Lịch sử và kiến trúc Quan Khố Tự – Ngôi chùa làng Câu Nhi (1)
Tác giả bài viết: Thạc sĩ HOÀNG THỊ ÁI HOA
(Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế)
1. Mở đầu
Mạch sống của làng xã Việt Nam luôn hiện hữu một hình thức thừa nhận Phật giáo trên góc độ riêng. Đó chính là nguyên nhân ra đời của ngôi chùa làng, bên cạnh những tự viện “chính thống” được chiêm bái rộng rãi trên phạm vi quốc gia hay vùng miền. Hình ảnh “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” vốn đã trở nên gần gũi, thân quen trong các làng mạc của người Việt, vừa là điểm nối kết và gắn bó cộng đồng, vừa là nơi gửi gắm niềm tín Phật của những người dân quê chân chất, mộc mạc với nơi chốn cư trú truyền đời của mình.
Trong thiết chế văn hóa của nông thôn Việt, đình, chùa, miếu luôn song song tồn tại bên nhau, đáp ứng nhiều mặt nhu cầu đời sống tinh thần của lương dân. Sự ra đời của ngôi chùa làng như một chỗ dựa tâm linh, là nhu cầu cần thiết để có thể nương tựa trong cuộc sống nhiều bất an và thách thức. Khi người nông dân Việt từ phương Bắc theo dấu tiền nhân đến vùng đất mới trong hành trình mở cõi, hẳn nhu cầu ấy càng cần thiết và bức bách hơn. Chính vì vậy, chùa làng xứ Đàng Trong ra đời là sự hội tụ của nhiều mối nhân duyên, và Quan Khố Tự (chùa Quan Khố) – ngôi chùa làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là một trường hợp như thế.
2. Vài nét về lịch sử làng Câu Nhi
Qua các nguồn tài liệu hiện tồn cho biết, làng Câu Nhi được thành lập từ đầu thế kỷ XV, nhờ công lao của 12 dòng họ. Nguyên ủy làng có tên là Câu Lãm, và lúc đầu, trung tâm của làng đặt tại Đại Đồng, về sau mới chuyển đến xóm Chùa và đổi tên thành Câu Nhi như hiện nay(2). Ngay sau khi thành lập và ổn định cuộc sống, thiết lập xã hiệu, người dân đã cho xây dựng đình, chùa, miếu vũ và tạo nên một hệ thống thiết chế khá hoàn chỉnh từ rất sớm. Trong cuốn Gia phả họ Bùi của tác giả Bùi Hoành, cho biết:
Vào đầu thế kỷ XV tổ tiên ta bắt đầu đến xứ Ô Châu, Thuận Hóa, số người ít ỏi, thiếu thốn mọi phần […] chỉ có mấy hôm nhà cửa, lều lán làm xong, ổn định nơi ăn chốn ở, dựng rạp cáo yết giang sơn, chôn cất kim cốt và xin ra sức khai khẩn ruộng nương […] kiến xã hiệu là Câu Lãm. Thời gian đầu địa điểm đặt tại Đại Đồng – khu vực cồn Bàu Đội, Trường Hạ và Nhì Giá. Sau chuyển vào khu vực xóm Chùa đến ngày nay. Xây dựng lại đình, chùa miếu vũ khang trang […], xã hiệu Câu Lãm đổi lại là Câu Nhi(3).
Theo những ghi chép trong văn bản Chỉ Thiên (hay còn gọi là Thỉ Thiên)(4), trong buổi đầu thành lập làng (đầu thế kỷ XV), vai trò của các nhân vật như Tổng binh sứ Phạm Duyến, Ủy lạo sứ Tướng công Nguyễn Chánh,… đã có những đóng góp hết sức quan trọng. Phạm Duyến lãnh chức Tổng binh sứ dưới thời nhà Lê, ông xin vào hai châu Quảng Hóa để mộ thêm nhân dân sống ẩn dật ở những nơi hiểm trở, nhằm trong và ngoài phối hợp chống quân Minh xâm lược. Chính sự hiện diện của quân binh dẫn đến xuất hiện nhiều “kho lẫm” của Nhà nước trên vùng đất này, nhằm mục đích tích trữ quân lương để nuôi binh. Về sau ông thụ bệnh và qua đời ở Hóa Châu, được dân làng Câu Nhi phụng thờ và tôn ông là một trong bốn vị khai khẩn của làng(5).
Về sinh hoạt và lễ tế hàng năm của dân làng Câu Nhi, cũng theo văn bản Chỉ Thiên: “Ngôi đình làng được đặt ở tọa độ “Quí”, hướng “Đinh”. Tế tự, hương ẩm hàng năm đã cử hành theo lệ”(6). Và tất yếu, song hành với ngôi đình thì miếu và chùa cũng sẽ ra đời nhằm hoàn thiện cấu trúc của ngôi làng Việt, đáp ứng nhu cầu về mặt tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng.
3. Lịch sử và quy mô kiến trúc Quan Khố Tự
Quan Khố Tự (chùa Câu Nhi) tọa lạc theo hướng Đông – Nam, trên một khu đất ở đầu làng, cạnh đường liên xã Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa. Mặt trước chùa hướng ra ngã ba sông, hậu chùa là khu dân cư trù phú, tả hữu là hai nhánh sông Ô Lâu, Thác Ma bao bọc. Cùng với đình làng, văn thánh, nhà thờ họ Bùi, Phạm, Lê,… tạo nên một quần thể tâm linh cổ kính.
Tên gọi “Chùa Quan Khố” hiện nay không được nhiều người biết đến, mà đa phần chỉ quen gọi là chùa làng Câu Nhi hoặc Niệm Phật Đường Câu Nhi, mặc dù chứng tích về tự hiệu ấy hiện vẫn được ghi rõ trên bức cuốn thư ở giữa chánh điện chùa: “Quan Khố Tự” (官庫寺), và trên thân đại hồng chung của chùa được chú đúc vào năm 1946 “Quan Khố Tự chung”(7). Theo dân làng cho biết, bức cuốn thư và đại hồng chung mặc dù được phục chế sau này, nhưng nội dung và kiểu dáng vẫn dựa theo tự tích xưa(8).
Quan Khố Tự (官庫寺) – “chùa Quan Khố” nguyên ủy là tự hiệu của chùa làng Câu Nhi hiện nay, ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chùa do ông Bùi Dục Tài, Tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong phụng lập vào khoảng thế kỷ XVI. Xét từ góc độ ngữ nghĩa, “Quan Khố” (官庫) có nghĩa là “kho lẫm công”, tức là kho lẫm của Nhà nước, là nơi cất chứa vật dụng, tích trữ quân lương của triều đình(9). Và theo đó, “Quan Khố Tự” có thể được hiểu là “chùa kho công”(10). Nếu chỉ dừng lại ở cách thiết tự để hiểu nôm na về tên chùa thì thật khó lý giải vì sao một ngôi chùa thờ Phật lại có tự hiệu “kỳ lạ” như thế!
Qua các nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là những ghi chép trong văn bản Chỉ Thiên, thừa kế kết quả nghiên cứu của những người đi trước, kết hợp với những thông tin mà chúng tôi thu thập được do các bậc cao niên hiện sinh sống tại làng Câu Nhi cung cấp, nguyên lai tên gọi “Quan Khố Tự” đã dần dần được sáng rõ. Theo đó, vào lúc sơ khai lập làng, bên cạnh việc chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, dân làng Câu Nhi còn phải đấu tranh chống nạn ngoại xâm của quân Minh ở xứ Thuận Hóa dưới sự chỉ huy của các tướng địa phương như như Tổng binh sứ Phạm Duyến, Tướng công Nguyễn Chánh(11),… lấy vùng Mộ Súng, Ba Đạt, Cồn Phường,… làm nơi luyện quân, lại cùng nhau lên thượng nguồn Ô Lâu chặt gỗ về dựng nhà làm kho để tích trữ vũ khí, lương thực, đóng góp phần mình trong cuộc chống giặc Minh xâm lược. Sau khi đất nước thái bình dưới thời vua Lê Tương Dực (1509-1516), ông Bùi Dục Tài – người quê làng Câu Nhi xin triều đình cho tu bổ một trong các kho lẫm đó để làm nơi tu nhân tích đức cho dân làng. Với uy tín của mình, triều đình đã chấp thuận nguyện vọng của ông và Quan Khố Tự đã ra đời trong hoàn cảnh như thế, khoảng đầu thế kỷ XVI.
Tiến sĩ Bùi Dục Tài sinh năm 1477, mất năm 1518, cháu đời thứ năm của ngài thủy tổ Bùi Trành, người làng Câu Nhi. Năm 1502, ông đỗ tiến sĩ, là vị khai khoa của đất Thuận Hóa. Năm 1503 triều đình bổ nhiệm ông làm chức Hiệu lý viện Hàn Lâm, sau đổi ra làm Tham chính tỉnh Thanh Hóa. Đến triều Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận, ông được thăng chức Tả thị lang Bộ Lại. Đến triều Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu thăng lên Tham tướng. Năm 1518, khi trở về kinh lý ở xứ Thuận Hoá ông bị gian đảng sát hại. Sau khi mất, ông được vua Lê truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư(12).
Như vậy, Quan Khố tự là một ngôi chùa làng ra đời sớm, lại không được sử sách ghi chép, nên về lịch sử hình thành, phát triển cũng như các sinh hoạt của chùa trong buổi đầu thành lập, hiện trong ký ức của người dân làng Câu Nhi cũng khá mơ hồ. Chỉ biết rằng, trước đây chùa do làng quản lý (trưởng làng và các vị trưởng họ luân phiên). Chi phí cho việc tế tự ở chùa được trích ra từ 5 sào ruộng Tam bảo của chùa.
Năm 1955, chùa được dân làng Câu Nhi cúng cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị quản lý để hướng dẫn tín đồ sinh hoạt theo khuôn khổ của một Khuôn giáo hội tại địa phương, nên chùa được gọi là Khuôn hội Phật giáo Câu Nhi hay Niệm Phật Đường Câu Nhi. Đứng đầu là vị Khuôn trưởng. Cách thức thờ tự và sinh hoạt lễ nghi theo đúng mô thức cải cách của Giáo hội Phật giáo(13). Năm 2009, khi sư cô Thích Nữ Thông Tịnh về trú trì, các sinh hoạt tu học của tín đồ và dân làng ở chùa được diễn ra thường xuyên hơn. Ngoài các lễ lớn hàng năm như lễ Phật đản, Vu lan, tết Nguyên Đán,… hàng tháng tại chùa còn tổ chức các khóa tu Đạo tràng Bát Quan Trai, thu hút không chỉ tín đồ Phật tử trong làng mà kể cả các vùng lân cận cũng theo về tu học.
Về quy mô kiến trúc, theo hồi ức của người dân địa phương, từ thế kỷ XIX trở về trước, chùa là một ngôi nhà Rường bằng gỗ, 3 gian 2 chái, bố trí mặt bằng theo trục dọc để tăng chiều sâu và tăng không gian hành lễ cho chính điện, mái lợp ngói.
Trên cơ sở kế thừa nguồn tư liệu của những tác giả đi trước kết hợp với kết quả thực địa, phỏng vấn hồi cố, được biết từ khi ra đời cho đến nay ngôi chùa bị hư hại và tu sửa nhiều lần. Từ khoảng những năm đầu thế kỷ XX, ngôi chùa được tu sửa lại, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm hệ thống cổng ngõ, tam quan bằng gạch, đắp vữa, ghép mảnh sành sứ. Năm 1949, chùa bị giặc Pháp đốt cháy, chỉ còn lại cổng tam quan. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, chùa Quan Khố đã trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1959, 1985, 1987 với cấu trúc gạch, xi măng, sắt thép. Hiện trạng ngày nay là kết quả của lần tu tạo năm 1998, tuy có phần khang trang hơn, nhưng không còn bảo lưu hình dáng xưa vốn có. Năm 2009, sư cô Thích Nữ Thông Tịnh về trú trì đã cho xây dựng thêm các ngôi nhà tăng, nhà bếp,… trong khuôn viên chùa.
Ngôi chùa hiện tại có lối thiết trí và thờ tự vừa mang đặc trưng của một ngôi chùa làng, vừa mang dáng dấp của ngôi Niệm Phật Đường, do: “… tác động của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung vào nửa đầu thế kỷ XX với tôn chỉ chỉ thờ độc tôn Phật Thích Ca ở chính điện, khiến nhiều ngôi chùa theo truyền thống Tam giáo, Phật tử đã thỉnh hoàn toàn các tượng thần ra khỏi Phật điện”(14).
Theo đó, dấu ấn của thời Chấn hưng Phật giáo hiện vẫn còn lưu lại khá rõ trong cách bài trí thờ tự của chùa. Tuy nhiên, dù trải qua bao cuộc đổi thay, dáng dấp của một ngôi chùa làng cổ xưa vẫn chưa phai mờ đối với chùa Quan Khố (chùa Câu Nhi) hiện nay, khi chúng ta bắt gặp khá nhiều bài vị thờ Thành hoàng, tiền Khai canh, Khai khẩn, Thập nhị Tôn phái của làng, các danh nhân có nhiều công đức với chùa hiện được phụng thờ tại đây, như các bài vị: “Tả đông chinh Thành hoàng”, “Hữu dực thánh Thành hoàng”, “Phụng vị bổn thổ Khai canh Khai khẩn Thập nhị Tôn phái liệt vị quý hương linh”, “Phụng vị bổn xã quí tộc quí phái tinh tiền hiền tiền triết liệt vị hương linh” và có cả bài vị thờ danh tướng Hoàng Bôi(15).
Tại chùa Quan Khố hiện nay còn lưu giữ một quả đại hồng chung được chú đúc năm 1946(16), trên thân chuông có khắc rõ bốn chữ Hán: “Quan Khố Tự chung”. Theo dân làng cho biết quả đại hồng chung này được đúc dựa trên khuôn mẫu của chuông cũ, năm Cảnh Thịnh (Mậu Ngọ [1789]).
Chùa hiện còn bảo lưu và phụng thờ một tôn tượng đức Phật Thích Ca bằng gỗ rất quý(17). Theo hồi ức của các cụ cao niên trong làng, tôn tượng này vốn là pháp bảo tượng của một ngôi chùa cổ của tư nhân trong làng, mà từ xa xưa người ta truyền tụng là chùa Bà Trương. Vị trí chùa Bà Trương, theo các cụ, chính là địa điểm tọa lạc của trụ sở UBND xã Hải Tân hiện nay, bên cạnh chùa còn có am thờ Bà. Trước những năm 1950, cả hai di tích này còn khá nguyên vẹn và do làng quản lý. Bấy giờ, chùa chỉ thờ Phật, với kiến trúc đơn giản, một gian, làm bằng gỗ. Sau đó, khoảng năm 1952-1953, các di tích này bị phá hủy do chiến tranh nên làng thỉnh pho tượng về thờ tại chính điện của chùa Quan Khố.
Về chùa Bà Trương, theo dân làng truyền tụng, bà là một thứ phi của vua Lê, không có con, cuối đời vua Lê cho về quê và dựng một ngôi chùa tại làng để tu tập. Không rõ bà mất vào năm nào, chỉ biết rằng sau khi bà mất, làng đã tiếp quản chùa và dành 2 sào ruộng trước mặt chùa để dùng vào việc hương khói tế tự. Cũng theo dân làng cho biết, bà người họ Phạm làng Câu Nhi, nhưng do gia phả họ Phạm bị thất lạc nên không biết bà thuộc đời thứ mấy của họ Phạm, làm thứ phi vua Lê nào (?). Trong mục Hậu cung, sách Ô Châu cận lục có ghi: “Bà người làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng, vốn có nhan sắc. Vào triều Lê đã được tuyển vào hậu cung”(18). Những thông tin này tuy ít ỏi nhưng hết sức quí giá, giúp chúng ta có cơ sở để đoán định rõ hơn về một ngôi chùa cổ do bà Thứ phi họ Phạm làng Câu Nhi phụng lập, bên cạnh ngôi cổ tự Quan Khố như đã tìm hiểu ở trên. Và qua đó, giúp chúng ta biết rõ gốc tích của tôn tượng đức Phật Thích Ca bằng gỗ đang được phụng thờ tại chùa Quan Khố hiện nay.
Theo hồi ức của các cụ cao niên trong làng, tại khuôn viên chùa trước đây có bốn ngôi miếu kiến trúc bằng khung gỗ, lợp ngói, theo kiểu nhà Rường, dạng sàn gác lững, đó là miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài, danh tướng Hoàng Bôi và hai miếu Tả đông chinh Thành hoàng, Hữu dực thánh Thành hoàng19. Việc tế tự bốn ngôi miếu này do làng đảm trách, kinh phí lấy từ 4 sào ruộng của 4 miếu mà làng đã qui định. Khoảng những năm 1952-1953, bốn ngôi miếu bị hư hỏng do chiến tranh, làng đã thỉnh toàn bộ bài vị vào chùa thờ tự. Những bài vị này hiện vẫn còn trong chùa như chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Riêng đối với bài vị của Tiến sĩ Bùi Dục Tài, trưởng họ Bùi đã xin làng thỉnh về phụng thờ tại từ đường họ Bùi, đến năm 2009, bài vị này được thỉnh vào thờ ở ngôi miếu mới xây dựng cạnh nhà thờ họ Bùi. Nội dung bài vị ghi: “Bổn thổ Cảnh thống Nhâm Tuất khoa sĩ chí Tả thị lang Bộ Lại kiêm Tham tướng truy tặng Lễ bộ Thượng thư”.
Hiện tại, ở góc sân phía tả chùa Quan Khố vẫn còn lưu lại nền móng miếu thờ Tiến sĩ Bùi Dục Tài với diện tích khoảng 9m2, cùng một số đá táng chân cột, đặc biệt là một bệ đá hình rùa có kích thước: dài thân 80cm, rộng vai 59cm, cao đầu 21cm, đường kính đầu 50cm; trên thân rùa có lỗ lõm sâu hình chữ nhật, phần nửa cuối thân rùa bị vát. Đây chính là dấu tích còn lại của bệ rùa đá đội bia, vốn rất phổ biến vào thời Lê. Có lẽ bệ rùa này chính là bệ bia đá ghi lại hành trạng và công lao của Tiến sĩ Bùi Dục Tài mà xưa kia được dựng trước ngôi miếu(20). Hiện nay, con cháu họ Bùi có ý định xin làng đưa bệ rùa vào ngôi miếu mới hiện nay để thờ.
4. Lời kết
Quan Khố Tự là một ngôi chùa làng ra đời sớm trên vùng đất miền Trung, với thời gian tồn tại tính đến nay đã trên 600 năm. Hiện tại, Quan Khố Tự chỉ là một ngôi chùa làng đơn sơ, khiêm tốn, nằm lặng lẽ bên dòng Ô Lâu, nhưng mấy ai biết rằng, ngôi cổ tự ấy không chỉ là một chứng nhân quan trọng trong buổi đầu Nam tiến, di dân lập làng của người Việt trên dải đất miền Trung, mà từ trong lịch sử hình thành của nó, còn dung nhiếp biết bao huyền sử về một vùng đất, về bao sự kiện lịch sử uy hùng một thời của dân tộc, đặc biệt là gắn liền với các danh nhân trong buổi đầu mở cõi mà sử sách vẫn còn ca tụng, như Tổng binh sứ Phạm Duyến, Ủy lạo sứ Tướng công Nguyễn Văn Chánh, Tiến sĩ Bùi Dục Tài, danh tướng Hoàng Bôi, bà Thứ phi họ Phạm,…
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã bao phen đổ nát, hoang tàn nhưng rồi lại được hồi sinh bằng tất cả ý chí quật cường của dân làng, và bằng nội lực tâm linh của chính nó. Mong rằng, Quan Khố Tự cần được quan tâm, nhìn nhận và đánh giá đúng tầm vóc lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của nó, không chỉ từ phía cơ quan hữu quan, mà cả về phía Giáo hội Phật giáo tại tỉnh nhà
___________
(1). Bài viết đã đăng trong tập san Liễu Quán, số 13, tháng 1-2018; có chỉnh sửa.
(2). Bốn vị khai khẩn: Bùi Trành, Nguyễn Kinh, Phạm Duyến, Hoàng Tất Đắc; tám vị khai canh: Trần Hoành, Lê Thiệt, Đào Thất, Đỗ Bình, Trương Hậu, Phan Cơ, Đặng Khiêm, Đề Phùng. Bùi Trành, tự Trường Hiên (1429), Chỉ Thiên, bản sao chữ Hán năm 1891, bản dịch của Nguyễn Đình Thảng, dịch y nguyên bản chữ Hán của Bùi Hữu Hoàn, bản photo hiện lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị, làng Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị.
(3). Bùi Hoành (1986), Gia phả họ Bùi, lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị, 88 tuổi, Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị.
(4). Bùi Trành, tự Bùi Trường Hiên (1429), Chỉ Thiên, Tlđd. Chỉ Thiên / là tàng bản được viết trên giấy gió bản mịn, cỡ 18cm x 30cm, gồm 15 tờ (30 trang) bằng chữ Hán, theo lối chân thư. Bản gốc viết vào đầu triều Lê sơ, năm Thuận Thiên thứ 2 [1429], đã được con cháu các đời sau kế tiếp sao chép lại 4 lần dưới các thời Hồng Ðức (1461), Quang Thiệu (1517), Tự Ðức (1853) và Thành Thái (1891). Bản hiện còn là bản sao dưới thời Thành Thái. Ðây là một dạng hồi ký của tác giả Bùi Trành, viết theo lối văn tự sự, kể lại nguồn gốc, sự tích của những thế hệ đầu tiên có công khai phá, tạo lập ra làng Câu Lãm (Câu Nhi). Qua nhiều lần sao chép, có một số điểm thay đổi, thêm vào làm mất đi ít nhiều tính chân thực của tài liệu; song loại trừ những chi tiết không đáng tin cậy bằng phương pháp xử lý tư liệu thì những thông tin mà Thỉ Thiên tàng bản mang lại có thể nói là rất đáng quý không chỉ cho việc nghiên cứu một làng mà còn có ý nghĩa của cả vùng Thuận Hóa trong thế kỷ XV.
(5). Bùi Trành, tự Trường Hiên (1429), Chỉ Thiên, Tlđd.
(6). Bùi Trành, tự Trường Hiên (1429), Chỉ Thiên, Tlđd.
(7). Chuông cũ được đúc năm Cảnh Thịnh (Mậu Ngọ [1798]) với trọng lượng là 87kg; Đến năm Dân chủ Cộng hòa thứ hai (Bính Tuất [1946]), được đúc lại với trọng lượng 97 kg. Chuông này có qui mô hơn chuông cũ nhưng giữ nguyên toàn bộ motif và Hán tự của chuông cũ (theo ông Bùi Văn Nhị, 88 tuổi); hiện nay được đặt trong chánh điện.
(8). Theo cụ Hoàng Văn Uyển (82 tuổi), cụ Bùi Văn Nhị (88 tuổi).
(9). Thiều Chửu (1999), Hán – Việt tự điển, H.: Nxb. VHTT, tr. 128, tr. 161.
(10). Lê Chí Xuân Minh (2004), “Quan Khố Tự và làng Câu Nhi văn vật ở Quảng Trị”, trong Tiếp cận văn hóa nghệ thuật miền Trung, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế, tr. 465.
(11). Vai trò của hai ông được nhắc đến trong Gia phả Họ Bùi, làng Câu Nhi: Ô Châu Thuận Hóa là nơi mà ngày trước ngài Trường Hiên (Bùi Trành) đi lại nhiều lần với Ủy lạo sứ Tướng công Nguyễn Văn Chánh, Đô hành kiểm soát sứ Phạm Duyến vào Nam thương thuyết với quân Chiêm đồng thời quan sát địa hình phòng khi có chiến sự. Bùi Hoành (1986), Gia phả họ Bùi, lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị, 88 tuổi, Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị. Theo Chỉ Thiên: Nguyễn Kinh – một trong 4 vị khai khẩn của làng, là con trai của Nguyễn Văn Chánh.
(12). Theo Gia phả họ Bùi, sđd.
– Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh – Nguyễn Văn Phúc [Hiệu đính – dịch chú], Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 111.
– Năm 1518, đời vua Lê Chiêu Tông, có bọn Ðô Kiểm, Ðô Chức nổi lên làm loạn ở Thuận Hóa, triều đình cử ông đi đánh dẹp. Ông đã giết được Ðô Kiểm còn Ðô Chức trốn thoát. Trên đường trở về kinh, ngang qua Bàu Ðá (Xã Cam An, huyện Cam Lộ) ông bị Ðô Chức mai phục trả thù. Do bị đánh bất ngờ, ông đã chết tại đây, dân địa phương đã lập miếu thờ ông. Gia phả họ Bùi, Tlđd.
(13). Thầy Tân, thầy Côn phụng sự chùa từ năm 1934-1945; Năm 1946 thầy Nguyễn Bàng thay thế, về sau có thầy Nguyễn Trung con của thầy Nguyễn Bàng (pháp danh Quảng Nghĩa); Sau năm 1955 do các vị Khuôn trưởng lần lượt phụ trách, như: Nguyễn Tăng Trạc, Nguyễn Văn Thạnh, Hoàng Văn Tiến (?), Phạm Hữu Đinh, Hoàng Tấn Thót, Phạm Hữu Phúng, Phạm Như Anh, Bùi Công Khánh, Bùi Bửu Tam, năm 1996 ông Hoàng Văn Uyển làm đại diện Niệm Phật Đường và ông Bùi Quang Vàng làm trưởng ban Hộ Tự, năm 2008 ông Hoàng Văn Toàn được bầu làm đại diện Niệm Phật Đường.
(14). Nguyễn Hữu Thông [ch.b] (2017), Tượng thờ Hindu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 55-56.
(15). Hoàng Bôi người làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng. Thân hình cao lớn, có chí khẳng khái, xuất thân làm Lực sĩ vệ Chiêu vũ, thăng lên Hiệu úy ty Trung tá. Khi Chính Trung dấy loạn, ông làm Phó tướng đạo Thuận Hóa, theo Tây Quốc công đánh giặc, được phong Viên đàm bá. Ông giữ vững lòng trung nghĩa, trước sau có công trọn vẹn, được thăng Thiêm đồng tri Phiên vệ… Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, Sđd, tr. 122.
(16). Kích thước chuông: cao 1m, bồ lao cao 27cm, rộng 35cm, đường kính miệng chuông 50cm, nặng 97kg.
(17). Kích thước: cao 60cm, rộng vai 22cm, rộng chân 30cm; đầu tượng cao 16cm.
(18). Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phúc hiệu đính – dịch chú, Nxb. Thuận Hóa, tr. 108.
(19). Theo ông Bùi Văn Nhị (88 tuổi), ông Hoàng Văn Uyển (82 tuổi).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Hoành (1986), Gia phả họ Bùi, lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị, 88 tuổi, Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị.
Bùi Trành, tự Bùi Trường Hiên (1429), Chỉ Thiên, bản sao chữ Hán năm 1891, bản dịch của Nguyễn Đình Thảng, 1998, dịch y nguyên bản chữ Hán của Bùi Hữu Hoàn, bản pho to hiện lưu tại nhà ông Bùi Văn Nhị, làng Câu Nhi, Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị).
Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
Lê Chí Xuân Minh (2004), “Quan Khố Tự và làng câu Nhi văn vật ở Quảng Trị”, trong Tiếp cận văn hóa nghệ thuật miền Trung, Phân viện Nghiên cứu VHTT tại Huế.
Nguyễn Hữu Thông [ch.b] (2017), Tượng thờ Hindu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
Thiều Chửu (1999), Hán – Việt tự điển, H.: Nxb. VHTT.
Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa miền Trung 2022
Chuyên đề Di sản Kiến trúc truyền thống
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Lịch sử và kiến trúc Quan Khố Tự – Ngôi chùa làng Câu Nhi (Tác giả: ThS. Hoàng Thị Ái Hoa) |