Vai trò các “thầy” trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế: truyền thống và biến đổi

THE ROLE OF “THE THAY” IN THE BELIEFS OF BOAT PEOPLE
RESIDING ON THE HUONG RIVER OF THUA THIEN HUE PROVINCE:
TRADITIONAL AND CHANGES

TÓM TẮT

     Sông Hương chảy qua Thừa Thiên Huế là một trong những danh thắng của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Do những bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội, trên dòng sông này đã từng tồn tại một bộ phận cư dân sống lênh đênh trên thuyền. Họ sống tập trung thành từng vạn với sinh kế chủ yếu là đánh bắt thuỷ sản, khai thác cát sạn trên sông. Theo đó, các tín ngưỡng, lễ nghi, cúng tế, thờ phụng gắn liền với sinh kế của các cư dân này rất phong phú và đa dạng. Các Thầy đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương, nhất là trong việc hướng dẫn, dẫn dắt, điều hành các bước trong thực hành các nghi lễ cúng tế, thờ phụng đó. Tuy nhiên, khi môi trường sống và sinh kế có sự thay đổi, vai trò của các Thầy cũng có sự biến đổi nhất định. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ phân tích vai trò của các Thầy trong việc thực hành tín ngưỡng của cư dân sông Hương khi môi trường sống, sinh kế có sự thay đổi. Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân sông Hương gắn liền với vai trò của các Thầy tại các khu tái định cư hiện nay.

Từ khóa: Cư dân vạn đò, sông Hương, vai trò các Thầy, tín ngưỡng, truyền thống, biến đổi.

ABSTRACT

     The Huong River crossing the Hue city is one of the most renowed monuments and scenic landscapes of Central Vietnam in particular and Vietnam in general. Due to the historical, economic and social context, there exists a part of residents living adrift on boats. They live in small groups and their main livelihoods are fishing and sand exploitation on the river. Therefore, beliefs, rituals, sacrifices, worship associated with their livelihoods are plentiful and various. “The Thay” play a crucial role in beliefs of boat people living on Huong river, particularly in guiding, leading, directing the steps in practicing such sacrifical and worship activities. However, because of changes of living environment and livelihoods, the role of “the Thay”, absolutely, is also changed. In this study, we analyze the role of “the Thay” in practicing religion of boat people living on Huong river when their living environment and livelihoods change. Then, several solutions for the purpose of preserving cultural and spiritual values of boat people residing on Huong river associated with the role of “the Thay” will be proposed in the current resettlement areas.

Keywords: Boat people, Huong river, role of “the Thay”, belief, tradition, change.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Cư dân vạn đò sông Hương là cộng đồng sống trên mặt nước từ thượng đến hạ nguồn của dòng sông Hương và các nhánh sông nhỏ tại thành phố Huế. Họ sống tập trung thành nhiều vạn, mỗi vạn có từ 50 đến 150 gia đình. Vạn của cư dân là những đơn vị tự quản, có quan hệ mật thiết về huyết thống, nghề nghiệp và tín ngưỡng. Sống trong môi trường sông nước, cư dân vạn đò sông Hương có niềm tin và thực hành tín ngưỡng riêng với mong muốn đem lại sự bình an, sức khỏe và may mắn gắn liền với vai trò các Thầy trong đời sống văn hoá tâm linh của cá nhân và cộng đồng.

     Trước đây, do cư trú trên thuyền, sinh kế gắn liền với sông Hương nên họ phó mặc cho số phận, chỉ biết gửi gắm ở các vị thần linh thông qua các Thầy để có thể chuyển tải những mong muốn, ước nguyện của cộng đồng trước sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và sự bấp bênh khi sinh kế truyền thống gắn liền với sông nước. Sau khi cư dân vạn đò được tái định cư (TĐC) ở thành phố Huế, vai trò của các Thầy cũng có sự biến đổi. Tại các khu định cư vai trò các Thầy còn đậm nét ở những khu định cư gắn liền với nghề khai thác thủy sản và hoạt động khác trên sông nhưng tương đối mờ nhạt ở một bộ phận cư dân chuyển đổi sinh kế truyền thống.

     Tìm hiểu vai trò của các Thầy gắn liền việc thực hành tín ngưỡng truyền thống của cư dân vạn đò sông Hương không chỉ là quan tâm đến nhóm yếu thế, mà còn góp phần đề xuất các giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân mà các Thầy là những cư dân vạn đò sông Hương, vừa là người đang hướng dẫn thực hành tín ngưỡng của cộng đồng cư dân tại các khu TĐC hiện nay.

     Cộng đồng cư dân trong nghiên cứu này là cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương đã định cư trên đất liền, kể từ năm 1989 đến cuối năm 2010 tại 05 khu định cư ở các phường/xã: Phước Vĩnh (1989), Kim Long (1995), Phú Hậu (1998), Hương Sơ (2008) và thôn Lại Ân (2009) thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài viết này, với những tư liệu thành văn và tư liệu thực địa thu thập được trong quá trình điền dã tại các khu tái định cư (TĐC) chúng tôi tập trung làm rõ biến đổi vai trò của các Thầy trong đời sống tín ngưỡng của cư dân trên các nội dung:

2. Thực hành tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương

     Quá trình hình thành, tồn tại cũng như vận mệnh lịch sử của cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương gắn liền với cư dân Thừa Thiên Huế, nên họ đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước tìm hiểu trên các góc độ khác nhau. Về nguồn gốc cộng đồng cư dân được các tác giả Phan Hoàng Quý [7;8], Văn Đình Triền [9;10], Nguyễn Mạnh Hà [4;5], Didier Bertrand [2;3] đã đưa ra nhận định ý kiến, giả thuyết: Cư dân vạn đò sông Hương vốn là cư dân sống trên đất liền, do những nguyên nhân (khách quan và chủ quan) ở các thời điểm khác nhau họ đã “tụ cư” sinh sống trên thuyền, đò, “nhà chồ” trên sông Hương và các nhánh sông nhỏ xung quanh thành phố Huế. Họ là những cư dân nông nghiệp di cư từ Quảng Bình, Quảng Trị và các huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế; từ thời Minh Mạng đệ nhị niên (1822) đã có những văn bản liên quan vấn đề quản lý cộng đồng, nhưng phải sau năm 1945 cộng đồng cư dân này cư trú tập trung trên sông Hương đoạn từ Ngã ba Bằng Lãng đến cửa Thuận An. Họ sống tập trung thành nhiều vạn, mỗi vạn có đặc trưng riêng về ngành nghề kinh tế trên sông như: Đánh bắt thuỷ sản, vận chuyển tre nứa, khai thác cát sạn, làm thuê trên đất liền; sau này khi tái định cư vẫn còn một bộ phận cư dân tại khu TĐC Kim Long và Lại Ân (Phú Mậu) còn duy trì loại hình kinh tế truyền thống trên sông.

     Số lượng cư dân (trước khi TĐC) đến nay có nhiều nguồn tư liệu, nhưng trước năm 1975 theo tác giả Phan Hoàng Quý thì cư dân trên sông Hương năm 1970 có 14.915 người, năm 1971 có 15.804 người, năm 1972 có 18.921 người [9, tr 134]. Theo Báo cáo của UBND thành phố Huế năm 1992, số lượng cư dân vạn đò trên sông Hương gồm: số hộ gia đình có hộ khẩu là 647 hộ với 4.300 khẩu; số hộ không có hộ khẩu là 137 hộ với 773 khẩu2. Những tài liệu và các báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Huế về số lượng cư dân vạn đò sông Hương có khoảng 1.000 hộ với 6.000-7.000 khẩu [6;11].

     2.1. Quan niệm và biểu hiện văn hóa tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương

     Trong công trình “Ma thuật, khoa học và tôn giáo” Bronislaw Malinowki cho rằng: Tình trạng căng thẳng của các nhu cầu bản năng, những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ, bằng cách này hay cách khác dẫn đến thờ cúng và niềm tin[1, tr 21]. Đối với cư dân vạn đò sông Hương yếu tố điều kiện tự nhiên đã tác động trực tiếp đến sinh kế, cư trú và tín ngưỡng nên họ vẫn thực hành các tín ngưỡng/nghi lễ quan trọng như trước đây. Trên góc độ xã hội, với các mối quan hệ và nhận thức của con người thì bản thân con người cũng tự tạo ra cho mình những tai ương, khó khăn/hậu họa, nên họ cần sự che chở/giúp đỡ của hệ thống thần linh thông qua các thầy Cúng, thầy Shaman3 là điều khó tránh khỏi.

    Những nghiên cứu về thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cộng đồng cư dân được Phan Hoàng Quý cho biết: Họ là những tín đồ theo Phật giáo, cũng ăn chay niệm Phật (nhưng họ không quy y); ngoài ra họ còn thờ Mẫu, thờ Thiên Y A NA, thờ Cô/Cậu. Họ thực hành tín ngưỡng trên các am /điện ở các bãi bồi hay hòn đảo nhỏ ở Vỹ Dạ (trước đây có 05 hộ theo Thiên chúa giáo gồm: 02 hộ có gốc Quảng Bình, 02 hộ ở Tân Mỹ, Thuận An, Phú Vang và 01 hộ có chồng là người theo đạo cư trú ở Phú Cam) [8, tr 136- 137, 139].

     Tác giả Văn Đinh Triền khi nói về tín ngưỡng cư dân vạn đò sông Hương đã khảo tả: “Trên đầu Cồn Hến, cạnh chùa Trung Lưu cũ trước đây có ông Võ Sắc, người ở vạn đò Ngư Hộ dựng một am thờ Vân Hương Thánh Mẫu (tức Liễu Hạnh Công Chúa từ Miền Bắc). Tại am này thường xuyên tổ chức chầu văn, hộ đồng của nhân dân vùng mặt nước[10, tr 85].

     Trong nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo từ những năm 1992- 1995, tác giả Didier Bertrand đã khảo tả về tín ngưỡng của cộng đồng gắn liền với các Thầy4: Trên một hòn đảo nhỏ, ở giữa sông Hương, bị vượt qua bởi một bàn thờ, bàn đầu dành riêng cho Mẹ của nước (Bà Thủy hoặc biến dạng cục bộ của Mẫu Thoải), các phiên lên đồng được tổ chức thường xuyên, thường là ngày đầu tiên và thứ mười lăm của tháng âm lịch hay theo yêu cầu của những người cụ thể. Để đối phó các nhà chức trách, cư dân đã che các tấm tôn, che mặt cho các vũ công và các nhạc sỹ…Những người vạn đò có các nghi lễ riêng tư và rời rạc hơn, được tổ chức chủ yếu cho mục đích chữa bệnh… [2; 3].

     Tác giả Nguyễn Mạnh Hà trong bài viết Tín ngưỡng và tín ngưỡng thờ Bà Thủy: Bối cảnh thay đổi của cư dân vạn đò trên sông Hương Huế, Việt Namđã trình bày những tín ngưỡng cơ bản của cư dân bao gồm: Tín ngưỡng thờ Bà Thủy/Mẫu, ngoài ra cư dân còn tổ chức các nghi lễ cúng tế: Tế Thành hoàng, lễ tế ở đình vạn, thờ cúng tổ tiên, lễ cầu an trong họ, cúng tết thuyền và ngư cụ, lễ cúng đầu năm mới, lễ đầu năm của chu kỳ đánh bắt, lễ hạ thủy, lễ cúng rào, lễ cúng ông tổ nghề, lễ cúng rằm tháng bảy, lễ cúng Tam phủ…trước và sau khi tái định cư . Sư thay đổi môi trường sống, sinh kế truyền thống đã tác động đến tín ngưỡng của cư dân, đặc biệt đối với những cư dân có sinh kế không liên quan đến sông nước đã có sự suy giảm. Ngược lại, đối với cư dân nghề nghiệp/sinh kế gắn liền với sông nước thì tín ngưỡng của họ không hề biến mất tại các khu TĐC. [4, tr 225-235].

     Tuy nhiên, các nghiên cứu trên chưa đề cập đến vai trò của các Thầy với tư cách là đối tượng nghiên cứu chính/những người dân vạn đò – những người đã và đang duy trì, thực hành các nghi lễ tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trước và sau TĐC.

     2.2. Vai trò các Thầy trong đời sống tín ngưỡng cư dân vạn đò sông Hương

     Trong cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương các Thầy rất được kính trọng. Họ là những người có kiến thức sâu rộng về văn hoá tâm linh và thực hành tín ngưỡng của cư dân; mặt khác họ đã tích lũy được những “bí quyết thần bí” từ thế hệ trước truyền lại. Chính vì vậy, các Thầy là những người mang trọng trách thực hiện các nghi lễ, thực hành tín ngưỡng của cá nhân và cộng đồng cư dân; có thể phân loại các Thầy như sau:

     – Thầy Đồng hộ (Thủ am, Thủ điện): Theo quan niệm của cư dân, thầy Đồng hộ là người được chọn từ những người có “căn”, có “duyên”5, là đệ tử của đạo Mẫu; người có “khả năng giao tiếp” với thần linh dưới hình thức phổ biến là xuất/nhập hồn các vị thần linh trong các nghi lễ hầu thánh. Thầy Đồng hộ không cần phải học nghề như thầy Cúng, thầy Pháp sư. Thầy Đồng hộ là người thường gặp những biến cố: Bị bệnh thập tử nhất sinh, chữa bệnh không khỏi và bản thân họ có duyên để thực hiện lời thề phục vụ/phụng sự cho đấng tối cao. Trong thời gian này họ thu nhận được một “năng lượng thiêng” từ bệnh lý (của họ) chuyển sang các nghi lễ sở hữu hoặc hiến tế để chữa lành bệnh cho bản thân mình và những người khác6.

     Thầy Đồng hộ là người có “khả năng nhận diện” các loại ma quỷ để loại bỏ bệnh tật hay là “thỏa thuận” với nó để không làm hại thân chủ; hay làm các “bùa hộ mệnh” để chống lại ma quỷ, linh hồn độc ác, các âm binh và ác linh/cô hồn.’’Bùa hộ mệnh” của thầy Đồng hộ được làm từ những mảnh giấy hay vải màu trắng và vàng. Trên đó có các chữ tượng hình và những con dấu màu đỏ. Cư dân tin ”bùa hộ mệnh” sẽ đem lại may mắn và an toàn cho người đeo nó.

     Thầy Đồng hộ cũng chữa bệnh bằng cách đốt giấy trộn với nước để bệnh nhân uống (nếu không phải do ốm đau nguyên nhân về tinh thần thì phải uống thuốc tây). Cách chữa bệnh của thầy mang tính chất shaman giáo7. Thông thường thầy làm con búp bê, áo quần, giày dép, mũ và thuyền trong các nghi lễ thực hành để cúng tế khi chữa bệnh cho cư dân.

     – Thầy Phù thủy: là người có “năng lực siêu nhiên”. Thầy Phù thủy8 thưởng sử dụng nước và bùa chú để chữa bệnh/”thôi miên” con người. Cư dân quan niệm thầy Phù thủy thường ở vùng miền núi9 và rất sợ Thầy.

     – Thầy Cúng: Thầy Cúng trước đây họ ít nhiều đã ở trong chùa hay là người am hiểu giáo lý Phật giáo, đạo giáo. Họ hoạt động tại gia và thực hiện các nghi lễ/nghi thức liên quan đến cá nhân và cộng đồng như: lễ tạ ơn, cầu siêu, cúng dâng sao giải hạn (nam/nữ), đuổi tà ma ám ảnh trẻ em (bệnh quan sát), cúng thuyền mới hay vào nhà mới…

     – Thầy Bói: Thầy Bói có thể là nam hay là nữ. Họ là những người có năng lực khác với những người bình thường. Thầy Bói là những người ngoài 35 tuổi. Thầy Bói có thể dự đoán được hiện tại, tương lai, tránh được tai ương/hậu họa thông qua xem chỉ tay; ngày giờ, năm sinh; tướng mạo của thân chủ. Ông cũng đưa ra sự giải thích về cách mà người đi xem bói nên tiến hành, dựa vào việc đọc các dấu hiệu, sự kiện, điềm báo trong giấc ngủ hoặc thông qua điều gọi là tiếp xúc với các lực lượng siêu nhiên.

     – Thầy Pháp: là người thông thạo, hiểu biết chữ Hán. Thầy Pháp không theo lối cha truyền con nối (liên quan nhiều đến Đạo giáo), chỉ khi được thánh nhập vào sau cơn ốm, được báo mộng thầy phải làm nghề này. Ông là người có năng lực để có thể tìm ra các bệnh tật10 do tinh thần (vong) để bệnh nhân cúng dường11. Thầy Pháp là người điều hòa các mối quan hệ khi gia đình/cá nhân gặp rắc rối, kết hôn, xem ngày giờ tốt/xấu, nghi lễ liên quan đến tổ tiên, tang ma (đối với những người chết xấu). Đặc biệt thầy Pháp sẽ chữa bệnh cho những bệnh nhân bị “vương” như biết bệnh tật của họ đến từ đâu? Chữa trị bệnh bằng cách thức nào12?

     Qua trao đổi với các Thầy, động cơ học làm thầy tùy thuộc vào ý chí chủ quan và mong muốn của từng cá nhân; để làm Thầy họ phải hợp căn, mạng để tiếp cận các các tri thức, kiến thức về Đạo giáo, lý giải các hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người như biến cố cư dân gặp phải trong cuộc sống do ốm đau, bệnh tật, lũ lụt, làm ăn thất bát; chỉ có các Thầy mới giải tỏa và đáp ứng những nhu cầu về tín ngưỡng của cư dân thông qua sự giúp đỡ các thế lực siêu nhiên/thần thánh mà các Thầy là những người “thông linh”.

     Về cơ bản các Thầy dù phân loại theo những nhóm khác nhau nhưng đều có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương:

     Vai trò của các Thầy trong những nghi lễ liên quan đến ngư nghiệp, cộng đồng, gia đình, nghi lễ vòng đời (cúng bái, bói toán, trừ tà ma, giải hạn, đốt vàng mã, hay hầu đồng…) là những nhiệm vụ quan trọng mà các Thầy tổ chức, lưu giữ và sáng tạo văn hóa dân gian của cư dân vạn đò sông Hương. Sau đây chúng tôi xin đi vào các vai trò chính của các Thầy trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương như sau:

     Thứ nhất, vai trò của các Thầy được xem là “người chuyển tải”, trung tâm thực hành các nghi lễ, cúng bái, chăm lo đời sống tín ngưỡng của cá nhân, gia đình và cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương. Các nghi lễ đó như: Lễ cô hồn (cúng ở am Âm hồn, đình, tế vạn…), tang ma, xem duyên số vợ chồng, hậu vận, đoán tương lai, giải hạn, tổ chức các phường đi dâng lễ tại điện Hòn Chén vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm cùng các con nhang, đệ tử tạo nên diện mạo đặc thù trong văn hoá tín ngưỡng của cư dân sông Hương.

     Chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho cá nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong thực hành nghi lễ của các Thầy. Khi người dân gặp những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh viện trả về họ thường hoang mang, nghe ai nói ở đâu có thầy chữa bệnh thì đều đến để lạy tứ phương, mời thầy để cầu viện đến thần linh hay gia đình có người “đuối nước” đều nhờ đến các Thầy. Các phương pháp chữa bệnh, cúng bài có thể không đem lại hiệu quả cụ thể hay như mong muốn của người dân nhưng ít ra về mặt văn hóa, tín ngưỡng cư dân ít nhiều đã tin tưởng, yên tâm hơn; mặc dù về mặt khoa học khó có thể lý giải. Trên thực tế, nhiều thân chủ khi bệnh viện đã điều trị nhưng không hoàn toàn khỏi bệnh hay những bệnh lý mà theo cư dân là thuộc phạm trù tâm linh thì người bệnh sẽ tìm đến thầy Pháp, Thầy Đồng hộ như là chỗ dựa tinh thần cần thiết và cuối cùng. Cư dân sông Hương luôn quan niệm về các Thầy là người vừa “bảo trợ” cho đời sống tâm linh, vừa là thầy “pháp sư” trị bệnh cứu người, giải trừ các tai ương…

     Thứ hai, vai trò của các Thầy là bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và là các nghệ nhân dân gian, trao truyền cho các thế hệ, đặc biệt là phần lễ nghi trong đời sống văn hóa của cư dân vạn đò sông Hương Ẩn chứa trong các Thầy là những kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến tín ngưỡng, phong tục tập quán và lối sống của cộng đồng cư dân. Những kiến thức mà các Thầy có được thông qua các tài liệu thành văn (tập bài cúng, lịch vạn niên, giáo lý của nhà Phật, Nho giáo…) cũng như hiểu biết về lịch pháp, thiên văn, con nước, thời tiết và mùa vụ đánh bắt thủy hải sản và kinh nghiệm sống qua các mùa mưa lũ…là kho tàng tri thức dân gian của cư dân sông nước. Chính vì vậy, các Thầy không chỉ là người am hiểu mà còn tham gia thực hành các nghi lễ liên quan đến đời sống văn hóa và sinh kế của cư dân như: Lễ tế rào, cúng đầu mùa vụ của cư dân làm ngư nghiệp (theo ngày tháng âm lịch), Lễ hạ thủy, cúng tết thuyền và ngư cụ; Tế Thành hoàng làng, lễ tế ở đình/vạn, lễ cầu an trong họ…

     Thứ ba, dưới góc độ nhân học tôn giáo thì các nghi lễ được thực hiện bởi các Thầy gồm âm nhạc, vũ điệu, nghệ thuật tạo hình, nội dung lời hát, lời khấn13 vừa mang tính chất tâm linh vừa mang tính thẩm mỹ cao. Nghệ thuật âm nhạc, tạo hình, diễn xướng trong các nghi lễ được các Thầy thể hiện là một phương tiện để giao tiếp với các thần linh. Trong các nghi lễ/tín ngưỡng của cư dân bao giờ cũng có âm nhạc, với các nhạc cụ truyền thống như trống, chiêng, thanh la… Các “nhạc công” cũng chính là các Thầy hoặc những người học trò của họ. Hình thức diễn tấu của nhạc cụ chỉ ở trình độ đơn giản để phụ hoạ cho các điệu múa và biểu hiện trạng thái, tính chất của các nghi lễ mà các Thầy luôn đứng ở vị trí trung tâm. Hát chầu văn cùng các điệu múa như quay tròn, khom lưng, kết hợp với các động tác múa có đạo cụ, như gậy, thanh đao, cây cung, chèo thuyền, phi ngựa được các thành viên trong cộng đồng hưởng ứng và tham dự đông đảo nhất với mong muốn được ban phát bổng lộc, bình an và may mắn trong cuộc sống.

     Ngoài ra, giá trị nghệ thuật tạo hình thể hiện khá rõ, nhất là qua hình thức bài trí các am/điện tại gia với các hình thức trang trí hoa văn, bàn thờ, đồ lễ cũng như các họa tiết hoa văn trên trang phục của các Thầy, trên đồ vàng mã, các loại thuyền, hình nhân được tái hiện một cách sinh động mang nét riêng của cư dân sông Hương. Diễn xướng cũng là một trong những hình thức thể hiện khá phổ biến và rất riêng của các Thầy trong khi hành lễ. Họ diễn xướng bằng ngôn ngữ theo nhịp vũ điệu múa và âm nhạc nội dung chủ yếu là các bài cúng, nhưng có lời đọc, tiết tấu, giai điệu lúc cao trào lúc lại lắng xuống, khi trầm, khi bổng chủ yếu dưới dạng độc diễn, đối thoại với thần linh để cầu mong sự che chở, phù hộ độ trì cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt những nghi lễ, âm nhạc, nghệ thuật diễn xướng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân gắn liền việc thực hành tín ngưỡng của của các Thầy trong bối cảnh thay đổi môi trường sống là nét đặc thù của cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương kết hợp với sinh kế đánh bắt thuỷ sản, văn hóa dân gian sẽ tạo nên những giá trị văn hóa tâm linh rất đặc trưng của cư dân sông Hương nói riêng và vùng đầm phá Thừa Thiên Huế nói chung.

     2.3. Biến đổi vai trò các Thầy trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương tại các khu TĐC

     Theo nhiều cụ cao niên trong cộng đồng cho biết trước năm 1975: trong số 12 vạn đò của cư dân có khoảng 4 Thầy tham gia thực hành các nghi lễ cho cư dân vạn đò sông Hương từ ngã ba Bẵng Lãng. Đó là các ông Hoàng Mười ở vạn Tân Ba (thượng nguồn sông Hương), ông Toàn, ông Thương ở vạn Kim Long, ông Chí ở vạn Vỹ Dạ. Khi cư dân tái định cư (năm 1989), số lượng Thầy tại các khu TĐC tăng lên khá nhiều; độ tuổi của các Thầy được trẻ hóa; đặc biệt đã có phụ nữ14 làm Thầy, tham gia thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng cư dân.

     Theo khảo sát chúng tôi từ tháng từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 2 năm 2020 tại 05 khu TĐC, số lượng các Thầy gồm 15 người (trong đó có 14 nam và 01 nữ15 ) đang hành nghề công khai hoặc bán công khai (bao gồm cả những người có khả năng lên đồng, nhảy đồng); so với trước TĐC số lượng các Thầy có nhiều hơn, độ tuổi trẻ hơn và giới tính các Thầy được thể hiện qua bảng sau16:

Bảng 1: Độ tuổi và giới tính của các Thầy trước và sau TĐC

S T T

Khu TĐC

Trước TĐC

Sau TĐC

Giới tính

Độ tuổi

Giới tính

Độ tuổi

Nam

Nữ

35-45

46-60

Trên 60

Nam

Nữ

35-45

46-60

Trên 60

1

Phước Vĩnh

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2

Kim Long

3

0

1

2

0

6

3

1

6

2

3

Bãi Dâu

0

0

0

0

0

0

1

0

1

0

4

Hương Sơ

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

5

Lại Ân

2

0

1

1

0

5

0

1

3

1

Tổng cộng

 

5

0

2

3

0

11

4

2

10

3

[Nguồn: tác giả, số liệu điều tra tháng 7/2018 – 2/2020]

     Tại khu TĐC Kim Long và Lại Ân số lượng hộ gia đình có sinh kế liên quan sông nước như: khai thác thủy sản, đánh bắt cá, cát sạn, thuyền du lịch nên nhu cầu thực hành tín ngưỡng gắn với các Thầy rất lớn. Ngược lại, tại khu TĐC Phước Vĩnh, Hương Sơ không có Thầy. Tại khu TĐC Bãi Dâu, do môi trường cư trú, sinh kế không liên quan nhiều đến sông nước nên chỉ có một (01) Thầy tham gia thực hành tín ngưỡng.

     Chúng tôi đã sử dụng bảng hỏi bán cấu trúc với 200 phiếu hỏi để thu thập các thông số/số liệu liên quan đến niềm tin của cư dân với vai trò các Thầy trước và sau TĐC.

     Trong đó chủ hộ từ 30 – 40 tuổi có 58 người chiếm tỷ lệ 29%, chủ hộ từ 41 – 50 tuổi có 65 người chiếm tỷ lệ 32,5%, chủ hộ từ 51 đến 60 tuổi có 48 người chiếm tỷ lệ 24% và chủ hộ trên 60 tuổi có 29 người chiếm tỷ lệ 14,5%. Về giới tính có 75% là nam giới, 25 % là nữ giới. Trình độ học vấn của cư dân cư dân như sau: không đi học chiếm 18%; tiểu học chiếm 48% ; trung học cơ sở chiếm 28,75%; trung học phổ thông chiếm 5% và cao đẳng/đại học chiếm 0,25 %. Về tín ngưỡng và tôn giáo: Cư dân tự nhận theo tín ngưỡng đa thần (Thờ Mẫu, Bà Thuỷ, thờ thần bản mệnh, thờ cúng tổ tiên…) chiếm 97%, theo Phật giáo chiếm 3%.

     Nội dung câu hỏi trên góc độ thực hành tín ngưỡng của cư dân có sự tham gia của các Thầy hay không? Việc các Thầy đứng ra làm chủ lễ/tế các nghi thức trong gia đình, cộng đồng thì ông/bà có tin hay không? Các mức độ niềm tin của ông /bà như thế nào? Chúng tôi đã nhận được kết quả về niềm tin vai trò các Thầy trước và sau TĐC như sau:

Bảng 2: Niềm tin của cư dân với vai trò các Thầy trước và sau TĐC

STT

 

Khu TĐC

Số
phiếu

Trước TĐC

Sau TĐC

Tin
nhiều

Tin

Không tin

Tin
nhiều

Tin

Không tin

1

Tin

40

32

8

0

17

8

15

2

Phước Vĩnh

40

35

5

0

25

10

5

3

Kim Long

40

30

8

2

20

5

15

4

Bãi Dâu (Phú Hậu)

40

30

7

3

18

3

19

5

Hương Sơ

40

38

2

0

30

4

6

Tổng cộng

 

200

165

30

5

110

30

60

[Nguồn: tác giả, số liệu điều tra tháng 7/2018 – 2/2020]

     Qua bảng số liệu trên chúng ta có thể nhận thấy niềm tin cộng đồng cư dân đối với vai trò các Thầy trong thực hành tín ngưỡng đã có sự thay đổi trước và sau TĐC. Tại khu TĐC Lại Ân và Kim Long, số lượng hộ gia đình tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và khai thác cát sạn tập trung nhiều nhất nên số hộ tin và tin nhiều vào vai trò các Thầy cao hơn nhiều so với các hộ gia đình không làm những nghề truyền thống. Cụ thể: Số hộ đó ở Kim Long là 87,5%, Lại Ân – 85 %, Phước Vĩnh – 62,5%, Bãi Dâu – 62,5% và Hương Sơ – 52,5%.

Bảng 3: Số lượng am/điện17 của các Thầy tại các khu TĐC


STT

Khu TĐC/
Năm hình thành

Số lượng am/ điện

Ghi chú

Trước TĐC

Sau TĐC

1

Phước Vĩnh (1989)

0

0

Cư dân phường Vĩnh Ninh, cư trú dọc cầu ga đến sông An Cựu

2

Kim Long (1995)

2

9

Cư dân phường Kim Long

3

Bãi Dâu (1998)

0

0

Cư dân phường Vỹ Dạ, Phú Hậu, Phú Hiệp và dọc sông Đông Ba

4

Hương Sơ (2008)

0

0

Cư dân phường Phú Cát và dọc sông Đông Ba

5

Lại Ân (2009)

3

5

Cư dân phường Vỹ Dạ

Tổng cộng

 

5

14

 

[Nguồn: tác giả, số liệu điều tra tháng 7/2018-7/2019]

     Qua bảng 3 cho thấy, tại 5 khu TĐC chỉ có khu TĐC Lại Ân và Kim Long có am/điện thực hành tín ngưỡng của các Thầy, số lượng hộ gia đình tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và khai thác cát sạn tập trung nhiều nhất nên số hộ có niềm tin, tín ngưỡng gắn liền với vai trò các Thầy cao hơn nhiều so với các hộ gia đình không làm những nghề truyền thống sông nước.

     Như vậy, vai trò của các Thầy đối với dòng chảy văn hóa của cư dân sông Hương thông qua các nghi lễ liên quan đến Bà Thủy, các sớ cúng Thủy Thần, thực hành của các thầy Cúng ở các am/điện đang được các Thầy lưu giữ, bảo tồn là những tri thức về văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, các nghi lễ mà các Thầy đang thực hành vẫn còn chứa đựng những yếu tố mê tín, ít nhiều trái với các quy định, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư như: tục đốt vàng mã, tiền bạc, hình nhân… Chính vì vậy các cấp chính quyền địa phương cần tìm hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của người dân để tuyên truyền, vận động người dân có những ứng xử phù hợp, không trái với luật pháp cũng như thuần phong mỹ tục trong thực hành tín ngưỡng của cư dân tại nơi cư trú. Mặt khác, cần vận động các Thầy duy trì các lễ nghi mang bản sắc văn hóa cư dân sông nước, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lễ hội trong đời sống văn hoá tâm linh như cư dân như: lễ hội Điện Hòn chén, lễ hội đua thuyền gắn với đạo đức, quan hệ tình cảm, lối sống của cư dân vạn đò sông Hương tại các khu TĐC.

3. Kết luận và kiến nghị

     1. Vai trò của các Thầy và những thực hành tín ngưỡng của họ là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân trên sông Hương trước và sau TĐC; góp phần làm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh của cá nhân/cộng đồng và đặc biệt đem lại cho cư dân sự tin tưởng/sức mạnh để vượt qua những khó khăn; biến cố của đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần của cư dân.

     2. Bản thân các Thầy vốn là những người am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân; biết rõ quy trình các lễ cúng, văn bản, sớ cúng, đồ cúng, những nghi lễ và kiêng kỵ nên họ được xem là những người “trung gian” để thực hiện các nghi lễ/nghi thức truyền thống của cá nhân, gia đình hay cộng đồng thể hiện những nét đặc thù của cư dân sông nước trong tiến trình hội nhập, giao thoa văn hoá của cư dân tại khu TĐC và cư dân sống trên đất liền.

     3. Thực chất việc thay đổi các nghi lễ/ thực hành các tín ngưỡng của cư dân tại các khu TĐC thông qua các Thầy đã đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh trong đời sống văn hoá cư dân sông Hương. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn trên góc độ nhân học tôn giáo, lễ hội để đánh giá và phát huy vai trò của các Thầy trong công tác bảo tồn, phát huy hay cần thiết để loại bỏ những hủ tục, mê tín trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên sông Hương và cư dân vùng sông nước đầm phá ở Thừa Thiên Huế hiện nay.

__________
1. Thầy trong bài viết này là những người chuyên làm nghề cúng bái, cầu thần thánh. Họ là cư dân vạn đò sông Hương, những người thực hành các nghi thức/nghi lễ của cư dân trước và sau tái định cư.

2. Chưa tính 148 hộ cư dân vạn đò đã định cư tại Trường An – Phước Vĩnh vào năm 1989.

3. Shaman là hình thức thông qua những người môi giới, trung gian để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn.

4. Theo khảo sát và hỏi những cư dân cao niên trong cộng đồng thì hòn đảo nhỏ này chính là đảo ông Sắc đã được tác giả Văn Đình Triền nhắc đến.

5. Có căn, có duyên chỉ những người có nghiệp, liên quan đến nhà Thánh. Có duyên, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng phụng sự cửa đền, hoặc đã từng tu theo đạo Mẫu. Có nghiệp, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng làm gì đó có lỗi với cửa đền (như phá phách, hoặc trộm đồ thờ tự…), hoặc có lỗi với người tu theo đạo Mẫu (ngăn cản vợ/chồng, anh/chị/em, con/cháu tu theo đạo Mẫu…).

6. Trường hợp ông Nguyễn Văn Thương làm Thầy được hơn 40 năm. Trước đây ông đau ốm, bị tâm thần sau đó nhờ thầy Pháp cúng cấp và lập điện trên thuyền. Khi TĐC ông đã lập điện để thực hành tín ngưỡng cho người thân và cư dân tại khu TĐC Kim Long. Hiện nay cư dân vạn đò vẫn thường đến điện của ông để cúng tế mong cho gia đình và cá nhân họ không ốm đau, tai ương, chữa bệnh quan sát ở trẻ con hay chết yểu…

7. Shaman giáo có nhiều yếu tố giống ma thuật nhưng khác ma thuật ở chỗ nếu ma thuật quan niệm tự bản thân người làm ma thuật có một sức mạnh siêu linh thì Shaman cho mình là người môi giới, là hình bóng của siêu linh.

8. Từ “phù thuỷ” (符水) trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán. “Phù” () có nghĩa là “bùa”, “thuỷ” () có nghĩa là “nước”, “phù thuỷ” dịch sát nghĩa từng chữ là “nước bùa”. Trong tiếng Hán từ “phù thuỷ” được dùng để chỉ thứ nước mà thầy phù thuỷ và đạo sĩ dùng để trừ tà và chữa bệnh. Nước bùa có thể được hoà tro của bùa đã bị đốt cháy, được dùng để vẽ bùa vì vậy mà được gọi là “phù thuỷ”. Tiếng Việt dùng từ “phù thuỷ” để chỉ người dùng nước bùa – Thầy phù thuỷ.

9. Đối với cư dân sông Hương, ông Chín Thượng ngàn được suy tôn và nhắc đến nhiều nhất. Trước đây cư dân thường nhắc đến ông Hoàng Mười ở vạn Tân Ba (thượng nguồn sông Hương) rất giỏi trong sử dụng các phép thuật chữa bệnh.

10. Những bệnh này theo các Thầy phần lớn là các bệnh về tâm lý, khi bệnh viện trả về thì người dân thường tìm đến các Thầy để nhờ chữa trị.

11. Cúng dường có nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ… những người có công truyền đạt đạo lý làm người, điều hay lẽ phải như ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng nên hành động bố thí đối với họ ta phải gọi là cúng dường.

12. Theo một số thầy Pháp khi anh bị vương do nhiều lý do như lên rừng chặt cây. Quan điểm của cư dân mỗi cây đều có linh hồn trú ngụ nên anh bị bắt, bị đày và phải cúng, giải hạn…mới lành bệnh

13. Các thầy Cúng có thể nhảy đồng, phán truyền cho các con nhang đệ tử…

14. Theo ông Võ Văn Kèn, (khu TĐC Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh thừa Thiên Huế) thì trước đây tại các vạn đò trên sông Hương rất ít có các Thầy. Ở mỗi vạn chỉ có 01 Thầy chuyên chăm lo đời sống tâm linh của cộng đồng.

15. Didier Bertrand dẫn theo Theo Durand (1959) chỉ ra rằng nhiều người bà đồng trên thực tế là những người có cuộc sống đặc biệt: góa phụ, ly dị, tình yêu, phụ nữ không có con. Những người phụ nữ trong dịp này uống rượu và hút thuốc, từ bỏ công việc hoặc nhà của họ, đi ra ngoài và nhảy/hầu đồng mà không có chồng… [2, tr. 279].

16. Trong những lần trao đổi, gặp gỡ chúng tôi nhận thấy các thầy Cúng có uy tín trong cộng đồng vốn là những người đã làm thầy Cúng trên sông Hương trước khi TĐC trên đất liền. Tại khu TĐC Kim Long là ông Nguyễn Toàn, Trần Văn Thương…; khu TĐC Lại Ân (xã Phú Mậu) là ông Nguyễn Văn Chí; sau này tại khu TĐC Phú Hậu có bà Nguyễn Thị Hòa.

17. Am/điện được lập trên thuyền của cư dân vạn đò sông Hương trước khi TĐC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bronislaw Malinowki (1954), Magic, Science and Religion in Magic, Science and Religion and other Essays. Garden city, N.Y. Doubleday Anchor.

2. Didier Bertrand. (1995), “Renaissance du lên đồng à Huế, premiers éléments d’une recherche” Bulletin de l’École Française d’Extrême Orient, Paris, No.83, pp. 271-285.

3. Didier Bertrand, (1996) “The Thay: Masters in Huê Vietnam”, Asian Folklore Studies, Volume 55 (Thày: Những Thầy ở Huế Việt Nam), Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Châu Á, Tập 55, số 2, tr 271- 286.

4. Nguyễn Mạnh Hà (2019): “Tín ngưỡng và tín ngưỡng thờ Bà Thủy: Bối cảnh thay đổi của cư dân vạn đò trên sông Hương Huế, Việt Nam” Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Văn hóa sông nước ở Đông Nam Á: Bảo tồn và phát triển, Trường Đại học Cần Thơ, tr 215 -225.

5. Nguyễn Mạnh Hà (1999), “Kinh tế và xã hội cư dân trên sông Hương Huế từ năm 1954 – 1975”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Khoa học, Đại học Huế.

6. Lê Hiền (2007): “Cư dân vạn đò ở Thành phố Huế và những thông tin còn thiếu cho việc tái định cư” Kỷ yếu lần thứ I của Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung, Huế, tr 34-42.

7. Phan Hoàng Quý (1992): “Những con đò trên sông Hương”. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế. Số 1/1992 tr 61-70.

8. Phan Hoàng Quý (1999), “Sinh hoạt những vạn đò trên sông Hương trước 1975. Nghiên cứu Huế. Tập 1. Trung tâm Nghiên cứu Huế. tr 133-155.

9. Văn Đình Triền (1992): “Phường Vỹ Dạ”. Tạp chí Huế Xưa & Nay. Số 1/1992, tr78-89.

10. Văn Đình Triền (1993): “Phường Vỹ Dạ”. Tạp chí Huế Xưa & Nay. Số 1/1993, tr 77- 1.

11. Ủy ban Nhân dân thành phố Huế (2007), Phòng Kinh tế thành phố, “Tổng hợp điều tra dân vạn đò thành phố Huế năm 2006”.

Trích dẫn tệp PDF từ: CSDL Khoa học và Công nghệ  Đại học Huế

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vai trò các “thầy”1 trong đời sống tín ngưỡng của cư dân vạn đò sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế: truyền thống và biến đổi