Vai trò của Mẫu Liễu, thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng
THE ROLE OF MẪU LIỄU (LIEU HANH MOTHER),
RELEVANT GODS, ALTARS AND RITUALS
Tác giả bài viết: TRẦN LÂM, NGUYỄN ĐẠT THỨC
(Cục Di sản văn hóa)
From the worship of Lieu Hanh Mother, authors links it with the appearance and existence of Lieu Hanh Mother in the spiritual life of Viet people – attach her to the development of commercial economy, and then the myth of the god, partly reflect on one element of South – North war (late XVI century) – also through her to give a reason to expand the mother worship to transportation roads etc, and a reason for different gods to merged into her altar.
x
x x
Tín ngưỡng Tứ phủ tồn tại lâu dài cho tới nay ở nước ta được dựa chủ yếu vào bệ đỡ nông thôn và nông dân, một lực lượng luôn chiếm tỉ lệ lớn trong thành phần dân cư. Vì thế, dù cho có những biến dộng xã hội thì tín ngưỡng này vẫn được người Việt tin theo đông đảo. Đương nhiên, nhiều biến đổi của tâm linh dân dã thường dựa trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì thế, không lạ gì khi những vị nữ thần, như Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều nhân vật nữ khác cũng dần hội nhập về với tín ngưỡng Tứ phủ ở dưới dạng này hay dạng khác. Với bà Liễu Hạnh, là một vị Thánh Mẫu mang nhiều yếu tố quy tụ, sản phẩm của sự phát triển kinh tế thương mại, manh nha từ cuối thế kỷ XV, phát triển vào thế kỷ XVI cũng không vượt ra ngoài tín ngưỡng Tứ phủ. Vai trò của Bà thực là to lớn, mà chúng tôi còn như cảm nhận thấy, từ Bà mà tín ngưỡng Tứ phủ đã được mở rộng hơn rất nhiều trong hệ thần linh liên quan ở suốt cả Bắc – Trung – Nam. Vậy Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ai?
Chắc chắn Bà là “con đẻ” của tư duy Việt vào thế kỷ XV – XVI. Thực sự, Bà không phải là một nhân thần như truyền thuyết đã ghi lại, mà là sản phẩm của lịch sử gắn với những “thương thuyền”. Yêu cầu của các thương thuyền đương thời, không thể đem tất cả thần linh của Tứ phủ đi khắp nơi mà họ có thể đến. Do đó, như một quy luật thông thường, sự hội tụ các thần linh của tín ngưỡng này lại để trở thành một đấng độc tôn đa quyền năng đã được hình thành. Và, Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất thế. Con đường đi của Bà ở trong không gian văn hóa dân dã của người Việt được chia làm hai: một là, theo các thương thuyền, men theo các triền sông, ven biển và các đường thiên lý để xuất hiện ở khắp nơi; hai là, Bà nhập vào thế giới nông nghiệp để trở thành một tối thượng thần đa tài, đa năng… Kết quả là, theo dòng trôi chảy của lịch sử, Bà đã được “trôi” trên dòng liên tưởng dân dã mà hóa thân thành con của Ngọc Hoàng, nhiều lần đầu thai xuống trần để hành đạo, trừ gian, diệt ác, tạo sự hanh thông cho những con đường xuôi ngược. Từ Bà, ít nhất có hai đặc điểm nổi bật gắn với lịch sử, đó là sự dung hội với các thần linh ở địa phương, mà có lẽ tục thờ Mẫu Tứ phủ gốc khó có thể có, như với ông Hoàng Bảy (Bảo Hà), tức Nùng Trí Cao ở tận miền núi xa xôi, rồi ông Hoàng Sáu – Trần Lựu, Chầu Mười – Hoàng Ba cũng được kết nạp vào tín ngưỡng Tứ phủ. Ở miền Trung, chúng ta thấy Hoàng Chín/Lê Khôi, Hoàng Mười/Nguyễn Xí cũng gắn với thương mại mà hội nhập về. Chưa rõ được ông Hoàng Hai, gắn với mở rộng đất đai ở miền Nam, có phải vì dòng chảy của thương mại đã kết nạp ông vào tín ngưỡng này hay không? Mặt khác, một số thần linh gốc gắn với nông nghiệp, đã tồn tại với tín ngưỡng thờ Mẫu, được hội nhập với các ông Hoàng kể trên để trở thành hệ Tứ phủ ông Hoàng như hiện biết. Có thể nói rằng, vai trò của thương thuyền vô cùng quan trọng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, nó “kết nạp” các thần linh ở địa phương vào hệ Tứ phủ đã góp phần tích cực về mặt tinh thần cho sự phát triển thương mại ở đương thời.
Cũng qua đây, chúng ta như thấy nhà Mạc ủng hộ cho thương mại, thì như một sự tất yếu, một số thần linh dân dã sẽ được đề cao một cách mạnh mẽ, cụ thể như: gắn với khu thương mại sầm uất ở ven sông Hồng – từ Bằng Sở (Thường Tín, Khoái Châu), qua Đa Hòa về đến Hưng Yên là Chử Đồng Tử, được chuyển hóa từ thần đánh cá thành thần buôn. Nhưng, Chử Đồng Tử ít gắn với bệ đỡ nông nghiệp nên tuy ngài được đề cao để trở thành một nhân vật trong Tứ bất tử, song không gian thờ tự của ngài rất hạn chế. Một phần, có thể ngài không phải là nữ thần nên cũng khó phát triển trong ý thức thờ Thánh Mẫu của nhân dân ta. Suy cho cùng, mọi điều kiện được hội tụ lại ở một thần linh tối thượng là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Qua sự tích, chúng ta đã thấy Thánh lúc là nguồn sinh lực vũ trụ vô biên – một hóa thân của Thánh Mẫu Thượng Thiên, lúc thì gắn với rừng núi như ở Chi Lăng, mang bóng dáng của bà Thượng Ngàn, hay gắn với nước, như ở Tây Hồ, rồi gắn với Mẫu Địa, điển hình như tại Đồi Ngang, Ninh Bình. Đương thời, vai trò của Mẫu Liễu Hạnh quá lớn, cho nên, nhiều khi sự tích của bà còn như liên quan đến một số nhà Nho trong mối quan hệ mang yếu tố thánh thần. Tuy nhiên, Bà là người của dân, nên sau khi xuất thế, Bà được tồn tại bởi những huyền thoại dân dã. Trong lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu được mở rộng khắp nơi, nhưng không bao giờ có giáo hội, không có giáo lý trừu tượng, nên chính quyền trung ương khó có thể quản lý được. Và, đương nhiên một số nhà Nho đã gán cho Mẫu nhiều nhận định không đúng về bản chất, đạo đức Nho giáo. Trở lại với vai trò của bà Liễu Hạnh trong xã hội, chúng ta hiểu rằng, ở một mặt nào đó, bà dần dần trở thành đại diện cho thế lực thương mại tâm linh của nhà Mạc. Vào cuối thế kỷ XVI, cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều tương đối khốc liệt, trên cơ bản đó là cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa nhà Mạc và nhà Lê – Trịnh. Song, trên đấu trường ý thứ hệ lại là biểu hiện của mâu thuẫn giữa nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền và nền kinh tế thương mại non trẻ. Kết quả là, chính sách của nhà Mạc đã ít dựa vào được “cái biển” nông dân Bắc Bộ, nên nhà Mạc đã thất bại. Sự thất bại đó như đồng nhất với sự thất bại của bà Liễu Hạnh trước Tiền Quân Thánh, thuộc phái Nội Đạo Tràng ở xứ Thanh. Tuy thắng lợi, nhưng nhà Lê – Trịnh không thể kéo lịch sử lùi lại được, có nghĩa vai trò của thương mại cũng như vai trò của bà Liễu Hạnh vẫn tồn tại trong xã hội, nằm ngoài ý muốn của triều đình. Có lẽ vì thế mà người ta “bắt ức” bà quy Phật và được triều đình phong là Mã Hoàng công chúa. Không còn chiến tranh cản trở bước đường thương mại, vì thế vai trò của bà Liễu Hạnh cũng như vai trò của thương mại đã phát triển dần ngay ở xứ Thanh và đền thờ Mẫu Liễu chiếm thế “thượng phong” ngay ở miền đất này. Người dân đã xây dựng nên những vùng kinh tế sầm uất, kèm theo là một số ngôi đền nổi tiếng toàn quốc, như đền Sòng, Phố Cát và các đền “vệ tinh” như đền cô Ba Bông, đền cô Chín Giếng… Đi sâu hơn có đền Mẫu Cẩm La ở phía Nam Hà Tĩnh, rồi đền Mẫu Liễu ở phía Nam của đèo Ngang. Xa hơn, vai trò của Mẫu Liễu còn được khẳng định ở điện Hòn Chén (Huế). Và, tới nay còn có cả Phủ Dầy ở tận thành phố Hồ Chí Minh…
Vai trò của bà Liễu Hạnh ở đâu cũng được đề cao, nhiều khi có những điện thờ riêng. Ở những nơi ấy, Bà thường được tạc tượng đặt trong hậu cung, với vị trí của Mẫu thủ điện, luôn đặt tại trung tâm điện thờ. Trên điện thờ Mẫu của người Việt, trong/trên cùng của bàn thờ chính thường là nơi của các thế lực siêu nhiên căn bản, đó là Tam tòa, còn Mẫu thủ điện, tức vị thần được thờ chính, bao giờ cũng ở hàng kế theo. Có nghĩa là, hàng thứ nhất gắn với những uy lực và tinh thần cơ bản của đạo, làm bệ đỡ cho vị thần chủ ở hàng thứ hai. Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, hàng thứ nhất là Tam tòa, mà điện Mẫu gốc ở nông thôn luôn gắn với Thánh Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa và Mẫu Thoải – ba thế lực liên quan tới kinh tế nông nghiệp. Còn rừng núi thường là nơi của các kiếp đời đã qua, nên bà Thượng Ngàn được thờ riêng. Có lẽ vào khoảng thế kỷ XVIII, khi tín ngưỡng thờ Mẫu theo chân giới thương mại phát triển mạnh ở đô thị, thì Tam tòa đã có phần thay đổi (như trên đã đề cập). Thông thường, điện thờ bà Liễu Hạnh cũng như điện thờ của nhiều bà Chúa khác, người Việt thường bổ sung thêm tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu với bàn thờ riêng ở hai bên như một hình thức khẳng định về ý nghĩa uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tất nhiên, bàn thờ của Mẫu Liễu không phải là một bàn thờ chung như ngày nay nên ít có bổ sung các hệ tượng khác của điện thờ Mẫu nói chung.
Khi rời khỏi vùng đất quê hương, theo chân người Việt đi khai phá, thâm nhập vào miền trong mà điển hình như tại điện Hòn Chén ở Huế, thì nơi đây, một thần mẹ Thiên Y A Na, gốc của người Chăm, được tạo tượng nữ nhân, đậm chất Việt, được để trong cùng như thay cho Tam tòa Thánh Mẫu. Hàng thứ hai là bài vị của Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng hai thị giả Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Phía ngoài là một ban thờ xây dạng cửu trùng gắn với Ngọc Hoàng Thượng Đế để tạo nên một thế âm dương đối đãi. Bên phải có ban thờ hai vua Đồng Khánh và Khải Định, bên trái có ban thờ của bà Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Ngoài ra, hai bên tường hồi của tòa ngoài còn có bộ tượng Lục Đinh, Lục Giáp theo kiểu thức Trung Hoa… Như vậy, rõ ràng những thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu của châu thổ Bắc Bộ đã hội nhập vào điện Hòn Chén. Đặc biệt, Mẫu Liễu như đã chiếm vị trí của thần thủ điện, ở trung tâm chính điện, nơi hàng thứ hai và đẩy bà Thiên Y A Na trở thành một dấu tích cội nguồn của điện này. Ở một số điện thờ khác, gốc xưa như tại Phủ Dầy, vào những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, nơi đây còn thờ tam thân của Mẫu Liễu, theo huyền tích của Mẫu Liễu, đó là thần tiên, Bồ tát và đời thường. Nhưng ở nhiều kiến trúc thờ Mẫu Liễu tại địa điểm khác, người ta đã chuyển hóa thành một ban thờ Mẫu thông thường. Có thể chỉ ra như ở phủ Tây Hồ, phủ Dầy hiện nay và nhiều địa điểm khác nữa. Với trên cùng, nơi sâu nhất của hậu cung thường là Tam tòa Thánh Mẫu; hàng thứ hai là Mẫu Liễu Hạnh; ban thờ hai bên thường là các Chầu, cũng có khi là Thánh Phụ, Thánh Mẫu (bố, mẹ thế gian của Mẫu Liễu). Kèm theo đó là những cô và cậu, được tạc tượng khá nhỏ, điểm xuyết hai bên để làm thị giả. Đó là hậu cung, được ngăn cách với bên ngoài bởi hệ cửa thờ ở giữa, thường có 4 đến 6 cánh, với phần trên ít khi được bưng kín mà thay vào đó là hệ thống chạm thủng với đề tài lẵng hoa hay các biểu tượng thiêng liêng, phần dưới của cửa theo dạng bức bàn. Như vậy, với ánh sáng thiêng liêng của tín ngưỡng thì Thánh có thể nhìn ra ngoài, nhưng người dân chỉ nhìn được vào bên trong qua một ánh sáng huyền ảo, lung linh. Hai bên của cửa thờ là cửa ra vào, với ngưỡng rất cao, mang ý nghĩa chống những sự phàm tục tràn vào cõi tối thiêng, nơi mà chỉ các con đồng thủ từ mới được tiếp cận.
Phía ngoài cửa hậu cung là một ban thờ, đôi khi được để sát cửa thờ ở phía ngoài để các con nhang, đệ tử thắp hương cúng vọng. Tiếp sau là hệ ban thờ chung của điện Mẫu. Trên cùng có thể là một bộ 3 tượng tương đối lớn, đội mũ Bình Thiên, đó là Tam vị Đức Vua Cha, gồm Vua Cha Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải và Vua Cha Diêm Vương. Đây là một biểu hiện ảnh hưởng từ tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng của Trung Hoa đã được Việt hóa để phân thân thành Tam vị Đức Vua Cha, nhưng từ bao giờ thì hiện nay không có những chứng cứ cụ thể. Chỉ biết rằng, với chức năng của các ngài đều gắn với nền kinh tế nông nghiệp, chưa bị tư duy thương mại chi phối. Có nghĩa là vẫn gắn với trời, nước và đất. Từ đây, chúng ta có thể đặt ra một giả thiết để làm việc là, sự ảnh hưởng của việc thờ Ngọc Hoàng vào tín ngưỡng dân gian Việt có lẽ từ trước thế kỷ XVIII và thường được thờ trong những điện riêng, gọi là đền/điện Tam Phủ mà hiện nay dấu tích này vẫn còn ở đền Tam Phủ trong khuôn viên chùa Thầy và nhiều đền/điện Tam phủ ở phía tả ngạn sông Đáy, thuộc Đan Phượng và Hoài Đức (Hà Nội). Điều đó cho phép chúng tôi ngờ rằng, điện Tam phủ thường gắn với thờ nam thần – ba hóa/phân thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế, có thể chỉ được cấy vào điện thờ Mẫu trong khoảng thời gian gần đây mà thôi. Nhiều khi ở vị trí này không có tượng Tam vị Đức Vua Cha thì được thay thế bằng bộ ba: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Nếu như, Tam vị Đức Vua Cha gắn với ước vọng nông nghiệp thì Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu lại như chứa đựng một ý thức giáo dục tâm linh, đó là việc khuyến thiện, trừng ác, bởi Nam Tào gắn với sự sinh/sống (vị quan ghi chép về những điều tốt lành, thiện nghiệp của con người lúc sinh thời để được xét công khi qua mười cửa ngục dưới âm ti). Ngược lại, Bắc Đẩu ghi về sự chết và tội ác của con người để phán xét công, tội, khi xuống âm ti được chuyển kiếp khác nhau). Hàng tượng tiếp theo được đặt thấp hơn một chút, đó là nơi của Ngũ vị Tôn ông. Thực sự, đây là những vị thần liên quan đến việc sáng tạo ra các miền vũ trụ. Chính giữa là Tôn ông Đệ nhất, hai bên tùy theo vai trò âm dương của thần mà định vị (hai vị liên quan đến rừng và đất thì ở bên phải; hai vị liên quan đến nước và kiêm tri đôi nước thì ngồi bên trái). Có thể, khởi đầu của tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có các vị thần như nêu trên (dù cho Tam vị Đức Vua Cha hay Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu là một sự du nhập). Khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển (như trên đã nói), thì nhiều khi hệ thống thần “phát huy sáng tạo” là những người thực được thiêng hóa. Tại những ngôi đền rộng rãi thì các Ngài được ngồi ở hai bên, như Tứ phủ ông Hoàng thì ngồi dàn hàng ngang ở gian bên trái. Ngược lại, tương đồng như thế là Tứ phủ Chầu bà ở gian bên phải. Với những điện Mẫu hẹp hoặc đôi khi tùy theo nhận thức của tín đồ địa phương mà không có hệ Tứ phủ ông Hoàng đầy đủ, cũng như Chầu bà được đặt ở vị trí như kể trên, mà người ta thường xếp tiếp dưới hàng Ngũ vị Tôn ông. Chỉ ba vị Hoàng Ba, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, là những ông Hoàng thường có mặt trong các giá đồng, còn các Chầu bà, tùy theo từng nơi, nhiều khi được đưa vào thờ phụ ở hai bên của Tam tòa Thánh Mẫu trong hậu cung.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thường chỉ đề cập tới Tam tòa, vì Thánh Mẫu Thượng Ngàn quản lý thế giới của kiếp đời đã qua nên luôn được thờ riêng. Biểu tượng nơi thờ Bà gắn với cảnh rừng núi nên người xưa thường hay đắp động. Mà, trong tạo hình, nhiều động mang giá trị nghệ thuật dân gian khá cao, gần gũi với tự nhiên và đầy xúc cảm. Thông thường, vị trí thờ động của bà Thượng Ngàn được đắp ở đầu hồi bên phải của tiền bái. Nhiều khi động này được đưa hẳn ra ngoài hoặc đắp ở phía sau điện Mẫu (phủ Dầy, Nam Định). Tuy nhiên, khi tín ngưỡng thờ Mẫu được “trôi” vào trong đô thị thì Tam tòa không còn Mẫu Địa, mà thay vào đó là bà Thượng Ngàn, nhưng động Sơn Trang vẫn cứ được làm để đáp ứng yêu cầu đối với thế giới của người đã khuất. Cũng ở trong môi trường đô thị hay liên quan đến đô thị, thì, vị trí động Sơn Trang được đặt khá tùy tiện, không nhất thiết theo quy luật âm dương của nông nghiệp (như ở phủ Tây Hồ hay đền Đại Lộ, đều thuộc Hà Nội) – Những động này mới được dựng gần đây, đều ở phía bên trái của điện chính. Cùng với hệ thống thần điện như nêu trên, thì, gần như một sự bắt buộc, người xưa đã dựng hai miếu nhỏ cho Cô và Cậu ở hai bên phía trước tiền bái. Ở nhiều điện Mẫu, đôi khi có cả am Thổ thần bên gốc cổ thụ (đền Dầm, Thường Tín, Hà Nội). Ở nơi ấy, quanh gốc cây và quanh miếu thường được xếp những hòn đá hộc lớn, có vẻ như “vu vơ” nhưng đượm chất triết học dân dã. Cũng có khi do sự tích riêng mà người ta cấy vào trong khuôn viên của điện Mẫu những am thờ của vị thần linh liên quan, mà thường là những vị tương đồng với Thành hoàng làng hay các anh hùng dân tộc. Chẳng hạn như Lý Nam Đế (phủ Vân Cát, Nam Định). Đặc biệt, cách đây chưa lâu, người ta đã đưa cả Đức thánh Trần Hưng Đạo với hai người con nuôi của Ngài (được dân gán ghép là Cô Quỳnh, cô Quế) vào hệ thống thần điện Mẫu. Ban thờ của Ngài thường nằm ở bên trái của điện chính. Thực ra, giữa điện Mẫu và ban thờ thánh Trần Hưng Đạo không/ít kết hợp trong một không gian thờ tự. Vì rõ ràng, những người theo tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo coi các thủ từ là Thanh đồng và những con đồng của điện Mẫu thường bị xếp vào loại đồng cốt, mang nhiều tính mê tín dị đoan. Hai dòng này như có vẻ khắc nhau về nhận thức và chức năng. Vì Đức Thánh Trần thường gắn với sát qủy, trừ tà, trị bệnh, ủng hộ nghề sông nước, cầm cân nảy mực…, ít có hiện tượng xuất thần liên quan đến thần linh của các miền vũ trụ. Một giả thiết để làm việc tạm đặt ra là, với các luồng buôn bán và thương nghiệp thì sự dung hợp này như đã đáp ứng được yêu cầu về tâm linh của cư dân đô thị. Tuy nhiên, bằng vào thực tế của di sản văn hóa, như ở đền Dầm, Thường Tín, Hà Nội, một số hiện vật trong điện của Trần Hưng Đạo lại sớm hơn bất kể hiện vật nào ở điện thờ Mẫu, đồng thời, điện Ngài lại được đặt riêng ở phía bên phải, khiến chúng ta có thể ngờ rằng, ở những nơi ấy, có thể điện thờ Ngài được dựng sớm hơn điện thờ Mẫu, hoặc giả đây là hai đền khác nhau. Và, để cân đối, chỉ cách đây mươi năm, một số nơi đã cho dựng cả một động sơn trang mới ở phía bên phải của tiền bái điện thờ Mẫu. Phải chăng, đó là sự tùy tiện của tín ngưỡng dân gian hay tính thực dụng của tư duy thương mại (đền Dầm, đền Lộ, phủ Tây Hồ… đều thuộc Hà Nội).
Trở lại với điện thờ Mẫu, người Việt không chỉ dừng lại ở những thần linh nhân dạng mà còn quan tâm tới ông Hổ và ông Lốt. Với hổ, thường được thờ ở hạ ban, chủ yếu dưới gầm ban thờ Công đồng (bàn thờ chung của chư vị). Ở nơi ấy, một là chỉ có riêng hổ vàng, tượng trưng cho sức mạnh của thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà, sát quỷ, nhưng phần nhiều lại được diễn ra dưới dạng ngũ hổ để trấn trị năm phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung phương, tương ứng với hổ xanh lá cây/hành Mộc, hổ Trắng/hành Kim, hổ đỏ/hành Hỏa, hổ đen/hành Thủy, hổ vàng/hành Thổ). Đồng thời, người ta cũng nghĩ rằng, một kiến trúc liên quan đến tôn giáo – tín ngưỡng cần phải đạt được tư cách đại diện cho ba tầng thế giới, với mái là biểu tượng của tầng trời, phần ở giữa là nơi của các tín đồ tiếp cận với thần linh và phần đất thì hổ là đại diện.
Ngoài ra, các ông Lốt là vật thờ không thể thiếu. Đây là đôi rắn có mào đỏ, lưỡi thè ra khỏi mồm. Đôi rắn quấn trên quá giang ở hai “bộ vì” gian giữa và chầu vào điện Thánh. Thông thường đó là rắn màu vàng ở bên phải và rắn màu trắng ở bên trái. Trong trường hợp, khi tín ngưỡng thờ Mẫu thâm nhập vào đô thị thì rắn màu vàng được chuyển hóa thành rắn màu xanh lá cây. Những đôi rắn này được làm khá công khu, chúng khá lớn, với đường kính thân từ 10 – 15 cm, nhiều khi có vây lưng, được thêu hoặc vẽ vẩy cùng đốt ngang ở phần bụng. Trong những ngày lễ hội, ngoài những đồ mã phổ biến như quả nón Công đồng mà mỗi năm đều được thay đổi vào ngày hội xuân. Gọi là quả nón Công đồng, có nghĩa là cả một hệ thống dưới “bảo cái” gồm đủ các loại nón, có tầng bậc từ cao đến thấp, thần nào nón nấy…, nên quả nón này rất lớn, như hiện thân/tượng trưng cho cả một hệ thống thần điện, với nhiều màu sắc khác nhau, đan xen, hài hòa, mang một vẻ đẹp dân dã đặc biệt, được treo ở trên cao, chính giữa tòa tiền bái, trước ban thờ Công đồng… Cùng đó là những mã hình nhân thế mạng, rồi voi ngựa. Nhiều khi chúng ta còn gặp được ở trong những đồ mã này các ông Lốt “tam đầu nhất vĩ”, mà nhiều khi các đầu này được hóa thành đầu người và nối xuống một thân rắn cuộn tròn làm đế. Hình thức này khiến chúng tôi ngờ rằng, nó được bắt nguồn từ những rắn Naga, theo thời gian mà bị suy lạc và dân dã dần để trở thành một tác phẩm khó kiếm ở các vùng miền khác…
(Kỳ sau đăng tiếp…)
Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể – Số 3 (44) – 2013
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vai trò của Mẫu Liễu, thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng (Tác giả: Trần Lâm, Nguyễn Đạt Thức) |