So sánh ý nghĩa văn hóa của con số 3 trong tiếng Trung và tiếng Việt

BALANCED COMPARATIVE CULTURAL SIGNIFICANCE
OF THE NUMBER 3 MIDDLE ENGLISH AND VIETNAMESE

Tác giả bài viết: TÔ VŨ THÀNH
(Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT

     Theo quan niệm của người Trung Quốc, những con số không đơn giản chỉ được dùng trong tính toán, mà chúng còn có ẩn chứa những ý nghĩa văn hóa, triết học sâu xa, có thể ảnh hưởng tới đời sống và vận mệnh của con người. Con số 3 là một trong những con số mang nhiều ý nghĩa văn hóa và tư tưởng triết học của người Trung Quốc, đồng thời cũng là con số được mọi người yêu thích và sùng bái. Con số 3 trong tiếng Việt cũng có ý nghĩa văn hóa đặc thù riêng. Vì vậy việc đối chiếu, so sánh những hàm ý văn hóa của con số 3 trong tiếng Trung và tiếng Việt có những ý nghĩa và giá trị thực tiễn nhất định, đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm được sự giống và khác nhau về quan niệm về văn hóa giữa hai nước Việt -Trung.

Từ khóa: Trung Quốc, con số, văn hóa, triết học, quan niệm Việt Nam.

ABSTRACT

     According to Chinese concept, the simply numbers are not only basically used in calculations, but also ecncompass its cultural and philosophical significance which are able to have influence on human life. The number 3 is significant related to the Chinese culture and philosophy, besides, it is kind of adorable and favorite number. So the comparison, comparisons of the cultural implications of ‘3 ‘in Chinese and Vietnamese have different meanings and certain practical value, and in turn the problem we learn more about the similarities and differences concept of culture between Vietnam and China.

Keywords: Chinese, numbers, cultural, philosophy, concept.

x
x x

1. Ý nghĩa văn hóa của con số 3 trong tiếng Trung Quốc

     Vạn vật trên thế giới luôn có một quá trình “bắt đầu”- “phát triển”- “kết tinh”, số 1 ‘一’, số 2 ‘二’, số 3 ‘三’ trong tiếng Hán chính là tượng trưng cho ba bước ngoặt của quá trình này. Trong đó, số 1 ‘一’ là khởi nguồn của vạn vật, là tượng trưng cho sự sản sinh vạn vật của vũ trụ; số 2 ‘二’ tượng trưng cho quá trình phát triển của vạn vật, sinh ra âm dương, là tiêu chí phân hóa thế giới vật chất trong vũ trụ; và số 3 ‘三’ chính là “kết tinh” của quá trình này, là kết quả tất yếu cho sự phát triển của vũ trụ, sản sinh ra sự vật mới và phát triển thành vạn vật. Trong quyển “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử đã từng nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Đây có thể coi là định nghĩa đầy đủ và mang tính triết học sâu xa của Lão Tử về quá trình hình thành thế giới vạn vật. Hứa Thận thời Đông Hán trong “Thuyết văn giải tự” có nói: “Nhất duy sơ thái sử, đạo lập vu nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật…, tam: thiên địa nhân chi đạo dã”… cũng đã khéo léo miêu tả quá trình hình thành thế giới vạn vật và triết học biện chứng sâu sắc. Ngoài ra, trong “Thuyết văn” còn ghi “nhất ngẫu nhị vi tam”, tức là một cộng hai bằng ba, như vậy, số 3 trở thành số hội tụ đầy đủ cả âm và dương. Trong “Sử ký. Luật thư” của Tư Mã Thiên cũng cho rằng: “Số bắt đầu là số 1, kết thúc là số 10, thành ở số 3”. Cho nên, số 3 từ xa xưa đã biểu thị ý nghĩa sinh sôi, nảy nở và đem lại điều may mắn.

     Trong văn hóa truyền thống và triết học cổ đại Trung Quốc, số 3 có ý nghĩa rất phong phú. Trong “Những câu chuyện của chữ Hán”, Ngô Thiên Bình cho rằng: “Trong triết học cổ đại Trung Quốc, số 3 thường được dùng để “miêu tả thế giới tự nhiên và xã hội”[1], và còn là “một ký hiệu hết sức sống động”[2]. Vạn sự vạn vật trên thế gian đều do số 3 phát triển ra, cho nên các sự vật từ xưa đến nay thường lấy số 3 để đặt tên, trong thiên văn, lịch pháp, tôn giáo, kiến trúc, v.v đều lấy số 3 để làm chuẩn. Ví dụ: Trong từ ngữ rút gọn “Tam Tài”: chỉ Thiên, Địa, Nhân; “Tam Quang”: chỉ Nhật, Nguyệt, Tinh; “Tam Bảo”: chỉ Phật, Pháp, Tăng; “Tam Giáo”: chỉ Nho, Đạo, Phật; “Tam Huyền”: chỉ Chu Dịch, Lão Tử, Trang Tử, v.v. Từ ngữ do số 3 tạo thành tương tự như trên còn rất nhiều, và ba sự vật được cấu thành thường mang ý nghĩa “kinh điển”, cho nên tâm lý dân gian Trung Quốc rất sùng bái con số 3.

     Các tác giả nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng: số 3 ngoài biểu thị số lượng là 3 ra, còn biểu thị nghĩa ‘rất nhiều, cực nhiều’. Trong “Ý nghĩa số học của chữ số và ý nghĩa văn hóa”, Lưu Đan Thanh cho rằng: “số 3 là sự bắt đầu số nhiều”[3]. Trong “Chữ số thần bí cổ đại”, Diệp Thư Hiến, Điền Đại Hiến cũng cho rằng: “Xét từ góc độ phát triển của số 3, nó bắt nguồn từ thời kỳ cơ số của xã hội loài người không vượt quá 3”[4], nó và “đa” (nhiều) có liên hệ mật thiết với nhau. Trong tác phẩm nổi tiếng này, tác giả đã dẫn ra số 3 biểu thị ý nghĩa “đa” (nhiều) của các học giả nước ngoài. Họ đều cho rằng, dân tộc nguyên thủy dùng cho tên gọi chỉ có “một” và “hai”, có lúc có “ba”. Nghĩa của số 3 có nghĩa như “Thêm một”. Như vậy, khi số của một sự vật nào đó vượt qua hai, người nguyên thủy thường dùng cách tính “Thêm một” hoặc “Thêm nhiều”, phàm là những chữ số thêm vào đều được gọi là Ba, vì thế số 3 mang hàm nghĩa “rất nhiều”. Trong tiếng Hán từ cổ chí kim, cách dùng số 3 mang hàm nghĩa “đa”(nhiều) rất nhiều, ví dụ: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên”, “Tam tư nhi hậu hành”, “Tam nhân thành hổ”, “Tam phiên ngũ thứ”, “Tam ngũ thành quần”v.v. Trong các từ ngữ này thì “số 3” đều biểu thị ý nghĩa “nhiều”. Số 3 mang nghĩa này còn được thể hiện rất rõ ở cách cấu tạo chữ Hán. Nếu như xét từ góc độ cấu tạo của chữ Hán, chữ do 3 bộ thủ hợp thành đa số đều có nghĩa “đa” (nhiều). Ví dụ: 3 bộ nhân ( 人 ) ghép lại thành chữ “Chúng”“众”(chỉ nhiều người), 3 bộ mộc (木)ghép lại là chữ “Sâm” “森”(chỉ nhiều cây), 3 bộ thủy (水) ghép lại là “Diểu”“淼”(chỉ nhiều nước), 3 bộ thạch(石)ghép là “Lỗi” “磊” (chỉ nhiều đá), 3 bộ nhật (日)ghép lại là “Tinh”“晶”(chỉ nhiều sao), 3 bộ mao(毛)ghép lại là “Tuyệt”“毳”(chỉ nhiều lông), 3 bộ hỏ(火) a ghép lại là “Diệm” “焱”(chỉ lửa mạnh), 3 bộ trùng(虫)ghép lại là “Trùng” “蟲”(chỉ nhiều sâu) v.v. Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, mặc dù có một số chữ đã mất đi nghĩa ban đầu của nó, nhưng hình dạng của chữ vẫn có thể cho chúng ta nhận biết được nghĩa “đa” (nhiều) vốn có của nó.

     Ngoài ra, số 3 cũng biểu thị nghĩa ít. Trong “Văn Nhất Đa toàn tập – Thần thoại và thơ”, Văn Nhất Đa cho rằng: “Trong hệ thống với 10 là số tròn, 5 là một nửa, 5 trừ 2 bằng 3, là số ít, 5 cộng 2 bằng 7, là số nhiều”. Trong sách cổ thường nói đến 3 hoặc 7, thường chỉ nghĩa như thế, số tượng trưng cho số ít hoặc số nhiều. Số 3 trong tiếng Hán có rất nhiều nơi biểu thị nghĩa số ít. Ví dụ: “Tam trường lưỡng đoản” biểu thị nghĩa “nhỡ”, “ngoài ý muốn”, chỉ số ít. “Tam sai lưỡng thác” biểu thị ý “nhầm lẫn ngẫu nhiên”, cũng chỉ rất ít. “Tam ngôn lưỡng ngữ”, “Tam thiên đả ngư lưỡng thiên sái võng” v.v. Số 3 biểu thị nghĩa này thường dùng kết hợp với “hai” , “Lưỡng”.

     Xét từ góc độ khác, số 3 còn thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau trong đời sống văn hóa, còn là con số tượng trưng cho kết cấu chỉnh thế “hoàn nhất”, thể hiện ổn định chắc chắn nhất, ví dụ: “Tam vị nhất thể”, “Tam túc đỉnh lập” v.v. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, một chỉnh thể thường do “ba bộ phận” cấu thành mới gọi là hoàn chỉnh, ví dụ: Một bài văn hoặc một luận án nhất định sẽ do ba bộ phận tạo thành “Lời nói đầu, nội dung chính, kết luận”, một ngày cũng chia ra làm ba buổi “buổi sáng, buổi chiều, buổi tối”, con sông cũng chia ra làm ba phần “thượng lưu, trung lưu, hạ lưu” v.v. Ngoài ra, nó còn đại diện cho văn hóa truyền thống của dân tộc Hán. Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, người ta thường sử dụng phương pháp chia ba để miêu tả tự nhiên và xã hội. Ví dụ: “Tam tài” Thiên, Địa, Nhân; “Tam quang” Nhật, Nguyệt, Tinh; “Tam tinh” Phúc, Lộc, Thọ; “Tam hữu” Tùng, Trúc, Mai. Thời gian có quá khứ, hiện tại và tương lai; không gian có Nhân gian, Thiên đường và Địa ngục, động vật có Chim, Thú, Cá, chúng được phân biệt sinh sống ở bầu trời, mặt đất và dưới nước; khí hậu có Tam phục và Tam cữu, là những ngày nóng nhất và lạnh nhất trong năm.

     Có thể nói, con số 3 đã thẩm thấu đến mọi góc độ của văn hóa Trung Quốc. Con người một ngày ăn ba bữa; khi khiêng vật nặng sẽ hô “một, hai, ba”; người ta chia vật thể thành lớn, vừa, nhỏ hoặc trên, giữa, dưới; chia trường học thành trường đại học, trường trung học, trường tiểu học. Khi kể chuyện cũng dành nhiều tình cảm ưu ái cho con số 3, ví dụ: “Tam đả Bạch Cốt Tinh”, “Tam đả Chúc Gia Trang”, “Tam Cố Mao Lư”, “Tam khí Chu Du” v.v. Kết cấu như vậy trong tác phẩm văn học không phải là hiếm, và rất được mọi người yêu thích. Song, có một điều thú vị là, trong tiếng Trung Quốc khi số 3 biểu thị số thứ tự, thì lại thường mang ý nghĩa xấu, ví dụ: “第三者” Kẻ thứ ba”, “下三滥” “Đê tiện”, “三流作家” “Nhà văn làng” “三流歌手, “Ca sĩ vườn” v.v, các từ ngữ này đều mang nghĩa không tốt, hàm ý khinh miệt.

     Con số 3 trong tiếng Hán chứa đựng rất nhiều những ý nghĩa về triết học sâu xa của Trung Quốc, từ thời cổ đại nó đã biểu thị những hàm ý tốt đẹp. Vì vậy, người Trung Quốc rất sùng bái và yêu thích con số này là một điều hết sức tự nhiên. Đồng thời, qua đây chúng ta cũng phần nào hiểu thêm về tư tưởng và tập tục văn hóa của người Trung Quốc.

2. Ý nghĩa văn hóa của con số 3 trong tiếng Việt

     Số 3 trong tiếng Việt có hai từ biểu đạt là: “Ba” (từ thuần Việt) và “Tam” (từ vay mượn của tiếng Hán). Nghĩa của “Ba, Tam” về cơ bản là giống nhau. Nhưng tần suất sử dụng của “Ba” cao và mang ý nghĩa văn hóa phong phú hơn “Tam”. “Tam” thường dùng để chỉ số lượng là 3, và đa số đều được dịch trực tiếp từ “三” trong tiếng Hán, ví dụ: “Tam đại”, “Tam Đạt Đức”, “Tam giác đồng minh”, “Tam giáp”, “Tam nghi”, “Tam nguyên”, “Tam thế” v.v, trong đó có một số có ý nghĩa quan trọng, dùng để chỉ quan niệm luân thường đạo lý trong gia đình, ví dụ: “Tam tài”, “Tam bảo”, “Tam cương ngũ thường”, “Tam đại đồng đường” v.v. Tuy rằng, những ý nghĩa văn hóa này đều kế thừa từ tiếng Hán, song chúng phù hợp với bối cảnh xã hội và mưu cầu nhân sinh của người dân Việt Nam, vì thế cách gọi con số 3 là “Tam” luôn được người dân Việt Nam yêu thích. Phát âm của từ “Tam” cũng gần giống với phát âm của từ “Tài”, cho nên theo quan niệm dân gian, những người làm ăn kinh doanh rất thích con số này, “Tam lục” (36) (tượng trưng cho ‘tài lộc’), “Tam bát” (38) (tượng trưng cho ‘tài phát’) luôn là mục tiêu mà họ hướng tới.

     Từ “Ba” trong tiếng Việt ngoài nghĩa biểu thị số lượng là “3” ra, chủ yếu biểu thị nghĩa “đa” (nhiều), ví dụ: “Ba bò chín trâu”, “Ba chìm bảy nổi”, “Ba đời bảy họ”, “Ba đầu sáu tay”, “Ba lần bảy lượt”, “Ba đầu sáu tay”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Song, nếu “đa” (nhiều) quá mức thì không tốt, nên từ “Ba” còn có nghĩa “không chuyên tâm, lộn xộn lung tung, rối bời”, ví dụ như: “Ba lằng nhằng”, “Ba vả”, “Ba hoa”, “Ba phải” v.v.

     Từ “Ba” trong tiếng Việt còn có nghĩa là chỉ “giới hạn”, người Việt Nam thường lấy “Ba” để làm thước đo, ví dụ: “Quá tám ba bận”, “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Cờ ba cuộc, thuốc ba thang”, “Gái giống cha giàu ba họ, trai giống mẹ khó ba đời” v.v.

     Trong sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam, sau khi cha mẹ qua đời, con cái phải “đội tang ba năm” để ghi nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng, vì sao nhất định phải đội tang “3 năm” mà không phải là “1 năm” hoặc “2 năm”? Trong tiếng Việt có câu tục ngữ “Con lên ba mới ra lòng mẹ” đã nói lên điều này, vì vậy sau khi cha mẹ qua đời, con cái nhất định phải “đội tang ba năm” là vì lẽ đó. Tình nghĩa anh em bạn bè cũng lấy “3 năm” để làm thước đo “Làm bạn ba năm”.

     Trong tiếng Việt, con số 3 có những lúc được coi là con số không may mắn, biểu thị nghĩa không tốt. Cho nên, dẫn đến “Ba” trong mồng 3 âm lịch của mỗi tháng và tháng 3 âm lịch hàng năm đều mang nghĩa không tốt, không may mắn. Tại sao lại như vậy?

     Tục ngữ Việt Nam có câu “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, “Chó tháng ba, gà tháng bảy”, “Tháng ba bà già chết cóng”, “Tháng Ba ngày Tám”, “Ngày Ba tháng Tám”, “Tháng Tám đói quá, tháng Ba đói chết”, “Tháng Tám chưa qua, tháng Ba đã tới” v.v. Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, chủ yếu làm nông nghiệp, “Tháng ba âm lịch” là khoảng thời gian khó khăn nhất, mùa màng thất bát, thường thiếu lương thực, vì vậy ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, người dân thường có cảm giác lo âu, không may mắn khi đến tháng này. Ngoài ra, câu “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba” là do người dân Việt Nam đúc kết từ kinh nghiệm, “ngày bảy, ngày ba” là do khi mặt trăng và trái đất quay gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người, nên vào thời gian này đi ra ngoài hoặc làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy không thuận lợi, không đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, nếu có việc quan trọng cần đi ra ngoài vào “ngày bảy, ngày ba”, người Việt Nam đều rất thận trọng, vào hai ngày này không tổ chức những sự kiện lớn, để tránh những việc bất lợi. Chính vì hai nguyên nhân này đã dẫn đến tâm lý của người Việt Nam không thích số 3, cho rằng số 3 là con số không may mắn, nguy hiểm. Quan niệm này cũng đã phản ánh đến cả cuộc sống đời thường của người dân, ví dụ như: Không chụp ảnh ba người, Tam nhân bất đồng hành, v.v. , cũng có nghĩa là không may mắn. Và đương nhiên, trong tình yêu, trong hôn nhân, “kẻ thứ ba” càng không được người ta đón nhận.

     Như vậy, có thể thấy con số 3 tưởng như khô khan, đơn điệu, nhưng trong văn hóa Việt Nam nó lại có một đời sống sinh động và phong phú, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa văn hóa thú vị. Thông thường nó được sử dụng với hàm ý tốt, song đôi khi cũng ám chỉ những điều không may mắn. Mặc dù, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này, song trong cuộc sống hàng ngày, con người ta vẫn luôn mong hướng tới những điều tốt đẹp và kiêng kỵ để phòng tránh những điều không may mắn, vì vậy bất luận con số 3 trong tiếng Việt có thực sự mang những hàm ý đó hay không, thì nó vẫn cứ tồn tại trong cuộc sống đời thường của chúng ta và ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. 吴天平, (2006), 《汉字的故事》,北京:新世界出版社-17 页。

     [2]. 王红旗, (2002),《数字神奇的含义》,中国对外翻译出版社公司-192 页

     [3]. 刘丹青, (1991),《数字的数学意义和文化意义》,学语文,第六期-47 页

     [4]. 叶舒宪,田大宪,(1998),《古代神秘数字》,社会科学文献出版社-39 页。

     [5]. Trần Gia Anh, 2004,《Con số với ấn tượng dân gian》, [M].NXB Hải Phòng

     [6].Nguyễn Đăng Duy, 2004, 《Văn hóa Việt Nam》, [M]. NXB Hà Nội.

Nguồn: Nghiên cứu Trung Quốc, số 2(126) – 2012

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): So sánh ý nghĩa văn hóa của con số 3 trong tiếng Trung và tiếng Việt
(Tác giả: Tô Vũ Thành)