Tín ngưỡng THỜ QUAN CÔNG của NGƯỜI HOA ở TP HỒ CHÍ MINH (Trường hợp ở Nghĩa An Hội Quán)

NGUYỄN THÁI HOÀ
(Trường Đại Học Văn hoá TP Hồ Chí Minh)

1.

     Quan Công là một vị thần có địa vị tối cao trong hệ thống chư thần ở Trung Quốc, được cả Nho, Phật, Lão thờ phụng. Nho giáo xem Quan Công là “Võ Thánh Đế Quân” (còn Văn Thánh là Khổng Tử), Phật giáo xem Quan Công là Hộ pháp gọi là “Già Lam Bồ tát”, còn Đạo giáo phong Quan Công là “Tam giới Phục ma Đại đế”. Cả tam giáo Nho, Phật, Lão đã tích hợp từ văn hoá dân gian, truyền thuyết, ghi chép… và từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa nổi tiếng để “sáng tạo” nên một hình tượng Quan Công “Trung nghĩa”, “Nho nhã”, ”Anh linh”, “Thần uy”. Còn đối tượng sùng bái Quan Công thì trên có các bậc Đế vương, dưới là dân bách tính, văn nhân, nghĩa sĩ,… Dưới thời Minh, Thanh, miếu Quan Công được xây dựng rộng khắp, hương khói cực thịnh và trở thành một trong những vị thần minh quan trọng nhất trong lịch sử văn hoá Trung Quốc.

     Có một câu đối rất hay trong miếu thờ Quan Công, thể hiện tầm ảnh hưởng to lớn cũng như địa vị của ông như sau: [5, tr. 57]

Nho xưng Thánh, Thích xưng Phật, Đạo xưng Thiên tôn, tam giáo tận quy y. Thức chiêm miếu mạo trường tân, vô nhân bất túc nhiên khởi kính;

Hán phong Hầu, Tống phong Vương, Minh phong Đại đế, lịch triều gia tôn hiệu. Thẩn thị thần công trác trứ, chân sở vị đãng hồ nan danh.

Tạm dịch: Nho gọi là Thánh, Thích 1 gọi là Phật, Đạo gọi là Thiên tôn, ba tôn giáo ấy con người đều quay về nương tựa. Nhận biết và thấy nơi thờ tự lâu dài trùng tu mới, không người nào thiếu sự tôn trọng,

Nhà Hán ban tước Hầu, nhà Tống ban tước Vương, nhà Minh ban tước Đại đế, trải qua nhiều triều đại đều tăng thêm hiệu quý. Những điều khó thấy, những việc phi thường của thần ban xuống là những điều chân thực vô lượng, khó mà gọi đúng tên.

     Khi người Hoa di cư đến Việt Nam, họ cũng mang theo tín ngưỡng thờ Quan Công và xem Quan Công là một trong ba vị thần tối thượng (cùng với Ma Tổ và Phúc Đức Chánh Thần) trong đời sống tinh thần của họ. Trong các hội quán, tuỳ theo quan niệm của mỗi nhóm cộng đồng người Hoa, mà Quan Công được thờ chính ở gian giữa chánh điện hay là vị thần tùng tự. Nhưng dù như thế nào, thì người Hoa đối với Quan Công vẫn luôn một lòng thành kính, sùng bái. Thí dụ như trong việc kinh doanh hùn hạp nếu có tranh chấp, người ta thường thách nhau đến trước bàn thờ Quan Công thề thốt. Câu nói “Có mặt Ông làm chứng” đối với người Hoa mang tính thiêng liêng, có giá trị hơn tất cả các loại văn bản hợp đồng. [8, tr. 124]

2. Căn nguyên sùng bái Quan Công

     Quan Vũ, tự Vân Trường, tức Trường Sinh, là một thường dân người Giải Châu, Hà Đông (nay thuộc Vân Thành, Sơn Tây). Sinh thời, ông giúp Lưu Bị lập nên Thục Hán, là một trong 5 hổ tướng đứng đầu của Lưu Bị, uy danh lừng lẫy. Ông chỉ trở thành thần thánh sau khi mất, đặc biệt từ thời nhà Đường, các câu chuyện liên quan đến sự hiển thánh của ông được ghi chép rất nhiều trong các loại bút kí, truyền kì,… Đến thời nhà Minh, tác giả La Quán Trung trong hồi thứ 77 của Tam quốc diễn nghĩa với tựa đề “Ngọc Tuyền sơn Quan Công hiển thánh, Lạc Dương thành Tào Tháo cảm thần”, đã căn cứ vào truyền thuyết dân gian và những ghi chép kể trên để viết lại như sau:

Quan Công từ khi mất rồi, linh hồn không tan, cứ là là bay trên không, đến mãi một trái núi ở huyện Đương Dương, thuộc về châu Kinh Môn gọi là núi Ngọc Tuyền. Trên núi có một nhà sư già, tên là Phổ Tĩnh. Bữa ấy vào độ cuối canh ba, trăng thanh gió mát, Phổ Tĩnh đang ngồi trong am tụng kinh, bỗng nghe ở trên không có tiếng gọi trong lên rằng: “Đem trả đầu ta đây”. Phổ Tĩnh ngẩng mặt lên xem thì thấy trên không có một người cưỡi ngựa Xích Thố, cầm đao thanh long… Phổ Tĩnh trông rõ ràng là Quan Công, mới lấy đuôi phất trần đang cầm trong tay, gõ vào cánh cửa mà hỏi rằng: “Vân Trường ở đâu?”. Linh hồn Vân Trường sực tỉnh ra, lập tức xuống ngựa, cưỡi gió sa xuống trước am, chắp tay hỏi rằng:“Sư cụ ở đây là gì? Xin cho tôi được biết pháp hiệu?” Phổ Tĩnh nói:“Lão tăng tên là Phổ Tĩnh”… Quan Công nhớ ra, nói rằng:“Xin cầu lời thanh hối, chỉ điểm đường mê muội cho tôi”… Phổ Tĩnh nói:“Xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn, nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế…” Quan Công tỉnh ngay ra, cúi đầu lạy tạ rồi biến đi mất. Về sau thường thường hiển thánh ở núi Ngọc Tuyền, cứu hoạ cho nhân dân phương ấy. Dân ở đây cảm ân đức, lập miếu trên đỉnh núi, bốn mùa tế bái. 2

     Một truyền thuyết khác lại kể rằng: Kiếp trước Quan Vũ là “Giải Lương Lão rồng” (Con rồng ở Giải Lương). Vào thời Hán Hằng Đế, vùng Hà Đông liên tiếp nhiều năm bị hạn hán, cư dân trong vùng tương truyền rằng trong núi có một pho tượng rồng rất linh thiêng, có thể trừ được hạn hán, nên tất cả mọi người cùng tập trung lại và quỳ khóc. Lão rồng cảm kích trước tấm lòng của dân chúng, liền hô mưa gọi gió, rút nước sông Hoàng Hà để trừ hạn cho dân. Thượng Đế nghe tin, cho rằng Lão rồng không nghe theo mệnh lệnh, liền tước quyền làm mưa cứu dân và lệnh cho Thiên Tào dùng kiếm chém đứt đầu Lão rồng, khiến cho đầu rồng rơi xuống đất. Một nhà sư ở huyện phố Đông Giải phát hiện thấy đầu rồng liền đem vào trong am và đặt vào một cái bình lớn, tụng kinh 9 ngày. Bất ngờ có tiếng kêu trong bình vọng ra, nhưng bên trong thì không có vật gì. Cùng lúc đó trong nhà họ Quan Đạo Viễn (tên Nghị) hạ sinh một bé trai. Đứa bé này mang biệt danh là Thọ, đi học lấy tên là Trường Sinh, tên sau gọi là Vũ, tự Vân Trường. Gặp nạn tại Mạch Thành, công hồn được đưa đến núi Ngọc Tuyền, huyện Đương Dương, bái nhà sư Phổ Tĩnh làm sư, đắc thành chính quả. [11, tr. 27-28].

     Nhưng sách Phật tổ thống kí, Trí giả truyện lại cho rằng, Quan Vũ quy y Phật pháp vào thời Tuỳ Văn Đế Thăng Hoàng năm thứ 12 (năm 592), khi nhà sư ở núi Thiên Đài là Trí Kí đi huyện Đương Dương, nằm mơ thấy một vị thần râu dài tự xưng là Quan Vũ, tướng nhà Hán, đang ngụ tại núi Đương Dương, mong muốn được làm đệ tử cửa Phật, bảo vệ Phật pháp. Nhà sư Trí Kí liền tâu với Tấn Vương Dương Quảng và truy phong Quan Vũ làm thần Hộ pháp (thần bảo vệ Phật pháp). [11, tr. 28].

     Khác với quan điểm của Phật gia, Đạo gia cho rằng Quan Vũ chính là vị thần tướng phò giúp cho Trương Thiên Sư. Sách Hán Thiên sư thế gia, quyển 1, viết: “Tống Sùng Ninh năm thứ 2 (1103), Tống Huy Tông từng hạ chiếu cho Trương Thiên Sư (Trương Kế Tiên) đời thứ 30 đi trừ yêu quái tại Chiếu Trì (nay thuộc Diên Trì, Giải Châu, Sơn Tây). Sau khi Trương Thiên Sư trừ yêu quái toàn thắng trở về, Tống Huy Tông hỏi Trương Thiên Sư: Ai đã phò tá ngươi trong việc này? Trương Thiên Sư đáp: Người giúp cho thần là Quan Vũ. Trong lúc thần diệt trừ yêu tinh thì Quan Vũ đã lập tức đến chiêu ứng, yêu tinh hoang mang khiếp sợ và bỏ lại một túi tiền Tông Ninh cho Quan Vũ. Tống Huy Tông nghe xong lập tức phong cho Quan Vũ làm Tông Ninh Chân Quân. Một tác giả khác là Vương Thế Trinh, người thời Minh, trong cuốn Long tử cầu hoạ Quan tướng quân tứ sự đồ cho biết vào năm Tống Chính Hoà, Quan Vũ đã đánh bại được Si Vưu và được Hoàng đế phong là Sùng Ninh Chân Quân. Cụ thể, lời văn cổ trong cuốn sách này như sau: “năm Tống Chính Hoà, cuộc chiến ở Diên Trì, Giải Châu, Sơn Tây thất bại (sau đó, nhờ sự giúp sức của thần tiên, Hoàng đế mới thu được thắng lợi – NTH), nhưng Hoàng đế vẫn nghi ngờ và chưa biết rõ thực hư, bèn phái Hư Tĩnh đi chứng thực, Hư Tĩnh báo lại: Chính một vị thần đã đánh bại Si Vưu. Hoàng đế lại hỏi: Ai đã đánh thắng? Hư Tĩnh đáp: Đó là Quan sư…, sau đó, Hoàng đế đã phong cho Quan Vũ làm Sùng Ninh Chân Quân.” [Dẫn theo [10, tr. 34-35]].

     Theo học giả Lã Uy, thánh tích Quan Công sau khi mất chỉ có ảnh hưởng trong dân gian và được dân gian gọi là Quỷ tướng dưới âm phủ. Chỉ từ đời Tống về sau, Quan Công mới được coi trọng. Lúc này, trong Phật giáo và Đạo giáo, xuất hiện nhiều truyền thuyết, huyền tích có liên quan đến Quan Công để “nhận” Quan công về phía mình, mà những trích dẫn ở trên đã chứng minh rất rõ cho điều đó. Còn triều đình, cũng không đứng ngoài cuộc, không ngừng phong hiệu cho ông, khiến cho chức danh của Quan Công được tăng lên: từ Hầu lên Công, từ Công lên Vương, từ Vương lên Đế và từ Thánh đến Thần.

     Từ đây, có thể nói rằng, cho đến cuối thời kì nhà Thanh, bất luận Quan Công là Đế Vương trong hư cấu của dân gian hay là bậc Chân Quân trong giới tiên gia, thì địa vị của ông đều đạt đến mức cao nhất trong lịch sử. Và đi kèm theo đó, là miếu thờ ông được xây dựng ở khắp mọi nơi. Theo khảo sát của học giả Lã Uy qua các thư tịch cổ, thời xưa trong thành thị luôn luôn tồn tại song song văn võ Nhị Thánh miếu, nhưng ở bất kì địa phương nào cũng chỉ được dựng một miếu Khổng Tử, còn miếu Quan Đế thì không hạn chế. Đặc biệt là ở vùng duyên hải sông Hoàng Hà là Sơn Tây và Hà Nam thì mật độ miếu Quan Đế nhiều vô cùng. [11, tr. 31]

     Có miếu Quan Công, tất nhiên phải có thờ phụng cũng như các nghi thức tế lễ. Tế lễ được chia thành hai, là Dân tế và Quan tế. Lẽ dĩ nhiên, lễ tế của dân gian không thể nào so sánh với triều đình quan lại, nhưng trong dân gian lại luôn thể hiện sự đa dạng và lòng nhiệt thành đối với tín ngưỡng Quan Công. Còn quan tế là lễ tế quốc gia, với quy mô tương đối lớn và quy củ, đặc biệt là từ thời Tống trở về sau. Theo ghi chép từ sách Điển tế Quan Đế chí, thì “vào những năm Minh Gia Tĩnh, định kinh thư điển tế, mỗi năm vào ngày 13 tháng 5 là ngày sinh của Quan Vũ, phải dâng vật tế là một con bò, một con dê, một con lợn, mâm ngũ quả, 1 tấm vải cẩm và phái quan Thái thường để hành lễ. Việc tế lễ 4 mùa cũng như cuối năm và việc phái quan đến tế, đều là việc quốc gia đại sự do quốc gia thông báo. Tế lễ bình thường thì cử quan hành lễ trước.” Đến cuối thời nhà Thanh, Hàm Phong năm thứ 3 (1853), chính thức liệt lễ tế Quan Đế vào hàng trung gọi là “trung tế” và khi tế phải cử hành theo đúng nghi thức “3 (lần) quỳ 9 lạy, nhạc lục tấu, múa bát điệu…” [4].

     Nói chung, sự sùng bái Quan Công đến cuối thời nhà Thanh đã đạt đến mức cực thịnh, đến nỗi nhà sử học đương thời là Triệu Dực trong tập thứ 35 “Quan Tráng Miêu” của sách Cai dư tùng khảo phải viết: “phàm nhân trở thành thần sau khi chết, đại khái cũng phải mất vài trăm năm thì mới hiển linh và lâu dần được thay thế. Riêng Quan Tráng Miêu… Đến nay đền thờ thần trải dài từ nam chí bắc, phàm là phụ nữ và trẻ em không ai không run sợ trước uy linh của thần. Hương khói quanh năm, trường tồn bất hủ cùng với trời đất”. Là một nhà sử học, nhưng Triệu Dực cũng không thể lí giải được vấn đề này, đành phải thốt lên: “Sự thịnh suy của quỷ thần sao lại nhiều đến thế!” [Dẫn theo [2, tr. 190]].

3. Tín ngưỡng thờ Quan Công của người Hoa ở Nghĩa An hội quán

     Ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, nơi thờ Quan Công có quy mô nhất là Nghĩa An hội quán ở quận 5 (hay còn gọi là chùa Ông) của người Triều Châu. Nơi đây, Quan Công được thờ ở gian giữa chánh điện. Theo hầu hai bên tả hữu có Quan Bình và Châu Xương. Theo truyền thống, người Hoa nói chung thường tổ chức ngày vía Quan Công vào các ngày 13 tháng 1 (vía Quan Công quy y tam bảo), 13 tháng 5 (vía sanh) và ngày 24 tháng 6 (vía hiển thánh) âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, ở Nghĩa An hội quán, ngày lễ quan trọng nhất, tổ chức linh đình nhất đó là ngày 15 tháng 1 âm lịch. Đây thật sự là những ngày hội lớn đối với cộng đồng người Hoa nói chung và người Hoa Triều Châu nói riêng. Họ đến dâng hương nhằm tưởng nhớ và cầu mong Quan Công phù hộ độ trì cho sức khoẻ, hạnh phúc, làm ăn phát tài phát lộc, kinh doanh thuận lợi,…

     Trình tự lễ vía Quan Công ở Nghĩa An hội quán thường diễn ra như sau:

     1. Chuẩn bị: Trước khi lễ tế chính thức diễn ra khoảng hai tuần, các thành viên trong Ban quản trị hội quán sẽ nhóm họp để phân công nhiệm vụ, quyết định danh sách khách mời, nghe báo cáo về tình hình tài chính,… Sau đó, các thành viên được phân công theo đó mà thực hiện, nhưng chủ yếu vẫn là bộ phận phụ trách hành chính của hội quán. Cụ thể các công việc như sau: lên danh sách khách mời, đặt mua các lễ vật, quét dọn, trang trí hội quán, phân công các thành viên cấp dưới phụ trách hướng dẫn người dân đến tham gia lễ bái, giữ gìn an ninh trật tự,…

     Theo lời kể của ông Vương Quốc Quang, trong các công việc trên, thì việc đặt mua các lễ vật là công phu nhất, bởi phải chọn những lễ vật đẹp nhất, những con heo quay tốt nhất… để cúng thần. Và hẳn nhiên, các cửa hàng uy tín, chất lượng của người Hoa luôn là lựa chọn hàng đầu của hội quán. 3

     2. Lễ tế chính thức: đúng vào lúc 9g sáng, các thành viên Ban quản trị trong trang phục thường ngày, nhưng gọn gàng, tươm tất sẽ tập trung trước gian thờ Quan Công. Lễ vật dâng cúng thần thường có là: heo quay, vịt quay, cua, cá, mực, mì sợi, tiền – áo giấy, 3 chén trà, 3 chén rượu, trái cây, bánh bao, bánh quả đào,…

     Trong không khí linh thiêng, trang trọng với những bản nhạc lễ truyền thống của người Triều Châu vang lên, Ban quản trị mà đứng đầu là Trưởng ban và hai Phó ban sẽ dâng lên thần những nén hương tốt nhất, thơm nhất với tư thế nghiêm trang, thành kính. Khi nhạc lễ kết thúc, buổi lễ sẽ chính thức bắt đầu. Thông thường, buổi lễ sẽ do một người là thành viên trong Ban quản trị điều hành và sẽ tiến hành theo những trình tự sau:

(1) Giới thiệu Trưởng Ban quản trị và 2 Phó ban làm chủ lễ.

(2) Dâng hương. Lúc này, tất cả mọi người sẽ hai tay cầm hương, nâng lên ngang đầu.

(3) Vái 3 vái và cắm nhang vào lư hương (việc cắm nhang sẽ có người giúp mang đi cắm). (4) Giới thiệu các lễ vật dâng thần. Giới thiệu đến lễ vật nào, trưởng ban và hai phó ban sẽ thay nhau nâng lễ vật đó lên và vái thần ba vái.

(5) Ba thành viên ban chủ lễ quỳ xuống và một trong số họ sẽ là người đọc văn tế. Sau khi đọc xong, thì mang đi đốt. Nội dung văn tế thường có:

Hôm nay, ngày… tháng…. năm… Tại Nghĩa An hội quán

Chúng con kính dâng lên thần: heo quay, vịt quay, hoa, bánh, trái,… Để cảm tạ ân đức của thần

Cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cộng đồng thịnh vượng, bang hội đoàn kết tương trợ lẫn nhau, gia đạo an lành, con cháu hiếu thảo, học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, buôn bán phát tài,…

Kính mong thần chứng giám 4

(6) Ba thành viên Ban chủ lễ sẽ dâng 3 chén rượu, 3 chén trà lên thần bằng cách rưới xuống đất.

(7) Thực hiện nghi thức “3 quỳ 9 lạy”, tức 1 lần quỳ sẽ lạy 3 lạy, sau đó đứng lên, rồi tiếp tục quỳ xuống, lạy thêm 3 lạy. Nghi thức này lặp đi lặp lại trong 3 lần, do Trưởng ban và 2 Phó ban thực hiện. Và sau đó là buổi lễ kết thúc. Lúc này, nhạc lễ sẽ lại tiếp tục vang lên rộn rã.

     Tất cả những trình tự này, đều thực hiện theo sự điều khiển của người điều hành, bằng ngôn ngữ địa phương (Triều Châu), kể cả phần đọc văn tế.

3.

     Kết thúc lễ: lễ dâng hương của Ban quản trị thường diễn ra trong khoảng 30 phút. Sau khi lễ hoàn tất, thì các lễ vật dâng thần sẽ được đưa xuống nhà bếp làm cơm. Còn Ban quản trị sẽ thay nhau tiếp đón quan khách, các hội quán bạn đến dâng hương, thăm viếng.

     Ở Nghĩa An hội quán, không chỉ trong những ngày lễ quan trọng mà vào ngày thường, nơi đây cũng thu hút nhiều khách thập phương đến lễ bái với nhiều lễ vật phong phú, đặc biệt lễ vật kèm theo không thể thiếu là “Bộ áo giấy” cúng Quan Công. Bộ áo giấy, chỉ là cách gọi tắt, được bày bán sẵn ngay trước cổng và bên trong sân hội quán. Bộ áo này gồm có: 4 tờ tiền giấy, 1 tờ quý nhân, 1 tờ quý nhân bốn phương, 1 tờ tiền vàng, 1 tờ tiền bạc, 2 bộ áo Quan Công, 3 nén nhang, 2 cây nến. Tất cả đó được xếp ngăn nắp và đặt trên một cái mâm (hay khay) cũng làm bằng giấy. Sau khi dâng hương và lạy xong, thì mang đi hoá vàng. Nhưng có điều cần lưu ý, lễ vật cúng Quan Công, người ta thường kiêng cúng gà bởi vì “gà là ân nhân của Quan Công: nhờ tiếng gà gáy sớm mà Quan Công thức dậy về với Lưu Bị”.

     Ngoài ra vào dịp này, những người buôn bán cũng đến miếu xin vay tiền. Số tiền này sẽ được Ban quản trị trích từ nguồn quỹ của hội quán, cho vào phong bao màu đỏ (số tiền rất nhỏ, mang tính chất tượng trưng, tức khoảng 500 hoặc 1.000 đồng). Mỗi túi sẽ có hai phong bao, trong đó kèm theo thêm 2 quả quýt, 1 tờ tiền giấy quý nhân. Tất cả đó, được người dân gọi là: “Lộc thần”. Người nào muốn vay, sẽ đến dâng hương, cầu xin với thần, sau đó đến nơi Ban quản trị đã bố trí sẵn để thỉnh và mang về nhà. Thời gian vay là trong khoảng một năm hoặc sớm hơn. Đúng hẹn, người vay phải đến miếu trả nợ, lãi sòng phẳng bằng cách bỏ vào thùng công đức và số tiền là gấp đôi số đã vay, còn kèm theo lễ vật dâng cúng để tạ ơn thần.

     Trong các hoạt động cầu tài nhân ngày vía của Quan Công, có thể nói đến đấu giá đèn lồng (thường diễn ra vào tối ngày 18 tháng 1 âm lịch), là hoạt động được mong đợi nhất bởi sự hấp dẫn và hồi hộp từ đầu cho đến cuối. Những chiếc đèn này, có năm Ban tổ chức đặt làm tại khu người Hoa ở Chợ Lớn, có năm đặt mua từ Trung Quốc mang về và giá khởi điểm cho việc đấu giá mỗi chiếc là 10 triệu đồng (giá đấu năm 2014).

     Theo lời kể của ông Vương Quốc Quang, trước khi diễn ra hoạt động đấu giá khoảng 1 tuần, thư mời tham gia sẽ được chuyển đến tận tay những nhà hảo tâm, những đại diện của các hội quán bạn, những ông chủ của những tập đoàn giàu có,… và đa số là người Hoa 5. Sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục, thì đúng vào lúc 20 giờ, tại hội quán, Ban tổ chức sẽ cho đấu giá 9 chiếc đèn lồng. Đây là 9 chiếc đèn tượng trưng cho 9 vị thần được thờ trong hội quán.

     Trong suốt hoạt động đấu giá đèn lồng, ban tổ chức sẽ sử dụng song ngữ Việt và Hoa (phương ngữ Triều Châu). Tức là khi đấu giá, Ban tổ chức lần lượt giới thiệu bằng tiếng Việt trước, tiếng Hoa sau. Lần lượt, người chủ trì giới thiệu từng chiếc đèn từ số 1 đến số 9 bằng cách đọc tên những vị thần tượng trưng cho chiếc đèn đó, nếu ai thấy phù hợp với việc cầu xin của mình và trả giá cao nhất sẽ thắng.

– Đèn số 1: Thiên Địa Phụ Mẫu (天地父母)

– Đèn số 2: Mã Đầu Tướng Quân (马头将军)

– Đèn số 3: Phúc Đức Chánh Thần (福德正神)

– Đèn số 4: Văn Xương Tinh Quân (文昌星君)

– Đèn số 5: Tài Bạch Tinh Quân (财帛星君)

– Đèn số 6: Quan Bình Thái Tử (关平太子)

– Đèn số 7: Châu Xương Tướng Quân (周仓将军)

– Đèn số 8: Thiên Hậu Thánh Mẫu (天后圣母)

– Đèn số 9: Quan Thánh Đế Quân (关圣帝君)

     Theo quan sát của chúng tôi trong hai năm 2013 và 2014, những chiếc đèn này đều được đấu thắng với giá hàng trăm triệu đồng. Riêng đèn số 9, là chiếc đèn được nhiều người quan tâm và đấu giá cao hơn cả. Như trong cuộc đấu giá năm 2013, giá chiếc đèn này là 668 triệu đồng, còn trong năm 2014, là 768 triệu đồng.

     Nói chung, không khí cuộc đấu giá diễn ra rất sôi nổi, bởi những tiếng vỗ tay, tiếng trống giục và tiếng kêu gọi của người chủ trì. Khi một người nào đó đấu thắng, tên của họ sẽ được xướng lên, kèm theo đó là một hồi trống thắng lợi. Lúc này, bộ phận thư kí sẽ viết tên của người thắng dán lên chiếc đèn và mời một thành viên trong Ban quản trị hội quán lên trao. Cứ như thế từ đèn số 1 cho đến đèn số 9. Và cũng sẽ không có gì ngạc nhiên, khi tất cả những giá (tiền) của chiếc đèn mà những người tham gia đấu giá đưa ra, bao giờ cũng có số 6 hoặc số 8. Bởi người Hoa quan niệm rằng, số 6 là “Lục” gần với “Lộc”, còn số 8 là “Bát” gần với “Phát”. Như vậy, nếu số 6 và 8 kết hợp với nhau, sẽ là “Lộc Phát”.

     Tục đấu giá đèn lồng ở Nghĩa An hội quán là một trong những tục lệ truyền thống của người Hoa Triều Châu. Mỗi năm chỉ tổ chức một lần với mục đích thu về kinh phí qua việc đấu giá để chi phí cho việc tổ chức lễ, tu sửa hội quán và làm công tác thiện nguyện. Vì thế, không chỉ có những người đấu giá thắng, mà những người tham gia khác cũng đóng góp thêm tuỳ lòng hảo tâm của mình. Theo thống kê sơ bộ của hội quán trong năm 2013 và 2014 sau khi đấu giá, số tiền thu được cũng xấp xỉ 4 tỉ đồng.

     Ngoài hoạt động đấu giá đèn lồng ra, thì trong những ngày diễn ra lễ vía thần, tại sân hội quán còn tổ chức múa lân sư rồng và hát Tiều (vào buổi tối). Như trong năm 2014, Ban Quản trị hội quán đã mời hai đoàn ca kịch của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là Viện Văn nghệ chuyên nghiệp và Đoàn II – Viện Triều kịch biểu diễn trong nhiều đêm liền, thu hút đông đảo mọi tầng lớp người dân đến xem, thưởng lãm.

4. Kết luận

     Quan Công, từ một võ tướng uy danh có thật trong lịch sử Trung Quốc, sau khi mất đã trở thành một vị “Đệ nhất Thần minh” 6 được cả tam giáo thờ phụng. Nho giáo lấy việc “Trung nghĩa hiếu hữu” 7  của đạo cương thường mà sùng bái, Phật giáo lấy việc “Hiển linh kiến tự” 8  mà kết duyên, còn Đạo giáo là “Giáng thần tĩnh yêu” 9 mà cầu giải. Cả tam giáo đã góp phần cùng nhau hình thành nên một hình tượng Quan Công “Trung quán nhật nguyệt”, “Nghĩa bạc vân thiên” 10 lừng lẫy trong lịch sử văn hoá Trung Hoa.

     Tín ngưỡng Quan Công, không những được các vương triều tín cẩn, trở thành vị thần bảo hộ quốc gia, được dân gian Trung Quốc qua nhiều đời chiêm bái, mà còn theo chân các lưu dân người Hoa, lan rộng đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới – trong đó có Việt Nam, trở thành một biểu tượng văn hoá, tượng trưng cho đạo đức truyền thống của người Trung Hoa.

     Người Hoa tôn sùng Quan Công, như là một phương thức tồn tại đặc biệt của họ nơi đất khách quê người, cho dù ngày nay, sự tôn sùng ấy cũng như những hoạt động tế tự đã có phần tinh giản đi nhiều cho phù hợp với điều kiện mới và nơi vùng đất mới. Song, tất cả đó, vẫn không làm mất đi giá trị, bản sắc của tín ngưỡng thờ Quan Công, mà ngược lại, vẫn còn rất hưng thịnh.

__________
1. Thích: Thích Ca – vị giáo chủ của đạo Phật.

2. Bản dịch từ http://vi.wikisource.org/wiki/Tam_qu%E1%BB%91c_di%E1%BB%85n_ngh%C4%A9a/H%E1%B B%93i_77 (truy cập lúc 23g10, ngày 7/5/2013).

3. Tư liệu phỏng vấn ông Vương Quốc Quang: phụ trách văn phòng hội quán và là người điều hành các buổi lễ ở hội quán, ngày 15 tháng 7 năm 2013.

4. Tư liệu phỏng vấn ông Vương Quốc Quang, ngày 15 tháng 7 năm 2013.

5. Tư liệu phỏng vấn ông Vương Quốc Quang, ngày 15 tháng 7 năm 2013.

6. Bậc thần minh không ai sánh kịp.

7. Đại ý: Hết lòng trung nghĩa, hiếu thuận, kính yêu mọi người.

8. Đại ý: Linh thiêng hiển hiện ra mà dựng lên thờ tự.

9. Đại ý: Thần xuất hiện dẹp trừ yêu quái.

10. Đại ý: Lòng Trung thấu suốt trời trăng, Nghĩa khí che lấp mây trời.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Ô Bính An, Tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, NXB Nhân dân Thượng Hải, Thượng Hải, 1995.

乌丙安:《中国民间信仰》,上海:上海人民出版社,1995年。

2. Trương Chí Giang, Quan Công, NXB Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2008.

张志江:《关公》,北京:中国社会出版社,2008年。

3. Thẩm Hoằng, Văn hoá Quan Công, NXB Vật tư Trung Quốc, 2012.

沈泓:《关公文化》,中国物资出版社,2012年。

4. Người Trung Quốc vì sao tin Quan Công, bài viết đăng trên báo “Văn hoá Trung Quốc”. 《中 国人为何信关公》,《中国文化报》。 http://tieba.baidu.com/p/1914188230

5. Từ Tấn, Thần Tài, Thư xã Nhạc Lộc, Trường Sa, 2012.

徐迅:《财神》,长沙:岳簏书社,2012年。

6. Trần Thái Tiên, Nguồn gốc của các vị thần, NXB Hoa Kiều Trung Quốc, Bắc Kinh, 2011.

陈泰先:《神的由来》,北京:中国华侨出版社,2011年。

7. Mai Tranh Tranh, Giải mã Quan Công, NXB Dân chủ Pháp chế Trung Quốc, Bắc Kinh, 2010.

8. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Đặc khảo văn hoá người Hoa ở Nam Bộ, NXB Văn hoá Dân tộc, 2012.

梅铮铮:《解码关公》,北京:中国民主法制出版社,2010年。

9. Từ Triệt, Trung Quốc bách thần tiên, NXB Khoa học kĩ thuật – Văn hiến Thượng Hải, Thượng Hải, 2008.

徐彻:《中国百神仙》,上海:上海科学技术文献出版社,2008年。

10. Lí Dược Trung, Thần Tài, NXB Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2009.

李跃忠:《财神》,北京:中国社会出版社,2009年。

11. Lã Uy, Tín ngưỡng thần Tài, NXB Học Uyển, Bắc Kinh, 1995.

吕威:《财神信仰》,北京:学苑出版社,1995年。

12. Hồ Tiểu Vĩ, Căn nguyên sùng bái Quan Công, (2 tập thượng, hạ), NXB Văn nghệ Bắc Nhạc, Thái Nguyên, 2009. 胡小伟:《关公崇拜溯源》(上,下册),太原:北岳文艺出版社,2009年。

13. Hồ Tiểu Vĩ, Đệ nhất thần minh (Quan Vũ), NXB Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 2010.

胡小伟:《第一神明(关羽)》,北京:中国社会出版社,2010年。

14. Mạnh Tường Vinh, Vương Tề Châu, Võ thánh Quan Vũ, NXB Nhân dân Hồ Bắc, 2009.

孟祥荣、王齐洲:《武圣关羽》,湖北人民出版社,2009年。