SỰ NGHIỆP VĂN VÕ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM (Phần 1)
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(PGS TS Sử học)
Đến nửa cuối thế kỷ 19 – khi quân Pháp bắt đầu xâm lược, võ khí thô sơ truyền thống vẫn tiếp tục phát triển với các thế võ đánh giáp trận trong chiến thuật du kích chiến. Vào thời Việt Minh (liên minh chống Pháp), loại vũ khí thô sơ và quen thuộc nhất đã được sử dụng phổ biến là: cây tầm vông vạc nhọn.
Tuy nhiên, vào thời kỳ này súng ống và chất nổ đã được ít nhiều đưa vào sử dụng. Đặc biệt loại vũ khí hiện đại như máy bay, tàu thuỷ… được viễn chinh xâm lược đưa vào sử dụng tại chiến trường Đông Dương. Nhưng những nghĩa quân hay các dũng sĩ vẫn luôn rèn luyện võ nghệ như thời kỳ phong kiến – Còn võ kinh mang tính lý luận trên sách vở như binh thư, binh pháp vẫn tồn tại trong triều đại Nguyễn cho đến khi cáo chung dưới cai trị của sư đoàn quân thực dân Pháp để dành chỗ cho các chiến thuật, chiến lược mới trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại.
SỰ NGHIỆP VĂN VÕ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Nếu nói về lịch sử giáo dục – Việt Nam là một nước sớm có nền giáo dục cổ điển trong thế giới Hán hoá (theo ngôn ngữ của Vandermeersch) ([1]) thế giới chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa từ hơn nghìn năm trước – chưa kể văn hoá Ấn Độ. Việt Nam cũng là nước sớm có nền giáo dục tiên tiến trong thế giới Âu Tây – chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20
Cả 2 nền giáo dục nói trên được thừa hưởng từ sự đô hộ của 2 nước lớn từ phương Đông và phương Tây. Nếu đi tìm ông Tổ cho nền giáo dục thời cổ trung đại nói trên chúng ta thử nêu lên tên tuổi nhà giáo Chu Văn An ([2]) cho nghiệp văn và Trần Quốc Tuấn ([3]) là người xây dựng nghiệp võ tiêu biểu (do ông soạn binh thư, võ trận…).
Nay chúng ta thử tìm hiểu 2 nghiệp văn võ thời xa xưa ấy. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu cắt lát – như cắt lát thành thớt gỗ lịch sử từ giai đoạn triều Nguyễn để xem xét thông qua Bộ tư liệu Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật người An Nam) của Henri Oger ([4]) thực hiện trong 2 năm 1908 – 1909 tại Hà Nội. Trong số 4.577 bản vẽ khắc gỗ có chú giải Hán Nôm – chúng ta tìm chọn được nhiều bản khắc gỗ mô tả cảnh học trò ngày xưa mà lịch sử còn chưa biến đổi – khi Pháp chưa đặt xong nền móng cai trị toàn diện.
x
x x
Dù là văn hay võ, các cậu học trò cần phải học chữ Hán để khai tâm. Đây là 2 cậu học trò còn để chỏm ngồi trên chiến phản gỗ– Trước mặt 2 cậu là ông thầy đồ bên chồng gối xếp với cây roi cầm tay – nhìn cận cảnh (h.1) ta thấy một cậu học trò chịu khó học hành đang khom mình “vẽ” chữ để học văn, mong chờ ngày đỗ đạt ra làm quan. Còn bọn trẻ ít chịu học như bọn chăn trâu (h.2) nhà nghèo thì ham thích môn võ vật (h.3). Cho dù giữa đồng chiêm trũng ngập nước, lúc nghỉ ngơi bên bờ đê cũng rủ nhau lên gò cao ôm nhau vật.
“Vật trâu, vật bò, vật gò, vật đống
Vật đá thành vôi, vật đồi thành nước
Vật nổ trời đất, vật cho cột thành than…”
x
x x
TRƯỜNG DẠY VÕ VÀ CÁC ĐỊNH CHẾ
Tuy nhiên, thoát ly khỏi ruộng đồng, võ thuật Việt Nam đã phát triển chính quy trong các trường dạy võ thuật thuộc các triều đại phong kiến. Do đó, nếu văn học đã sớm có vị trí xứng đáng trong triều đình thì võ học cũng phát triển song hành trong chiều dài lịch sử đan xen chiến tranh và hoà bình. Nhưng chiến tranh kéo dài triền miên, võ nghệ vì thế càng vang dội – có khi võ tướng có thể thay đổi cả thể chế triều đình. Trường hợp Trần Quốc Tuấn được phong là Hưng Đạo Vương. Ông là một võ tướng không chỉ của Việt Nam còn cả của thế giới khi được công nhận như là một vị Đại Nguyên Soái từng đánh tan ý đồ bá chủ hoàn cầu của đế chế Mông cổ. Các chiến binh của đế chế này chuyên ngồi và ngủ trên lưng ngựa – như những cổ thiết giáp để tiến quân xâm lược. Các chiến binh đem theo giấc mộng của Thành Cát Tư Hãn “Bắt mặt trời quỳ dưới chân mình” khi nào đoàn quân Mông Cổ với vó ngựa hùng mạnh đã đến tận chân trời.
Cái phong cách kiêu ngạo trên sớm phát triển trong lịch sử loài người như một đế chế không thua kém đế chế La Mã… hay đế chế còn sót lại trong lịch sử cận hiện đại – đế chế Phát Xít… mà lịch sử Việt Nam từng được trải nghiệm.
Nếu thoát ly khỏi các ruộng đồng cũng thoát ly ra khỏi các làng mạc – nơi đã từng nung nấu tinh thần quật khởi, làm nên những cuộc cách mạng chống ngoại xâm để đào tạo nên những bậc anh hùng hào kiệt văn võ, chúng ta cần phải kể đến các vương triều qua nhiều thời đại đã góp phần lớn trong các công cuộc xây dựng đất nước trong khuôn khổ của nền tảng triết học chính trị phương Đông.
Chúng ta thử cắt ngang giai đoạn lịch sử từ triều Nguyễn để khảo sát – Nền võ học Việt Nam cũng đã bắt đầu bước vào hệ thống đào tạo chính quy – như các sự kiện xảy ra vào thời Chúa Trịnh Cương .
– Cho mở trường võ năm 1721 (năm Bảo Thái thứ 2 đời Lê trung hưng) và bổ nhiệm chức quan “giáo thụ”
– Cho mở khoa thi võ 1723 (năm Bảo Thái thứ 4) và đúng lệ cứ 3 năm một kỳ (như bên văn).
Khác với xã hội công nghiệp ngày nay, xưa kia xã hội phong kiến phương Đông thực hiện kế hoạch tuyển sinh không theo lệ hàng năm – mà cứ 3 năm 1 lần được thực hiện như sau: tuần tự theo các năm khác nhau cho Văn và Võ. Đối với ngành võ việc tổ chức:
- Thi Sở cử: Tại địa phương (các trấn) vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu – để được nhận văn bằng Tạo sĩ (tương đương cử nhân).
- Thi Bác cử : Tại Trung ương (kinh đô) để tuyển chọn học vị Tạo sĩ (tương đương Tiến sĩ) vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Năm thi đầu tiên là năm Giáp Thìn (đời Bảo Thái thứ 5 – 1724) tổ chức tại phường Thịnh Quang – cho trúng tuyển 11 người.
Trong 69 năm triều Lê Trung Hưng đã mở ra tổng cộng 19 khoa thi– tuyển chọn được 199 Tạo sĩ trong đó có 59 Tạo sĩ xuất thân và 140 đồng Tạo sĩ xuất thân.
Đến triều Nguyễn – đời Minh Mạng thứ 18 (1837) đưa ra một quy định mới. Nhà vua ban chỉ dụ cho rằng “từ trước đến nay khoa thi võ chưa từng được đặt ra luật”. Do đó nhà vua định ra quy chế thi – tuy vẫn theo luật lệ của nhà Lê – dành cho những con nhà võ đã biết võ kinh, có tài mưu lược và Triều đình tuyển chọn cứ 3 năm/1 lần qua các cuộc thi võ cử với tên gọi như bên thi Văn gọi là thi Hương vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Thi Hội vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Đặc biệt vào đời Thiệu Trị thứ 6 (1846) nhà vua đặt ra 1 ân khoa đầu tiên cho các thí sinh 31 tỉnh về thi gọi là khoa thi Võ Kinh – như là cuộc thi Đình bên Văn.
Như vậy, triều Nguyễn khác với triều Lê là bỏ thi lý thuyết (tức võ kinh) mà chỉ chú ý phần thực hành tức là võ nghệ. Có lẽ từ đây, võ học Việt Nam đã mang lớp “võ biền” trong tư tưởng quần chúng.
Về nội dung, thí sinh phải trải qua 3 trường thi theo tuần tự:
Trường nhất thi nhấc vật nặng
Trường nhì thi côn, quyền, đao, lăn, khiên tay
Trường ba thi bắn súng điểu thương
Thi trường ba là trường hợp thi phúc hạch. Phần lớn thí sinh không trúng cách do bắn không trúng mục tiêu vì súng điểu thương là loại vũ khí bị cấm sử dụng. Còn dân quê ở làng đất đai nhỏ hẹp không thể có các trường tập bắn đúng khuôn mẫu.
Trên đây là khoa thi võ đầu tiên của triều Nguyễn được tổ chức tại kinh đô để cấp bằng võ cử nhân. Năm 1848, năm Tự Đức thứ nhất – quy chế thi cử có thay đổi tức là thí sinh không thi tuần tự cả 3 trường để tuyển chọn mà qua cuộc thi từng trường. Nếu không đạt trường nào thì xem như trượt tại chỗ không được thi tiếp tại các trường khác.
Vào năm Tự Đức thứ ba (1850) thể thức thi lại thay đổi. Thí sinh được thi tuần tự cả 2 trường nhất và nhì. Nếu đạt điểm cao thì được thì xét phúc hạch (cho thi trường ba) rồi châm chước cho thi đỗ.Năm Tự Đức thứ tư (1861) – vua Tự Đức đưa vào chương trình thi lấy tên Võ hội thí và Võ điện thí. Sau đó là thi Đình. Nếu thí sinh có học vấn về võ nghệ thì đăng ký tham dự thi cử nhân võ. Nếu không biết chữ mà qua thi phúc hạch võ kinh thì chỉ được chấm phó bảng. Trường hợp thí sinh đăng ký thi, thì quan trường tổ chức thi bằng 5 câu hỏi sát hạch (thi vấn đáp) về Tứ thư và Võ kinh cùng cẩm nang của các danh tướng trong lịch sử và hiện đại. Nếu trả lời lưu loát thì được cho vào thi Đình. Phần thưởng dành cho thí sinh loại này là được ban ân điển ban yến. Đặc biệt là được cấp ngựa cho vinh quy bái tổ (h.4) như thi Văn Đình. Henri Oger cho ta 1 bản vẽ vào năm 1908 – 1909 mô tả vị tiến sĩ được hưởng chế độ đãi ngộ trong thời triều Nguyễn. Ở đây, bản vẽ không cho thấy hình ảnh: “Ngựa ông đi trước, võng nường theo sau”.
Ta được biết hình ảnh tiến sĩ vinh quy vào những năm đầu thế kỷ, nền Hán học bắt đầu suy tàn. Do đó, ông tiến sĩ vinh quy chỉ được ban cho cờ, biển , ngựa, lọng mà thôi.
___________
([1]) LÉON VANDERMEERSCH, Le neauveau monde sinisé, Paris: Seuil, 1985
([2]) Chu Văn An (1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn , tên chữ là Linh Triệt , là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần Minh Tông (1300–1357) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.
([3]) TRẦN QUỐC TUẤN sinh ra vào thế kỷ XIII (thập kỷ 20) – thời điểm đế chế Mông cổ với giấc mộng “bá chủ hoàn cầu”. Từ ý đồ đó Việt Nam nằm trong tầm ngắm để tràn xuống Đông Nam Á. Dưới quyền thống lĩnh của Trần Thủ Độ. Trần Quốc Tuấn đã đánh tan quân Mông Cổ lần nhất. Sau khi Trần Thủ Độ mất (1264), ông trở thành thủ lĩnh vương triều nhà Trần và đánh tan quân Nguyên lần 2. Trần Quốc Tuấn lại tiếp tục chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 (1287) với chiến công lưu danh muôn thuở là trận Bạch Đằng Giang – bảo vệ lãnh thổ Việt Nam (thời Đại Việt) và toàn cõi Đông Nam Á. Nay ông trở thành Đức Thánh Trần linh hiển.
([4]) HENRI OGER – “kỹ thuật của người An Nam” (Technique du peuple Annamite) thực hiện tại Hà Nội (1908 -1909) đã được PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG nghiên cứu, giới thiệu, và công bố tại Hội Văn hoá nghệ thuật Hà Nội – Việt Nam (1984), tại trường Đại học California University – Fullerton – USA (2004), tại trường ngôn ngữ Đông Phương (École Oriental Paris ) Pháp (2006).
Xin xem tiếp: SỰ NGHIỆP VĂN VÕ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM (Phần 2)