Minh Mệnh với cải cách hành chính ở các cơ quan trung ương thời Nguyễn – Nhìn từ lịch sử và ấn chương hành chính

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG VIỆT
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

     Thời Nguyễn sơ triều Gia Long (1802-1819) dưới chế độ quân quản phân quyền những hạn chế bất cập trong thực trạng hệ thống hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương bộc lộ khá rõ nét trên nhiều mặt. Tính chất phân quyền cho các viên Tổng trấn ở hai miền Nam, Bắc cũng đồng nghĩa với tính không thống nhất tức là ngược lại chế độ Trung ương tập quyền quân chủ chuyên chế theo mô hình nhà nước phong kiến đã tồn tại lâu đời. Sự thiếu hụt hoặc chưa thiết lập hoàn chỉnh một số cơ quan cấp Trung ương cùng với sự lỏng lẻo quá giản lược trong quản lý hành chính nói chung đã tạo nên sự thiếu đồng bộ, chệch choạc trong toàn bộ hệ thống hành chính các cấp. Những viên trưởng quan đứng đầu các cấp Trấn, Doanh hầu hết là võ tướng tài chiến trận song về văn trị chữ nghĩa lại không giỏi, đó cũng là những hạn chế lớn trong quản lý hành chính ở chính quyền địa phương. Việc thiếu hẳn một hệ thống giám sát trong chính quyền Trung ương cũng như ở địa phương là một hạn chế rất lớn của hệ thống hành chính của Nguyễn sơ đối với vấn đề thanh tra giám sát các cấp.

     Đứng trước tình hình đó ngay ở giữa thập kỷ 2 đầu Nguyễn sơ, Gia Long đã có những quyết định đúng đắn từ nhãn quan chính trị của mình trong việc lập ngôi kế vị. Tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (1816), ông cho thiết triều tại điện Cần Chánh, ban chiếu toàn thiên hạ ban sách ấn vàng trong việc lập ngôi kế vị, lập con thứ là Nguyễn Phúc Đảm làm Hoàng Thái tử. Chính sử còn ghi: “Gia Long năm thứ 15 (1816) có chỉ: Chuẩn cho làm sách tấn phong cho Hoàng Thái tử dùng vàng 5 tờ… ấn làm bằng vàng, núm đúc hình con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân, dày 3 phân 2 ly”(1).

     Minh Mệnh sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1791) tên húy là Phúc Đảm. Khi được lập làm Thái tử lại đặt tên húy là Phúc Kiểu 福 皎, là con thứ 4 của Gia Long Nguyễn Ánh và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Nguyễn Thị ðang. Ngay từ khi còn nhỏ đã thông minh, không chỉ giỏi văn mà còn tinh thông cả võ, lại được các danh Nho mà tiêu biểu là Đặng Đức Siêu, Trịnh Hoài Đức dạy bảo kèm cặp trong một thời gian dài. Năm Ất Hợi (1815), ông được lập làm Thái tử, đã được đến ở cung Thanh Hòa để dự phần xét đoán chính sự làm quen với việc nước (2) . Được học tập chu đáo toàn diện trên mọi lĩnh vực và thâm nhập triều chính xã hội ở một quốc gia độc lập thống nhất đã nhiều năm là một thuận lợi rất lớn cho ngôi vị của một ðông cung Hoàng Thái tử.

     Khi được phong là Hoàng Thái tử Minh Mệnh được ban cấp ấn vàng cùng sách vàng. Kim Bảo này hiện vẫn còn được giữ nguyên vẹn: Hình thể loại một cấp đế hình vuông. Núm ấn đúc rồng thế đứng thăng bằng, đầu ngẩng, mũi cao, sừng dài, lưng cong, đuôi xoắn, chân 5 móng. Lưng ấn không khắc chữ Hán. Ấn có chiều cao 6,3cm. Đế dày 1,1cm. Đế ấn hình vuông kích thước 10,8×10,8cm. Mặt đế đúc nổi 4 chữ Triện Hoàng Thái tử bảo 皇太子寶 Bảo ấn của Hoàng Thái tử.

     Gần 4 năm sau, niên hiệu Gia Long thứ 19 (1820) trước khi lên ngôi, Minh Mệnh lại được ban cấp Kim Bảo thủ tín bằng bạc. Chính sử đã ghi: “Chuẩn cho đúc ấn thủ tín nhỏ mà vuông bằng bạc cho Hoàng Thái tử (vuông 6 phân 7 li, dày 3 phân), núm đúc con rồng ngồi, trong khắc 5 chữ triện Hoàng Thái tử thủ tín(3) . Kim Bảo này hiện vẫn còn bảo quản nguyên trạng. Ấn tạo 2 cấp hình vuông. Núm hình rồng ngồi, cao 2,55cm. ðế dày 1,57cm. Đế ấn hình vuông có kích thước 3,1×3,1cm. Văn khắc là 5 chữ Triện chia 3 dòng: Hoàng Thái tử thủ tín 皇太子守信. Chữ “tử” ở giữa dài gấp đôi các chữ khác.

     Như vậy trước khi lên ngôi, Minh Mệnh đã được dùng ấn riêng có giá trị về mặt pháp chế quyền lực, hơn hẳn những ấn được tấn phong cùng sách vàng. Trên những văn bản chữ Hán thuộc kho Châu bản triều Nguyễn tập Gia Long còn thấy in hình dấu Hoàng Thái tử thủ tín, chứng tỏ thời gian này Minh Mệnh đã tham gia chính sự.

     Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820) Nguyễn Phúc Kiểu lên ngôi và đặt niên hiệu là Minh Mệnh. Lúc này ông đã 30 tuổi và việc triều chính đã được dự bàn làm quen từ nhiều năm trước, do đó ngôi vị Hoàng đế ngay từ những buổi đầu kế vị là một điểm cực kỳ thuận lợi của Minh Mệnh, để từ đó xuất phát những ý tưởng mới chuẩn bị cho công cuộc cải cách hành chính quy mô sau này. Song phải nói rằng ý tưởng cách mạng của một vị vua phải bắt nguồn từ tư tưởng chính trị chủ đạo trong con người họ, nó đã được hình thành từ nền tảng giáo dục, học tập qua quá trình dài cùng với thực tế lịch sử, thiết chế chính trị mà vua Minh Mệnh đã trải nghiệm trước khi lên ngôi.

     Tư tưởng chính trị xuyên suốt toàn bộ quá trình cải cách hành chính ở đây không phải chỉ là riêng tư tưởng chính trị của Minh Mệnh mà là tư tưởng của hàng ngũ đại thần văn quan võ tướng vương công trụ cột của triều đình mà Minh Mệnh một minh quân là người đại diện. ðây chính là tư tưởng tôn Nho và đề cao pháp trị xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế giữ vững sự thống nhất của một quốc gia độc lập. Đó chính là thuyết tôn quân quyền của Nho giáo Đông phương. Từ học thuyết tôn quân quyền đến chế độ quân chủ chuyên chế ngay từ thời Lý – Trần đã được xây dựng củng cố và phát huy cao độ ở thời kỳ Lê sơ. Những ý nghĩa tích cực và thành tựu của vua Lê Thánh Tông đã được vua Minh Mệnh coi là tấm gương sáng như mục đích cao cả để phấn đấu.

     Ngôi vị Hoàng đế mà Minh Mệnh kế vị đã được ông ý thức và chủ động ở mức cao nhất. Hoàng đế quyền tối cao định đoạt tất cả muôn việc, thay trời hành đạo ở cõi Nam. Là Thiên tử, Hoàng đế nhận mệnh của trời nên ngay trong giai đoạn trị vì ông đã cho chế tác Bảo Tỷ có nội dung Vua ở ngôi thiên tử nhận mệnh trời dùng làm ấn truyền quốc. ðó là các ấn Ngọc Tỷ Thụ mệnh vu thiên ký vĩnh xương (nhận mệnh ở trời được sống lâu thịnh vượng), Hoàng đế chi bảo, Hoàng đế chi tỷ (Ngọc tỷ của Hoàng đế). Đại Nam thiên tử chi tỷ (Ngọc tỷ của Thiên tử nước Đại Nam).

     Tư tưởng chính trị của Minh Mệnh cũng chính là tư tưởng chính trị của Đại thần Trịnh Hoài Đức, Đặng Đức Siêu, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, mà đối với Minh Mệnh, họ vừa là người thầy học, vừa là những người cố vấn chính trị trong việc xây dựng chủ trương đường lối canh tân quốc gia. ðược sự ủng hộ của nhiều văn quan, võ tướng trụ cột của triều đình, đồng thời không vấp phải sự phản ứng đáng kể nào trong việc chuẩn bị cho công cuộc cải cách hành chính. Do đó ngay từ năm đầu mới lên ngôi ông đã có những động thái tích cực cho công tác chuẩn bị canh tân lớn trên nhiều lĩnh vực, chủ trương tôn Nho, đề cao Nho học bước đầu xây dựng cho chế độ văn quan, để thay dần cho chế độ quân quản phân quyền thời vua cha. Minh Mệnh đã chú trọng đến việc tuyển chọn nhân tài qua con đường khoa cử và các hình thức khác. Chế độ văn quan có được coi trọng và phát huy ở mức độ nào chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá tiến trình phát triển toàn bộ hệ thống hành chính trên toàn lãnh thổ.

     Cải cách hành chính ở bất cứ một triều đại nào, thời kỳ nào bao giờ cũng là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, trên nhiều lĩnh vực và tất yếu là không ít khó khăn phức tạp. Nó chỉ được thực hiện ở một quốc gia thống nhất, ổn định về chính trị, không có chiến tranh và mâu thuẫn nội bộ lớn. Sự kiện Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử năm 1812 niên hiệu Gia Long thứ 11 chính là sự trấn áp kiên quyết đối với những mầm mống đối trọng. Chủ trương của một số quan tướng mà đứng đầu là Nguyễn Văn Thành có trái ý Gia Long không hẳn là việc truyền ngôi kế thừa mà sâu xa hơn nó là vấn đề muốn duy trì chế độ phân quyền giữ mãi địa vị quyền lực của mình. Phải nói rằng ý tưởng canh tân đất nước – sự chuẩn bị cho công cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh bước đầu đã vô cùng thuận lợi, bởi thực tế khi ông mới kế vị không vấp phải một phản ứng chính trị đáng kể nào.

    Công cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh không phải diễn ra một cách tuần tự đều đặn đơn giản mà diễn biến của nó với cả một quá trình không ít phức tạp kéo dài trong nhiều năm. Đấy là sự chuẩn bị với nhiều biện pháp tích cực cho công tác cải cách hành chính. ðấy là việc phải thay đổi ngay cái cũ, lập cái mới tạm thời. Tạo một bước đệm vững chắc cho việc thiết lập cái mới hoàn thiện. Đấy là sự phát triển, xây dựng thêm hoàn thiện cái đã được đặt nền móng từ vương triều trước. Và cuối cùng là việc xóa bỏ hoàn toàn cái cũ để xây dựng cái mới hoàn chỉnh. Tất cả những điểm đó là sự chuẩn bị, bắt đầu và diễn biến của cả một quá trình canh tân thay đổi lớn toàn diện từ Trung ương xuống địa phương, từ lực lượng quân đội đến những đơn vị lớn nhỏ rải rác trên toàn quốc. Đó chính là công cuộc cải cách hành chính quy mô và đồng bộ gần như xuyên suốt hai phần ba cuộc đời Hoàng đế Minh Mệnh.

     Khởi đầu trong sự nghiệp cải cách Minh Mệnh là việc đổi mới một bước cơ quan thân cận của nhà vua là Tam nội viện. Đó là bộ phận văn phòng đảm bảo tính công tác văn thư hành chính ở ðại nội sát nơi làm việc của Minh Mệnh. Tam nội viện bao gồm: Thị thư viện, Thị hàn viện và Nội hàn viện được lập từ năm Gia Long thứ 1 (1802). Tháng Giêng năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mệnh thứ 1 (1820) ngay khi vừa lên ngôi, Minh Mệnh đã cho tinh giản ngay tổ chức Tam nội viện và đổi làm Văn thư phòng. Đồng thời là việc ban cấp ấn tín mới gọi là Quan phòng chức vụ cho Văn thư phòng sử dụng. Đây là sự xác định rõ ràng chức năng quyền hạn của một cơ quan độc lập kề cận Hoàng đế, bộ phận hành chính đầu não Trung ương quan trọng nhất. Mười năm sau sang Minh Mệnh thứ 10 (1829) để đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới của công tác Văn thư phòng đối với toàn bộ hệ thống hành chính, các cấp Minh Mệnh đã thiết lập Nội các thay thế cho Văn thư phòng. Ở đây Minh Mệnh cùng đình thần không chỉ dựa trên thực tế hoạt động của Văn thư phòng mà còn tham bác cơ cấu tổ chức hành chính của hai triều đại Minh – Thanh Trung Quốc.

     Muốn cải cách hành chính và vấn đề cải cách ở các cấp các ngành có hiệu quả không, điều đó còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, khả năng quản lý điều hành của hàng ngũ quan lại các cấp. Do đó việc giáo dục đào tạo tuyển chọn nhân tài qua khoa cử đã được Minh Mệnh quan tâm khi kế vị. Quốc tử giám mặc dù được lập từ năm 1803 xong về tổ chức và quy mô còn quá sơ sài. Ngay đầu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) nhà vua đã bước đầu cho cải cách về cơ cấu tổ chức và cho xây dựng thêm học đường nhà cửa ở Quốc tử giám. Các chức Chánh phó, Đốc học bị bãi bỏ và thiết lập cơ cấu lãnh đạo Quốc tử giám theo mô hình thời Lê Thánh Tông với các chức Tế tửu, Tư nghiệp, Học chính rồi đến Giám thừa, Điển bạ. Các quy chế về tuyển sinh, thi cử cấp học bổng được ban hành và thực thi. Chế độ khoa cử đã được nâng cao với việc mở khoa thi Hội, và thi Đình.

     Khoa thi Hội đầu tiên thời Minh Mệnh là khoa Nhâm Ngọ ngày 28 tháng 3 năm 1822 với 4 kỳ (trường) tổ chức ở phía Nam trong kinh thành Huế. Tiếp ngay tháng 4 năm Nhâm Ngọ này triều đình tổ chức khoa thi ðình gọi là Điện thí thứ nhất. Các thí sinh dự thi tại Tả, Hữu vu bên sân điện Cần Chánh đối sách theo đề vua ban. Hai mươi năm dưới triều Minh Mệnh đã thực hiện được 6 khoa thi Hội số đỗ trúng cách (được vào thi Hội) là 56 người, đỗ Phó bảng là 20 người. Sáu khoa thi đình lấy đỗ tổng cộng là 56 Tiến sĩ xuất thân. Không kể là 7 khoa thi Hương, tính từ khoa Tân Tỵ (1821) với số lượng đỗ chính thức và giải ngạch rất nhiều ở các trường thi tỉnh lớn toàn quốc. Sự thành công trong khoa cử thời Minh Mệnh đã tăng cường và bổ sung hoàn chỉnh cho hàng ngũ quan lại các cấp. Đó chính là cốt lõi quan trọng trong thực hành cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương.

     Không chỉ có ý nghĩa đối với công cuộc cải cách hành chính, những văn quan xuất thân từ khoa cử này còn đóng góp trên nhiều lĩnh vực cả trong sự nghiệp xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm. Đó là Vũ Đức Khuê, Phan Bá Đạt, Hoàng Tế Mỹ, Phan Thanh Giản, Vũ Tông Phan, Ngụy Khắc Tuần, Bùi Ngọc Quỹ, Phạm Thế Hiển, Trương Quốc Dụng,… Công tích và tên tuổi của họ còn lưu danh trong lịch sử.

     Việc đặt cấp và phong chức cho các quan ở Quốc tử giám và việc lập các trường thi luôn song hành với việc cấp ấn tín cho quan chức sử dụng trong công vụ. Những quy chế ngắn gọn ghi về vấn đề này vẫn còn ghi trong sử sách, trong việc tìm ấn tín ở giai đoạn cải cách đối với chúng tôi thật là khó khăn. Có thể việc dẫn chứng những ấn dấu hữu quan ở các niên hiệu vua kế tiếp sau được đưa vào cũng tạm coi là hợp lý như những tư liệu tham khảo.

    Hệ thống hành chính Trung ương có quy mô rộng lớn và quan trọng hơn cả là Lục bộ. Lục bộ đã được thiết lập từ năm Gia Long thứ 3 (1804) nhưng có cơ cấu tổ chức mới chỉ là những ghép nối của quan chức chế nhà Lê – Đàng Ngoài và chúa Nguyễn – Đàng Trong. Danh chức Thượng thư, Tham tri, Thiêm sự, Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp ở Lục bộ đối với Minh Mệnh được coi là bất hợp lý cần phải thay đổi. Ngay niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821) trên cơ sở cơ cấu Lục bộ thời Lê Thánh Tông và thực tế xã hội nhà vua đã bước đầu đổi mới hệ thống Lục bộ với việc đặt thêm các chức Lang trung, Chủ sự và Tư vụ ở các bộ. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) bãi bỏ chức Cai hợp và Thủ hợp. Đến Minh mệnh thứ 7 (1826) để bổ sung cho hàng ngũ Trưởng quan, ông đặt thêm chức Tả, Hữu Thị lang xếp dưới Tả, Hữu Tham tri, đồng thời xếp chức Lang trung để thay bỏ chức Thiêm sự. Tiếp năm sau 1827 lại đặt chức Viên ngoại lang để thay bỏ chức Câu kê.

     Quá trình cải cách hệ thống Lục bộ song song với việc xây dựng hoàn thiện cơ cấu tổ chức là việc đầu tư kinh phí cho việc kiến tạo trụ sở cơ quan làm việc cho rộng lớn và đồng bộ. Toàn bộ Bộ đường của 6 bộ đã được xây dựng đồ sộ ở khu vực bên tả của Hoàng cung theo thế liên hoàn để tạo thuận lợi trong quan hệ công tác và thực thi công vụ của các bộ và đảm bảo hệ thống chung. Thiết kế xây dựng trụ sở được bố trí kiến tạo từ Tây sang ðông lần lượt theo thứ tự 6 bộ là: Lại – Hộ – Lễ – Binh – Hình – Công.

     Như vậy sau 8 năm kế vị Minh Mệnh đã hoàn thiện về cơ bản cải cách ở hệ thống Lục bộ, chức năng nhiệm vụ cũng như quy mô của Lục bộ đã được nâng cao hơn nhiều so với đời Gia Long. Kết quả bước đầu cải cách trong cơ cấu Lục bộ này cũng là điều tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu chung của toàn xã hội trên nhiều lĩnh vực về mặt hành chính. ðến đây về cơ cấu lãnh đạo cũng như thuộc viên ở mỗi bộ đã ổn định theo thứ tự đi đôi với phẩm hàm riêng. Thượng thư hàm Chánh nhị phẩm, Tham tri – Tòng nhị phẩm, Thị lang – Chánh tam phẩm, Lang trung – Chánh tứ phẩm, Viên ngoại lang – Chánh ngũ phẩm, Chủ sự – Chánh lục phẩm, Tư vụ – Chánh bát phẩm. Riêng Thư lại với số lượng đông cũng được phân làm các hạng áp dụng ở mỗi công việc chia làm Chánh hoặc Tòng bát phẩm, Chánh và Tòng cửu phẩm cùng Vị Nhập lưu Thư lại. Ở mỗ bộ đường ngoài số thuộc viên Thư lại có biên chế chính thức còn có những nhân viên đến tập sự công việc ở mỗi bộ gọi là Hành tẩu mà chủ yếu là những người đỗ Hương cống và Giám sinh đã qua tuyển chọn.

     Trong hệ thống lục Bộ, mỗi bộ đều có thuộc ty hoặc xứ quản việc ấn chương và trực hầu đóng dấu ấn vàng, ấn ngọc gọi Hầu bảo. Việc Hầu bảo diễn ra với nghi thức đặc biệt theo quy chế riêng khác với việc đóng dấu bình thường. Việc Hầu bảo và kiểm duyệt Hầu bảo do Bộ quan đương trực, Nội các, quan ở hệ thống Giám sát chịu trách nhiệm.

     Kim Ngọc Bảo Tỷ đều được cất giữ ở điện Trung Hòa, mỗi khi Nội các dùng đến Bảo Tỷ nào thì Bảo Tỷ ấy do các quan cung giám phụng đưa ra. Những Bảo Tỷ thường dùng như Sắc mệnh chi bảo, Văn lý mật sát mỗi khi được dùng thì các quan Nội các phải họp nhất trí với Bộ quan đương trực đặt một cái án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để (hầu Bảo) (tức đóng dấu). Cung giám bưng hòm ấn từ giữa cửa điện Cần Chánh đi ra kính cẩn đặt lên bàn ở giữa gian tả nhất, quan văn võ đại thần đương trực mỗi ban một người, một viên Sung biện Nội các, một viên thuộc Các đều mặc phẩm phục Hội đồng kính cẩn “hầu Bảo”, Bảo ấn Ngự tiền chi bảo đóng trên mặt chữ “Khâm thử”. Những tập sớ tấu có chữ châu phê thì đóng ở chỗ giấy bỏ không cuối tập. Những sách tâu của các thành, doanh, trấn (sau này là tỉnh) cùng nha môn các nơi ấy – Nếu là bản Giáp 甲 mà có châu phê thì đóng Ngự tiền chi bảo ở dòng cuối niên hiệu. Bản Ất 乙 là phụ đóng dấu triện, Quan phòng ðồ ký của nha môn trên chỗ tháng “mỗ” ở dòng ghi niên hiệu.

     Tất cả các sách tâu ở kinh, các sớ tâu trong kinh ngoài tỉnh nếu có chỗ tẩy xóa, bổ sung và chỗ giáp trang thì đóng Kiềm Bảo Văn lý mật sát để kiểm giáp.

     Nhưng khi có công việc quan trọng cần phải dùng đến những Bảo Tỷ đặc biệt như Hoàng đế chi bảo, Hoàng đế chi tỷ là những Bảo Tỷ ít dùng hơn các Kim Bảo trên thì phải theo nghi thức riêng. Đầu tiên cơ quan hữu trách làm phiến tấu trình Hoàng đế, những phiến tấu, phiếu nghĩ lấy hạn trong ba ngày. Bộ Lại trong khi chờ chiếu văn, thì trước một ngày phải làm phiến xin “hầu Bảo”, nội dung phiến trình bày sơ lược về số mục và đem bản thảo các đạo chiếu sắc các năm cần dùng giao cho Nội các sát hạch trước để phòng sai sót nhầm lẫn. Ngày “hầu Bảo” phải đặt hương án ở gian thứ nhất bên tả điện Cần Chánh. Quan Nội các kính cẩn bưng ấn báu để lên án. Hai bên có hai viên quản vệ đầu đội mũ đầu hổ, áo thụng thêu hình mãng xà đứng chầu. Quan Nội các, quan Thị vệ, Khoa đạo cùng Bộ quan trực thần mặc phẩm phục bước vào mở tráp… Quan Nội các niêm phong, rồi Nội thần nhận lấy kính cẩn bưng cất vào chỗ cũ. Mỗi lần dùng ấn vào công việc gì Hội đồng phải lập biên bản ghi vào sổ, hòm chìa khóa phải dâng vào Đại nội trước khi ra về.

     Cải cách hành chính đồng thời cũng là việc cải cách đổi cấp ấn triện ở mỗi cơ quan cấp ngành. Trong việc thay đổi ấn triện cấp Bộ, thì những ấn kiềm cũng được thu hồi không dùng nữa, thay vào đó là ấn mới trang trọng hơn. Ấn mới bằng bạc trắng đúc hình con kỳ lân, vuông 2 tấc 1 phân, dày 3 phân 6 ly, khuôn dấu dưới hình vuông có kích thước 9×9 cm, khắc 4 chữ Triện “Mỗ Bộ chi ấn”. Như vậy chữ “đường” 堂 trong ấn dấu cũ đã được lược bỏ đi, đồng thời đúc các kiềm bằng ngà cho lục Bộ để thay thế kiềm cũ. Kiềm mới làm theo hình tháp bằng đầu, khuôn dấu hình vuông 2,7×2,7cm, khắc 2 chữ Triện “Mỗ Bộ”. Tự dạng ở ấn lớn và kiềm nhỏ được khắc chung một kiểu chữ. Vua Minh Mệnh rất chú trọng hệ thống Lục Bộ, Thượng thư ở mỗi Bộ được coi là chức quan cao nhất trong hành ngũ văn quan, nên hình thức ấn cấp Bộ được làm theo hình kì lân, chỉ sau Kim Ngọc Bảo Tỉ của Hoàng đế.

     Dấu tích ấn triện trong hệ thống lục Bộ còn lưu lại ở dạng công văn hành chính được tập trung chủ yếu trên Châu bản triều Nguyễn. Ấn kiềm của Lục Bộ dùng đóng trên những bản tấu, tư, phụng chỉ, phụng biên, công văn sổ sách ở mỗi Bộ. Vị trí đóng dấu cũng phải tuân thủ theo quy định, ta thấy có sự khác biệt giữa thời kỳ quân quản triều Gia Long (1802 – 1821) và từ Minh Mệnh thứ 3 (1822) trở về sau. ðồng thời ngay trong cùng thời kỳ vị trí đóng dấu cũng khác nhau theo mỗi loại văn bản. Ở thời kỳ đầu đối với bản phụng biên, kê khai của bộ thì dấu được đóng chính giữa dưới chữ “nhật” 日 chữ cuối cùng của dòng ghi niên đại. ðối với bản tấu của bộ hoặc bộ tham gia cùng nha môn khác thì dấu được đóng lệch phía dưới văn bản bên cạnh phần ghi tên quan chức của người tham dự. Thời kỳ này dấu lớn cấp bộ có 5 chữ “Mỗ bộ đường chi ấn”. Chữ Triện trong dấu được xếp theo 3 dòng, chữ “đường” ở giữa lớn gấp đôi các chữ khác. Ví dụng một văn bản với nội dung bộ Lễ phụng biên việc đóng dấu vào một đạo sắc dụ cho Quốc vương Cao miên. Dấu “Lễ bộ đường chi ấn” 禮部堂 之印 đóng dưới chữ “nhật” của dòng niên đại ngày 28 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). (Xem H.1).

     Đến Cải cách Minh Mệnh, ấn cấp bộ cũng được thay đổi, nội dung chữ Triện trong dấu được lược bỏ chữ “đường” 堂 chỉ còn lại 4 chữ xếp theo hai dòng, cỡ chữ đều bằng nhau. Vị trí đóng dấu trên văn bản cũng có sự thay đổi, đối với bản văn do bộ cùng nhiều nha môn tham dự ở dòng ghi niên đại, dấu được đóng dưới chữ “niên”, phần trên dấu đè lên chữ “mỗ nguyệt”. Đối với bản sao lời dụ chỉ của vua thì dấu được đóng dưới chữ “cung lục”. Ví dụ minh chứng một văn bản trong Châu bản có nội dung: các quan ở bộ Lại lập bản kê các đạo chiếu đã dùng trong ngày. Dấu “Lại bộ chi ấn” 吏部之印 đóng dưới chữ “niên” dòng ghi niên hiệu ngày 13 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833). (Xem H.2).

     Một văn bản khác có nội dung: Các quan ở Tôn nhân phủ tấu về việc chi lương cho cháu người nhà tôn thất. Dấu “Hộ bộ chi ấn” 戶部之印 đóng dưới dòng chữ “Hộ bộ cung lục” 戶部恭錄 cách dòng ghi niên đại ngày 3 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). (Xem H.3).

     Dấu kiềm ở hệ thống lục bộ cũng có sự thay đổi trong cải cách hành chính. Bốn chữ “Khâm ty bộ mỗ chính” hoặc “Khâm ty lễ điển” được thay bằng 2 chữ “mỗ bộ” (ví dụ bộ Lễ thì dấu kiềm là “Lễ bộ”). Vị trí đóng dấu kiềm không có sự thay đổi nhiều, vẫn đóng ở chữ quan trọng, chỗ tẩy xóa với nơi giáp phùng.

     Ở tập Công văn cổ chỉ trong tờ “Tư di” (công văn chuyển đi) có hình con dấu kích thước 9x9cm, viền ngoài đậm 1cm, 4 chữ Triện “Hình Bộ chi ấn” (ấn của Bộ Hình) khắc vuông vức. Dấu đóng trên chữ “nguyệt” dòng ghi niên hiệu: “Minh Mệnh thập tam niên chính nguyệt thập ngũ nhật (ngày 15 tháng 1 năm Minh Mệnh thứ 13 (1822). Bên cạnh là dòng chữ Hán “Thừa thiên phủ dĩ Bắc chí Hà Nội chư địa phương quan”. Đây là bản công văn chuyển đi cho các địa phương từ phủ Thừa Thiên ra Bắc đến Hà Nội. Phần giáp trang ở phía dưới của văn bản này có hình dấu kiềm, đóng 2 chữ Triện “Hình Bộ” 刑 部 kích thước 2,7×2,7cm, kiểu chữ giống ấn lớn “Hình bộ chi ấn” trên. Đây là dấu kiềm của Bộ Hình cùng cặp với ấn lớn chuyên dùng đóng ở chỗ tẩy xóa với nơi giáp trang trên các văn bản chữ Hán của Bộ.

     Vài nét về vua Minh Mệnh với cải cách hành chính ở các cơ quan trung ương ở bài viết này, chỉ là mấy nét chấm phá đơn điệu trong một bức tranh toàn cảnh hoành tráng về công cuộc cải cách hành chính quy mô và đồng bộ triều Minh Mệnh thời Nguyễn – thời kỳ vàng son cuối cùng của thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam. 

     Chú thích:

     (1) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ – Nxb. Thuận Hóa – Huế. 1993, tr.27.

     (2) Xem Nguyễn Phúc tộc thế phả. Nxb. Thuận Hóa – Huế, 1995, tr.293.

     (3) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Sđd., tr.127./.

     Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), năm 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Downlaod file (PDF): Minh Mệnh với cải cách hành chính ở các cơ quan trung ương thời Nguyễn – Nhìn từ lịch sử và ấn chương hành chính (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Công Việt)