Nguồn gốc con Rồng từ góc nhìn văn hóa (Kỳ 1)

Tác giả bài viết: TRẦN NGỌC THÊM – NGUYỄN NGỌC THƠ

     Rồng là một biểu tượng văn hóa có độ phổ biến vào loại cao nhất trên thế giới. Tên gọi “Rồng” dùng để chỉ cả các con vật tưởng tượng lẫn con vật có thật, cả Rồng và không phải Rồng. Và cũng vì vậy, biểu tượng Rồng chứa nhiều điều phức tạp và rắc rối nhất. Trong đó, khó khăn hơn cả là vấn đề nguồn gốc của Rồng.

     Từ cuối thế kỷ XIX, hình tượng con Rồng bắt đầu được nghiên cứu ở phương Tây. Lúc này, sau khi phát hiện ở các nước lân cận Trung Hoa như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, và vùng Đông Nam Á… cũng có hình tượng con Rồng, người ta đã vội kết luận rằng đó là sự sao chép từ con Rồng Trung Hoa.

     Trong Cơ sở văn hóa Việt Nam (1995) và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996), trên cơ sở tổng hợp một số tư liệu, Trần Ngọc Thêm từng đã khẳng định rằng Rồng có nguồn gốc từ vùng văn hóa Bách Việt và là sự kết hợp của hai con vật nguyên mẫu rất phổ biến ở vùng sinh thái này là rắn và cá sấu. Song, để cho luận điểm này có sức thuyết phục thì cần có những lập luận và chứng minh toàn diện hơn. Nghiên cứu một vấn đề phức tạp như văn hóa Rồng, rất cần phải có sự tiếp cận từ góc độ của nhiều khoa học khác nhau để tìm ra những bằng chứng hỗ trợ và soi sáng cho nhau.

     Cách đây không lâu, từ góc độ ngôn ngữ học, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã có bài “Về tên gọi con Rồng của người Việt” đăng trên tạp chí Diễn đàn số 94 (Paris, tháng 3- 2000), và sau đó có thêm hai bài bổ sung và giải thích rõ hơn một số chi tiết (x. cả ba bài trong [Nguyễn Tài Cẩn 2001]). Các bài viết quan trọng này làm sáng tỏ nhiều điều liên quan đến tên gọi Rồng trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ Đông Nam Á, mà nội dung cụ thể có thể quy về ba điểm chính như sau: (1) Ở thời tiền sử, tên gọi Rồng đã có mặt trong nhiều ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt mà dấu vết có thể tìm thấy trong các ngôn ngữ bà con xa gần với nhóm ViệtMường; (2) Thìn, cũng như tên 12 chi, là tên gọi do người Hán vay mượn từ một ngôn ngữ nào đó ở vùng Hoa Nam; (3) Vào thời Bắc thuộc, tiếng Việt đã vay mượn thêm ba từ, đều xuất phát từ cách đọc của chữ long chỉ con Rồng trong tiếng Hán: Rồng là tên xưa nhất, vay vào thời Hán; (thuồng) luồng là tên gọi mượn vào khoảng từ sơ đến trung Đường; long là tên gọi vay muộn nhất, vào khoảng cuối Đường [Nguyễn Tài Cẩn 2001: 20-41]. Nhưng nếu rồng, luồng, long đều bắt nguồn từ /long/ tiếng Hán, vậy thì long của tiếng Hán bắt nguồn từ đâu?

     Ở Trung Hoa, trong hơn 20 năm trở lại đây, việc nghiên cứu hình tượng con Rồng cũng rất phát triển: Cố Phương Tùng [1984] với Long phụng đồ án nghiên cứu; Dư Tử Lưu [1985] với Long đích căn; Vương Thành Trứ [1985] với Long phụng văn hóa; Từ Hoa Dương [1988] với Trung Hoa đích long; Phế Tần [1988] với Long đích tập tục; Hạo Xuân & Cao Chiếm Tường [1999] với Long phụng thành tường; Vương Duy Đề [1990, 2000] với Long đích tông tíchLong phụng văn hóa, Hà Tân [2004] với Đàm long thuyết phụng, Dương Thanh [2004] với Văn hóa rồng ở vùng hồ Động Đình… Ở phương Tây có Graeme Base với Discovery of Dragons (Khám phá Rồng); Michael Hague với The book of dragons (Sách về Rồng)… Các tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau (khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ – văn tự, văn hóa dân gian…) tập trung lý giải một phần nguồn gốc thần thoại của con Rồng.

     Trên cơ sở những kết quả thu lượm được, bài viết này phác thảo một bức tranh tổng thể về nguồn gốc con Rồng và con đường đi của Rồng.

     Từ thế giới đến Đông Á

     Rồng có mặt ở hầu khắp mọi khu vực trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Xét về hình dáng, có thể phân thành Rồng-bò sát (rắn, cá sấu, thằn lằn), Rồng-chim, Rồng-thú… hoặc kết hợp của các loại này. Xét về tính cách, có thể phân thành Rồng ác, Rồng thiện, Rồng trung tính.

     Rồng châu Mỹ

     Rồng ở châu Mỹ đa số là Rồng thiện, là các vị thần của các cư dân địa phương, xuất hiện cách nay khoảng 2 đến 3000 năm, tức là trong thiên niên kỷ thứ nhất trCN. Nếu biết rằng thổ dân Mỹ là do cư dân Đông Á (chủng Mongoloid) di cư tới Mỹ vào khoảng 1 vạn năm trước thì rồng ở châu Mỹ được biết tới khoảng 7-8 nghìn năm sau khi cư dân Đông Á tới Mỹ.

     Rồng Chac là của người Maya thân giống người, tai hươu, đầu quỷ (hoặc cá sấu) (hình 1). Rồng có tiếng kêu to và dài, tạo sấm và ban mưa. Rồng Quetzacoatl của nhiều tộc người Trung và Nam Mỹ có cánh nhưng không có chân, thân có lông vũ nhiều màu (hình 2). Rồng Quetzacoatl là biểu tượng của thần sáng tạo, thần tạo mưa, tạo lửa, thần bảo hộ nghệ thuật, v.v. Sau khi chống lại thần chiến tranh bất thành, Rồng Quetzacoatl bỏ đi trên một bè gỗ do rắn thần kéo về phía mặt trời mọc [elfwood.lysator.liu.se].

Hình 1: Rồng QuetzacoatlHình 2: Rồng Quetzacoatl

     Chi tiết Rồng Quetzacoatl “bỏ về phía mặt trời mọc” này gợi nhắc đến nguồn gốc phương Đông của cư dân bản địa Mỹ châu (thuộc chủng Mongoloid). Từ đó có thể giả định rằng Rồng châu Mỹ có nguồn gốc trực tiếp từ Đông Á. Một minh chứng quan trọng khẳng định tính đúng của giả thuyết này là bức vẽ hình tổ tiên thân người đuôi Rồng ở châu Mỹ do Hạo Xuân [1999: 205-208] phát hiện được: nó hoàn toàn tương đồng với bức vẽ hình Phục Hy và Nữ Oa thuộc giai đoạn Hạ-Thương Chu (hình 3).

Hình 3: Hình tổ tiên thân người đuôi Rồng ở châu Mỹ (trái) và ở Trung Hoa thời HạThương-Chu (phải)

     Rồng châu Âu, Ai Cập, và Lưỡng Hà

     Rồng châu Âu khá phong phú, chúng thường có hình dáng của các loại Rồng thú bốn chân (như ngựa, cừu, sói, gấu…, rồng rắn cũng có nhưng không nhiều), có cánh, thân ngắn, miệng phun lửa. Về tính cách, đa số Rồng châu Âu là Rồng ác, là kẻ canh giữ kho báu, bắt cóc gia súc, gái đẹp, và kết quả thường bị một anh hùng giết chết. Rồng thiện cũng có, nhưng rất ít, chúng thường là thần giữ cửa hay thần mang lại các sản phẩm vật chất như ngô, sữa, tiền cho dân. Rồng Puk ở vùng Baltic thì ăn cắp vặt cho chủ.

Hình 4: Rồng thú châu Âu

     Xét về quá trình giao lưu và lan tỏa văn hóa, Rồng châu Âu có nhiều khả năng có nguồn gốc từ Ai Cập và Lưỡng Hà. Trong các tiếng phương Tây, từ dragon là Rồng đều có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp drakôn có nghĩa là ‘rắn’. Mà văn hoá Hy Lạp có nguồn gốc từ văn hoá Ai Cập và Lưỡng Hà, và Rồng Ai Cập thì về hình thức, đa số chính là Rồng rắn.

     Về tính cách thì châu Âu có cả Rồng thiện và Rồng ác. Rồng thiện như Rồng rắn Akhekhu (đã được người phương Tây mang đến châu Âu [elfwood.lysator.liu.se]); Rồng rắn Nehebkau thân dài, có bốn chân, mang lương thực cho mọi người, canh giữ sự an lành cho các Pharaoh ở thế giới bên kia; Rồng Wadjet có cánh, có sức mạnh vạn năng, biểu tượng cho vương quyền… Rồng ác như Rồng thú đầu cá sấu Ammut luôn tìm bắt linh hồn những người phạm tội; Rồng rắn Apep biểu trưng cho sự tha hóa, từ thiện trở thành ác; Rồng rắn Denwen đe dọa các thần nên bị người đời nguyền rủa…

Hình 5: Rồng rắn châu Âu

     Ở Lưỡng Hà có một số Rồng như Rồng sư tử Humbaba, mình có vảy, đầu có hai sừng, đuôi rắn, chân chim ưng, đe doạ sự sống còn của người dân; Rồng Zu thông minh và xảo quyệt; Rồng Gandareva to lớn, giết người ăn thịt; Rồng Kur chọc giận thần linh; Rồng cái Tiamat (thần nước mặn) và chồng là Rồng Apsu (thần nước ngọt), sáng tạo ra các thần… Các Rồng ở Lưỡng Hà thường đều bị dũng sĩ hoặc các thần giết chết.

     Rồng Ai Cập và Lưỡng Hà có nhiều khả năng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Vì lan toả theo con đường từ đông sang tây, cho nên bản đồ phân bố Rồng chỉ lan tới đông bắc châu Phi (vùng Ai Cập) rồi quặt lên châu Âu.

Rồng rắn Ai Cập [Richard H. Wilkinson 2003: 214, 224]

     Phần còn lại của châu Phi hầu như không có Rồng. Khu vực Nam Á (như Ấn Độ) cũng hầu như không có Rồng. Đây là địa bàn của văn hóa Rắn (điển hình là rắn thần Naga). Một số con vật thần thoại ở Ấn Độ và châu Phi (như thuỷ quái Makara, Anata, Anataboga, Vritra… ở Ấn Độ; Basilisk, Cynoprosopi, Emelantouka… ở châu Phi) tuy có chịu ảnh hưởng của Rồng nhưng ảnh hưởng này là rất ít.

Rồng Lưỡng Hà cổ đại [S.N.Kramer 1944: 79]

     Rồng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương

     Khu vực miền tây và nam của Đông Nam Á phần lớn cũng thuộc vùng văn hóa Rắn, vì vậy Rồng ở đây rất hiếm. Ở Indonesia có loại Rồng thân rắn, cánh rộng, biết bay (hình 6), nó giúp xua đuổi tà ma, bảo vệ giấc ngủ yên lành của trẻ em. Loại Rồng này có nhiều khả năng là sản phẩm kết hợp của chim thần Garuda với rắn thần Naga trong thần thoại Ấn Độ [dragonsempire.com].

Hình 6: Rồng Indonesia [Nguồn: natashascafe.com]

     Ở khu vực Nam Thái Bình Dương (Australia và New Zealand) có một số loài Rồng, đa số có nguyên mẫu thuộc họ thằn lằn, về tính cách có cả Rồng thiện và Rồng ác. Rồng thiện thường là Rồng-rắn như Rồng Julunggul là nữ thần sinh sôi; Rồng Galeru là nữ thần duy trì sự sống; Rồng Warramunga là thần sáng tạo; Rồng Yurlunggur là thần tạo mưa; Rồng Eingana là Mẹ của muôn loài… Rồng ác như Rồng Hotupuku, Rồng Peke-hauna, Rồng Kataore, Rồng Aranda, đều thuộc họ thằn lằn, thường ăn thịt dân làng, bắt cóc người, đều bị các dũng sĩ dùng sức mạnh và mưu trí giết chết.

     Khu vực New Zealand và Australia vốn là nơi cư trú của người MalayoPolynesian. Do vậy, các con Rồng ở đây có nhiều khả năng đều từ Đông Nam Á lục địa truyền tới qua con đường Indonesia.

     Rồng Đông Bắc Á

     Người Korea và Nhật Bản đều cho rằng tổ tiên họ là chủ nhân sáng tạo ra Rồng. Rồng Korea có hình dáng về cơ bản giống Rồng Trung Hoa, chân thường có bốn ngón (hình 7). Người Hàn cho rằng Rồng phát sinh ở bán đảo Korea có bốn ngón, đi sang phía đông đến Nhật Bản thì mất một ngón, còn đi sang phía tây thì mọc thêm một ngón, trở thành Rồng Trung Hoa [dragonsinn.info]. Rồng ở Korea gọi là yong (= long), được chia làm ba loại chính: Yong là loại Rồng có quyền lực nhất, quản lý bầu trời. Yo là loại Rồng không sừng, sống ở đại dương. Gyo cư trú ở vùng núi, bảo vệ sự bình yên của mặt đất.

Hình 7: Rồng Korea

     Rồng Nhật Bản cũng có hình dáng gần giống Rồng Trung Hoa nhưng thân dài, giống rắn hơn, chân thường có ba ngón (hình 8). Người Nhật Bản cho rằng Rồng phát sinh ở Nhật Bản ban đầu chỉ có ba ngón, khi được truyền sang phía Tây thì mọc thêm ngón: đến Korea có bốn ngón, đến Trung Hoa có năm ngón [dragonsinn.info]. Loại phổ biến nhất ở Nhật Bản là Rồng Ryo, xuất hiện khá sớm trong Thần đạo, là Long vương trú ngụ dưới biển sâu. Loại Rồng thứ hai là Sei Ryu (thanh long), là thần trấn giữ phương Đông. Loại Rồng thứ ba là Ryu, cai quản mây mưa, thuộc nhóm tứ linh, xuất hiện ở Nhật Bản cùng với Phật giáo.

    Hoa Hạ và Bách Việt

     Có hai dân tộc thực sự có liên quan nhiều đến Rồng là người Hán và Bách Việt.

     Đất nước Trung Hoa rộng lớn, văn hoá Trung Hoa hình thành qua quá trình tiếp biến văn hoá của nhiều tộc người, vì vậy mà văn hoá Rồng và việc nghiên cứu văn hoá Rồng ở Trung Hoa cực kỳ phong phú [Nguyễn Ngọc Thơ 2003].

     Qua các tư liệu liên ngành, Nguyễn Ngọc Thơ xác định được rằng trong giới nghiên cứu Trung Quốc có tới 11 quan niệm khác nhau về nguyên mẫu của Rồng, đó là các xu hướng coi nguyên mẫu của Rồng là rắn, cá sấu, cá, lợn, trâu, ngựa, hổ, chó, tia chớp, cây tùng, sinh thực khí nam (x. bài “Về vấn đề nguyên mẫu của Rồng Trung Hoa” trong sách này). Ấy là chưa kể đến những thuyết đơn giản và thiếu sức thuyết phục như thuyết tượng thanh cho rằng người Trung Hoa nguyên thủy, với lối tư duy mơ hồ, do không giải thích nổi các hiện tượng tự nhiên quanh mình nên cho rằng có một con vật thần nào đó liên quan đến cả nước và không trung, có sức mạnh vô tận đã chi phối mọi hiện tượng tự nhiên kì bí; khi họ nghe nước mưa rơi xuống, sấm chớp nổi lên, thấy các âm thanh đều gần với âm “long long” tiếng Hán, bèn dùng chữ này để chỉ con vật thần mà họ tưởng tượng ra [Ninh Nghiệp Cao 1999: 23; tacocity].

Hình 8: Rồng Nhật Bản

     Người Hán tự xưng mình là con cháu của Rồng (long đích truyền nhân) và xây dựng nên cả một phổ hệ Rồng với 9 con (vùng Hoa Bắc có câu: “Rồng sinh chín con không thành Rồng, mỗi con đều có sở thích riêng” – Long sinh cửu tử bất thành long, các hữu sở hiếu, rồi cả một thuyết “tam đình cửu tự” để nói về hình dáng và nguồn gốc của Rồng (“tam đình” là ba khúc, bao gồm: đầu, thân, và đuôi; “cửu tự” là chín nét giống, gồm: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ, tai giống bò) [Hạo Xuân, 1999: 5-6].

     Người Bách Việt, mà cụ thể là Lạc Việt, với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, tự xem mình là “con Rồng cháu Tiên”.

     

Còn tiếp

Nguồn: Bản tin ĐHQG TP.HCM, số 142 – Xuân 2012

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nguồn gốc con Rồng từ góc nhìn văn hóa (Kỳ 1) – Tác giả: Trần Ngọc Thêm – Nguyễn Ngọc Thơ