Lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo

Tác giả bài viết: ĐÌNH HY
Thư mục chuyên đề Văn hóa Chăm

     Hằng năm, cứ đến cuối tháng 8, suốt tháng 9 (tháng Ramadan, tính theo lịch Hồi giáo, trong bài viết này thể hiện ngày tháng theo lịch Hồi giáo), người Chăm Hồi giáo tổ chức lễ hội Ramưwan. Theo các sử liệu, Hồi giáo du nhập vào người Chăm sau thế kỷ X. Quá trình đó lại gặp tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu (Pô Inư Nưgar) và Bàlamôn giáo trước đó, nên đã có những biến đổi về lễ nghi cúng kính so với các vùng Hồi giáo khác ở Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông… và Hồi giáo được người Chăm gọi là đạo Bàni (cũ), còn nguyên mẫu gọi là đạo Islam (mới). Tìm hiểu sâu lễ này thì đây là tháng nhịn ăn, chay niệm của các tu sĩ Hồi giáo và là dịp để tín đồ người Chăm Hồi giáo cúng gia tiên để tưởng nhớ người thân đã mất, đồng thời tổ chức ca múa nhạc dân gian vui hội ở tất cả các làng Chăm Hồi giáo.

     Theo thống kê hiện nay, làng Chăm Hồi giáo, tại tỉnh Ninh Thuận có 08 làng. Tại tỉnh Bình Thuận có 07 làng. Ngoài ra còn ở vùng Châu Đốc, Châu Giang (tỉnh An Giang) và tại quận Phú Nhuận thành phố Hồ Chí Minh.

     Nhìn chung ở các làng Chăm, lễ hội Ramưwan diễn ra trình tự như sau:

     1. Tảo mộ: vào những ngày cuối cùng của tháng 8, tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật, trẻ em xách nước đi đến các nghĩa địa (ghurrăk) để tảo mộ và cúng. Những tu sĩ Hồi giáo chủ lễ, cầu kinh Coran bằng tiếng Ả Rập, vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ). Mỗi dòng họ có một nghĩa địa riêng, tất cả thành viên trong dòng họ đều kính cẩn cúng bái, cầu khấn mời tổ tiên về hưởng mùa Ramưwan với con cháu. Kết thúc phần cúng, ở mỗi ngôi mộ đều để dưới đá bia một miếng trầu. Người Chăm Hồi giáo có tập quán khi chết, chôn đầu quay về hướng Bắc, nghiêng mặt về hướng Tây. Trên ngôi mộ có 2 viên đá. Lễ tảo mộ và cúng kính được xem như là sự hành hương của người Chăm về với tổ tiên, ông bà.

     2. Cúng gia tiên: sau phần tảo mộ và cúng mời, họ về nhà, gia chủ chuẩn bị một chỗ trang trọng trên giường hoặc phảng, trải chiếu mới bày trầu cau, trà, hoa quả (chỗ này chính là nơi tổ tiên về ngự). Khi lễ vật và người phục vụ đã chuẩn bị xong, vị chủ lễ là thầy Achar (1 chức sắc Hồi giáo), hoặc người thông hiểu, thuộc Kinh thánh làm lễ tẩy trần. Mọi người chỉnh tể trang phục. Vị chủ lễ khấn nguyện và vẽ bùa, toàn gia đình bắt đầu cúng. Lễ vật cúng thường có 2 loại được chưng lên các mâm có chân cao đó là: mâm lễ ngọt gồm: bánh trái, chè và mâm lễ mặn có cơm, canh, cá, thịt dê, gà, và trầu cau, trầm hương (tín đồ Hồi giáo kiêng ăn thịt con heo, con dông, kiêng uống rượu).

     Tuần tự, lễ vật được dâng nhiều đợt, mỗi đợt 2 mâm thức ngọt và thức mặn và gia chủ khấn mời tên 1 vị thần, vị tổ tiên và cầu phù hộ cho toàn gia tộc, toàn làng xóm, tín đồ.

     Trong những ngày này, về phần hội, tuỳ theo khả năng các làng để có tổ chức văn nghệ dân gian, thi dệt vải, đội nước, thi cày bằng bò, các trò chơi thể thao… tạo ra không khí vui nhộn để bước vào tháng chay tịnh. Đây là dịp thu hút đông đúc mọi người, mọi dân tộc khác đến chung vui, có năm mỗi làng thu hút hàng ngàn người đi lễ hội.

     3. Lễ chay niệm:

     Cuối ngày 30 tháng 8, các chức sắc Hồi giáo vào hẳn trong Thánh Đường ôn luyện kinh Coran và chay tịnh. Lúc này đông đảo tín đồ đội mâm lễ vật đến Thánh Đường để dự khai lễ Ramưwan. Kể từ đây, các chức sắc ở, sinh hoạt trong Thánh Đường 1 tháng. Mỗi ngày đêm họ cầu kinh 5 lần với những quy tắc chặt chẽ. Trong vòng 1 tháng này, có 4 ngày thứ 6 làm lễ cầu kinh, giảng kinh và 4 đêm thứ 5 vừa cầu kinh vừa cầu nguyện tổ tiên bằng những bài riêng.

     Tục lệ trong tháng chay tịnh Ramưwan là: 15 ngày đầu tín đồ trong làng hoàn toàn không được phép sát sinh, các gia đình không được cúng kính (theo quan niệm tổ tiên cũng đang chay tịnh). Chỉ đến ngày thứ 15, sau khi làm lễ Muk trũn, tín đồ mới được phép sát sinh và cúng tổ tiên ở trong làng. Đến ngày thứ 20, người ta làm lễ Ôn trũn, lễ vật và hình thức cúng như các lễ khác, song sau lễ này, tín đồ bên ngoài dâng gạo vào Thánh Đường với ý nghĩa hành hương đến Thánh địa La Meca, bố thí người nghèo…

     Đến đêm thứ 30, thân nhân các chức sắc Hồi giáo đem phần gạo được chia từ Thánh Đường về nấu cơm để rạng sáng hôm sau dâng lên Thánh Đường, phần còn lại mời tất cả mọi người trong làng cùng đến ăn. Thực phẩm có trứng, muối mè…

     Sáng ngày thứ 31 này, tại Thánh Đường, toàn thể chức sắc, tu sĩ và tín đồ trong cả làng làm lễ kết thúc tháng Ramưwan, họ đọc kinh cầu an lành cho muôn người. Sau đó mọi người về lại gia đình mình mở đầu cho một năm mới sau tháng chay tịnh Ramưwan.

     Lễ hội Ramưwan của cộng đồng người Chăm Hồi giáo, cũng như lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn có ý nghĩa văn hoá truyền thống cũng như giá trị tâm linh, tình cảm, đoàn kết cộng đồng, dân tộc, tương tự ngày tết Nguyên Đán của người Kinh, nên có nhiều người gọi là tết. Nhân dịp này, mọi người đều phấn khởi, cùng nhau cầu nguyện cho mọi người bình yên, xóm làng thanh tịnh, ai cũng lấy tình thương yêu để đối xử với nhau, chia sẻ khó khăn lẫn nhau theo truyền thống bao đời truyền lại.

Trích dẫn tệp PDF từ: Thư viện tỉnh Ninh Thuận

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ hội Ramưwan của người Chăm Hồi giáo (Tác giả: Đình Hy)