NHÀ Ở và TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC PU PÉO ở Hà Giang

     Thôn Chúng Chải, thuộc xã Phố Là, huyện Đồng Văn là bản tập trung nhiều hộ người Pu Péo sinh sống của tỉnh Hà Giang, người dân còn gọi là thôn Củng Trá (nghĩa là bản của những người họ Củng). Người Pu Péo có dân số rất ít ỏi nên một mặt đã tiếp thu khá nhiều các yếu tố văn hoá của các dân tộc láng giềng (nhất là của người Tày, người Nùng, người Hán,…), nhưng mặt khác họ vẫn giữ lại rất đậm nét những đặc điểm văn hoá truyền thống của dân tộc. Những truyền thống này được thể hiện rõ rệt cả trong văn hoá vật chất (chủ yếu ở y phục phụ nữ và nhà cửa) [3].

1. Nhà ở của người Pu Péo

     1.1. Quan niệm về nhà cửa

     Làm nhà là một trong những công việc lớn của đời người, bởi vậy người Pu Péo quan niệm rằng: sự thành bại trong mỗi cuộc sống gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào điền trạch. Từ đó, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình xây cất và nghi thức về nhà mới.

     Theo lời kể của các cụ già người Pu Péo, trước kia, dân tộc này ở nhà sàn. Cách đây không lâu do rừng bị tàn phá nhiều, việc tìm kiếm nguyên liệu làm nhà sàn: tre, gỗ, nứa rất khó khăn nên họ đã phải chuyển sang ở nhà đất. Hiện nay, người Pu Péo ở trong ngôi nhà đất trình tường làm theo kiểu nhà của người Hoa có hai mái, không có chái và số gian không cố định, phổ biến hơn là ba gian. Các ngôi nhà đều được xây to, bề thế, nhưng chỉ được trổ một cửa ra vào, không có cửa sổ. Trước đây, họ thường làm nhà theo kiến trúc hai tầng giống người Hoa, mái nhà chủ yếu được lợp bằng cỏ tranh; hiện nay được lợp bằng ngói máng tự làm hoặc ngói Tây.

     Đồng bào rất chú trọng hướng làm nhà, họ thường chọn hướng theo tuổi của chủ nhà. Nhà bao giờ cũng dựa lưng vào núi, được coi là thế đẹp và vững chắc. Nhà của người Pu Péo thường là hướng Nam và Đông Nam, nằm dưới chân đồi và nhìn ra ruộng vườn.

     Người Pu Péo làm nhà thường chọn ngày tốt theo các tháng trong năm, đồng thời xem theo mệnh của chủ nhà. Trong trường hợp, chủ nhà không được tuổi thì phải mượn tuổi của người khác để làm nhà.

     Để làm một ngôi nhà, người Pu Péo phải chuẩn bị gỗ trong nhiều năm (từ 7 – 10 năm). Việc chọn gỗ để làm nhà không quá cầu kì, chỉ riêng cột chính (châu lụ) và nóc (linh neng) là phải chọn gỗ sa mộc (sa sủa), còn các bộ phận khác thì có thể lấy gỗ tạp. Cây gỗ được chọn làm châu lụ linh neng là cây mọc thẳng, đủ ngọn, không héo, không khô và không bị sâu vỏ. Chọn gỗ là một công việc quan trọng và đòi hỏi sự chu toàn trước khi tiến hành làm một ngôi nhà bởi đối với người Pu Péo, tuổi thọ căn nhà có kéo dài và vững chãi được hay không một phần nhờ vào sự chắc bền của các cột kèo. Sau khi đã chọn được gỗ phục vụ cho việc dựng một ngôi nhà, người Pu Péo mới tính đến các công đoạn tiếp theo.

     1.2. Các công đoạn của việc làm nhà

     Ngày đào móng nhà được kết hợp cùng với ngày dựng khuôn trình tường, cũng chọn ngày tốt hợp với tuổi của chủ nhà để làm. Công việc này khá quan trọng, vì thế phải nhờ nhiều người và đòi hỏi có một vài người biết xếp đá, còn những người khác thì giúp chủ nhà khuân đá từ trên rừng về.

     Sau khi đào móng nhà xong, tiến hành dựng khung nhà. Công việc đầu tiên là dựng cột chính (châu lụ), dựng 2 vì ở giữa, sau đó đến vì bên gian thờ và vì bếp dựng sau cùng.

     Ngày cất nóc (leng ninh) trùng với ngày dựng khung nhà. Cây nóc được chọn kĩ lưỡng cùng với cây cột chính. Khi đục cây nóc cần phải làm lễ cúng: có một miếng vải đỏ, tiền, thóc. Chọn ở điểm giữa cây nóc để đục thành một miếng có 6 – 8 cạnh. Sở dĩ có điều này vì người Pu Péo quan niệm số 6, số 8 trong xây dựng nhà cửa, chuồng trại sẽ mang lại nhiều may mắn, ngôi nhà mình ở sẽ được lâu dài, vững chắc. Chăn nuôi sẽ sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt. Bởi vậy họ có câu nói:

Vặc ninh năm li tủ mà lư
Vặc giổ năm lỉ tủ mà hăm
(Làm nhà không thể thiếu số 8
Làm chuồng không thể thiếu số 6)

     Công đoạn tiếp theo là chọn đất trình tường: Chủ nhà nhờ một vài người đàn ông trong làng đi tìm chỗ đất tốt để trình tường. Trước hết là chọn ngày đi tìm đất làm bếp, người Pu Péo chọn ngày Mộc vì theo quan niệm “Mộc sinh hoả”, sau này gia đình sẽ ăn nên làm ra; đặc biệt kiêng đi chọn đất làm bếp vào ngày Thuỷ vì nước sẽ làm dập tắt bếp, sau này làm ăn không thuận lợi. Chọn chỗ có nhiều đất vàng, dẻo, mịn không lẫn nhiều đá. Không chọn chỗ đất đen, đất xốp vì các loại đất này không dẻo, sau này khi trình sẽ không kết dính được với nhau, tuổi thọ của tường giảm.

     Trong công đoạn trình tường, người Pu Péo thường thuê thợ người Hán đến làm, tính theo ngày để trả công cho họ hoặc thuê thợ người Pu Péo. Khuôn để trình tường được làm bằng gỗ, chiều dài 2 mét; rộng 70cm, bịt kín 1 đầu, còn 1 đầu hở. Khi đổ đầy đất vào trong khuôn, người thợ nhét nốt miếng ván vào đầu hở còn lại của khuôn rồi lấy quả dọi giã, lèn đất thật kĩ, nếu không sau một thời gian ngắn tường sẽ bị nứt thành mảng nhỏ. Dưới chân tường đặt một lớp đá dày khoảng 20cm để tránh chân tường tiếp xúc với nước mưa. Liên tiếp các khuôn đất được trình, theo hướng từ trái sang phải và trình tường ở gian bếp thiêng trước. Khi trình được vài ngày thì nghỉ 1 lần để chít tường và cũng là thời gian để các khuôn đất kết dính với nhau. Trình hết tầng 1 thì dừng lại 20 ngày mới làm tiếp tầng hai. Khi trình xong, đến khuôn đất cuối cùng, trước khi hạ khuôn xuống, người thợ trình tường gọi chủ nhà ra đón và đỡ khuôn xuống.

     Thời xưa, người Pu Péo lợp mái bằng cỏ gianh, rơm, lá ngô, vỏ cây. Sau này, bà con Pu Péo biết nung ngói máng (piêu thoòng). Lợp mái chỉ tiến hành trong 1 ngày vì nếu làm trong nhiều ngày, gặp mưa sẽ làm hỏng tường. Bên cạnh mái hiên của người Pu Péo luôn làm hai góc nhỏ dựng lên tượng trưng cho hình hai con sư tử (pà sự), ở đỉnh giữa mái lợp nhiều lớp ngói theo hình con rồng (tiếng ngước). Biểu tượng này tượng trưng cho sự mạnh mẽ, quyền lực mong muốn sau này ngôi nhà của mình lúc nào cũng vững chắc, làm ăn phát triển.

     Khi làm cửa, chủ nhà cũng chọn ngày tốt hợp với tuổi của mình để làm. Làm cửa cũng rất quan trọng, đặc biệt là cửa chính (chung lủ) phải xem ngày, xem giờ tốt vì nếu làm vào giờ xấu thì chủ nhà sẽ gặp điều không may, làm ăn không thuận. Cửa chính làm trước, sau đó đến các cửa khác.

     Làm xong các công đoạn của ngôi nhà, chủ gia đình tìm ngày để làm lễ cúng nhà mới (sẩy ninh ruổng) và phải mời thầy cúng đến. Đối với người Pu Péo, lễ cúng nhà mới là nghi thức quan trọng nhất trong các lễ thức liên quan đến việc làm nhà. Thời gian về nhà mới thường được tiến hành vào lúc sang đêm, từ khi gà mới gáy lần thứ nhất. Trước khi cúng để chuyển sang nhà mới, thầy cúng phải thắp hương cúng tổ tiên ở nhà cũ để xin về nhà mới. Lễ cúng nhà mới gồm có 2 con lợn, gà (tuỳ thuộc vào nhà xem có bao nhiêu người già mất đi mà cúng bấy nhiêu con gà, ví dụ nếu nhà có 2 người đã mất thì cúng 2 con gà), bát hương (lẩu siêng), xôi, hũ (tương ứng với số người mất trong gia đình), những chiếc hũ này có đậy một lá pê pẩu lên trên, cắm một đôi đũa/một hũ có ý nghĩa là che đậy cho các cụ, báo hiệu làm nhà mới cho tổ tiên biết, các hũ này được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Hôm đó, chủ nhà cũng chuẩn bị một con gà để cúng thần bếp mới. Khi thầy cúng làm lễ xong ở bếp và bàn thờ tổ tiên thì chủ nhà bày cỗ để bà con họ hàng, láng giềng đến chúc mừng, ăn uống.

     1.3. Không gian sinh hoạt

     Nhà của người Pu Péo thường có một cửa chính (chu lủ) và một cửa phụ (chu nọi) bên gian bếp. Như đã trình bày ở trên, trong nhà người Pu Péo thường có hai bếp, một gian bếp để thờ tổ tiên gọi là “bếp thiêng”. Bếp thiêng thường đặt một ấm đồng đun nước dùng để cúng và mỗi ngày phải nổi lửa một lần, bếp thiêng được bố trí một gian riêng bên phía đông. Bếp thứ hai là bếp nấu ăn hàng ngày, được bố trí bên gian phía tây.

     Nhìn vào hình 1, ở gian bếp thiêng có bàn thờ tổ tiên (Tờ giá) đặt phía trên tường, ở dưới bàn thờ bao giờ cũng có một chiếc giường gỗ. Chiếc giường này chỉ có đàn ông mới được ngồi và ngủ ở đó hoặc khi bày lễ cúng thì đặt trên bề mặt của chiếc giường này. Con gái chưa chồng thì được vào gian bếp thiêng nhưng tuyệt đối không được ngồi lên giường trên, con gái đã đi lấy chồng thì tuyệt đối không được vào gian này vì họ quan niệm, con gái đi lấy chồng là con cháu của nhà khác, không phải con của nhà mình nữa. Đối với con dâu có thể vào gian này để lau dọn. Khi có việc họp bàn gia đình ở gian này thì nam giới được ngồi ở bên trên (bàng lư) của chiếc giường gỗ, nam thanh niên ngồi hai bên cạnh, người già thì ngồi ở vị trí giữa; nữ giới ngồi ở dưới sàn nhà.

Hình 1: Sơ đồ mặt bằng sinh hoạt tầng một nhà ông Củng Dìu Xuyền (xóm Củng Trá, thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)

     Bếp (pờ sâu) của người Pu Péo được quan niệm luôn có thần linh trú ngụ ở đó để bảo vệ và giữ của cho gia đình mình. Riêng bếp ở gian thiêng thì chỉ dùng để nấu nước, mùa đông thì đốt lửa sưởi ấm hoặc có khi những người đàn ông trong gia đình quây quần lại bên bếp, uống rượu, nói chuyện vào những dịp lễ tết. Ở một góc bên cạnh bếp bao giờ cũng có một chỗ để cắm hương cúng thần bếp. Vào những ngày rằm, mồng một hay lễ, tết chủ nhà phải cúng và thắp hương ở các vị trí bếp thiêng, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ các vị thần khác.

     Gian giữa (thuông lơ min): Để tiếp khách đến chơi và để ăn uống. Một số nhà làm bàn thờ thiên địa ở gian này. Đằng sau gian giữa là cầu thang lên nhà (cung lèn dáng). Khi đặt cầu thang, chủ nhà phải xem giờ, nếu không chọn thì chủ nhà sẽ bị đau mắt, con cháu mình cũng bị bệnh về mắt.

     Nhà có hai tầng, tầng hai để chứa lương thực, ngô, khoai tây, công cụ lao động và có thể làm phòng ngủ cho con trai trong nhà. Phòng ngủ có thể ở gian giữa, tuy nhiên không được đứng hay ngủ phía trên gian thờ tổ tiên. Tầng hai của ngôi nhà trình tường được coi là không gian phụ và chỉ được lát ván một phần. Các gian gác trên đều có cửa sổ, riêng gian giữa ở gác trên có hai cửa sổ (thao mừn), vì đây được coi như đôi mắt của ngôi nhà, bố trí tương ứng với cửa chính dưới tầng một. Đối với việc đi lên gác, người Pu Péo đặc biệt kiêng không cho khách là nữ giới đã có chồng đi lên gác.

     Gian bếp có ngăn các phòng riêng làm phòng ngủ, tuỳ theo số thành viên trong gia đình mà bố trí phòng ngủ nhiều hay ít nhưng thường chỉ có từ 2 đến 3 phòng. Giữa các phòng này được ngăn bằng vách gỗ. Đây là nơi ngủ của các cặp vợ chồng trẻ, con gái và cháu gái.

     Điều dễ nhận thấy khi vào nhà của người Pu Péo, đó là không gian sinh hoạt của họ được bố trí giống nhau và theo mô thức của những ngôi nhà truyền thống, biểu hiện cụ thể là ở các gian, không gian thiêng, bếp, những kiêng kị trong ngôi nhà… mặc dù nhìn bề ngoài, những nguyên liệu tạo nên ngôi nhà phần nào đã có sự biến đổi.

2. Trang phục

     2.1. Y phục của phụ nữ (bọc duộm)

     Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí trên y phục chủ yếu bằng cách ghép các miếng vải màu lại với nhau, tóc vấn trước được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài phủ tấm khăn vuông, có trang trí hoa văn nhiều sắc màu sặc sỡ. Trang phục của phụ nữ Pu Péo có 3 phần: Áo (bọc), váy (dong), yếm (pươi). Khi mặc trang phục sẽ theo trật tự: mặc váy (khi mặc váy phải chui từ đầu xuống không được đặt váy xuống chân xỏ vào vì người Pu Péo cho rằng mặc như vậy sẽ bẩn váy mà trang phục của họ thường không giặt, chỉ phơi nắng), buộc yếm, mặc áo trong, mặc áo ngoài, vấn khăn.

     – Áo (bọc)

     May áo: chuẩn bị miếng vải màu đen, 2 mét vải đủ để may một chiếc áo phụ nữ. Miếng vải gấp thành 4, khoét miếng vải nách (miếng vải này có thể tận dụng để nối vào tay áo). Lấy một miếng vải thứ 5 khâu liền với miếng vải thứ 4. Tạo khuy áo: Nếu là phụ nữ có chồng thì chỗ khuy áo (cờ chặt bọc) ở điểm vai xuống phải làm một đôi với quan niệm có đôi có lứa, trên chiếc áo, số khuy áo bao giờ cũng làm chẵn, thông thường có 6 – 8 cái. Phụ nữ chưa có chồng ở đoạn gần vai chỉ làm một cái khuy và số khuy áo luôn là số lẻ, thường có từ 5 – 7 cái. Sau đó khâu vải hoa có màu nổi bật lên phía trên, bắt buộc phải có màu đỏ vì khi kết hợp với các màu khác tượng trưng cho sự hoà hợp âm dương.

     Cánh tay có 3 miếng vải đen khâu với nhau, mỗi miếng 3cm. Trên đoạn ống tay, người ta trang trí 4 miếng vải màu khác nhau. May ống tay áo đoạn còn lại và cách cổ tay khoảng 7cm có trang trí một miếng vải màu hoa nổi rồi may tiếp cổ áo. Ở cổ cũng được đệm một miếng vải ở bên ngoài.

     – Áo khoác ngoài (bọc cạ)

     Hình thức khâu cũng tương tự như chiếc áo trong, tuy nhiên vì đây là áo khoác ngoài nên không cần khâu khuy áo, chỉ cần làm hai chiếc dây khoác ngực để buộc vào. Chiếc áo khoác ngoài được trang trí hoa văn rất tỉ mẩn. Họ cắt từng miếng vải nhỏ thành hình tam giác, gập lại thành hình vuông, hình chữ nhật và khâu lên nẹp áo. Các hoa văn trang trí ở bọc cạ giống như các hoạ tiết ở chân váy. Bọc cạ không may cổ áo mà được gắn liền với nẹp áo (méo bọc cạ). Nẹp áo gồm năm đường hoa văn may từ cổ dọc xuống thân áo và may tiếp sang bên vạt đuôi áo tạo thành hình chữ L. Đường hoa văn phía ngoài cùng của thân áo được đính các đoạn vải khác nhau, kích thước nhỏ, tạo thành dải màu đỏ, trắng, xanh vàng xen kẽ. Đường hoa văn tiếp theo nằm ở phía trong là những hình chữ nhật, hình vuông với nhiều màu sắc đa dạng, dài khoảng 40cm, rộng 2cm. Ở bên trong các hình này, người ta đính thêm các hình tam giác, hình vuông nhỏ tuỳ theo ý thích của người trang trí. Bên cạnh đường hoa văn này là một dải hoa văn màu xanh cốm khoảng 0,5cm có thêu hình hoa, lá, hình con bướm ở trên. Đường hoa văn này chỉ kéo dài đến chân nẹp áo và không được vắt sang ngang phía vạt áo bên kia. Liền bên đường hoạ tiết này là một dải hình trang trí có kích thước và màu sắc giống như đường hoa văn phía ngoài cùng. Đường hoạ tiết được ghép lại bởi các hình tam giác nhỏ với màu hồng, màu đỏ là chủ đạo tạo thành hình răng cưa chính là dải hoa văn phía trong cùng. Hình dáng các miếng vải màu ghép trên nẹp áo rất đa dạng và có kích thước to nhỏ khác nhau, màu sắc phong phú xen kẽ nhau tạo thành một tổng thể rực rỡ và nổi bật trên nền vải đen.

     – Váy (dong): Một chiếc váy cần 4 mét vải để khâu. Phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu xoè rộng (không xếp nếp). Họ rất tinh tế trong việc tạo những bố cục cân đối trên y phục, đặc biệt họ thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại để làm chất liệu trang trí và gây ấn tượng mạnh. Người thợ khâu trên trang phục các dải hoa văn chắp ghép bằng vải màu xanh, đỏ, trắng, tím vàng, nổi lên rực rỡ viền quanh 2 tà áo; hình quả trám phủ trước váy, quanh gấu váy và trên khăn đội đầu. Những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các hoạ tiết hình mào gà, mặt trời thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái. Mặt Trời và những quan niệm Âm – Dương biểu thị nguồn gốc tộc người, phồn vinh của con người và vạn vật trong vũ trụ. Nhìn tổng thể, hoa văn chủ đạo trên trang phục của người Pu Péo là hình tam giác, họ cho rằng hình này tượng trưng cho ngọn lửa cháy. Việc cắt ghép những miếng vải tạo hoa văn trang trí cho trang phục của phụ nữ Pu Péo hoàn toàn thủ công, không gò bó và theo sự sắp xếp bắt buộc nào. Tất cả những hoạ tiết hoa văn đó tuỳ thuộc vào sở thích, khả năng sáng tạo và sự khéo léo của người may.

     – Yếm (pươi): Người ta dùng một miếng vải 1,5 mét để may thành hai dải yếm, tuy nhiên khi thiết kế, yếm đằng trước bao giờ cũng dài hơn yếm đằng sau khoảng 15cm. Vải để làm yếm là mảnh vải có màu nổi. Yếm được buộc từ cạp váy để buông xuống chạm đến phần hoa văn của cạp váy trong. Dây buộc yếm làm bằng vải đen, rộng 2cm, dài 40 – 50cm đính ở hai đầu thân yếm và khi buộc thì thắt giấu vào trong vạt áo, 2 dây thắt của yếm sau được thắt buông ra phía trước.

     – Khăn (khặn)

     Chiếc khăn quấn đầu (khặn nhiêu) của phụ nữ Pu Péo làm bằng vải nâu, đen hoặc màu tím sẫm, dài khoảng 4 – 5m, rộng 30cm. Ở hai phía đầu khăn thêu chỉ màu hồng. Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn. Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên, sống lược gọt cong hình hai chiếc sừng; ngoài ra họ còn đội khăn trong những dịp lễ tết hay tiếp khách, chiếc khăn này cũng mang những hoa văn hình học nhiều màu sắc xếp liền nhau. Cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hoá riêng biệt của người Pu Péo. Thiếu nữ Pu Péo chưa chồng thì cuốn kín hết khăn, còn khi làm cô dâu thì cuốn để thưa ra một đoạn khăn khoảng 15cm buông xuống. Phía ngoài, họ có thể buộc thêm một chiếc khăn vuông màu hồng hoặc màu đỏ.

     Khăn đội đầu (pươi tô) được làm bằng vải đen. Chiếc khăn này có hình vuông, khi đội có thể gấp đôi lại. Trên nền của mảnh vải đen, người ta ghép nhiều mảnh vải với các màu sắc khác nhau.

     Những miếng ghép này được khâu kín khoảng nửa chiếc khăn để tạo nên một tổng thể hoa văn rực rỡ nhiều màu sắc. Trên các góc khăn của phụ nữ Pu Péo còn được đính một số hạt nhôm nhỏ hoặc hạt cườm để trang trí. Do kĩ thuật làm cầu kì và mất nhiều thời gian nên hiện nay chiếc khăn này còn rất ít người lưu giữ được. Loại khăn này được dùng trong các dịp quan trọng là các đám hiếu, đám hỉ hoặc các dịp lễ, tết, hội họp, v.v.

     – Đồ trang sức:

     Với đồng bào Pu Péo, trang sức không chỉ là những đồ vật trang điểm cho con người vào các dịp quan trọng của đời người như cưới xin, tang ma hay lễ hội… mà còn có ý nghĩa giúp con người tránh được sự quấy nhiễu, làm hại của ma quỷ, đồng thời phản ánh điều kiện, khả năng kinh tế của từng cá nhân, gia đình trong xã hội. Đồ trang sức của phụ nữ Pu Péo gồm có nhiều loại vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn. Bình thường nam giới không mang trang sức, nhưng trong những ngày cưới họ đeo vòng tay hoặc vòng cổ.

     2.2. Y phục của đàn ông (Con pọk cờ pạ)

     Nếu bộ y phục của phụ nữ được may cẩn thận, công phu và tỉ mẩn với các kiểu dáng, hoạ tiết, màu sắc thì bộ y phục của đàn ông lại rất đơn giản. Đàn ông Pu Péo thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm hoặc áo xanh, quần đen. Áo của đàn ông Pu Péo được may dài đến quá đầu gối, vạt áo trước ngắn hơn vạt áo sau khoảng 15cm, áo được thiết kế cài khuy ở bên sườn và dưới vai. Bộ y phục đặc biệt ở chỗ ống cổ tay được may rộng khoảng 30 – 40cm. Chiếc áo này được mặc vào các dịp lễ, tết, cưới xin, ma chay. Chú rể trong ngày đón dâu cũng phải mặc kiểu áo dài để vái lạy tổ tiên và cha mẹ. Quần được may đơn giản, may suông, có thắt chun ra phía trước. Cạp quần là một mảnh vải rời nối vào thân quần và được để buông, không dùng rải rút như một số kiểu quần của các dân tộc khác.

Trang phục nữ của dân tộc Pu Péo. Ảnh minh họa (Ban tu thư sưu tầm) – Nguồn: https://dantocmiennui.vn
Trang phục nam, nữ dân tộc Pu Péo. Ảnh minh họa (Ban tu thư sưu tầm) – Nguồn: https://dantocmiennui.vn
3. Một vài nhận xét

     Văn hoá truyền thống là tài sản quý giá, là niềm tự hào của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, để tạo nên bức tranh văn hoá chung, chúng ta phải khẳng định rằng luôn có sự cộng hưởng của những mảng màu độc đáo từ 54 dân tộc anh em, trong đó văn hoá truyền thống của người Pu Péo là một mảng màu không thể thiếu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay dưới sự tác động của nhiều nhân tố kinh tế – xã hội đã làm cho một số đặc điểm văn hoá truyền thống của dân tộc Pu Péo bị tác động và có xu hướng biến đổi.

     Ngày nay, các thôn xóm của người Pu Péo thường có quy mô nhỏ. Do số dân ít, lại cư trú phân tán, hiện tượng xen cư của dân tộc này diễn ra khá phổ biến, theo kiểu một hoặc hai xóm Pu Péo ghép vào các bản của người người Cơ Lao, người Hmông hoặc sống gần người Kinh… nên xu hướng học tập cách làm nhà của các dân tộc khác cũng diễn ra phổ biến. Thôn Chúng Chải hiện nay có tất cả 29 ngôi nhà của Pu Péo. Tuy nhiên, theo nhận định của những người dân tại đây thì cả thôn chỉ còn một ngôi nhà của ông trưởng thôn Củng Phủ Suẩn là mang dáng dấp của kiến trúc cổ, còn lại ngôi nhà của các gia đình khác đều được dựng bằng các nguyên liệu mới như gạch, xi măng thay cho tường đất; mái lợp bằng những tấm lợp xi măng thay cho ngói âm dương,…

     Nếu như trước đây người Pu Péo thường làm theo kiến trúc hai tầng giống người Hoa, mái nhà chủ yếu được lợp bằng cỏ tranh thì hiện nay, mái nhà được lợp bằng ngói máng (ngói âm dương) hoặc ngói Tây. Ngày nay, các ngôi nhà làm theo kiểu người Việt chỉ có một tầng, kiểu kiến trúc vẫn tương đối chuyên biệt. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng nhà ở của người Pu Péo mặc dù có sự tiếp nhận các nguyên vật liệu mới từ thị trường để dựng nhà, song về quy cách, nghi lễ dựng nhà hay cách bố trí không gian của họ vẫn giữ được những nét truyền thống.

     Về trang phục của người Pu Péo có sự biến đổi rõ rệt, trước hết là nguyên liệu và quan niệm trong ăn mặc. Trước kia, bộ y phục được may bằng vải bông tự dệt và nhuộm chàm; ngày nay hầu hết đều mặc vải công nghiệp. Trong những năm gần đây, phụ nữ Pu Péo có xu hướng sử dụng những mảnh vải mầu in hoa công nghiệp hiện đại để cắt, ghép hình trang trí kỉ hà trên trang phục. Dường như trong tâm thức, người ta muốn đưa sự tươi mát, đường nét mềm mại uyển chuyển của tự nhiên mà họ tìm thấy sẵn trên các mẫu hình in hoa công nghiệp hiện đại, bổ sung cho trang trí cổ truyền. Song cách làm đó đã phá vỡ tính thuần nhất của nghệ thuật trang trí. Đó là những dấu hỏi đặt ra cho các thế hệ sau về sự kế thừa và phát huy vốn trang trí truyền thống của người đi trước trao lại, nó báo hiệu cho sự thay đổi nhiều mặt trong trang trí y phục dân tộc trong tương lai.

     Điều đáng nói là, mỗi gia đình người Pu Péo hiện giờ vẫn còn lưu giữ được những bộ y phục truyền thống của dân tộc. Họ sử dụng những bộ y phục đó trong các dịp quan trọng của chu kì đời người, lễ, tết, hội bản,… Thiếu nữ Pu Péo giờ không còn mấy người biết dệt vải, song họ vẫn mua vải công nghiệp về và được mẹ, bà dạy cách cắt may, trang trí hoa văn bởi mỗi cô gái trước khi bước về nhà chồng đều phải tự may cho mình bộ y phục truyền thống mặc vào hôm đón dâu. Đây là một nét văn hoá quý báu mà người Pu Péo vẫn giữ được trong đời sống hiện đại.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Trần Văn Ái – Hoàng Hoa Toàn, Văn hoá người Pu Péo, NXB Văn hoá Dân tộc, 2006.

2. Đỗ Thị Hoà, Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Kađai, NXB Văn hoá Dân tộc, 2005.

3. Nguyễn Văn Huy, Góp thêm một số tài liệu về người Pu Péo, Văn hoá dân gian, số 4, 1973.

4. Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

5. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

NGUYỄN THỊ TÁM 1

___________
1. Viện Dân tộc học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Ảnh minh họa (Ban tu thư sưu tầm) – Nguồn: http://www.vinaculto.vn.