Những YÊU CẦU và THÁCH THỨC trong việc GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HOÁ TÂY NGUYÊN
ĐẶNG VĂN VŨ
1.
Văn hoá chính là cội nguồn, là bản sắc của một dân tộc. Một dân tộc mà mất đi bản sắc văn hoá thì dân tộc ấy cũng chỉ còn lại một danh từ trống rỗng. Bởi vậy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc chính là một chủ trương lớn của bất kì một quốc gia nào. Việt Nam là một đất nước đa sắc tộc, vì vậy văn hoá Việt Nam là một nền văn hoá đa sắc màu. Bên cạnh việc tôn trọng và giữ gìn văn hoá người Việt thì tôn trọng và giữ gìn văn hoá của các tộc người khác là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh văn hoá của các tộc người thiểu số chao đảo dữ dội như hiện nay.
Tây Nguyên là vùng đất có trên hai mươi tộc người sinh sống, trong đó có các tộc người có số dân đông như Ba-na, Gia-rai, Ê-đê,… Đó là những tộc người có lịch sử lâu đời và có truyền thống văn hoá phong phú và đặc sắc không kém bất cứ dân tộc phát triển nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là từ sau những năm chín mươi của thế kỉ trước, với công cuộc phát triển kinh tế ồ ạt, bất chấp quy luật tự nhiên và văn hoá đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính ổn định của văn hoá Tây Nguyên và kéo theo sự bất ổn của đời sống người Tây Nguyên.
2.
Ngày nay, đến Tây Nguyên chúng ta dễ dàng nhận thấy nó không khác gì các vùng miền khác. Không còn tiếng chinh chiêng vang vọng hàng đêm, không còn mái nhà rông hình lưỡi rìu cao vút đầy kiêu hãnh, không còn bến nước mỗi chiều tấp nập dân làng tắm rửa, không còn hệ thống lễ hội đầy sắc màu,… Văn hoá bản địa Tây Nguyên đang từng ngày nhạt dần màu sắc. Văn hoá của người Kinh, văn hoá hiện đại của nước ngoài đang tấn công dữ dội vào mảnh đất thấm đẫm chất huyền thoại này.
Văn hoá Tây Nguyên là văn hoá làng, rừng. Rừng chính là bản nguyên của đời sống Tây Nguyên, làng là môi trường văn hoá chính yếu của họ. Đó là hai điểm tựa vững chãi để người Tây Nguyên tồn tại và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Ngày nay, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá hết sức tàn nhẫn. Những cánh rừng bạt ngàn, thâm u, huyền bí chứa đầy nỗi sợ hãi vốn làm nên tính huyền thoại của văn hoá Tây Nguyên đã thật sự trơ trọi. Điều đó đã kéo theo sự trơ trọi trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. Họ bị chao đảo giữa văn hoá truyền thống vốn làm nên tính cách anh hùng, phóng khoáng và cao thượng của tâm hồn với văn hoá vật chất hiện đại của người Kinh vốn thực dụng, vị kỉ.
Đến thời điểm này thì không thể trả lại rừng cho người Tây Nguyên được nữa vì về cơ bản, rừng đã hết. Vấn đề là làm sao để lấy lại được niềm tin của họ đối với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước. Để người Tây Nguyên đồng thuận một lòng cùng nhau xây dựng quê hương xứ sở thì thiết nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách văn hoá chứ không phải là những lời răn đe có tính áp đặt. Những người làm công tác văn hoá ở Tây Nguyên đa số là cán bộ người Kinh và không phải ai cũng thực sự am hiểu văn hoá Tây Nguyên. Bởi vậy nhiều chính sách văn hoá họ đưa ra chỉ phục vụ cho các khái niệm mang tính ích kỉ và hết sức thiển cận của mình. Sự ứng xử với văn hoá cồng chiêng, nhà rông, lễ hội,… là những minh chứng rõ nhất.
Đến với buôn làng Tây Nguyên, hình ảnh ấn tượng nhất là những ngôi nhà rông uy nghiêm và kiêu hãnh, âm thanh ấn tượng nhất là tiếng cồng chiêng da diết và thâm trầm. Nếu nói nhà rông là hồn của buôn làng thì cồng chiêng là hồn thiêng của núi rừng Tây Nguyên. Cồng chiêng là tiếng vọng vĩnh cửu của đại ngàn, là tiếng nói ngàn đời của con người. Tiếng nói của cồng chiêng chính là tiếng nói tâm linh, điệu thức, tiềm thức, niềm tin và cả sự sợ hãi của con người Tây Nguyên.
Sự huyền bí thiêng liêng của cồng chiêng gắn liền với không gian nghi lễ, với núi rừng, buôn làng. Mỗi lần người Tây Nguyên tấu lên những giai điệu cồng chiêng là một lần họ giao lưu với thần linh, họ nhờ tiếng chiêng đem tâm nguyện của cộng đồng đến với Yang (thần) của họ. Nếu tách khỏi chức năng, không gian của nó thì cồng chiêng chỉ là những âm thanh trống rỗng, vô nghĩa.
Sau khi được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, những người làm công tác văn hoá đã biểu diễn hoá nghi thức cồng chiêng. Bất cứ một sinh hoạt gì, người ta cũng biểu diễn cồng chiêng để giới thiệu bản sắc văn hoá Tây Nguyên. Những nghệ nhân cồng chiêng của buôn làng đã được chuyên nghiệp hoá để phục vụ cho mọi sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội và hoạt động du lịch ở Tây Nguyên. Điều đó có thể đem đến sự thú vị cho du khách, nhưng đối với người Tây Nguyên thì nó làm phai nhạt màu sắc linh thiêng cũng như chức năng giao tế với thần linh của cồng chiêng. Khi ấy, đối với cư dân bản địa, sự thiêng liêng của cồng chiêng không còn nữa. Đó là một khoảng trống lớn về văn hoá tâm linh do sự “văn minh” của người Kinh đem lại.
Ở Tây Nguyên, văn hoá cồng chiêng gắn liền với không gian nhà rông. Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng là rừng, duyên dáng và trữ tình là làng, uy nghi và kiêu hãnh là nhà rông. Mái nhà rông hình lưỡi rìu cao vút uyển chuyển và thâm trầm, nhẹ nhàng và sâu lắng, xôn xao và lặng lẽ cùng bao thế hệ con người kiên trì bám đất, bám rừng. Cột nhà, sàn nhà vững chãi cùng với bếp lửa không bao giờ tắt, cùng với những ché rượu cần không bao giờ vơi, cùng với những bản trường ca miên man năm tháng đã ôm ấp tình người Tây Nguyên với ngôi làng thân yêu của mình.
Nhà rông là nơi hội tụ diện mạo văn hoá Tây Nguyên. Linh thiêng trong việc dựng nhà và lưu giữ báu vật, nhà rông là nơi thực hành tín ngưỡng. Biểu tượng cho sự trường tồn của cộng đồng, nhà rông là nơi giữ gìn luật tục. Hội tụ sức mạnh của làng, nhà rông là nơi truyền khí anh hùng cho trai làng chiến đấu. Trung gian giữa quá khứ và hiện tại, nhà rông là nơi truyền bá giá trị văn hoá truyền thống.
Ngày nay, đi khắp núi rừng bắc Tây Nguyên, chúng ta rất ít gặp nhà rông Làng (nhà rông do dân làng dựng) mà chỉ thấy nhà rông Văn hoá (do Nhà nước xây). Hai loại nhà rông này là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Làm nhà rông là kì công với những nghi thức đặc biệt linh thiêng của dân làng. Và chỉ như vậy nhà rông mới thực hiện được chức năng của mình. Còn nhà rông văn hoá đẹp đẽ đấy, hoành tráng đấy nhưng nó hoàn toàn xa lạ với người Tây Nguyên. Người ta gọi nhà rông văn hoá là nhà rông chết vì nó không có bếp lửa, trai làng không ngủ ở đó, già làng không kể chuyện truyền thống ở đó,… Nhưng nhà rông làng thì dựng bằng gỗ, tranh, nứa nên nó mau hư. Rừng đã chết nên rất nhiều làng không dựng được nhà rông mới, ngay cả làng Kông Hoa của anh hùng Núp ở huyện KBang tỉnh Gia Lai – một ngôi làng nổi tiếng của Tây Nguyên – cũng không có nhà rông làng. Không có nhà rông thì nhiều sinh hoạt văn hoá cũng không thể duy trì. Vậy thì làm sao mà duy trì được bản sắc văn hoá?
Khi rừng đã mất, nhà rông không còn, cồng chiêng bị biểu diễn hoá thì các sinh hoạt văn hoá khác cũng nhạt dần hoặc biến mất. Hệ thống lễ hội phong phú, độc đáo bậc nhất Việt Nam giờ chỉ lác đác vài lễ như cúng lúa mới, lễ bỏ mả vài làng còn duy trì lễ cúng bến nước. Trong các lễ này thì rượu cần đang dần dần nhường chỗ cho rượu đế của người Kinh, những nghi thức thiêng liêng trong các buổi lễ như ngày xưa cũng mất dần, thời gian cho buổi lễ cũng ngắn đi. Nói chung, lễ hội là biểu hiện rõ nhất của đời sống tâm linh làm nền tảng cho đời sống tinh thần con người Tây Nguyên đã thật sự có nguy cơ tan biến.
Sự hỗn dung văn hoá là quy luật của đời sống, nhưng rõ ràng sự tiếp biến văn hoá của người Tây Nguyên diễn ra quá nhanh và quá mạnh. Ngày nay, đến nhiều làng Tây Nguyên chúng ta không còn nhận ra đó là làng của người bản địa. Gặp người bản địa chúng ta cứ ngỡ là người Kinh. Đa số người Tây Nguyên khi xây nhà mới họ xây theo kiểu nhà hộp (dù đất rất rộng) chứ không dựng nhà sàn vì không có gỗ. Giới trẻ họ cũng không ăn mặc theo lối truyền thống nữa, họ cũng đua đòi thời trang, tóc xanh tóc đỏ, nhậu nhẹt bê tha, bài bạc, ăn cắp,…
Tất cả những yếu tố trên dẫn đến hậu quả là có rất nhiều giá trị văn hoá đã bị làm cho méo mó hoặc mất đi. Như vậy mục đích giữ gìn bản sắc văn hoá Tây Nguyên không thể đạt được khi mà nhà chức trách đã thật sự không ngăn chặn được nạn tàn phá rừng, mà rừng chính là bản nguyên của sự sống Tây Nguyên. Chúng ta cũng không giữ được văn hoá nhà rông, chúng ta đem biểu diễn hoá văn hoá cồng chiêng. Mà đó chính là những yếu tố làm nền tảng của bản sắc văn hoá Tây Nguyên. Khi nền tảng bị bong nứt thì nó sẽ tạo ra một khoảng trống tâm linh.
Trong khoảng trống tâm linh ấy, các tôn giáo nước ngoài đã “nhanh chân” khoả lấp. Hiện nay, cư dân bản địa Tây Nguyên theo đạo Tin Lành rất nhiều. Khi họ đã đi theo các tôn giáo nước ngoài thì đồng nghĩa với việc họ xa dần văn hoá truyền thống. Như vậy, ít nhất có hai lần họ phải xa cội nguồn. Xa cội nguồn thì sẽ không còn bản sắc, không còn bản sắc thì tính cách cũng mất và họ sẽ làm theo những ai đem lại cái lợi trước mắt cho họ.
Muốn giữ gìn bản sắc văn hoá Tây Nguyên, hãy khôi phục lại rừng, hãy trả lại cho cồng chiêng đời sống bản nguyên của nó, hãy khôi phục lại nhà rông làng cùng với những sinh hoạt gắn liền với nó. Thách thức này đã trở nên quá lớn. Nhưng nếu không vượt qua được thì không thể giữ gìn bản sắc văn hoá Tây Nguyên.
3.
Người Tây Nguyên vốn có tâm hồn trong sáng, tính cách khảng khái, cương trực và rất quảng đại. Sự yêu ghét của họ luôn rạch ròi, phân minh. Họ không có tính “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, họ không có thói “gắp lửa bỏ tay người” hay “té nước theo mưa”. Chính văn hoá truyền thống đã tạo nên điều đó. Hiểu được tính cách ấy sẽ thu phục được nhân tâm của họ. Và tất nhiên, không thể đến với sự chân thành của người khác bằng trái tim giả dối của mình. Đối với người Tây Nguyên, hãy yêu để mà hiểu chứ không phải hiểu rồi mới yêu (Jacques Dournes).
Muốn tạo dựng sự ổn định trên mảnh đất Tây Nguyên thì trước hết phải tạo dựng một môi trường văn hoá truyền thống để có thể phát huy tính cách tốt đẹp của người dân nơi này. Dù họ có theo các tôn giáo phương Tây nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, nguồn mạch văn hoá truyền thống vẫn âm ỉ chảy. Khơi dậy nguồn mạch ấy là nhiệm vụ cấp thiết của những người làm công tác văn hoá.
Ảnh đại diện – Tây Nguyên (Ban Tư thư thiết lập). Nguồn: http://vietnamtourism.gov.vn