Quy hoạch và kiến trúc đô thị Hội An dưới thời chúa Nguyễn

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  TẠ HOÀNG VÂN
(Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn – Bộ Xây dựng)

1. Diện mạo đô thị Hội An thời kỳ hình thành và phát triển (XVI-XVIII)

     Thế kỷ XVI – XVIII được gọi là thời kỳ vàng son của thương cảng Hội An. Để có được sự phát triển này, Hội An đã có một chiều dài hình thành từ những chủ nhân đầu tiên của nền văn hoá Sa Huỳnh; được kế cận, tiếp nối đến thời Chămpa và phát huy rực rỡ thời kỳ Đại Việt. Tiền đề tạo bước chuyển đổi đó tựa nhịp cầu nối giữa những sự kiện, những dấu vết của tầng/nền văn hoá là những tác nhân kích thích… tạo cho Hội An trong mỗi giai đoạn có diện mạo đặc thù riêng biệt. Sự riêng biệt đó thể hiện ở các điểm:

     * Quy hoạch hệ thống sông ngòi là một phần của đô thị: đây không chỉ là đặc trưng của đô thị bậc nhất thời trung cổ này mà nó còn là một điểm nổi bật của các đô thị khác ở Việc Nam và của khá nhiều các đô thị khác trên thế giới. Hội An là đô thị có hệ thống sông ngòi đậm đặc – nơi khởi nguồn cho lịch sử hình thành, thịnh vượng nhưng cũng suy tàn từ những yếu tố quan trọng đó. Đó là thị trấn có Chúa đóng1, nơi gặp gỡ thuận tiện của nhiều đầu mối giao thương quốc tế và trong xứ nên Hội An sớm hội tụ những cơ hội hình thành và trở nên quan trọng hơn cửa biển Đà Nẵng bấy giờ.

     Dưới thời các chúa Nguyễn, diện mạo Hội An thực sự đã có chuyển mình rõ rệt. Đó không còn là vùng Hội An dưới sự tác động, ảnh hưởng từ thiên nhiên mà là một vùng sông nước với mạng lưới sông ngòi. Điều đáng bàn tới là, để có một Hội An đô hội như vậy thì phải nói đến sự tận dụng -u thế của thiên nhiên, của chính quyền. Nguyên nhân này làm cho miền đất phong phú về mặt hàng hoá đông đúc về dân cư.

     * Quy hoạch sông ngòi đã mang đến Hội An những cơ hội phát triển kinh tế:

     Khoảng thế kỷ XI – XVII, các cảng thị dọc theo bờ biển Đại Việt và Chămpa đã có mối quan hệ trao đổi trung chuyển hàng hoá với các thương thuyền từ khắp nơi kéo đến. Vì thế, Hội An theo cách gọi của người Ấn Độ “như một cửa hàng bách hoá lớn (Bazar)” – một chợ phiên quốc tế.

     Sự chuyển đổi của các dòng sông đã ảnh hưởng đến quy hoạch tự nhiên ban đầu của Hội An. Hội An trở thành một khu đô thị trong vành đai quy hoạch chính trị và tự nhiên. Nói như vậy có nghĩa là, sự khởi dựng các phường – phố là tác nhân nổi bật để hình thành khu phố, thể hiện diên cách khá độc đáo của khu đô thị.

Bản đồ tỉnh Quảng Nam, Hội An khi đó được gọi là Faifo, Nguồn: CAOM Aix-en Provence, France

     * Quy hoạch sông ngòi tạo nên sự phân bố không gian vùng/ không gian đô thị: Quy hoạch tự nhiên chủ đạo vẫn là một vùng sông nước bao gồm những “phức hệ sông chằng chịt ở vùng cửa biển” và “phức hệ cồn bàu ven biển”. Bằng chứng là một hệ thống “dòng sông trong” (Cổ Cò – Đề Võng; Câu Lâu, Bà Rén, Trường Giang, Hoài Giang) nằm xen kẽ các đầm, các bàu (Thanh Chiêm, Phú Chiêm, Thanh Hà, Cẩm Phô, Hội An, Sơn Phô, Bàu Son, Bàu ấu, Bàu Súng, Bàu ốc, Bàu Son, Đầm Trà Nhiêu, Trà Quế, Trung Phường, Cẩm Hà, Thi Lai…) rồi tất cả đều đổ ra biển (Cửa Đại). Đó là hệ thống cảng biển, cảng sông. Những địa điểm này là nơi gặp gỡ, buôn bán, trao đổi hàng hoá. Yếu tố “thị” khá mạnh. Vì vậy, Hội An vừa có yếu tố Cảng – thị Cảng – phố.

     Quy hoạch kiến trúc được hoạch định bởi ranh giới “thượng chí Chùa Cầu, hạ chí Âm Bổn”. Khu phố tập trung nhiều nhà với phong cách của người Hoa, người Nhật, người Việt. Cristoforo Borri từng nhắc tới hai thành phố trong đó có hai khu kiều dân. Phía đông là phố Nhật, nằm ở hạ lưu sông sông; phía tây là Đường Nhân phố, nằm ở thượng lưu sông; phía nam là sông lớn (sông Thu Bồn); phía bắc là An Nam phố.

     Các thương gia cũng thiết lập ở Hội An thương điếm buôn bán tựa như trạm trung chuyển hàng hoá từ các vùng trong và ngoài nước. Hội An trở thành khu vực mà dọc các tuyến giao thông thuỷ đều có những đầu mối lưu thông hàng hoá trên. Bám vào sông biển hay vươn mình ra biển là hoạt động thương mại nổi bật. Đó là kiểu quy hoạch “trường tàu” hay kiểu “ô vuông bàn cờ” tạo nên những sự biến đổi chung của cảng thị này. Đây là hệ thống quy hoạch kiểu Hippodamus có từ thời Hy Lạp mà các nước phương Tây hay sử dụng. Sự biến đổi đó không chỉ là chiều dài đô thị hay chỉ là chiều dày đô thị mà là cả hai. Sự hình thành và phát triển khá mạnh mẽ các khu phố Nhật, Hoa… là yếu tố tiên quyết tạo dựng một diện mạo Hội An.

     Một đô thị không mở rộng vào đất liền mà ngày một có xu hướng tiến ra biển, lấy biển làm nhân tố quyết định hình thành và phát triển đô thị. Để đáp ứng được diện trường rộng lớn như vậy, Hội An thu hút vô số các nguồn hàng từ nhiều nơi khác tới, nó chứng tỏ sức tiêu thụ và động lực thúc đẩy kinh tế ở đây như thế nào.

     * Quy hoạch sông ngòi của Hội An đã tạo ra một diện trường rộng lớn: Từ đó thị trường hàng hoá hoạt động chủ yếu d-ới sự điều khiển của chính quyền trung ương, với cách thức buôn bán trao đổi những mặt hàng quý hiếm, với lượng lớn thương nhân nước ngoài đóng vai trò chủ đạo cùng việc mở rộng giao lưu với nhiều nước trong khu vực cũng như nhiều hải cảng trên thế giới thì Hội An đã là một diện trường rộng lớn. Với một diện trường như vậy liệu đáp ứng được nhu cầu ra sao để nhiều đô thị có thể thu nhận. Điều đó minh chứng về tầm cỡ một đô thị rộng mạnh; sức mạnh của nguồn nguyên liệu, sự dồi dào về các mặt hàng hoá đa dạng.

     * Quy hoạch tự nhiên ảnh hưởng đến phân bố di tích kiến trúc:

     + Phân bố di tích theo không gian lịch sử: Các di tích phân bố đều đặn từ văn hoá tiền Hội An đến Hội An luôn gắn liền với những hoạt động thương mại của đô thị. Có sự tồn tại của cả ba nền văn hoá trên cùng một địa điểm: Sa Huỳnh – Chămpa – Đại Việt. Nếu kết nối lại, ta sẽ có một Hội An từ Lâm Ấp phố của Chămpa đến Hội An thời các chúa Nguyễn.

     + Các loại hình di tích đặc trưng trong không gian đô thị thương cảng: Bên cạnh những loại hình kiến trúc gỗ truyền thống Việt Nam thì loại hình kiến trúc mới là thương điếm. Thương điếm ra đời thể hiện nền kinh tế hàng hoá phát triển, nó cũng minh chứng cho sự hiện diện đông đảo của lớp cư dân ngoại quốc đến cư trú tại Hội An. Thương nhân mỗi nước đến Hội An để lại phong cách và dấu ấn văn hoá riêng của nước mình. Từ đó có tác động đến những loại hình kiến trúc trong đô thị.

     Các loại hình kiến trúc truyền thống thời kỳ này (chùa, đền, miếu, cầu, mộ, nhà thờ họ, giếng) mang chức năng cơ bản, nhưng có phần “thực dụng” hơn. Đặc điểm này bị tác động từ nền kinh tế và đòi hỏi của thị trường buôn bán ở Hội An vào thời điểm đó.

     Yếu tố cảng thị tác động quan trọng tới loại hình kiến trúc di tích trong khu vực Hội An. Các tuyến phố mới hình thành dẫn tới việc các di tích có xu hướng bám theo sông, biển và phân bố rải rác trên toàn bộ khu vực Hội An.

     + Chất lượng thị dân: Thành phần cư dân đa dạng về văn hoá và phong cách sinh hoạt ở Hội An, đã bổ sung cho đô thị một lực lượng lao động đông đảo nhưng lại tạo ra một lớp thị dân hồn tạp, lớp cư dân gốc bị nhạt và dần biến mất. Đặc trưng “cộng sinh” và “hỗn dung” của văn hoá Hội An đã ảnh hưởng sâu sắc tới các loại hình kiến trúc nhà ở, các công trình tôn giáo vì thế văn hoá đô thị Hội An mang dáng vẻ quốc tế.

2. Diện mạo đô thị Hội An giai đoạn suy tàn (cuối XVIII đến đầu XIX)

     * Những tác nhân hưng khởi cũng là nguyên nhân dẫn đến suy tàn của cảng thị

     + Hoạt động chuyển dịch của dạng địa hình như ở Hội An cũng chính là nguyên nhân khiến cho các cửa sông bị lấp đầy. Điều kiện địa lý, tự nhiên dẫn tới sự hình thành cảng thị Hội An. Những thuận lợi này đã phát huy -u thế của mình trong một thời gian dài (từ đầu cho đến thế kỷ XVIII) và nhờ thế, Hội An định hình diện mạo của một thương cảng bậc nhất ở miền Trung Việt Nam thời kỳ Trung đại.

     Kể từ thế kỷ XVII, ngoài các tác nhân tự nhiên của sông, biển, dòng sông Thu Bồn còn chịu ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế và con người do những cuộc di dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong.

Đô thị Hội An đầu thế kỷ XX. Nguồn: CAOM Aix-en Provence, France

     Sông Thu Bồn nối miền thượng du với miền biển, nối miền ngược và miền xuôi; nơi hội tụ những dòng sông lớn ở Quảng Nam. Đầu thế kỷ XVIII, đoạn cuối dòng Thu Bồn, nơi tiếp giáp với khu vực chùa Cầu, phía đường Nguyễn Thị Minh Khai (được gọi là sông Hội An) lại có xu hướng bị bồi đắp, dần mất hẳn vị trí con đường biển nối Hội An với Đà Nẵng. Hàng năm, sông Thu Bồn vẫn có hiện tượng bồi lấp. Đường Bạch Đằng ngàynay là kết quả của quá trình bồi lấp đó. Vì thế, tàu bè buôn bán ở thế kỷ sau ra vào gặp nhiều khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến Hội An mất dần vị thế trong tuyến thương mại quốc tế.

     Thế kỷ XIX, có khá nhiều các đầm, bàu đã bị biến dạng. Cửa Đại bị bồi cạn là một trong những nhân tố dẫn đến sự suy thoái của thương cảng Hội An. Các sông Thu Bồn, sông Chợ Củi bị thay đổi dòng chảy, có những đoạn trước kia là con lạch sâu đã bị bồi lấp, cạn đi hình thành các khu đất mới. Khi Hội An không còn các đầm hồ đủ sâu và rộng để làm nơi tàu bè đỗ neo nữa thì ý nghĩa kinh tế của vùng đất này cũng vì thế mà giảm dần. Hội An trở nên biệt lập, mọi hoạt động thương mại đổ về phía Cửa Hàn – Đà Nẵng. Ngày nay, địa hình vùng hạ l-u sông Thu Bồn đang có những biến động mạnh, nhiều lòng sông cổ bị bồi lấp.

     Vai trò của dòng sông Cổ Cò (thế kỷ XVI – XVIII) không còn nữa. Cuối thế kỷ XIX sông Cổ Cò bị bồi lấp và trở nên nông cạn, phải đợi thuỷ triều lên thì thuyền mới có thể thông được. Đầu thế kỷ XX, dòng sông này vẫn còn đi lại được nhưng đến nay, huyết mạch nối Hội An và Đà Nẵng đã biến thành đồng lúa của các phường Hoà Quý và Hoà Hải.

     Người Pháp đến Hội An muộn hơn so với những người phương Tây khác, khi vai trò của nó đã chuyển cho Torron (Đà Nẵng). Cửa Hàn thay thế vai trò quan trọng của sông Cổ Cò và cửa Đại Chiêm ở những thế kỷ trước. Dưới con mắt của các nhà buôn và hàng hải phương Tây khi đó, Đà Nẵng là hải cảng đẹp nhất, tốt nhất ở Đàng Trong. Từ Cửa Hàn có thể vào thương cảng Hội An bằng dòng Cổ Cò1.

     Ba cửa biển quan trọng ở Quảng Nam là Cửa Hàn, Cửa Đại và cửa Kỳ Hà đều được nối liền với những “dòng sông trong” chạy song song với biển là sông Cổ Cò, sông Đế Võng, sông Trường Giang, gặp nhau ở Cửa Đại. Ngoài cửa Đại Chiêm, tàu bè vào Hội An còn qua hải cảng lớn hơn là Cửa Hàn (Đà Nẵng). Vì thế, vịnh Đà Nẵng là một cửa khẩu từng làm tiền cảng cho Hội An trong nhiều thế kỷ. Dần dần những con sông cổ này đã bị mất đi theo thời gian hoặc bị bồi lấp.

     Có thể thấy rõ, những yếu tố vốn đã là động lực cho sự hình thành và phát triển thương cảng Hội An từ thế kỷ XVIII trở đi đã dần dần không còn nữa. Đây cũng chính là yếu tố khách quan khiến cho đô thị này suy tàn.

     * Tác động từ bên ngoài, nhân tố từ bên trong không còn thuận lợi cho đô thị phồn vinh:

     + Tình hình thế giới đòi hỏi một thị trường rộng mở: Sau những phát kiến địa lý, nhưng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp cho các nước tư bản phương Tây thực hiện ý đồ bành trường, tìm kiếm thị trường ở phương Đông. Sự thiết lập các tuyến đường buôn bán hương liệu, tơ lụa giữa phương Đông và phương Tây rất nhộn nhịp vào những thế kỷ trước. Từ đó liên tục diễn ra cuộc tranh giành thuộc địa trong thế kỷ XIX, điều này cho thấy nhu cầu thị tr-ờng của chủ nghĩa t- bản ngày càng hối thúc.

     Thế kỷ XIX, khi châu Á vẫn đang trong giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến thì các nước phương Tây đã tiến hành cách mạng thương nghiệp và vì thế mối quan tâm tìm kiếm thị trường không còn là vấn đề quan trọng nữa mà các nhà tư bản họ tiến đến mở rộng vùng đất bằng cách chiếm độc quyền khai thác. Ngoài tàu thuyền của người Anh, người Pháp lúc này thì người Mỹ cũng đã đến Đà Nẵng xin đặt quan hệ thông thương nhưng bị các vua Nguyễn từ chối. Đây cũng là thời kỳ mà nhà nước phong kiến Việt Nam thi hành chính sách bế quan toả cảng nghiêm ngặt, kìm hãm thương nghiệp nội địa, bài xích các nước phương Tây… đã chặn đứng các luồng thương nghiệp từ bên ngoài vào nước ta. Nhưng riêng với các láng giềng và các nước vùng Đông Nam Á triều Nguyễn không thi hành chặt chẽ sự độc quyền này.

     * Vai trò sự chuyển giao lịch sử từ chúa Nguyễn đến triều Nguyễn: Sau khi thành lập, các vua Nguyễn đã tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước phong kiến quan liêu đối với đời sống kinh tế – xã hội. Trong khi khuyến khích một nền sản xuất và buôn bán nhỏ, nhà nước lại khống chế chặt chẽ các hoạt động sản xuất và buôn bán lớn. Nền kinh tế hàng hoá thị trường ở các đô thị vẫn trên đà phát triển từ các thế kỷ trước lại bị nhà nước kìm hãm nên không tạo được sự chuyển biến về chất.

     Do tình hình ngoại thương sa sút, các đô thị kinh tế dựa vào hoạt động buôn bán quốc tế như Phố Hiến, Hội An đã nhanh chóng suy thoái, nông thôn hoá trở lại. Một số Hoa kiều còn trụ lại và hoạt động buôn bán nội vùng cũng đã không đủ sức vực lại được các hoạt động ở đô thị này như trước.

     Các đô thị nổi tiếng như Thanh Hà, Phố Hiến cũng chung số phận với Hội An. Mặc dù cố gắng gượng suốt thế kỷ XIX nhưng nó khó có điều kiện được phục hồi lại. Bên cạnh những nguồn hàng được khai thác từ địa phương và mặt hàng thủ công nghiệp thì những ngành nghề mới cũng đã thấy có mặt như khai thác mỏ, thủ công nghiệp… vì thế đã tạo ra thị trường hàng hoá rộng hơn. Tuy vậy, hai ngành sản xuất chính tạo ra nguồn hàng hoá vào nửa đầu thế kỷ XIX là nông nghiệp và thủ công nghiệp cho thấy tình trạng nền sản xuất lúc này vẫn ở trình độ sản xuất nhỏ.

     Khác với chính sách rộng mở, kích thích thương mại như thời các chúa Nguyễn, triều Nguyễn lúc này đã thể hiện những hạn chế ảnh hưởng đến các nghề sản xuất và người sản xuất. Không động viên và khuyến khích người sản xuất, không đầu tư công xưởng… nên kinh tế hàng hoá mang tính tự phát mặc dù vẫn nằm trong khuôn khổ của kinh tế phong kiến. Vì thế, nhu cầu và sức mua của người dân chỉ ở mức tối thiểu và chỉ đáp ứng đủ cho các thị trường địa phương.

     Cho đến thế kỷ XIX, vị trí của Đà Nẵng càng trở nên quan trọng thì vị trí của Hội An càng mờ nhạt. Đà Nẵng trở thành một thương cảng lý tưởng ở miền Trung – mục tiêu nhòm ngó của các nước đế quốc phương Tây, cửa ngõ chiến lược để có thể xâm nhập và chinh phục Việt Nam.

     * Không gian đô thị Hội An được mở rộng trong bối cảnh thương cảng suy tàn:

     Mặc dù đô thị Hội An không còn có được những thế mạnh như thời kỳ vàng son nhưng các loại hình di tích trong khu phố không phải vì thế mà mất đi vị trí vốn có của nó. Đó thực sự là một đặc trưng hiếm có/thấy ở các đô thị Việt Nam đương thời. Bên cạnh các mối liên kết giữa chính trị, văn hóa và các loại hình di tích kiến trúc ở giai đoạn đầu, một số loại hình kiến trúc mới được định hình bổ sung vào quỹ kiến trúc ở đô thị Hội An. Những loại hình kiến trúc này cho ta hình dung về một Hội An với diện mạo khác so với thời kỳ đầu, cũng chính vì thế chức năng, bố cục, kết cấu của công trình cũng có những thay đổi phù hợp với bối cảnh lịch sử của Hội An khi đó.

     Một năm sau, thương nhân người Anh là Chapman đến Hội An, thấy cảnh hoang tàn của khu phố sau thời Tây Sơn đã viết: “Khi đến Hội An thành phố lớn này chẳng còn lại là bao những khu phố được quy hoạch quy củ của những ngôi nhà xây bằng gạch, đường lát đá mà chỉ thấy một quang cảnh hoang tàn làm cho ta cảm thấy xót xa. Trời ơi, những công trình ấy bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức mà thôi”1.

     Năm 1792, hội quán Phước Kiến được xây dựng trên đất chùa Kim Sơn, 5 năm sau có 4 nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam cư trú tại đây. Thế kỷ XIX, mặc dù thương mại ở Hội An suy giảm nhưng phố xá vẫn được mở rộng về quy mô. Năm Gia Long thứ 13 (1815) tổng diện tích Hội An: 17 mẫu 7 sào 10 thước; Thiệu Trị nguyên niên (1840) sông Thu Bồn bồi thêm 1 mẫu 3 sào 9 thước, mở thêm con đường Tân Lộ (tức Rue des Contonnais, đường Nguyễn Thái Học ngày nay); năm Tự Đức 17 (1878) bãi sông phía tây nam Hội An lại bồi thêm 1 mẫu 1 sào 14 thước, 8 năm sau (1886) mở thêm 1 con đường nữa là đường Bạch Đằng ngày nay. Cùng với đó quy mô của làng Minh Hương cũng mở rộng theo đà này.

     Kết quả đào thám sát khu vực chùa Cầu cho thấy muộn nhất vào thời Lê cư dân Việt đã dùng bến sông này làm nơi trao đổi buôn bán và giao thông. Tấm bia chùa Viên Giác (1842) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có nói tới quang cảnh vùng này, “phía nam có sông lớn mênh mông; phía bắc có bờ cát xa tít; phía đông tiếp thông với bến là nơi thuyền xe tụ tập”2. Kết luận của các nhà khoa học chứng tỏ khu phố Khách của người Hoa (theo dân gian là “Thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn”) có niên đại muộn hơn nhiều so với lịch sử phát triển của cư dân vùng này.

     * Những gắng gượng của một cảng thị suy tàn

     Sau thời kỳ Tây Sơn, Hội An đã không thể gượng mình dậy được. Cuối thế kỷ XVIII, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều không còn một thương quán nào của người châu Âu, việc buôn bán của họ ở Hội An ngày một suy giảm. Vào những năm 1792 – 1793, Hội An chỉ là trạm trú chân cho những chuyến hàng ế ẩm.

     Những cuộc chiến tranh liên miên đã làm cho giao thương hàng hoá bị gián đoạn. Tình hình khó khăn khiến các thương nhân cũng cần tìm cho mình thị trường mới. Trên thế giới, sau cách mạng Pháp (1789) tình trạng tranh chiếm thị trường phương Đông và phương Tây ngày càng ngay gắt.

     + Mất đi vai trò đầu não về thương mại, Hội An đóng vai trò “tiền cảng cho Đà Nẵng: Đến thế kỷ XX, khi xuất hiện con đường sắt Bắc – Nam từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng, đường I được rải nhựa thì “Hội An như một túi hàng bị bỏ quên, dinh thự, phố xá, bến cảng cũng theo con đường ấy dựng lên ở Đà Nẵng”1.

     Chính sách và ứng xử của các chúa đối với thương nhân nước ngoài vào thời kỳ này cũng đã có nhiều thay đổi. Không chỉ ở Hội An, hiện tượng biến đổi các dòng sông cũng thấy ở các đô thị khác. Vì thế, mọi nguồn hàng đều đổ về đầu mối Đà Nẵng. Đến năm 1847 duy chỉ có cửa biển Đà Nẵng là nơi có nhiều tàu thuyền đi lại. Đà Nẵng càng lớn mạnh thì Hội An càng đơn vắng nằm im lìm bên dòng sông cạn.

     Trong cuốn bút ký Hành trình đến Nam Kỳ, thuyền trưởng John White đã mô tả “Hội An đang rơi vào cảnh nghèo nàn, suy sụp, không có người thăm viếng, trừ đội thuyền của địa phương và một tàu nhỏ từ Bắc kỳ đến. Phía trước cảng và nằm trên một bán đảo thấp là một khối lớn những tảng đá cẩm thạch màu xám, nhìn xa trông giống như những tàn tích kiến trúc không thể xác định do thiên nhiên hay bàn tay con người đặt vào đó”2.

     Đà Nẵng là một thương cảng được người Pháp chú ý sớm nhất trong lịch sử xâm nhập Việt Nam. Sau hàng ước Harmand (25/8/1883), khi chế độ bảo hộ được thiết lập khắp Trung và Bắc Kỳ, Đà Nẵng trở thành trung tâm chính trị ở khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi. Công sứ Pháp ở tỉnh Nam – Ngãi cũng đóng công sở tại Đà Nẵng, mặc dù chính quyền Nam triều đóng tỉnh lỵ ở Faifo. Khi đó, Đà Nẵng với sông Hàn – Cửa Hàn – vịnh Hàn và bán đảo Sơn Trà là một cảng thị tốt của miền Trung và Việt Nam.

     Khi người Pháp chiếm đóng Đà Nẵng, họ gọi Hội An là Faifoo. Ngày 9/10/1888 vua Thành Thái ra dụ thành lập thị xã Faifoo (Hội An) làm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ngày 9/10/1905, tuyến đường xe lửa kiểu Decauville được khai thông. Đà Nẵng trở thành một thành phố Cảng biển chiếm ưu thế lớn nhất. Manguin từng nhận xét: “Các tàu có trọng tải lớn không thể vào sông Hội An nên phải xuống hàng ở Đà Nẵng”.Thực ra từ những năm 1787 “vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”. (Ghi chú của Le Floch de la Carrrière dưới bản đồ vẽ năm 1787).

     Những năm cuối của thế kỷ XIX, Đà Nẵng được triều đình Nguyễn coi là địa bàn chiến lược quan trọng. Để tăng cường lực lượng cho công cuộc phòng thủ đất nước, triều Nguyễn đã cho đặt tại Quảng Nam một sơn phòng. Trung tâm chính trị, kinh tế và xã hội của Quảng Nam vẫn là tỉnh thành La Qua (Điện Bàn) và Hội An nơi Pháp đặt toà Công sứ.

     * Mất đi vai trò thương mại, Hội An vẫn nằm trong ý đồ quy hoạch – xây dựng hệ thống đô thị ở Trung Kỳ của người Pháp:

     Những biến động về hành chính và địa lý là một trong những nguyên nhân chính khiến thực dân Pháp không có chương trình quy hoạch đô thị cụ thể ngay từ buổi đầu thống trị Trung kỳ. Tuy vậy, vấn đề quy hoạch đô thị vẫn được người Pháp quan tâm và tiến hành xây dựng theo nhiều chiều hướng khác nhau, không ngừng hoàn thiện.

     Quy hoạch và sự thiết lập đô thị ở Trung Kỳ thường tập trung theo các hướng: trung tâm cảng và thương mãi; trung tâm chính trị và hành chính; trung tâm kỹ nghệ và canh nông; trung tâm nghỉ mát và du lịch.

     Cuộc viễn chinh mở đầu cho một thời kỳ dài đô hộ ở Việt Nam bắt đầu từ cửa Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành trung tâm chính trị khu vực QN – ĐN. Công sứ Pháp tỉnh Nam – Ngãi cũng đóng ở Đà Nẵng mặc dù chính quyền Nam triều đóng ở Faifo (Hội An)… Đà Nẵng trở thành đô thị cấp II duy nhất ở Trung Kỳ nằm trên nhượng địa với một quy chế riêng và không ngừng phát triển để trở thành một trung tâm đô thị cỡ lớn ở miền Trung đến năm 1945. Với -u thế đó, Hội An đã nhường bước cho Đà Nẵng thành cảng thị quốc tế chính ở miền Trung. Dòng sông Cổ Cò bị bồi lấp, cửa Đại Chiêm không còn đắc dụng với những yêu cầu mới của sự phát triển ngoại thương hàng hải.

     Các thương nhân Âu Châu đều công nhận Hội An là “một liên hiệp hải cảng”, phía Bắc là hòn Ngự Hải đảo (hòn Thảo), vịnh Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà án ngữ ngoài khơi.

     Hội An vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà ngoại thương nước ngoài. Khi đó, “Hội An, một hải cảng không to tát gì, và nơi đó chỉ có tàu nhỏ vào được… Touron là một trong những hải cảng đẹp và lớn lao nhất của toàn Đông Dương, chỉ cách Hội An một chặng đường”1. Đầu thế kỷ XIX, do những điều kiện khách quan, Hội An mất đi ưu thế của mình, dòng sông Cổ Cò bị phù sa bồi đắp nên khó đi lại, đặc biệt tàu lớn chạy bằng hơi nước không thể đậu vào Hội An được.

     Người Pháp coi Hội An như “sân sau” và tập trung vào xây dựng cảng Đà Nẵng

     Xây dựng đường sắt ĐN – Hội An nhằm duy trì sự tồn tại của đô thị.

     Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thiết lập một con đường sắt nối Đà Nẵng với Hội An để thay cho việc vận chuyển trên sông, nhưng sau trận bão năm 1911 con đường này bị hư hỏng nặng. Mặt khác vì Hội An quá tàn lụi nên thực dân Pháp không khôi phục lại con đường sắt này nữa. Đà Nẵng được phát triển về thương mại nhưng Hội An vẫn được chính quyền chọn làm tỉnh lỵ. Loại hình kiến trúc công sở được xây dựng đã tạo cho Hội An một quy hoạch khác hẳn với Hội An trầm lắng trước đó. Quy hoạch này bổ sung thêm, khiến các loại hình kiến trúc Hội An đa dạng và phong phú hơn, tạo một khuôn diện mới cho khu phố bên cạnh những ngôi nhà phố mái ngói rêu phong.

     Đến nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, các công trình nhà ở đã chịu ảnh hưởng trong kiến trúc và có một số thay đổi về hình thức. Tại đô thị Hội An đã hình thành phong cách kiến trúc kết hợp truyền thống và ảnh hưởng kiến trúc Pháp.

     Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, các phong cách ảnh hưởng kiến trúc Pháp khá đa dạng như: phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ, phong cách Tân cổ điển, phong cách địa phương Pháp, phong cách Môđéc, phong cách Đông Dương… và một số phong cách được hình thành do có kết hợp của một vài phong cách khác. Vẻ mới mẻ này là một luồng gió mới thay đổi diện mạo các thành phố có bề dày lịch sử, có phần cởi mở và đa dạng hơn giữa truyền thống phương Đông và cách tân phương Tây. Đô thị nhỏ Hội An cũng chịu ảnh hưởng đó nhưng có thể thấy là không nhiều. Lý do chính cũng vì, Đà Nẵng mới là điểm ngắm của người Pháp, mà Hội An chỉ là nơi trú ngụ tạm thời. Những công trình kiến trúc truyền thống từ thế kỷ trước vẫn tiếp tục phát triển và được nhân dân coi trọng, nhưng các thương điếm đến lúc này không còn hoạt động nữa nhường chỗ cho các loại hình kiến trúc mới.

3. Lời kết 

     Biến động của tự nhiên, lịch sử, xã hội đã khiến cho đô thị Hội An không còn đứng ở vị trí thương cảng bậc nhất. Những nhân tố làm cho đô thị Hội An hưng khởi cũng là điều kiện hình thành các loại hình di tích kiến trúc ở giai đoạn đầu hình thành và phát triển đô thị. Khi các nhân tố đó không còn nữa thì đô thị Hội An cũng vì thế mà suy tàn. Thông qua phân bố, quy mô, hình thức, chức năng của công trình ta có thể thấy sự chuyển đổi hình thái đô thị Hội An.

     Việc mô phỏng về diện mạo, quy mô đô thị Hội An thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX được dựa trên các cứ liệu lịch sử kết hợp với nghiên cứu và phân tích các yếu tố (phạm vi phân bố, chức năng, quy mô, hình thức kiến trúc của mỗi loại hình di tích). Trong đó, yếu tố sông – biển – địa hình đã tạo cho Hội An một quy hoạch tự nhiên rõ nét, không gian đô thị hài hòa giữa con người và sinh thái; đó cũng là lý do khiến cho chức năng công trình, hình thức kiến trúc… cho tới trang trí ở các công trình tôn giáo đều chịu ảnh hưởng từ yếu tố này.

     Các di tích trong khu phố cổ Hội An phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và hầu hết còn lại khá nguyên vẹn. Đến thế kỷ XX, đã có 12 loại hình di tích: nhà ở, nhà thờ tộc, chùa, đình, đền, hội quán, miếu, giếng, mộ, cầu, chợ, công sở… mang chức năng và thể hiện giá trị văn hoá độc đáo riêng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, các loại hình này đóng vai trò khác nhau. Nó phản ánh từng giai đoạn lịch sử hình thành, phát triển và suy tàn của đô thị.

     Người Pháp có mặt ở Hội An đã góp phần làm phong phú hơn các loại hình di tích, tổng thể quy hoạch đô thị được định hình. Hài hoà trong ngôn ngữ kiến trúc, mềm dẻo trong trang trí, linh hoạt trong công năng, phù hợp với không gian đô thị Hội An là những đặc điểm của các công trình mang phong cách Pháp. Vì thế, đô thị Hội An có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại làm sinh động hơn quần thể di tích.

__________
Borri (1771), An account og Conchinchina in tow parts, Paris.

1 Theo ghi chép của Antonio de Faria – thuyền trưởng người Bồ của tàu Albuquerque đến vùng Đà Nẵng – Hội An năm 1535.

1 Viện Nghiên cứu Quốc tế & Tr-ờng Đại học Nữ Chiêu hòa, Kiến trúc Phố cổ Hội An – Việt Nam, NXB Thế giới (2003), Tr 29.

2 Hoàng Văn Khoán, Lâm Mỹ Dung, Hà Thị Loan, Thám sát khu vực chùa cầu ở thị xã Hội An, Những PHMVKCH 1989, Tr 172.

1 Đỗ Bang, Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa 1977, Tr 90.

2 John White, Quảng Nam đầu thế kỷ trước, Bút ký Hành trình đến Nam Kỳ, Tạp chí Xưa và Nay, 1998, Tr.7.

1 Nguyễn Văn Xuân, Quốc Anh, Đà Nẵng 100 năm về trước, Tạp chí NCLS (5+6), 1987, Tr 86.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Quy hoạch và kiến trúc đô thị Hội An dưới thời chúa Nguyễn (Tác giả: TS. Tạ Hoàng Vân)