NGHI LỄ THEN đầy tháng – Khai bươn của NGƯỜI TÀY, NÙNG ở Đình Lập, Lạng Sơn
Tác giả bài viết: LÝ VĂN SỸ
(Trường THCS thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn)
NGUYỄN THỊ MINH THU
(Trường Đại học Sư phạm-ĐH Thái Nguyên)
TÓM TẮT
Ở Lạng Sơn nói chung, ở huyện Đình Lập nói riêng, nghi lễ Then của người Tày, Nùng vẫn được thực hành khá thường xuyên và có vai trò quan trọng đối với đời sống, trong đó không thể không kể đến nghi lễ Khai bươn -Then đầy tháng. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu về quá trình chuẩn bị, tiến trình thực hiện và phân tích, luận giải giá trị ý nghĩa của nghi lễ Khai bươn. Để thực hiện mục đích đó, chúng tôi đã tiến hành điền dã, quan sát thực tế, thu thập các bài ca, dịch nghĩa, phỏng vấn các nghệ nhân. Nghiên cứu cho thấy, nghi lễ đầy tháng được chuẩn bị cẩn thận, các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ và mang những nét đặc trưng gắn với mục đích của nghi lễ. Niềm tin tâm linh ấy được thể hiện qua quan niệm về thế giới các mường kì diệu với những vị thần và không gian thiên nhiên rộng lớn. Qua nghi lễ, người Tày, Nùng thể hiện tình yêu thương đối với những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình, cũng là truyền thống nhân văn tốt đẹp trong đời sống.
Từ khóa: Then; Then đầy tháng; Khai bươn; Dân tộc Tày, Nùng; Đình Lập.
ABSTRACT
In Lang Son, particularly in Dinh Lap district, the Then ritual of the Tay and Nung people is still regularly practiced and plays an important role in life, in which the Khai Buon -full month Then ritual cannot be ignored. This study aims to learn about the preparation process, implementation process and the value of the Khai Buon ritual. To achieve that purpose, we conducted fieldwork, observed the actual preparation and implementation process, collected songs, translated meanings, and interviewed artisans. Research results show that the full month ritual was carefully prepared, the offerings were fully arranged with specific items suitable for the purpose of the ritual. That spiritual belief can be reflected through the concept of the magical world of the Muong with mythical locations and vast natural space. Through the ceremony, the Tay and Nung people show theirlove for the young members of their family, which is also a good humanistic tradition in life.
Keywords: Then; Full month Then; Khai buon; Tay, Nung ethnic; Dinh Lap.
x
x x
1. Giới thiệu
Nghi lễ Then là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Tày. Từ lâu, diễn xướng nghi lễ Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của tộc người Tày ở Việt Bắc. Then không chỉ thể hiện đời sống vật chất, sinh hoạt, nghi lễ mà còn chứa đựng cả đời sống tình cảm vô cùng phong phú của con người. Vì thế, Then đã trở thành biểu tượng cho phong cách, tâm hồn và lối sống của người Tày, Nùng. Then mang trong mình sứ mệnh cao cả là cầu nối giữa con người và thế giới tâm linh, là liều thuốc tinh thần quan trọng suốt vòng đời con người, từ khi lọt lòng sinh ra cho đến lúc trưởng thành và về với tổ tiên. Trong cuốn Từ điển văn hóa Then, tác giả Hoàng Việt Bình đã đưa ra quan niệm về loại Then này như sau: “Then cổ là Then tín ngưỡng, phục vụ mục đích tâm linh. Đây là di sản văn hóa cổ truyền, chứa đựng trong mình những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp” [1, tr. 239].
Nghi lễ Then Khai bươn – Lễ đầy tháng của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn được coi là một trong những nghi lễ quan trọng, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nghi lễ thể hiện sự quan tâm chăm sóc, tình yêu thương của đại gia đình dành cho đứa trẻ, đồng thời đánh dấu thời điểm đứa trẻ được công nhận là một thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, làng bản; được che chở, đùm bọc, yêu thương để con cháu lớn lên cùng năm tháng. Một số vùng Tày ở Chiêm Hóa- Tuyên Quang, Chợ Đồn, Ba Bể- Bắc Kạn gọi là “lẩu ma nhét” (đám cưới con chó nhỏ), ở Bảo Lạc – Cao Bằng gọi là “món dè” (đầy tháng); hay một vài nơi ở Hà Giang còn gọi là “lẩu bươn, oóc bươn” (ra tháng). Nghi lễ Khai bươn ở Lạng Sơn và các tỉnh Việt Bắc thường mời thầy Mo, Then hoặc Tào về cúng. Đây là nghi lễ gắn với các bài Then cổ, phản ánh đậm nét văn hoá truyền thống của tộc người.
Then Tày vốn rất được quan tâm nghiên cứu trong nhiều công trình luận án, bài báo khoa học. Trước hết có thể kể đến bộ công trình sưu tầm: Then Tày, những khúc hát[2] hoặc công trình Hát Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam[3]. Công trình này gồm 3 quyển, trong đó, một phần của Quyển 1 đã giới thiệu lời hát trong nghi lễ Then của các nghệ nhân tiêu biểu người Nùng ở Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn và người Thái Trắng ở Điện Biên, Lai Châu. Bên cạnh đó, có thể kể đến một số bài viết nghiên cứu sâu về Then Tày như: Bảo tồn và phát huy hát Then trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật hiện nay[4]; Hình thức Shaman trong nghi lễ Then của người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn[5]; Nghệ thuật trình diễn nghi lễ Then của người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn[6]; Khảo sát Then hắt khoăn (giải hạn) của người Tày ởhuyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn[7]. Những nghiên cứu này tập trung khảo cứu về của nghi lễ Then của người Tày ở một số địa bàn của tỉnh Lạng Sơn để thấy rõ đặc điểm, giá trị và một số vấn đề về bảo tồn, phát huy Then trong đời sống đương đại. Ngoài ra, hát Then cũng đã được nghiên cứu gắn với vấn đề phát triển du lịch [8] hoặc khảo cứu sự vận động của Then Tày về một số phương diện như: môi trường diễn xướng, số lượng nghệ nhân thực hành, nội dung và việc truyền dạy trong đời sống hiện nay ở một số địa bàn khu vực phía Bắc [9]. Nhóm tác giả Đàm Thị Tấm, Hoàng Thị Phương Nga nghiên cứu về Then Nùng ở Thái Nguyên [10]. Bài viết đã mô tả diện mạo nghi lễ Sliên (cũng là một hình thức của nghi lễ Then) của người Nùng, Thái Nguyên qua một số vấn đề như: vũ trụ quan, quan niệm về người làm Sliên của người Nùng và một số nghi lễ Sliên. Tuy vậy, những nghiên cứu sâu về nghi lễ Then đầy tháng- Khai bươn mà người Tày, Nùng ở Đình Lập nói riêng, Lạng Sơn nói chung thì chưa có nhiều.
Kế thừa các nghiên cứu đã có, thông qua điền dã, phỏng vấn và quan sát trực tiếp nghi lễ Then Khai bươn, thu thập và dịch nghĩa các bài Then được thực hành diễn xướng trong lễ Then đầy tháng của người Tày, Nùng ở Đình Lập, Lạng Sơn, bài viết của chúng tôi tập trung phân tích giai đoạn chuẩn bị, tiến trình thực hiên nghi lễ, qua đó thấy được đặc trưng đậm bản sắc văn hoá Tày, Nùng được phản ánh trong một sinh hoạt văn hóa hiện vẫn còn “sống” trong đời sống của người dân Tày, Nùng nơi đây.
2. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi đã tiến hành thu thập tư liệu nghi lễ Then và các bài Then trong nghi lễ Then đầy tháng- Khai bươn của người Tày, Nùng ở Đình Lập, Lạng Sơn bằng phương pháp điền dã văn học và văn hoá dân gian, chủ yếu thông qua phỏng vấn các nghệ nhân Then, quan sát nghi lễ Then, ghi chép các bài Then. Trên cơ sở đó, chúng tôi nghiên cứu, phân tích quá trình chuẩn bị, tiến trình thực hiện nghi lễ Then gắn với các bài Then bằng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu.
3. Kết quả và bàn luận
3.1. Giai đoạn chuẩn bị nghi lễ Khai bươn- Lễ đầy tháng
Giai đoạn chuẩn bị được bắt đầu với việc đi mời thầy Then về định ngày làm lễ khi một đứa trẻ gần đến thời gian đủ tháng. Việc này tiến hành khá đơn giản, thường thì thầy Then sẽ xem ngày để tránh những điều trùng kỵ với gia chủ và dòng họ quy định nhưng hầu hết sẽ chọn ngày tổ chức lễ nhằm đúng ngày đủ tháng tuổi của đứa trẻ. Trong thời gian chờ thầy đến làm lễ, gia chủ luôn buộc trước cửa ra vào hoặc buồng ở cữ một lá bưởi, hoặc lá cây xương rồng, cây dâu tằm với ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ tà ma quấy phá đứa trẻ. Đúng ngày, thầy Then đến và chuẩn bị những công việc cần thiết cho buổi lễ. Các vật phẩm của buổi lễ cúng mụ gồm: đồ chay và mặn như gà, thịt lợn, hoa quả, xôi, bánh, đun rửa lá đào xông bàn thờ, làm nghi thức tẩy uế, đặc biệt trong đó phải kể đến cây hoa mụ. Cây hoa mụ có ý nghĩa tượng trưng cho số mệnh của đứa trẻ.
Qua quan sát thực tế và phỏng vấn anh Hoàng Việt Bình, tác giả cuốn “Từ điển văn hóa Then”, chúng tôi thấy, ở Lạng Sơn khi đứa trẻ chào đời đủ ba ngày đến một tháng tuổi, người nhà thường đi xem bói Then hoặc Tào (phạc sléc –xem tử vi) để xem số mệnh. Họ quan niệm những đứa trẻ chính là những bông hoa đẹp màu trắng (con trai), màu đỏ (con gái) do mụ ban về. Vì thế, khi cắt hoa, người ta thường dùng giấy màu đỏ và trắng làm màu chủ đạo, có một số vùng như Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan họ chỉ dùng đúng hai màu sắc đó. Ngày nay xã hội phát triển họ có pha thêm màu xanh, màu tím, màu vàng kim, màu mận chín hay hồng của giấy trang kim tạo nên cây hoa lung linh màu sắc. Hoa mụ thường được cắt theo số lẻ 3-5-7-9, đa số họ cắt 9 bông cho nữ (tượng trưng cho 9 vía) và 7 bông tượng trưng cho nam (7 vía). Người ta không cắt hoa màu vàng – màu vàng đơn vì Then quan niệm đó là hoa héo, hoa tàn. Cây hoa mụ có thể do thầy Then hoặc một người phụ nữ có tuổi làm. Thông thường với nghi lễ này, bên nhà ngoại sẽ mang chiếc bàn mụ và cây hoa về đặt cho đứa trẻ, gọi là Tiếu mụ va -An bàn bà mụ.
Khi mang chiếc bàn mụ đến, trước tiên bên ngoại sẽ tiến hành nghi lễ Tiếu va, họ kiêng không nói điều gì mà lẳng lặng đến nơi đã được thông báo trước và đặt chiếc bàn mụ, thường sẽ là bên cạnh phòng ngủ của vợ chồng trẻ; bây giờ, để tiện lợi cho thắp hương người ta đặt gần ban thờ gia tiên, mọi việc tiến hành nhanh chóng, cẩn thận và linh thiêng.
3.2. Tiến trình nghi lễ
Hành trình Then trong Nghi lễ đầy tháng – khai bươn của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường diễn ra qua những cung cửa, quãng đường: Báo hương –trình báo; Tiến hoa thánh mẫu; Lễ cửa Mụ; Vun hoa bà Mụ; Trình diện dân làng, bán cái xấu; Hồi binh mã đón vía về. Các lời Then và tiến trình nghi lễ được mô tả trong bài viết này thu thập từ nghi lễ Then đầy tháng được tổ chức tại gia đình anh Lý Anh Tú – thôn Kim Quán, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn do nghệ nhân Hoàng Thị Thăng tại thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn thực hành diễn xướng.
Bắt đầu nghi lễ với phần báo hương, tấu sớ, Then sẽ trình báo các cung cửa từ thổ công, thành hoàng làng đến cửa táo quân vua bếp và gia tiên tiền tổ, báo họ tên thứ mấy và từ đây làng bản, dòng họ, gia đình có thêm một thành viên mới cần được các vị thần linh che chở.
Tiếp đó, Then tiến hành nghi thức tiến hoa lên thánh mẫu (bà mụ). Với quan niệm, con người sinh ra trên thế gian này đều do 12 bà mụ ban cho, hình hài do các bà nặn ra và coi sóc phần hồn vía. Mỗi bà mụ một tính nết, vì vậy người ta cho rằng tính cách của con trẻ ra sao cũng do bà mụ dạy bảo, có những bà mụ sinh ra ở tận những miền xa xôi như mụ Slử-mụ Xứ thì Then phải vượt biển đến thiên triều ngoại quốc, đến chợ Xứ-háng Slử để tìm được các loại hoa đẹp nhất để đi cúng tiến, Then có đoạn tả:
Slíp nhì tụ mụ bioóc păn mà Slip nhì tu mụ va sinh thế Păn lục lồng tu thế…giang Bioóc sinh lồng tu thể khôn ngoan Bioóc sinh lồng tần gian khôn khéo | Mười hai bà mụ sinh hoa về Mười hai bà hoa sinh con xuống Xuống trần thế họ….. Hoa sinh xuống trần thế khôn ngoan Hoa sinh xuống trần gian khôn khéo 1 |
Cuộc hành quân lên thiên giới phải vượt non xuống biển, trải qua rất nhiều gian nan thử thách và khó khăn mới tới đích. Trên đường đi, với những phép màu và quyền năng của Then, họ đã vẽ nên những bức tranh đẹp đẽ đầy mê hoặc; đó là những cánh rừng của tre trúc màu xanh ngút ngàn, những cây hoa chuối đỏ rực cả một bìa rừng tượng trưng cho những chú gà đang gáy vang khắp triền non, những quả bí ngô tượng trưng cho vài chú lợn mấy tạ; những bông hoa vặc viền, những chùm hoa tướng quân, hoa mua, hoa sim….
Phiên âm tiếng Nùng: Lọt khỉn pá nát vài kin Pá nim vài nhuồng Pá pàu lau thú Pá mú lau xiêm Khỉn đông cáng lò Khỉn pò queng quý Bioóc lỏng phông ban Bioóc đông ngàn hom ngứt Pi cuổi khê chang đông Bioóc tưởng quân đại ngàn | Tạm dịch: Lọt lên triền đồi trâu ăn Đồi sim trâm dẫm Rừng vầu làm đũa Rừng chít làm xiêm Lên rừng (chim) cáng lò Lên đồi queng quý Hoa vặc viền đua nở Hoa trên rừng thơm ngát Hoa chuối ở trong rừng Hoa tướng quân đại ngàn1 |
Cũng có khi hành trình ấy lại xuất hiện những vị thần linh cản trở, quân Then phải ra sức chống chọi như “mường khau khắc khau hai” –là những nơi nắng chói chang, cây cỏ khô héo, không có nguồn nước hoặc phải năn nỉ, giao kèo mỏi mệt bên sông Ngân Hà với vợ chồng Sluông quan-phu đò khó tính để tìm cách gọi chồng Sluông chèo thuyền vượt biển lên cung mây mới đích:
Phiên âm tiếng Nùng: Thâng nàng khau khắc đét lai Mường khau hai đét chói Khau khắc bố co mạy tàu khăm Bố co lăng tàu đét ….. Khỉn mè nước sông không nước hỡi Tống tờ cạ Sluông báo Sluông quan Sluông báo khoái pây chèo lừa hử quan Sluông quan pây chèo thuyền hử chủa Mè Sluông cạ pò nọng téng bất bán mà Pò nọng téng pia bán lại Au lăng mà đón đãi quan Then Au lăng mà đón chúa ? Anh cá cạmè Sluông bố chảng bả lăng lai Bố chảng quai lăng mãi Khoái khoái au lừa cải đón quan Au lừa luông đón chúa … | Tạm dịch: Đến khau khắc nắng lắm Mương khau hai nắng chói Khau khắc không có cây bóng Không che được nắng …. Lên chốn bến sông cung nước hỡi Tống sớ phát phiếu lên chốn phu đò Phu đò mau chèo thuyền cho quan Sluông quan mau chèo thuyền cho chúa Vợ Sluông bảo chồng đi câu cá chưa về Chồng em đi câu cá chưa lại Lấy gì về đón đãi quan Then Lấy gì về đón chúa? Anh quan bảo vợ Sluông đừng có nói dối gian Đừng nói khôn ngoan lắm Nhanh mau lấy thuyền lớn đón quan Lấy thuyền to đón chúa…2 |
Sau khi vượt những chặng đường vất vả, Then tiến lễ đến cửa Mụ, Then bày lễ vật vào cửa và lệnh quân lính đón ngoài dinh để cốc chúa vào chầu, xin bà mụ bước chân ra ngoài dinh khám lễ vật đủ đầy. Người Tày Nùng rất trọng việc sinh con đầu lòng, vì vậy trong lễ này, bên thông gia cháu bé sẽ cân nhắc tình hình kinh tế để quay lợn sang biếu nhà nội và cũng là món quà mừng đầy tháng được coi là phong tục hậu hĩnh nhất. Ngoài ra còn có cả võng – chòa, ứ; địu – ỏm đa; tã – ỏm; cây hoa mụ- bioóc mụ, hoa cắt bằng giấy xanh đỏ, trắng; một số nơi cho hoa đỏ là con gái, hoa trắng là con trai; người ta kiêng màu vàng, coi là hoa tàn hoa úa; xôi gà đồ chay cúng Mụ.
Bày hết lễ vật vào cửa Mụ, Then thỉnh mời bà mụ nhập về vọng tiếng cùng gia đình, lúc này Then che mặt và phán những điều tốt đẹp và cầu cho cháu bé, mong cháu hay ăn chóng lớn, mạnh chân khỏe tay, gia đình êm ấm, sau đó ngài chấp lễ và thăng. Thầy Then ngay lập tức xin vía về cho cháu bé, nhắc người giúp việc hóa vàng mã và các lễ vật dâng cúng cho nhà ngài.
Then tiến hành nghi lễ cúng Mụ xong sẽ vun hoa bà mụ. Người nhà cầm một mâm gạo, đặt cây hoa lên trên và đem theo một đấu gạo trắng để vun hoa. Cây hoa do nhà ngoại đem đến được đặt trong khay, cốc hoặc ống bơ có đựng gạo và những bông hoa tươi theo mùa như hoa kháo, hoa lầm, hoa mạ…, người ta dùng hương để vây xung quanh ống hoa từ 7 và 9 que, tượng trưng cho vía con trai và con gái. Đến giờ Then sẽ múc gạo đổ xuống gốc và thân cây hoa với những lời chúc cầu may mắn bình an cho con trẻ, sau đó người nhà và họ hàng sẽ tiến hành các bước như vậy cùng với những chiếc hồng bao lì xì mừng tuổi cho cháu bé. Một số nơi,người ta còn múa chầu vun hoa hoặc đại biểu nhà thông gia sẽ trổ tài hát sli nai cúng hỉ, cỏ lảu, người Tày có bài lượn khai bươn với nội dung chúc tụng kính mừng toàn gia.
Then có đoạn ghi:
Phiên âm tiếng Nùng: Pủ bi oóc mắn pần phia Pủ va na pần đán Phạ lầm bố khỉn tảo Phạn gạo bố khỉn phèn Ai nào muốn đu lèn bố đảy | Tạm dịch: Vun cây hoa chắc như núi Vun cây hoa chắc như đồi Gió lay không động Trời lay không chuyển Ai nào muốn ghen tỵ không được 3 |
Sau khi vun hoa xong, đứa bé được thầy Then cho phép đưa ra trình diện họ hàng và phân công cho một người nào đó nhanh nhẹn trong dòng họ địu đi ra đầu ngõ làm nghi thức khai bả-bán cái xấu. Người ta phát kẹo, cầm theo bút vở sách với hàm ý mong muốn sau này em bé sẽ thông minh ham học hỏi, ngoan ngoãn và biết quan tâm, chia sẻ với mọi người.
Phiên âm tiếng Nùng: Sle hử lục bioc sinh bươn ngoà Lục ngán đo bươn cón Lục mả pần co lùng Lục slung pần co cuổi Lục mả pần báo Lục miao pần slao Nòn đỉ như cáy phặc Nòn đắc như cáy thướn Mứn pần tua hon Nòn pần tua uổn | Tạm dịch: Cho con hương sinh đủ ngày đủ tháng Con sinh mới đủ tháng vừa rồi Con lớn như cây đa Con cao lớn như cây chuối Con khôn lớn như trai trưởng thành Con lớn khôn như gái đã lớn Ngủ ngon như gà đang ấp trứng Ngủ say như con gà rừng Lúc thức tỉnh táo như con gà trống Lúc ngủ như con dúi |
Người Nùng Cháo ở vùng Tân Mỹ, Văn Lãng còn có một tục lệ gọi khay slêm- khai tâm. Sau khi đứa trẻ được địu đi bán cái xấu thì bên ngoại sẽ đưa ra chỗ thầy Then nhờ thầy Khay Slêm cho đứa trẻ. Việc này được tiến hành như sau: Gia đình sẽ mang một chiếc mẹt, một con gà và chiếc dao, sách vở bút nghiên. Sau đó nhờ thầy Then niệm chú vào đó và phân con gà ra nhiều phần, thầy Then thay mặt vía của đứa trẻ để phân chia các phần thịt của con gà rồi chia cho mọi người tham dự cuộc lễ. Mỗi lần phân chia thầy nói với đại ý, phần này cho ông, chỗ này cho bà để sau này con được mạnh khỏe, yêu thương mọi người. Đối đáp lại thành ý của em bé, mọi người vui vẻ đón nhận và chúc cho em những lời tốt đẹp nhất. Ý nghĩa của việc này là mong cháu bé hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, khi lớn lên thì biết sẻ chia, yêu thương rộng lòng nhân ái với những người thân trong gia đình và dòng họ, bản làng thôn xóm…
Kết thúc hành trình, thầy Then quản vía đứa bé về theo quân Then và hồi binh mã về trạm nghỉ ngơi.
4. Kết luận
Then là tiếng nói của nỗi khổ đau, niềm vui sướng và cả sự hy vọng, đeo bám vòng đời của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến lúc trở về với cát bụi, Then như bà mẹ hiền che chở và cứu giúp cho phần khoăn (hồn, vía) của con người được bình an, mạnh khỏe.
Trong những nghi lễ vòng đời ấy của con người, nghi lễ Then Khai bươn có nhiều giá trị, ý nghĩa tốt đẹp trong phong tục tập quán của người Tày, Nùng ở nước ta, đặc biệt nó đánh dấu bước ngoặt đầu đời của con người. Về văn hóa tín ngưỡng, nó thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo với đấng thiêng liêng – bà mụ, khát vọng được chở che, vỗ về, bảo vệ sự bình an cho hồn vía của đứa trẻ. Về văn hóa gia đình, nghi lễ thể hiện tình yêu thương, đùm bọc, chở che của mọi người trong gia đình với đứa bé mới sinh nở. Về ý nghĩa xã xội, nó là điểm chấm ban đầu đánh dấu một con người tham gia vào cộng đồng xã hội, từ đây đứa trẻ được gia đình, làng bản, thôn xóm bảo vệ và thừa hưởng những giá trị cuộc sống từ cộng đồng. Như vậy, bằng sức truyền cảm của âm nhạc, thơ ca và hành trình diễn xướng của các thầy, Then đã dẫn đường cho gia chủ mang lễ vật từ cõi trần đến cõi thiêng, đề đạt ý nguyện, cầu mong sức khỏe, bình yên, hạnh phúc, phần nào làm chọn chức năng an ủi, khích lệ gia chủcũng như bản thân người được làm lễ. Để rồi, sau khi nghi lễ kết thúc, con người thấy lòng mình bình yên hơn, hăng hái và tựtin dấn mình vào cuộc sống, ra sức cải tạo nó bằng bàn tay và khối óc của mình.
Có thể nói rằng, trải qua biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Then của người Tày và Nùng ở Đình Lập, Lạng Sơn đã tồn tại và thực sự là những vị thuốc tinh thần giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây bám đất bám rừng, sinh tụhòa hợp cùng các dân tộc khác, chung sức đồng lòng dựng xây nên những bản làng trù phú, quê hương tươi đẹp. Với ý nghĩa này, nghi lễ Then Khai bươn tạo nên dấu ấn văn hóa bản sắc tộc người, mang những giá trị tích cực có thể lan tỏa trong một phạm vi rộng lớn hơn.
__________
1. Tư liệu các bài Then Nùng sưu tầm ở Đình Lập, Lạng Sơn (được diễn xướng bởi nghệ nhân Hoàng Thị Thăng tại thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).
2. Tư liệu các bài Then Nùng sưu tầm ở Đình Lập, Lạng Sơn (được diễn xướng bởi nghệ nhân Hoàng Thị Thăng tại thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).
3,4. Tư liệu các bài Then Nùng sưu tầm ở Đình Lập, Lạng Sơn (được diễn xướng bởi nghệ nhân Hoàng Thị Thăng tại thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).
TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES
[1] V. B. Hoang and V. T. Ly, “Then” culture dictionary. World Publishing House, Hanoi, 2021.
[2] A. Trieu, Then Tay songs. National Culture Publishing House, Hanoi, 2000.
[3] Vietnam National Academy of Music, Singing Then by Tay, Nung, Thai ethnic groups in Vietnam, vol.1, National Culture Publishing House, Hanoi, 2018.
[4] T. T. N. Nguyen, “Preserving and promoting Then on the current performing arts stage,” Journal of Cultural Studies, no. 15, pp. 33-37, March 2016.
[5] T. T. N. Nguyen, “Shaman forms in “Then” ritual of Tay people in Bac Son district, Lang Son province,” Journal of Cultural Studies, no. 16, pp. 39-48, June 2016.
[6] T. T. N. Nguyen, “Performing arts in “Then” ritual of Tay people in Bac Son district, Lang Son province,” Art and Culture Magazine,no. 391, pp. 15-18, 2017.
[7] T. H. Nguyen, “Survey on the then Hat Khoan (term release) ceremony of the Tay people in Dinh Lap district, Lang Son province,” Master thesis, Ha Noi National University of Education, 2002.
[8] T. S. L. Nguyen,T. A. Le, and N. L. Nguyen, “Exploiting the value of Then practice in tourism development based on experience of some types of folk performance,” TNU Journal of Science and Technology, vol. 225, no. 10, pp. 61-68, 2020.
[9] T. M. T. Nguyen, “The movement of Then in the life of the Tay people in some areas in the North,” Journal of Lexicographic and Encyclopedias, vol. 3, no. 77,pp. 55-60, May 2022.
[10] T. T. Dam andT. P. N. Hoang, “Nung’s Slien in Thai Nguyen province, ”ScienceJournal of Tan Trao University, no. 8, pp. 43-47, October 2020.
Nguồn: TNU Journal of Science and Technology, 228(11): 324-330
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nghi lễ Then đầy tháng – Khai bươn của người Tày, Nùng ở Đình Lập, Lạng Sơn (Tác giả: Lý Văn Sỹ, Nguyễn Thị Minh Thu) |