Từ lễ cấp sắc của người Dao: Suy nghĩ về việc xây dựng cộng đồng cư dân theo xu hướng chia sẻ văn hóa trong quản lý và khai thác di sản văn hóa tộc người

Tác giả bài viết: BÀN TUẤN NĂNG
(Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Lễ cấp sắc là đặc trưng văn hóa tiêu biểu của người Dao. Do người Dao ở Việt Nam có rất nhiều nhóm địa phương, nên bài bản, trình tự hành lễ của lễ cấp sắc ở mỗi nhóm lại có những khác biệt nhất định. Vì vậy, người Dao thường rất ít chia sẻ về nghi lễ quan trọng này trong nội bộ đồng tộc, cho dù quá trình thực hành vẫn diễn ra thường xuyên. Việc nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp giúp cộng đồng người Dao cởi mở hơn trong quá trình chia sẻ di sản văn hóa đặc sắc giữa các nhóm địa phương là việc làm hết sức cần thiết. Khi di sản văn hóa được chủ động chia sẻ, sẽ có nhiều cơ hội tốt để biến thành động lực của cộng đồng tộc người trong phát triển kinh tế.

Từ khóa: Lễ cấp sắc, lễ cấp sắc của người Dao, người Dao ở Việt Nam.

Phân loại ngành: Văn hóa.

ABSTRACT

     The Initiation Ceremony is a distinctive cultural feature of the Dao people. Since there are many local groups of Dao people in Vietnam, the composition and order of the ceremony differ among groups. Therefore, the Dao people rarely share about this important ritual within their community, even though the practice is still frequently performed. Research aimed at providing specific solutions to help the community become more open in sharing their unique cultural heritage among local groups, which is essential. When cultural heritage is proactively shared, there will be better opportunities for it to become a driving force for the ethnic community’s economic development.

Keywords: The Initiation Ceremony, The Initiation Ceremony of Dao people, Dao people in Vietnam.

Subject classification: Culture.

x
x x

1. Mở đầu

     Người Dao ở Việt Nam có dân số xếp thứ 9 trong thành phần cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết, hiện người Dao có 891.151 người, cư trú tại 61 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố (Tổng cục Thống kê, 2020). Mặc dù cùng chung ông tổ, được gọi với các tên như: Piền Hùng/Phàn Hung…, nhưng nếu căn cứ theo trang phục, người Dao được coi là dân tộc có nhiều nhóm địa phương nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Theo thống kê chưa thật đầy đủ của tác giả bài viết, hiện có ít nhất 25 loại hình trang phục phụ nữ của các nhóm Dao địa phương ởViệt Nam.

     Kết quả nghiên cứu, khảo sát của tác giả cho biết: Căn cứ theo phương ngữ, người Dao được chia thành hai nhóm lớn là Mùn và Miền. Nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền có dân số đông hơn, bao gồm: Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao Thanh phán, Dao khâu, Dao Tả pan, Dao Lô gang, Dao Lù đạng… Nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn có các nhóm địa phương: Dao Tuyển (Dao Làn tẻn), Dao đầu bằng, Dao quần trắng, Dao Thanh y, Dao Áo dài, Dao Họ..

     Đối với lễ cấp sắc, các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn chia ra hai hình thức là: cấp sắc Tam Nguyên (dành cho bên pháp sư, thầy ở bên âm của các thầy cúng) và Tam Thanh (bên Đạo, bên của các thánh thần). Với nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền, lễ cấp sắc được chia ra thành 3 cấp độ: 3 đèn (có 36 binh mã), 7 đèn (có 72 bình mã) và 12 đèn (có 120 binh mã). Do có những quy định khác nhau, nên sự tương đồng tại nghi lễ này giữa 2 phương ngữ Mùn và Miền là gần như không có. Ngoài ra, ngay trong nội bộ một nhóm, chẳng hạn như nhóm Dao Tiền, nếu căn cứ vào trang phục có thể chia ra thành 3 tiểu nhóm là: Dao tiền khăn trắng váy dài, Dao tiền khăn trắng váy ngắn, Dao tiền khăn đen. Về hệ thống thì sự bài bản, trình tự nghi lễ trong lễ cấp sắc giữa các nhóm cũng có nhiều điểm khác biệt. Nhóm Dao tiền khăn trắng váy ngắn có lễ cấp sắc 7 đèn và 12 đèn, hai nhóm còn lại không có lễ này.

     Tình hình trên dẫn đến thực tế trong quá trình thực hành di sản tiêu biểu của tộc người (lễ cấp sắc) là: nội bộtừng nhóm địa phương luôn lấy chuẩn mực riêng của nhóm mình là đúng, chuẩn, các nhóm còn lại là sai, thiếu… Điều này đã khiến cho ngay trong nội bộ cộng đồng các nhóm Dao địa phương luôn có sự khép kín, hướng nội, cố thủ với cái mình riêng có, không chịu chia sẻ cởi mở về di sản mình đang thực hành với đồng tộc thuộc các nhóm khác. Điều này khiến cho tâm lí chung của cộng đồng luôn tồn tại theo xu hướng đóng. Thực tế này giúp giải thích tại sao lâu nay, kho tàng di sản văn hóa của người Dao rất đa dạng, lễ cấp sắc của người Dao là nghi lễ đại diện, tiêu biểu nhất của cộng đồng tộc người, nhưng các chia sẻvà sựlan tỏa giá trị văn hóa đến với cộng đồng lớn rất hiếm hoi.

     Bài viết sửdụng các phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp. Trong một vài trường hợp cụ thể sẽ sử dụng phương pháp giải mã biểu tượng để tìm ra các thông điệp chung, bao trùm trong lễ cấp sắc của các nhóm Dao địa phương. Để hoàn thành kết quả nghiên cứu này, do tác giả là người Dao, đồng thời là trưởng ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc” nên các tư liệu trong bài là kết quả của quá trình trải nghiệm của bản thân.

2. Kết quả và thảo luận

     2.1. Khái niệm

      Lễ cấp sắc là nghi lễ mang đặc trưng của bản sắc văn hóa người Dao. Người Dao quan niệm, người đàn ông Dao buộc phải trải qua nghi lễ này mới được coi là người trưởng thành. Do đó, nhiều học giả khi nghiên cứu về lễ cấp sắc hay đồng nhất nghi lễ này với các định danh như: lễ thành đinh, lễ trưởng thành…, bởi các ý nghĩa về sự trưởng thành của người đàn ông Dao sau khi thụgiới, trải qua lễcấp sắc. Vềquy định chung, người đàn ông Dao sau khi trải qua lễcấp sắc mới được coi là người trưởng thành, được mang lửa vào nhà mới, được đặt đòn nóc khi làm nhà, được tham gia bàn luận các công việc hệtrọng của gia đình, dòng họ…, và trên hết là được cúng bái, thực hành các nghi lễtrong thếgiới tâm linh đểgiao tiếp với các thần thánh…

     Tuy nhiên, cần nhìn nhận đầy đủ về tổ hợp các nghi lễ của người Dao: đó là quá trình thực hành các nghi lễ của Đạo giáo nhưng đã được bản địa hóa sâu sắc. Do đó, ngay trong lễ cấp sắc, hầu hết các nhóm Dao đều thực hành một nghi lễ kép, đó là lễ cúng, tạ ơn Bàn Hoàng/ Bàn Vương, ông tổ của dân tộc mình trước khi kết thúc nghi lễ cấp sắc. Như vậy, Đạo giáo dù du nhập vào đời sống tâm linh người Dao nhưng để tồn tại, trước hết nó phải dựa vào niềm tin của cộng đồng dân tộc ở giai đoạn đầu. Nghi lễ tưởng nhớ tổtiên được chuyển thành phần cuối, phần kết thúc của nghi lễ. Do đó, nếu cấp sắc được coi là nghi lễ trưởng thành của người đàn ông Dao trong đời sống tôn giáo thì nó cũng là sản phẩm tàn dư, được phát triển kế tiếp từ tục thành đinh cổ xưa.

     Lễ cấp sắc, là nghi lễ của Đạo giáo đã được bản địa hóa trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao. Đây là nghi lễ dành riêng cho nam giới, được tiếp thu từtục thành đinh cổ xưa, có pha trộn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của tộc người. Do đó, cấp sắc thực chất là nghi lễ chuyển đổi mang màu sắc Đạo giáo.

     Trong đời sống của người Dao, người đàn ông vốn là chủ gia đình. Do đó, cấp sắc có ảnh hưởng rất lớn đến lối suy nghĩ, tư duy, lời răn dạy và các ứng xử khác trong đời sống. Vì vậy, cho dù người phụ nữ không phải trải qua nghi lễ này, nhưng sự chi phối, ảnh hưởng của nghi lễ thông qua người chủ gia đình trong đời sống là rất lớn. Bởi sau khi trải qua lễ cấp sắc, phần lớn người đàn ông sẽ được cúng bái hoặc hành nghề cúng bái. Những luận thuyết, quy tắc ứng xử, quan niệm, định chế… được ghi trong sách cổ sẽ được người đàn ông tuân thủ thông qua các bài bản riêng, quy định riêng, cấm kỵ riêng. Điều này khiến cho thân phận người phụ nữ Dao càng trở nên nhỏ bé hơn trong đời sống xã hội. Người phụ nữ Dao gần như không bao giờ được tham gia trực tiếp vào các nghi lễ, không được thực hành cúng bái, không được tham gia bàn bạc các công việc đại sự trong gia đình, dòng họ…

     Bên cạnh đó, các ràng buộc, cấm kỵ… cho dù có những mặt tốt, tích cực, nhưng cũng có nhiều điểm hạn chế, máy móc, thậm chí nhiều khi bao hàm cả các khuôn thước ứng xử có tính chất kỳ thị. Điều này đã khiến cho đời sống văn hóa cộng đồng trở nên bị bó hẹp trong nội bộ các nhóm địa phương, ít có điều kiện chia sẻ văn hóa ngay cả trong nội bộ tộc người. Điều này, đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại sẽ khiến khả năng phát triển đời sống xã hội, đời sống cộng đồng bị hạn chế rất nhiều.

     2.2. Sự khác biệt của nghi lễ giữa các nhóm Dao

     Trong một nghiên cứu gần đây, tác giả bài viết đã chỉra rằng: di cư và quá trình lệthuộc gần như hoàn toàn đời sống văn hóa tâm linh vào trong việc cúng, bói đã khiến quá trình tộc người bịhành thành các nhóm nhỏ, tuân theo những phép tắc và tập tục có nét riêng.Chẳng hạn, quy định chung từ xưa, người Dao có 12 tên đệm, ai thấy mặt trời trước trong cùng một tên đệm sẽ là anh, là chị, không phân biệt con chú, con bác… Tuy nhiên, do di cư, do cúng, bói… để tìm ra các kiêng kỵ hoặc cấm kỵ mà nhiều dòng họ của các nhóm Dao địa phương đã buộc phải cắt dần các tên đệm đi. Việc giữ đủ 12 tên đệm hiện chỉ còn duy nhất nhóm Dao Tiền khăn đen ở Mộc Châu, Sơn La. Cùng là Dao Tiền, nhưng dòng họ Bàn ở Nguyên Bình, Cao Bằng hiện có 9 tên đệm. Cùng là Dao Lô gang ở Bắc Sơn, Lạng Sơn nhưng có dòng họ còn 7 tên đệm, có dòng họ chỉ còn 5 tên đệm. Cá biệt như họ Triệu mốc ở Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn hiện chỉ còn giữ 4 tên đệm (Bàn Tuấn Năng, 2023).

     Với lễ cấp sắc, các nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền, bao gồm: Dao đỏ, Dao tiền, Dao Lô gang, Dao quần chẹt, Dao sơn đầu, Dao khâu, Dao Tảpan… thường có 3 cấp là cấp sắc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Tương ứng với các đèn miếu này là 36 binh mã, 72 binh mã và 120 binh mã. Đối với các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn thì chỉ có 2 cấp là Tam Nguyên (bên sư) và Tam Thanh (bên thánh). Hệ thống các bài bản cũng như quá trình thực hành nghi lễ là rất khác nhau. Chẳng hạn, trong lễ cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn, có một nhân vật thường được hóa trang, đeo mặt nạ giấy hoặc gỗ để thực hành nhiều trò diễn vui nhộn. Nhưng với đám cấp sắc của các nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền thì không hề có nhân vật này. Cấp sắc của nhóm Dao thuộc phương ngữ Miền được chia ra 3 cấp độ, người được cấp sắc sẽ phải thực hiện một nghi lễ hết sức quan trọng là “đội đèn”. Đèn ở đây là để khai quang, soi tỏcác miếu đàn ở bên cõi âm để người đệ tử thụ lễ dẫn dắt các binh mã. Tuy nhiên, bên Mùn lại không có quan niệm và quy định về số lượng binh mã như đám cấp sắc ở bên Miền.

    Đấy là một vài so sánh tiêu biểu ở 2 nhóm Dao thuộc 2 phương ngữ Mùn và Miền. Còn trong nội bộ của từng nhóm Dao, lại cũng có những khác biệt riêng. Chẳng hạn, cùng là tiểu nhóm Dao tiền khăn trắng, các nhóm Dao cư trú ở Bạch Thông, Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và Na Hang, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ thực hành lễ cấp sắc 3 đèn. Nhóm Dao tiền khăn trắng ở Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng lại thực hành nghi lễ ở cả cấp độ 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Tổ hợp nghi lễ của cấp sắc 7 và 12 đèn được tiến hành gộp trong cùng một nghi lễ, nhưng do di cư trước, ở xa nên không về chịu tang cha được, do đó, tại lễ cấp sắc 12 đèn, họ chỉ được dâng 11 ngọn nến. Ngọn bị thiếu kia là dành để khất nguyện, chuộc lỗi với vua cha.

     Đối với nhóm Dao đỏ, cư trú tại khu vực các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, lễ cấp sắc 12 đèn hiện nay được tiến hành với sự tham gia của nhiều cặp vợ chồng đệ tử, thuộc nhiều dòng họ khác nhau. Trong khi, với nhóm Dao Tiền ở Ngân Sơn, Bắc Kạn và Nguyên Bình, Cao Bằng thì lễ cấp sắc 12 đèn lại được tiến hành trong phạm vi nội bộ của từng dòng họ. Tổ hợp nghi lễ cấp sắc 12 đèn của nhóm Dao Tiền này có 2 lễ là: Sìn Pè Đàng (lễ khất nguyện cùng thần thánh, thông báo với thần thánh về việc dòng họ sẽ cùng trai giới, chay tịnh để cùng chuẩn bị tiến hành nghi lễ) và lễ Tẩu Sai (cấp sắc 7 và 12 đèn). Trong thời gian này, người ở trong họ không được đi chơi xa, không được cãi chửi nhau, cả dòng họ phải không còn bất cứ hộ gia đình nào đang phải để tang người đã mất. Trường hợp trong khoảng thời gian này (thường thời gian cách nhau giữa 2 nghi lễ khoảng 30-45 ngày), nếu chẳng may trong họ có người mất thì việc tổ chức phải dừng lại, chờ đến khi hết tang mới được tổ chức lại từ đầu. Cũng trong thời gian này, trai gái ở trong dòng họ phải kiêng không được quan hệ vợ chồng, trường hợp nếu chồng/vợ có lỡ thì phải khai báo với thánh thần bằng việc đan hoa giấy (chây lò) để xưng tội. Việc này, hiện không thấy ở nhóm Dao đỏ khi tiến hành lễ cấp sắc 12 đèn, khi có nhiều cặp vợ chồng của nhiều dòng họ khác nhau cùng tham gia thụ lễ.

    Chính vì những sự khác biệt nghi lễ như vậy, nên giữa các nhóm Dao thường nảy sinh tâm lý hoài nghi lẫn nhau: -nhóm này tổchức không đủ, thiếu bài bản, tiến hành lễnghi không cẩn thận, thầy cúng không thuộc và thạo sách cúng như thầy cúng ởnhóm của mình…. Bởi họlấy chuẩn mực của chính nhóm mình để so sánh với các nhóm còn lại. Điều này dẫn đến hệ quả là, trong đời sống thường nhật, người Dao rất ít khi chia sẻ, trao đổi, học hỏi các bài bản, lễnghicủa nhau. Từđó, làm nảy sinh tâm lý co cụm, giữvăn hóa của mình như của riêng, không chia sẻvăn hóa vớinội bộđồng tộc cũng như với cộng đồng cư dân cư trú cận kề. Lâu dần, nó giúp hình thành tâm lý hướng nội, ưa sự khép kín trong đời sống xã hội.

    2.3. Các cấm kỵ, nguyên nhân sâu xa khiến văn hóa tộc người ít được chia sẻ

    Bất cứ tôn giáo nào, trong các điều giới răn cũng có thểvà đi kèm cùng một vài cấm kỵ. Chính các cấm kỵđược coi là phần thiêng, phần nâng đỡtinh thần và duy trì quá trình thực hành nghiêm cẩn cho các nghi lễ. Do đó, có thểnói cấm kỵvà tính thiêng là những phạm trù có liên quan mật thiết với nhau trong các nghi lễ.

    Cấm kỵ đối với thầy cúng

    Trong lịch sử tộc người, nhiều học giả đã thống nhất quan điểm rằng, thủ lĩnh đầu tiên của nhà nước Tam Miêu (nhà nước của 2 tộc người Hmông, Dao ngày nay) là Xi Vưu. Quá trình người Hán từ phương Bắc tiến xuống đã khiến Xi Vưu tan rã, chia tách tộc người. Nhóm hướng ngoại trở thành tộc Hmông (lý do hiện nay người Hmông có võ cổ truyền, thậm chí ngay cả múa khèn, một nhạc cụ tiêu biểu của người Hmông cũng phảng phất âm hưởng của võ đạo…, họ khá thành thạo trong chế tạo súng săn, đồ kim khí, các sản phẩm từ nghề rèn của người Hmông có chất lượng vượt trội…), nhóm hướng nội trở thành tộc Dao. Do xu hướng ấy, cộng với việc tiếp nhận Đạo giáo nguyên thủy (khi chưa chia thành 2 hệ phái là Đạo giáo phù thủy và Đạo giáo thần tiên), nên người Dao ngày nay thường rất giỏi nghề thuốc (hệ quả của Đạo giáo thần tiên) và mê cúng, bói (hệ quả của Đạo giáo phù thủy). Các thầy cúng người Dao phần lớn đều thực hành các nghi lễ sa man rất thuần thục. Đi kèm với nó là hệthống bùa chú, ma thuật… được thực hành tại một số nghi lễ (lễ nhập đồng, leo thang dao của nhóm Dao quần chẹt; lễ nhảy lửa của nhiều nhóm Dao đại bản; lễ nhập đồng nhai than hồng của nhóm Dao Áo dài…).

    Quá trình học tập các bài bản ghi trong sách cúng (phải thuộc lòng để khi cúng còn thoát li sách vở), cộng với việc thực hành các giới răn quy định theo lệ xưa đã khiến thầy cúng người Dao trở thành đội ngũ tinh hoa trong cộng đồng. Bởi, họ là người thông thạo chữ nghĩa, am hiểu lịch sử tộc người qua các văn bản ghi chép thuần túy. Điều này khiến cho từ lâu, cộng đồng Dao đã tự hình thành thói quen nghiêm cẩn trong việc suy tôn, nể trọng tầng lớp thầy cúng như một lẽ đương nhiên. Do đó, để đảm bảo sự nghiêm khắc trong giới răn, thầy cúng Dao cũng phải chịu rất nhiều quy định, ràng buộc theo tục lệ.

     Tại đám cấp sắc, thầy cúng không được hành lễvà đảm nhiệm các chức vụquan trọng như thầy cả, thầy hai, thầy ghi sớ…

     Trước khi tiến hành lễ cấp sắc, thầy cúng phải trai giới, chay tịnh, không được nói tục, chửi bậy, không được đi xa, không được gần vợtrong ít nhất 7 ngày trước và sau khi hành lễ.

     Trong lễ cúng, có nhiều đoạn phải đọc thầm, đọc giấu, không để người khách nghe thấy.

     Sau khi hoàn thành lễ cấp sắc cho gia chủ, được chia phần cúng pháp sư và đệ tử, thầy sẽ phải quay về nhà ngay, không được la cà rẽ, ngang hoặc ghé qua nhà người khác thăm thú, vui chơi. Người Dao quan niệm, nếu rẽ ngang hay la cà, binh mã và pháp sư của thầy cúng sẽ tản mát đi chơi xa, gây ảnh hưởng đến thầy, thậm chí còn bị thần thánh quở trách, phạt nặng, gây ra tai nạn, ốm đau…

     Do các cấm kỵ phổ biến như vậy, nên mặc dù quá trình tổ chức lễ cấp sắc được coi như một ngày hội của gia đình, dòng họ… nhưng khả năng giao lưu, chia sẻ văn hóa trong đời sống thường nhật của tầng lớp tinh hoa (thầy cúng) với cộng đồng bị hạn chế rất nhiều.

     Cấm kỵ đối với người thực hành nghi lễ

     Nhân vật chính của lễ cấp sắc là người đệ tử thụ lễ. Tùy từng cấp độ và gia chủ trong nội bộ từng nhóm nhỏ mà số lượng người đệ tử thụ lễ có thể nhiều hay ít. Các cấm kỵ chủ yếu với người thụ lễ cũng gần như đối với thầy cúng: không được nói tục, chửi bậy, không được đi chơi xa, kiêng quan hệ vợ chồng trước, trong và sau khi thực hành lễ cấp sắc… Trước đây, đám cấp sắc còn phải ăn chay, nay tục này cơ bản đã bỏ, nhiều nơi nếu có thì chỉ làm tượng trưng.

     Cấm kỵ đối với vợ của thầy cúng và người đệ tử thụ lễ

     Nhiều nhóm Dao, khi tổ chức đám cấp sắc lớn, hai thầy cúng chính (thầy cả và thầy hai) sẽ có vợ đi cùng. Những người phụ nữ này phải tuyệt đối né tránh, không được để người khác giới chạm tay đến bản thân, kể cả là vạt áo hay túi trầu đeo trên người. Nếu phạm phải điều này, thần thánh sẽ quở trách, gây ra ốm đau, tai nạn bất thường…

     Như vậy, không gian của lễ cấp sắc là không gian đóng, bị ràng buộc chặt chẽ bởi nhiều cấm kỵ từ các chủ thể liên quan trực tiếp đến nghi lễ. Do đó, mặc dù là nghi lễ mang tính đặc trưng của tộc người, có sự tham gia của đông đảo cộng đồng, nhưng sự thăng hoa của nghi lễ là rất hiếm có, ngoại trừ màn múa của một vài nhân vật đeo mặt nạ (Hìu, Kadong) ở nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn thì có thoảng qua chút vui nhộn khi nhân vật này pha trò.

     Từ những nguyên nhân cơ bản trên, có thể thấy rõ việc hạn chế chia sẻ văn hóa trong đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Dao bị chi phối cơ bản từ lễ cấp sắc. Đây là nguyên nhân quan trọng, khiến cho tính chủ động của các cá nhân bị hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy trong đời sống: chậm tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu… sẽ còn kéo dài. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hạn chế này sẽ là rào cản rất lớn khiến đời sống kinh tế- văn hóa – xã hội của cộng đồng tộc người chậm phát triển.

3. Các giải pháp khuyến khích cộng đồng chia sẻ văn hóa theo xu hướng mở

     Di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể luôn tồn tại trong mỗi con người. Do đó, quản lý di sản văn hóa có liên quan mật thiết đến quá trình nghiên cứu tâm lý cộng đồng tộc người. Từ đó, tìm ra các ưu, nhược điểm cần khắc phục và phát huy để di sản văn hóa lan tỏa, từng bước tạo ra giá trị kinh tế trong đời sống.

     Trong các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, người Thái là cư dâncó xu hướng giao lưu và chia sẻ văn hóa rất mạnh. Có lẽ, đây là dân tộc thiểu số duy nhất ở khu vực miền núi phái Bắc có dân vũ cộng đồng,“chỉ một đống lửa là có thể có ngay một đêm xòe”. Điều này gần như không tìm thấy trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hmông, Lô Lô… Do đời sống văn hóa, nghệ thuật có tính hướng ngoại, nên người Thái có khả năng giao lưu, kết nối với các cộng đồng cư dân cư trú cận kề mạnh hơn rất nhiều tộc người cùng địa bàn, địa vực cư trú. Xuất phát từthực tếtrên, việc chia sẻ văn hóa trong nội bộ cộng đồng dân tộc Dao và cộng đồng lớn rất cần được quan tâm. Một số tộc người hiện tại như Tày, Hmông… do đời sống văn hóa nghệ thuật có những bước phát triển mạnh, nên quá trình chia sẻ, lan tỏa các giá trị văn hóa tộc người đã được diễn ra tích cực hơn. Các mô hình phát triển du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng… nhờ đó đã dần tạo ra sựthu hút, chú ý… trong quá trình phát triển.

     Đối với người Dao, quá trình chia tách và hình thành các nhóm địa phương đã dẫn đến sự khác biệt trong quá trình thực hành lễ cấp sắc, một nghi lễ có tính chất đại diện, quyết định cơ bản tâm lý, thói quen trong đời sống cộng đồng tộc người. Do đó, cần có các nghiên cứu tổng thể và kỹ lưỡng về toàn bộ nghi lễ để tìm ra bản chất, ý nghĩa và các biểu đạt bên trong, hướng tới sự tương đồng văn hóa giữa các nhóm. Chỉ khi bản thân các nhóm nhỏ cùng hiểu rõ bản chất, ý nghĩa (không thực hành theo kiểu thuộc lòng đơn thuần) thì sự chia sẻ văn hóa mới có thể bắt đầu, trước hết là trong nội bộ cộng đồng tộc người. Để có thể tiến hành được công việc quan trọng này, cần các giải pháp sau:

    Thứ nhất, khuyến khích các nhà khoa học, các thầy cúng biên dịch hệ thống bài bản của lễcấp sắc. Từ đó, chú giải cặn kẽ về các nội dung, hành vi thực hành nghi lễ có liên quan, tìm ra điểm chung nhất giữa các quá trình thực hành khac nhau, nhưng thông điệp giống nhau. Từ đó tạo tâm lý cởi mởvà loại bỏ dần tâm lý hoài nghi trong nội bộ các nhóm nhỏ. Bởi nguyên tắc cơ bản của chủ thể quản lý là phải hiểu được công việc mà mình đang quản lý, từ đó mới có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp.

     Thứ hai, tận dụng tối đa đội ngũ thầy cúng có trình độ hiểu biết để nghiên cứu, biên soạn tổng thể tài liệu, tư liệu liên quan đến lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam. Coi đây là cẩm nang để giải thích cặn kẽ cho cộng đồng người Dao hiểu rõ về bản chất của từng lễ nhỏ trong lễ cấp sắc. Trong đó, mấu chốt quan trọng nhất là tìm ra các thông điệp, các mẫu số chung cho từng nhóm hành vi thực hành trong lễ cấp sắc. Chẳng hạn như: vai trò của hình ảnh con cá trong việc đưa linh hồn về với tổ tiên, đưa linh hồn của người đệ tử thụ lễ vượt biển, khai quang… để trở thành người đàn ông trưởng thành.

     Thứ ba, sau khi bản thân người Dao tựnhận thấy sự đa dạng trong nghi lễ nhưng vẫn cùng chung một sứ mệnh, mục đích (với tổ tiên, với thần thánh…), thì quá trình chia sẻ và lan tỏa các giá trị văn hóa sẽ được diễn ra sôi nổi. Ví dụ về trường hợp trang phục phụ nữ Dao: Khi nhóm “Người Dao Việt Nam -Gắn kết từ bản sắc” được thành lập vào 22/12/2019, nhiều cá nhân tham dự đã rất ngạc nhiên về sắc màu và sự khác biệt của trang phục phụ nữ trong từng nhóm địa phương. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên đó dần được thay bằng niềm tự hào khi chính các cá nhân nhận ra rằng, người Dao là dân tộc đa dạng nhất về các loại hình trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ. Trong đó, họ luôn tự hào về những điểm chung như mô típ cây thông, mô típ răng chó, chân chó, mô típ cái ấn của ông tổ Bàn Hoàng/Bàn Vương… Tương tự như vậy, trong lễ cấp sắc của nhiều nhóm Dao, hình tượng con cá luôn đảm nhiệm sứ mệnh đưa linh hồn người đệ tử thụ lễ “vượt biển”, khai quang, sau đó mới quay trở về để tiếp thêm năng lực siêu nhiên cho người đệ tử thụ lễ: “Cá cũng trở thành một ký hiệu để chỉ một hình thức khác của sứ mệnh. Do đó, biểu tượng cá có hai ý nghĩa: tượng trưng cho linh hồn và bản thể của sinh mệnh” (Bàn Tuấn Năng, 2019: 230). Các phát hiện khoa học này, khi được chia sẻ với thầy cúng Dao và cộng đồng các nhóm Dao khác nhau đều nhận được sự đồng cảm và nhất trí cao. Nó trở thành chìa khóa mở để tự thân các nhóm Dao địa phương so sánh và tìm ra thông điệp chung cho lễ cấp sắc -một đặc trưng văn hóa trong đời sống cộng đồng tộc người.

     Thứ tư, dân vũ và âm nhạc là hai yếu tố quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Múa xòe của dân tộc Thái là ví dụ điển hình cho việc tổ chức các sự kiện và lan tỏa văn hóa tộc người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, âm nhạc Dao lại không hướng đến các sử dụng trong đại chúng. Người biết hát dân ca phải thạo và hiểu chữ Nôm Dao. Một ngôn ngữ cổ, phát âm hoàn toàn khác so với ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Do đó, ngay cả khi người Dao hát Páo Dung (làn điệu dân ca phổ biến nhất của người Dao) trong cộng đồng, không phải tất cả mọi người Dao đều hiểu nội dung bài hát.

     Thứ năm, văn hóa là một dòng chảy. Do đó, khái niệm trưởng thành khô cứng ghi trong các sách cổ dành cho người đàn ông Dao cách đây nhiều thế kỷ cần được đặt trong bối cảnh xã hội hiện tại để bổ sung thêm các yếu tố cần thiết về tri thức, khoa học tiến bộ. Việc các thầy cúng vẫn luôn giữ quan niệm cứng nhắc, được ghi trong sách cúng từ xa xưa có thể sẽ làm mờ đi vai trò cá nhân trong xã hội hiện đại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chia sẻ văn hóa cộng đồng theo xu hướng mở, nhằm tiếp thu chủ động hơn nữa các thành tựu tinh hoa của văn hóa – khoa học – kỹ thuật trong đời sống hiện tại.

4. Kết luận

     Bản chất sâu xa của mỗi di sản văn hóa từng tộc người được thực hành theo xu hướng đóng hay mở đều có căn nguyên của nó. Trong đời sống xã hội hiện đại, nếu tộc người vẫn thực hành văn hóa và e ngại khi chia sẻ do không tìm thấy sự tương đồng ngay trong nội bộ tộc người sẽlàm giảm khả năng tiếp thu cái mới, cái hiện đại để phục vụ cho sự phát triển cộng đồng. Bởi, nếu di sản thực hành rất nhiều, nhưng luôn trong trạng thái đóng sẽ dẫn đến sự hạn chế trong chủ động tiếp thu cái mới, chủ động chia sẻ và lan tỏa. Từ đó khiến cho văn hóa khó trở thành động lực, mục tiêu cho sự phát triển. Điều này được minh chứng rõ khi tiến hành khảo sát và tính tỷ lệ tương ứng giữa người Dao và người Thái trong việc xây dựng và quản lý các khu du lịch cộng đồng. Với dân số không quá chênh lệch nhau, nhưng các địa chỉ người Dao làm du lịch ở Việt Nam còn quá ít. Chẳng hạn như ở Hoàng Su Phì, Quản Bạ thuộc tỉnh Hà Giang; ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; Sa Pa và Bát Xát, tỉnh Lào Cai… đây là các khu vực người Dao làm du lịch cộng đồng tương đối tốt. Các địa chỉ còn lại của người Dao, dù đã được truyền thông nhắc đến nhưng hầu như là mới, hoặc kinh doanh nhỏ, lẻ, đang trong quá trình được nhà nước đầu tư, hoàn thiện…, chưa triển khai được mô hình du lịch chủ động từ chính cộng đồng. Việc tìm ra, giải quyết tận gốc vấn đề bằng khoa học và sau đó là truyền thông, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng là điều đặc biệt quan trọng trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tộc người. Chỉ khi di sản ấy được cộng đồng hiểu rõ, cùng nhận biết rõ sự tương đồng trong đa dạng văn hóa để từ đó cùng suy tôn, cùng lan tỏa, cùng cảm nhận và đồng hành, thì văn hóa mới sớm trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Khi đó, tự cộng đồng sẽ biết coi di sản văn hóa là nguồn tài nguyên đặc biệt trong sinh kế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bàn Tuấn Năng. (2019). Lễ cấp sắc cảu người Dao ở Việt Nam. Nxb. Văn hóa dân tộc.

    Bàn Tuấn Năng. (2023). Trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của nhóm địa phương trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý Nhà nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/11/14/trung-bay-gioi-thieu-di-san-van-hoa-cua-nhom-dia-phuong-trong-cac-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam/

     Lý Hành Sơn.(2021). Người Dao Tiền ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

     Phạm Quang Hoan -Hùng Đình Quý. (Chủ biên, 1999). Văn hoá truyền thống của người Dao ở Hà Giang. Nxb. Văn hóa dân tộc.

     Tổng cục Thống kê. (2020). Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số12-2023

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Từ lễ cấp sắc của người Dao: Suy nghĩ về việc xây dựng cộng đồng cư dân theo xu hướng chia sẻ văn hóa trong quản lý và khai thác di sản văn hóa tộc người (Tác giả: Bàn Tuấn Năng)