[23, tr. 223]. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động thủ công nghiệp không phát triển chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, mang tính tự cung, tự cấp. Cư dân vẫn chủ yếu tập trung cho sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủ công nghiệp chỉ được coi là nghề phụ và được tiến hành trong lúc nông nhàn.

     Việc trao đổi hàng hóa và chợ- nơi cư dân trao đổi hàng hóa đã được thiết lập từ lâu ở Cao Bằng. Các chợlà nơi trao đổi hàng hóa của cư dân trong huyện, trong tỉnh… vàgiao lưu buôn bán với bên kia biên giới (Trung Quốc). Song, sự phát triển của các chợ ở mức độ khác nhau. Những nơi tập trung đông dân cư, miền giáp biên giới Việt –Trung, giao thông đi lại thuận tiện, việc trao đổi hàng hóa và chợ búa phát triển hơn vùng hẻo lánh, ít dân cư. Tới phiên chợ, đồng bào mang nông sản, sản phẩm thủ công, lâm thổ sản… ra chợ bán để đổi lấy những mặt hàng cần thiết cho sản xuất và đời sống của gia đình mình. Có một sự kiện đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị, xã hội của mảnh đất nơi đây là việc triều đình nhà Mạc chiếm cứ vùng đất Cao Bằng từ 1594 đến năm 1677. Nhà Mạc khuyến khích phát triển nông – thủ công nghiệp, nhờ đó nhiều ngành nghề thủ công phát triển: làm giấy, làm pháo, nghề rèn, canh cửi… Bên cạnh đó, nhà Mạc còn mở mang giao thông (mở đường vòng quanh thành Cao Bình xuống vùng Đà Quận, men theo bờ sông Mãng) và đường từ Cao Bằng xuống ba châu miền đông Cao Bằng, ngựa xe đi lại thuận tiện. Giao lưu kinh tế dọc biên giới trở lên sầm uất, các lái buôn trong và ngoài nước có thể tới huyện để buôn bán hàng hóa. Tại Thạch An, từ năm 1677, nhà Mạc thất thủ ở Cao Bình (Hòa An) chạy về Phục Hòa thì chợ Phục Hòa đã trở thành chợ tỉnh, có tên gọi là Háng Séng, trùng với tên chợ ở Cao Bình. Chợ họp vào mồng 3, mồng 8 hằng năm và thu hút được nhiều thương nhân đến buôn bán. Giao thông mở rộng, buôn bán ngược xuôi được tăng cường tạo điều kiện cho giao thoa văn hóa giữa các dân tộc miền xuôi, miền ngược ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển biến tộc người ở Cao Bằng trong các giai đoạn lịch sử sau đó.

     Vào thế kỉ XIX, tại Thạch An có thể kể đến các chợ như: chợ Mục Mã, chợ Lương Mã, chợ Nậm Nàng. Ở phố Mục Mã, nhà cửa đông đúc, khách đi đường nghỉ lại rất tiện, phía nam phố này có chợ Mục Mã, “chợ bán đủ các loại hàng hóa” [24]. Nhiều mặt hàng của nước Thanh, trong đó có ngựa được đem sang bán ở nước ta hay để ở đây. Hoạt động buôn bán không chỉ bằng đường bộ mà còn bằng đường thủy. Thương nhân có thể theo dòng Bằng Giang xuôi xuống cửa Thủy Khẩu, Long Châu (Trung Quốc) hoặc ngược dòng Bằng Giang để buôn bán. Hoàng Việt thống nhất dư địa chí [24] cho biết,thông qua đường thủy, thuyền buôn của người Hoa đi theo sông Bắc Nậm để vào phố Lương Mã buôn bán. Hai bên phố đều là nhà cửa người Hoa, rất trù mật, chợ toàn mặt hàng Trung Quốc, cứ vài ngày mới có một phiên, người Kinh, Thổ, Hoa, Nùng tụ tập buôn bán rất đông đúc. Đến chợ Nậm Nàng, hai bên chợlà nhà cửa người Hoa, cứ 5 ngày mở một phiên. Về hàng hóa, người dân mang bán các sản phẩm nông nghiệp như gạo, trâu, bò, ngựa, gà, vịt, các sản phẩm thủ công… và mua về những đồ dùng thiết yếu như đồ phục vụ cúng tế, lễ hội,…

     Hoạt động buôn bán không chỉ bó hẹp trong nước mà đã mang tính quốc tế.Tỉnh Cao Bằng có đường biên giới dài 322 km, dài nhất trong 6 tỉnh biên giới phía bắc. Thế kỉ XIX, huyện Thạch An giáp với các châu Hạ Đống, Long Châu nước Thanh. Đường biên giới giữa Thạch An và Long Châu (Quảng Tây) vừa có núi đá dựng đứng, vừa có sông suối, vừa có đất liền, có đường mòn qua lại. Một đường mòn từ Cao Phúc đi về phía đông nam, qua phố Thơm Ban đến trại Nà Lạn giáp giới châu Hạ Đống nước Thanh. Nhờ đó, từ xa xưa việc trao đổi qua biên giới Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) cũng rất thịnh đạt. Với vị trí địa lý giáp địa giới Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa cư dân Thạch An với thương nhân Trung Quốc. Năm 1844, nhà Nguyễn định lại thuế cửa quan, bến đò. Theo đó, huyện Thạch An có 2 sở, lệ thuế bằng bạc. Cụ thể như sau: Cửa Lương Mã: năm Minh Mệnh thứ19: bạc thuế 810 lạng, năm thứ 20: 1109 lạng, năm thứ 21: 1002 lạng; năm Thiệu Trị thứ nhất: 1100 lạng, năm thứ hai: 1185 lạng, năm thứ 3: 1250 lạng. Cửa Nà Lạn: năm Thiệu Trị thứ nhất, bạc thuế 100 lạng, năm thứ 2: 260 lạng, năm thứ 3: 355 lạng, năm thứ 4:250 lạng [25, tr. 696]. Các lái buôn người Thanh và người Kinh thường mang nhiều hàng hóa, đồ dùng đến bán và mua đi hương liệu, bạc. Người Thanh mang nhiều hàng hóa đến bán và thu mua bạc thổ ngân, làm cho giá bạc của Cao Bằng tăng vọt. Theo như lời tâu của Bố chính Trần Huy Phác đến năm 1836, Minh Mệnh ra lệnh đặt “Giao tử vụ” (cơ quan hối đoái, gửi tiền và chuyển tiền) ở Cao Bằng. Việc ra đời Giao tử vụ ở Cao Bằng cho phép thương nhân có thể huy động một số tiền lớn mà không phải vận chuyển vất vả lại không an toàn như trước, góp phần thúc đẩy kinh tế thương nghiệp phát triển. Hệ thống phố, chợ và các trạm thu thuế xuất hiện là cơ sở quan trọng để khẳng định hoạt động giao thương trong và ngoài huyện có sự phát triển.

     Như vậy, kinh tế huyện Thạch An chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp truyền thống, mang tính tự cung tự cấp, phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Ngoài làm nông nghiệp, cư dân huyện còn sinh sống bằng một số nghề thủ công truyền thống và khai thác nguồn lợi tự nhiên. Nhìn chung, kinh tế huyện Thạch An ở thế kỉ XIX vẫn còn lạc hậu. Đặc biệt, cuối thời gian này khi triều đình phong kiến ngày càng suy yếu, bọn thổ phỉ phương Bắc tăng cường quấy phá, cộng thêm sự xâm lược của chủ nghĩa thực dânđã làm cho nền kinh tế huyện Thạch An gặp nhiều khó khăn.

     3.3.Văn hóa

     Sự giao lưu văn hóa là một hiện tượng mang tính phổ biến trong các dân tộc, song trên mảnh đất Cao Bằng sự giao lưu diễn ra không phải lẻ tẻ, rời rạc mà là một sự tiếp thu bồi đắp lâu dài, tạo nên sự chuyển biến cơ bản trong việc hình thành và phát triển một truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc. Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao… sống xen kẽ thành từng bản làng, từng dòng họvà từng gia đình. Đặc điểm này tạo nên sự đồng tâm nhất trí, giúp các dân tộc gắn bó với nhau và kết thành một khối bằng những mối dây liên hệ hữu cơ từ ngàn xưa. Là huyện thuộc vùng đất có điểm đặc biệt –Thạch An là nơi tập trung lượng người Việt (Kinh) ở dưới xuôi lên cư trú và đã Tày hóa (tàn quân nhà Mạc, quan quân nhà Lê lên dẹp loạn, Tày lưu quan…). Do vậy, ở đây chắc chắn có sự giao lưu văn hóa nhiều hơn giữa văn hóa Tày và Việt. Sự giao thoa này không chỉ thể hiện ở văn hóa dân gian mà còn ở văn học như sự xuất hiện của chữ Nôm Tày –Nùng (dưới vương triều nhà Mạc), xuất hiện sau chữ Nôm Việt.

     Từ xưa đến nay, sợi dây liên kết bền vững nhất trong tổ chức cộng đồng làng xã, giúp đẩy mạnh quá trình hòa hợp dân tộc là dòng họ. Qua nghiên cứu 26 địa bạ ở Thạch An cho thấy, thời Gia Long có 27 nhóm họ, thời Minh Mệnh có 25 nhóm họ. Các nhóm họ Đinh, Nông, Bế, Nguyễn lớn nhất cả về số chủ và diện tích sở hữu. Trong đó, nhóm họ Đinh là nhóm họ lớn hơn cả, chiếm hơn 30% về số chủ và diện tích sở hữu. Qua đó cho thấy, nhiều bộ phận người Việt sống lâu đời ở miền núi đã hòa vào khối Tày mang theo nhiều yếu tố văn hóa Việt. Chính sự hòa hợp giữu các yếu tố văn hóa dân tộc vốn có và những yếu tố văn hóa Việt ngày càng ăn sâu vào đời sống của người Tày.

     Về phong tục, người Thổ, người Nùng ở lẫn với nhau, tính tình chất phác, thích việc nghĩa, không quên ơn đức. Trong huyện có nhiều người thổ (Tày), ít người Nùng, người Mán. Hai tổng Lãn Sơn, Tượng Yên gần thành tỉnh, người Thổ (Tày) khá quen phong tục của người Hoa, trong đó có những nơi có học như các xã phố: Lương Mã, Mục Mã, Cam Mỹ, Gia Cung (thuộc tổng Lãn Sơn), Tượng Cần, Xuân Phách, Hà Hoàng, Tân Trại (thuộc tổng Tượng Yên), các tổng Suất Tính, Ngọc Pha thì quê mùa mà xã Ngọc Pha thì lại có học. Các tổng Giang Ngô, Phục Hòa, Thượng Pha vô lễ mà ham tranh giành, xã Tiên Giao thì rất thích kiện tụng [13]. Tập tục tin mo then cúng bái khá phổ biến trong cộng đồng dân cư. Hầu hết, các hoạt động trong làng, xã đều có mặt thầy tào, thầy mo hay bà then. Ngoài cúng bái họcòn chữa bệnh, truyền bá văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo. Tuy không có vai trò gì trong bộ máy thống trị nhưng họ vẫn được cư dân trong vùng kính trọng.

     Người bản xứ thường quan niệm rằng người quá cố vẫn có linh hồn, do đó nhà nào cũng đặt bàn thờ. Bàn thờ thường được đặt ở gian chính giữa của ngôi nhà. Trên bàn thờ đặt từ 4 đến 5 bát hương. Thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng thành tâm của con cháu biết ơn công lao đối với tổ tiên mình. Ngoài thờ tổ tiên, nhân dân còn có phong tục thờ cúng ông “Thổ công”, thường gọi là “Thổ thì”. Họ quan niệm ông Thổ công là quan cai quản đất đai, người trong làng, các loại gia súc, gia cầm và canh giữ không cho thú dữ vào làng phá hoại. Nơi thờ cúng “thổ công” thường là gốc cây đầu làng vì truyền rằng: Ngày xưa, ông thổ công chọn ngày làm nhà kỹ quá, đến ngày 30 Tết mà chưa chọn được, đành vào gốc cây ở, từ đó ông thổ công ở dưới gốc cây [26, tr. 695]. Người duy trì việc thờ cúng là già làng hay trưởng họ đầu tiên lập và thờ thổ công. Ngày mùng 1 và 15 hằng tháng thắp hương, ngày Tết phải cúng thủ lợn hay gà trống, rượu, đốt vàng mã cầu khấn phù hộ cho làng bản thật vững chắc. Mỗi khi làng có việc đều phải cúng, nhà nào mổ lợn cũng phải mang cái thủ đi cúng.

     Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, Thạch An là nơi tập trung nhiều sông, suối, tiêu biểu như sông Hiến ở phía Đông Nam huyện Thạch An 30 dặm, sông Mãng ở phía Bắc huyện, sông Cổn ở phía Tây huyện Thạch An 15 dặm. Người dân ít tin Diêm Vương mà tin có Thủy thần. Núi cao, nước xiết, đá vôi nhiều hang động,có nơi nước chảy xoáy xuống vực sâu, có chỗ nước phun trào cuộn cuộn từ vách đá. Đàn bà, con trẻ lội qua suối trơn dễ ngã, bị nước cuốn phăng. Nhiều khi không mưa, mỏ nước tự dưng tuôn đục ngầu. Tiếng nước va vào đá văng vẳng như thấy tiếng chiêng, tiếng trống, gây cho người ta một cảm giác có một thế giới trong hang đất, thuồng luồng đang mở hội. Không biết đã có bao nhiêu chuyện về thủy cung, chuyện thuồng luồng làm mẹ, nhận họ, nhận hàng. Những khúc suối thường có người chết đuối, những mỏ nước mát lạnh, mùa hè đến đó dễ bị cảm, nên người ta đã lập đền thờ mong trừ nạn. Có lẽ vì thế tín ngưỡng thờ Thủy Thần trở nên khá phổ biến. Những vực nước sâu, nước quẩn trên sông Mãng, sông Bằng… thường có người đến thắp hương. Khi đi qua sông lớn người dân lấy đồ ăn thả xuống sông như một lễ vật dâng lên Thủy thần để cầu mong bình an.

     Cũng như người Kinh, bà con các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đều có ý thức tôn thờ các vị phúc thần. Họ tôn các vịanh hùng dân tộc Việt Nam, hoặc những người có công với các trấn, các phủ huyện, bản mường ở Cao Bằng làm thành hoàng và phúc thần của họ. Các chợ lớn nhỏ có người Hoa cư trú đều có miếu Quan Công, thờ riêng Quan Công hiển thánh, hoặc thờ đào viên kết nghĩa (Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi). Để tỏ lòng biết ơn những người có công với bản làng, với đất nước người dân huyện Thạch An đã lập đền, miếu. Có thể kể đến đền Xuân Lĩnh (xã Xuân Lĩnh) thờ Trần Quyết, người xã Cẩm Dã có công giết giặc Mạc; đền Quán Triều (xã Xuân Lĩnh) thờ Dương Tự Minh; đền Thanh Trung (xã Kim Giáp) thờ Nguyễn Đình Bá, người đỗ tiến sĩ triều Lê, từng làm đốc trấn tỉnh Cao Bằng; đền Tam Trung (xã Gia Cung) lập thời Minh Mệnh thờ Bố chính sứ Bùi Tăng Huy, Án sát sứ Nguyễn Đình Lễ và lãnh binh Nguyễn Văn Đối. Ngoài ra, còn có các đền Xã Tắc, Tiên Nông ở phía Đông tỉnh thành và đền Sơn Xuyên ở phía Tây tỉnh thành. Việc thờ thần có các miếu Quan Đế ở Mục Mã thờ Quan Vân Trường – Một vị tướng thời Tam Quốc, miếu Hội Đồng, miếu Thành Hoàng ở phía Tây tỉnh thành… Chùa là nơi thờ phật, gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng của người Kinh ở miền xuôi. Sự xuất hiện những ngôi chùa ở Thạch An chính là sản phẩm của quá trình giao thoa xuôi ngược, chứng minh sự có mặt của người Kinh ở vùng này. Sự xuất hiện của đền, chùa ở huyện Thạch An tuy không tập trung nhiều như ở dưới xuôi nhưng nó đã chứng minh mặt đời sống tinh thần khá phong phú của cư dân huyện Thạch An. Một nét đặc sắc trong văn hóa cộng đồng củanhân dân huyện Thạch An là lễ hội. Đây chính là biểu hiện sớm của sự cộng cảm văn hóa giữa các dân tộc. Trong các lễ hội của nhân dân Thạch An thì lễ hội “Nàng Hai” là ngày lễ hội cầu mùa được chuẩn bị rất chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Lễ hội được tổ chức phổ biến ở một số vùng thuộc huyện Quảng Uyên, Phục Hòa, nhiều nhất ở huyện Thạch An. Tương truyền xã Tiên Thành (xưa gọi là xã Tiên Giao) là nơi phát sinh ra lễ hội Nàng Hai. Lễ hội này được bắt nguồn từ chính sinh hoạt hằng ngày trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với khát vọng một năm mưa thuận, gió hoà của người dân lao động. Vào thế kỉ XVI-XVII, một viên tướng của triều đình Lê- Trịnh tên là Đinh Văn Tả được triều đình cử lên đánh dẹp tàn quân nhà Mạc ở Cao Bằng. Tại đây, tướng Đinh Văn Tả đã quen biết một công nương nhà Mạc hát hay, đối đáp giỏi và tạo ra những bài hát lượn Slương, lượn nàng Hai với giai điệu thiết tha. Điều này đã góp phần làm phong phú thêm các hình thức tổ chức của lễ hội Nàng Hai. Lễ hội gồm ba phần: Lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Mỗi phần nghi lễ sẽ có những lễ vật khác nhau. Lễ hội kéo dài nhiều đêm xướng hát, có những khúc hát được soạn từ xưa, nội dung đi cầu xin các mẹ Hai trên mường diệt trừ sâu bọ, có giống mạ tốt, mưa thuận gió hòa, nhân dân khỏe mạnh. Là một vùng đất hầu hết nhân dân sống bằng nghề nông nên lễ hội lồng tồng (xuống đồng) ở Thạch An cũng rất được coi trọng. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, nhất là ba ngày 13, 14, 15 tháng giêng, mục đích tế thần nông, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội có hai phần chính: phần tế lễ và phần hội. Tại một số nơi phần hội được tổ chức trước, ngày đầu tiên có hội đánh cờ người, với các quân cờ là nam, nữ thanh niên ăn mặc đẹp, đặc biệt là chỉ có tướng bà, không có tướng ông; ngày thứ hai là ngày chuẩn bị tế lễ; ngày cuối cùng là ngày lễ tế. Ngoài các lễ hội trên, còn có lễ hội Pò Đình (xã Thượng Pha) tổ chức vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, hội đình Lũng Dượi, hội Nà Lại… thu hút nhiều thanh niên nam, nữ tham gia gặp gỡ giao duyên. Ngày lễ hội cũng là dịp nhân dân địa phương trao đổi kinh nghiệm sản xuất và lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

4. Kết luận

     Như vậy, vào thế kỉ XIX, Thạch An là một huyện vùng cao biên giới, cửa ngõ phía nam của tỉnh Cao Bằng, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng –an ninh. Để tăng cường sự quản lý, giám sát chặt chẽ của nhà nước trung ương đối với các địa phương vùng biên cương nói chung và huyện Thạch An nói riêng, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện những chính sách nhằm hạn chế quyền lực của các thổ tù địa phương. Đặc biệt, đến thời Minh Mệnh cuộc cải cách hành chính và chính quyền được tiến hành trên cả nước. Thực tế, nắm quyền quản lý vùng đất này vẫn là các “chúa đất” địa phương. Ngoài ra, triều đình nhà Nguyễn chú trọng đến đẩy mạnh hoạt động khai thác mỏ, mở rộng thông thương đường bộ với nhà Thanh. Cư dân trong huyện chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng trọt và hái lượm có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhân dân cũng tiến hành một số hoạt động thủ công nghiệp, thương nghiệp để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Thông qua các hoạt động này, hình thành các mối giao lưu kinh tế, xã hội giúp tăng cường quan hệ giao thương mang tính quốc tế và đoàn kết khối cộng đồng giữa các dân tộc. Đây cũng là cơ sở thuận lợi cho sự giao lưu văn hóa xuôi ngược.

TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES

     [1] National History of the Nguyen Dynasty, Dai Nam nhat thong chi, vol.4, Thuan Hoa Publishing House, 2006.

     [2] H. Be, Cao Bang tap chinhat tap, vol. 5, Cao Bang provincial library document, 1921.

     [3] Thach An District Party Committee, History of Thach An District Party Committee (1930 -2000), 2005.

     [4] T. U. Dam, “Cao Bang -the first half of the 19th century,” Ethnic and Era Magazine,vol. 90, no. 5, pp. 5-8, 2006.

     [5] T. U. Dam, Quang Hoa district (Cao Bang province) from its founding to the first half of the 19th century, National Political Publishing House, 2010, pp. 175-176.

     [6] T. U. Damand T. L. A. Ngo, “Religion and belief of the Dao peoplein Cao Bang, Vietnam, ”Journal of Religious Studies, vol.2, no. 128, pp. 108-115, 2014.

     [7] T. U. Damand T. L. A. Ngo, “A brief overview of Tay-Viet cultural interference in Quang Hoa, Cao Bang province,” Proceedings of the Conference Science and Cultural Identity Education for Students, Thai Nguyen University ofEducation, 2001.

     [8] T. U. Dam, Nung ethnic culture in Cao Bang, Culture and Information Publishing House, 2010.

     [9] T. U. Dam, “Management policy of Cao Bang region in the feudal period(from the 11th to the 19th century),”Ethnic Magazine,vol. 140, no. 2, pp. 3-7, 2006.

     [10] T. H. Nguyen, “A little about Chau Thach Lam, Cao Bang province in the 19th century,” Historical Research Journal,vol. 4, no. 408, pp. 45-58, 2010.

     [11] D. H. Do, “Vietnamese village –The object of research in the area of study,” Science Journal –Hanoi National University,vol. 26, pp. 15-23, 2010.

     [12] D. D. Phan, “Issues about Vietnamese villages (theory and practice), ”Historical Research Journal, no. 1+2, pp. 7-15, 1987.[13] D. T. Ngo, Dong Khanh dia du chi, World Publishing House, 2003.

     [14] Nguyen Dynasty’s Cabinet, Kham dinh Dai Nam hoi dien sule, vol. 3, Thuan Hoa Publishing House,1993.

     [15] National History of the Nguyen Dynasty, Dai Nam thuc luc, vol.2, History Publishing House, Hanoi, 1963.

     [16] Nguyen Dynasty’s Cabinet, Kham dinh Dai Nam hoi dien sule, vol. 2, Thuan Hoa Publishing House, 1993.

     [17] C. M. Nguyen, Vietnamese History Textbook, vol.3, University of Education Publishing House, 2010.

     [18] T. Y. Truong, Vietnamese History, vol. 5, Social Sciences Publishing House, Hanoi, 2013.

     [19] Nguyen Dynasty’s Cabinet, Kham dinh Dai Nam hoi dien sule, vol. 4, Thuan Hoa Publishing House, 1993.

     [20] National Archives Center I, Studying cadastral registers of Tong Kim Pha, Phuc Hoa, Thach An district (Cao Bang province),Gia Long 4 and Minh Menh Dynasty 21, Hanoi.

     [21] T. T. Duong and T. T. Pham, Names of Vietnamese villages in the early 19th century. Social Science Publishing House,1981.

     [22] National History of the Nguyen Dynasty, Dai Nam thuc luc, vol.4, History Publishing House, Hanoi, 1963.

     [23] National History of the Nguyen Dynasty, Dai Nam thuc luc, vol.3, History Publishing House, Hanoi, 1963.

     [24] Q. D. Le, Hoang Viet thong nhat dudia chi.Thuan Hoa Publishing House, 2005, pp.500 -502.

     [25] National History of the Nguyen Dynasty, Dai Nam thuc luc, vol.6, History Publishing House, Hanoi, 1963.

     [26] Provincial Party Committee -People’s Committee of Cao Bang Province, Geography of communes in Cao Bang province (2009), vol.1, National Political Publishing House, Hanoi, 2009.

Nguồn: TNU Journal of Science and Technology; 228 (11): 192-201

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Kết cấu kinh tế, xã hội và văn hóa làng xã ở huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) ở thế kỉ XIX (Tác giả: Đàm Thị Uyên, Nguyễn Thanh Huế)