Luật “văn khố” của chính quyền Sài Gòn dưới góc nhìn lịch sử

THE “ARCHIVES” LAW OF THE GOVERNMENT OF SAIGON
FROM THE HISTORICAL PERSPECTIVE

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN BÁU
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn –
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Năm 1959, chính quyền Sài Gòn đã thiết lập Nha Văn khố và năm 1967 ban hành Luật Văn khố quốc gia điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công tác lưu trữ. Luật Văn khố là một bước tiến dài của lịch sử Lưu trữ Việt Nam nói chung và lịch sử văn khố của chính quyền Sài Gòn nói riêng. Chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu công tác ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ văn khố của chính quyền Sài Gòn để có thể tiếp thu có chọn lọc những thành quả mà văn khố Sài Gòn đã đạt được nhằm phục vụ cho công tác lưu trữ hiện nay.

ABSTRACT

     In 1959, Saigon Government established Archives House and promulgated the Law of National Archives in 1969 to adjust problems related to archiving activities. Law of Archives proved a leap of Vietnamese archiving history in general and archiving history of Saigon Government in particular. We need to research, learn the issuance of guidance documents and instructions on the professional archives of Saigon Government to be able to selectively absorb the fruits that Saigon Archives achieved to serve today-archiving activities.

x
x x

1. Quá trình ra đời Luật Văn khố của chính quyền Sài Gòn

     Tháng 12/1967 Tổng Bộ Văn hóa xã Xội của chính quyền Sài Gòn đã tiến hành cuộc điều trần, thực trạng về công tác văn khố trong các cơ quan. Kết quả là sau 9 năm hoạt động (Từ khi thành lập Nha Văn khố và Thư viện quốc gia năm 1959 đến năm 1967) “Nha này không những không được phát triển mà hiện nay lâm vào tình trạng vô cùng bi đát văn kiện hồ sơ bị phân tán, hư rách, thất lạc… Để khắc phục những hạn chế về văn khố trong các cơ quan Tổng Bộ Văn hóa xã Xội của chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu Nha Văn khố và Thư viện quốc gia nghiên cứu và lập một dự án thành lập Văn khố tại Việt Nam.

     Sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuộc Hội đồng Văn khố Pháp và Hội đồng Văn khố quốc tế, tiểu ban soạn thảo thuộc Nha Văn khố trình Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Dự án Tổ chức Nha Văn khố quốc gia. Dự án bao gồm các nội dung:

Dự thảo Sắc luật về Văn khố Việt Nam;

– Dự thảo Sắc lệnh thiết lập Nha Văn khố;

– Dự thảo Nghị định ấn định tổ chức Nha Văn khố;

– Dự thảo Sắc lệnh thiết lập Hội đồng tư vấn Văn khố;

– Dự thảo Sắc lệnh ấn định quy chế Văn khố trung ương và địa phương;

– Dự thảo kế hoạch ngũ niên phát triển văn khố.

     Luật Văn khố đã được khởi thảo từ năm 1967. Khi dự thảo, tiểu ban soạn thảo đã tham khảo một số Luật Văn khố của các nước tiên tiến trên thế giới đăng tải trên tạp chí Văn khố Quốc tế “Archivum”. Dự thảo Luật lần thứ nhất năm 1967 gồm có 4 chương 12 điều

Chương 1 – Quy định thành phần tài liệu (Từ Điều 1 đến Điều 5);

Chương 2 – Quy định tổ chức và điều hành văn khố (Từ Điều 6 đến điều 9);

Chương 3 – Quy định kinh phí tổ chức (Điều 10),

Chương 4 – Quy định quy chế văn khố (Điều 11, 12).

     Sau nhiều lần góp ý của các cơ quan, tổ chức, Dự thảo Luật đã được ban biên soạn tiếp thu và chỉnh sửa. Năm 1971, Nha Văn khố đã trình lên Tổng Thống Dự thảo Luật Văn khố và được chuyển tới Quốc hội ngày 31/12/1971. Đến kỳ họp Quốc hội ngày 26/12/1973 Luật Văn khố đã được Quốc hội thông qua với 58 phiếu thuận trên 78 phiếu. Luật Văn khố được thông qua có số hiệu 020/73, kết cấu của Luật gồm 4 chương 14 điều.

Chương I: Tài nguyên Văn khố (Từ Điều 1đến Điều 4).

Chương II: Tổ chức và điều hành (Từ Điều 5 đến Điều 7).

Chương III: Hình phạt (Từ Điều 8 đến Điều 11).

Chương IV: Điều khoản phụ tạp (Từ Điều 12 đến Điều 14).

     Luật Văn khố được Quốc hội thông qua với các lý do:

     – Muốn cải tổ Văn khố, cần phải có một văn kiện pháp lý (Luật) quy định về các nội dung về tài nguyên văn khố, tổ chức điều hành văn khố, trách nhiệm của các tổ chức và thủ tục về thực hiện văn khố.

     – Có Luật Văn khố các cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ tránh được tranh chấp về kiểm soát tài liệu văn khố. Văn khố trong các cơ quan do cơ quan tổ chức và quản lý, văn khố lịch sử do Nha, Sở văn khố quản lý. Mặt khác, Luật Văn khố sẽ giúp chính quyền Sài Gòn tổ chức và quản lý một cách thống nhất công tác văn khố từ Trung ương tới địa phương.

2. Nội dung cơ bản trong Luật Văn khố

     – Định nghĩa thế nào là tài nguyên văn khố và ấn định thành phần tài nguyên văn khố chịu sự kiểm soát của Luật “Được coi là tài nguyên Văn Khố quốc gia và thuộc quyền sở hữu của quốc gia tất cả các văn kiện, tài liệu lịch sử hoặc hành chính do các cơ quan công quyền và các công lập sở sản xuất hay nhận được như thủ bản, ấn phẩm, bản đánh máy, bản in ronéo, bản chụp ảnh và vi ảnh, bản thâu trên phim ảnh, trên đĩa hát, trên băng ghi âm, trên băng đục lỗ, bản kỷ yếu v.v…” (Điều 1).

     – Quy định thời gian lưu trữ tài liệu tại các cơ quan và thời gian phải giao nộp vào các cơ quan văn khố “Các cơ quan công quyền và công lập sở trong và ngoài nước có bổn phận gìn giữ nguyên văn các văn kiện, tài liệu cùng hồ sơ về hành chính và chuyên môn của cơ quan để chuyển giao cho các cơ quan văn khố sau một thời gian được ấn định tổng quát là hai mươi năm …Việc hủy bỏ từng phần hay toàn bộ những văn kiện tài liệu và hồ sơ chỉ được thi hành sau khi có sự thỏa hiệp của các cơ quan phụ trách Văn Khố quốc gia …” (Điều 2).

     – Quy định việc giao nộp tài liệu của các cơ quan giải thể phá sản hay kết thúc hoạt động “Trước khi hủy bỏ một cơ qua công quyền hay một công lập sở, giới hữu trách có bổn phận bắt buộc cơ quan đó chuyển cho cơ quan Văn Khố quốc gia tất cả những tài nguyên Văn Khố quốc gia ” (Điều 3).

     – Quy định việc chuyển nhượng, mua bán tài liệu văn khố “Văn Khố quốc gia có tính cách Bất khả di nhượng và bất khả thời tiêu” (Điều 4).

     – Quy định tổ chức, chức năng nhiệm vụ các cơ quan văn khố Trung ương và địa phương “Tổ chức và quản trị Văn khố Trung ương; Tổ chức và kiểm soát các cơ quan Văn khố địa phương; Sưu tầm và quy hoàn các tài liệu văn kiện thất thoát” (Điều 5, 6).

     – Quy định các cơ quan phụ trách Văn Khố quốc gia được quyền tiếp nhận viện trợ dữ tặng hay di tặng tài liệu của các cơ quan đoàn thể, hiệp hội hay tư nhân ( Điều 7).

     – Quy định hình phạt, mức phạt đối với các hành vi phạm tài nguyên văn khố của các cá nhân, tổ chức “Những hành vi hủy hoại hay chiếm đoạt các tài liệu Văn Khố quốc gia sẽ bị trừng phạt theo luật lệ hiện hành” (Điều 8).

     “Phạt giam từ 1 tháng đến 2 năm và phạt tiền từ năm mươi ngàn đồng (50.000$) đến năm trăm ngàn đồng (500.000$) hoặc một trong hai hình phạt đối với những người mua, bán, trao đổi, di nhượng các tài liệu thuộc thành phần tài liệu lưu trữ quốc gia ” (Điều 9).

     “Phạt giam từ 1 tháng đến 5 năm và phạt tiền từ 50.000 đồng) đến 1.000.000 đồng đối với những người vi phạm hay có dự định vi phạm việc xuất cảng khỏi Việt Nam các tài liệu lưu trữ quốc gia gia” (Điều 10)

     – Quy định về việc tiếp cận tài liệu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân (Điều 12).

     – Quy định về việc trách nhiệm của các giám thủ hay quản thủ đối với việc cung cấp các bản sao tài liệu “Các công dân, cơ quan và đoàn thể công hay tư đều được quyền tham khảo miễn phí tất cả những thành phần tài nguyên Văn Khố quốc gia , ngoại trừ những tài liệu liên quan đến quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng cùng các văn kiện “Mật”. Việc giải mật các tài liệu, văn kiện này sẽ được ấn định bằng Sắc lệnh” (Điều 12).

     – Quy định về chi phí khi khai thác sử dụng tài liệu “Các giám thủ hay quản thủ Văn khố phụ trách một kho Văn Khố quốc gia được quyền cấp phát có trả tiền cho công chúng những bản sao, bản trích lục và ảnh sao y như chánh bản các tài liệu văn khố luật định sau khi đã đối chiếu với bản chánh” (Điều 13).

     Luật Văn khố của chính quyền Sài Gòn ngắn gọn chỉ có 14 điều nhưng đã quy định hầu hết các vấn đề cơ bản đối với công tác lưu trữ như tổ chức văn khố, nguyên tắc văn khố, các mức xử phạt đối với từng hành vi sai phạm trong công tác lưu trữ.

3. Mấy nhận định đánh giá

     Luật Văn khố được chính quyền Sài Gòn thông qua thể hiện sự quan tâm đối với công tác quản lý và bảo vệ tài liệu Văn Khố quốc gia. Luật Văn khố thông qua, ngành Văn khố Việt Nam đã có cơ sở để bảo vệ tài nguyên văn khố khỏi bị thất thoát, tự do mua bán, chuyển nhượng.

     Nội dung của Luật điều chỉnh khá toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác lưu trữ như giải thích các khái niệm cơ bản; quy định các nguyên tắc, chế độ chủ yếu về thu thập, xác định giá trị, khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ; quy định chế tài và các hình thức xử phạt các sai phạm trong công tác lưu trữ; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lưu trữ trung ương.

     Luật Văn khố đã chứng minh một bước tiến dài của lịch sử Lưu trữ Việt Nam nói chung và lịch sử văn khố của chính quyền Sài Gòn nói riêng.

     Theo quy định trong Luật Văn khố, công tác lưu trữ của chính quyền Sài Gòn được quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Nha Văn khố có nhiệm vụ quản lý văn khố của các Bộ, Nha ở Trung ương. Các chi nhánh văn khố địa phương có nhiệm vụ tổ chức và quản lý văn khố của các cơ quan ở địa phương.

     Luật Văn khố không quy định cơ quan phụ trách Văn Khố quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục, điều đó sẽ tạo điều kiện cho quá trình quản lý nhà nước về công tác văn khố, bởi lẽ nếu đặt cơ quan quản lý văn khố trực thuộc một bộ cụ thể thì công tác văn khố sẽ bị chi phối trong quá trình tổ chức và quản lý.

     Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Luật Văn khố bộc lộ một số hạn chế:

     Về hình thức và kết cấu, Luật Văn khố gồm 4 chương 14 điều là tương đối đơn giản. Việc quy định các nội dung trong cùng một chương mục thực sự chưa được logic, những vấn đề liên quan đến thủ tục giữ gìn, chuyển nạp và tiếp nhận tài liệu, Điều 2, 3 và 7 đáng lẽ phải được quy định trong một chương mục, nhưng thực tế nó được quy định tại hai chương (Chương 1: Tài nguyên Văn khố, Chương 2: Tổ chức và điều hành).

     Đối với luật của một ngành thông thường quy định những vấn đề cơ bản về Phạm vi, đối tượng áp dụng, quy định về tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, quy định các nguyên tắc, thủ tục thực hiện công việc. Tuy nhiên, trong Luật Văn khố không quy định trách nhiệm của người phụ trách công tác Văn khố (Giám đốc Nha Văn khố quốc gia) điều đó dẫn tới việc khó phân định trách nhiệm trong việc quản lý Văn khố.

     Về phạm vi và đối tượng áp dụng Luật không đề cập tới văn khố tư. Thực tế cho thấy văn khố tư cũng là những tài nguyên quan trọng có giá trị về mặt lịch sử, tôn giáo, kinh tế… như văn khố các doanh nghiệp, đoàn thể, hiệp hội, tư nhân, gia tộc. Các văn khố này cho dù không buộc phải bảo quản trong kho văn khố chính quyền nhưng cũng cần được quy định theo một quy chế riêng do luật quy đinh.

     Chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu công tác ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ văn khố của chính quyền Sài Gòn để có thể tiếp thu có chọn lọc những thành quả mà văn khố Sài Gòn đã đạt đuợc. Đó là một việc cần thiết đối với những người quản lý và thực hiện công tác lưu trữ hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      [1]. Nghiêm Kỳ Hồng, Luật Lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa năm 1973, Tạp chí Đại học Sài Gòn, tháng 5/2011.

     [2]. Luật số 020/73 ngày 26/12/1973 về Văn khố tại Việt Nam Cộng hoà.

     [3]. Nguyễn Tư Lạc, Văn khố Việt Nam, Luận văn cao học, Đại học Văn khoa Sài Gòn 1974.

     [4]. Nghị định số 1118-GD-NĐ, ngày 20/8/1959 ấn định tổ chức Nha Giám đốc văn khố và Thư viện Quốc gia, Hồ sơ 471, Phông Nha Văn khố, TTLTQGII.

     [5]. Sắc Lệnh số 86, ngày 13/4/1959 Thiết lập Nha Giám đốc văn khố và thư viện Quốc gia, Sài Gòn, 1959.

     [6]. Nguyễn Văn Thâm, Vương Đình Quyền, Đào Thị Diến, Nghiêm Kỳ Hồng: Lịch sử lưu trữ Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.

Nguồn: Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 1 – 2011

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Luật “văn khố” của chính quyền Sài Gòn dưới góc nhìn lịch sử
(Tác giả: Nguyễn Văn Báu)