Tìm lại giáo phường ca trù Đồng Trữ

Tác giả bài viết: YÊN GIANG

     Ca trù là dòng ca nhạc dân gian Việt Nam. Theo lộ trình phát triển, ca trù có những tên gọi khác nhau: hát Cửa đình, hát Nhà trò, hát Ả đào, rồi hát Cô Đầu .v.v…

     Từ những năm 30 của thế kỷ XX khi thảo luận về cuộc hát Ả đào, Nguyễn Đôn Phục (1870 – 1954) – một ký giả am hiểu ca trù vào hạng bậc nhất trong số những văn nhân đương thời – đã nhận xét: Dân tộc nào cũng có một cái tính tình riêng. Đã có một cái tính tình riêng chắc là phải có một cái thanh âm riêng… Đã có một cái thanh âm riêng chắc là phải có một cái khúc điệu riêng. Cái âm thanh khúc điệu đó là cái âm thanh khúc điệu thuộc về tự nhiên. Sự hát Ả đào ở nước Nam ta chắc là phôi thai siển phát (làm sáng tỏ) đã sớm sủa lắm1.

     Sau thời gian dài bị quên lãng, nghệ thuật ca trù đang được khôi phục, lưu giữ với ý nghĩa – nói theo cách nói hiện đại – là sản phẩm vô cùng độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam mà không có một dân tộc nào trên thế giới có được2.

     Sản phẩm vô cùng độc đáo ấy ở Hà Tây từng thịnh phát trên địa bàn huyện Chương Đức xưa, nay là huyện Chương Mỹ.

     Hiện còn mấy tấm bia chép về sự kiện này, trong số ấy phải kể đến tấm bia Tân tạo tạc bi văn khế đặt tại đình thôn Tiên Lữ, xã Phụng Châu, tạc năm Thịnh Đức thứ 5 (1657). Cho đến nay, tư liệu này có thể coi là tư liệu thành văn sớm nhất trong số tư liệu thành văn tìm được, nói về sự lưu hành ca trù trên đất Chương Mỹ nói riêng và cả Hà Tây nói chung3.

     Rất tiếc là các giáo phường của họ Kiều, họ Hoàng ở Tiên Lữ cùng các giáo phường ở Long Châu, Phương Bản… đã thất truyền. May thay, còn đó một giáo phường khác. Tuy sinh sau nở muộn và cũng chính nhờ sự ra đời muộn ấy mà giáo phường này còn lưu lại ít nhiều dư âm từng khuynh đảo bao đời: Đó là giáo phường Đồng Trữ.

     Đồng Trữ là ngôi làng nhổ bên quốc lộ 6, cách huyện lỵ Chương Mỹ ngót 5km về bên trái. Trước kia, làng thuộc xã Yên Trường, tổng Cao Bộ, nay thuộc xã Phú Nghĩa – quê hương nghề mây tre đan nổi tiếng. Nhờ thế, vốn là đất thuần nông, Đồng Trữ đã có thêm nghề phụ góp phần nâng cao đời sống dân làng.

     Trong kháng chiến chống Pháp, vì là đất giáp ranh giữa ta và địch, từ đây du kích, bộ đội chủ lực thường xuất nhập bất thường đánh phá đường 6 – tuyến đường chiến lược Hà Nội – Hoà Bình, nên giặc đã đốt phá, triệt hạ làng mạc tới 12 lần. Bao nhiêu báu vật của làng bị thất tán, trong đó có ngọc phả, bằng sắc của thành hoàng làng, hẳn có cả các thứ quý hiếm liên quan tới nghệ ca trù. Cho nên việc phác hoạ lại gương mặt giáo phường chỉ còn cách dựa vào ký ức mỏng manh của các nghệ nhân cao tuổi, nhưng liệu người cũ còn được mấy ai? Chúng tôi đã tìm về Đồng Trữ không đến nỗi muộn màng.

     Còn đây kép Cống – nghệ nhân đàn đáy thuộc thế hệ cuối cùng của giáo phường. Nghệ nhân thứ hai là kép Kiệt vừa mất năm ngoái. Họ đều thuộc họ Trần Bá. Họ Trần Bá – dòng họ lớn nhất, cũng là dòng họ duy nhất giữ quyền lưu truyền ca trù ở làng. Kép cống đã 72 tuổi. Cụ vừa vượt qua một cơn bạo bệnh nên cử chỉ chậm chạp, nhưng còn nhớ rất nhiều chuyện cũ.

     Còn đây đào Gái, đào Tuệ cùng trà tuổi, họ tộc và kíp hát với kép cống. Đào Gái giọng hát còn rung hạt trong trẻo nhưng lời ca câu nhớ câu quên. Đào Tuệ trí nhớ còn đủ nhắc bài cho bạn nhưng chất giọng đã kém mầu.

     Còn đây cụ Trần Thị Vát 81 tuổi, cụ Nguyễn Thị Phóng 73 tuổi, cụ Nguyễn Thị Nguồn 72 tuổi, ông Nguyễn Đình Lù 68 tuổi – trưởng ban mặt trận tổ quốc thôn, ông Nguyễn Đức Luống 63 tuổi – nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã… Họ không phải là người trong nghề, nhưng nghe nói đến ca trù, đã tìm đến góp mặt, góp lời.

     Cụ Nguồn nói:

     – Chúng tôi là người làng, thích nghe thì sang chứ có biết hát hò gì.

     Cụ Phóng là dâu họ Trần, nói:

     – Hồi ấy ở nhà tôi, tối nào cũng có các cô gái đến học hát. Họ phải học từ năm 12,13 tuổi ấy. Tôi chỉ nghe thôi cũng thuộc khối bài.

     Để chứng cho điều ấy, cụ liền đọc một bài, có lúc cao hứng cất giọng ngâm:

Đêm chia nửa Hợi dần sang Tý

Khách văn phòng gối đính lại êm

Phất phơ chồi giang liễu rũ mềm

Lác đác tuyết sương rơi rờ rỡ

Bâng khuâng kẻ mơ màng thần nữ

Thăm thẳm trời xanh bóng tố nga…

     Cụ ngập ngừng chừng để nhớ tiếp, thì cụ đào Tuệ kịp nối lời. Tất nhiên đến đào Tuệ thì phải hát rồi. Giọng tuy có kém màu nhưng lề lối vẫn rất rành rẽ chuẩn chỉ:

Trống thùng thùng canh đã sang ba

Trên lầu giục tiếng chim kêo réo rắt

Chạnh nhớ chúa năm canh nằm chẳng nhắp

Nên đòi phen dằn dọc canh khuya…

     Và đây là ông kép Nguyễn Ngọc Huỵch 63 tuổi. Chính nhờ ông giúp, nên có cuộc hội ngộ này tại nhà cụ kép cống. Trước đó, trên hai tấm phản, một chiếc giường kê trong nhà đã có các con các cháu đang ngồi quây quần đan hàng mây.

     Chẳng biết từ lúc nào nữa, xưỏng thủ công đã biến thành một thính phòng ca nhạc. Mọi người đều ngừng tay đan, gương mặt hong hóng lắng nghe. Không kịp có đàn, có phách thì cụ kép Cống nhẩm đàn mồm, cụ đào Gái, đào Tuệ gieo phách bằng đũa lên thành chiếc giường rẻ quạt cũ kỹ. Qua bài hát Ả phiền ngả ba mươi sáu giọng đến bài hát nói Hồng Hồng Tuyết Tuyết rồi chuyển sang hát xẩm cô đầu… Những âm thanh quen thuộc vừa mộc mạc vừa chau chuốt hoà lẫn với hương trầu mới nhai dập cay cay thơm thơm lan toả khắp gian phòng.

     Ngoài kia, ở cuối sân là cây rơm tròn đầy sau vụ được mùa vàng rộm. Bên ngoài tường ngăn, nhô lên khóm chuối nhà hàng xóm. Những tàu lá sau mưa sạch làu làu óng xanh màu ngọc bích khẽ đu đưa… Tất cả tạo nên một không gian đặc biệt. Đấy là không gian dân dã đang ứng diễn một nghệ thuật dân dã cho một công chúng dân dã thưởng thức. Sao mà nó cảm, nó vào làm vậy. Nếu không phải là một nơi có truyền thống cầm ca như Đồng Trữ đây, dễ gì có được cảnh tượng sinh hoạt văn hoá hiếm này?

… Con chim không chết mệt vì mồi

Nó kẽo réo rắt gọi người tình nhân

Bấy nay vắng vẻ khách Châu Trần

Làm thân con nhện mấy lần vương tơ…

     Mấy câu trên của bài hát xẩm cô đầu là vận từ bài ca dao quen thuộc. Bài ca dao này chúng tôi đã từng đọc, từng nghe nhưng chưa lần nào thấy xúc động như lần này. Phải chăng đó là lời gọi bạn khắc khoải của người ca nữ già hồi niệm về một thời vàng son cũ?

     Thời khắc thăng hoa nhất của thính phòng rạo rực trôi qua. Mọi ngưòi đã bình tâm lại để cùng nhau giãi bày những gì còn nhớ được về giáo phường xưa.

     Cụ Cống kể: Một lần kép Nhạnh cùng Đạo Nhạn và hai bà vợ là đào cố, đào Chẻo vào hát ở huyện đường. Kép Nhạnh vốn là người tài hoa lịch thiệp, trang phục khi nào cũng chuẩn chỉ sang trọng. Lần ấy, ông đội khăn đóng, mặc áo gấm, đi giầy Ký long và dùng ô Lục soạn. Viên tri huyện người Ước Lễ bước vào thấy vậy, nhìn ông trừng trừng rồi mắng:

– Mày là cái thá gì mà dám mặc sang hơn quan?

– Ông tức giận bỏ cuộc ra về.

     Cụ Gái kể một chuyện đau lòng khác: Hồi ấy ở bốt Bương có tên Việt gian là đội Sửu người Mai Lĩnh. Hắn rất mê đào Mấm vì bà vừa đẹp vừa ca hay. Mỗi lần cao hứng, nó vào làng bắt ông trùm Diệc phải tìm gọi bằng được đào Mấm về cho nó, dù bà đang đi cấy hay đi hát tận đâu. Nếu không chiều, nó dọa đốt cả làng. Mà làng đã bị chúng đốt tới dư chục lần rồi, có còn gì đáng kể đâu. Thế rồi nó ép bà phải lấy lẽ nó. May quá, hồi nó chạy vào Nam, bà đã trốn thoát được…

     Các cụ còn kể nhiều chuyện, chúng tôi chăm chú nghe và hỏi. Lần đầu về Đồng Trữ chưa hỏi kỹ thì về lần thứ hai. Chúng tôi còn tìm đến một vài giáo phường khác để hỏi thêm. Xác minh thêm những sự kiện có liên quan.

     Và chẳng thể cầu toàn, đã đến lúc thử phác hoạ đôi nét phả hệ giáo phường Đồng Trữ xem sao.

     Người có công phát triển, truyền dạy ca trù ở đây được con cháu và dân làng còn nhớ rõ là cụ Kép Trần Bá Dinh. Mọi người quen gọi là cụ Trùm Dinh. Cụ sinh năm 1873, tạ thế năm 1945, hưởng thọ 72 tuổi. Hàng năm gia tộc và giáo phường làm giỗ cụ vào ngày 27 tháng Giêng.

     Cùng trà tuổi, cùng giáo phường với cụ có người vợ là Nguyễn Thị Dư, người cô là Trần Thị Chi, người em là Trần Thị Tỷ, hai người em họ xa là Hoàng Thị Mềm, Hoàng Thị Miên. Còn một số đào kép khác nữa, nhưng không nhớ tên tuồi.

     Cụ Dinh, thuộc chi trưởng họ Trần, sinh ra các ông Trần Bá Quảng, Trần Bá Lập, Trần Bá Diệc, các bà Trần Thị Nhạn, Trần Thị Tý.

     Các cụ thuộc chi thứ họ Trần (khuyết danh) sinh ra các ông Trần Bá Nhượng, Trần Bá Kén, Trần Bá Nhạnh, Trần Bá Do, Trần Bá Lạn và bà Trần Thị cầm. Một cụ người họ Võ (khuyết danh) là rể họ Trần sinh ra bà Võ Thị Tuyết. Cùng trà này còn có các ông Nguyễn Đức Yêu, Nguyễn Ngọc Thàm, các bà Nguyễn Thị Trà, Võ Thị Cố, Nguyễn Thị Chẻo. Họ là dây mơ rễ má, dâu rể với họ Trần.

     Nếu đặt thế hệ cụ Dinh là thế hệ thứ nhất của giáo phường, thì số người trên là thế hệ thứ hai. Họ đều là những đào kép chủ chốt của giáo phường.

     Sang thế hệ thứ ba, trước tiên phải kể đến những nghệ nhân đã mất như các bà Trần Thị Mần, Trần Thị Mơ, Trần Thị Nở (Nả), Trần Thị Bổng, Trần Thị Đích, Võ Thị Nhàn; các ông Trần Bá Siêng, Trần Bá Kiệt, Võ Văn Ngảu…

     Một số ít người đã vượt qua khắc nghiệt của thời gian, nếm trải đủ vinh nhục thăng trầm của nghệ tổ để còn đây làm nhân chứng với hôm nay về một thời ca trù Đồng Trữ.

     Họ đều đã qua độ tuổi xưa nay hiếm, có mấy người theo chồng như cụ Nguyễn Thị Lựu về Giáp Ngọ thị trấn Trúc Sơn; cụ Nguyễn Thị Dưỡng về La Khê thị xã Hà Đông; cụ Trần Thị Mấm sau khi trốn khỏi tay đội Sửu, lấy chồng ở Non Nông, rồi cùng theo đi tít Sài Gòn. Và còn mấy người đang kể chuyện nghề với chúng ta đây: Cụ Trần Thị Gái, cụ Trần Thị Tuệ và cụ Trần Bá Cống – người giữ giỗ tổ họ Trần, cũng là tổ giáo phường Ca trù Đồng Trữ.

     Sau năm 1945 ở khắp nơi, nhìn chung lối hát ca trù chìm dần vào quên lãng. Tuy nhiên, nhờ có sức sống hàng nghìn năm, nghệ ấy vẫn lặng lẽ tiềm ẩn trong dân gian chờ cơ hội phục hồi.

     Ở Đồng Trữ, vào những năm 1975,1976, đã có lần tổ chức truyền dạy, sau đó ghi âm một số bài ca tiêu biểu. Gần đây, cuối năm 1999, nhân dịp làng Khê Than (cùng xã) làm lễ đón bằng công nhận làng văn hoá, làng Đồng Trữ cũng sang góp vui một chầu hát.

     Thế hệ mới vào nghề này đang nhiều dần lên. Ở độ tuổi sáu mươi có các ông Trần Bá Vật, Nguyễn Ngọc Huỵch. Ở độ tuổi 40 có các chị Trần Thị Nhanh, Trần Thị Khăn, chị Lâm, chị Miền…

     Nếu kế hoạch dựng lại nghệ hát cổ truyền của Hội người cao tuổi ở Đồng Trữ thành công như các vị đã dự định, may ra phả hệ giáo phường ở đây sẽ ngày thêm vững cội sai cành.

     Về phương thức lưu hành ca trù, vẫn theo lời kể của các cụ, thời ấy đi hát đình môn là chính. Hầu hết các cửa đình trong huyện đều do Đồng Trữ giữ lệ khoán ước. Có năm đi hát trọn cả mấy tháng xuân. Thảng hoặc có đến hát ở tư gia, công đường nhân các việc thù tiếp, khao lão, mừng tân gia…

     Rồi khoảng từ năm 1920 về sau, ở các thành phố xuất hiện những nhà hát cô đầu. Chỉ cách Đồng Trữ mươi lăm cây số trên đường 6, ở Hà Đông cũng xuất hiện một phố Cô đầu. Phố có chừng hai mươi quán, do ông Tư Thiêm người làng Đơ dựng lên cho thuê. Hẳn ở đây trồng rất nhiều cây phượng vĩ, hoa nở đỏ rực suốt mấy tháng hè nên có tên gọi phố này là Bông Đỏ chăng4.

     Theo xu thế chung, ca trù Đồng Trữ cũng chia một phần nhỏ lực lượng để vươn ra đua tài với phố phường. Nhiều người còn nhớ ở phố Bông Đỏ bấy giờ có các quán của mấy ông trùm làng Kim Bài, Đôn Thư, Nhân Trạch (Thanh Oai) làng cầu Đơ, Vạn Phúc (Hà Đông). Người Đồng Trữ ít nhất cũng chiếm đến 4 quán: Quán bà Mẫn, quán bà Chẻo, quán bà Chánh Cầm và quán bà Nhạn.

     Sau đêm Nhật đảo chính Pháp (mồng 9 tháng 3 năm 1945), sáng ra phố Bông Đỏ rã hết, chủ khách chẳng còn tăm tích một ai5.

     Trong khi đó, số đông ở làng vẫn giữ nếp xưa: Ngày xuân hội đi hát thờ ở các cửa đình, ngày mùa màng cùng nhau lội đồng cày cấy chẳng quản nắng mưa.

     Xin trở lại tìm hiểu kỹ thêm thời cực thịnh của giáo phường Đồng Trữ.

     Như ta từng biết lệ giữ cửa đình thời ấy đã thành luật rất nghiêm ngặt6. Mỗi giáo phường chỉ được hát ở một số cửa đình nhất định. Nhiều nơi phải khắc bia đá làm cam kết việc mua bán chuyển nhượng này.

     Giáo phường Đồng Trữ cũng không qua được đương lệ. Tuy vậy, vẫn có một ngoại lệ nào đó – nếu chẳng phải là do tài năng – dành cho Đồng Trữ, nên đã diễn ra những cuộc giao hữu rộng rãi trong vùng. Các cuộc giao hữu này đã để lại những cuộc hôn nhân đầy thi vị thủy chung giữa các giai nhân bản phường với các tài tử bốn phương.

     Có thể kể:

     Một là, đào Trần Thị Chi – cô của cụ trùm Dinh – lấy kép Nguyễn Đình Đễ (người làng An Hạ) thuộc giáo phường Thượng Ốc (nay là xã An Thượng, xã An Khánh huyện Hoài Đức). Giáo phường này còn ghi dấu tích trên một mặt của tấm bia bốn mặt dựng năm Cảnh Trị thứ tám (1669) đặt tại chùa Do, thôn Thanh Quang cùng xã7.

     Cùng giáo phường Thượng Ốc nay còn có nghệ sĩ ưu tú Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Họ đang tham gia tích cực việc truyền dạy ca trù cho lớp trẻ ở Hà Tây, Hà Nội.

     Hai là, đào Trần Thị Tý – con gái cụ trùm Dinh – lấy kép Từ Mạnh Mậu thuộc phường Phú ổ (nay thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất). Con trai của họ là ông Từ Mạnh Chúc đã trên 70 tuổi từng nhiều năm làm Bí thư Đảng uỷ xã. Tương truyền ở Phú Ổ cũng có bia đá lưu truyền.

      Ba là, đào Võ Thị Tuyết – con gái đào Trần Thị Tỉ, cháu ngoại cụ trùm Dinh – lấy kép Nguyễn Văn Phụ thuộc giáo phường Tích Sơn (nay thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

     Đây cũng là phường có tiếng, từng có người được triều Nguyễn triệu vào kinh đô Huế phong chức quản ca cung đình8. Danh cầm Đinh Khắc Ban – cháu gọi đào Tỉ là thím dâu, đã trưởng thành và nổi tiếng đàn đáy từ giáo phường này.

     Từ những sự kiện trên, chúng ta có thể tạm khép lại chuyến đi tìm về quá khứ này bằng mấy lời:

      – Ở làng Đồng Trữ có thật một giáo phường ca trù. Giáo phường này xuất hiện ở đây, ít nhất cũng sớm hơn thời cụ trùm Dinh từ một đến hai đời, cách nay ngót hai trăm năm.

     Thuở ấy, tiếng tăm và ảnh hưởng của giáo phưởng đã toả khắp vùng xứ Đoài rộng lớn (bao gồm cả địa bàn tỉnh Hà Tây và một số huyện của tỉnh Vĩnh Phúc), góp phần vào quá trình phát triển nghệ thuật ca nhạc độc đáo này trong khu vực.

     Người nông dân Đồng Trữ là người giàu chất nghệ sĩ. Họ đã giữ gìn được ca trù trải bấy nhiêu năm dâu bể. Bây giờ với truyền thống của mình, lại có đường lối đổi mới văn hoá của Đảng chỉ đạo, hy vọng họ sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển vốn quý đó để mãi xứng với câu ca dao từng lưu truyền trong vùng:

Hỡi cô thắt giải bao xanh

Có về Đồng Trữ với anh thì về

Đồng Trữ có gốc cây đề

Có vực tắm mát có nghề cầm ca.

Y.G

Chú thích:

     – Theo Văn xuôi Hà Tây thế kỷ XX, sở Văn hóa -Thông tin Hà Tây xuất bản 1997, tr. 19.

     – Theo TS. Trần Văn Khê – Ủy viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO – Báo Văn nghệ, số ra ngày 30 – 4 – 1994.

     – Theo Nguyễn Xuân Diện trong Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù, Khoa học xã hội, 2000, tr. 192.

     – Theo một số nhà nghiên cứu thì: Ba La Bông Đỏ được dẫn từ Playpôngđua (tiếng Chăm) mà ra.

     – Theo cụ Nguyễn Đức Mạnh, 84 tuổi, ngụ tại Cầu Đơ, Hà Cầu, thị xã Hà Đông, nguyên là kép đàn ở Bông Đỏ ngót chục năm.

     – Luật đánh thuế hát Đình môn của nhà Lê đặt năm 1724 (theo Đặng Văn Lung trong bài “Lộ trình ca trù“, Tạp chí Văn học, số 7/2001 ).

     – Theo cụ Nguyễn Đình Thắng, 72 tuổi, ở An Hạ, xã An Thượng, Hoài Đức.

     – Theo cụ Nguyễn Thị Dưỡng, 76 tuổi, ở La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông.

Nguồn: Tạp chí Di sản Văn hóa, số 4 (13) – 2005

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tìm lại giáo phường ca trù Đồng Trữ (Tác giả: Yên Giang)